4
Sự Nhiệt Tình Ngu Ngốc
Những bất lợi của sự đúng lúc, của sự trì hoãn mang tính chiến lược, và của người đi đầu
“Đừng bao giờ để đến ngày mai những gì bạn có thể làm vào ngày kia.”
- Mark Twain
Đêm đã về khuya, trong phòng khách sạn của mình, một anh bạn trẻ đang nhìn chằm chằm vào một mẩu giấy trắng trên bàn. Lo lắng tăng dần, anh với tay lấy chiếc điện thoại và gửi một số ý tưởng cho người cố vấn đang ở phía dưới anh vài tầng, cũng là người mà sau đó chạy theo cầu thang bộ lên thẳng phòng anh để thảo luận về bài diễn văn sẽ thay đổi lịch sử. Vào lúc ba giờ sáng, anh bạn trẻ vẫn điên cuồng làm việc, “xương cốt mệt mỏi, toàn thân như muốn sụp đổ vì kiệt sức”. Đó là vào một đêm tháng Tám năm 1963, mặc dù cuộc tuần hành trên đường phố Washington vì việc làm và tự do đã được lên kế hoạch cho buổi sáng ngày hôm sau, nhưng Martin Luther King, Jr., vẫn chưa chuẩn bị xong bài diễn văn bế mạc.
“Ông ấy đã vật lộn với bài diễn văn ấy suốt cả đêm, không ngủ dù chỉ là chợp mắt một chút”, vợ của King, bà Coretta, nhớ lại. “Ông ấy là người phát biểu cuối cùng, và lời nói của ông sẽ được trình chiếu trên truyền hình, đài phát thanh tới hàng triệu người trên toàn nước Mỹ và khắp thế giới. Bài diễn văn ấy cực kỳ quan trọng vì nó sẽ lan truyền cảm hứng và sự sáng suốt đến mọi người.”
Cuộc tuần hành đã được loan báo đến báo chí hai tháng trước đó; và King biết nó sẽ là một sự kiện cực kỳ long trọng. Cùng với sự phủ rộng thông tin từ các phương tiện truyền thông, dự kiến sẽ có ít nhất hàng trăm ngàn người tham dự. Thêm vào đó, King cũng mời một số nhân vật tiếng tăm tham gia và hỗ trợ sự kiện. Những nhân vật tiếng tăm ấy bao gồm những người tiên phong đấu tranh cho các quyền tự do cá nhân như Rosa Parks và Jackie Robinson, các diễn viên Marlon Brando và Sidney Poitier, và các ca sĩ Harry Belafonte, Bob Dylan.
Có khá ít thời gian chuẩn bị cho bài diễn văn bế mạc nên theo lẽ tự nhiên, King bắt đầu viết nháp nó ngay lập tức. Vì mỗi diễn giả chỉ được cho năm phút nên ông cần phải đặc biệt cẩn trọng trong việc lựa chọn từ ngữ của mình. Những nhà tư tưởng vĩ đại trong suốt lịch sử – từ Benjamin Franklin đến Henry David Thoreau, đến nhà tư tưởng Martin Luther King, Jr. – đã nhận ra rằng mất nhiều thời gian để chuẩn bị một bài diễn văn ngắn hơn là một bài diễn văn dài. “Nếu đó là một bài diễn văn mười phút thì tôi sẽ phải mất cả hai tuần để chuẩn bị”, Tổng thống Woodrow Wilson cho biết. “Tôi có thể nói chuyện lâu như tôi muốn miễn là đừng đòi hỏi tôi phải chuẩn bị trước gì cả”. Nhưng King không bắt đầu viết ra bài diễn văn của ông cho đến sau mười giờ của đêm trước ngày diễn ra cuộc tuần hành.
Phụ huynh và giáo viên luôn không ngừng nài nỉ bọn trẻ bắt tay làm bài tập của chúng sớm hơn thay vì chờ đến phút cuối cùng mới lao vào làm. Thế giới của sự tự nỗ lực luôn chú trọng ngăn chặn sự trì hoãn. Nhưng nếu như động thái trì hoãn là nguyên nhân giúp King tạo ra bài diễn văn hay nhất của cuộc đời mình thì sao?
Trong công việc và cuộc sống, chúng ta thường được dạy rằng hành động sớm, nhanh chóng là chìa khóa thành công, bởi “người chần chừ sẽ bị mất mát”. Khi chúng ta có một nhiệm vụ ý nghĩa, chúng ta được khuyên là nên thực hiện nó trước thời hạn. Khi chúng ta có một ý tưởng độc đáo, như phát minh ra một sản phẩm mới hoặc khởi nghiệp, chúng ta được khuyến khích nên là người đi đầu. Tất nhiên, có những lợi thế rõ ràng về mặt tốc độ: chúng ta có thể chắc chắn sẽ hoàn thành những gì chúng ta bắt đầu và đánh bại đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Nhưng đáng ngạc nhiên thay, khi tôi nghiên cứu về sự độc đáo, tôi đã phát hiện được rằng những ưu điểm khi hành động nhanh chóng và là kẻ đi đầu trong mọi chuyện lại bị lấn át bởi rất nhiều bất lợi. Sự thực là loài chim thường dậy sớm để bắt sâu, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng con sâu này cũng dậy sớm nên mới bị bắt.
Chương này phân tích những câu hỏi khi nào chúng ta nên thực hiện hành động độc đáo. Khi bạn đang chuẩn bị chèo thuyền ngược dòng thủy triều, bạn có những lựa chọn về việc có nên bắt đầu ngay trước bình minh, hay đợi đến trưa, hoặc chờ cho đến hoàng hôn không. Mục tiêu của tôi ở đây là để xóa bỏ những giả định chung về thời gian bằng cách đánh giá những lợi ích bất ngờ của việc trì hoãn khi chúng ta bắt đầu và kết thúc một nhiệm vụ nào đó, cũng như khi chúng ta giải phóng ý tưởng của chúng ta vào thế giới này. Tôi sẽ thảo luận lý do tại sao sự trì hoãn có thể được xem trọng như là một điều kiện hỗ trợ cần thiết hoặc làm thế nào mà các doanh nhân khởi nghiệp lần đầu thường xuyên phải đối mặt với một trận chiến khó khăn, hay tại sao những nhà sáng tạo lão làng hơn đôi khi lại vượt trội những người trẻ hơn, và lý do tại sao các nhà lãnh đạo – những người sẵn sàng thay đổi một cách hiệu quả lại là những người kiên nhẫn chờ đợi đúng thời điểm mới hành động. Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro khi trì hoãn như vậy, nhưng bạn cũng sẽ thấy rằng chờ đợi cũng có thể làm giảm rủi ro bằng cách ngăn bạn đặt tất cả trứng của mình vào một cái giỏ. Bạn không phải là người đầu tiên thể hiện sự độc đáo, và những sự độc đáo thành công nhất không phải lúc nào cũng tuân theo đúng lịch trình. Chúng luôn là bữa tiệc thịnh soạn đến muộn.
Một loại mật mã da Vinci khác
Gần đây, một sinh viên đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ có tư duy sáng tạo khác thường tên là Jihae Shin đến gặp tôi với một ý tưởng khác lạ: Sự trì hoãn có thể có lợi cho sự độc đáo. Khi bạn trì hoãn, bạn đang cố tình kéo dài thời gian cho nhiệm vụ bạn cần phải làm. Bạn có thể nghĩ về nhiệm vụ đó, nhưng bạn trì hoãn tiến hành từng bước của công việc hoặc hoàn thành nó với năng suất thấp hơn. Shin đề xuất rằng khi bạn đặt ra một nhiệm vụ, bạn dùng thời gian của mình để suy xét thêm những suy nghĩ trái chiều chứ không phải chỉ là đoạt lấy một ý tưởng cụ thể. Kết quả là, bạn xem xét một loạt ý tưởng độc đáo và cuối cùng chọn lấy một hướng đi mới lạ. Tôi đã yêu cầu cô ấy kiểm tra ý tưởng mới lạ đó.
Shin yêu cầu các sinh viên đại học viết những đề xuất cho một doanh nghiệp với mong muốn xây dựng một cửa hàng tiện lợi ở nơi bị bỏ trống trong khuôn viên trường. Khi các sinh viên bắt đầu công việc ngay lập tức, họ có xu hướng đề xuất các ý tưởng thông thường về một cửa hàng tiện lợi giống như những cửa hàng tiện lợi khác. Khi Shin phân chia công việc ngẫu nhiên cho một số người tham gia, và trì hoãn bằng cách tách họ ra khỏi nhiệm vụ được giao rồi yêu cầu họ chơi trò chơi trên máy tính như Minesweeper, FreeCell và Solitaire, sau đó họ đã đưa ra nhiều ý tưởng kinh doanh mới lạ, như là nên xây dựng thêm vào một trung tâm dạy kèm và một cơ sở lưu trữ. Những người xếp hạng độc lập đã xem xét các đề xuất cuối cùng, mà không biết ai là những người đã trì hoãn thực hiện hay ai là những người bắt đầu ngay lập tức. Các đề xuất từ những người trì hoãn được đánh giá là sáng tạo hơn đến 28%.
