N
gày 10 tháng 8 năm 1863, giữa lúc cuộc Nội chiến Hoa Kỳ đang căng thẳng, Frederick Douglass đến Nhà Trắng với mong muốn được gặp Tổng thống Lincoln.
Douglass đến để phản đối sự ngược đãi mà những người lính da đen chiến đấu cho Liên bang miền Bắc đang phải chịu đựng, và đề nghị Lincoln can thiệp. Đây sẽ là lần đầu tiên ông được gặp Tổng thống Abraham Lincoln. Trên thực tế, Douglass là người da đen đầu tiên từng gặp tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ.
Khi đến Nhà Trắng, Douglass thấy có rất nhiều người cũng đang chờ được gặp tổng thống. Ông đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng chờ đợi, dù là vài giờ hay thậm chí vài ngày. Nhưng chỉ vài phút sau, một trợ lý đi ra từ văn phòng của Lincoln và lên tiếng gọi: “Mời Ngài Douglass!”.
Bước vào văn phòng giản dị của tổng thống, Douglass thấy Tổng thống Lincoln đang ngồi tựa vào ghế, tay chân thả lỏng với hàng đống giấy tờ xung quanh. Douglass vừa định tự giới thiệu thì Lincoln đã đứng dậy, bắt tay Douglass và nói: “Chào ông Douglass, tôi biết ông. Tôi đã đọc thông tin về ông và Seward [Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ] cũng đã nói với tôi về ông”.
Sau đó, cuộc trò chuyện vô cùng thẳng thắn giữa hai người đàn ông bắt đầu. Họ tranh luận về những vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến. Douglass thuyết phục Lincoln đưa ra mức lương công bằng hơn cho những người lính da đen và nghiêm khắc trừng phạt binh lính phe miền Nam - những kẻ đã sát hại các tù binh da đen. Lincoln không phủ nhận sự bất công mà binh lính da đen đang phải đối mặt, nhưng ông nói rằng phải có lộ trình chậm rãi và “sự chuẩn bị bước đầu” để công chúng Hoa Kỳ làm quen với việc đối xử công bằng với những người lính da đen.
Khi rời Nhà Trắng, Douglass cảm thấy Lincoln là người đáng để ông kính trọng, mặc dù lập luận của vị tổng thống này vẫn chưa thuyết phục được ông.
“… mặc dù không đồng tình với ngài tổng thống, tôi vẫn nể phục tinh thần nhân đạo của ông… Tuy không hài lòng với quan điểm của Lincoln, nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng về con người ông và cách ông dùng việc tuyên truyền để giải quyết sự mâu thuẫn. Vì thế tôi đã quyết định duy trì quá trình tuyển tân binh như trước”, Douglass chia sẻ.
Cuộc gặp giữa Lincoln và Douglass là sự khởi đầu của một mối quan hệ phức tạp. Suốt những tháng sau đó, Douglass luôn cảm thấy bất mãn với những quyết định của Lincoln và thường kịch liệt chỉ trích Lincoln trên mặt báo hoặc trong các bài diễn văn của mình.
Về sau, Lincoln bắt đầu đồng tình với Douglass về tính cấp thiết về mặt đạo đức của việc chấm dứt chế độ nô lệ. Kết quả là Lincoln đã có những hành động quyết liệt để chống lại chế độ nô lệ và không chấp nhận thỏa hiệp với phe miền Nam khi họ đề nghị sẽ ngừng bắn nếu Lincoln chịu dừng quá trình giải phóng nô lệ. Douglass cũng dần thay đổi. Ông bắt đầu cảm thông cho Lincoln vì những tình huống chính trị mà Lincoln phải đối mặt, và đồng tình với Lincoln về chiến lược từng bước thay đổi nhận thức cộng đồng để tạo tiền đề cho một thay đổi lớn trong xã hội.
Trong buổi lễ khánh thành đài tưởng niệm “Giải phóng nô lệ” năm 1876 - mười một năm sau khi Lincoln bị ám sát - Douglass đã đọc diễn văn tưởng nhớ Lincoln. Ông thừa nhận sự thật rằng Lincoln “không chỉ là tổng thống của người da trắng” và “Lincoln nhìn nhận người da màu như cách ông nhìn nhận những đồng hương da trắng của mình”.
Douglass tin rằng bản thân Lincoln cũng căm thù chế độ nô lệ. Mặc dù đã có lúc Lincoln khiến người ta điên tiết và vỡ mộng vì không nhanh chóng thúc đẩy quá trình giải phóng nô lệ, nhưng Douglass nghĩ Lincoln đã đi những nước cờ cần thiết. Nếu ưu tiên giải phóng nô lệ ở thời điểm đó thì có lẽ Lincoln đã mất đi sự hậu thuẫn cần thiết để chống lại phe miền Nam.
