C
húng ta nên làm gì khi thực tế là quá trình lập luận của chúng ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bản sắc của mình - người theo chủ nghĩa dân chủ hoặc bảo thủ, người đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ, người theo thuyết vô thần, người lạc quan, hay người theo chủ nghĩa hoài nghi…?
Một trong những phương án nổi tiếng nhất đối với vấn đề này đến từ Paul Graham - một chuyên gia máy tính, doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm, người thỉnh thoảng đăng các bài viết trên website của mình và thu hút được rất nhiều người ủng hộ.
Trong bài luận ngắn Keep your identity small (tạm dịch: Kìm hãm bản sắc cá nhân của bạn) đăng năm 2009, Graham đã nhận định rằng nguyên nhân khiến một cuộc tranh luận trên mạng trở nên độc hại và vô bổ là khi nó có dính dáng tới bản sắc của chúng ta - những yếu tố đặc trưng gắn liền với cái tôi của chúng ta. Ngoài tôn giáo và chính trị, bất kỳ điều gì cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bản sắc cá nhân. Ví dụ, Graham nhận thấy trong lĩnh vực lập trình máy tính, có rất nhiều người tự nhận họ là nhà lập trình kiểu X hoặc người lập trình kiểu Y.
Graham kết luận: “Nếu không thể suy nghĩ thông suốt về những điều đã trở thành một phần bản sắc của mình, chúng ta nên dung nạp càng ít yếu tố đặc trưng làm bản sắc của mình càng tốt”. Graham cho rằng để làm được như thế, chúng ta phải tránh “dán nhãn” bản thân. Ông viết: “Càng dán nhiều cái nhãn cho bản thân, chúng ta càng trở nên kém cỏi”.
Khi đọc bài viết này lần đầu tiên cách nay gần mười năm, tôi thấy nó thật sự đột phá, và nhiều người tôi biết cũng có cảm nhận tương tự. Nhưng bây giờ tôi lại có một cái nhìn hơi khác: thay vì kìm hãm bản sắc cá nhân của mình, tôi nghĩ tốt hơn ta nên đừng quá chú trọng bản sắc cá nhân của mình.
Trong chương này, tôi sẽ giải thích nhận định đó của mình, đồng thời lý giải vì sao và làm thế nào chúng ta có thể không quá chú trọng vào bản sắc cá nhân của mình.
SỰ NGUY HIỂM CỦA NHỮNG “CÁI NHÃN”
Graham đã đúng khi nói việc dán nhãn bản thân khiến bạn cảm thấy cần phải bảo vệ một quan điểm nào đó, ngay cả khi bạn không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó.
Như đã đề cập trong Chương 7, tôi là một thành viên của phong trào Effective Altruism - phong trào nỗ lực giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn thông qua việc sử dụng lý lẽ và chứng cứ. Tôi để ý thấy những lúc trò chuyện với người khác, sau khi nói mình là “một thành viên của Effective Altruism”, tôi liền cảm thấy mình có nghĩa vụ phải bảo vệ Effective Altruism (EA).
Ví dụ, một người nào đó có thể nói với tôi: “Cô biết đó, tôi nghe một vài EA nói là chúng ta không có lý do chính đáng để tiêu xài cho bản thân nếu trên thế giới vẫn còn nhiều người chết vì đói nghèo. Nhưng điều này nghe điên khùng quá. Cô là một EA, vậy cô có thể cho tôi biết tại sao EA lại nghĩ như vậy không?”. Thế là tôi tự động chuyển sang chế độ phòng thủ và cố tìm cách bảo vệ quan điểm trên, dù đó không phải là quan điểm của tôi. Bởi vì tôi là một EA và tôi đại diện cho EA.
Tuy nhiên, nếu tôi chỉ nói: “Tôi có tham gia phong trào EA”, hoặc chỉ thể hiện theo một cách nào đó mà không gắn liền bản sắc cá nhân của mình với EA, thì tôi sẽ phản ứng khác. Tôi sẽ dễ dàng đáp: “Ồ, tôi cũng không đồng tình với quan điểm đó. Thật ra tôi nghĩ...”.
