T
ôi viết quyển sách này chủ yếu để nó có thể mang lại lợi ích cho những cá nhân muốn cải thiện nhận định của bản thân, chứ không phải để cho ra đời một bài phê bình xã hội về việc thế giới phải thay đổi như thế nào. Tôi muốn quyển sách này sẽ mang lại lợi ích cho bạn và phù hợp với văn hóa nơi bạn sống.
Nhưng về lâu về dài, có lẽ điều tốt nhất chúng ta có để làm để cải thiện khả năng nhận định của mình chính là thay đổi những nét văn hóa lỗi thời ở nơi ta sống.
Suy cho cùng, con người là sinh vật xã hội. Điều này có nghĩa là các động lực từ những người xung quanh sẽ luôn tác động mạnh mẽ đến nhận định của chúng ta. Nếu văn hóa nơi bạn sống buộc bạn tin vào những điều nhất định, đề cao thái quá giá trị của sự tự tin cũng như sự giản đơn, và bảo vệ quan điểm cá nhân để tránh bị mất mặt, thì bạn sẽ khó có thể đưa ra những nhận định chính xác. Nếu thật sự quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được, nhưng khi đó chúng ta sẽ luôn là người “đi ngược chiều gió”.
Điều này cũng cho thấy bản thân nhận định là một quá trình xã hội. Không ai trong chúng ta có thể biết hết mọi chuyện hoặc đánh giá đúng mọi thứ. Chúng ta luôn có những điểm mù nhất định, bất kể chúng ta có làm gì đi nữa. Vì thế, tôi mong rằng những người xung quanh sẽ giúp tôi chú ý đến những giả thuyết đầy hứa hẹn, kiểm tra các công trình nghiên cứu của tôi, hay giải những bài toán khó mà tôi không thể giải được.
Trước khi khép lại quyển sách này, tôi muốn mở rộng hình ảnh ẩn dụ “lính trinh sát” thêm một chút nữa: tất cả chúng ta đều là lính trinh sát. Chúng ta ra khỏi lãnh địa của mình và khám phá những vùng lãnh thổ tuy có phần trùng nhau nhưng vẫn rất khác biệt. Sau đó, chúng ta quay về để đóng góp những thông tin, kiến thức mà mình đã góp nhặt được và cùng nhau vẽ nên một tấm bản đồ. Bạn nhìn thấy những điều tôi không thể nhìn thấy, và ngược lại.
Và sẽ có lợi cho mọi người nếu chúng ta có một nền văn hóa không chỉ tạo động lực để mỗi người trở thành một trinh sát tốt, mà còn thúc đẩy chúng ta làm những việc giúp cho tấm bản đồ chung của nhân loại trở nên chính xác hơn, chẳng hạn như:
Phần kết của quyển sách này sẽ xoay quanh những vấn đề sau: “Chúng ta có thể làm gì để thay đổi những động lực được tạo ra trong nền văn hóa của chúng ta, để những gì làm cho chúng ta trở nên chính xác hơn sẽ được đề cao?”, “Làm thế nào chúng ta có thể hướng các tổ chức, hội nhóm, cộng đồng văn hóa hay các bộ lạc của chúng ta theo tư duy trinh sát?”.
Nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa của tư duy trinh sát trở nên khó khăn hơn khi bạn phải bắt đầu thực hiện điều đó trên một nền văn hóa hiện hữu - một nền văn hóa vốn không quen thuộc với tư duy trinh sát - và khi bạn không có quyền lực lãnh đạo để thay đổi toàn bộ hệ thống động lực.
Nhưng khó khăn hơn không có nghĩa là bất khả thi.
NHỮNG BƯỚC TIẾN CỦA KHOA HỌC HƯỚNG ĐẾN TƯ DUY TRINH SÁT
Suốt nhiều năm, ngành khoa học xã hội đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tên “Replication crisis”, tức khủng hoảng tái tạo. Vào năm 2016, cuộc khủng hoảng này đạt đến cao trào. Đó là năm mà hàng loạt các nhà nghiên cứu có uy tín đã nỗ lực tái tạo - thực hiện lại - nhiều nghiên cứu từng được công bố trước đó. Trong số các nghiên cứu này - những nghiên cứu đã được đăng tải trên các tờ chuyên san hàng đầu sau khi được xem xét tỉ mỉ - có đến một nửa là không thể tái tạo được. Nói cách khác, phần lớn những hiện tượng mà các nhà nghiên cứu đã tìm ra trước đó hóa ra đều là những bóng ma không có thật. Các nhà nghiên cứu ấy đã chọn cho mình một hướng đi băng qua vườn địa đàng quanh co để “chứng minh” sự tồn tại của những điều không có thật.
