M
ột đêm của năm 1970, Susan Blackmore thấy mình đang bay lơ lửng trên trần nhà, nhìn xuống cơ thể của chính mình.
Khi đó Blackmore đang là sinh viên năm nhất của Đại học Oxford, ngành tâm lý học và sinh lý học. Như nhiều sinh viên năm nhất khác, cô bắt đầu thử các loại chất kích thích khác nhau và thấy chúng thật mới lạ. Nhưng cuộc đời của Blackmore đã hoàn toàn thay đổi sau trải nghiệm đặc biệt đó, khi ý thức của cô xuất khỏi cơ thể, bay lên trần nhà và chu du khắp thế giới.
Blackmore cho rằng trải nghiệm của cô hẳn phải là một hiện tượng siêu nhiên, và đó là bằng chứng cho thấy còn nhiều điều về vũ trụ và ý thức của con người mà các nhà khoa học chính thống cần tìm hiểu. Blackmore quyết định chuyển chuyên ngành của mình sang nghiên cứu các hiện tượng tâm linh để tìm các bằng chứng khoa học, chứng minh hiện tượng siêu nhiên là có thật.
Sau khi bắt đầu chương trình tiến sĩ, Blackmore tiến hành thử nghiệm suốt nhiều năm liền. Cô kiểm chứng khả năng của con người về thần giao cách cảm, linh cảm và thấu thị. Đối tượng thử nghiệm của cô là học viên cao học, các cặp sinh đôi và trẻ em. Cô còn tự học cách bói bài tarot. Nhưng hầu như mọi thử nghiệm của cô đều không mang lại gì ngoài những kết quả ngẫu nhiên.
Trong một vài lần hiếm hoi, các thử nghiệm của Blackmore đã cho thấy kết quả khả quan và khiến cô hết sức hào hứng. “Với tư cách một nhà khoa học, tôi phải lặp lại các thử nghiệm đó, kiểm tra lỗi, phân tích lại các số liệu thống kê và thay đổi điều kiện thử nghiệm. Nhưng lần nào tôi cũng phát hiện lỗi hoặc lại thu về kết quả ngẫu nhiên”, Blackmore nhớ lại. Cuối cùng cô cũng phải đối mặt với sự thật: có thể từ trước đến giờ cô đã sai, và có thể hiện tượng siêu nhiên không có thật.
Đó là một sự thật khó đối mặt, nhất là khi toàn bộ bản sắc cá nhân của Blackmore đến thời điểm đó đều được hình thành dựa trên niềm tin về sự tồn tại của hiện tượng siêu nhiên. Cô đã học cách làm một phù thủy, tham dự các buổi lễ tâm linh, mặc trang phục New Age, bói bài tarot, săn ma… Vì thế, khi Blackmore chuyển sang nghi ngờ sự tồn tại của hiện tượng siêu nhiên, bạn bè cô lại chuyển sang nghi ngờ cô. Nói cách khác, tất cả các nguồn lực của chủ nghĩa bộ lạc đều thúc đẩy cô tiếp tục tin tưởng.
“Nhưng sâu bên trong, tôi là một nhà khoa học và đã luôn như thế. Những kết quả tôi có được đã cho tôi thấy một sự thật rất rõ ràng. Tôi đã sai!”, Blackmore nói.
Cô đổi hướng đi một lần nữa và bắt đầu nghiên cứu tâm lý của những người có trải nghiệm siêu nhiên - giống như trải nghiệm mà cô có vào cái đêm định mệnh của năm 1970. Nếu hiện tượng siêu nhiên là không có thật thì tại sao lại có quá nhiều người có trải nghiệm như vậy? Điều gì đang diễn ra bên trong bộ não của con người?
Nhờ quyết định chuyển hướng đó mà Blackmore đã có một sự nghiệp đa dạng và phong phú, với nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau, từ thiền định, dược phẩm đến sự lan truyền (meme). Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ chán việc khám phá sự bí ẩn của nhận thức”.
BẢN SẮC CỦA TRINH SÁT
Blackmore đã tự nhận định bản thân là một người tin vào các hiện tượng siêu nhiên và điều đó khiến cô khó thay đổi suy nghĩ của mình. Nhưng cuối cùng cô vẫn có thể thay đổi. Vì sao lại thế? Vì bên cạnh bản sắc cá nhân của một người tin vào hiện tượng siêu nhiên, cô còn có một bản sắc cá nhân khác, một bản sắc đủ mạnh mẽ để chiến thắng bản sắc đầu tiên: một nhà khoa học.
Tôi phát hiện trường hợp của Blackmore là bình thường chứ không phải ngoại lệ, trong thế giới của lính trinh sát. Những người có thể thay đổi suy nghĩ, đương đầu với các tình huống bất lợi, ghi nhận sự chỉ trích, hay kiểm tra các giả định của mình… đều phần nào có bản sắc cá nhân gắn liền với tư duy trinh sát, hoặc với những khái niệm có liên quan đến tư duy trinh sát như “là một nhà khoa học”, hay “trung thực tuyệt đối”, v.v…
Những người như thế không thực hành tư duy trinh sát vì bị bắt buộc. Nói đúng hơn thì tư duy trinh sát chính là giá trị cốt lõi đã tạo nên con người họ, là những gì đã khiến cho họ cảm thấy tự hào, giống như cách mà nhiều người cảm thấy tự hào khi tuyên bố “Tôi không bỏ cuộc trước nghịch cảnh” hoặc “Tôi là người có lòng bao dung”. Những người như thế cảm thấy hãnh diện vì họ là người luôn nỗ lực nhìn nhận thế giới một cách chính xác, chứ không để bản thân bị thôi thúc tin vào những điều thuận tiện hay mang lại cảm giác thoải mái cho họ.