Khi tuyên bố mình là một EA, tôi đang chứng tỏ là mình có cùng quan điểm với các EA khác, và do đó tôi thấy mình có trách nhiệm bảo vệ những quan điểm của các EA nói chung. Nếu không làm vậy thì người ta sẽ nghĩ tôi là người trước sau bất nhất. “Tôi là một EA” là một tuyên bố có sức nặng, khiến tôi cảm thấy mình buộc phải hành động sao cho phù hợp với tuyên bố đó. Đây phần nào cũng là cách ngôn ngữ tác động đến chúng ta: não bộ của chúng ta sẽ rút ra những kết luận khác nhau về một người, tùy vào việc họ được gắn cái nhãn nào hay không.
Có thể trong lúc trò chuyện, bạn cũng phần nào nhận ra khuynh hướng này nhờ vào trực giác, dù bạn có nhận thức được điều đó hay không. Hãy tưởng tượng có hai người là Jamie và Dylan đang nói chuyện với nhau. Jamie nói: “Tôi là người theo đảng bảo thủ”; còn Dylan thì nói: “Tôi có xu hướng bỏ phiếu cho đảng bảo thủ”. Vậy theo bạn, ai trong hai người đó có tư tưởng cởi mở hơn khi đánh giá lý lẽ của đảng dân chủ?
Tương tự, hãy tưởng tượng có một cuộc hội thoại diễn ra giữa Devon và Taylor. Devon nói: “Tôi là người ủng hộ quyền bình đẳng cho nữ giới”. Taylor nói: “Tôi đồng ý với hầu hết các quan điểm cốt lõi của phong trào ủng hộ quyền bình đẳng cho nữ giới”. Bạn nghĩ ai trong số họ sẽ dễ “xù lông nhím” hơn khi đọc một bài phê bình về quyền bình đẳng của nữ giới?
Trong những câu gần như giống nhau, việc thay đổi từ loại - danh từ hoặc tính từ - có thể ảnh hưởng khá nhiều đến ý nghĩa của câu nói. Trong một nghiên cứu, các đối tượng tham gia được yêu cầu so sánh hai cách mô tả, một cách sử dụng tính từ và một cách sử dụng danh từ, để xem cách nào để lại ấn tượng mạnh hơn. Chẳng hạn như “Anh ấy có học thức” và “Anh ấy là người trí thức”, hay “Anh ấy phân biệt giới tính” và “Anh ấy là người phân biệt giới tính”.
Kết quả là đa số mọi người cho rằng sử dụng danh từ để mô tả sẽ có tác động mạnh hơn.
Khi được yêu cầu giải thích, các đối tượng tham gia nghiên cứu lý giải: “Anh ấy là người trí thức” khiến người được mô tả trở thành thành viên của một nhóm trí thức; trong khi “Anh ấy có học thức” chỉ đơn giản là liệt kê một đặc điểm của người này. Hoặc “Anh ấy là người trí thức” cho thấy đặc điểm này là bản chất gắn liền với cuộc đời của người được mô tả, trong khi “Anh ấy có học thức” chỉ đơn giản là một nhận định.
Trẻ em cũng sử dụng những hàm ý và nhãn dán tương tự khi tập miêu tả về bản sắc cá nhân của người khác. Trong quyển sách How Pleasure Works (tạm dịch: Hiểu về niềm vui), nhà tâm lý học Paul Bloom đã miêu tả cách một đứa trẻ kể với mẹ về một đứa trẻ khác trong lớp: “Gabriel không chỉ làm con đau! Nó còn làm đau những bạn khác nữa. Nó là người-làm-đau, đúng không mẹ?”. Có thể thấy trong nhận thức non nớt của một đứa trẻ, chúng vẫn nhận biết rằng một người làm người khác bị đau có thể sẽ dừng hành động đó lại, nhưng “người-làm-đau” thì không, bởi vì đó là bản chất của họ.
Trong những trường hợp không liên quan tới cảm xúc, tác động của ngôn ngữ vẫn không thay đổi. Nếu bạn nói với những đứa trẻ “Rose ăn cà rốt bất kỳ lúc nào có thể” thay vì “Rose là người ăn cà rốt”, thì chúng sẽ có những cách hiểu rất khác về Rose trong hai trường hợp đó. Nếu nghe nói Rose là “người ăn cà rốt”, bọn trẻ sẽ đoán rằng Rose vẫn tiếp tục ăn cà rốt khi trưởng thành, và Rose sẽ ăn cà rốt dù không ai trong gia đình cô bé ăn cà rốt. Đối với trẻ con, những cái nhãn có thể nói lên những yếu tố đặc trưng trong bản sắc cá nhân của một người, và những cái nhãn đó sẽ được duy trì lâu dài.
