T
ha thứ thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người, là bản chất của mỗi chúng ta. Nếu trái tim ta không bình an, nghĩa là chúng ta chưa nhận ra được chân lý tuyệt đối này và khi đó, tình yêu thương không thể trỗi dậy và tha thứ trở thành điều khó thực hiện. Đây là lý do tại sao có nhiều người cảm thấy không dễ dàng để tha thứ một cách thật sự, sâu sắc và chân thành.
Ngày nay, việc khám phá và bộc lộ tình yêu thương đích thực dường như trở nên vô cùng khó khăn đối với nhiều người. Tình yêu thương thường bị lẫn lộn với đam mê, gắn kết và phụ thuộc. Chúng ta lạm dụng từ yêu thương quá nhiều, rồi tự hỏi tại sao hiếm khi mình cảm nhận được cảm xúc chân thực ấy.
Yêu thương thật sự chỉ xuất hiện khi chúng ta biết rõ về bản thân mình - một tâm hồn tĩnh tại, không bao giờ bị hủy hoại. Khi đó, chúng ta mới có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi (vì biết mình không chết đi, cái chết không phải là sự mất mát mà là một quá trình chuyển tiếp), chúng ta thoát khỏi sự giận dữ (vì biết rằng không điều gì có thể gây tổn thương cho ta), và chúng ta cũng dễ dàng vượt lên trên mọi buồn khổ (vì biết mình không hề mất đi điều gì).
Chỉ khi nỗi sợ hãi, cơn giận dữ và đau buồn biến mất khỏi trái tim nội tâm, thì tình yêu thương đích thực vốn bị chôn vùi sâu tận bên dưới mới có thể trỗi dậy. Có lẽ bạn sẽ hoài nghi và chất vấn: “Chuyện này có khả thi không, làm sao ai đó có thể đạt đến trạng thái khai sáng, hướng thượng và kỳ diệu như vậy? Chắc chắn là những phẩm chất như thế chỉ có ở bậc thần thánh! Có mơ tôi cũng không dám nghĩ đến!”. Bạn nói rất đúng, nhưng thay vì xem đó là một đích đến, tốt hơn nên mô tả nó như kim chỉ nam cho cuộc hành trình (như những dấu hiệu chỉ đường). Càng tiến xa trên “con đường dẫn đến nhận thức và sự khai sáng” thì nỗi sợ hãi, sự tức giận và những niềm đau càng trở nên yếu đi và ít xuất hiện hơn. Đây là một quá trình diễn ra từ từ, chúng sẽ tự động ra đi khi chúng ta nhận ra được dấu hiệu cần phải thay đổi bản thân.
Từ khi sinh ra, mỗi người đều mang trong mình suối nguồn của tình yêu thương, chứa đựng mọi niềm vui và hạnh phúc. Nhưng chúng ta lại không nhận ra được điều này, chỉ vì ta không biết rõ về bản thân mình. Chúng ta mắc sai lầm khi nghĩ rằng mình chỉ thật sự hạnh phúc khi nhận được tình yêu thương từ người khác, do đó ta mãi đi tìm một điều mà thực chất đã có sẵn trong bản thân mình. Niềm tin không phải là chân lý. Niềm tin thay thế cho chân lý khi mà chân lý bị lãng quên. Theo chân lý thì bản chất nguyên thủy của chúng ta là yêu thương. Tuy nhiên, khi có ham muốn, kỳ vọng, phàn nàn, chỉ trích hay đổ lỗi, lúc đó chúng ta không yêu thương mà lại là hiện thân của sự tức giận hoặc sợ hãi, những điều hoàn toàn trái ngược với tình yêu thương.
Khi chưa nhận ra được sự thật này, chúng ta sẽ thấy rất khó khăn để tha thứ. Chúng ta sẽ sống một cuộc đời “nghèo túng”, thiếu thốn, luôn chờ đợi người khác ban phát tình thương cho mình. Và nếu không có được những gì chúng ta tin rằng mình đáng nhận được (ngụy trang dưới lớp vỏ là ham muốn), chúng ta trở nên vỡ mộng, tức giận và bị tổn thương. Để nhìn ra sự thật này, trước tiên hãy giữ mình bình an và truyền tải sự bình an ra thế giới xung quanh. Vì bình an là trạng thái sống, yêu thương là hành động, sự thật dẫn đường và tha thứ sẽ chữa lành cho mọi tổn thương trong cuộc hành trình tiến đến “nhận thức và sự khai sáng”. Đây là kết quả của một lối sống đúng đắn từ nội tâm thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta chưa thể tha thứ được cho ai trừ phi chúng ta cảm thấy bình an, nhận ra giá trị lớn nhất của cuộc sống là yêu thương và thực hiện tình thương theo sự dẫn dắt của chân lý.