Mặc dù chúng ta thực sự hào hứng với những kết quả này nhưng chúng tôi lại lo ngại rằng sự trì hoãn không phải là nguyên nhân thực sự của sự sáng tạo. Có thể nguyên do là chơi game giúp tạo ra sự kích thích tinh thần, khiến mọi người có năng lượng để suy nghĩ sáng tạo hơn, hoặc chỉ đơn giản là để họ nghỉ ngơi, thoát khỏi công việc để tự do suy nghĩ. Nhưng các thử nghiệm cho thấy không phải chơi game hay nghỉ ngơi thư giãn thúc đẩy sự sáng tạo. Khi những sinh viên tham gia thí nghiệm chơi game lần đầu tiên, trước khi tìm hiểu về công việc, họ không nộp được đề xuất nào mới lạ hơn. Để làm được điều đó, họ cần thực sự được trì hoãn trong khi chơi game, nhưng vẫn giữ nhiệm vụ nghĩ ra các ý tưởng kinh doanh ở phía sau tâm trí của họ. Khi họ bắt đầu công việc ngay lập tức, và sau đó nghỉ ngơi một chút trước khi trở lại với công việc, họ có nhiều thay đổi tích cực hơn để bắt đầu lại lần nữa. Điều này chỉ xảy ra khi họ bắt đầu suy nghĩ về nhiệm vụ và sau đó cố tình trì hoãn vì họ cần xem xét nhiều khả năng trong tương lai và tạo ra những ý tưởng sáng tạo hơn. Tiến trình trì hoãn giúp họ dành nhiều thời gian hơn để xem xét những cách khác nhau nhằm hoàn thành nhiệm vụ công việc, chứ không phải là “khoanh vùng và đóng băng” vào một chiến lược cụ thể nào đó.
Những phát hiện của Shin có đúng trong thế giới thực không? Để tìm ra câu trả lời, cô thu thập dữ liệu từ một công ty nội thất Hàn Quốc. Những nhân viên nào thường xuyên trì hoãn công việc sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau và được sếp đánh giá là có những sáng tạo đáng kể. Tuy nhiên, sự chần chừ không phải lúc nào cũng thúc đẩy sự sáng tạo. Nếu các nhân viên không tự mình nỗ lực để giải quyết một vấn đề lớn, sự trì hoãn chỉ kéo tuột mọi thứ lại phía sau. Nhưng khi họ đam mê, háo hức đón đầu những ý tưởng mới đến, việc thoát khỏi công việc sẽ dẫn họ đến các giải pháp sáng tạo hơn.
Sự trì hoãn có thể là kẻ thù của năng suất, nhưng nó có thể là một nguồn lực cho sự sáng tạo. Một thời gian rất lâu trước khi con người hiện đại bị ám ảnh bởi hiệu quả công việc từ cuộc cách mạng công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của những người theo đạo Tin Lành, các nền văn minh đều công nhận những lợi ích của sự trì hoãn. Trong thời Ai Cập cổ đại, có hai động từ khác nhau nói về sự trì hoãn: một từ chỉ sự lười biếng có chủ đích; một từ chỉ sự chờ đợi đúng thời điểm.
Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà tư tưởng và nhà phát minh độc đáo nhất trong lịch sử đã từng là những người trì hoãn. Một ví dụ điển hình là Leonardo da Vinci, người có những thành tựu độc nhất vô nhị trải rộng khắp các lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc đến kiến trúc, âm nhạc, toán học và kỹ thuật, địa chất học và bản đồ học, giải phẫu học và thực vật học. Các học giả ước tính rằng da Vinci đã vẽ bức Mona Lisa trong những khoảng thời gian gián đoạn nối tiếp nhau trong nhiều năm bắt đầu từ năm 1503, rồi ngừng vẽ dù nó chưa hoàn thành, và không hoàn tất nó cho đến khi ông qua đời vào năm 1519. Các nhà phê bình cho rằng ông đã hời hợt và lãng phí thời gian của mình với các thí nghiệm quang học và nhiều vấn đề xao nhãng khác khiến ông không thể hoàn thành bức tranh sớm được. Dù vậy, những xao nhãng này hóa ra lại giúp ông phát hiện ra những điểm độc đáo sống còn của mình. Như sử gia William Pannapacker giải thích:
Ví dụ, các nghiên cứu của Leonardo về cách ánh sáng đập vào quả cầu như thế nào giúp tạo ra mô hình ánh sáng liên tục của bức tranh Mona Lisa và St. John the Baptist. Công việc của ông trong lĩnh vực quang học có thể đã làm trì hoãn dự án, nhưng thành tựu cuối cùng của ông trong hội họa lại phụ thuộc vào những trải nghiệm quang học này... Thay vì tránh khỏi sự xao nhãng, giống như nhiều tư tưởng cùng thời ông sống, những ý tưởng của ông đại diện cho thời đại của ý tưởng xuất chúng, một công trình độc lập tách ra khỏi những ý tưởng cũ mà các công trình nổi tiếng khác của ông đã dựa vào... Nếu sự trì hoãn sáng tạo được áp dụng một cách có chọn lọc và ngăn Leonardo khỏi việc hoàn thành một vài nhiệm vụ ít quan trọng hơn để công trình của ông được hòa nhập với những giá trị hài hòa cốt lõi trước khi hoàn thành, thì chỉ có những kẻ tầm thường vì trót sùng bái trường phái sản xuất hiệu quả mới có thể chê trách ông vì sự trì hoãn đó. Trường phái sản xuất hiệu quả thông thường đòi hỏi phải có nguyên tắc làm việc rõ ràng theo thông lệ. Nó sẽ không bị thay đổi bởi bất kỳ thứ gì. Nhưng một thiên tài thì không thể bị kiểm soát và không gì có thể kiểm soát được họ. Bạn không thể sắp đặt lịch làm việc hay phác thảo công việc cho một thiên tài được.
Da Vinci đã mất khoảng mười lăm năm phát triển những ý tưởng về bức tranh The Last Supper trong khi làm việc với hàng loạt dự án khác. Bức tranh lúc đầu được vẽ phác họa với hình ảnh các nhân vật ngồi trên một băng ghế dài. Hàng chục năm sau đó, nó đã trở thành nền tảng cho một trật tự sắp xếp mới theo chiều ngang với mười ba chỗ ngồi tại bàn trong bức tranh nổi tiếng đó. Mặc dù ông cũng thường phát cáu lên với sự trì hoãn của mình nhưng da Vinci nhận ra rằng cái gì độc đáo thì không thể vội vã. Ông lưu ý rằng “những người có tố chất thiên tài đôi khi họ thành công nhất là lúc họ làm việc ít nhất, vì họ đang nghĩ thoát ra khỏi những khám phá của mình và hình thành trong tâm trí họ ý tưởng về sự hoàn hảo1”.
1 Sự trì hoãn đặc biệt có lợi cho sự sáng tạo khi nó để chúng ta giải quyết các vấn đề ở những thời điểm mà chúng ta không biết phải tập trung vào đâu. Hai nhà tâm lý học Mareike Wieth và Rose Zacks đã tiến hành khảo sát các sinh viên về việc liệu họ có phải là những con người hoạt động vào buổi sáng hay là cú đêm, và sau đó đưa cho họ những vấn đề cần được phân tích và những vấn đề cần sự thấu hiểu để họ giải quyết vào lúc tám giờ sáng hoặc bốn giờ ba mươi phút chiều. Các sinh viên đều làm tốt ngang nhau trong việc giải quyết các vấn đề cần phân tích nếu họ không bị phụ thuộc vào thời gian. Nhưng với những vấn đề cần sự sâu sắc, thấu hiểu thì những con cú đêm lại làm tốt hơn vào buổi sáng sớm, và những người hoạt động vào buổi sáng thì lại làm tốt hơn vào buổi chiều muộn. Một trong những vấn đề cần sự sâu sắc, thấu hiểu yêu cầu các sinh viên thực hiện là giải thích làm thế nào một người buôn đồ cổ nhận ra một đồng xu bằng đồng là đồ giả. Đồng tiền có hình đầu hoàng đế ở một mặt và thời điểm 544 B.C. ở mặt kia. Khi họ hoàn toàn tỉnh táo, họ có tư duy tuyến tính quá mức – loại tư duy ngăn họ bắt gặp những ý tưởng mới lạ. Khi họ buồn ngủ, họ cởi mở hơn để có những suy nghĩ ngẫu nhiên và có khoảng hơn 20% người đột nhiên nhớ ra chữ B.C. là viết tắt của “Trước thời điểm Chúa Jesus sinh ra”. Vì thời điểm đó Chúa Jesus chưa được sinh ra, nên đồng tiền chỉ có thể được đúc trong khoảng thời gian từ hơn nửa thiên niên kỷ sau đó. Nếu bạn đang cảm thấy bị áp lực khi thực hiện một công việc sáng tạo lúc đang hoàn toàn tỉnh táo, để có lợi cho công việc sáng tạo, bạn có thể trì hoãn nó cho tới lúc bạn thấy hơi buồn ngủ một chút. (Adam Grant)
Nguyên tắc của việc trì hoãn
Sự chần chừ hóa ra lại là một thói quen phổ biến của các nhà tư duy sáng tạo và các chuyên gia thượng thừa trong việc giải quyết vấn đề. Hãy xem những người chiến thắng tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khoa học”, một cuộc thi được biết đến như là “Siêu cúp bóng bầu dục trong khoa học” dành cho học sinh trung học tại Mỹ. Một nhóm nghiên cứu do nhà tâm lý học Rena Subotnik lãnh đạo đã phỏng vấn những nghệ sĩ ưu tú hơn một thập niên sau những chiến thắng của họ, khi đó họ mới qua tuổi ba mươi, để hỏi xem họ có thường trì hoãn trong những thói quen hằng ngày, trong các công việc đòi hỏi sự sáng tạo, cũng như trong đời sống xã hội và hành vi sức khỏe hay không. Có đến hơn 68% người được khảo sát thừa nhận họ đã trì hoãn ít nhất hai trong bốn lĩnh vực. Sự trì hoãn được chứng minh sẽ mang đến hiệu quả cho công việc sáng tạo.