Tóm lại, mỗi từ đều có ý nghĩa riêng của nó. Cách bạn sử dụng từ ngữ sẽ khiến ý nghĩa câu nói trở nên khác biệt hơn, sâu sắc hơn và có sắc thái biểu cảm khác nhau.
ƯU ĐIỂM CỦA NHỮNG CÁI NHÃN
Đối với quan điểm của Graham, tôi không đồng tình ở chỗ ông khuyến khích chúng ta không để bất kỳ một cộng đồng, mục đích hay hệ tư tưởng nào trở thành một phần bản sắc của chúng ta.
Trước hết là vì điều này không thực tế. Chúng ta có lý do chính đáng để gắn nhãn cho mình, vì sẽ thật khó để giao tiếp mà không có những cái nhãn đó. Ví dụ, khi có ai đó hỏi: “Bạn là người Việt Nam à?”, sẽ thật kỳ quặc nếu bạn cố tránh cái nhãn “người Việt Nam” và trả lời: “À, vâng, tôi có quốc tịch Việt Nam”.
Một lý do khác là vì nếu mọi người đều thực hiện theo lời khuyên của Graham thì nó sẽ không còn tác dụng nữa. Nếu đứng trên góc nhìn tổng quát về xã hội, bạn sẽ thấy có nhiều giá trị đã góp phần tạo nên các phong trào và hệ tư tưởng khác nhau. Chúng ta sẽ ra sao nếu không có những người tán thành mở rộng quyền bầu cử (suffragist), người bảo vệ môi trường (environmentalist), người khắc kỷ (stoic), người vị lợi (utilitarian), cùng vô số những lực lượng đã góp phần thay đổi thế giới? Mọi phong trào và trường phái tư tưởng đều cần những cái nhãn. Nếu không ai sẵn sàng nhận mình là thành viên của một hội nhóm hay phong trào nào đó, thì thật khó để các hội nhóm và phong trào có thể tồn tại đủ lâu để tạo ra tác động.
Đôi khi nếu là người đặc biệt hiểu lý lẽ, có ngoại hình ưa nhìn và sẵn lòng mang cái nhãn của một cộng đồng bị xã hội xa lánh, thì bạn cũng có thể giúp cải thiện danh tiếng của cộng đồng đó. Đó là lý do vì sao một số người bạn theo thuyết vô thần mà tôi biết đã công khai tuyên bố họ là người theo thuyết vô thần. Mục đích của họ là để mọi người biết dù không theo bất kỳ tín ngưỡng nào nhưng bạn vẫn có thể sống tử tế, thân thiện và chính trực. (Ở Mỹ, có đến 40% dân số từ chối bầu cho một ứng cử viên thuộc phái vô thần làm tổng thống, và đó là bằng chứng cho thấy phái vô thần rất cần những người như bạn tôi.)
Vì những lý do trên, tôi không thể hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Graham - kìm hãm bản sắc cá nhân. Thay vào đó, tôi muốn đề xuất một ý kiến hơi khác một chút: đừng quá chú trọng bản sắc cá nhân.
Tôi vẫn dùng những cái nhãn; chỉ có điều, tôi dùng chúng một cách cẩn trọng, đặc biệt là những cái nhãn liên quan đến ý thức hệ, những gì có thể ngầm cho thấy tôi đang ủng hộ một niềm tin hay giá trị nào đó (chẳng hạn như Effective Altruist, chủ nghĩa bảo thủ, quyền bình đẳng cho nữ giới...). Tôi cố gắng sử dụng những cái nhãn như một dữ kiện, một cách để mô tả. Tôi tránh lợi dụng những cái nhãn để khoe khoang hay giành quyền lợi cho mình. Khi sử dụng những cái nhãn để mô tả về bản thân, tôi luôn cố ghi nhớ: “Cái nhãn này không định nghĩa con người mình. Mình đang làm việc với nhóm này, chứ không vĩnh viễn gắn nó với bản sắc của mình”.
HỌC HỎI TỪ NGƯỜI PHÊ BÌNH BẠN
Một lợi ích bạn nhận được khi không quá chú trọng bản sắc cá nhân là bạn có thể dễ dàng học hỏi từ những người phê bình “bộ lạc” của bạn.
