T
ôi từng là người có xu hướng né tránh những tin tức có thể khiến mình chán nản.
Khi biết mình sắp hết tiền, tôi sẽ cố không nhìn vào số dư tài khoản trên biên lai rút tiền. Khi nghĩ ai đó có thể đang khó chịu vì mình, tôi sẽ tránh hỏi họ về chuyện đó. Những ai quen tôi đều biết tôi thường để mặc email trong hộp thư nhận suốt nhiều ngày mà không mở ra đọc nếu tôi cho rằng email đó có thể mang tới tin xấu.
Thế nên vài năm trước, khi bắt đầu thuyết giảng ở các buổi hội thảo về chủ đề ra quyết định, tôi quyết tâm từ bỏ thói né tránh, đồng thời thường xuyên trao đổi với học viên về trải nghiệm của họ trong chương trình. Dù vẫn sợ phải nghe những phản hồi không tốt, nhưng tôi hiểu rằng mình chỉ có cơ hội khắc phục thiếu sót khi sớm biết được điểm nào trong bài giảng của mình khiến học viên không hài lòng.
Thế là mỗi khi trò chuyện với học viên trong giờ giải lao hoặc vào cuối ngày diễn ra hội thảo, tôi thường hỏi họ: “Các bạn thấy chương trình hôm nay thế nào? Các bạn có hài lòng với bài giảng vừa rồi không?”.
Lúc ấy, tôi đã rất tự hào về bản thân khi dám chủ động tìm kiếm những lời chê trách.
Nhưng rồi tôi nhận ra, trong lúc hỏi học viên xem họ có hài lòng với hội thảo hay không, tôi luôn gật đầu trong vô thức như thể muốn nói: “Câu trả lời là ‘có’ đúng không? Làm ơn hãy nói là bạn hài lòng đi nào”. Có lần tôi còn bất chợt nhận ra mình đang giơ cả hai ngón cái lên và gật đầu trong vô thức khi đang đề nghị học viên “nhận xét thật lòng”.
Hóa ra một phần nào đó trong tâm trí tôi chưa hoàn toàn sẵn sàng để tìm kiếm những lời phê bình mang tính xây dựng và đang cố gắng đảm bảo rằng tôi chỉ nhận được những lời nhận xét tốt đẹp, ngay cả khi cái giá phải trả là không thể cải thiện chất lượng chương trình.
Trong trường hợp của mình, cuối cùng tôi cũng nhận ra tôi đã tự làm lệch nhận định của bản thân. Nhưng thường thì không phải ai cũng nhận ra điều này.
Khi ra quyết định, tìm kiếm thông tin hoặc lý giải một vấn đề nào đó, chúng ta thường vô thức “làm lệch cán cân”, khiến nhận định của bản thân nghiêng về phía mà mình ngầm ủng hộ. Chúng ta thường đặt những câu hỏi mang tính dẫn dắt, như cách tôi hỏi các học viên của mình. Chúng ta tìm đến những người có vẻ sẽ nói những điều ta muốn nghe về tình hình sức khỏe, phi vụ làm ăn mới hoặc quan điểm chính trị. Chúng ta có mức độ hoài nghi khác nhau cho từng vấn đề khác nhau, chẳng hạn chúng ta sẽ “vạch lá tìm sâu” trong lập luận mình muốn bác bỏ nhưng lại phớt lờ những “lỗ hổng” trong lập luận mà mình tán thành.
Tất cả những hành vi tôi đề cập ở trên đều rất khó tránh khỏi, dù bạn đang cố gắng làm điều “đúng đắn” - như những gì tôi đã làm: thu thập thông tin, chủ động tìm kiếm phản hồi và cởi mở tiếp nhận những quan điểm trái chiều… Khi bạn muốn có được (hoặc né tránh) một đáp án nào đó, bộ não của bạn sẽ âm thầm vận hành để đảm bảo bạn sẽ nhận được (hoặc tránh được) đáp án đó.
Ngay cả khi bạn nhận thức được hành vi của mình thì việc khắc phục cũng không hề dễ dàng. Dù đã dành nhiều năm để nghiên cứu, soạn thảo, chia sẻ và thuyết giảng về hành vi tự lừa dối trong vô thức, nhưng đôi lúc tôi vẫn không thoát khỏi sự chi phối của nó.
Bạn đoán được chủ đề tôi thuyết giảng là gì không? Đó chính là sự tự lừa dối.