“Nếu chỉ xét chuyện bãi bỏ chế độ nô lệ đơn thuần, Ngài Lincoln có vẻ thiếu khẩn trương, dửng dưng, lạnh nhạt và thờ ơ. Nhưng xét trên tầm quốc gia thì Lincoln là nhà lãnh đạo nhiệt huyết, lý trí và quyết đoán.”
Bài diễn văn cảm động của Douglass cho thấy ông đã rất cố gắng để đánh giá công bằng về con người và quan điểm của Lincoln, đồng thời thể hiện sự thấu hiểu của ông về Lincoln sau nhiều năm tiếp xúc.
VÌ SAO CHÚNG TA KHÔNG MUỐN THẤU HIỂU
Chương này nói về lý do vì sao chúng ta nên hiểu những người không cùng quan điểm với mình, và nếu không đồng tình với họ thì ít nhất bạn cũng có thể hiểu được tại sao họ lại cho rằng quan điểm của họ là hợp lý.
Thấu hiểu người khác không đơn giản là một thử thách về mặt nhận thức, mà còn là thử thách về mặt cảm xúc, vì nó mâu thuẫn với những động lực dựa trên bản sắc của chúng ta. Khi bạn cảm thấy khó chịu với những người có quan điểm khác mình trong một vấn đề nào đó, và bạn tự hào nghĩ mình là người có quan điểm đúng về vấn đề đó, thì việc thấu hiểu những người đó sẽ khiến bạn thấy không thoải mái, như thể đã phạm phải một điều cấm kỵ nào đó.
Đây là lý do vì sao nhiều người thường kêu ca rằng họ không hiểu nổi phe đối lập. Có lẽ bạn cũng từng đọc qua những bài báo hoặc bài viết trên mạng xã hội với những câu đại loại như “Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại có người có thể ủng hộ vị chính khách đó”, “Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại có người quan tâm tới vấn đề này”, hoặc “Tôi không hiểu nổi làm thế nào mà người ta có thể phản đối [một quan điểm mà người nói tự cho là hợp lý]”.
Nhà báo kinh tế Megan McArdle từng đưa ra một quan điểm mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Cô cho rằng những câu nói như trên có ba tầng nghĩa. Nghĩa đen là “Tôi không có khả năng hiểu được chuyện này”. Những gì mà người nói câu đó muốn thể hiện là “Tôi là người có tư cách đạo đức cực kỳ cao, và tôi không thể tưởng tượng được là có những lỗi tư duy hoặc lỗ hổng đạo đức có thể khiến người ta có những kết luận sai rành rành như thế”. Nhưng theo McArdle, những gì mà các câu đó thật sự truyền tải lại khá gần với nghĩa đen, đó là “Tôi không có sự đồng cảm, trí tưởng tượng hay kỹ năng phân tích cần thiết để có thể có được sự thấu hiểu cơ bản về người bất đồng ý kiến với tôi”.
Tôi đã bắt đầu nghĩ bản thân ngôn ngữ cũng có lỗi. “Thấu hiểu” quan điểm của một ai đó mang đến cảm giác giống như chấp nhận hay đồng tình với quan điểm đó. Đôi khi chúng ta xem “thấu hiểu” như một sự tử tế mà ta có thể quyết định trao hoặc không trao cho người khác, một sự tử tế mà có thể bạn sẽ cảm thấy như người đó không xứng đáng được nhận, đặc biệt nếu họ không có hành động gì để đền đáp sự tử tế của bạn.
Đúng là “thấu hiểu” cũng có nhiều nghĩa khác nhau, giống như “tự tin” cũng có nhiều nghĩa mà chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 11. Khi chúng ta nói mình có thể hiểu tại sao một ai đó có một cảm nhận nào đó, đôi khi ý của chúng ta là “Tôi đồng tình với họ”. Hoặc khi nói phản ứng của một ai đó là “có thể hiểu được”, ý của chúng ta là họ phản ứng hợp lý và chúng ta chấp nhận phản ứng đó.
Nhưng “thấu hiểu” một quan điểm không nhất thiết có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quan điểm đó hoặc đồng tình với người có quan điểm đó, mà nó chỉ có nghĩa là “hiểu chuyện gì đang xảy ra”, giống như khi bạn nói: “Tôi hiểu tại sao chiếc xe của mình phát ra tiếng động đó rồi”.