Hẳn bạn còn nhớ nhân vật Picquart mà tôi đã đề cập trong phần đầu của quyển sách này. Mỗi khi có ai hỏi vì sao ông lại kiên trì đi tìm sự thật trong Vụ Dreyfus dù biết rằng cái giá phải trả là rất đắt, ông chỉ đơn giản đáp: “Vì đó là nhiệm vụ của tôi”. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Picquart xem sự thật là giá trị cốt lõi của mình.
Có lẽ bạn đang cảm thấy ngạc nhiên khi nghe tôi kể về những lợi ích của bản sắc cá nhân. Dù sao thì tôi cũng đã dành hẳn vài chương để lý giải cho bạn thấy bản sắc cá nhân có thể cản trở tư duy trinh sát như thế nào. Việc nhận định bản thân là “người ủng hộ quyền bình đẳng nữ giới” hoặc là “người lạc quan” có thể định hình tư duy và hành vi của bạn theo những cách mà bạn không thể nhận thấy, buộc bạn phải tin tưởng và bảo vệ một vài lập trường nào đó bất kể đúng sai.
Những gì tôi muốn đề xuất trong chương này là một cách để khiến bản sắc cá nhân mang lại lợi ích cho chúng ta, thay vì cản trở ta. Bản sắc cá nhân thường làm cho các nhận định của chúng ta bị thiên lệch, xa rời sự chính xác. Vậy nếu chúng ta đảo ngược vấn đề và đưa “sự chính xác” vào bản sắc cá nhân của chúng ta thì sao?
Và sau đây là lý do vì sao phương pháp này có hiệu quả.
THAY ĐỔI TỪ THÓI QUEN TƯ DUY CỦA CHIẾN BINH SANG THÓI QUEN CỦA TRINH SÁT
Trong Chương 6, chúng ta đã tìm hiểu về việc hình thành tư duy chiến binh và tư duy trinh sát dựa trên hàng trăm thói quen, hàng trăm phản ứng tự động khác nhau đối với các tác nhân kích thích khác nhau. Một vài ví dụ về thói quen của tư duy chiến binh là:
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đề cập đến những điều khiến thói quen trở nên khó từ bỏ và làm thế nào để thay đổi thói quen đó. Bây giờ ta sẽ quay lại với mô hình các thói quen và thêm vào đó một yếu tố: sự củng cố.
Hãy cùng xem xét một thói quen xấu, chẳng hạn như thói quen ăn vặt mỗi khi cảm thấy căng thẳng. Đầu tiên, một suy nghĩ đáng lo ngại xuất hiện trong đầu bạn (“Ôi, mình chỉ có ba ngày để làm xong báo cáo”). Bạn thấy tim mình đập dồn dập và bạn cảm thấy bị thôi thúc, muốn đưa tay với lấy gói khoai tây chiên.
Giả sử bạn hành động theo sự thôi thúc đó, và cuối cùng bỏ một miếng khoai tây chiên vào miệng. Chuyện gì sẽ xảy ra? Ngay khi bắt đầu nhấm nháp miếng khoai tây chiên, bạn cảm nhận một làn sóng mùi vị: mằn mặn, thơm thơm, có vị chua cay. Bạn cảm nhận sự béo ngậy ngon lành của miếng khoai tây chiên. Ngay lập tức, bạn cảm thấy bình tĩnh hơn. Nỗi lo lắng của bạn lắng xuống, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Cảm giác thoải mái tức thời đó sẽ củng cố một mô típ hành vi: Cảm thấy lo lắng → ăn vặt. Sự củng cố tích cực như vậy chính là cách não bộ nhận biết hành động nào nên được lặp lại trong những tình huống tương tự ở tương lai. Cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái và hài lòng truyền thông tin đến bộ não: “Hành động này (ăn vặt) là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này (cảm thấy căng thẳng)”.
Theo thời gian, mô típ hành vi này ngày càng được khắc sâu vào tiềm thức của bạn. Căng thẳng → ăn vặt → bình tĩnh lại. Căng thẳng → ăn vặt → bình tĩnh lại. Căng thẳng → ăn vặt → bình tĩnh lại.
Đương nhiên điều này không có nghĩa là bạn sẽ mất đi sự tự do ý chí. Bất cứ khi nào gặp phải tình huống tương tự, bạn vẫn có quyền lựa chọn ăn hoặc không ăn. Nhưng nếu bạn không chú ý thì “ăn vặt khi căng thẳng” sẽ trở thành một thói quen mà bạn sẽ tự động thực hiện. Ngay cả khi bạn đã chú ý thì bạn vẫn phải nỗ lực rất nhiều và phải có tinh thần kỷ luật cao để có thể thay đổi mô típ hành vi đó.