Các ngôi sao trong giới khoa học “đã sử dụng sự trì hoãn như một cách ấp ủ ý tưởng nhằm ngăn chặn việc lựa chọn quá sớm ý tưởng cho một vấn đề hay giải pháp”. Như nhà khoa học giải thích: “Thường thì khi tôi đang trì hoãn, tôi cảm thấy giống như có lửa thiêu đốt trên lưng và tôi cần thời gian để hoàn tất nó”. Một người khác nói: “Trong công việc khoa học, ý tưởng cần thời gian để chín muồi”, và sự trì hoãn là một cách “kiềm chế sự thôi thúc phải đáp ứng công việc một cách vội vã”. Sau khi nghiền ngẫm những cuộc phỏng vấn với các nhà tư tưởng và những nhà thực hành sớm nhận thức được vấn đề, nhóm của Subotnik đã đưa ra một kết luận gây tò mò. Họ viết: “Nghịch lý là, những người đang trong tình trạng khẩn cấp nhất hoặc là trong trạng thái khoan thai nhất... là những người dường như trì hoãn công việc nhiều nhất trong lĩnh vực sáng tạo”.
Trong lịch sử nước Mỹ, có lẽ chỉ có một bài diễn văn nổi tiếng tương đương bài diễn văn của King, đó là bài diễn văn của Abraham Lincoln ở Gettysburg. Chỉ với hai trăm bảy mươi hai từ, Lincoln đã định hình cuộc Nội chiến như là một yêu cầu tìm kiếm sự tự do và bình đẳng được tuyên thệ trong Tuyên ngôn Độc lập. Lời mời phát biểu bài diễn văn chính thức được gửi đến tay Lincoln trước đó hơn hai tuần. Vào ngày trước khi khởi hành đến Gettysburg, vị tổng thống mới chỉ soạn được một nửa bài diễn văn. Thư ký của ông, John Nicolay, đã viết rằng Lincoln “có lẽ đã làm theo thói quen suy nghĩ cẩn trọng thông thường của ông trong các vấn đề như vậy để sắp xếp các suy nghĩ của mình, khuôn đúc nên những cụm từ bằng cách lẩm nhẩm trong miệng, thong thả viết và biến đổi chúng cho đến khi chúng có được hình thức hoàn thiện”. Cuối cùng, Lincoln đã không viết đoạn kết cho đến đêm trước khi phát biểu bài diễn văn vào buổi sáng hôm sau. Ông thong thả chờ đợi vì ông muốn phát triển một chủ đề hấp dẫn nhất.
Vào những ngày đầu hè trước khi phát biểu bài diễn văn “I have a dream”, King đã hỏi ba cố vấn thân cận gợi ý một vài lời khuyên về nội dung và giọng điệu phù hợp cho bài diễn văn. Sau đó, King đã có một cuộc đối thoại mở về bài diễn văn với Clarence Jones, luật sư đồng thời là người viết diễn văn cho ông. Tiếp đó, King còn hỏi Jones và nhà hoạt động khác để bắt đầu viết bản dự thảo cho bài diễn văn.
Trong những tuần tiếp theo, King chống lại sự cám dỗ phải giải quyết sớm một chủ đề hoặc hướng đi nào đó. Ông đợi đến bốn ngày trước khi cuộc tuần hành thực sự diễn ra để chủ động bắt đầu viết bài diễn văn. Đêm trước ngày tuần hành, ông tập hợp một nhóm cố vấn để cùng nhau xem lại bản phác thảo. Như Jones nhớ lại, King “đã nói rằng điều này là ‘một cột mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh dân quyền của chúng ta’, chúng ta nên cố gắng hết sức để có được những ý tưởng hay nhất” từ các nhân vật chủ chốt của phong trào. King đã tổ chức cuộc họp này bằng việc giải thích lý do rằng ông “muốn xem xét lại các ý tưởng và tìm ra hướng tiếp cận tốt nhất”.
Bằng cách trì hoãn nhiệm vụ khai bút và củng cố thêm các chi tiết trước khi viết bài diễn văn, King đã khiến Jones có được những lợi thế từ hiệu ứng Zeigarnik. Năm 1927, nhà tâm lý học người Nga, Bluma Zeigarnik chứng minh rằng con người có trí nhớ tốt hơn cho việc không hoàn thành công việc. Bởi lẽ một khi công việc được hoàn thành, chúng ta sẽ ngừng suy nghĩ về nó. Nhưng khi nó bị gián đoạn và chưa thể hoàn thành, nó sẽ luôn hoạt động trong tâm trí chúng ta. Khi Jones so sánh bản dự thảo đầu tiên của ông với chủ đề cuộc thảo luận buổi tối hôm đó, “một điều gì đó đã hoạt động theo cách riêng của nó và vang lên từ sâu thẳm trong tiềm thức của tôi”2.
2 Tôi đã cố tình trì hoãn trong khi viết chương này. Thay vì hoàn thành phần này vào ngày như tôi đã lên kế hoạch, tôi tháo nó khỏi giá treo để nó lửng lơ ở đó, nghĩa là dừng lại ở giữa câu để trả lời những email. Sáng hôm sau, một ý tưởng chợt lóe lên trong trí óc tôi, hiệu ứng Zeigarnik có thể có lợi cho bài diễn văn. Đó là bài diễn văn có liên quan đến hiệu ứng Zeigarnik. Zeigarnik lẽ ra rất hài lòng khi thấy tôi nhớ đến nghiên cứu về trí nhớ đối với các nhiệm vụ chưa hoàn thành sau khi rời khỏi một công việc chưa hoàn thành của cô ấy. Tất nhiên, việc trì hoãn có thể kéo bạn đi quá xa. “Tôi yêu những thời hạn cho công việc”, Douglas Adams nói. “Tôi thích những âm thanh lạ bất ngờ mà chúng tạo ra khi chúng ghé thăm trí óc tôi”. (Adam Grant)
Bốn tháng trước đó, Jones đã gặp Thống đốc Nelson Rockefeller, một nhà hảo tâm đáng kính, người ủng hộ nhiệt tình các quyền tự do dân sự và đã tìm nguồn vốn để giải cứu King ra khỏi nhà tù Birmingham. Rockefeller đã mở một tài khoản ngân hàng vào ngày thứ Bảy và đưa cho Jones một chiếc cặp đựng 100 ngàn đô-la Mỹ. Theo quy định của ngân hàng, Jones phải ký vào một kỳ phiếu; và Rockefeller sẽ trả tiền cho kỳ phiếu đó. Hồi tưởng lại những trải nghiệm vào đêm trước khi diễn ra bài diễn văn của King, Jones nhận ra rằng các kỳ phiếu có lẽ là một ẩn dụ mạnh mẽ. Ngày hôm sau, King đã sử dụng nó ngay trong bài diễn văn của mình: “Khi những kiến trúc sư của nền cộng hòa viết nên những lời lẽ tuyệt vời của Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, họ đã ký vào một Ước thư... Nhưng rõ ràng ngày hôm nay, Nước Mẹ Hoa Kỳ đã thiếu nợ trước Ước thư ấy, đến mức những con dân da màu của Người phải âu lo”.
Cuối cùng, khi King nhắn nhủ Jones thực hiện bản thảo hoàn chỉnh, nó sẽ đi kèm với những ý tưởng theo ý của ông. Nhưng đó không chỉ là lợi ích hữu hình duy nhất của sự trì hoãn.