Việc thấu hiểu lý do vì sao người khác bất đồng ý kiến với bạn - tương tự như hiểu nguyên nhân gây ra sự cố cho xe của bạn - là có lợi cho bạn. Đây là quan điểm mà tôi sẽ cố làm rõ trong Chương 13 này. Mục đích của việc “thấu hiểu” không phải là để tỏ ra tử tế, mà là để giúp bạn làm cho tấm bản đồ hiện thực của mình trở nên chính xác hơn, để bạn có thể trở nên hiệu quả hơn trong việc thực hiện bất kỳ điều gì mà bạn muốn thực hiện. “Thấu hiểu” không phải là một điều tốt bạn làm cho người khác; thấu hiểu là một điều tốt bạn làm cho bản thân mình.
PHÉP THỬ HỆ TƯ TƯỞNG TURING
Tiêu chuẩn vàng để đánh giá sự thấu hiểu là Phép thử hệ tư tưởng Turing.
Trước khi có thể giải thích về Phép thử hệ tư tưởng Turing, tôi phải giải thích về “Phép thử Turing”. Đây là phép thử được đưa ra vào năm 1950 bởi Alan Turing - cha đẻ của ngành khoa học máy tính - nhằm đánh giá trí thông minh của phần mềm vi tính. Theo Turing thì việc xác định mức độ thông minh của phần mềm là rất khó, thế nên ông đã đề ra một phép thử để việc đánh giá trở nên dễ dàng hơn: thử xem phần mềm có thể qua mặt con người hay không.
Cơ chế hoạt động của phép thử này là để những người thẩm định chat trực tuyến với một đối tượng, và đối tượng này có thể là con người hoặc phần mềm máy tính. Qua vài lần trò chuyện, người thẩm định phải đoán xem trong số những đối tượng đã trò chuyện với họ, đâu là con người và đâu là một phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Nếu một phần mềm AI nhiều lần được cho là con người, thì phần mềm đó được xem là đã vượt qua Phép thử Turing.
Lấy cảm hứng từ Phép thử Turing, nhà kinh tế học Bryan Caplan đã đưa ra Phép thử hệ tư tưởng Turing (Ideological Turing Test). Vấn đề mà phép thử này đặt ra là “Làm thế nào bạn biết mình có thật sự hiểu được quan điểm của đối phương hay không?”. Câu trả lời là “Khi bạn có thể qua mặt đối phương và thuyết phục họ tin rằng bạn là người thuộc phe họ”.
Theo những gì tôi tìm hiểu được, cuộc thử nghiệm đầu tiên có những đặc điểm tương tự Phép thử hệ tư tưởng Turing đã được các nhà nghiên cứu thực hiện khi Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra. Vào năm 1972, những nhà nghiên cứu này đã đề nghị các sinh viên tự xác định bản thân là “diều hâu” (ủng hộ chiến tranh) hay “bồ câu” (phản chiến). Tiếp theo, họ yêu cầu các sinh viên này viết ra bốn nhận định mà họ nghĩ là một diều hâu điển hình sẽ đồng tình, và bốn nhận định mà họ nghĩ là một bồ câu điển hình sẽ đồng tình.
Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu bồ câu đọc những nhận định mà các sinh viên khác nghĩ là họ - với tư cách là bồ câu - sẽ đồng tình, và chỉ ra những phát biểu mà họ thật sự đồng tình. Các diều hâu cũng được yêu cầu làm điều tương tự.
Kết quả: Nhìn chung, những gì các sinh viên nghĩ về phe đối phương đều cực đoan hơn nhiều so với thực tế. Bồ câu cho rằng diều hâu sẽ đồng tình với những nhận định như “Mọi biện pháp đều có thể được sử dụng để ngăn chặn sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam”; nhưng trên thực tế, nhiều diều hâu cho rằng như vậy là quá cực đoan. Tương tự, diều hâu nghĩ rằng bồ câu sẽ đồng tình với những nhận định như “Tham chiến ở Việt Nam là một quyết định phản ánh khao khát quyền lực đến điên cuồng của một vài cá nhân trong chính phủ Mỹ, và là điều hoàn toàn không chính đáng”; nhưng thực tế thì nhiều bồ câu cũng nghĩ như vậy là quá cực đoan.
Cuộc thử nghiệm nêu trên chỉ là một phiên bản đơn giản của Phép thử hệ tư tưởng Turing. Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều khi bạn cố gắng lý giải quan điểm mà bạn không đồng tình.