Nếu bạn gắn chặt bản sắc của mình với một nhóm - dân tộc, tôn giáo, đảng phái, lý tưởng, tổ chức, công ty, hội nhóm trong công ty, hay tương tự thế - thì rất khó để bạn lắng nghe những lời phê bình, đặc biệt là những lời phê bình của người ngoài. Những lời đó khiến bạn cảm thấy như đang bị công kích.
Nhưng như thế không có nghĩa là người gắn liền bản sắc của mình với những yếu tố đặc trưng của nhóm không bao giờ có thể đón nhận những lời phê bình. Họ vẫn có thể tiếp nhận nếu lời phê bình đó đến từ một thành viên đáng tin cậy trong nhóm của họ - người mà họ biết rõ là góp ý thật tình - hoặc người biết cách nói giảm nói tránh (thêm vào những lời khen, thể hiện thiện chí, thể hiện sự khiêm nhường bằng cách phê phán nhóm của họ trong khi góp ý về nhóm của bạn).
Nhưng không phải tất cả những lời phê bình có giá trị đều đến từ những nguồn đó. Thường thì những người có nhận định đúng về những gì bạn đang làm sai lại không phải là người trong nhóm. Họ là người ngoài, những người không có thiên kiến như các thành viên trong nhóm, và do đó họ có thể xem xét tình huống của bạn một cách khách quan hơn. Người cho bạn lời phê bình chính xác cũng có thể là các thành viên mới gia nhập nhóm - những người chưa bị ảnh hưởng bởi góc nhìn chung của nhóm.
Trên thực tế, những lời chỉ trích bạn nhận được thường khá gay gắt và thường đến từ những người không quan tâm đến việc nói giảm nói tránh. Có thể họ thậm chí còn không có ý tốt. Nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn để lắng nghe, lời phê bình của họ không hẳn là không có giá trị đối với bạn.
Trong một nghiên cứu, những người tự nhận là game thủ được cho đọc một báo cáo, trong đó có nhận định rằng những game bạo lực khiến người chơi trở nên hung hăng hơn. Những người này không mấy đồng tình với báo cáo đó (được xác định dựa trên tỷ lệ bình luận tích cực và bình luận tiêu cực về kết quả báo cáo).
Đáng chú ý, phần lớn những người để lại bình luận tiêu cực là những người gắn bản sắc cá nhân của họ với văn hóa game thủ nhiều hơn. Họ là những người có những lời khẳng định mạnh mẽ như “Tôi thấy vui khi được làm game thủ” hay “Khi ai đó chỉ trích game thủ, tôi có cảm giác như mình đang bị xúc phạm”.
Một nghiên cứu khác yêu cầu các tín đồ Thiên Chúa giáo và những người không theo Thiên Chúa giáo đọc một vụ án (giả định) về một linh mục bị buộc tội lạm dụng tình dục. Sau đó, những người này được hỏi: “Anh chị thấy những lập luận này đáng tin đến mức nào?”.
Kết quả không có gì bất ngờ, các tín đồ Thiên Chúa giáo hoài nghi những lập luận này nhiều hơn những người không phải tín đồ. Nhưng không dừng lại ở đó, các chuyên gia muốn kiểm tra xem những người tham gia nghiên cứu có gắn bản sắc cá nhân của họ với Thiên Chúa giáo hay không (thông qua những tiêu chí như “Tôi cảm thấy gắn kết với những người theo Thiên Chúa giáo”, “Tôi vui vì được là con chiên Thiên Chúa”, và “Tôi thường nghĩ về việc mình là tín đồ Thiên Chúa giáo”). Kết quả là những tín đồ Thiên Chúa giáo không quá chú trọng bản sắc cá nhân cũng tin những lý lẽ buộc tội linh mục trong vụ án giả định, giống với những người không theo Thiên Chúa giáo.
Năm 2015, có một bài báo đã chỉ trích phong trào Effective Altruism. Tác giả bài báo đó nói rằng chúng tôi dùng thứ logic mập mờ để bao biện cho việc dành thời gian cho những thứ tình-cờ có lợi cho chúng tôi - những người (đa số) là nam giới da trắng, giàu có và làm việc trong ngành công nghệ.