Bay bổng và lời cầu nguyện
Nửa thế kỷ trôi qua sau khi King phát biểu bài diễn văn quan trọng của mình, bốn chữ đầu đề bài diễn văn vẫn như được khắc sâu trong ký ức chung của mỗi chúng ta: “Tôi có một giấc mơ” (I have a dream). Những chữ này vẫn là một trong những cụm từ nổi tiếng nhất trong lịch sử hùng biện của nhân loại, vì nó đã vẽ nên bức chân dung sinh động cho một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng ý tưởng “giấc mơ” chưa bao giờ được viết thành bài phát biểu. Nó không hề xuất hiện trong bản thảo của Jones, và cả King cũng không đề cập đến nó trong suốt kịch bản của mình.
Suốt bài diễn văn, Mahalia Jackson, ca sĩ thánh ca yêu thích nhất của King, đã hét lên phía sau ông: “Hãy nói với họ về giấc mơ đi, Martin!”. Ông vẫn tiếp tục bài diễn thuyết của mình, và bà lại khuyến khích ông thêm lần nữa. Đứng trước đám đông hai trăm năm mươi ngàn người và hàng triệu người đang xem trên tivi, King bắt đầu ứng biến, đẩy cuốn sổ ghi chép sang một bên và hướng mọi người đến một viễn cảnh đầy cảm hứng trong tương lai. “Trước tất cả mọi người, máy ảnh, và micro”, Clarence Jones mô tả lại, “Martin đã chắp cánh cho khung cảnh đầy tươi đẹp ấy”.
Cùng với việc cần thời gian để nghĩ ra những ý tưởng mới, sự trì hoãn cũng mang lại lợi ích khác: Nó giúp chúng ta bộc lộ khả năng ứng biến. Khi chuẩn bị trước quá kỹ, chúng ta thường bị dính chặt vào sườn bài mà mình đã tạo ra, đóng cửa những khả năng sáng tạo có thể dẫn chúng ta đến những đường hướng mới tốt hơn trong lĩnh vực mà mình đang nói đến. Những năm trước đây, nhà tâm lý học Berkely, Donald MacKinnon, đã khám phá ra rằng những kiến trúc sư sáng tạo nhất ở Mỹ thường có xu hướng bột phát, không đi theo khuôn khổ như những đồng nghiệp có tay nghề cao về mặt kỹ thuật nhưng rập khuôn, những người luôn tự đánh giá cao mình trong việc tự kiểm soát và tận tâm. Trong một nghiên cứu về các chuỗi cửa hàng bánh pizza mà tôi đã thực hiện cùng với Francesca Gino và David Hofmann, các cửa hàng có lợi nhuận cao nhất được điều hành bởi những nhà lãnh đạo tự đánh giá mình là kém hiệu quả và nhạy bén nhất. Tương tự như vậy, khi các nhà khảo sát chiến lược Sucheta Nadkarni và Pol Herrmann nghiên cứu gần hai trăm công ty ở Ấn Độ, các công ty có lợi nhuận tài chính cao nhất là những công ty có các CEO tự đánh giá bản thân mình có hiệu quả và tính kịp thời thấp nhất.
Trong cả hai trường hợp, các tổ chức thành công nhất được vận hành bởi những giám đốc điều hành thừa nhận rằng họ thường lãng phí thời gian trước khi ngồi xuống làm việc và đôi khi không đạt được tốc độ để giải quyết công việc đúng hạn. Mặc dù những thói quen này có thể cản trở tiến trình giải quyết công việc, nhưng chúng giúp các nhà lãnh đạo bộc lộ sự linh hoạt thích ứng một cách có chiến lược. Trong các công ty Ấn Độ, các thành viên trong đội ngũ quản lý hàng đầu của mỗi công ty được quyền đánh giá các CEO của họ về tính linh hoạt chiến lược. Những CEO nào lên kế hoạch cẩn thận, hành động sớm và làm việc siêng năng thường được xem là những người cứng nhắc hơn: Một khi họ xây dựng một chiến lược, họ sẽ bị mắc kẹt với nó. Các CEO có xu hướng trì hoãn công việc thường linh hoạt hơn. Họ có thể thay đổi chiến lược của mình để tận dụng những cơ hội mới và bảo vệ công ty chống lại những mối đe dọa3.
3 Khi các nhà lãnh đạo mới nhận trách nhiệm dẫn dắt một nhóm hoặc tổ chức, họ thường đang háo hức đề xuất các thay đổi. Nhưng giá trị ở đây nằm ở sự kiên nhẫn. Trong một thí nghiệm, Giáo sư trường Đại học Carnegie Mellon, Anita Woolley cho các đội năm mươi phút để xây dựng một cấu trúc dân cư từ các khối Lego, điểm số được tính dựa trên các yếu tố như kích thước, sự vững chắc của cấu trúc và tính thẩm mỹ. Bà ấy phân công ngẫu nhiên các nhóm để thảo luận về chiến lược của họ ở hai thời điểm, hoặc ngay từ đầu của nhiệm vụ hoặc sau khi bắt đầu hai mươi lăm phút. Các đội đánh giá chiến lược của họ vào thời điểm giữa hiệu quả hơn 80% so với các đội có phần thảo luận lúc khởi đầu. Giai đoạn bắt đầu nhiệm vụ là thời điểm quá sớm để thảo luận về tính hữu ích của sản phẩm. Nhiệm vụ này không giống những lần trước, vì vậy, họ chưa đủ độ hiểu biết để thiết lập một chiến lược hiệu quả. Điều đặc biệt là việc tạm dừng ở giữa bài tập cho phép các đội xây dựng các tòa nhà Lego đủ cao và phù hợp: có rất nhiều phòng, nhưng có thể được nâng lên, lộn, và ngã xuống mà không bị vỡ. Nhà nghiên cứu Connie Gersick của trường Đại học Yale, nhận thấy rằng khoảng giữa của một nhiệm vụ thường là thời gian tốt nhất cho một nhà lãnh đạo tạo nên thay đổi, vì đó là lúc các nhóm trở nên cởi mở nhất để tạo ra những điều độc đáo. Họ vẫn có nhiều thời gian để thử những điều mới, khiến cho họ dễ dàng chấp nhận những hướng tiếp cận khác nhau. Và vì họ đã sử dụng hết một nửa thời gian của mình, nên họ có động lực cao hơn để lựa chọn một chiến lược tốt. Đây là một trong những lý do mà giờ nghỉ giải lao có ảnh hưởng rất lớn trong bóng rổ và bóng đá. Chúng cho phép các huấn luyện viên can thiệp để các đội tuân theo những chiến lược mới. (Adam Grant)
Khi King lên bục đọc bài phát biểu của mình, ngay cả khi đến gần micro, ông vẫn còn chỉnh sửa nó. “Chỉ ngay trước khi King nói”, chính trị gia Drew Hansen viết trong cuốn The Dream, ông mới “vượt ra khỏi mọi giới hạn và viết nguệch ngoạc những điều mới trong khi ông chờ đến lượt mình”, và “trông như thể King vẫn còn chỉnh sửa bài phát biểu cho đến khi ông bước lên bục đọc nó”. Trong cuốn sách đoạt giải Pulitzer Bearing the Cross, nhà sử học David Garrow nhận xét rằng “King ứng biến như một người chơi nhạc jazz”. King đã hành động một cách rất tự nhiên, bắt đầu với một sự ứng khẩu nhỏ. Một trong những phần đầu của bài phát biểu bằng văn bản gọi là Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập là “một lời hứa hẹn rằng tất cả mọi người sẽ được đảm bảo các quyền bất khả xâm phạm của sự sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đứng trên bục, King nhấn mạnh sự bình đẳng chủng tộc, “một lời hứa rằng tất cả mọi người – vâng, người da đen cũng như người da trắng – phải được bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm”.
Bài diễn thuyết đến phút thứ mười một thì Mahalia Jackson đề nghị King chia sẻ về giấc mơ của ông. Không rõ ông có nghe thấy bà ấy nói hay không, nhưng “chỉ là đột nhiên, tôi quyết định thay đổi một chút”, King nhớ lại. Ông để cảm xúc dẫn dắt mình vào lúc đó và bày tỏ về giấc mơ của mình. Trước khi bài diễn thuyết hoàn tất, Hansen đã ghi chú rằng: “King đã thêm rất nhiều chất liệu mới khiến cho thời gian trình bày diễn văn của ông tăng lên gấp đôi”.
Sự độc đáo tuyệt vời đi kèm với sự trì hoãn hợp lý, nhưng nó không khiến mọi việc vượt ra ngoài kế hoạch. Họ trì hoãn một cách có chiến lược, cải tiến dần dần bằng cách thăm dò và tinh chỉnh các khả năng khác nhau. Mặc dù những dòng ký ức về giấc mơ đã ứng tác, nhưng King cũng đã từng nói thử về nó theo nhiều cách ở các bài phát biểu trước đó. Ông đã nói về giấc mơ của mình gần một năm trước đó, vào tháng Mười Một năm 1962 tại Albany, và trong những tháng sau đó ông đề cập đến nó thường xuyên, từ Birmingham đến Detroit. Trong suốt năm mà ông toàn nhắc đến giấc mơ của mình, ước tính ông đã đi đến hơn hai trăm bảy mươi lăm ngàn dặm và có hơn ba trăm năm mươi bài phát biểu.