Nếu là thành viên Đảng Dân chủ, bạn có thể trình bày những lý lẽ chống đối Hillary Clinton rành rẽ đến mức một thành viên Đảng Cộng hòa phải gật gù và nói ông tin bạn thuộc phe Cộng hòa không? Nếu là người theo chủ nghĩa vô thần, bạn có thể giải thích những triết lý của Thiên Chúa giáo thuyết phục đến mức tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nghĩ bạn là người thường xuyên đi nhà thờ không? Nếu là một lập trình viên dùng ngôn ngữ lập trình Haskell, bạn có thể lý giải một cách thuyết phục về nguyên nhân khiến người khác ghét Haskell, đến mức những người đó sẽ tin rằng bạn đứng về phía họ không?
Vài người bạn của tôi đã thực hiện Phép thử hệ tư tưởng Turing trên mạng. Trong phép thử đó, họ - những người vô thần và tín đồ Thiên Chúa giáo, người theo chủ nghĩa bảo thủ và người theo chủ nghĩa dân chủ… - sẽ trả lời các câu hỏi với tư cách là chính họ hoặc với tư cách là một người của phe đối lập, dựa trên những ấn tượng rõ nhất mà họ có về đối phương.
Nhưng thật ra, tôi thấy cách tốt nhất để sử dụng Phép thử hệ tư tưởng Turing là kiểm chứng lại quan điểm mà bạn đang không đồng tình (“Nhận định này có thể hiện những gì bạn tin tưởng hay không?”), hoặc đơn giản là xác định quan điểm mà bạn nghĩ đối phương sẽ ủng hộ. Tôi không chắc là mình có thành công với cách áp dụng này hay không, nhưng chỉ với việc luôn ghi nhớ ý tưởng về Phép thử hệ tư tưởng Turing thì tôi đã có một sự tiến bộ đáng kể rồi. Phép thử này giúp tôi nhớ rằng nếu muốn người khác ủng hộ quan điểm của mình thì cách tôi lý giải một quan điểm không nên quá vớ vẩn hay tệ hại.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Herman Cain - một thành viên Đảng Cộng hòa. Từ rất lâu trước khi tham gia tranh cử tổng thống năm 2016, Cain từng đưa ra nhận định: “Mục tiêu của phe Dân chủ là hủy hoại nước Mỹ”. Vào tháng Mười năm 2011, trong cuộc phỏng vấn “Meet the Press”, người dẫn chương trình David Gregory đã nhắc lại nhận định cũ của Cain.
Gregory hỏi: “Mục tiêu của phe Dân chủ là hủy hoại nước Mỹ ư? Bằng cách nào?”.
Cain đáp: “Bằng cách đánh vào kinh tế…”.
“Ông nghĩ những người theo Đảng Dân chủ thật sự muốn làm vậy à? Ông tin rằng mục tiêu của họ là hủy hoại kinh tế nước Mỹ?”
“Đó là nhận định mà tôi đã rút ra.”
“Không phải do quản lý yếu kém?”
“Không.”
Frederick Douglass là người đã áp dụng rất tốt Phép thử hệ tư tưởng Turing sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Lincoln năm 1863.
Một trong những nỗi bất bình lớn nhất của Douglass là ông cảm thấy lẽ ra chính phủ nên tìm cách đảm bảo sự an toàn của những binh lính da đen bị phe miền Nam bắt giữ (những tù binh da đen này thường bị hành hạ hoặc giết chết). Douglass cho rằng Lincoln có thể làm được điều đó bằng cách ban hành điều lệnh rằng cứ mỗi khi có tù binh phe miền Bắc bị giết bởi quân đội miền Nam, một tù binh phe miền Nam sẽ bị miền Bắc hành hình. Douglass viết: “Nếu chính phủ không làm được như vậy thì họ đáng phải gánh chịu sự phẫn nộ và căm ghét của nhân loại”.
Douglass tự tin gần như tuyệt đối vào quan điểm của mình và thấy những lý lẽ đối lập của Lincoln không có sức thuyết phục. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ với Lincoln, ông đã viết thư cho một người bạn của mình, trong đó ông có lý giải quan điểm của Lincoln về vấn đề ông quan tâm.
Trong thư ông viết: “Lincoln nói đó là một ‘giải pháp tồi’, ‘rất khó thực hiện’, và một khi đã bắt đầu thì không thể nói được nó sẽ kết thúc như thế nào. Lincoln còn nói nếu tóm được những binh lính miền Nam đã hành hạ quân nhân da màu thì việc đáp trả là rất dễ dàng, nhưng ông cảm thấy không hợp lý khi treo cổ một người vì tội lỗi của người khác. Lincoln nghĩ quân đội miền Nam sẽ tự dừng những hành động man rợ đó, và thương vong sẽ giảm rất nhiều nếu miền Bắc không tiến hành các biện pháp trả đũa”.