Lúc đó phản ứng của tôi cũng như của nhiều thành viên EA khác là khó chịu và cảm thấy bị xúc phạm. Và tôi nghĩ chúng tôi có lý do chính đáng khi có phản ứng như thế: bài báo đó đã nhận định sai về chúng tôi theo nhiều khía cạnh khác nhau và chỉ tập trung xoáy vào những ví dụ không tốt của EA, mà những ví dụ đó cũng không mang tính đại diện.
Một ngày nọ, tôi nói về bài báo này với Holden bạn tôi, người cống hiến cho phong trào EA nhiều hơn tôi khi đã đồng sáng lập hai tổ chức quan trọng nhất của EA là GiveWell và Open Philanthropy Project.
Tôi nhận định: “Đó là một bài viết thật tệ. Anh có nghĩ thế không?”.
Holden bình thản đáp: “Ồ, tôi nghĩ bài viết đó có ích đấy chứ. Tôi mừng vì người ta đã đăng bài viết đó. Họ đã chỉ ra những điểm yếu nhất của EA, cũng như những khía cạnh mà chúng ta thường quá tự tin”.
“Nhưng… bài viết đó không khách quan. Anh không nghĩ tác giả đã có những nhận xét bất công về EA à?”
“Đúng là tác giả chỉ tập trung vào mặt xấu và không có thiện chí cho lắm. Nhưng vậy thì đã sao? Dù gì thì bài báo đó vẫn là một hồi chuông cảnh tỉnh tốt cho chúng ta.”
Khi thấy cách phản ứng của Holden và nhìn lại cách phản ứng của mình, tôi nhận ra: “Có lẽ mình nên bớt chú trọng bản sắc cá nhân của mình thêm chút nữa…”
CHÚ TRỌNG ĐẾN TÁC ĐỘNG BẠN TẠO RA HƠN LÀ BẢN SẮC CỦA BẠN
Nhiều người thường nghĩ rằng việc gắn bản sắc cá nhân vào một mục đích, sứ mệnh hoặc những “bộ lạc” mang tính lý tưởng nào đó là có ích, vì việc đó sẽ tạo động lực để họ hoàn thành nhiệm vụ. Họ lấy quan điểm đó để đối chiếu với những gì họ tưởng tượng về tư duy trinh sát: thờ ơ, vô cảm, quá tập trung xem xét các khía cạnh của vấn đề đến mức không bao giờ hành động.
Nhưng quan tâm tới nhiệm vụ của nhóm rất khác với quan tâm tới bản sắc của nhóm. Thông thường, những hành động nhằm củng cố bản sắc của bạn rất khác với những hành động thật sự có ích cho nhiệm vụ của bạn.
Nếu chỉ chú trọng bản sắc thì bạn rất dễ “bắn bừa” vào kẻ địch của mình; nếu chú trọng nhiệm vụ thì bạn sẽ thấy tấn công đối thủ một cách thiếu cân nhắc chỉ khiến bạn bị đánh lạc hướng chứ không ích lợi gì. Nếu chỉ chú trọng bản sắc thì bạn sẽ dễ nổi giận với những người không đồng tình với mình; nếu chú trọng nhiệm vụ thì bạn sẽ không nghĩ những người chưa hoàn toàn đồng tình với mình là ngu ngốc hay có ý đồ xấu, và vì thế bạn sẽ không tạo khoảng cách với họ.
Khi quá chú trọng bản sắc cá nhân, bạn dễ có những hành động nhằm củng cố bản sắc của mình mà không thật sự tạo ra được tác động có ích, chẳng hạn như khi những người quan tâm tới sự biến đổi khí hậu toàn cầu thúc ép người khác rút dây sạc điện thoại để tiết kiệm năng lượng.
David MacKay, tác giả của quyển sách bán chạy Sustainable Energy - Without The Hot Air (tạm dịch: Năng lượng bền vững - không khí thải), đã sử dụng cách tiếp cận không dựa trên bản sắc để tuyên truyền cho phong trào chống biến đổi khí hậu: không đưa vào những yếu tố mà ông gọi là cử chỉ sinh thái (eco-gesture), tức những từ ngữ có tính kêu gọi hay những chi tiết có vẻ ủng hộ phong trào thân thiện môi trường. Thay vào đó, Mackay phân tích các con số và chỉ ra những thay đổi thật sự đáng thực hiện. Ông so sánh mọi thứ bằng những thước đo quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày như số kilowatt điện chẳng hạn. Ông chứng minh rằng nếu luôn tháo đồ sạc điện thoại sau mỗi lần sử dụng trong vòng một năm, bạn sẽ tiết kiệm được lượng điện tương đương một lần tắm có sử dụng máy nước nóng.