Trong khi King có thể trì hoãn viết nên bài phát biểu về “giấc mơ”, ông đã có nguồn tư liệu dồi dào để giúp ông xử lý, soạn thảo trong tích tắc để tăng tính xác thực hơn cho bài phát biểu của mình. “King đã hội tụ được tất cả những điểm của một bài diễn thuyết thành công, truyền tải chúng qua tài hùng biện của mình, một số phần được lấy từ những bài truyền giáo khác, những giai thoại, những câu Kinh Thánh, những dòng chữ từ những nhà thơ được yêu thích”, Hansen giải thích. “King không viết quá nhiều trong bài phát biểu, mà tập hợp lại bằng cách sắp xếp, sửa lại những tài liệu mà ông đã sử dụng nhiều lần trước đây... Nó cho King sự linh hoạt để sửa đổi bài diễn thuyết của mình khi ông phát biểu... Nếu King không quyết định bỏ lại những đoạn ông đã viết trước đó, thì biết đâu bài phát biểu của ông trước đoàn tuần hành đã không trở nên đáng nhớ như vậy. ”
Người tiên phong và kẻ theo sau
Sau khi tham gia vào việc khởi nghiệp với hơn một trăm công ty, Bill Gross, nhà sáng lập Idealab, đã thực hiện một phân tích để tìm ra những gì đã thúc đẩy dẫn đến thành công cũng như những gì đã dẫn đến thất bại. Yếu tố quan trọng nhất không phải là sự độc đáo của ý tưởng, khả năng và tính thực thi của đội nhóm, chất lượng các mô hình kinh doanh, hoặc nguồn tài trợ sẵn có. “Điều quan trọng số một là thời gian”, Gross tiết lộ. “Thời gian đúng lúc chiếm 42% sự khác biệt giữa thành công và thất bại.”
Nghiên cứu cho thấy rằng trong văn hóa Mỹ, người ta cực kỳ tin vào lợi thế của người tiên phong. Chúng ta luôn muốn trở thành người đi đầu, chứ không phải là kẻ theo sau. Các nhà khoa học hối hả tìm ra những khám phá mới trước kẻ cạnh tranh; các nhà phát minh vội vàng đăng ký bằng sáng chế trước đối thủ; các doanh nhân mong muốn ra mắt sản phẩm trước đối thủ cạnh tranh của họ. Nếu bạn là người đầu tiên bước vào thế giới với một sản phẩm mới, dịch vụ, hoặc công nghệ mới, bạn có thể được nâng lên một tầm mới so với trước đây, chiếm trọn không gian chủ chốt, và giành vị trí độc quyền đối với khách hàng. Những điều này sẽ tạo ra rào cản cho các đối thủ muốn tiến tới: Những nỗ lực của họ để đổi mới sẽ bị dập tắt bởi những sáng chế và lợi thế tiên phong của bạn, và sự phát triển của họ sẽ bị cản trở bởi một thực tế là rất khó khăn và tốn kém để thuyết phục khách hàng thay đổi.
Trong một nghiên cứu kinh điển, hai nhà nghiên cứu tiếp thị Peter Golder và Gerard Tellis đã so sánh sự thành công của các công ty, cả các công ty tiên phong lẫn những công ty theo sau. Các nhà tiên phong là những người đi đầu: Là công ty đầu tiên phát triển hoặc bán ra sản phẩm. Những người theo sau là những người ra mắt sản phẩm chậm hơn, đợi cho những người tiên phong tạo được thị trường cho sản phẩm trước rồi mới tiến đến. Golder và Tellis phân tích hàng trăm thương hiệu trong ba mươi ngành khác nhau và nhận thấy một sự khác biệt đáng kinh ngạc trong tỷ lệ thất bại: 47% dành cho những người tiên phong, so với chỉ 8% những người theo sau. Những người tiên phong có nguy cơ thất bại gấp sáu lần so với những người theo sau. Ngay cả khi những người tiên phong sống sót, họ cũng chỉ chiếm trung bình 10% thị trường, so với 28% những người theo sau.
Đáng ngạc nhiên là mặt hạn chế của việc tiên phong thường lớn hơn những mặt tích cực. Sau khi xem xét kỹ, các nghiên cứu chỉ ra rằng người tiên phong có thể nắm bắt thị phần lớn hơn, nhưng lại có ít cơ hội sống sót hơn và lợi nhuận cũng thấp hơn hẳn. Nhà nghiên cứu tiếp thị Lisa Bolton tổng kết: “Mặc dù những người đi trước có được nhiều lợi thế trong một số ngành đặc thù, nhưng các nghiên cứu mang tính học thuật này vẫn còn rất lẫn lộn và về tổng thể thì vẫn không ủng hộ cho lợi thế của người đi đầu”.
Nếu bạn là một người dễ bị cám dỗ, vội vàng lao ngay vào một lĩnh vực mới, những kiến thức này sẽ giúp bạn dừng lại một chút để suy nghĩ cẩn thận về thời điểm lý tưởng thực hiện điều đó. Nhưng Bolton cũng đã nhận ra một điều đáng sợ: Ngay cả khi người ta biết rằng các bằng chứng không hề cho thấy lợi thế người đi đầu, họ vẫn tin vào nó. Cũng dễ dàng hơn khi nghĩ rằng những người tiên phong là những người thành công, những người thất bại đã bị lãng quên từ lâu, vì vậy mà chúng ta vẫn cho rằng họ là số hiếm. Cách tốt nhất để phá vỡ huyền thoại về lợi thế của người đi đầu là hỏi mọi người lý do tạo ra những bất lợi cho người đi đầu. Theo kinh nghiệm của bạn, bốn hạn chế lớn nhất của một người tiên phong là gì?
Những kẻ theo sau thường là những kẻ sao chép mô hình kinh doanh hay sản phẩm/dịch vụ, nhưng thường thiếu chút gì đó. Vì vậy, thay vì bắt kịp với nhu cầu hiện tại, họ chờ thời cơ cho đến khi sẵn sàng mới giới thiệu một sản phẩm mới. Họ thường chậm rãi tiến vào thị trường vì đang trong quá trình nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mang tính cách mạng trong lĩnh vực đó. Trong lĩnh vực máy chơi game console (một máy tính tương tác xuất ra tín hiệu video qua các thiết bị hiển thị như tivi, màn hình máy tính để hiển thị video game), Magnavox Odyssey là người tiên phong vào năm 1972, sản xuất chủ yếu các trò chơi thể thao thô sơ. Nhưng Nintendo, kẻ theo sau thì khác, công ty này mua bản quyền hệ máy Odyssey và phân phối hệ máy này tại thị trường Nhật Bản vào năm 1975, sau đó đánh bại hệ máy Magnavox trong thập niên tiếp sau đó bằng cách tạo ra một hệ thống Nintendo Entertainment với các trò chơi đặc trưng như Super Mario Bros. và The Legend of Zelda. Nintendo thay đổi việc chơi game bằng một bộ điều khiển thân thiện với người dùng, những nhân vật phức tạp, và mô hình nhập vai tương tác. Để thực sự độc đáo, bạn không bị đòi hỏi phải là nhà tiên phong, nhưng chắc chắn bạn phải khác biệt và làm tốt hơn những người đi trước.
Khi những cá nhân độc đáo vội vã muốn trở thành người tiên phong, họ rất dễ vượt quá giới hạn, đó là bất lợi đầu tiên. Trước sự bùng nổ như bong bóng của Internet, một người chủ ngân hàng Goldman Sachs trẻ tuổi tên là Joseph Park, đang ngồi trong căn hộ của mình, thất vọng khi các nỗ lực truy cập mạng để giải trí của anh ta đều thất bại. Tại sao anh ta phải vất vả bằng mọi cách đi đến Blockbuster để thuê một bộ phim? Anh ta chỉ cần mở một trang mạng, chọn một bộ phim và bộ phim sẽ được chuyển đến tận cửa nhà anh.
Mặc dù tăng trưởng doanh thu đạt đến 250 triệu đô-la, nhưng Kozmo, công ty do Park thành lập, đã phá sản vào năm 2001. Sai lầm lớn nhất của anh là đưa ra một lời hứa mong manh về dịch vụ giao hàng trong một giờ cho hầu như tất cả mọi thứ, và đầu tư xây dựng các chi nhánh trên toàn quốc để hỗ trợ cho một sự phát triển không bao giờ xảy ra. Một nghiên cứu trên ba ngàn công ty khởi nghiệp đã chỉ ra rằng khoảng ba phần tư công ty thất bại nằm ở sự non yếu – thực hiện đầu tư quá sớm trong khi thị trường vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận.