Tôi phải thừa nhận rằng khi nhìn lại ngành khoa học xã hội cách nay chỉ vài năm, tôi không mấy lạc quan là sẽ có sự thay đổi. Các động lực có vẻ đều chống lại sự thay đổi. Đối với bất kỳ nhà nghiên cứu nào, nếu họ tuân thủ một tiêu chuẩn thử nghiệm khắt khe hơn thì họ gần như không có được một kết quả có thể công bố, và vì vậy họ sẽ chịu nhiều bất lợi hơn so với những nhà nghiên cứu kém thận trọng.
Dù vậy, ngành khoa học xã hội hiện đã thay đổi rất nhiều. Một trăm bốn mươi chuyên san hàng đầu giờ đây đã chấp nhận các báo cáo nghiên cứu trước khi yêu cầu kết quả của nghiên cứu đó, tức là họ chỉ đánh giá chất lượng của phương pháp nghiên cứu. Chỉ mới vài năm trước, không một chuyên san nào chấp nhận điều này. Báo cáo của những nhà nghiên cứu nỗ lực tái tạo kết quả của các nghiên cứu cũ giờ đây đã được đăng trên các chuyên san uy tín; chỉ mới vài năm trước, những bài báo cáo như thế sẽ bị từ chối vì không ai hứng thú với việc kiểm tra các nghiên cứu cũ. Hàng trăm nhà nghiên cứu đã tự nguyện đăng ký trước công trình của mình và chia sẻ dữ liệu của họ.
Năm 2019, một vài nhà nghiên cứu trong số những người lên tiếng về cuộc khủng hoảng tái tạo đã đăng một bài viết nối tiếp chủ đề đó. Họ nhận định: “Nếu các nhà nghiên cứu tâm lý học bắt đầu ngủ đông bảy năm trước và tỉnh lại ở thời điểm hiện tại, thì họ sẽ không nhận ra ngành của họ nữa”.
Tất cả những thay đổi này là nhờ một số ít (nhưng ngày càng tăng) các nhà khoa học, những người đã dẫn đầu trong công cuộc thúc đẩy sự thay đổi văn hóa: họ chỉ ra những hoạt động khoa học kém chất lượng, đề cao sự trung thực tuyệt đối và làm gương để người khác noi theo.
Năm 2010, Amy Cuddy, Dana Carney và Andy Yap đã công bố một kết quả nghiên cứu nổi tiếng nói về “những tư thế quyền lực” như đứng thẳng người, dang chân rộng bằng hông, hoặc những tư thế tương tự nhằm thể hiện sức mạnh. Các nhà nghiên cứu này cho rằng những tư thế quyền lực có thể làm giảm nồng độ cortisol (hormone gây căng thẳng), giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn. Kết quả nghiên cứu này được rất nhiều người đón nhận. Bài diễn thuyết trên TED Talk của Cuddy về các tư thế quyền lực đã thu hút hơn bốn mươi bốn triệu lượt xem, trở thành một trong những bài diễn thuyết được xem nhiều nhất trên TED Talk.
Nhưng một vài nhà nghiên cứu khác đã nghi ngờ kết quả này. Năm 2014, họ cố gắng tái tạo lợi ích mà các “tư thế quyền lực” mang lại và đã thất bại. Các tư thế quyền lực có thể phát huy hiệu quả trong phút chốc, nhưng không có lý do nào để chúng ta tin rằng các tư thế đó có tác dụng nhiều hơn thế.
Dana Carney - một trong các tác giả của nghiên cứu về “những tư thế quyền lực” - đã đăng những lời chia sẻ trên website của mình. Trong bài đăng đó, cô nói về cơ bản thì cô đồng ý với những lời phê bình cô nhận được, đồng thời giải thích vì sao hiện tại cô tin báo cáo của mình có lỗ hổng. Carney viết: “Trong hơn hai năm qua, có nhiều bằng chứng mới đã xuất hiện và quan điểm của tôi cũng được cập nhật dựa trên các bằng chứng này. Kết quả là tôi không tin hiệu ứng tư thế quyền lực là có thật”.