Mackay phân tích dữ liệu theo cách tương tự để so sánh điện gió, điện mặt trời, điện sinh học, điện hạt nhân cùng các loại năng lượng khác. Sau cùng ông kết luận năng lượng hạt nhân là phương án có tiềm năng nhất để giảm khí thải. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người có thể tự phân tích số liệu; những phân tích của ông chỉ nhằm mục đích chứng minh cho mọi người hiểu là chúng ta cần xác định chính xác ta đang đánh đổi những gì trong mỗi phương án. Ông bày tỏ trong quyển sách của mình: “Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không cố ủng hộ hoạt động hạt nhân. Tôi chỉ ủng hộ số học”.
“LẠC HƯỚNG” VÌ XÁC ĐỊNH SAI KẺ THÙ
Những trận chiến có tác động không đáng kể và quá chú trọng bản sắc thậm chí còn gây thiệt hại nhiều hơn so với những trận chiến chống lại kẻ thù cụ thể.
Trường hợp của tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA là một ví dụ điển hình. Tổ chức này đã dành nhiều thời gian và công sức để đấu tranh chống lại công viên giải trí Sea World và đoàn xiếc Ringling Brothers. Kết quả tươi sáng nhất của trận chiến này là giải thoát được vài con vật.
Trong khi đó, nếu có tổ chức đứng ra thuyết phục được các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất nước Mỹ chuyển sang sử dụng các loại thịt có được từ phương pháp chăn nuôi nhân đạo hơn, họ sẽ giúp đỡ được hàng chục triệu cá thể động vật.
Nhưng bạn sẽ thấy cuộc chiến với Sea World và Ringling Brothers có sức hấp dẫn hơn, nếu động lực thúc đẩy bạn chính là đấu tranh chống lại cái xấu.
Lewis - một người bạn của tôi, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động vật - chia sẻ: “Sea World và Ringling Brothers là những tổ chức trục lợi từ động vật. Hành vi trục lợi đó khiến người ta căm giận và bực tức. Và khi hai tổ chức này lên tiếng bào chữa, các nhà bảo vệ động vật càng cảm thấy bực tức hơn nữa”.
(Đương nhiên nếu bạn chỉ quan tâm đến cá heo chứ không phải heo thì việc đấu tranh chống lại Sea World là hoàn toàn hợp lý. Nhưng hầu hết các nhà bảo vệ động vật đã dành hàng năm trời để phản đối Sea World đều khẳng định họ cũng quan tâm tới động vật nông trại. Vậy xét theo hệ giá trị của họ thì rõ ràng họ đã bỏ qua những thắng lợi lớn hơn, để tham gia một trận chiến gần như chỉ mang tính biểu tượng.)
Và nếu bạn nhận định sứ mệnh của mình là chiến đấu chống lại cái ác thì bạn lại càng khó bước ra khỏi trận chiến chính nghĩa đó, dù nó có kém hiệu quả đến thế nào đi nữa. Lewis kể lại về một trong những nhà bảo vệ phúc lợi động vật hàng đầu: “Anh ấy sẽ nghĩ về những điều mà kẻ thù của anh ấy phản đối. Những gì thôi thúc anh ấy lúc đó là ý nghĩ ‘Đó là những con người tồi tệ. Mình phải đánh bại họ’”.
Trái ngược với ví dụ trên, The Humane League cũng là một tổ chức bảo vệ phúc lợi động vật, nhưng họ chú trọng tác động mình tạo ra hơn là bản sắc nhóm. Tổ chức này được trang Vox nhận định là “một trong những tổ chức quan trọng nhất của nước Mỹ trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi động vật”.
Những gì đã khiến The Humane League khác với những tổ chức bảo vệ động vật khác, và cả các tổ chức xã hội nói chung, là phương châm thường xuyên cân nhắc mức độ hiệu quả trong hoạt động của mình và sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận mới có hiệu quả hơn. Mục tiêu hàng đầu của họ không phải là “thắng kiện”, “giải cứu thú cưng” hay “nâng cao nhận thức”, mà đơn giản là “tìm hiểu xem điều gì có lợi nhất cho động vật và thực hiện điều đó”.