Chúng ta không thể biết chắc liệu Lincoln có ủng hộ cách lý giải của Douglass về quan điểm của ông hay không, nhưng rõ ràng đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của Douglass. Hãy tưởng tượng người đối mặt với tình huống đó là người kém nguyên tắc hơn Douglass: có thể người đó sẽ dễ dàng sử dụng những ngụy biện bù nhìn rơm như “Lincoln nghĩ chúng ta không nên mạo hiểm”, hoặc “Lincoln không quan tâm đến binh lính da đen”.
Phép thử hệ tư tưởng Turing là mô hình bạn nên ghi nhớ để áp dụng khi muốn hiểu một quan điểm đối lập với mình để có thể lý giải quan điểm đối lập thuyết phục đến mức người ủng hộ quan điểm đó phải ký lên bản giải trình của bạn và nói: “Đúng, đây chính là điều mà tôi tin tưởng! Bản thân tôi cũng không thể lý giải quan điểm của mình thuyết phục hơn thế này. Cảm ơn!”.
Nhưng vì sao bạn nên áp dụng phép thử này? Vì sao bạn lại có lợi nếu có thể qua được Phép thử hệ tư tưởng Turing?
SỰ THẤU HIỂU GIÚP CẢI THIỆN TẤM BẢN ĐỒ CỦA BẠN
“Hãy trò chuyện với những người có ý kiến hoàn toàn khác với bạn, biết đâu bạn sẽ học hỏi được điều gì đó từ họ!”
Hẳn là bạn đã nghe lời khuyên này rồi và tôi biết mình cũng không phải là người đầu tiên đưa ra lời khuyên này.
Nhưng thành thật mà nói, lời khuyên này không mấy hiệu quả. Đa số mọi người khi nghe lời khuyên này đều thầm nghĩ: “Gì chứ. Chẳng lẽ nếu là người theo chủ nghĩa vô thần thì tôi phải nói chuyện với một tín đồ của một tôn giáo nào đó, và nghĩ rằng họ thật sự có thể thuyết phục tôi tin vào thần thánh của họ ư? Không đời nào”.
Những người ủng hộ quan điểm này thì nói: “Đúng! Lắng nghe những quan điểm khác biệt là rất cần thiết!”. Nhưng những người này không thật sự làm theo lời khuyên đó. Nếu có thì cũng theo kiểu nửa vời, vì thật lòng họ không kỳ vọng sẽ học hỏi được gì từ một người mà họ cho là mù quáng.
Và tôi đồng cảm với họ. Thật ra tôi nghĩ vấn đề nằm ở chính lời khuyên đó.
Nếu mục đích của bạn là học được một điều gì đó, thì bạn không nên tìm kiếm những ý kiến hoàn toàn khác biệt với mình. Thay vào đó, bạn nên tìm kiếm những ý kiến tốt nhất mà bạn có thể tìm được, đồng thời là những ý kiến tương đối khác biệt với ý kiến của bạn.
Để hiểu đúng ý tôi, bạn hãy tự hỏi: “Tại sao Douglass và Lincoln lại thu được nhiều giá trị từ sự tương tác của họ?”. Tôi nghĩ nguyên nhân là dù quan điểm của hai người còn rất nhiều sự bất đồng - bằng chứng là Douglass đã chỉ trích Lincoln gay gắt trong suốt nhiều năm - nhưng họ tôn trọng lẫn nhau. Và họ có thể nhận thấy đối phương đang tranh luận với thiện chí, nghĩa là luôn cố gắng nhận định tình huống một cách thẳng thắn và làm những gì họ cho là tốt nhất.
Thêm vào đó, bản thân họ cũng có nhiều điểm chung. Cả hai đều là những người tự lực vươn lên từ tuổi thơ cơ cực. Cả hai đều là những nhà hùng biện có nguyên tắc và đặt niềm tin vào lẽ phải, sự công bằng, sự tự do. Nếu không có cả những điểm chung này thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thấu hiểu quan điểm của đối phương.
Khi khuyến khích bạn tập trung vào những lập luận tốt nhất đối nghịch với quan điểm của bạn, tôi đang muốn nói đến những lập luận có thể thỏa mãn ít nhất một hoặc hai tiêu chí trong số các tiêu chí sau đây:
Thời gian của bạn là vô giá. Nếu gặp phải những người không tranh luận với thiện chí hoặc những người chỉ nói những điều bạn đã nghe hàng trăm lần trước đó, thì bạn không có nghĩa vụ phải dành thời gian cho họ. Ngay cả khi mục tiêu duy nhất bạn có là nâng cao độ chính xác của tấm bản đồ nhận thức, bạn vẫn cần phải ưu tiên một vài lập luận so với những lập luận khác.
