K
hi nghĩ rằng ai đó hay điều gì đó gây nên nỗi đau cảm xúc cho mình, phản ứng của chúng ta thường rất đa dạng, từ kiểu ít gặp cho đến phản ứng thông thường nhất, từ công khai đến tinh tế… Mỗi kiểu là một mức độ phản ứng khác nhau và sau đây là 7 mức độ cơ bản, hãy thử đọc và kiểm tra xem bạn đang ở mức độ nào nhé!
Trả thù: chúng ta muốn người khác cũng phải chịu đựng nỗi đau đớn mà chúng ta cảm nhận được, với ý nghĩ cho rằng chính họ đã làm tổn thương ta.
Trừng phạt: chúng ta muốn xử lý theo luật của riêng mình, ngay cả trong ý nghĩ.
Chuyển hóa: chúng ta muốn thay đổi tính cách và hành vi cư xử của người khác.
Tha thứ: chúng ta hành động theo niềm tin về những gì được cho là đúng và nên làm.
Buông bỏ: thoát khỏi quá khứ và tiếp tục sống.
Trả nghiệp - Thanh toán món nợ cuộc đời: nhận ra và chịu trách nhiệm cho tất cả những tổn thương của mình với nhận thức rằng điều mình nhận được hôm nay là kết quả của ngày hôm qua.
Khai sáng: chúng ta nhận ra rằng BẢN THÂN không bao giờ bị tổn thương.
Phản ứng 1
Trả thù
Bạn muốn tự đòi lại công bằng
Ngày nay phim ảnh đã tác động rất nhiều vào cuộc sống của chúng ta, nó nuôi trong đầu óc của con người ý nghĩ về một thế giới mà ở đó sự trả thù lẫn nhau là một cách tìm lại công bằng. Nó gieo vào tâm trí ta một ảo tưởng là người khác phải chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta đang cảm nhận.
Nhiều người xem trả thù như là cách phản ứng chính đáng trước những hành động thiếu tử tế của người khác. Họ tìm kiếm đủ mọi lý do để có thể tức giận, họ thể hiện cảm xúc của mình bằng hành động và lời nói hàm chứa đầy tính bạo lực và sự oán thù.
Nhưng sự thật thì sao? Nó chỉ toàn tiếp tục gây ra những rắc rối, nó khai sinh và nuôi dưỡng mâu thuẫn, bạo lực, thù hằn… mãi trong vòng lẩn quẩn không bao giờ ngừng. Vậy mà rất ít người hiểu và nhận ra được điều đó.
Trả thù thường được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Có khi là sự trừng phạt công khai, có khi là trả đũa một cách lén lút hay cũng có khi được thể hiện ra bằng thái độ rút lui, không hợp tác, tỏ ra phớt lờ hoặc phao những tin đồn xấu về “kẻ thù” của mình. Thật là mù quáng và ngốc nghếch nếu không nói là mất trí khi con người cứ tiêu tốn sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần để tìm kiếm cách đối phó với người khác.
Cách duy nhất để từ bỏ quan niệm mù quáng này là thức tỉnh và nhận ra hai sự thật. Thứ nhất, trả thù là một hình thức biểu hiện của những tổn thương do bản thân gây ra. Thứ hai, chính chúng ta tự làm tổn thương mình, không phải do người khác.
Phản ứng 2
Trừng phạt
Bạn nghĩ rằng họ đáng bị trừng phạt
“Hãy trừng phạt hành vi tội ác” là tiếng kêu đầy căm phẫn luôn vang lên ở bất kỳ xã hội văn minh nào. Nhưng hãy nghĩ lại xem sự trừng phạt này chẳng phải là cách trả thù được ngụy trang dưới một hình thức khác sao? Luật pháp được xây dựng để kiểm soát những cơn giận dữ, những cảm xúc bùng phát mãnh liệt, đưa xã hội vào một thiết chế ổn định và trật tự hơn. Tuy nhiên không phải ở xã hội, ở chế độ chính trị nào cũng làm được điều ấy. Có những nơi luật pháp bị lạm dụng, bị sử dụng như một hình thức cưỡng chế và trừng phạt, nó không những không thể chuyển hóa được tính cách của người phạm tội mà còn gây thêm tổn thương, làm tăng thêm lòng giận dữ tiêu cực.