Đúng vậy, tôi đã tự lừa dối trong vô thức rằng tôi thuyết giảng rất tốt về chủ đề tự lừa dối trong vô thức.
Thật sự rất khó để nhận ra cũng như xóa bỏ quá trình vô thức bóp méo thông tin này vì đó là quá trình đã được “lập trình sẵn” trong não bộ của chúng ta. Trong quyển sách này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một trong những tiến bộ đáng kể của khoa học nhận thức hiện đại, đó là khám phá lý do khiến ta luôn ủng hộ một số ý kiến nhất định - những ý kiến củng cố cái tôi của chúng ta, trấn an ta hoặc xác nhận những hệ tư tưởng mà ta có.
Hệ quả của quá trình nhận thức này là chúng ta luôn lý giải vấn đề theo kiểu “đối nghịch”, như thể các ý kiến phải ở trong tình thế đối đầu nhau, chiến đấu một mất một còn trên chiến trường chứ không thể cùng tồn tại.
CHIẾN BINH
Hãy nghĩ đến hình ảnh một chiến binh bất kỳ, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời đại nào. Có thể đó là một kỵ binh La Mã đang xông vào chiến trận, một chiến binh Zulu vùng Nam Phi với chiếc khiên dài bọc da bò, hoặc một binh sĩ người Pháp trong Thế chiến I với bộ râu dài đặc trưng đang chạy hết tốc lực băng qua vành đai trắng1.
1 Vành đai trắng là thuật ngữ dùng trong quân sự để chỉ vùng đất không thuộc sở hữu hay nằm trong tầm kiểm soát của bất kỳ phe nào.
Vũ khí và chiến thuật của những chiến binh đó có thể khác nhau, nhưng ở họ vẫn luôn có những nét tương đồng bất kể thời gian hay địa điểm: adrenaline2 của chiến binh luôn ở mức cao. Chiến trường là nơi “giết hoặc bị giết”. Chiến binh không có thời gian để thong thả suy ngẫm, không phải lúc này, không phải nơi chiến trường. Những quyết định của họ được đưa ra nhanh chóng và theo phản xạ - đó là “sản phẩm” của bản năng sẵn có cùng quá trình huấn luyện khắc nghiệt. Mục đích của những phản xạ đó là để bảo vệ hai bên sườn, để giành ưu thế, và trên hết, để tấn công kẻ địch.
2 Adrenaline là một hormone có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được cơ thể sản xuất khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú. Adrenaline làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn để cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm.
Cách chúng ta lý luận cũng tương tự như vậy.
Như nhà ngôn ngữ học George Lakoff đã chỉ ra trong quyển sách nổi tiếng có tựa đề Metaphors We Live By (Chúng ta sống bằng ẩn dụ), cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ để lập luận có thể được mô tả bằng một hình ảnh ẩn dụ thích hợp: tranh luận là chiến tranh.
Những nhận định của chúng ta có thể “mạnh”, “yếu” hoặc “có nhiều sơ hở”, hệt như một thế cờ trong quân sự. Chúng ta “bày binh bố trận” các luận điểm của mình như thể đó là những người lính. Chứng cứ có thể được dùng để “bọc lót” hoặc “hỗ trợ” một nhận định, giống như quân tiếp viện được cử đến một vị trí nào đó trên chiến trận. Chúng ta có thể dùng từ “thế” (position) để chỉ thế của một đội quân trong quân đội hoặc lập trường của ai đó về một vấn đề nào đó. Khi phát hiện một nhận định nào đó có kẽ hở, chúng ta sẽ tìm cách “tiêu diệt” nó.
Hình ảnh ẩn dụ “tranh luận là chiến tranh” được Lakoff dùng cho những cuộc tranh luận giữa hai hoặc nhiều người với nhau, nhưng hình ảnh này cũng mô tả rõ nét về cách ta lý luận với chính mình.
Chúng ta thường tìm cách bảo vệ quan điểm của mình khỏi những lời bình phẩm của người khác. Chẳng hạn nếu nhận thấy kế hoạch khởi nghiệp của mình có nguy cơ thất bại, chúng ta sẽ vô thức tránh nghĩ về những điểm yếu của kế hoạch đó, hoặc tránh nói chuyện với những người có thể chỉ ra các khuyết điểm đó.
Chúng ta thường tập trung vào điểm yếu của lập luận mình muốn bác bỏ. Khi thấy dòng tít về sự thành công của một chính trị gia mà chúng ta ghét thì ngay cả khi chưa xem bài viết đó, não bộ của chúng ta đã bắt đầu đưa ra những lý do khả dĩ để chứng minh “thành công” của người đó thật sự không có gì đáng kể.