Nếu bạn dành tất cả thời gian của mình để tập trung vào những lập luận tồi của các “cư dân cộng đồng mạng” với những lý lẽ mang tính công kích cá nhân thì bạn không chỉ làm lãng phí thời gian của mình, mà bạn còn khiến bản thân khó thay đổi quan điểm hơn, vì khi đó, dù có ý thức hay vô thức thì bạn sẽ dễ có cảm giác “Nếu lập luận của đối phương chỉ được có thế thì mình càng nên tự tin hơn vào quan điểm của mình”.
Bạn nên ghi nhớ nguyên tắc vàng sau đây: Hãy nghĩ đến kết quả của việc “lắng nghe ý kiến của người khác”. Bạn có cảm thấy mình đã học được điều gì mới không? Bạn có cảm thấy mình đã hiểu được vì sao một người biết lý lẽ lại tin những điều họ tin hay không?
Nếu câu trả lời của bạn là có thì những sự bất đồng quan điểm này chắc chắn xứng đáng để bạn dành thời gian tìm hiểu.
DỰNG BÙ NHÌN THÉP
Thật ra, việc bạn cần làm không chỉ là tìm những lập luận tốt nhất đối nghịch với quan điểm của bạn, mà bạn còn phải tìm cách để làm cho những lập luận đó trở nên tốt hơn.
Hành động này đôi khi được gọi là “dựng bù nhìn thép” (steel-manning). Đây là cách gọi tên nhằm thể hiện sự tương phản với “dựng bù nhìn rơm” (straw-manning), tức cố tình dựng nên một luận điểm yếu trong quan điểm của đối phương để bạn có thể dễ dàng tiêu diệt nó. Ngược lại, “dựng bù nhìn thép” là quá trình cố gắng củng cố luận điểm của đối phương để tạo ra một thử thách lớn hơn đối với quan điểm của bạn. Đây là một cách ví von thú vị, có thể làm đảo lộn hình ảnh ẩn dụ “tranh luận là chiến tranh”: quá trình tranh luận vẫn là một cuộc chiến, nhưng mục tiêu của bạn là chiến đấu để hoàn thiện bản thân, chứ không phải để giành chiến thắng.
Ví dụ, tôi từng nghe một đồng nghiệp nữ phàn nàn về cách cư xử của một đồng nghiệp khác. Để cho ngắn gọn thì tôi sẽ tóm tắt những lời phàn nàn của cô ấy thành một câu: “Dan thật kém tinh tế”. Khi tôi đề nghị cô ấy đưa ra ví dụ cụ thể thì cô ấy nói: “Dan gạt bỏ ý kiến của tôi trong cuộc họp”.
Phản ứng đầu tiên của tôi là hoài nghi. Theo tôi, việc Dan gạt bỏ ý kiến của đồng nghiệp không có nghĩa là Dan kém tinh tế. Có rất nhiều lý do khiến một người bác bỏ ý kiến của người khác, và điều đó không nhất thiết phải liên quan đến mức độ tinh tế của họ.
Nếu chỉ muốn tiêu diệt lập luận của cô đồng nghiệp thì tôi có thể dừng ở đây. Nhưng mục tiêu của tôi không phải là giành chiến thắng trong cuộc tranh luận này. Mục tiêu của tôi là tìm hiểu xem Dan có thật sự là người kém tinh tế không.
Vậy nên tôi đã cố dựng bù nhìn thép cho quan điểm của cô ấy: có ví dụ nào thuyết phục hơn về sự kém tinh tế của Dan không? Tôi lục lại trí nhớ của mình và nhớ ra tôi đã thấy Dan hành xử như vậy nhiều lần trước đây, hơn hẳn nhiều người khác.
Việc dựng bù nhìn thép là có giá trị. Phần nào lý do là vì mọi người thường không thể đưa ra những luận điểm tốt, ngay cả khi họ đúng. Họ không thể lập tức nghĩ ra những ví dụ cụ thể, họ có thể vô tình cường điệu hóa, hoặc họ đưa ra những cách lý giải không chính xác về những gì đang diễn ra. Những chuyện như thế rất thường xảy ra.
Nếu mục tiêu của bạn chỉ là giành chiến thắng trong cuộc tranh luận hoặc tránh nghiêm túc thừa nhận luận điểm của đối phương thì sự vụng về trong việc đưa ra luận điểm của họ sẽ là lợi thế của bạn. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng tấn công vào những lỗ hổng trong lời nói của họ và có cớ để phớt lờ họ.