Mỗi một hình thức chúng ta sử dụng để trừng phạt người khác đều như muốn nói với họ rằng: “Mày là tội phạm, mày đáng bị trừng trị như thế và không còn hy vọng nào cho mày cả!”. Những lời quy tội nặng nề như thế biểu hiện cho một tâm hồn thiếu lòng trắc ẩn, nghĩa là không có tình yêu thương, không có lòng vị tha trong mối quan hệ đồng loại. Những điều này phải chăng cũng chính là hạt giống gieo mầm cho sự trả thù về sau. Con người sẽ không còn dành cho nhau sự trừng phạt khi cuộc sống tràn đầy tình nhân ái và lòng vị tha, sẽ không còn bất cứ sự trả thù nào mang danh đòi lại công bằng. Cuộc sống sẽ được nối kết bởi những con người biết sống trong hòa hợp, đoàn kết và yêu thương. Bản chất của cuộc sống và bản chất của con người là không có tội ác, tự chúng ta tạo ra chúng bằng sự hận thù và niềm tin u mê về tội lỗi. Sau đây là một vài niềm tin thông thường nhất có thể sinh ra lối suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành vi tội ác.
Sự u mê được tạo ra và nuôi dưỡng từ những niềm tin sai lầm, kết quả là nó hình thành nên suy nghĩ và những lựa chọn của tâm trí phạm tội. Ngay đến tên khủng bố nguy hiểm nhất cũng hành động từ sự u mê nội tâm, tất nhiên bản thân họ không thể tự nhận ra được điều này. Mong muốn trả thù đã biến họ thành kẻ khủng bố.
Thế giới này không hề có tội ác, mà chỉ có sự u mê, thiếu hiểu biết trong hành động mà thôi.
Xin đừng…
Xin đừng xem những điều trên như là lời phán xét, đó chỉ là những ý suy ngẫm cá nhân mà thôi. Tôi vẫn đang khám phá bản thân để hiểu mình và qua đó, để hiểu người khác tốt hơn. Đôi khi, dù ta cũng còn hành động một cách thiếu hiểu biết, nhưng hơn nhau ở chỗ, ta sớm thức tỉnh trước sự thật. Không có sự trừng phạt nào ngoại trừ sự trừng phạt chính ta tạo ra cho mình. Nếu ta cố tìm cách trả thù và trừng phạt người khác, ngay cả khi điều đó chỉ mới định hình trong ý nghĩ thôi, tức là ta đã tự làm đau chính mình.
Cũng xin đừng xem những điều nói trên như là sự chỉ trích hệ thống luật pháp. Tôi chỉ muốn tìm hiểu ý nghĩa ẩn chứa bên dưới mọi điều, đi sâu vào hành vi của con người để tìm hiểu, đối mặt với thử thách và tìm ra sự thật. Hiện tại, xã hội luôn cần đến luật pháp, nếu không thì tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ sẽ xảy ra.
Phản ứng 3
Chuyển hóa
Bạn muốn thay đổi người khác
Khi ai đó làm điều gì ngược lại với đạo đức xã hội, hay chống lại những luật lệ gìn giữ sự hài hòa trong mối quan hệ của con người, cách tốt nhất và thông thái hơn hết là giúp người ấy chuyển hóa thay vì trừng phạt họ. Hầu hết mọi người đều đồng ý việc sửa đổi bản thân hơn là dùng các biện pháp để trừng trị, vì thật ra điều chúng ta cần làm là chuyển hóa suy nghĩ của họ ngày một tích cực hơn chứ không phải là kiểm soát những biểu hiện hành vi trong giới hạn nào đó. Có nhiều bằng chứng cho chúng ta thấy rằng những kẻ sát nhân cuồng nộ đã có sự thay đổi thái độ và hành vi khi được khai thông về tư tưởng, họ biết quay đầu lại chân thành hối lỗi. Ngược lại, khi sử dụng biện pháp trừng phạt, chúng ta chỉ có thể kiểm soát hành vi của họ trong một thời gian nhưng tư tưởng bạo lực và chống đối vẫn tồn tại, nó có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để thực hiện quá trình chuyển hóa này phải có thời gian, vì vậy rất cần có lòng kiên nhẫn và sự sẵn lòng của cả hai bên - người muốn chuyển hóa bản thân và người giúp đỡ. Bên cạnh đó, với động cơ tích cực sẵn có, họ vẫn cần đến sự hướng dẫn của một người thầy am hiểu, tận tâm và giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn giúp người khác sửa đổi bản thân với ý nghĩ rằng họ là nguyên nhân gây nên bất an cho mình, thì động cơ tưởng chừng tốt đẹp ấy cũng chỉ là một hình thức trừng phạt khác được ngụy trang khéo léo.
Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều người thích chuyển hóa người khác lại tự xem mình là đúng đắn, lương thiện. Họ phát triển tính cách thiên về khuynh hướng phán xét và chỉ trích. Ánh mắt họ thường hay lướt tìm ai đó cần “điều trị nhân cách”, luôn soi mói vào thiếu sót, lỗi lầm ở người khác. Cũng giống như người thợ chụp ảnh chuyên nghiệp biết nhìn ra và dựng bố cục hình ảnh hợp lý theo ý tưởng của mình, người thích chuyển hóa có thể rơi vào chiếc bẫy xem người khác như là những người cần cải hóa.
Đến lúc này chỉ có ai thông minh và sáng suốt nhất mới kịp nhận ra rằng mình đang cố thay đổi người khác trong khi chính bản thân ta mới cần thay đổi. Khi tâm trí chúng ta còn có sự hiện diện của những lời phán xét, phê bình, chỉ trích thì tức là ta đang rơi vào ảo tưởng về lỗi lầm của người khác. Ta chỉ giúp đỡ được người khác khi bản thân mình không có những nghi kỵ, ta đến với họ bằng sự chân thành và đồng cảm.
Đồng thời, người chuyển hóa cần nhận ra rằng không có người xấu hay kẻ tội phạm, mà chỉ có những người đánh mất sự liên hệ với điều tốt đẹp vốn có. Như chúng ta đã biết, cuộc sống là tấm gương phản chiếu của thế giới nội tâm. Mọi sự kiện, hành động và hoàn cảnh vốn đều tốt đẹp, trừ khi chúng ta làm cho nó trở nên tệ hại đi bằng sự phán xét trong tâm trí mình. Cách nhìn nhận của ta như thế nào, thì ta sẽ tạo nên thế giới theo tầm nhìn ấy. Chúng ta “nhìn” người khác ra sao, thì mối quan hệ giữa ta với họ cũng sẽ trở nên như vậy. Do đó, nếu biết nhìn vào bản chất thật sự của con người và vạn vật thì thế giới này sẽ vô cùng tốt đẹp.
Cuộc đời luôn có những điều đúng và điều sai. Có cách suy nghĩ và lối sống đúng đắn tạo dựng và nuôi dưỡng cho sự hài hòa trong xã hội, song cũng có cách suy nghĩ và lối sống sai (chỉ là tạm thời) làm rạn nứt các mối quan hệ. Đúng và sai chứ không phải là tốt và xấu như trước đây chúng ta hằng lầm tưởng.
Ta sở hữu những gì ta có
Cách đây vài năm, tại trại cải tạo thuộc hạt Dade, bang Miami - nơi từng có tỷ lệ xung đột, lạm dụng ma túy và trốn trại cao nhất trong số những trại cải tạo ở Mỹ - đã có sự chuyển biến rất lớn khi một giám đốc quản lý trại mới được bổ nhiệm. Ngay khi về nhận chức, ông ấy đã cho tất cả quản trại và nhân viên đến tham dự một khóa học ba ngày về “Dịch vụ chăm sóc khách hàng”. Sau khóa học, ông nói với họ rằng: “Bây giờ, hãy trở về với công việc và đối xử với các tù nhân như thể họ là những khách hàng của các anh!”. Chỉ trong vòng hai tuần, nơi đây như được biến đổi hoàn toàn, trở thành nơi có tỷ lệ bạo lực, lạm dụng thuốc và trốn trại thấp nhất ở Mỹ. Phép lạ nào đã xảy ra? Đó là sự tôn trọng. Thay vì xem những tù nhân như tầng lớp cặn bã, những tội nhân của xã hội, nhân viên trại đã nhìn họ như một con người với bản chất tốt đẹp bẩm sinh bị những u mê, ảo tưởng phủ lấp chân giá trị và nhân phẩm của họ. Đó là phép màu duy nhất.
