N
gày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những hình ảnh bạo lực trên hầu khắp các phương tiện thông tin đại chúng và lĩnh vực truyền thông tiếp thị, chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc thực hành tìm chốn bình an trong tâm hồn mình giữa đời sống thường nhật. Để giúp bạn giải quyết vấn đề này, sau đây tôi đưa ra 7 ứng dụng để duy trì bình an nội tâm, là cách để trải nghiệm và xác nhận sức mạnh bình an của chúng ta trong những tình huống xảy ra hàng ngày.
1. Quan sát, lắng nghe bằng đôi mắt và đôi tai bình an
Từ rất lâu, tất cả chúng ta đã phát triển mạnh mẽ thói quen nhìn và nghe qua đôi mắt và đôi tai của quá khứ. Mọi điều từ thế giới bên ngoài đi vào trong ý thức đều thông qua một bộ lọc được gọi là nhận thức. Bộ lọc này được tạo nên từ những điều chúng ta đã học hỏi và những trải nghiệm thu thập được trong quá khứ. Điều này là một trở ngại lớn, tạo cảm giác mơ hồ trong nội tâm khi chúng ta tìm cách hiểu về bản chất thật sự của các sự việc hay để hiểu người khác. Những nhận thức có được từ quá khứ không những không làm cho cách đánh giá của ta sâu sắc hơn mà ngược lại, nó hạn chế khả năng tiếp thu tính toàn vẹn của sự vật. Bằng sự tĩnh tại, chúng ta sử dụng đôi tai và đôi mắt nội tâm để thấu hiểu, cảm nhận mọi vật trong từng hoàn cảnh, từng mối quan hệ khác nhau. Sự tinh thông của con mắt trí tuệ sẽ cho ta biết được điều gì là đúng điều gì là sai, đâu là tính chân thật, đâu là sự bóp méo, mơ hồ trong nhận thức.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Luôn trải lòng ra với mọi người và mọi điều. Giữ điềm tĩnh, quan sát và lắng nghe từ mọi người một cách cởi mở mà không phán xét, chê bai, bình phẩm hay so sánh bản thân với bất kỳ ai. Đừng lo rằng nếu không phân tích sự việc, chúng ta sẽ mất đi khả năng nhận thức, suy xét. Mà còn hơn thế nữa, càng quan sát với thái độ điềm tĩnh, cởi mở thì nhận thức và khả năng thông hiểu của ta càng trở nên nhạy bén, sắc sảo hơn. Hãy để nội tâm mình cảm nhận về mọi vật trong sự bình an, sáng suốt.
2. Bình an là sức mạnh có tầm ảnh hưởng lớn
Cuộc sống là những mắt xích quan hệ giữa con người với con người, có sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau nhưng không phải là sự ràng buộc mang tính kiểm soát nhau. Thật sự, thành công trong cuộc sống của mỗi người nhiều khi được dựa trên tầm ảnh hưởng của họ đối với những người khác. Chúng ta có thể dể dàng nhận thấy phẩm chất đầu tiên của một nhà lãnh đạo vĩ đại là khả năng giữ được sự bình tâm trong mọi hoàn cảnh, họ không bị các sự việc xảy ra làm hỗn loạn tâm trí, họ biết quan sát và lắng nghe mọi thứ một cách thấu đáo để từ đó đưa ra quyết định hoàn hảo nhất. Chúng ta có thể ví họ như cục nam châm bằng năng lực bản thân đang lan tỏa để thu hút mọi vật xung quanh, nguồn sức mạnh ấy làm tăng khả năng thuyết phục cũng như truyền đạt vấn đề đến người khác nhanh chóng hơn. Ngược lại, khi nội tâm có những biến động, chúng ta không thể giữ cho mình ở trạng thái tự nhiên và mọi người sẽ dễ dàng nhận ra điều đó cho dù chúng ta có cố gắng hay khéo che đậy đến đâu chăng nữa.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Đối mặt với cơn khủng hoảng nhỏ nhất, thậm chí khi đó chỉ là một trở ngại nhỏ trong việc hiểu về người khác, hãy bình tĩnh và tỏ rõ sự thân thiện thông qua nét mặt, lời nói, hành động của bạn. Hãy bình tĩnh trước mọi lời chỉ trích, bình phẩm ác ý của người khác và để cho nó trôi đi một cách nhẹ nhàng trong tâm trí mình. Bạn không cần phải thực hiện điều này một cách nhún nhường đến hạ mình, mà với lòng trắc ẩn chân thành, bạn sẽ giúp mọi người cảm nhận được sự bình an, tin cậy nơi bạn.