Ba chân lý hữu ích
Chân lý đầu tiên là không ai khác ngoài chúng ta đã tạo nên nỗi đau cho chính mình.
Chân lý thứ hai là ở cấp độ tâm linh, mọi lỗi lầm của con người đều có thể được sửa sai khi nhận ra được sự thật, vì lỗi lầm do chính ảo tưởng, sự thiếu hiểu biết gây ra.
Chân lý thứ ba là không phải TA bị làm cho tổn thương mà là cái tôi (hình ảnh sai lệch về bản thân) do mình tạo ra bị xúc phạm.
Có lẽ bạn cảm thấy những gì tôi vừa nói thật là khó hiểu, cho đến khi bạn đi vào ý thức của chính mình và kiểm nghiệm rõ quá trình này. Thật sự, cái tôi phải chịu trách nhiệm cho mọi khổ đau của con người, cái tôi chỉ đơn giản là một loại ý thức của con người - đồng hóa bản thân với điều gì đó không phải là mình. Chúng ta là những tâm hồn tràn đầy phẩm chất tốt đẹp, mà làn sóng bình an, tình yêu thương… thì không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia, chúng lan tỏa khắp thế giới, do đó, chúng ta thuộc về nhân loại, thuộc về thế giới, chứ không thuộc về lãnh thổ đơn lẻ nào. Khi ngưng nhầm lẫn mình với những gì không phải là mình, chúng ta sẽ không còn gây tổn hại cho ai. Nhận thức về bản thân, tư duy sâu lắng và thiền định là chìa khóa để nhận ra mình thật sự là ai. Không cần phân tích, chỉ cần quan sát những gì đang diễn ra trong nội tâm. Khi làm như thế, chúng ta sẽ dần phân biệt được đúng và sai, điều gì cho ta thêm sức mạnh và nghị lực, còn điều gì làm ta thêm yếu đuối.
Như đã xem xét, bất kỳ hình thái đau đớn nào - về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc - thường sẽ được quy là do người khác hoặc điều gì đó gây ra. Chúng ta đổ lỗi cho người khác vì đã không đáp ứng theo nhu cầu, sở thích của mình. Sự thật là mọi người luôn luôn chịu đựng những tổn thương về tinh thần, nhưng nhiều khi họ không nhận ra. Bạn có thể nghĩ đây là một nhận định chung chung mang tính phán xét cho đến khi bạn nhận ra rằng a) mọi người - khoảng 99% nhân loại - đã quên mình là ai; b) tất cả chúng ta đều nghiện cảm xúc, nghiện nỗi sợ hãi (hình thái thông thường nhất là lo lắng), tức giận (hình thái phổ biến nhất là oán giận), và buồn bã (dưới dạng trầm cảm, u uất). Đó hoàn toàn là sự thật.
Thậm chí, chúng ta còn cảm thấy đau đớn khi chứng kiến ai đó đang làm tổn thương cho người khác. Có thể bạn nghĩ rằng điều đó là bình thường và nên làm để thể hiện sự cảm thông, tình yêu thương đồng loại. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng bạn hãy nghĩ lại xem, trước khi có thể giúp đỡ hay thể hiện tình nhân ái với người khác thì chúng ta phải để tâm hồn mình hoàn toàn thanh thản và được yêu thương, nếu không mọi sự thể hiện hay cố gắng của ta cũng chỉ là vô ích. Vì thật đơn giản, chúng ta không giúp được cho chính mình trước thì làm sao có thể nói đến chuyện giúp đỡ mọi người!
Lựa chọn thái độ sống
Mỗi khi tôi đề cập đến việc đưa chúng ta thoát khỏi mọi trạng thái cảm xúc, thì nhiều người thường thốt lên là: “Cuộc đời mà không có những lúc thăng trầm, sướng khổ thì thật nhàm chán và vô vị! Đó đâu phải là cuộc đời”. Bạn có suy nghĩ như thế không? Thật ra bạn đã hiểu sai ý tôi rồi, tôi muốn nói là tình yêu thương, bình an, sự vui vẻ và hạnh phúc thật sự thì không phải là cảm xúc, mà là trạng thái tồn tại tự nhiên của chúng ta, chúng ẩn sâu, nằm bên dưới và vượt lên mọi cảm xúc. Còn cảm xúc là trạng thái của tâm trí, hiện diện một cách đột ngột trong ý thức, mỗi khi nó xuất hiện, chúng ta thấy mình mất kiểm soát. Yêu thương, bình an, niềm hân hoan và hạnh phúc (cùng những biểu hiện của chúng) không phải là tâm trạng hay sự rối loạn nào. Chúng là những lựa chọn, là trạng thái tồn tại lâu dài mà chúng ta có thể tạo ra hay cảm nhận theo ý muốn. Suy nghĩ sẽ quy định thái độ và hành vi của chúng ta.