Cơ chế tương tự cũng được áp dụng cho tư duy chiến binh.
Nếu lập luận của ai đó có những điểm bạn không thích thì khi bác bỏ lập luận đó, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn tức thời. Một mô hình thói quen được hình thành: Không thích một lập luận → bác bỏ → cảm thấy thỏa mãn. Không thích một lập luận → bác bỏ → cảm thấy thỏa mãn. (Nếu có thể đưa ra một lời đáp trả khiến lập luận của đối phương nghe có vẻ ngớ ngẩn thì bạn sẽ càng thấy thỏa mãn hơn, và thói quen này sẽ càng được củng cố.)
Tương tự, nếu bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân (“Có phải tại mình nên dự án này thất bại không?”), thì phản ứng của bạn sẽ là đưa ra lý lẽ để đánh tan nỗi nghi ngờ và bảo vệ tinh thần của mình (“Không, mọi sự đã tệ sẵn rồi, và mình không thể làm gì khác hơn”). Kết quả là bạn vẫn có được cảm giác nhẹ nhõm ngay lập tức. Và điều này sẽ góp phần củng cố một thói quen: Gặp phải sự cố → hợp lý hóa → cảm thấy nhẹ nhõm. Gặp phải sự cố → hợp lý hóa → cảm thấy nhẹ nhõm.
Cách hiệu quả nhất để từ bỏ một thói quen là thay thế thói quen đó bằng một thói quen tốt hơn.
Quan trọng là thói quen mới cần phải mang lại cảm giác dễ chịu tương tự thói quen cũ. Nếu tác dụng của thói quen ăn khoai tây chiên mỗi khi căng thẳng là xoa dịu nỗi bất an, thì thói quen thay thế - chẳng hạn như duỗi người trên ghế - cũng phải mang lại tác dụng xoa dịu tương tự. Miễn là thói quen mới cũng mang lại lợi ích như thói quen cũ, dần dần bạn sẽ có thể thay đổi vòng lặp cũ trong tiềm thức bằng vòng lặp mới. (Thay vì “Cảm thấy căng thẳng → ăn vặt → bình tĩnh lại”, thì sẽ là “Cảm thấy căng thẳng → duỗi người → bình tĩnh lại”.)
Trong quá trình rèn luyện tư duy trinh sát, bạn có thể đặt mục tiêu là thay thế một vài thói quen của tư duy chiến binh bằng thói quen của tư duy trinh sát. Hãy nhớ rằng chỉ khi những thói quen của tư duy trinh sát có thể mang lại cảm giác hài lòng nào đó, thì chúng ta mới có thể duy trì những thói quen đó.
BẢN SẮC CÁ NHÂN CÓ THỂ MANG LẠI SỰ THỎA MÃN
Khi tự hào rằng bản thân là một trinh sát, bạn sẽ dễ dàng vượt qua thôi thúc muốn đáp trả gay gắt với người bất đồng ý kiến với bạn. Đó là vì bạn có thể tự nhắc nhở mình: “Không, mình không phải là kiểu người thường có những hành động thiếu suy nghĩ như vậy”. Với suy nghĩ này, bạn cũng cảm thấy sự tự hào của bạn về chính bản thân bạn đã được củng cố thêm đôi chút. Sự tự hào này không phải lúc nào cũng đủ để giúp bạn vượt qua cảm giác muốn khiến kẻ địch của mình trông thảm hại, nhưng thường thì bạn chỉ cần có thế.
Khi tự hào rằng bản thân là một trinh sát, bạn sẽ dễ dàng thừa nhận sai lầm của mình hơn. Đó là vì bạn có thể nói với chính bạn: “Không, mình không phải là kiểu người thường viện cớ để bao biện cho bản thân”. Lúc này, bạn cảm thấy thỏa mãn vì nhận thấy bạn đang là kiểu người mà bạn muốn trở thành. Sự thỏa mãn này không phải lúc nào cũng đủ để giúp bạn vượt qua cảm giác tội lỗi khi nhận ra sai lầm của mình, nhưng thường thì bạn chỉ cần có thế.
Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng một hành động có thể mang lại cảm giác thỏa mãn nhiều đến thế nào khi bạn không xem hành động đó như một nghĩa vụ, mà như một sự khẳng định cho bản sắc cá nhân mà bạn muốn có.
Hãy so sánh câu nói “Mình không nên bỏ cuộc khi gặp khó khăn” với câu nói thay thế “Mình sẽ không bỏ cuộc khi gặp khó khăn”. Hai câu này gần như giống nhau về cách diễn đạt, nhưng lại có tác dụng thúc đẩy rất khác nhau. Khi bạn nói “Mình không nên bỏ cuộc”, trọng tâm của câu nói này xoáy vào áp lực đang đè nặng lên bạn. Cụm từ “không nên” khiến não bộ của bạn liên tưởng đến hình ảnh của một bậc cha mẹ hoặc một nhà cầm quyền đang chỉ tay vào bạn, ra lệnh cho bạn. Nếu bạn thật sự không bỏ cuộc thì bạn vẫn sẽ có cảm giác miễn cưỡng, như thể bạn đang ép mình làm một điều gì đó.