3. Bình an là một sức mạnh bảo vệ
Mỗi người là một “cỗ máy bức xạ di động”. Chúng ta liên tục tỏa năng lượng vào thế giới thông qua thái độ của mình. Nếu ta sợ hãi, tức giận hay buồn bã, tức là ta đang tỏa ra năng lượng yếu và nó sẽ thu hút sự tấn công. Khi con chó đánh hơi thấy nỗi sợ hãi từ người đưa thư, nó sẽ tấn công anh ta. Tương tự như vậy, mọi người xung quanh có thể cảm nhận được trạng thái cảm xúc của ta, cũng như chúng ta cảm nhận được điều đó từ người khác. Có một ảo tưởng đang chi phối cách cư xử, giao tiếp của con người. Khi chúng ta phản ứng hung hăng trước cách cư xử của ai, ta xem đó là cách để biểu hiện sức mạnh, uy lực của mình, nhưng không phải thế, hành vi ấy chỉ biểu lộ thêm sự yếu đuối, rối loạn trong nội tâm mà thôi. Nghĩa là ta đã đánh mất khả năng kiểm soát bản thân và để người khác cảm nhận được điều này.
Và mỗi lần như thế, chúng ta lại đánh mất đi sự tự tin vào chính bản thân mình, ở đâu chúng ta cũng cảm thấy bị đe dọa, ở đâu chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mình sự đối phó để đáp trả lại người khác. Tinh thần bất an được thể hiện qua hành vi không kiềm chế được mình, sự yếu đuối ấy không thể phát tỏa thành sức mạnh bảo vệ bản thân trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
Có hai đối tượng dễ dàng bị tổn thương, đó là cơ thể và tâm hồn. Cơ thể là “bộ y phục”, còn tâm hồn là năng lượng sống. Do bị phủ lấp dưới ảo tưởng rằng chúng ta là cái dáng vẻ bề ngoài của mình, kết quả là ta dành ra gần hết cuộc đời để lo sợ, thận trọng bảo vệ nó khỏi bệnh tật, suy nhược và sự tấn công. Tuy nhiên, chính nỗi sợ hãi hiện hữu trong ý thức đang làm suy yếu cơ thể ta, trong khi ta nghĩ mình đang tìm mọi cách để bảo vệ nó. Ai cũng biết rằng đây là sự thật vì mỗi khi sợ hãi, tim sẽ đập nhanh hơn, adrenaline được phóng thích. Giả sử nếu ai đó lăng mạ ta và ta phản ứng một cách tiêu cực, trước tiên, ta đánh mất sự bảo vệ; thứ hai, cách phản ứng ấy đang thể hiện cho người khác biết rằng họ có thể gây tổn thương cho ta, mà lẽ ra họ không có khả năng ấy; thứ ba, chúng ta phải chịu đựng đau đớn, và người đã tạo nên cơn đau ấy không phải ai khác ngoài ta.
Vậy thì năng lượng nào tạo ra được sức mạnh trong tình huống như thế? Đó là nguồn năng lượng phát ra sự tích cực, tự tin và ổn định. Những làn sóng này chỉ phát huy tác dụng khi chúng được kết nối với bình an nội tâm mạnh mẽ.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Khi ai đó gửi đến bạn một bức thông điệp tiêu cực, lời phê bình gay gắt… hãy nhanh chóng kiểm soát cảm xúc lúc đó của bạn. Đừng để sự nóng giận, bực tức phá vỡ trạng thái bình an đang hiện hữu trong bạn. Hãy đáp lại bằng một nụ cười thân thiện, mọi người sẽ phải có cái nhìn khác về bạn.