Phản ứng 4
Tha thứ
Muốn tha thứ, hãy bỏ lại quá khứ sau lưng
Tha thứ là một việc làm thể hiện tính cao thượng và lòng trắc ẩn của con người nhưng khó thực hiện trong thực tế. Chúng ta có thể dễ dàng để tha thứ cho người thân, bạn bè khi họ phạm lỗi hơn là tha thứ cho những người không quen biết. Chúng ta đã nhận ra rằng khi kết tội hay chỉ trích ai, ta đang phóng chiếu cảm xúc tiêu cực của mình lên họ. Việc làm này vô tình tạo nên khoảng cách thiếu thân thiện và an toàn để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
Nếu bạn nói: “Tôi tha thứ cho họ vì sự thất vọng, buồn chán và nỗi đau mà họ đã gây ra cho tôi” thì tức là bạn đã dựa trên một ảo tưởng cho rằng họ là nguyên nhân gây tổn thương cho bạn. Mặc dù về lý thuyết, có thể bạn dễ dàng nhận ra điều này, nhưng lại khó thực hiện trong thực tế. Đối với nhiều người thì điều này giống như là trong chuyện cổ tích, nhất là khi họ phải gánh chịu những tổn thương quá lớn. Ví dụ, ngày nào đó, trên đường đến cơ quan, kẻ khủng bố đặt bom làm nổ đoàn tàu của chúng ta và ta bị mất một cánh tay; sau đó ta được thông báo mất luôn việc làm, và phải sống bằng tiền trợ cấp tàn tật; chẳng lâu sau ta phải bán đi căn nhà của mình và cả gia đình chuyển đến một chỗ trọ tồi tàn, xập xệ. Khi đó, việc nói “Tôi tha thứ” cho kẻ đánh bom và ông sếp không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, có một số người làm được việc này, họ đã tha thứ trong những tình cảnh cực kỳ khắc nghiệt. Họ nhận ra chân lý tuyệt đối về cuộc sống và mối quan hệ con người. Sau đây sẽ là một số điều hữu ích có thể giúp bạn dễ dàng tha thứ cho một ai đó.
1. Đừng xem mình là nạn nhân
Nỗi đau về tinh thần và cảm xúc được thể hiện qua phản ứng của chúng ta trước những gì xảy ra. Đó là lựa chọn của cá nhân, bạn có thể đắm chìm trong đau khổ xem mình là nạn nhân không may mắn hay tiếp tục cuộc sống đang đợi chờ ở phía trước? Chris Moon là một tấm gương tuyệt vời cho tinh thần sống hết mình. Anh đã mất đi một cánh tay và một chân trong khi làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn. Dù phải chịu nỗi đau lớn về thể xác nhưng anh không dừng lại và nghĩ: “Tại vì quả mìn… Tại vì kẻ đã đặt mìn… Tại vì lũ chế tạo mìn… Tại vì chính tôi đã không cẩn thận hơn… Tôi là một nạn nhân”, mà anh tiếp tục sống và tham gia các hoạt động như một người bình thường. Anh tham gia các cuộc chạy marathon hằng năm bằng đôi chân giả, không nỗi đau nào có thể cản bước cuộc sống của anh được.
2. Chúng ta không phải là cơ thể, dáng vẻ bề ngoài này
Có lẽ thừa nhận thực tế này là thử thách lớn nhất đối với con người. Thể chất là hình thức bên ngoài của con người chứ không phải là bản chất, mà bản chất quan trọng nhất chính là thế giới nội tâm của chúng ta. Khi chúng ta chịu tổn thương về thể chất, nghĩa là hình thức bề ngoài đang chịu nỗi đau chứ không phải con người bên trong ta đang gánh chịu điều ấy. Đây là lý do tại sao tính khí, thái độ và tính cách của một số người không thay đổi, ngay cả khi họ mang thương tật. Dường như là họ đã biết và hành động theo sự thật này, tức là họ đã tách biệt mà không đồng hóa mình với cơ thể bên ngoài.
3. Vượt qua trở ngại trên đường đời và tiến về phía trước
Trong cuộc đời, những chuyện không theo ý muốn của chúng ta vẫn thường hay xảy ra. Hãy vượt qua và tiếp tục tiến về phía trước, nếu không chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong những câu chuyện đau buồn ấy. Nó không những làm tinh thần chúng ta bất an mà có khi chúng ta còn làm phiền người khác chỉ vì câu chuyện của mình. Nếu làm như vậy, chúng ta đang nuôi dưỡng nhu cầu cần có sự cảm thông từ người khác và chúng ta bắt đầu rơi vào cơn nghiện cảm xúc tiêu cực kia.