Ngược lại, khi bạn nói “Mình sẽ không bỏ cuộc”, trọng tâm của câu nói này xoáy vào bản sắc cá nhân của bạn. Đây là một tuyên bố về việc bạn là ai và bạn coi trọng điều gì. Việc nói với bản thân “Mình sẽ không bỏ cuộc” khiến bạn cảm thấy thỏa mãn; khi đó bạn đang tự nhắc nhở bản thân về nguyên tắc mà bạn coi trọng, cũng như cảm giác thỏa mãn mà bạn sẽ có được khi tuân thủ nguyên tắc đó.
Việc gắn bản sắc cá nhân với một phẩm chất hay kỹ năng nào đó thậm chí còn mạnh mẽ đến mức có thể biến những tác dụng phụ có hại của một thói quen thành phần thưởng. Có bao giờ bạn bị đau nhức một ngày sau khi tập thể dục, và nhận ra cảm giác đau nhức đó đang khiến bạn cảm thấy đôi chút tự hào không?
Nếu bạn có bản sắc của trinh sát, thì đó sẽ là cảm giác mà bạn có được khi nhận ra mình đã phạm sai lầm hoặc người đang tranh cãi với bạn thật ra cũng có phần đúng. Nói vậy không có nghĩa là bạn sẽ không có cảm giác bị tổn thương. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cảm giác nhói đau một chút đó sẽ nhắc bạn nhớ rằng bạn đang sống đúng với các tiêu chuẩn mà mình coi trọng và bạn sẽ thấy hài lòng hơn. Tương tự như khi người ta cảm thấy hài lòng với những bó cơ đang đau nhức của họ, vì đó là dấu hiệu chứng minh họ đang thực hiện đúng mục tiêu rèn luyện thể hình của mình.
Nếu chúng ta xem lợi ích ngắn hạn là lỗi của quá trình ra quyết định, thì các yếu tố trong bản sắc cá nhân chính là miếng vá lỗi. Các yếu tố này thay đổi cách chúng ta nhìn nhận các phần thưởng về mặt cảm xúc, đồng thời giúp chúng ta cảm thấy thỏa mãn tức thời với những quyết định chỉ mang lại lợi ích cho ta sau một thời gian dài.
SỰ NGUY HIỂM CỦA VIỆC TỰ NHẬN MÌNH LÀ “NGƯỜI LÝ TRÍ”
Hẳn là bạn đã từng biết nhiều người tự nhận bản thân là người lý trí. Họ tự hào nghĩ mình là người khách quan, có sao nói vậy; nhưng họ cũng là người khiến bạn không thể chịu đựng nổi và là người không bao giờ chịu tranh luận với người khác bằng thiện chí.
Hãy tạm gọi đó là Bob. Bob tự hào rằng anh là người lý trí và thường nhanh chóng chỉnh những niềm tin phi lý của người khác. Phương châm của Bob là “Sự thật không quan tâm tới cảm nhận của bạn”, “Tôi thà hỏi những câu hỏi không ai có thể trả lời, còn hơn là có những câu trả lời không ai có thể hỏi”, hoặc “Những gì có thể được khẳng định mà không cần bằng chứng thì cũng có thể bị bác bỏ mà không cần bằng chứng”. Khi tranh luận với người khác, Bob thường bắt đầu bằng “Theo lý mà nói thì…”.
Thế nhưng Bob vẫn phạm phải hầu hết những sai lầm của những người “phi lý trí” mà anh xem thường: Bob chỉ chọn những dữ kiện củng cố niềm tin của mình và bỏ qua tất cả những dữ kiện khác. Anh chế nhạo những người bất đồng quan điểm với mình. Anh tập trung vào điểm yếu trong lập luận của họ hơn là những điểm mạnh. Anh không bao giờ thay đổi ý kiến, ít nhất là những ý kiến về điều anh cho là quan trọng. Nhìn chung, Bob không giống một người khách quan, mà anh giống một người đang tự khẳng định mình khách quan, và anh dùng sự tự khẳng định đó như một món vũ khí để chống lại kẻ địch của mình.
Bob là hình mẫu hoàn hảo để bạn thấy rằng ý kiến của bạn sẽ ngày càng thiên lệch nếu bạn tự hào mình là người “lý trí”, “khách quan” hoặc “không thiên vị”.
Có vẻ điều này xảy ra là vì hai nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, việc bạn tự nhìn nhận bản thân là người “khách quan” có tác động như một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Càng nghĩ mình khách quan, bạn càng tin rằng trực giác và ý kiến của mình là đại diện chính xác của thực tế, và vì thế bạn sẽ càng ít nghi ngờ những trực giác và ý kiến đó. Bạn sẽ nghĩ: “Mình là người khách quan nên quan điểm của mình về việc kiểm soát súng chắc chắn đúng, còn quan điểm của những người phi lý không đồng tình với mình là sai”, hoặc “Mình không phải là người thiên vị, nên nếu mình thấy ứng viên này tốt hơn thì chắc chắn anh ta tốt hơn”.
Đây là hiện tượng mà các nhà nghiên cứu thường gọi là “chủ nghĩa hiện thực ngây thơ” - một kiểu ảo tưởng mà theo đó, bạn mặc định những gì bạn nhận định về thế giới chính là sự thật khách quan. “Nếu tôi nhận định pizza khóm dở tệ thì nó thật sự dở tệ; tất cả những ai không có nhận định như thế đều sai.”