Nếu Park tiến hành chậm hơn, có thể anh đã nhận ra rằng với công nghệ hiện có, việc giao hàng một giờ là không thực tế và kém lợi nhuận. Tuy nhiên, nhu cầu thuê phim trực tuyến là cực kỳ lớn. Rồi Netflix dần thoát khỏi khó khăn, và Kozmo đã có thể cạnh tranh trong lĩnh vực cho thuê đặt hàng qua thư và tiếp đến là dòng phim trực tuyến. Sau đó, anh đã tận dụng những chuyển đổi công nghệ giúp Instacart xây dựng hệ thống hậu cần khiến việc giao hàng tạp hóa trong một giờ trở nên có khả năng và sinh lời. Khi thị trường đã được xác định rõ ràng hơn, và lúc những người đi sau bước vào, họ có thể tập trung vào việc cung cấp chất lượng ưu việt nhất thay vì cân nhắc nên cung cấp thứ gì như những người đi trước. “Bạn có muốn người thứ hai hoặc thứ ba thấy được người đi trước đã làm gì, và sau đó… cải tiến nó?”, Malcolm Gladwell đã hỏi trong một cuộc phỏng vấn. “Khi những ý tưởng trở nên thực sự phức tạp, và thế giới cũng trở nên phức tạp, có phải thật ngu ngốc khi nghĩ rằng những người đi đầu có thể thực hiện tất cả sao?”, Gladwell nhấn mạnh. “Hầu hết những thứ tốt nhất đều phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra.”4
4 Đi quá nhanh là một trong những nguyên nhân chính đứng sau sự thất bại của Segway. Nhà báo Steve Kemper viết trong Reinventing the Wheel rằng Randy Komisar, “người chuyên tư vấn về sự kiên nhẫn”, đã tư vấn cho đội của Dean Kamen để “đi chậm lại và thiết lập một hệ thống theo dõi”. Trước khi ra mắt sản phẩm, Steve Jobs đã thúc giục các nhóm tính toán lại toàn bộ. Sau đó, họ sẽ chạy các nghiên cứu thử nghiệm an toàn và hữu dụng tại một số trường đại học và tại Disney, để mọi người có thể thấy nó vận hành ra sao và bắt đầu cảm thấy thèm muốn nó trước khi nó sẵn sàng ra mắt. Thay vì lưu ý đến những lời khuyên này, nhóm của Kamen vội vã đưa Segway ra thị trường mà không nghiên cứu các vấn đề về người tiêu dùng, tính an toàn, pháp lý, giá cả, và các vấn đề thiết kế. Giáo sư về thương mại doanh nghiệp của trường Đại học Harvard, Bill Sahlman đã tham gia ngay từ ban đầu, và cho đến ngày đó ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu đội của Segway làm việc một cách chậm rãi để chứng minh sự an toàn của sản phẩm, cải tiến mẫu mã, giảm chi phí, và nhận được sự chấp thuận cho phép đi xe trên vỉa hè ở các thành phố lớn. “Nếu trông nó không hơi thô kệch, nếu nó nặng khoảng mười một ký và có giá 700 đô-la, có lẽ nó sẽ bán được”, ông nói với vẻ nuối tiếc. (Adam Grant)
Thứ hai, có lý do để tin rằng rất nhiều người chọn khởi đầu trễ hơn có thể sẽ thích hợp hơn để thành công. Những người tìm kiếm rủi ro thường được thấy là kẻ dẫn đầu, và họ có xu hướng đưa ra những quyết định bốc đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn chấp nhận rủi ro từ băng ghế dự bị, chờ đợi cơ hội thích hợp và tìm cách cân bằng những rủi ro của họ trước khi bước vào thị trường. Trong một nghiên cứu về các công ty khởi nghiệp phần mềm, các nhà nghiên cứu chiến lược Elizabeth Pontikes và William Barnett nhận thấy rằng khi các doanh nhân vội vàng chạy theo đám đông vào các thị trường rầm rộ, việc khởi nghiệp của họ ít có khả năng tồn tại và phát triển. Khi doanh nhân chờ thị trường lắng xuống, họ có tỷ lệ thành công cao hơn: “Không cần tuân thủ quy luật nào… Khi đi theo xu hướng sẽ có nhiều khả năng đứng được trong thị trường, nhận được tài trợ, và cuối cùng là đến với công chúng”.
Thứ ba, đi cùng với tham vọng nhưng ít liều lĩnh hơn, những người đi sau chờ ổn định có thể cải tiến dựa vào công nghệ của đối thủ cạnh tranh để làm cho sản phẩm của họ tốt hơn. Khi bạn là người đầu tiên đưa sản phẩm mới ra thị trường, bạn sẽ phải hứng chịu tất cả những sai lầm cho chính mình. Trong khi đó, người đi sau, chờ ổn định có thể xem và học hỏi từ những sai lầm của bạn. “Đi đầu là một chiến thuật, không phải là một mục tiêu”, Peter Thiel đã viết trong cuốn Zero to One, “là người đi đầu sẽ không tốt cho bạn chút nào nếu một ai đó đến và sẵn sàng hất bạn ra khỏi vị trí”.
Thứ tư, trong khi những người tiên phong có xu hướng bị mắc kẹt bởi những gì đã có từ trước, những người đi sau có thể quan sát những thay đổi của thị trường và sự dịch chuyển thị hiếu người tiêu dùng rồi từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Một nghiên cứu trong ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ được thực hiện trong gần một thế kỷ, cho thấy những người tiên phong có tỷ lệ tồn tại thấp hơn bởi họ phải đấu tranh để thiết lập tính hợp pháp, phát triển các lề lối mới chưa có trong thị trường, và rồi chúng trở nên lỗi thời khi nhu cầu của người tiêu dùng dần hiện rõ. Việc chờ đợi cho thị trường sẵn sàng rồi mới bước vào của người đi sau có giá trị riêng của nó. Khi Warby Parker được tung ra thị trường, lúc ấy các công ty thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ từ hơn một thập niên, và mặc dù những công ty khác đã cố gắng bán kính trực tuyến nhưng lại không mấy thành công. “Không thể làm như trước đây được nữa”, Neil Blumenthal nói với tôi. “Chúng ta phải đợi cho Amazon, Zappos và Blue Nile khiến khách hàng cảm thấy thoải mái khi mua những sản phẩm mà về cơ bản họ sẽ không muốn mua qua trực tuyến.”
Điều này đúng ngay cả với những lĩnh vực khác ngoài thế giới kinh doanh, nơi những người chủ chốt, các ý tưởng và phong trào đã thất bại vì họ đi trước thời điểm. Ở CIA trong những năm đầu thập niên 1990, khi Carmen Medina lần đầu khởi xướng ý tưởng chia sẻ thông tin kỹ thuật số trực tuyến để mọi người tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn, CIA đã không sẵn sàng xem xét ý tưởng này. Khi truyền thông điện tử trở nên an toàn và quen thuộc hơn, người ta trở nên dễ dàng tiếp thu các ý tưởng. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín và nhận định sai lầm về vụ vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, người ta càng nhận thức rõ ràng hơn giá trị của việc thiếu thông tin liên lạc giữa các cơ quan an ninh, mà hậu quả phải gánh chịu là vô cùng lớn. “Thời gian là tất cả”, đồng nghiệp của Medina, Susan Benjamin nhấn mạnh. “Trong thời gian chúng tôi lên tiếng, mọi thứ trở nên rất rõ ràng đến nỗi ngay cả những người bảo thủ nhất cũng thừa nhận chúng tôi đã làm những điều khác biệt, và thời điểm phù hợp cho điều đó đã đến. Rất khó cho bất cứ ai có tư duy mà không lắng nghe bà ấy, và cần phải đồng ý rằng đó là một đường hướng cần phải hành động.”
Trong những năm 1840, khi bác sĩ người Hungary Ignaz Semmelweis chỉ ra rằng sinh viên y khoa rửa tay sạch sẽ trong quá trình hộ sinh sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, lúc đó ông đã bị các đồng nghiệp của mình khinh miệt và rồi kết thúc cuộc đời trong một bệnh viện thần kinh. Phải mất đến hai thập niên trước khi ý tưởng của ông đạt được tính hợp pháp khoa học, khi Louis Pasteur và Robert Koch đặt ra nền tảng lý thuyết về vi trùng. Nhà vật lý Max Planck có lần nhận xét: “Một chân lý khoa học mới không thành công bằng việc thuyết phục được những người phản đối nhìn thấy ánh sáng chân lý đó, mà là khiến cho những ý kiến phản đối không thể tồn tại”.