Với tư duy trinh sát như thế, Carney đã nhận được sự tán thưởng từ những người “muốn hướng tới một nền khoa học chuẩn xác hơn”.
“Tuyệt vời!”, nhà kinh tế học Alex Tabarrok bày tỏ sự vui mừng.
“Carney thật đáng ngưỡng mộ khi có thể thừa nhận điều đó”, nhà thống kê kiêm blogger Andrew Gelman nhận định.
“Hy vọng Dana Carney sẽ có một buổi TED Talk để chia sẻ về tư duy khoa học (được cập nhật liên tục) đầy ấn tượng của cô”, phóng viên khoa học Christie Aschwanden đăng trên Twitter.
“Tôi rất ấn tượng với Dana Carney”, nhà tâm lý học Simine Vazire bày tỏ.
Sự chuyển biến này không hề dễ dàng, nhưng nó đang diễn ra. Và trong quá trình diễn ra, sự chuyển biến này đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng một lĩnh vực nào đó vẫn có thể tự điều chỉnh, nếu lĩnh vực đó có một nhóm nhỏ những người có cùng mục tiêu thúc đẩy sự thay đổi.
Sẽ thế nào nếu bạn là thành viên của một nhóm nhỏ như thế, trong những lĩnh vực khác của cuộc sống? Bạn làm thế nào để có thể đóng góp cho quá trình thay đổi các động lực?
GHI NHẬN NỖ LỰC CỦA NHỮNG NGƯỜI KIỂM TRA NIỀM TIN CỦA HỌ
Để góp phần tạo ra một nền văn hóa của tư duy trinh sát, chúng ta cần ghi nhận nỗ lực của những người chủ động kiểm tra niềm tin của mình, đặc biệt là những người làm vậy vì lợi ích chung.
TOMs là một công ty giày có trụ sở tại bang California, Mỹ. TOMs nổi tiếng với chính sách “mua một, tặng một”, theo đó nếu bạn mua một đôi giày của họ, thì họ sẽ quyên góp một đôi giày cho một đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở một đất nước khác, chẳng hạn như Haiti. Đến nay TOMs đã trao tặng hơn sáu mươi triệu đôi giày.
Chính sách của TOMs xuất phát từ một niềm tin khá hợp lý: có rất nhiều trẻ em nghèo khó cần giày để mang, và có vẻ như việc không có giày để mang là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề khác trong cuộc sống của chúng; thế nên, tặng giày là một cách hữu hiệu để giúp cuộc sống của những đứa trẻ này trở nên tốt đẹp hơn.
Nhưng TOMs muốn kiểm tra giả thuyết đó. Họ thuê một nhóm nghiên cứu độc lập để tìm hiểu việc trao tặng giày ở El Salvador đã tạo được những tác động gì.
Kết quả: Mặt tích cực là bọn trẻ thích những đôi giày của TOMs và hầu hết đều mang những đôi giày đó mỗi ngày. Nhưng mặt tiêu cực là các nhà nghiên cứu không tìm được bằng chứng nào cho thấy những đứa trẻ được nhận giày đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe, học tập hay bất kỳ khía cạnh nào khác mà bạn nghĩ những đôi giày có thể mang lại. Không những thế, những đứa trẻ nhận được giày còn có xu hướng trở nên phụ thuộc hơn và chúng kỳ vọng người khác sẽ giúp gia đình chúng cải thiện cuộc sống.
Có lẽ bạn cũng tưởng tượng được TOMs đã thất vọng đến thế nào. Thậm chí họ còn bị chỉ trích vì chuyện này. Ví dụ, trang Vox đã đăng tải một bài viết với lời mở đầu “Bạn có mua giày TOMs vì muốn giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn không? Nếu có thì bạn sẽ hơi tức giận đấy”.
Nhưng như vậy thật ngược đời! Hãy nhìn điều tuyệt vời mà TOMs đã làm đi!
TOMs không cần phải kiểm tra giả thuyết của họ. Đa số các tổ chức từ thiện không bao giờ làm điều đó. Các tổ chức đó sẽ chỉ chọn ra vài câu chuyện tốt đẹp về những đứa trẻ được hưởng lợi từ hoạt động từ thiện của họ, chụp vài bức ảnh cho thấy sự biết ơn của những đứa trẻ khốn khó, và đó là tất cả những gì họ nghiên cứu về việc từ thiện của mình.