Việc tự nhận bản thân là người “lý trí” hoặc “khách quan” có thể khiến bạn lún sâu vào chủ nghĩa hiện thực ngây thơ; đó là một mối nguy hại. Nhưng vẫn còn một mối nguy hại khác - đồng thời cũng là nguyên nhân thứ hai - đó là bạn sẽ cảm thấy tồi tệ nếu có dấu hiệu cho thấy bạn không đáp ứng được tiêu chuẩn lý tưởng mà bạn đã gắn với bản sắc của mình. Nếu bạn tự hào rằng mình là người khách quan hoặc là một thành viên của phe lý trí, thì bản sắc cá nhân của bạn sẽ bị đe dọa khi bạn có nhận định sai.
GHI NHẬN NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐÚNG
Vậy giải pháp là gì? Chẳng lẽ chúng ta sẽ “tiêu đời” nếu tự nhận mình là lính trinh sát sao?
Không, chúng ta sẽ không tiêu đời nếu tự nhận là trinh sát. Và tôi sẽ giải thích vì sao.
Sai lầm của Bob là anh đã tự nhận mình là một người hoàn toàn lý trí. Khi tự nhận như thế, nếu Bob thừa nhận mình sai hoặc có quan điểm thiên lệch, bản sắc cá nhân của anh sẽ bị đe dọa. Bob đã tự tạo cho bản thân một động lực mạnh mẽ để không thừa nhận sai lầm.
Nhưng làm một trinh sát không có nghĩa là bạn phải chính xác 100% ngay từ đầu. Làm một trinh sát có nghĩa là hành động để cải thiện mức độ chính xác của bản thân theo thời gian, chẳng hạn như tìm kiếm những lời phê bình giá trị nhất, tìm những khuyết điểm trong quan điểm của mình, sửa chữa sai lầm, hay có thể vượt qua Phép thử hệ tư tưởng Turing. Nói một cách đơn giản, tự nhận bản thân là người “lý trí” nghĩa là bạn tự hào rằng mình là người hoàn hảo; tự nhận bản thân là “lính trinh sát” nghĩa là bạn tự hào rằng bạn đang nỗ lực cải thiện chính mình.
Vì vậy, bạn nên tự hào rằng bản thân đã có những hành vi như:
Tôi có thể kể thêm hàng loạt ví dụ như thế nữa, nhưng xuyên suốt quyển sách này tôi đã đưa ra rất nhiều ví dụ về cách thực hành tư duy trinh sát rồi.
Chuyện này cũng giống như bạn đang “game hóa” sự trung thực tuyệt đối của bản thân: bạn ghi “điểm” mỗi khi thực hiện những việc có thể giúp bạn đạt mục đích có được tư duy trinh sát. Tất nhiên điểm số mà bạn ghi được hoàn toàn là điểm ảo, nhưng điểm số trong video game cũng là điểm ảo, điều đó không hề khiến quá trình nâng cao điểm số trở nên kém thú vị. Điểm số tượng trưng cho thành tích.
Quan trọng là bạn phải cẩn thận khi thiết lập trò chơi, sao cho bạn phải thật sự làm những việc giúp bạn trở thành một trinh sát giỏi thì mới có thể ghi điểm, tức được quyền cảm thấy tự hào về bản thân. Bạn không thể đơn giản kết luận bản thân là lính trinh sát, cảm thấy thỏa mãn với điều đó và không bao giờ làm gì để chứng minh bản sắc trinh sát của mình. Nếu vậy thì bạn sẽ trở thành một người giống như Bob: mắc kẹt trong vòng xoáy của sự tự củng cố và mù quáng tin tưởng vào sự chính xác của bản thân.
GHI NHẬN NỖ LỰC NHẬN RA TƯ DUY CHIẾN BINH
Có một quy tắc khác thường trong việc xây dựng bản sắc của trinh sát, đó là bạn nên cảm thấy dễ chịu mỗi khi nhận ra mình đang áp dụng tư duy chiến binh.
Có thể điều này nghe có vẻ ngược ngạo. Lẽ ra bạn phải tự ghi điểm cho bản thân mỗi khi áp dụng tư duy trinh sát mới đúng, sao lại là chiến binh? Chẳng phải nội dung chính của chương này là vậy sao?
Đúng, nhưng hãy tưởng tượng mỗi lần bạn gọi điện về cho cha mẹ của mình, điều đầu tiên họ sẽ nói là “Cuối cùng cũng biết gọi về nhà! Tại sao con không gọi điện cho cha mẹ thường xuyên hơn?”. (Có lẽ bạn không cần phải tưởng tượng nhiều cũng hình dung được cảnh này.)
Với lời khiển trách như vậy, cha mẹ bạn đang vô tình trừng phạt bạn, khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc tội lỗi khi gọi điện cho họ. Nghịch lý thay, hành động của cha mẹ bạn lại củng cố cho những gì hoàn toàn trái ngược với điều họ thật sự mong muốn. Trong vô thức, sự trừng phạt nho nhỏ đó khiến bạn ngại gọi điện cho cha mẹ, dù bạn muốn liên lạc với họ thường xuyên hơn.