Khi phân vân trước một quyết định nào đó, chẳng hạn như “Mình nên bắt đầu ăn kiêng từ tuần này hay đợi qua tuần sau?”, chúng ta luôn có thể đưa ra những lập luận “không có kẽ hở” để củng cố cho lựa chọn của mình, biện giải vì sao tuần này không phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu ăn kiêng - dù bắt đầu từ tuần nào đi nữa thì chúng ta vẫn sẽ có những cách lập luận mà ta cho là “không có kẽ hở” như vậy.
Chúng ta tranh luận theo kiểu đối đầu, với những suy nghĩ như phải “bảo vệ”, phải “bác bỏ” hay phải đưa ra những lý lẽ “không có kẽ hở” một cách thường xuyên và tự nhiên đến nỗi ta không thể nhận ra. Nguyên nhân là vì cách suy nghĩ đó đã quá quen thuộc, quá tự nhiên, và tâm trí chúng ta đã được lập trình để nhìn nhận các cuộc tranh luận theo hướng đó.
LÍNH TRINH SÁT
Cách lập luận theo hướng đối đầu diễn ra tự nhiên đến mức khiến ta có cảm giác đó là việc không thể tránh khỏi, như thể một cuộc tranh luận không thể diễn ra theo bất kỳ một hướng nào khác.
Sự thật là chúng ta hoàn toàn có thể tránh được lối tư duy đối đầu đó nếu chủ động tư duy theo các hình ảnh ẩn dụ khác. Ví dụ, hãy tưởng tượng một hình ảnh khác trong quân đội với vai trò rất khác so với chiến binh: lính trinh sát. Lính trinh sát thăm dò và tìm hiểu những khu vực xung quanh, thu thập thông tin để hiểu về địa hình nơi đó. Có chướng ngại nào như sông, rừng rậm, hoang mạc cản đường đội quân của họ không? Có bẫy của quân địch không? Có hiểm họa khó lường nào khác không? Nếu nhìn thấy một cây cầu, họ sẽ kiểm tra xem nó có đủ vững chắc để đoàn quân đi qua hay không. Lính trinh sát không đứng ở vọng gác của doanh trại để quan sát mà luôn đi trước cả đoàn quân, chủ động bước vào vùng lãnh thổ xa lạ để tìm hiểu những điều chưa ai biết.
Lính trinh sát luôn muốn đảm bảo rằng chặng đường phía trước an toàn và thông suốt, có nguồn nước sạch và nhiều nơi để ẩn nấp. Họ mong tìm được những cây cầu nằm ở các vị trí thuận lợi và đủ vững chắc để đội quân của mình đi qua. Và họ mong tìm ra nhiều sơ hở của quân địch.
Nhưng trên cả những hy vọng và mong muốn đó là tư duy hướng về sự thật, về những gì đang chờ đợi họ ở con đường phía trước. Nếu một cây cầu không đủ an toàn, họ muốn biết trước điều đó chứ không phải biết khi đội quân đã đi đến giữa cầu. Nếu quân địch quá mạnh, họ cũng muốn biết điều đó càng sớm càng tốt. Mục tiêu tối thượng của lính trinh sát là cung cấp cho đội quân của mình tấm bản đồ mô tả chính xác nhất có thể về vùng lãnh thổ mà họ sắp tiến vào.
Trong chiến tranh, khi phải đối đầu với các thế lực thù địch theo đúng nghĩa đen, cả chiến binh lẫn lính trinh sát đều là những lực lượng không thể thiếu. Nhưng trong hình ảnh ẩn dụ minh họa cho lối tư duy mà chúng ta thường dùng để biện giải và tranh luận trong đời sống hằng ngày, lính trinh sát lại có lợi thế hơn.
Có năng lực tư duy như lính trinh sát nghĩa là bạn có khả năng đưa ra những quyết định khó khăn, vì bạn có thể nghĩ đến những chướng ngại và nguy hiểm tiềm ẩn mà không cảm thấy nao núng hay do dự.
Tư duy như lính trinh sát là có thể phân biệt mạo hiểm xứng đáng và mạo hiểm vô nghĩa.
Tư duy như lính trinh sát là nhìn nhận và rút kinh nghiệm từ sai lầm chứ không tìm cách bào chữa hay biện giải.