TOMs có rất nhiều cách để tránh đưa ra những kết quả không phù hợp với quan điểm của họ. Chẳng hạn, họ có thể tự thực hiện nghiên cứu thay vì thuê những nhà khoa học độc lập, vậy thì họ sẽ dễ dàng sắp xếp dữ liệu để có được kết quả như mong muốn. Hoặc họ có thể âm thầm điều tra và không công bố kết quả nếu không thấy có lợi. Thay vì vậy, TOMs đã nỗ lực kiểm tra các giả thuyết của mình, theo cách mà một người ngoài cuộc đầy hoài nghi sẽ làm.
Hơn nữa, TOMs cũng không cần phải công bố minh bạch về kết quả của cuộc nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu độc lập đã cho TOMs biết là TOMs có quyền chọn phương án ẩn danh, nhưng TOMs từ chối. Các nhà nghiên cứu nói: “Trong vai trò nhà nghiên cứu, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực về việc phải che giấu những kết quả gây bất lợi cho công ty thuê mình. Theo thỏa thuận, TOMs có thể ẩn danh trong báo cáo nghiên cứu, nhưng họ đã không chọn như vậy”. Khi sẵn sàng công khai kết quả nghiên cứu của mình như thế, TOMs đã không phụ lòng những người muốn biết sự thật, đặc biệt là trong vấn đề xác định sự can thiệp nào có thể giúp ích cho người có hoàn cảnh khó khăn và sự can thiệp nào thì không.
Căn cứ vào các dữ kiện có được, TOMs bắt đầu thay đổi chương trình từ thiện của mình. Họ tìm hiểu những phương án bớt gây ra sự lệ thuộc, chẳng hạn như giao cho các nhà máy ở địa phương người nhận giày sản xuất một phần lớn những đôi giày sẽ được quyên tặng. Đồng thời, những đôi giày này cũng không còn được trao tặng như một món quà, mà như một động lực để thúc đẩy bọn trẻ tới trường.
Chúng ta chưa thể biết được những điều chỉnh mà TOMs đưa ra có tạo được sự khác biệt nào không, nhưng quan trọng là TOMs đã thật sự cố gắng để xác định tác động mà họ tạo ra là gì. Đồng thời, TOMs cũng đã dùng những thông tin họ có để thay đổi - điều mà không mấy tổ chức thiện nguyện làm được.
TÔN TRỌNG NGƯỜI DÁM ĐẶT CƯỢC VÀO NHỮNG LỜI HỌ NÓI, NGAY CẢ KHI HỌ THUA
Thật đáng thất vọng khi một người nào đó tự tin khẳng định một điều gì đó, nhưng lại từ chối đặt cược vào lời nói của mình dù chỉ bằng một khoản tiền vô cùng nhỏ.
Dù sao đi nữa, tôi không nghĩ chúng ta nên lên án những người không muốn đặt cược vào lời nói của mình. Có nhiều lý do riêng khiến người ta không muốn đánh cược. Ví dụ, một vụ đánh cược có thể khiến người ta mất nhiều thời gian và công sức để theo dõi đến khi có kết quả cuối cùng. Và việc đánh cược cho niềm tin của mình vẫn là một chuyện “lạ lùng”, nên cho dù rất tự tin vào tuyên bố của mình, thì nhiều người vẫn không đồng ý đặt cược vào niềm tin của họ.
Nhưng ít nhất thì chúng ta nên tôn trọng những người sẵn sàng đặt cược vào những lời họ nói.
Thực tế hiện nay là những người hoàn toàn thiện chí khi đặt cược vào niềm tin của mình lại thường bị mọi người chỉ trích. Sau khi đề nghị đánh cược với Scarborough, chuyên gia thống kê Nate Silver - nhân vật tôi đã đề cập trong một ví dụ ở đầu Chương 8 - đã bị cấp trên khiển trách và bị nhiều người phê phán là không tôn trọng người khác. Trong một cuộc tranh biện tổng thống Mỹ vào năm 2012, Mitt Romney đã đề nghị đánh cược tới 10.000 đô-la với một ứng cử viên tổng thống khác để chứng minh ông thật sự tự tin với những tuyên bố mình đưa ra. Về sau ông đã bị chỉ trích rất nhiều vì hành động đó.
Nếu muốn có một nền văn hóa khuyến khích mọi người trung thực tuyệt đối, chúng ta cần tôn trọng những người tự nguyện chịu trách nhiệm cho những tuyên bố của mình, chứ không nên phê phán họ.