Nhưng nếu mục tiêu của bạn là tìm ra sự thật thì sự vụng về của đối phương lại phản tác dụng. Lúc này, thay vì xoáy vào điểm yếu trong lời nói của họ, tốt nhất bạn hãy tự hỏi: “Điểm yếu trong lập luận này có thể được khắc phục hay không? Mình có thể làm gì để nâng cấp lập luận này trước khi quyết định xem nó có đáng ghi nhận hay không?”.
Steven Kaas - người bạn thông thái tôi từng nhắc đến trong Chương 2 - nhận định: “Khi muốn là người chiến thắng trong một cuộc tranh luận, bạn sẽ bác bỏ các luận điểm của đối thủ. Nhưng khi muốn tìm ra sự thật, bạn sẽ thay đối phương lấp những lỗ hổng trong luận điểm của họ. Để chiến thắng trong cuộc chạm trán với quái vật, bạn phải chiến đấu không chỉ với con quái vật đó, mà còn phải chiến đấu với thứ khủng khiếp nhất có thể được tạo ra từ xác của nó”.
SỰ THẤU HIỂU GIÚP BẠN XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC
Vậy nếu chúng ta có thể xác định chắc chắn đối phương sai và chúng ta không thể học được gì từ họ thì sao? Khi đó chúng ta có cần hiểu tại sao họ tin tưởng những gì họ tin tưởng hay không?
Câu trả lời là có. Ngay cả khi biết mình không có gì để học từ tư tưởng của phe đối lập, bạn vẫn thường phải tìm cách để thuyết phục, tránh né, thỏa hiệp hoặc áp đảo họ. Vậy thì chẳng phải sẽ tốt hơn nếu bạn hiểu quan điểm của họ hay sao? Chẳng phải những chỉ huy giỏi nhất sẽ cố gắng đặt mình vào vị trí của quân thù, tìm hiểu cách suy nghĩ của đối thủ để dự đoán nước đi kế tiếp của họ hay sao?
Douglass thất vọng khi thấy Lincoln không nhận ra giải phóng tù binh là một vấn đề cấp bách. Nhưng dù sao thì Douglass vẫn phải đưa ra những lựa chọn quan trọng mang tính chiến lược. Ông có tiếp tục hỗ trợ Lincoln bằng cách chiêu mộ thêm quân nhân da đen cho miền Bắc hay không? Ông sẽ ủng hộ Lincoln tái tranh cử hay sẽ ủng hộ người có lập trường quyết liệt hơn trong việc chống chế độ nô lệ?
Để có thể đưa ra sự lựa chọn tốt nhất, Douglass phải có khả năng hiểu được chính xác cách suy nghĩ của Lincoln. Về cơ bản thì Lincoln có thiện chí hay không? Ông ấy có định tiến hành quá trình giải phóng tù binh theo cách chậm mà chắc không? Có khi nào những lời lý giải của ông về việc không thể hành động nhanh hơn chỉ là cái cớ? Phải chăng Lincoln thật sự không quan tâm đến việc giải phóng nô lệ?
Sau khi đã cố hiểu quan điểm của Lincoln, Douglass kết luận dù không đồng tình nhưng ông phải công nhận là quan điểm của Lincoln xuất phát từ thiện chí. Bấy nhiêu cũng đã đủ để Douglass cảm thấy chọn tiếp tục hợp tác với Lincoln là một phương án khôn ngoan. Và đó thật sự là một lựa chọn xứng đáng vì cuối cùng Lincoln cũng đã đẩy nhanh quá trình giải phóng nô lệ trong những tháng sau đó.
Các nhà nghiên cứu có một cách gọi tên khác cho cái mà tôi vẫn gọi là sự thấu hiểu. Họ gọi đó là khả năng tiếp nhận quan điểm, tức “năng lực nhận thức để nhìn nhận thế giới dưới góc nhìn của người khác”. Dựa theo bảng khảo sát của Mark H. David - nhà tâm lý học thuộc Đại học Texas ở Thành phố Austin - khả năng tiếp nhận quan điểm được xác định bằng những câu như “Trước khi chỉ trích ai đó, tôi cố tưởng tượng xem mình sẽ cảm thấy thế nào nếu mình là họ”, hay “Tôi cố gắng xem xét sự bất đồng dưới góc độ của người khác trước khi đưa ra quyết định”.