Ban đầu họ tập trung vào những hoạt động thu hút sự chú ý, gây tranh cãi và làm nổi bật nỗi đau của động vật, chẳng hạn như đứng biểu tình trước nơi ở của những nhà khoa học có liên quan tới việc thử nghiệm trên động vật. Nhưng rồi họ nhận thấy phương pháp này quá phản cảm và khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, và số lượng động vật họ cứu được trong tình huống tốt nhất cũng không thể nào so được với số vật nuôi trong trang trại công nghiệp. Do đó, The Humane League đã đổi chiến lược hoạt động, chuyển sang tập trung thuyết phục những nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất nước Mỹ cam kết cải thiện tiêu chuẩn phúc lợi động vật.
Hiện tại, The Humane League đã đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng: họ đã có được cam kết của Unilever - đơn vị cung cấp 95% lượng trứng gà ở Mỹ - chấm dứt hành động giết gà trống con trước năm 2020 (trong ngành công nghiệp trứng, gà trống con mới nở sẽ bị ném vào máy nghiền khi đang còn sống vì chúng không thể đẻ trứng). Điều này có nghĩa là hàng tỷ con gà sẽ thoát khỏi cái chết đau đớn.
Có thể bạn không có cùng quan điểm về phúc lợi động vật như The Humane League, nhưng dù sao thì điều đó cũng không liên quan tới những gì tôi muốn nói đến, đó là nếu đánh giá theo mục tiêu mà The Humane League đề ra, thì họ đang hoạt động cực kỳ hiệu quả. Và họ làm được như thế là vì họ sẵn sàng tái đánh giá các phương pháp của mình, điều chỉnh quan điểm và không bị cuốn vào những trận chiến nhằm bảo vệ bản sắc.
The Humane League chính là ví dụ tiêu biểu của việc “đừng quá chú trọng bản sắc của mình”: nỗ lực xác định phương pháp hiệu quả, bất kể bạn đã làm những gì trong quá khứ; sẵn sàng thay đổi phương hướng hành động khi có dữ kiện mới; cộng tác với những tổ chức có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình, thay vì đối đầu với họ.
Hy vọng tôi đã truyền tải rất rõ trong chương này rằng mục tiêu của việc “đừng quá chú trọng bản sắc của mình” không phải là bớt ủng hộ Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, quyền lợi nữ giới, quyền lợi động vật, chủ nghĩa vô thần, tôn giáo, chiến lược kinh doanh, ngôn ngữ lập trình hay bất kỳ hội nhóm hoặc lý tưởng nào bạn quan tâm mà là bớt ủng hộ những điều đó theo phản xạ, bớt cảm thấy bị xúc phạm khi nhận lời phê bình, bớt xem nhẹ những điều không giống quan điểm của mình. Mục tiêu là ủng hộ nhóm bạn tham gia vì quan điểm của họ là đúng, chứ không phải chỉ vì họ là nhóm của bạn.
Đừng quá chú trọng bản sắc của bạn nghĩa là nhìn nhận lại về mối quan hệ giữa bạn và các hội nhóm của mình. Thay vì không thể tách rời, mối quan hệ đó nên mang tinh thần cộng tác nhiều hơn, trong đó mỗi hội nhóm có vai trò như một đối tác và bạn sẽ cùng đối tác hướng đến một mục tiêu chung. Mục tiêu đó có thể là hỗ trợ động vật, cứu người, nâng cao tri thức hoặc xây dựng một công ty thành công. Bạn chọn đối tác này vì ý tưởng và mục tiêu của họ phù hợp với ý tưởng và mục tiêu của bạn. Nhưng bạn không muốn mù quáng tin tưởng rằng đối tác của mình luôn đúng. Nếu đối tác của bạn phạm sai lầm lớn, bạn nên là người đầu tiên nhận ra điều đó.
Nói cách khác, hãy tập trung vào việc đạt được kết quả cuối cùng. Khi đã tập trung vào việc tạo ra những thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới này, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả những trận chiến vì bản sắc chỉ khiến bạn lệch khỏi mục tiêu của mình mà thôi.