Và họ xứng đáng được tôn trọng vì sự tự nguyện đó, dù họ có thắng cược hay không. Tôi thích “lời thề Better” của nhà kinh tế học Bryan Caplan, trong đó có đoạn: “Khi thắng một vụ cược, tôi sẽ không hạ nhục đối thủ của mình, vì người dám đánh cược và thua vẫn đáng được tôn trọng hơn đa số những người chỉ nói những lời vô căn cứ và sáo rỗng”.
TÔN TRỌNG NGƯỜI BIẾT NHẬN THUA (VÌ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG)
Như chúng ta đã thấy, khi một người bị chứng minh là sai, phản ứng thường thấy của họ là chối bỏ, bối rối, bao biện và chỉ nhận sai ở mức độ càng ít càng tốt.
Nếu ai đó chịu khó theo dõi một cuộc tranh luận, họ có thể sẽ nhận định được “Jane đúng, Max sai, và Max đang cố phủ nhận sai lầm của mình”.
Nhưng thực tế thì không ai có thể theo sát mọi cuộc tranh luận. Thế nên, nếu một người cố tình nói chuyện lập lờ, quanh co thì họ thường sẽ không cần phải nhận thua. Điều này có nghĩa là họ đã thành công trong việc khiến cho đa số những người không chú tâm theo dõi cuộc tranh luận nghĩ “Kết quả chưa rõ ràng”, dù một người theo dõi sát sao hơn sẽ thấy “Kết quả đã rõ rồi, nhưng Max sẽ không thừa nhận anh ta thua”.
Nếu muốn nâng cao sự chính xác của cả tập thể, chúng ta cần tôn trọng những người thành thật nhận thua trong các cuộc tranh luận khi các bằng chứng rõ ràng là đang chống lại họ - như cách Dana Carney đã nhận sai về những tư thế quyền lực - thay vì tìm cách để lý giải rằng thật ra quan điểm của họ không “thật sự” sai, đồng thời cố bóp méo nhận định của người xem theo cách có lợi cho họ.
Một hình mẫu điển hình khác là David Balan. Anh là một người đã thua khi đánh cược với Bryan Caplan và anh đã làm nhiều hơn những gì áp lực xã hội “buộc” anh phải làm. Sau khi thua ván cược đó, David Balan đã viết: “Tôi đã chung cho Bryan 100 đô-la tiền cược. Tôi không chỉ thua cược, mà còn thua cuộc. Ý tôi là khi đặt cược, tôi đã rất tự tin rằng mình nhất định sẽ thắng, và Bryan không có cửa nào thắng được tôi… Lần này Bryan đã thắng đậm”.
TÔN TRỌNG NGƯỜI THẲNG THẮN BÀY TỎ SỰ BẤT ĐỒNG
Xuyên suốt quyển sách này, chúng ta đã hiểu được rằng áp lực xã hội có thể định hình niềm tin của chúng ta, khiến chúng ta thiên vị những niềm tin có thể giúp ta giành được sự công nhận từ bộ lạc của mình.
Tấm bản đồ chung của nhân loại đã được phát triển suốt nhiều thế kỷ qua và ngày càng trở nên chính xác hơn. Chúng ta đã thay đổi tư duy tập thể của chúng ta về mọi thứ, từ việc Trái đất có nằm ở trung tâm vũ trụ hay không, nguyên nhân gây ra bệnh tật là gì, cho đến phụ nữ có thể làm những việc mà trước nay vẫn thuộc về đàn ông hay không, và đồng tính luyến ái có tự nhiên hay không.
Tất cả những sự thay đổi này sẽ không thể xảy ra nếu không có những người sẵn sàng nêu lên ý kiến bất đồng với số đông. Do đó, nếu muốn cải thiện sự chính xác của mình nhiều hơn nữa, chúng ta phải tạo điều kiện để mỗi người đều sẵn lòng bày tỏ ý kiến trái chiều của họ.
Điều này không có nghĩa là bạn phải đồng tình với những người có ý kiến trái chiều hay dành nhiều thời gian để lắng nghe họ. Phần lớn những người không đồng tình với quan điểm phổ biến của xã hội thường sai, và bạn không có nghĩa vụ phải lắng nghe ai cả. Điều này chỉ có nghĩa là bạn đừng dùng áp lực xã hội để buộc người khác không được có ý kiến trái chiều.