4. Mọi vấn đề đều có lợi ích riêng
Một số người nhận ra rằng mọi điều xảy ra đều có lý do của nó, luôn có những bài học và lợi ích ẩn chứa sau mỗi sự kiện. Vì vậy, họ thường nói: “Chuyện này có thể đã không xảy ra với tôi. Nhưng nó đã xảy ra là vì tôi. Đó là một bài học dành cho tôi”. Họ dành thời gian để suy ngẫm, xem xét, nhìn nhận, học tập, thay đổi và tiếp tục tiến lên.
5. Tự do bằng sự giải thoát
Hãy buông bỏ cho những sự việc, hoàn cảnh đã xảy ra với mình trôi đi, xem nó là quá khứ đã qua và ta đang sống một cuộc sống hiện tại. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tái hiện lại bối cảnh đó trong tâm trí và gợi lại cảm xúc tiêu cực ấy trong trái tim mình, nghĩa là chúng ta đang muốn ôm giữ lấy quá khứ để làm thỏa mãn cơn nghiện cảm xúc. Việc giữ mãi chuyện đau buồn đã qua chỉ làm cho cuộc sống ngột ngạt và hằn sâu thêm vết thương trong nội tâm. Vì vậy, hãy cho quá khứ qua đi nhẹ nhàng và tiếp tục cuộc sống.
6. Tha thứ là lựa chọn của cá nhân
Trong khi nhiều người cảm thấy tha thứ là điều khó khăn, thì những người khác tin rằng tha thứ là điều cần thiết để cho mọi khổ đau qua đi và tiếp tục sống. Gần đây, một nữ linh mục(*) đã từ bỏ chức phận của mình vì bà không thể tha thứ cho những kẻ đã sát hại con gái bà trong vụ đánh bom ga điện ngầm ở Luân Đôn. Trong khi đó, Gee Walker - người cũng có đứa con trai bị sát hại trong vụ thảm sát đó lại có lựa chọn hoàn toàn ngược lại. Bà đã làm cả nước Anh phải kinh ngạc khi nói lời tha thứ cho hai kẻ sát nhân: “Tôi không thể căm ghét hay giữ oán thù với họ. Tôi phải tha thứ. Oán thù chính là điều đã giết chết con tôi… Giờ đây, trong thâm tâm, ắt hẳn họ đang khổ sở và đau đớn nhiều lắm!”. Trước sự ngạc nhiên của công chúng về hành động cao thượng này, bà giải thích: “Rõ ràng nếu tôi không tha thứ, và không đáp lại những oán thù và sự kỳ thị bằng lòng khoan dung, nó sẽ trở thành một vết nhơ, một nỗi đau trong ký ức về con trai tôi”. Bà đã thổ lộ trung thực và rõ ràng về ý định tha thứ của mình: “Nhưng tôi tha thứ không phải vì họ. Tôi làm cho chính tôi. Nếu không tha thứ, tôi sẽ phải vác theo gánh nặng này trên suốt quãng đường đời phía trước. Tôi cũng đã chứng kiến chuyện tương tự xảy ra với nhiều người. Họ trở nên đau khổ và càng căm phẫn hơn. Tôi không muốn mình trở thành nạn nhân đến hai lần”.
(*) Theo Giáo hội Anh giáo (Anglicanism), các chức sắc giáo hội không bị bắt buộc sống độc thân, và phụ nữ vẫn được phong linh mục, giám mục. (Xin xem mục từ Anh giáo – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
7. Chân lý tuyệt đối
Theo quan điểm tâm linh, vạn vật đều phát triển theo quy luật có sinh có diệt, và con người cũng tuân theo quy luật ấy. Chúng ta đến với thế giới này rồi cũng có lúc phải ra đi, không có ai, không có bất kỳ điều gì là thuộc quyền sở hữu của chúng ta mãi mãi. Do đó mọi sự mất mát mà chúng ta chịu đựng trong cuộc sống như sự ra đi của người thân, mất mát về vật chất… đều là sự vận hành theo quy luật tự nhiên. Cái này mất đi thì cái kia sẽ tới, mở ra một cuộc sống mới mẻ hơn. Chúng ta hãy chấp nhận sự thật này và sẵn sàng xoa dịu nỗi đau trong trái tim những người xung quanh. Chúng ta không tự bắt mình không được thể hiện tình yêu thương với người khác, nhưng chúng ta còn cuộc sống phía trước - đó là quy luật bất biến.