Tôi không có ý muốn nói rằng trở thành người tiên phong là hoàn toàn không khôn ngoan. Nếu tất cả chúng ta đều chờ đợi người khác hành động trước, sẽ không có bất kỳ sự độc đáo ban đầu nào được tạo ra. Phải có ai đó là người tiên phong, và đôi khi họ phải trả giá cho điều đó. Lợi thế của người tiên phong là họ có xu hướng chiếm ưu thế trong những lĩnh vực liên quan đến việc cấp bằng sáng chế công nghệ, hoặc khi có hiệu ứng mạng lưới đủ mạnh (các sản phẩm hoặc dịch vụ trở nên có giá trị hơn khi có một số lượng lớn người dùng, như với điện thoại hay phương tiện truyền thông xã hội). Nhưng trong đa số các trường hợp, tỷ lệ đặt cược cho thành công của bạn không cao nếu bạn là người đi đầu. Và khi thị trường không chắc chắn, không rõ ràng, hoặc kém phát triển, làm người tiên phong sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Bài học then chốt ở đây là nếu bạn có một ý tưởng độc đáo, sẽ là sai lầm nếu bạn vội vàng phát triển ý tưởng đó với mục đích duy nhất là đánh bại đối thủ cạnh tranh để về đích. Cũng như việc trì hoãn có thể giúp ta linh hoạt trong một nhiệm vụ, trì hoãn việc tiến vào thị trường có thể mở ra cho chúng ta cơ hội học hỏi và khả năng thích ứng, giảm thiểu những rủi ro liên quan tới sự độc đáo.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta mở rộng thời gian trì hoãn vượt ra khỏi thời gian biểu của nhiệm vụ và chu kỳ sống của sản phẩm? Trong suốt cuộc đời mỗi người, nguy cơ nào cho việc chờ đợi quá lâu để hành động?
Vòng đời của sự sáng tạo: Các thiên tài trẻ và những bậc thầy lão luyện
Người ta nói chung tin rằng sự độc đáo, mới lạ sẽ chảy ra từ suối nguồn tuổi trẻ. Theo nhà huy động vốn công ty nổi tiếng Vinod Khosla, “Những người dưới ba mươi lăm tuổi là những người tạo ra thay đổi. Những người trên bốn mươi lăm tuổi cơ bản đã chết về mặt ý tưởng”. Sau lần đầu tiên phát hành bài báo mang tính cách mạng của mình về thuyết tương đối vào giữa những năm hai mươi tuổi, Albert Einstein đã nhận xét tương tự: “Một người không có đóng góp to lớn gì cho khoa học trước ba mươi tuổi thì sẽ không bao giờ làm được gì lớn lao về sau”. Thật là bi kịch, những nhà sáng tạo thường mất đi tính độc đáo theo thời gian. Sau khi Einstein thực hiện những chuyển đổi vật lý về thuyết tương đối được đề cập trong hai bài báo, ông đã phản đối cơ chế lượng tử, mà sau này đã trở thành một cuộc cách mạng lớn trong ngành vật lý. “Để trừng phạt mình về sự khinh suất trong vấn đề về thẩm quyền, số phận đã cho tôi thẩm quyền chính bản thân mình”, Einstein hối tiếc.
Sự suy giảm này là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi các công ty mở hộp thư đóng góp ý kiến, họ thấy rằng những nhân viên lớn tuổi hơn có xu hướng nộp nhiều ý tưởng và ý tưởng của họ chất lượng hơn so với các đồng nghiệp trẻ, và những đề xuất có giá trị nhất đến từ những nhân viên trên năm mươi lăm tuổi. Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty khởi nghiệp gọi được thêm những khoản tài trợ vốn lớn là những công ty có nhà sáng lập trung bình ở độ tuổi ba mươi tám.
Trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học, nhà kinh tế học Chicago David Galenson nói rằng mặc dù chúng ta rất nhanh chóng nhớ được các thiên tài trẻ đạt đến đỉnh cao từ sớm, nhưng cũng có rất nhiều các bậc thầy lão làng đạt đỉnh cao hơn sau đó. Trong y học, cứ mỗi lần xuất hiện một người như James Watson, người đã khám phá ra cấu trúc xoắn kép của ADN vào năm hai mươi lăm tuổi, thì lại có một Roger Sperry, người nhận ra sự chuyên biệt hóa giữa hai bán cầu não trái và phải vào tuổi bốn mươi chín. Trong lĩnh vực điện ảnh, cứ xuất hiện một người như Orson Welles, người tạo nên kiệt tác điện ảnh Citizen Kane, bộ phim đầu tiên của ông ở tuổi hai mươi lăm, thì lại có một Alfred Hitchcock, người thực hiện ba bộ phim nổi tiếng nhất trong ba thập niên sự nghiệp của mình, ở độ tuổi năm mươi chín (phim Vertigo), sáu mươi tuổi (phim North by Northwest), và sáu mươi mốt tuổi (phim Psycho). Trong lĩnh vực thơ ca, cứ xuất hiện một người như E. E. Cummings, người viết bài thơ có sức ảnh hưởng đầu tiên ở tuổi hai mươi hai và hơn một nửa tác phẩm tuyệt vời nhất của mình trước khi bước sang tuổi bốn mươi, thì lại xuất hiện một Robert Frost, người đã viết đến 92% số bài thơ được tái bản nhiều nhất của mình sau độ tuổi bốn mươi. Điều gì có thể giải thích cho những chu kỳ tồn tại hoàn toàn khác biệt của sự sáng tạo? Tại sao một số người đạt đến đỉnh cao sớm, còn những người khác thì thời kỳ rực rỡ lại đến muộn hơn?
Thời điểm chúng ta đạt được những đỉnh cao của sự độc đáo, và chúng sẽ kéo dài bao lâu, phụ thuộc vào cách tư duy của chính chúng ta. Khi Galenson nghiên cứu những người sáng tạo, ông đã khám phá ra hai phong cách hoàn toàn khác nhau của sự đổi mới: khái niệm và thực nghiệm. Các nhà sáng tạo theo phong cách khái niệm thường xây dựng một ý tưởng lớn và sắp xếp triển khai thực hiện nó. Còn những nhà sáng tạo thực nghiệm giải quyết vấn đề thông qua thử nghiệm và sai lầm, học hỏi và phát triển ngay trong khi theo đuổi nó. Họ giải quyết một vấn đề cụ thể, nhưng họ không có một giải pháp cụ thể trong tâm trí ngay từ đầu. Thay vì lên kế hoạch trước, họ từng bước xử lý vấn đề khi thực hiện. Nhà văn E. M. Forster diễn giải: “Làm sao tôi biết điều tôi nghĩ cho đến khi tôi nhìn thấy những gì tôi nói?”.
Theo Galenson, những nhà sáng tạo khái niệm là những người chạy nước rút, và những người sáng tạo thực nghiệm là những vận động viên marathon. Khi ông nghiên cứu các nhà kinh tế đạt giải Nobel, tính trung bình, những người sáng tạo theo khái niệm có những sản phẩm ảnh hưởng nhất ở tuổi bốn mươi ba, trong khi những nhà sáng tạo thực nghiệm có được chúng ở tuổi sáu mươi mốt. Khi ông phân tích các bài thơ được tái bản của những nhà thơ nổi tiếng, những nhà sáng tạo khái niệm sở hữu quyền tác giả của các bài thơ hay nhất ở độ tuổi hai mươi tám, so với độ tuổi ba mươi chín của những nhà sáng tạo thực nghiệm. Và trong một nghiên cứu độc lập về mỗi nhà vật lý đã từng đạt giải Nobel, về những thiên tài trẻ dưới ba mươi tuổi, chính xác có một nửa trong số họ là các nhà sáng tạo khái niệm có những tác phẩm để đời. Trong số những bậc lão làng bốn mươi lăm tuổi trở lên, 92% trong số họ tạo ra các tác phẩm thực nghiệm.
Những khác biệt cơ bản giữa những nhà sáng tạo khái niệm và những nhà sáng tạo thực nghiệm giải thích lý do tại sao một số người đạt đỉnh cao sớm trong khi những người khác đạt được thời kỳ rực rỡ muộn hơn. Những sáng tạo theo hướng khái niệm có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, bởi vì nó không đòi hỏi nhiều năm tìm hiểu một cách có hệ thống. Khi Watson và Crick khám phá ra cấu trúc xoắn kép của ADN, họ không cần phải chờ đợi để tích lũy những dữ liệu. Họ đã xây dựng một mô hình lý thuyết ba chiều và kiểm tra những hình ảnh X-quang được cung cấp bởi Rosalind Franklin. Ngoài ra, những đột phá theo hướng khái niệm có xu hướng xảy ra sớm, bởi vì khám phá được sự độc đáo nổi bật khi chúng ta tiếp cận một vấn đề với một cái nhìn tươi mới thực sự là điều dễ nhất. “Các nhà sáng tạo theo hướng khái niệm thường có những đóng góp quan trọng nhất cho một ngành khoa học chỉ ít lâu sau khi họ đến với nó”, Galenson nhận thấy. Vì lý do này, những nhà sáng tạo khái niệm trở nên ít độc đáo, nổi bật một khi họ cố thủ trong lối tư duy thông thường để tiếp cận vấn đề. Như Galenson giải thích:
Sự bất lực của những nhà sáng tạo khái niệm có tuổi khi nhìn lại những thành tựu rực rỡ thời trẻ không thể hiện sự suy giảm nguồn cung phương thuốc kỳ diệu của nghệ thuật sáng tạo. Thay vào đó, nó được tạo nên bởi sự tác động từ việc tích lũy kinh nghiệm... Kẻ thù thực sự của những nhà sáng tạo khái niệm là việc hình thành những thói quen cố định trong tư duy… Những nhà sáng tạo khái niệm có thể rơi vào trạng thái bị “giam cầm” trong thành tựu quan trọng ban đầu.
