C
ourtney Jung là giảng viên môn khoa học chính trị tại Đại học Toronto và là tác giả của quyển Lactivism (tạm dịch: Sữa mẹ) nói về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Có một câu chuyện lý thú đã xảy ra khiến cô nảy ra ý tưởng viết quyển Lactivism.
Chuyện xảy ra khi Jung đang mang thai tháng thứ năm, vào đêm mà cô tham dự một buổi tiệc cocktail14. Trong buổi tiệc, một vị khách nữ tiến tới và bắt chuyện với Jung. Mục tiêu của người phụ nữ này chẳng mấy chốc đã trở nên rõ ràng, đó là thuyết phục Jung nuôi đứa con sắp chào đời bằng sữa mẹ.
14 Tiệc cocktail là một buổi tiệc đứng với thức ăn nhẹ và các món uống có độ cồn thấp như cocktail, sâm panh, bia, nước trái cây…
Jung vốn đã có ý định nuôi con bằng sữa mẹ, dù cô chưa suy nghĩ cặn kẽ lắm về vấn đề này. Thế nên cô liền nói với vị khách kia: “À, tôi sẽ nuôi con bằng sữa mẹ”.
Nhưng có lẽ thái độ của Jung không đủ quả quyết nên vị khách kia vẫn tiếp tục nhấn mạnh với Jung về lợi ích của sữa mẹ. Trong lúc giải thích quá nhiệt tình, vị khách đó vừa nói vừa sấn tới phía Jung. Jung thì cảnh giác bước lùi ra sau. Và họ cứ thế người tiến người lùi, di chuyển khắp phòng tiệc, cho đến khi Jung phát hiện mình bị dồn vào chân tường - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trong những chương tiếp theo của quyển sách này, tôi sẽ nói về một khía cạnh đặc trưng và quan trọng của tư duy chiến binh: sự thôi thúc muốn bảo vệ những “bộ lạc” gắn liền với bản sắc xã hội của chúng ta và tác động của sự thôi thúc đó lên khả năng tư duy của chúng ta.
Có thể bạn đã từng nghe khái niệm “chủ nghĩa bộ lạc” hoặc tư duy “dựa trên bản sắc” trong lĩnh vực chính trị. Ví dụ, những người theo tư tưởng dân chủ và những người có tư tưởng bảo thủ thường xem nhau là kẻ thù, hoặc chúng ta thường ủng hộ chính sách được ban hành bởi đảng của mình và phản đối chính sách của đảng đối lập.
Nhưng hiện tượng này có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, chứ không phải chỉ trong chính trị. Bộ não của chúng ta có thể tạo nên các “bộ lạc” từ mọi thứ, bao gồm cả những bất đồng về thế nào là cách nuôi con tốt nhất.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN RA SỨC ẢNH HƯỞNG CỦA BẢN SẮC
Khi một vấn đề chịu ảnh hưởng của bản sắc, thường thì bạn sẽ thấy các hội nhóm, tên gọi, thuật ngữ và tài liệu liên quan đến vấn đề đó xuất hiện. Những người ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ được gọi là “lactivist”, phương châm của họ là “sữa mẹ là số một”, và họ thường đăng tải lên mạng xã hội những bức “brelfies” - những bức ảnh “tự sướng” chụp cảnh cho trẻ bú sữa mẹ.
Những niềm tin dựa trên bản sắc là những niềm tin khiến chúng ta cảm thấy tự hào.
Ở Mỹ, nuôi con bằng sữa mẹ mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Đó là cách để cho mọi người thấy bạn là một người mẹ tận tâm. Đó là xu hướng gắn liền với chủ nghĩa thuận tự nhiên, và nó khiến người ta cảm thấy tự hào như khi “ăn sạch” hoặc sử dụng sản phẩm hữu cơ. Đó là biểu hiện của một người ủng hộ nữ quyền và một con chiên ngoan đạo.
Vậy nên, không có gì lạ khi chúng ta không thể chỉ kiểm tra một số nghiên cứu đáng tin và đưa ra một đáp án mà ta cho là hợp lý để trả lời cho câu hỏi “Nuôi con bằng sữa mẹ quan trọng đến mức nào?”. Jung kết luận: “Ở Mỹ, nuôi con bằng sữa mẹ không đơn thuần chỉ là cách chăm con, mà còn là cách cho thế giới thấy bạn là ai và tin tưởng vào điều gì”.
Những niềm tin dựa trên bản sắc thường là những niềm tin chúng ta thấy cần bảo vệ.
Có nhiều bà mẹ đã bị chỉ trích là vô tâm khi nuôi con bằng sữa công thức thay vì sữa mẹ. Trong quyển sách của mình, Jung có chia sẻ quan điểm của một người mẹ khác: “Nếu họ không thể chăm sóc cho con mình [tức là nuôi con bằng sữa mẹ] thì họ không được phép sinh con”.
Nếu đọc kỹ các bài viết ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ, bạn sẽ thấy những phụ nữ nuôi con theo cách này cũng có các bình luận tương tự như khi họ công kích các bà mẹ khác, nhưng theo hướng ngược lại. Họ than phiền rằng các bác sĩ thường khuyên người mẹ ngừng cố gắng ngay khi người mẹ đó gặp khó khăn trong quá trình cho con bú, còn xã hội thì chê cười khi họ cho con bú nơi công cộng.