4. Sức mạnh bình an: món quà vô giá
Vậy thì, chúng ta nên trao cho họ món quà gì đây? Không còn điều gì khác ngoài món quà bình an. Trong những tình huống như thế, bản thân chúng ta phải giữ mình thật điềm tĩnh, nghĩa là không bị khuấy động bởi những cảm xúc của họ, không bị “chìm” vào câu chuyện và những gánh chịu đau đớn của họ. Thoạt nghe có vẻ hơi lạnh lùng và vô tâm, nhưng nó lại là liều thuốc hữu hiệu nhất. Người khác sẽ cảm nhận được sự bình an - chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy từ ta, những ảo tưởng về niềm đau, nỗi buồn nhanh chóng bị đẩy lùi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận cách làm theo kiểu truyền thống “cùng chia sẻ nỗi buồn bằng nước mắt”, vì ẩn sau hành động ấy là tình yêu thương và sự quan tâm. Chúng ta vẫn yêu thương, vẫn quan tâm, nhưng hãy thể hiện điều này bằng việc làm thiết thực hơn, đó là trao đi món quà bình an. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng những người đang gặp chuyện buồn thường thích tiếp xúc với những người vui vẻ, điềm tĩnh hơn là những người dễ bị ảnh hưởng theo tâm trạng của họ. Những lúc ấy chúng ta cảm nhận được là tình yêu thương và bình an luôn luôn song hành cùng nhau. Không thể nào có được bình an mà không có tình yêu thương và không thể nào có được tình yêu thương mà lại thiếu bình an.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Giữ mình bình an trước nỗi bất an của người khác. Trao tặng cho mọi người món quà bình an của chính bản thân mình, qua đó bạn sẽ trải nghiệm được điều kỳ diệu: lòng trắc ẩn chân thành từ bạn truyền cho người khác sức mạnh và giúp họ bình tâm trở lại.
5. Nghỉ ngơi trong bình an
Chúng ta thường hay dốc hết sức lực và thời gian cho công việc đến mức căng thẳng, mệt mỏi, rồi động viên mình rằng: “Ráng đi! Kỳ nghỉ sắp tới, mình sẽ được nghỉ bù”. Nhưng tại sao chúng ta lại không tự dành cho mình những khoảnh khắc nghỉ ngơi trong bình an ngắn ngủi mỗi ngày? Để cho cơ thể, tâm hồn, suy nghĩ và cảm xúc của ta được nghỉ ngơi, thả buông mọi gánh nặng trách nhiệm trôi đi trong một thời gian trước khi tiếp tục. Đó là khoảng thời gian cần có mỗi ngày để chúng ta phục hồi lại sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, quy tụ và nuôi dưỡng lại nguồn năng lượng mới cho cơ thể.
Khi nghỉ ngơi trong bình an mỗi ngày, chúng ta không chỉ phá vỡ thói quen lặp đi lặp lại một cách nhàm chán cuộc sống tất bật, hối hả hàng ngày, mà chúng ta còn cho bản thân mình cơ hội để nhìn ra bản chất thật của cuộc sống. Vào những lúc nghỉ ngơi trong bình an, chúng ta sẽ nhìn ra được những điều bình dị mà thường ngày mình không nhận thấy: sự cởi mở và trung thực là nền tảng vững chắc cho sự hài hòa trong các mối quan hệ; tinh thần hợp tác xây đắp nên tình đoàn kết, thống nhất; tôn trọng người khác tạo nên thái độ hòa đồng; sự tin tưởng dẫn đến lòng trung thành. Đây được xem như những chân lý vĩnh hằng không thể phá vỡ, mà đôi khi chúng ta chỉ mất đi nhận thức về chúng. Một khi đã nhận ra và nối kết trở lại với những sự thật này, khi chúng ta thật sự sống cùng với chúng, cuộc đời ta sẽ được thay đổi.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Hãy tự tạo ra hai không gian thư giãn bình an trong suốt cả ngày (một ở nơi làm việc và một ở nhà). Chỉ cần ngồi ở một nơi yên tĩnh từ 3 đến 5 phút và giữ tâm trí thật bình lặng, cho qua đi mọi ý nghĩ, hình ảnh xuất hiện trong đầu. Khoảng thời gian thiền định ngắn ngủi này có thể giúp tâm trí bạn được thư giãn trước khi tiếp tục công việc. Sau đó, trong vòng 1 phút, đừng vội tiếp tục công việc ngay, hãy gợi lại trải nghiệm này để đưa bình an vào hành động. Nếu điều gì đó còn quấy nhiễu sự bình an của bạn, hãy để chúng trôi vào quá khứ.