Tư duy như lính trinh sát là đủ sáng suốt để nhận biết khi nào người khác đúng, là đủ mạnh mẽ để thay đổi quan điểm của mình về một vấn đề nào đó, ngay cả khi vấn đề đó có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần. Đồng thời, tư duy như lính trinh sát là khả năng nhận ra cái sai của người khác và giữ vững quan điểm của mình ngay cả khi phải chịu áp lực từ xã hội.
Tư duy trinh sát là nhìn nhận sự việc một cách khách quan và chính xác, thay vì chỉ thấy được một phương diện của vấn đề và đấu tranh cho phương diện đó. Tư duy trinh sát có giá trị vô cùng to lớn, cho dù bạn đang phát triển việc kinh doanh hay vun đắp cho một mối quan hệ, cần lựa chọn dự án để đầu tư hay lên kế hoạch cho tình huống khẩn cấp, phải đưa ra một quyết định khó khăn với tư cách nhà quản lý hay đang tìm cách “nâng cấp” bản thân.
TƯ DUY TRUY TÌM SỰ THẬT BÀN VỀ GIẢI PHÁP
Đã có nhiều quyển sách và bài viết bàn về lối tư duy như chiến binh. Đây là một trong những đề tài được quan tâm nhiều nhất trong ngành khoa học nhận thức suốt năm mươi năm qua. Và khoảng mười năm trở lại đây, một số tác giả tên tuổi đã giới thiệu một vài nghiên cứu trong lĩnh vực này với công chúng. Có thể bạn từng đọc đâu đó về một số khía cạnh của lối tư duy mà tôi gọi là “tư duy chiến binh” hoặc những hiện tượng liên quan, chẳng hạn như khuynh hướng giải thích duy lý, thiên kiến phe mình, lập luận cảm tính, hiệu ứng “bong bóng lọc”, tinh thần bè phái, thiên kiến xác nhận hay thiên kiến vị kỷ.
Một số quyển sách nói về tư duy chiến binh dưới góc nhìn chính trị đã giải thích quan điểm chính trị có thể làm sai lệch cách chúng ta lý giải những vấn đề khoa học và đạo đức ra sao, tiêu biểu là quyển The Righteous Mind (tạm dịch: Tư duy đạo đức) của Jonathan Haidt và Denialism (tạm dịch: Chủ nghĩa phủ nhận) của Michael Specter. Một số quyển sách khác tìm hiểu tư duy chiến binh trên quan điểm cá nhân đã chỉ ra khuynh hướng bảo vệ niềm tin và hành vi của bản thân có thể gây khó khăn cho chúng ta trong việc giải quyết vấn đề, chẳng hạn như quyển Why Everyone (Else) Is a Hypocrite (tạm dịch: Kẻ sống giả không phải tôi) của Robert Kurzban và Mistakes were Made (but not by me) (tạm dịch: Lỗi không phải do tôi) của Carol Tavris.
Quyển sách bạn đang cầm trên tay hoàn toàn khác.
Đã đến lúc chúng ta bàn về giải pháp, dĩ nhiên không phải kiểu giải pháp dành cho tư duy chiến binh “của người khác”. Đây không phải một quyển sách bàn về việc thay đổi suy nghĩ của người khác, buộc người ta phải thừa nhận họ vô lý hoặc giảm nhẹ sự phân chia đảng phái chính trị trong xã hội. Đây là một quyển sách về cải thiện bản thân, tự rèn luyện để hạn chế lối tư duy theo kiểu chiến binh và học hỏi cách tư duy của lính trinh sát.
Việc này không hề dễ dàng, nhưng có thể thực hiện được. Mặc dù tư duy chiến binh là khuynh hướng được lập trình sẵn, nhưng không có nghĩa là không có ngoại lệ. Vẫn có những lần chúng ta có thể tránh tự lừa dối bản thân, dù không hề dễ dàng. Có những người đã thay đổi quan điểm cá nhân về những vấn đề quan trọng, dù việc đó rất khó khăn. Mỗi người chúng ta đều có khả năng vượt qua “hệ thống lập trình” của chính mình, dù ít hay nhiều.
Sau khi đọc quyển sách này, bạn sẽ thấy rằng trí thông minh hay hiểu biết sâu rộng không phải là bí quyết giúp cho một số cá nhân đặc biệt đưa ra những nhận định chính xác và sáng suốt. Trên thực tế, những gì họ có là các kỹ năng làm chủ cảm xúc, thói quen cũng như quan điểm có-thể-điều-chỉnh, giúp họ dễ tư duy như một lính trinh sát hơn, chẳng hạn như:
• Họ có khả năng tự nhận thức. Họ có thể nhận ra nếu não bộ của họ đang tự vận hành kiểu thiên kiến thay vì cố hiểu vấn đề nào đó.