Quan điểm này có thể được giải thích theo mô hình xã hội trinh sát như sau: nếu bạn hợp tác cùng một nhóm trinh sát để vẽ nên tấm bản đồ chính xác nhất có thể, thì bạn không nên trừng phạt những người cố gắng báo cáo những gì họ thấy, ngay cả khi họ sai rành rành. Ví dụ, một trong những trinh sát nói: “Này mọi người, hình như tôi thấy dòng sông đó đóng băng rồi”. Trong khi đó, mười trinh sát khác nói: “Không, chúng tôi kiểm tra rồi, dòng sông đó không đóng băng”.
Lúc này, bạn có thể đưa ra quyết định và nói: “Được rồi, Trinh sát #1, anh sai rồi và chúng ta sẽ không bàn cãi về vấn đề này nữa”. Bạn cũng có thể chọn cách bớt tin tưởng nhận định của Trinh sát #1 lại, vì nhìn chung thì anh ta có vẻ phạm sai lầm nhiều hơn những người khác.
Nhưng bạn không nên nói với anh ta: “Chúng tôi sẽ phạt anh vì nhìn lầm là dòng sông đã đóng băng”. Nếu bạn đưa ra thông điệp này thì từ đó về sau, tất cả những người nhìn thấy điều gì đó khác với số đông sẽ không dám lên tiếng, và tấm bản đồ chung sẽ ngày càng kém chính xác.
HƯỚNG TỚI MỘT TRẠNG THÁI CÂN BẰNG MỚI
Chuyển đổi từ chuẩn mực của tư duy chiến binh sang chuẩn mực tư duy trinh sát có thể là một vấn đề khó nhằn về mặt phối hợp. Mỗi người sẽ nghĩ: “Tôi sẵn sàng trở thành một người trung thực tuyệt đối. Nhưng nếu người khác cứ phóng đại sự tự tin của họ hoặc không chịu nhận sai thì tôi sẽ là người chịu thiệt, vì chỉ có mình tôi trung thực”.
Cũng như mọi quá trình chuyển đổi khác từng diễn ra, điều bạn cần là những người tiên phong. Những người này sẽ đi đầu để làm gương, khiến chuẩn mực mới trở nên dễ hiểu hơn và thu hút hơn để người khác có thể tiếp nhận nó.
Việc làm người tiên phong không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Xuyên suốt quyển sách này, tôi đã cố gắng cho bạn thấy bạn có thể giảm thiểu cái giá phải trả của tư duy trinh sát, nhưng trong một số trường hợp, bạn vẫn bị “trừng phạt” vì cố gắng trở nên chính xác. Đôi khi, bạn sẽ thua những người có sức thuyết phục hơn bạn, vì họ ít đắn đo hơn; bạn có thể bị phê phán vì đã thay đổi quan điểm, mặc dù đó là việc tốt; bạn có thể bị xem là người không trung thành nếu không đồng tình với tất cả các niềm tin của bộ lạc mình. Và có thể bạn sẽ cảm thấy rất thất vọng nếu bạn luôn cố gắng theo đuổi sự trung thực tuyệt đối, nhưng những người khác thì không.
Nhưng bạn có thể chọn “gánh lấy” những cái giá phải trả đó. Đây là cách cuối cùng mà tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng để tự tin tách mình ra khỏi lập trình sẵn có của quá trình tiến hóa: bộ gien của con người vốn là gien ích kỷ, nhưng mỗi người chúng ta không nhất thiết phải ích kỷ như bộ gien của mình.
Quá trình tiến hóa đã tối ưu hóa con người theo những cách có thể giúp chúng ta thuận lợi di truyền bộ gien của mình cho thế hệ tương lai, theo đó, việc giúp đỡ những người xa lạ không mang lại ích lợi gì cho bộ gien của chúng ta. Điều này có nghĩa là bộ não của chúng ta sẽ chọn phương án tự lừa dối nếu nhận thấy phương án đó có lợi cho bản thân ta, ngay cả khi phải làm người khác tổn thương.
Đó là lý do vì sao chúng ta thấy có những sự kiện như Vụ Dreyfus, khi mà nhiều người đã có những cách lập luận khiến họ kết án một người vô tội, vì như vậy sẽ thuận tiện và có lợi hơn cho các sĩ quan. Đó là lý do vì sao các nhà khoa học tự lừa dối mình để tin rằng nghiên cứu của họ là chính xác, dù nghiên cứu đó có thể khiến những người mắc bệnh không được chữa trị hiệu quả trong nhiều năm. Đó là lý do vì sao đa số chúng ta có quan điểm cứng rắn về những vấn đề quan trọng như kiểm soát súng đạn, hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhập cư; và mục đích không phải là để trở nên chính xác, mà là để chúng ta thể hiện lòng trung thành với bộ lạc của mình.