Khả năng tiếp nhận quan điểm không phải là sự đồng cảm - khả năng kết nối với người khác về mặt cảm xúc. Cũng trong bảng khảo sát của David, sự đồng cảm được xác định bằng những câu như “Tôi thường có cảm giác quan tâm và lo lắng cho những người kém may mắn hơn mình”, hay “Khi thấy người khác bị lợi dụng, tôi có cảm giác muốn bảo vệ họ”. Tiếp nhận quan điểm là một khả năng nhận thức; đồng cảm là một đặc điểm cảm xúc. Bạn có thể có một trong hai, có cả hai, hoặc hoàn toàn không có sự đồng cảm hay khả năng tiếp nhận quan điểm.
Một trong những tình huống chủ yếu mà người ta từng thực hiện nghiên cứu về khả năng tiếp nhận quan điểm là trong việc đàm phán. Đó cũng là những tình huống có thể làm phép thử tốt cho nhận định của tôi rằng việc thấu hiểu quan điểm của người khác sẽ có lợi cho bạn. Có phải những người có khả năng tiếp nhận quan điểm của người khác sẽ đàm phán hiệu quả hơn không?
Kết quả là có. Những người có thể tiếp nhận quan điểm người khác thường dễ thuyết phục được các đối tác của họ hơn. Và khi hoàn thành việc đàm phán, họ thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những người có khả năng tiếp nhận quan điểm kém hơn. (Trong khi đó, sự đồng cảm không hề tác động đến sự thành bại của cuộc đàm phán.)
SỰ THẤU HIỂU MANG ĐẾN CHO BẠN CẢM GIÁC THANH THẢN
Giả sử bạn không học hỏi được gì từ một người nào đó và giả sử bạn không cần phải đưa ra bất kỳ quyết định hệ trọng nào dựa trên sự thấu hiểu của bạn về thế giới quan của người đó. Vậy thì việc thấu hiểu quan điểm của người đó có đáng hay không?
Tôi vẫn nghĩ là đáng.
Hiểu được vì sao lại có chuyện đáng thất vọng xảy ra thường sẽ giúp bạn bớt cảm thấy thất vọng hơn. Khi xe của bạn không khởi động được và bạn không biết lý do vì sao, cảm giác bất lực có thể khiến bạn bực tức đến mức muốn đá vào xe cho hả giận. Nhưng nếu bạn biết được vì sao xe không khởi động thì mọi chuyện sẽ khác. Thật ra thì bạn cũng sẽ không thể nào vui nổi khi xe của mình vẫn không nổ máy, nhưng sự bực tức xuất phát từ cảm giác bất lực của bạn sẽ phần nào vơi đi một khi bạn lý giải được “Vì sao xe không nổ máy?”.
Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng khi chúng ta cảm thấy thất vọng về những người mà theo chúng ta là có những quan điểm mù quáng, ngớ ngẩn, thậm chí là nguy hiểm. Có điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy bình tĩnh khi có thể nhận ra: “À, thì ra là vậy. Anh ấy tin X vì anh ấy tin A và B…, mà anh ấy tin A và B vì anh ấy tin C và D…”.
Ngay cả khi phải đối phó với những chính trị gia có tư tưởng phân biệt chủng tộc nặng nề hơn rất nhiều so với Lincoln, thậm chí là với chính những người sở hữu nô lệ, Douglass vẫn có thể nhìn nhận được rằng quan điểm của những người đó là kết quả của hàng loạt nguyên nhân đã bám rễ từ lâu. Ông tin con người là sản phẩm được tạo ra bởi môi trường sống của họ.
Về sau, Douglass có viết: “Sắc thái và cách thể hiện tính cách của một người được hình thành từ những màu sắc và hình thái của những gì hiện hữu trong đời họ”.
Tất cả những điều này hoàn toàn không có nghĩa là bạn nên “bỏ qua” những quan điểm mà bạn nghĩ là sai trái hoặc nguy hiểm, mà nó có nghĩa là bạn nên nhìn nhận những quan điểm đó như kết quả không thể tránh khỏi của những nguyên nhân nào đó. Douglass đã tiếp tục đấu tranh chống áp bức và thay đổi suy nghĩ của người khác cho đến khi ông qua đời, thậm chí ông còn trở nên khôn ngoan hơn nhờ quá trình đấu tranh đó.
Lần tới, khi cảm thấy bực tức về một người có quan điểm sai rành rành, bạn hãy thử biến cảm giác bực tức đó thành cảm giác tò mò. Khi nhận thấy bản thân đang có suy nghĩ “Làm sao mà họ có thể tin tưởng điều đó?”, hãy lấy đó làm dấu hiệu để tự hỏi: “Vì sao họ tin tưởng điều đó?”.