Người thiếu ăn và người vô gia cư
Sau những ý tưởng về sự tha thứ như trên, hẳn là sẽ có nhiều người muốn nhắc đến hàng triệu người đang rơi vào cảnh thiếu ăn và không nhà cửa ở khắp nơi trên thế giới. Phải chăng họ đang chịu trách nhiệm cho sự khốn khó của mình? Hoàn cảnh của họ liên quan đến khía cạnh đời sống vật chất. Chính hoàn cảnh, bao gồm những người giúp đỡ, đã tập cho họ thói quen xem mình như là những nạn nhân hoàn toàn vô ích. Họ phụ thuộc vào những cá nhân và tổ chức từ thiện đang cố giải thoát họ khỏi cảnh khốn cùng. Thoạt nghe qua, bạn có thể cho rằng lời nhận định này quá lạnh lùng và vô tâm. Nhưng mỗi người vẫn phải có trách nhiệm cho những gì mình đang cảm thấy. Tuy nhiên, họ chưa từng có ý tưởng về điều này. Thực tình cũng khó để giúp họ hiểu được sự thật. Họ chỉ cần có thức ăn và nhà ở, những nhu cầu tối thiểu. Và hầu như tất cả đều được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một nhu cầu vô cùng quan trọng mà ít ai quan tâm, đó là kiến thức và sự hiểu biết. Chúng ta đều biết đến nguyên tắc quen thuộc về “con cá và cái cần câu”. Điều gì tốt nhất nên làm, nuôi người đói bằng cá, hay dạy cho anh ta biết cách thả câu? Năm 1986, hàng triệu đô-la và hàng ngàn tấn thực phẩm đã được đưa vào Ethiopia; nhưng trong suốt một thời gian dài, cách làm này chẳng tạo nên sự thay đổi đáng kể nào. Cứu trợ không phải là xấu, chỉ là không tốt. Tại sao? Vì nó chỉ giúp chữa triệu chứng, chứ không điều trị nguyên nhân. Ít ai biết rõ được nguyên nhân thực sự của hiện trạng này là thái độ u mê trước sự thật và sự cam chịu cuộc sống khốn khó. Tuy nhiên, một số người có thể “câu được nhiều cá hơn” và có nhà ở thoải mái hơn nhưng đời sống nội tâm thì chất chứa nhiều nỗi lo âu, phiền muộn; trong khi nhiều người “không có cá” và không một mái nhà che mưa nắng lại sống thật mãn nguyện và thoải mái. Vì vậy, nếu thật sự muốn giúp đỡ ai đó, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để có được “phương thuốc chữa trị” hữu hiệu nhất.
Phản ứng 5
Buông bỏ
Bỏ qua quá khứ và những điều ta từng gắn kết
Có nhiều người gặp phải những tổn thương quá lớn với nỗi đau in hằn trong tim mà thời gian khó làm nguôi ngoai. Đó là khi họ mất đi người thân yêu vì chiến tranh, vì bị kẻ khủng bố sát hại, hay bị một người tin cẩn phản bội… Đối với những người này, bên cạnh nỗi đau còn có lòng hận thù đối với những kẻ đã gây ra tội ác, gieo rắc trong họ một niềm tin về việc trả thù nhằm đòi lại sự công bằng. Họ khó quên được nỗi đau và mỗi lần hồi tưởng lại, nỗi đau ấy lại tấy lên trong lòng họ.
Thật vậy, mỗi khi suy nghĩ về tổn thương, chúng ta đang lặp lại khoảnh khắc đau đớn ấy trong tâm trí mình. Người ta chỉ nói hay làm điều ấy có một lần thôi. Nhưng chúng ta đã “xem” lại vô số lần, vậy thì ai đang làm tổn thương ai đây? Câu trả lời là: Chúng ta đang làm tổn thương chính mình!
Dù vô tình hay có ý thức, chúng ta cũng đang tự hủy hoại bản thân trong những cơn đau triền miên như thế. Vậy thì tại sao ta không quên đi để tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản đón lấy cuộc sống? Hãy xem đó như những kỷ niệm, những hồi ức đáng nhớ, nhưng đừng lưu giữ theo cả những cơn đau nội tâm. Chúng ta không phủ nhận quá khứ nhưng cũng đừng xem đó là thước đo cho cuộc sống của mình ở hiện tại và cả tương lai.