“Hãy thử ngẫm lại và bạn sẽ thấy xã hội đang tạo áp lực để các bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức chứ không phải sữa mẹ. Và xã hội đang thắng thế”, một blogger nhận xét.
Một khi đã biết cách nhận ra những niềm tin dựa trên bản sắc, bạn sẽ thấy những niềm tin đó ở khắp nơi.
NGƯỜI LẠC QUAN VÀ NGƯỜI BI QUAN
Người tự nhận mình lạc quan cảm thấy tự hào về việc có thể nhìn thấy mặt tốt của thế giới, về việc họ là người thành công và được yêu mến. Người bi quan cảm thấy tự hào về việc không bị lừa gạt và việc dũng cảm đối diện với những sự thật khó chấp nhận. Hai kiểu người này thường không ưa nhau.
Lấy những người nuôi con bằng sữa mẹ làm ví dụ: cả hai phe lạc quan và bi quan đều cảm thấy mình là thiểu số bị đàn áp và đều thấy hoàn cảnh của mình khó khăn hơn phe còn lại, nhưng vẫn thể hiện những thế mạnh đặc trưng của phe mình. Người bi quan sẽ nói: “Những kẻ lạc quan thật ngây thơ hết thuốc chữa khi muốn được yêu mến bởi tất cả mọi người và không xúc phạm bất kỳ ai”. Trong khi đó, người lạc quan nói: “Hoài nghi thì rất dễ, nhưng tôi chọn tin tưởng vào bản tính tốt đẹp của con người”.
FREQUENTIST VÀ BAYESIAN
Cuộc tranh luận về cách phân tích dữ liệu giữa Frequentism và Bayesianism - hai trường phái về xác suất thống kê - có thể khô khan đến mức bạn không thể tưởng tượng được là lại có người chia phe phái trong lĩnh vực này. Nhưng nếu có đọc những bài viết trên các trang blog về xác suất thống kê, bạn sẽ bắt gặp những cụm từ như “bọn Bayesian bảnh chọe” hay “Bayesian chính thống”.
Nhiều năm trước, khi trường phái Bayesianism còn thuộc bên thiểu số, nhiều bài hát đã được sáng tác để ủng hộ Bayesianism và mỉa mai Frequentism. Khi Bayesianism dần trở nên chính thống hơn, những lời than phiền bắt đầu xuất hiện từ các Frequentist - người theo trường phái Frequentism - và thậm chí, hiện nay họ còn có cả một blog mang tên “Các Frequentist bị lưu đày”.
NGƯỜI ĐI NGƯỢC DÒNG VÀ NGƯỜI TRUNG LẬP
Một số người quả quyết họ từ chối thuộc về bất kỳ “bộ lạc” nào. Họ cảm thấy tự hào về việc kháng cự mọi xu hướng hay quan niệm được nhiều người trong vòng tròn xã hội của mình đồng tình. Nhưng khi đó họ lại tự đặt mình vào một nhóm đặc trưng, đó là nhóm của những người đi ngược dòng - những người từ chối tiếp nhận một ý kiến nào đó chỉ vì nó phổ biến.
Trái ngược với những người đi ngược dòng, nhiều người lại nỗ lực thoát khỏi chủ nghĩa bộ lạc bằng cách thỏa hiệp với mọi vấn đề, hoặc từ chối đưa ra ý kiến. Nhưng lúc này họ đã chọn làm thành viên của một nhóm khác, đó là nhóm những người trung lập - những người tránh tham gia vào bất kỳ cuộc tranh luận nào bằng cách không đồng tình với cả hai bên.
Đôi khi trong một cuộc tranh luận, có một bên hầu như đúng và một bên hầu như sai. Nếu chiến lược của bạn là chọn thỏa hiệp với cả hai bên thì chúng ta sẽ tiếp nhận rất nhiều niềm tin sai lệch. Chiến lược này không thể giúp bạn tìm kiếm sự thật, và cũng chẳng có gì khác biệt so với việc chọn ủng hộ một bên theo cảm tính.
Đây có vẻ là dấu chấm hết cho mọi cuộc thảo luận về bản sắc và chủ nghĩa bộ lạc. Chúng ta nghĩ chúng ta có những lý lẽ hợp lý và chính đáng cho quan điểm của mình, nhưng thật sự thì không. Thực tế là quá trình lập luận của chúng ta đã bị sai lệch bởi thôi thúc muốn bảo vệ đội của mình và đánh bại đội đối thủ. Nói cho cùng, chúng ta chỉ đang làm nô lệ cho bản sắc cá nhân của mình mà thôi.
Nhưng theo tôi thì đây không phải dấu chấm hết, mà chính là điểm khởi đầu. Đây là lúc chúng ta bắt đầu tìm giải pháp. Chúng ta có thể tìm cách để là một phần của bộ lạc mình ủng hộ, và vẫn cống hiến cho những gì mình quan tâm mà không đánh mất khả năng tư duy độc lập hay không? Khi đã biết bản sắc của mình đóng vai trò quan trọng thế nào, chúng ta có thể chú ý hơn đến việc kiểm soát những bản sắc đó hay không? Chúng ta có thể dung nạp những bản sắc giúp mình trở nên chính xác hơn hay không?
Đây là những vấn đề mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong ba chương kế tiếp.