• Họ không tìm cách phòng thủ hoặc né tránh khi nhận được những lời phê bình gay gắt hay phát hiện mình phạm sai lầm (nếu có, họ sẽ biết cách vượt qua).
• Họ điềm tĩnh, có thể nghĩ đến những chuyện không mấy khả quan với thái độ bình tĩnh và khách quan.
• Họ có thể bình thản đối diện với sự không chắc chắn. Họ không cần tự lừa dối bản thân hay thuyết phục bản thân tin vào một cái kết “ảo” khi đứng trước những vấn đề không thể tìm được câu trả lời trong hiện tại, chẳng hạn như “Kế hoạch khởi nghiệp của mình có thành công không? Nhân viên có thích làm việc với mình không?”.
TƯ DUY TRUY TÌM SỰ THẬT KHÔNG BÀN VỀ VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH
Có rất nhiều nguồn thông tin cũng như sách báo đã viết về việc “ra quyết định”, đưa ra những lời khuyên về cách cân nhắc giữa lợi và hại, về cách tìm kiếm lời khuyên khi bạn đối mặt với một vấn đề cụ thể nào đó như nên chọn ngành nghề nào, có nên tập trung cho kế hoạch khởi nghiệp chưa, nên sống ở đâu, có nên kết hôn không, hay nên đầu tư thế nào với khoản tiền mình có.
Tư duy truy tìm sự thật không phải là một quyển sách như thế. Thực tế, bạn chỉ gặp tình thế “phải đưa ra một quyết định khó khăn” khoảng 1% thời gian mà thôi. Cách bạn hành xử trong 99% thời gian còn lại mới là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng của các quyết định mà bạn đưa ra, bởi đó là khoảng thời gian bạn xác định nền tảng cho cuộc sống của mình thông qua việc tìm hiểu nguồn lực nào là đáng tin, thói quen nào nên được củng cố và kỹ năng nào cần được phát triển.
Sau khi đọc quyển sách này, bạn sẽ nhận ra chỉ khi tư duy như lính trinh sát trong mọi hoàn cảnh - ngay cả khi không nhất thiết phải tư duy theo cách đó - thì bạn mới có thể đưa ra quyết định thích hợp khi cần thiết.
Bây giờ hãy cùng điểm qua những nội dung chính trong sách:
Trong Phần I - Chiến binh & Lính trinh sát, tôi sẽ trình bày các giả thuyết và bằng chứng cho thấy động cơ có thể ảnh hưởng đến nhận định của chúng ta thế nào. Tại sao đa số chúng ta lại có tư duy chiến binh? Tại sao lối tư duy này khó bỏ đến vậy? Ta sẽ nhìn nhận mọi việc ra sao nếu có tư duy trinh sát? Và cuối cùng, điều gì quyết định lối tư duy của chúng ta?
Trong Phần II - Sự thật đáng giá hơn bạn nghĩ, tôi sẽ lý giải giá trị của tư duy trinh sát, cũng như vì sao lựa chọn mặc định của não bộ giữa tư duy chiến binh và tư duy trinh sát lại tạo cho ta cơ hội để cải thiện bản thân. Tư duy trinh sát mang lại kết quả gián tiếp và lâu dài, trong khi hệ thống lập trình của chúng ta lại ưu tiên lợi ích tức thời lúc ra quyết định.
Một phần nguyên nhân khiến chúng ta không thể từ bỏ tư duy chiến binh là ta không nhận ra mình đang áp dụng lối tư duy đó. Trong Phần III - Cách nhận biết bạn đang áp dụng tư duy trinh sát, tôi sẽ trình bày hai phương pháp chính để giúp bạn đạt được sự tự nhận thức, đó là thực hiện một thí nghiệm tưởng tượng và đặt cược vào quan điểm của mình.
Nếu ở Phần II bạn tìm hiểu về những lợi ích đáng kinh ngạc của sự thật thì trong Phần IV - Làm sao để không cần phải tự lừa dối bản thân, bạn sẽ biết rằng để có được sự thật, cái giá bạn phải trả sẽ thấp hơn những gì bạn vẫn tưởng. Nhờ có những nguyên tắc hành xử, quan điểm cùng các kỹ năng làm chủ cảm xúc nhất định, lính trinh sát có thể đối mặt với thực tế mà không thoái lòng nản chí.