6. Sức mạnh bình an và quá trình sáng tạo
Về bản chất, tất cả chúng ta đều có khả năng sáng tạo, mỗi người tự tạo nên ý nghĩ, phán đoán… rồi chọn lấy những ý tưởng mà mình muốn thể hiện ra bên ngoài. Tuy nhiên, chất lượng của suy nghĩ lại là một vấn đề khác. Nếu sáng tạo là một chức năng, thì chất lượng của sự sáng tạo lại là thước đo cho tính hiệu quả.
Bình an nội tâm vừa là nền tảng, vừa là nguồn nuôi dưỡng cho ý nghĩ tích cực và tốt đẹp. Nỗi cay đắng và tức giận có thể kích thích sự hiểu biết và tạo cảm hứng, nhưng luồng suy nghĩ chứa đựng sự hiểu biết sáng suốt và truyền cảm hứng chỉ liên tục tuôn chảy khi tâm trí tĩnh lặng và an bình.
Bạn đã bao giờ hỏi một nhà văn xem tại sao đôi khi họ bị tắc nghẽn ý tưởng giữa chừng trong lúc sáng tác? Hầu hết trả lời rằng do xao nhãng, sự ám ảnh về một điều gì đó hay tâm trí bị kích động, quấy nhiễu khiến họ khó tập trung vào sáng tạo.
Hãy dành ra một chút thời gian để chiêm ngưỡng những tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại. Bạn nhìn thấy vẻ đẹp, nét tươi tắn hay sự biểu lộ nỗi hoang mang, bối rối và đổ vỡ trong tinh thần? Tương tự với âm nhạc hiện đại, bạn có bị chinh phục bởi tiết tấu nhẹ nhàng, tinh tế hay bị sốc và lắc lư theo âm điệu sắc cạnh, chói tai, chưa kể lời nhạc thường nói lên tâm trạng lo lắng, vô vọng về thế giới? Mục đích của sự phân tích này không mang tính chỉ trích, phê bình, mà chỉ đơn giản là xem xét và cảm nhận về ảnh hưởng của suy nghĩ đối với chất lượng sáng tạo.
Tất cả mọi điều đang diễn ra trong thế giới ngày nay mang đến cho ta bức thông điệp rằng: khi đánh mất sự liên hệ với bình an nội tâm thì khả năng cũng như chất lượng của sự sáng tạo đều bị suy giảm, lời nói và hành động của chúng ta không còn chứa đựng sự thông tuệ vốn có, do đó chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Mỗi khi nghe nhạc, hãy để tâm trạng mình hòa vào từng giai điệu để cảm nhận về nó. Còn đối với cuộc sống, chúng ta hãy học cách cảm nhận mà không phán xét hay chỉ trích một điều gì. Sau mỗi ngày, hãy dành vài phút để kiểm tra lại những việc mình đã làm, và chuẩn bị cho ngày mai chúng ta tiếp tục sáng tạo nên những điều mới mẻ hơn. Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta đang giữ vai trò là người nghệ sĩ sáng tạo nên đời sống của chính mình.