Nhưng chúng ta không cần phải làm theo kế hoạch “ích kỷ” do bộ gien của mình bày ra. Chúng ta là những cá nhân tự do và có thể trở nên bao dung hơn. Bộ gien của chúng ta không được lập trình để quan tâm tới những người xa lạ mà chúng ta không bao giờ có thể gặp mặt, chẳng hạn như nạn nhân của thiên tai hay thế hệ tương lai, nhưng chúng ta vẫn có thể và vẫn thường dùng tự do ý chí của mình để quyết định giúp đỡ những người đó.
Tôi nghĩ trong quyển sách này, tôi đã lý giải rõ ràng vì sao việc nỗ lực nhìn nhận thực tế một cách trung thực và chính xác là xứng đáng, dù chỉ xét theo góc độ lợi ích cá nhân.
Nhưng tôi nghĩ, bất kể sự chính xác có mang đến lợi ích trực tiếp cho chúng ta hay không, thì với vai trò là một công dân của xã hội loài người, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm trong việc cố gắng không tự lừa dối bản thân, dù là về chính trị, khoa học, hay là về nhận thức rằng cách hành động của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến người khác. Và chúng ta cũng có trách nhiệm đóng góp vào nhận thức chung, bằng cách giúp lan tỏa những chuẩn mực tốt về tư duy và lập luận.
Và giờ đây, bạn đã được trang bị sẵn sàng để thực hiện những điều nói trên.
BƯỚC GẦN HƠN TỚI QUYỀN TỰ QUYẾT
Tôi hy vọng bạn sẽ giống như tôi, sẽ bớt cảm thấy khó chịu khi gặp phải những người có vẻ vô lý, vì giờ đây bạn đã biết về tư duy chiến binh.
Giờ đây, chúng ta biết rằng kiểu lập luận theo động cơ vốn đã được khắc sâu vào bộ não của chúng ta như thế nào; việc tự nhận ra kiểu lập luận đó của chính mình khó khăn đến thế nào chứ chưa nói đến chuyện vượt qua, ngay cả khi bạn là người nắm vững kiến thức về khoa học nhận thức; và chúng ta phải đối mặt với những động lực mạnh mẽ khiến ta không thể vượt qua ra sao. Tất cả những hiểu biết này đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về các nhược điểm của con người. (Đó là chưa kể tôi cũng phát hiện mình đã lập luận theo động cơ vô số lần, nên khi nhận thấy người khác làm vậy thì tôi cũng dễ bỏ qua cho họ hơn.)
Trên thực tế, tôi nghĩ chúng ta nên thoải mái đón nhận mọi cơ chế lập luận của con người, dù đó là tư duy chiến binh hay bất kỳ kiểu tư duy nào khác.
Suy cho cùng, chúng ta chỉ là những con vượn với bộ não được tối ưu hóa nhằm bảo vệ niềm tin cá nhân và đóng góp cho bộ lạc của mình. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta đã xây dựng được những nền văn minh có thể vận hành được về cơ bản, mặc dù chúng ta hầu như đều là những người xa lạ với nhau trong các nền văn minh đó. Chúng ta đã khám phá được nhiều quy luật khoa học khác thường, mặc dù chúng ta không tiến hóa để lý giải các vấn đề vật lý. Và theo thời gian, chúng ta đã thay đổi được cả tư duy tập thể, theo hướng có nguyên tắc hơn nhưng đồng thời cũng bao dung hơn đối với mọi người, dù quá trình thay đổi này không diễn ra nhanh chóng và đều đặn như chúng ta mong muốn.
Chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều để có thể trở nên hoàn hảo, nhưng nhìn chung thì tôi nghĩ chúng ta đang làm rất tốt. Và chúng ta sẽ có thể làm tốt hơn nữa, nếu chúng ta cố gắng suy ngẫm cũng như rèn luyện tư duy trinh sát nhiều hơn.
Đây chính là câu chuyện về quyền tự quyết mà tôi đã hết sức ủng hộ từ khi còn là một đứa bé.