Trong Phần V - Thoát khỏi chủ nghĩa bộ lạc3, chúng ta sẽ xem xét yếu tố tập thể của tư duy chiến binh. Chúng ta sẽ tìm hiểu về cách ngăn bản sắc cá nhân tác động đến lập luận của mình, cũng như xem xét làm thế nào (và vì sao) lính trinh sát có thể hiểu được quan điểm của phe “đối nghịch”. Cuối cùng, chúng ta sẽ khám phá cách vận dụng bản sắc sẵn có (những bản sắc khiến bạn phán đoán chuẩn xác hơn, chứ không phải kém đi) để phát triển tư duy trinh sát.
3 Chủ nghĩa bộ lạc (Tribalism) chỉ thái độ đề cao và trung thành với một nhóm xã hội hoặc nhóm chính trị nào đó đến mức luôn ủng hộ mọi hành động của nhóm này.
Tôi là người chú trọng thực hành hơn nghiên cứu học thuật, và Tư duy truy tìm sự thật được định hướng là một quyển sách có tính ứng dụng cao. Tôi sẽ không viết quyển sách này nếu không thật sự tin rằng tư duy trinh sát sẽ giúp ích cho bạn, chẳng hạn như giúp bạn đưa ra những quyết định phù hợp hơn đối với những vấn đề mà bạn quan tâm, chinh phục thử thách, đón nhận những rủi ro xứng đáng và nói chung là lèo lái cuộc đời mình sao cho thuận buồm xuôi gió hơn.
Khi bạn đọc quyển sách này, tôi thật sự hy vọng mình có thể truyền tải đến bạn phần nào sự hứng thú của tôi về đề tài này. Với tôi, tư duy trinh sát không chỉ hữu ích mà còn rất thú vị.
Khi còn bé, tôi từng đọc và xem rất nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng. Tôi luôn bị cuốn hút bởi những tác phẩm có nội dung về tinh thần tự quyết, chẳng hạn như một cá thể chủ động tìm hiểu về nguồn gốc của chính nó để rồi phải đấu tranh với sự thật đó và (đôi khi) tự vạch ra hướng đi mới cho mình. Cá thể đó có thể là một con rô-bốt được tạo ra để làm công cụ cho tình yêu hoặc chiến tranh, một bản sao muốn trở thành bản thể độc lập và duy nhất, hoặc quái vật của Frankenstein - kẻ thậm chí không biết mình vốn tàn ác hay hiền lành.
Tôi từng luôn ủng hộ các tạo vật đó đứng lên đấu tranh và thường cổ vũ: “Hãy xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho chính mình. Hãy từ chối những mệnh lệnh được lập trình sẵn!”.
Nếu nhìn ra quy mô rộng lớn hơn của lịch sử nhân loại, bạn sẽ thấy đó cũng là một câu chuyện về tinh thần tự quyết. Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi như: Nhờ đâu chúng ta tồn tại? Chúng ta là loài sinh vật gì? Trí não chúng ta hoạt động thế nào và tại sao lại như vậy?
Ở một số khía cạnh, câu chuyện về tinh thần tự quyết khai mở rất nhiều điều. Những đặc điểm được lập trình sẵn trong não bộ giúp duy trì bộ gien của chúng ta nhưng lại thường không thể giúp ta phát triển vượt bậc hay chung sống hòa hợp với nhau. Tư duy chiến binh chính là tiến hóa mang tính thích nghi của tổ tiên chúng ta. Trong những chương sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách thức mà tư duy chiến binh giúp chúng ta sinh tồn cũng như truyền lại bộ gien cho thế hệ sau.
Thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác xưa. Vấn đề chúng ta phải đối mặt trong thế giới hiện đại khác xa những gì cha ông chúng ta gặp phải ở các vùng thảo nguyên châu Phi. Và những mục tiêu cá nhân như được hạnh phúc, được hoàn thành ước nguyện hay cư xử tốt với mọi người cũng khác với mục tiêu được quy định bởi bộ gien đã tạo nên chính ta.
Đã đến lúc chúng ta thay đổi cách tư duy, không cố chứng minh mình đúng hoặc tìm cách bảo vệ bản thân khỏi những tư tưởng đối nghịch mà tập trung nhìn nhận thế giới theo đúng bản chất của nó.
Đã đến lúc tiếp thu và áp dụng tư duy trinh sát.