7. Sức mạnh bình an là sức mạnh phi bạo lực
Hòa bình thật sự không thể nào tồn tại cho đến khi tất cả mọi hình thức bạo lực được giải quyết, mọi ý định, động cơ và suy nghĩ đều không còn chất chứa oán hận, không còn sự bài bác lẫn nhau, kể cả việc chối bỏ chính mình.
Chúng ta đang rất cần sự chuyển hóa trong mỗi cá nhân để hướng tới trải nghiệm bình an sâu sắc trong nội tâm từng người. Nếu nhân cách con người được xây dựng trên nền tảng bình an vững chắc, mỗi cá nhân học được cách nghĩ và hành động theo sự hướng dẫn của bình an nội tâm thì cuộc sống của chúng ta sẽ không còn những bất đồng, bạo lực. Mỗi người đều nhận ra nguồn sức mạnh của riêng mình mà không cần gây hấn, cạnh tranh với người khác. Chúng ta không chỉ chuyển hóa sức mạnh bản thân mình mà còn đang góp phần đưa cả thế giới đến một cuộc sống hòa bình và tốt đẹp hơn.
Vì vậy, hãy thử thực hành điều này hôm nay. Giữ thái độ hòa nhã với mọi người, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng dùng sự nhã nhặn và tôn trọng lẫn nhau để giải quyết vấn đề. Mường tượng là một cách tốt để tập trước những tình huống sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng không tạo ra ý nghĩ lo lắng. Như chúng ta đã biết, thế giới bên ngoài là hình ảnh phản chiếu của thế giới nội tâm. Nếu thực hành mường tượng liên tục trong một thời gian, thì hình ảnh mà chúng ta tạo ra trong tâm trí sẽ trở thành thật. Học cách kìm giữ cơn nóng giận và mường tượng đến những điều tốt đẹp hơn sẽ diễn ra trong tương lai, đó cũng là lúc chúng ta mở ra cánh cửa cho thế giới nội tâm mình đón nhận bình an - chân lý vĩnh hằng của cuộc sống.
Từ lý thuyết đến thực tiễn
Thật ra, những gì bạn đọc được từ đầu sách đến giờ cũng chỉ là lý thuyết và nó chỉ có giá trị khi được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thực hành những điều chúng ta vừa học là con đường ngắn nhất và hữu hiệu nhất để đưa ta đến thành công. Khi đó, không chỉ bản thân ta cảm nhận được sự chuyển hóa trong suy nghĩ và cảm xúc của mình, mà người khác cũng nhận ra những phản ứng và hành vi mới mẻ ở ta. Thực hành ở bất cứ nơi đâu mà bạn có thể, như ở nhà, trong văn phòng, công viên, nơi hội họp…, mọi mối quan hệ đều là cơ hội tốt để học hỏi, thay đổi và tiến bộ. Một câu hỏi thường nảy ra trong khi và sau khi đọc quyển sách này là “Tôi thực hiện nó như thế nào đây?” Câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi, đó là… “thực hiện nó”! Bạn không cần phải hỏi “Nhưng tôi có thể giữ mình kiên nhẫn bằng cách nào?” mà chỉ cần… “kiên nhẫn”. Tất cả chúng ta đều có thể giải đáp cho mọi thắc mắc của mình. Nếu phân tích rõ, ta nhận thấy rằng tính kiên nhẫn là sự tổng hòa giữa bình an, thái độ chấp nhận và ý thức thoát khỏi mọi ham muốn. Nếu ý tưởng này quá lớn lao đối với bạn, trước tiên hãy dành ra 5 phút và dùng khả năng sáng tạo để hình dung mình sẽ làm gì. Trong tâm trí, bạn thấy mình là một người kiên nhẫn; nên nhớ rằng, đừng suy nghĩ quá nhiều. Bức tranh này phải được vẽ bằng những phẩm chất có sẵn trong nội tâm. Khi làm chậm lại dòng suy nghĩ của mình, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được sự kiên nhẫn. Vì vậy, duy trì những bài thực hành này thường xuyên, kiên nhẫn với chính bản thân mình thì bạn sẽ tìm được con đường đến với thiền đạo - nơi lưu giữ sự bình an cho tâm hồn.