Nhiều người cũng phạm sai lầm tương tự khi cố gắng huấn luyện chú chó của mình. Khi chú chó có một hành động nào đó mà người chủ không muốn, như nhảy lên trường kỷ chẳng hạn, họ sẽ kêu nó nhảy xuống. Khi chú chó đã xuống khỏi trường kỷ, người chủ liền la: “Không được nhảy lên bàn ghế nữa!”. Người chủ có phản ứng như thế cũng là điều dễ hiểu; nhưng dĩ nhiên, việc trách mắng chú chó ngay khi nó dừng một hành động xấu sẽ khiến nó hiểu sai hoàn toàn.
Giống như các bậc phụ huynh hay người chủ của chú chó nói trên, khi thực hành tư duy trinh sát, chúng ta thường vô tình trừng phạt những hành động mà chúng ta muốn khuyến khích.
Khi nhận ra mình làm sai việc gì đó, bạn thường cảm thấy có lỗi, lo lắng hoặc có những cảm giác mang tính trừng phạt khác. Điều này có vẻ hợp lý nếu xét về khía cạnh động lực. Suy cho cùng, tốt nhất là chúng ta không làm điều gì sai, vậy nên cũng hợp lý nếu ta “trừng phạt” bản thân khi làm sai và ghi nhận nỗ lực của mình khi làm đúng.
Nhưng bạn phải xác định mình đang tự trừng phạt thế nào, vì những cảm xúc tiêu cực không ập đến ngay khi bạn phạm sai lầm, mà là khi bạn nhận ra sai lầm đó. Kết quả là bạn đang rèn luyện thói quen không nhận ra hoặc không thừa nhận sai lầm của mình.
Nguyên tắc bao quát hơn sẽ là bạn nên ghi nhận từng hành động giúp hình thành thói quen mà bạn mong muốn, thay vì trừng phạt bản thân vì bạn chưa hoàn hảo. Do đó, nếu muốn rèn luyện thói quen bớt phòng thủ hơn khi đối mặt với những lời phê bình, thì bạn không nên dằn vặt bản thân khi nhận ra bạn đang bật chế độ phòng thủ.
Thay vào đó, bạn sẽ muốn làm điều gì đó tương tự những gì cô đồng nghiệp Anna của tôi đã làm, đó là ghi nhận nỗ lực của bản thân mỗi khi nhận ra mình đang tự phòng thủ, vì nhận ra điều gì đó chính là bước đầu tiên để thay đổi nó. Thay vì cảm thấy tội lỗi, Anna sẽ âm thầm cổ vũ bản thân: “Tuyệt vời! Mình đã nhận ra là mình đang bật chế độ phòng thủ!”.
Theo thời gian, Anna bắt đầu ghi nhận nỗ lực của mình trong nhiều hành động khác nữa, chẳng hạn như cố gắng giảm thiểu cảm giác muốn phòng thủ (ngay cả khi đó là một nỗ lực bất thành), hay cảm thấy biết ơn (dù chỉ một chút) khi nhận những lời phê bình.
Đó là cách Anna thay đổi bản thân, trong một quá trình kéo dài nhiều năm. Từ một người luôn khó chịu với những lời phê bình dù nhẹ nhàng nhất, Anna đã trở thành một người ít “xù lông nhím” nhất mà tôi biết. Giờ đây, Anna là một trong số ít những người tôi có thể cảm thấy thoải mái khi góp ý mà không phải lo mình sẽ bị ghét.
CÁC HÌNH MẪU LÝ TƯỞNG
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ cũng gặp phải một thử thách tương tự những gì chúng ta phải đối mặt khi thực hành tư duy trinh sát: đó là xác định xem làm thế nào để đón nhận một loạt các thói quen tư duy mới đòi hỏi chúng ta phải có ý chí mạnh mẽ, những thói quen đôi khi khiến chúng ta phải đối mặt với những ý kiến khó chấp nhận hay từ bỏ cảm giác thoải mái mà chúng ta đã quen thuộc.
Giải pháp của họ là tìm các hình mẫu lý tưởng. Triết gia Seneca nói: “Hãy chọn ai đó có lối sống, lời nói, cũng như đặc điểm tính cách mà bạn ngưỡng mộ. Hãy xem họ là người bảo hộ hoặc hình mẫu lý tưởng của bạn. Chúng ta cần một ai đó làm chuẩn mực để đánh giá bản thân mình. Nếu không có một cây thước thẳng thì bạn không thể nào làm thẳng những chỗ bị cong”.
Tôi đồng ý với Seneca. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu có một người nào đó thật sự được thúc đẩy bởi một phẩm chất nào đó, thì họ luôn có thể kể ra ít nhất một hình mẫu lý tưởng - một người có thật hoặc nhân vật hư cấu - sở hữu phẩm chất đó và truyền cảm hứng để họ muốn sở hữu phẩm chất đó.
Trong tâm trí của một nhà sáng lập công ty công nghệ - một người luôn nỗ lực hết mình cho công việc - là hình ảnh của những nhà sáng lập khác, những người làm việc mười tám tiếng mỗi ngày, ăn mì gói để tiết kiệm thời gian và dùng nhà kho làm nơi làm việc. Mỗi khi thấy nản lòng, nhà sáng lập trẻ ấy lại nhớ đến những nhà sáng lập đi trước để lấy cảm hứng tiếp tục cố gắng.