Là một nhà sáng tạo khái niệm, đây là vấn đề của Einstein. Khi ông phát triển học thuyết tương đối nổi tiếng của mình, ông đã không tiến hành các nghiên cứu khoa học, mà nghĩ đến các thí nghiệm: Ông tưởng tượng mình đang theo đuổi một chùm ánh sáng. Đóng góp lớn của ông đối với khoa học là những ý tưởng và học thuyết giải thích kết quả thí nghiệm của người khác. Một khi Einstein đã khiến các nguyên tắc về thuyết tương đối của ông được tiếp thu, ông lại phải đấu tranh để thích ứng với sự chuyển hướng từ các nguyên tắc mà ngành vật lý lượng tử đòi hỏi. Trong thơ ca, Galenson chỉ ra rằng E. E. Cummings cũng đối mặt với một trở ngại tương tự. Sau khi tưởng tượng ra những quy tắc của riêng mình về ngôn ngữ, cú pháp và chấm câu ở tuổi đôi mươi, ông bước vào độ tuổi năm mươi và một nhà phê bình nhận xét về ông rằng: “Cummings vẫn là nhà thực nghiệm trên thí nghiệm duy nhất của mình. Điều thú vị về Cummings là ông luôn luôn nói về sự phát triển, và luôn luôn như vậy”. Sau đó, khi Cummings sáu mươi lăm tuổi, một nhận xét khác cho rằng: “Cummings là một nhà thơ táo bạo độc đáo”, nhưng “các tập thơ của ông lại hoàn toàn giống nhau”. Như nhà tâm lý học Abraham Maslow nhận xét: “Khi bạn cầm trong tay một cái búa, mọi thứ trước mắt bạn đều là đinh”.
Song, dù sáng tạo thực nghiệm có thể đòi hỏi nhiều năm hay nhiều thập niên để tích lũy những kiến thức và kỹ năng cần thiết, nhưng nó sẽ trở thành một nền tảng vững chắc hơn cho sự độc đáo. Roger Sperry mất nhiều năm để tiến hành thí nghiệm với những con mèo và những bệnh nhân bị tách não nhằm xác định cách các bán cầu não làm việc. Robert Frost đã không viết nên bất kỳ bài thơ nào trong số những bài thơ được tái bản nhiều nhất của mình ở tuổi đôi mươi và chỉ có 8% bài thơ được viết ở tuổi ba mươi, cuối cùng thời kỳ rực rỡ của ông bùng nổ ở tuổi bốn mươi và một lần nữa khi ở những năm sáu mươi tuổi.
“Từng bước, từng bước một”, nhà thơ Robert Lowell đánh giá, “Frost đã quan sát những địa điểm và con người cho đến khi những bài thơ hay nhất của ông có được trạng thái phong phú của những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời”. Giống như một nhà thám hiểm, Frost thu thập mọi dữ liệu bằng cách mạo hiểm hòa mình vào thế giới, lắng nghe những cuộc nói chuyện thực tế một cách cẩn thận. “Tôi sẽ không bao giờ sử dụng một từ hoặc một cụm từ mà tôi chưa từng được nghe trong một bài diễn văn nào đó”, Frost thừa nhận. Mỗi bài thơ là một thử nghiệm trong việc pha trộn các yếu tố khác nhau: “Không bất ngờ cho các nhà văn, cũng không quá bất ngờ cho người đọc”, ông thích thú chia sẻ. “Khi bắt đầu viết một bài thơ, tôi không biết gì cả – Tôi không muốn viết một bài thơ mà tôi có thể nói là để hướng tới một kết thúc có hậu... Bạn đã có được những khám phá hạnh phúc trước khi kết thúc.”
Các nhà sáng tạo khái niệm có xu hướng tạo ra những ý tưởng độc đáo ban đầu nhưng có nguy cơ sao chép lẫn nhau. Các cách tiếp cận thực nghiệm mất nhiều thời gian hơn, nhưng được chứng minh là có thể mới lạ hơn: Thay vì sao chép những ý tưởng đã có trước đó, các thí nghiệm cho phép chúng ta tiếp tục khám phá những cái mới. Một học giả lưu ý, Mark Twain xuất bản cuốn Adventures of Huckleberry Finn ở tuổi bốn mươi chín bằng cách sử dụng “phương pháp thử và sai” và “phát hiện ra cốt truyện của ông dễ dàng được thay đổi khi thực hiện, nên ông đã viết truyện mà không có bất kỳ quyết định hay kế hoạch nào trong đầu”. Chính Twain cũng tự nhận xét: “Khi một câu chuyện ngắn phát triển thành một câu chuyện dài, mục đích ban đầu (hoặc tư tưởng chủ đạo) có thể được bỏ qua và được thay thế bởi một cái nhìn mới khác hơn”.
Để duy trì tính độc đáo khi chúng ta lớn tuổi hơn và tích lũy kinh nghiệm, sự đặt cược thành công tốt nhất là áp dụng hướng tiếp cận thực nghiệm. Chúng ta có thể vẽ ra trước một vài kế hoạch cho những gì muốn tạo nên, bắt đầu thử nghiệm các kiểu ý tưởng và giải pháp thăm dò khác nhau. Cuối cùng, nếu có đủ kiên nhẫn, chúng ta có thể chạm vào một điều gì đó mới mẻ và hữu ích. Các cách tiếp cận thực nghiệm cũng giúp Leonardo da Vinci khá nhiều. Ông đã bốn mươi sáu tuổi khi hoàn thành bức tranh The Last Supper, và ở tuổi ngũ tuần khi ông bắt đầu vẽ bức Mona Lisa. “Chỉ khi vẽ tranh ông mới thực sự hiểu, làm rõ được tầm nhìn của mình”, một học giả viết; và một người khác cho rằng: “Leonardo làm việc giống như một mô hình điêu khắc bằng đất sét, người không bao giờ chấp nhận bất kỳ hình thức nào là cuối cùng mà luôn tìm đến sự sáng tạo, thậm chí có nguy cơ làm lu mờ cả ý định ban đầu của mình”.
Martin Luther King, Jr., cũng là một nhà sáng tạo thực nghiệm. Mặc dù ông chỉ ba mươi bốn tuổi khi phát biểu bài “giấc mơ”, nhưng đó là năm thứ hai mươi của ông đứng trước công chúng nói về quyền con người. Năm mười lăm tuổi, ông đã có những phát biểu độc đáo về quyền con người tại buổi chung kết toàn bang. Ông đã dành những năm bị gián đoạn thử nghiệm những lời lẽ có thể trình bày rõ quan điểm của ông. Trong hàng ngàn bài diễn văn của mình, ông đã liên tục tập luyện các giọng điệu và đoạn khúc khác nhau. Lấy kinh nghiệm từ một người thầy cũ, ông đã đạt được sự độc đáo, như học giả Karl Weick mô tả, bằng cách “đặt những vấn đề cũ trong những kết hợp mới và những điều mới trong những kết hợp cũ”.
Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi, và đối với các nhà triết học thực nghiệm, không bao giờ là quá muộn để trở nên độc đáo. Sau khi kiến trúc sư Frank Lloyd Wright nhận được hợp đồng cho tòa nhà Fallingwater, công trình kiến trúc lừng lẫy nhất của ông, ông đã trì hoãn gần một năm tạo ra các phác thảo rời rạc trước khi hoàn thành việc thiết kế vào lúc sáu mươi tám tuổi. Raymond Davis chia sẻ rằng giải Nobel Vật lý mà ông nhận được là của công trình nghiên cứu mà ông bắt đầu vào năm năm mươi mốt tuổi và kết thúc ở tuổi tám mươi. Bạn càng thực hiện nhiều thí nghiệm, bạn sẽ càng trở nên ít bị ràng buộc bởi các quan điểm của mình trong quá khứ. Bạn học từ những gì bạn khám phá trong những khán giả của bạn, các bức tranh hay số liệu thực tế. Thay vì sa vào vũng lầy của sự tưởng tượng, bằng cách nhìn thẳng vào thế giới, bạn sẽ cải thiện được tầm nhìn ngoại vi của mình.
Chạy nước rút là một chiến lược tốt đối với một thiên tài trẻ tuổi, nhưng để trở thành một bậc thầy lão luyện thì cần sự kiên nhẫn ở các thử nghiệm để thực hiện một cuộc chạy marathon. Cả hai con đường đều dẫn đến sự sáng tạo. Tuy nhiên, đối với những người không có được cái nhìn sâu sắc, thử nghiệm chậm và ổn định có thể thắp sáng con đường đến với sự độc đáo dù mất nhiều thời gian hơn. “Tất nhiên, không phải tất cả những người sáu mươi lăm tuổi chưa đạt được thành tựu đều là những nhà sáng tạo thực nghiệm chưa được phát hiện”, tác giả Daniel Pink phản ánh. “Nhưng nó có thể củng cố quyết tâm không ngừng sáng tạo, không hề nản chí để có được thành công, giống như chú rùa kiên trì trong câu chuyện Rùa và Thỏ.”