Trong tâm trí của một vị phụ huynh đang cố kiên nhẫn với con mình là hình mẫu về cha mẹ của họ, về ông bà, thầy cô hoặc những người khác thuộc thế hệ đi trước, những người đã vô cùng kiên nhẫn với người phụ huynh đó suốt thời thơ ấu của họ.
Tương tự, trong tâm trí của các tín đồ Thiên Chúa giáo luôn có tấm gương của Chúa Jesus, để họ tự động viên bản thân bao dung với người khác.
Các nhân vật được đề cập đến trong quyển sách này cũng có những hình mẫu lý tưởng mà họ có thể noi theo, như Julian Sanchez đã học hỏi sự tự tin về mặt trí tuệ của Nozick chẳng hạn.
NOI GƯƠNG HÌNH MẪU LÝ TƯỞNG
Các hình mẫu lý tưởng có vai trò quan trọng một phần là vì họ có thể cho bạn thấy làm thế nào để thực hành một kỹ năng nào đó, cụ thể và chi tiết hơn nhiều so với những gì bạn có thể học được từ các tài liệu hướng dẫn thuần lý thuyết. Bộ não của con người có vẻ giỏi học hỏi bằng cách sao chép hành động của người khác hơn là học từ những thông tin hoặc hướng dẫn chi tiết. Suy cho cùng, đây là cách mà tổ tiên ta đã học để chiến đấu, để trở nên can đảm, để sống hòa thuận với mọi người và chăm sóc con cái suốt nhiều thiên niên kỷ trước khi ngôn ngữ ra đời.
Từ lâu tôi đã biết “cố gắng không bật chế độ phòng thủ mỗi khi nhận được lời phê bình” là một ý hay. Nhưng tôi thật sự không biết làm thế nào để không bật chế độ phòng thủ trong trường hợp đó, cho đến khi tôi chứng kiến có người làm được điều đó một cách khéo léo, như cô bạn Anna mà tôi vừa nhắc đến trong chương này. Tôi không thể kể hết số lần tôi thấy cô ấy có những cuộc trò chuyện như sau:
Một đồng nghiệp của Anna nói: “Tôi nghĩ cô hoàn toàn sai khi làm XYZ, và tôi rất thất vọng về cô”.
Anna bình thản đáp: “À, vâng. Cảm ơn anh đã cho tôi biết. Tôi đồng ý là XYZ không hiệu quả, nhưng tôi không chắc liệu thất bại lần này là có thể tránh khỏi hay không. Anh có thể nói rõ hơn một chút về những gì anh nghĩ tôi nên điều chỉnh không?”.
Khi tôi thấy Anna đón nhận lời phê bình một cách bình tĩnh, chân thành, và dành sự quan tâm tuyệt đối cho những gì mà cô có thể học được từ người phê bình, não bộ của tôi đã bị thuyết phục: “Không bật chế độ phòng thủ mỗi khi nhận được lời phê bình” là một việc khả thi. Trước khi tận mắt chứng kiến, tôi không thể thực hiện được việc đó vì đó chỉ là những gì tôi tin tưởng về mặt lý thuyết nói chung, và không có một ví dụ rõ ràng để làm theo. Giờ đây, mỗi khi bị người khác phê bình, tất cả những gì tôi phải làm là noi gương hình mẫu lý tưởng của mình - Anna.
LẤY CẢM HỨNG TỪ HÌNH MẪU LÝ TƯỞNG
Có lẽ điều quan trọng hơn cả là hình mẫu có thể mang lại cảm giác thỏa mãn cho chúng ta. Như chúng ta đã biết, cảm giác thỏa mãn là yếu tố giúp ta duy trì thói quen. Tất cả những thói quen có ích đều không dễ thiết lập, dù đó là phát triển tinh thần kỷ luật để rèn luyện cho một cuộc đua marathon, học cách buông bỏ thù hận hay thực hành tư duy trinh sát. Nhưng nếu bạn biết mình đang noi theo tấm gương của một người mà bạn ngưỡng mộ, bạn sẽ có động lực to lớn để vượt qua khó khăn trước mắt.
Đây cũng là lý do mà những câu chuyện tôi chọn đưa vào quyển sách này không đơn thuần chỉ là để minh chứng cho lợi ích của tư duy trinh sát. Tôi đang cố gắng cho bạn thấy tôi được truyền cảm hứng bởi tư duy trinh sát ra sao và tôi tâm huyết với lối tư duy này như thế nào.
Những người khác nhau được truyền cảm hứng bởi những điều khác nhau, và bạn sẽ muốn tìm cho mình những khía cạnh mà bạn đặc biệt thấy hứng thú về tư duy trinh sát. Khi đã có một hình mẫu đại diện cho tư duy trinh sát, bạn hãy xác định một hoặc nhiều điểm đáng ngưỡng mộ ở hình mẫu đó, vì khi đó bạn sẽ có động lực mạnh mẽ hơn.
Điểm đáng ngưỡng mộ đó có thể là sự tự tin của những người không cần phải khoe khoang hay phóng đại, vì họ đã thấy an tâm về bản thân mình.
Hoặc đó là khả năng tập trung vào mục đích cuối cùng của những người mong muốn tạo ra tác động tích cực trong cuộc đời, dù đó là xây dựng một công ty thành công hay cải thiện phúc lợi động vật, hay thực hiện bất kỳ điều gì mà họ quan tâm... Bí quyết cho sự hiệu quả của những người này là khả năng nhận ra những cám dỗ của tư duy chiến binh, những thứ khiến họ phân tâm và lệch khỏi mục tiêu của mình, chẳng hạn như cố gắng biện hộ cho cái tôi của mình, bị cuốn vào những trận chiến phe phái, hay tránh đối mặt với vấn đề.
Cả sự tự tin của lính trinh sát và khả năng tập trung vào mục đích cuối cùng của họ đều đã truyền cảm hứng cho tôi. Nhưng điều tôi cảm thấy cuốn hút nhất chính là sự trung thực tuyệt đối của họ.Họ luôn nỗ lực tìm kiếm sự thật và luôn ưu tiên sự thật hơn cái tôi của mình, vì họ tin rằng điều này sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn về lâu về dài. Tuy có vẻ xa vời, nhưng sự trung thực tuyệt đối không nhất thiết phải là điều gì quá lớn lao, mà đơn giản chỉ là không nhận công cho những việc mình không làm, hoặc thừa nhận với một ai đó rằng họ đã đúng và bạn đã sai.
Cha mẹ tôi - Barry và Ellen - là một ví dụ. Cha mẹ tôi vốn là những bậc phụ huynh tuyệt vời, nhưng cách họ hành xử trong một tình huống xảy ra vào năm tôi bảy tuổi đã khiến tôi ấn tượng hơn cả.
Giống như bất kỳ đứa trẻ nào, thỉnh thoảng tôi cũng tranh luận với cha mẹ về các quy định do họ đặt ra, về thời gian tôi cần dành ra để làm bài tập hoặc về thế nào là những hành vi tốt. Thường thì tôi không thể thuyết phục cha mẹ đồng ý với những đề xuất đại loại như “tôi nên được phép thức khuya”.
Nhưng sẽ có những lúc họ suy nghĩ lại sau cuộc tranh luận và nói: “Julia này, cha mẹ đã nghĩ về những gì con nói, và cha mẹ thấy con có lý. Chúng ta sẽ thay đổi quy định đó”.
Tôi vẫn còn nhớ mình đã cảm thấy như thế nào trong những khoảnh khắc đó. Tôi thấy cảm kích vì họ đã lắng nghe và nghiêm túc cân nhắc ý kiến của tôi. Không những thế, tôi còn cảm thấy ngưỡng mộ họ. Họ không cần phải ghi nhận ý kiến của tôi, nhưng họ đã chọn làm vậy, vì họ không muốn chiến thắng một cuộc tranh luận nếu họ không thật sự đúng. Và cô bé Julia bảy tuổi lúc đó đã nghĩ: “Mình muốn trở thành người giống như cha mẹ”.
Có lẽ ví dụ yêu thích của tôi về sự trung thực tuyệt đối là một ví dụ đến từ Richard Dawkins, khi ông kể câu chuyện về một trải nghiệm của ông trong quá trình nghiên cứu tại khoa động vật học ở Đại học Oxford.
Lúc bấy giờ, chủ đề tranh luận chính trong ngành sinh học là về một cấu trúc tế bào mang tên Thể Golgi. Cụ thể hơn, đó là một cuộc tranh cãi xoay quanh câu hỏi rằng liệu cấu trúc đó là có thật hay nó chỉ là một sự ảo tưởng xuất phát từ các phương pháp quan sát của chúng ta. Trong khoảng thời gian Dawkins nghiên cứu ở Đại học Oxford, khoa của ông có một giáo sư kỳ cựu và ông này luôn quả quyết rằng Thể Golgi không có thật.
Một ngày nọ, có một giáo sư thỉnh giảng trẻ từ Mỹ đến Đại học Oxford để thuyết trình về động vật học. Trong bài thuyết trình của mình, anh trình bày những bằng chứng mới và có sức thuyết phục để chứng minh Thể Golgi là có thật. Trong suốt buổi diễn thuyết, mọi người liên tục liếc nhìn vị giáo sư kỳ cựu của Oxford, tò mò tự hỏi: “Ông ấy sẽ tiếp nhận những thông tin này như thế nào? Ông ấy sẽ nói những gì?”.
Cuối buổi thuyết trình, vị giáo sư lớn tuổi đi lên bục giảng. Ông bắt tay giáo sư thỉnh giảng và nói: “Anh đồng nghiệp thân mến, tôi muốn cảm ơn anh. Tôi đã sai suốt mười lăm năm qua”.
Dawkins kể rằng cả giảng đường lúc ấy đã vỡ òa trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Ông nói: “Mỗi khi nhớ về sự kiện này tôi vẫn thấy vô cùng xúc động”.
Thành thật mà nói, tôi cũng thấy vô cùng xúc động. Vị giáo sư lớn tuổi ấy chính là kiểu người mà tôi muốn trở thành. Và điều này đã tạo cho tôi nguồn động lực mạnh mẽ, đủ để truyền cảm hứng cho tôi chọn tư duy trinh sát mỗi khi bị cám dỗ bởi tư duy chiến binh.