Trong thời gian dài thiền định dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật đã nhận ra rằng nguyên nhân gốc rễ cho mọi đau khổ của con người là sự gắn kết. Không phải là sự gắn kết bên ngoài mà là sự gắn kết từ trong nội tâm. Vạn vật đều sinh ra từ ý nghĩ trong tâm trí. Chúng ta gắn kết với những hình ảnh trong tâm trí mình, và khi ai đó đụng chạm đến hình ảnh đó, chúng ta lo âu và gọi nó là nỗi đau. Chẳng hạn như, bạn gắn kết bản thân với con của mình nhưng bạn vẫn chưa nhận ra rằng gắn kết không phải là yêu thương. Mỗi khi chuyện gì đó xảy ra với con bạn, bạn liền tham dự vào như thể đó là cách bộc lộ tình thương với chúng. Nhưng sự thật, gắn kết sẽ ngăn chặn trái tim ta, làm tắc nghẽn dòng chảy tình thương đến với mọi người.
Hãy để cho đứa con mình có thể tự bước đi trên đường đời của nó! Tách rời không có nghĩa là chúng ta không quan tâm, bỏ bê chúng. Cũng không có nghĩa là chúng ta chỉ biết đứng nhìn. Mà tách rời có nghĩa là chúng ta không đánh mất ý thức về bản thân mình và đồng hóa mình với tổn thương mà đứa con yêu quý của mình đang trải qua. Khi đó, chúng ta sẽ không lo âu, bối rối, sẽ không phản ứng tiêu cực khi có chuyện xảy ra với chúng. Chúng ta giữ mình bình tĩnh và sẵn sàng giúp đỡ chúng vượt qua những trải nghiệm đầu đời. Chúng ta để cho con mình đi bằng chính đôi chân của chúng trên đường đời chứ không phải bằng đôi chân của ta; và thật sự ta cũng không thể làm điều đó mãi được vì chúng đang sống cuộc đời của chúng.
Ngày nay, nhiều người không chỉ gắn kết và nghiện nỗi đau, mà còn bắt đầu xem mình như là người khốn khổ, là nạn nhân. Tuy nhiên, không hề có nạn nhân mà chỉ có những ai gắn kết và nhận dạng sai bản thân với hình ảnh do mình tạo ra trong tâm trí. Đây cũng là một hình thức biểu hiện của “cái tôi” – một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của con người.
Nếu bạn thấy mình đang đi trên con đường mòn này, tại sao không dừng lại? Tại sao không từ bỏ hình ảnh mình là nạn nhân, ngưng diễn đi diễn lại việc làm đau bản thân và nhớ rằng không ai gây đau khổ cho bạn? Tất cả mọi chuyện đều là lựa chọn của bạn, đều nằm trong tầm tay bạn.
Đừng làm cho quá khứ trở thành vật cản lối trên đường đời
Bạn đã dành ra bao nhiêu thời gian để nghĩ về quá khứ? Bạn thường xuyên “ghé thăm” ngày hôm qua bao nhiêu lần? Bạn thường sống với quá khứ trong khi đang ở hiện tại? Bạn xem quá khứ như là cơ sở nền tảng để tạo nên ngày mai? Hãy nhớ rằng bạn đang sống ở những phút giây hiện tại và bạn chính là người làm nên cưộc sống của mình ở những phút giây hiện tại này.
Phản ứng 6
Trả nghiệp - Thanh toán món nợ đời
Bạn xem tổn thương là cách để hoàn trả món nợ đời
Nhiều người nghĩ rằng những tổn thương cả về tinh thần và thể chất ngày nay họ phải gánh chịu là do Nghiệp để lại. Điều này có đúng không? Và Nghiệp là gì?
Nghiệp hiểu đơn giản là sự vay trả trong mối quan hệ giữa con người với nhau, chúng ta cho đi điều gì thì sẽ nhận về như thế ấy. Chúng ta liên tục gởi đi những suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và hành động của mình cho thế giới qua những mối quan hệ. Cuối cùng, tất cả đều quay trở lại với ta dưới hình thức này hoặc hình thức khác… Đây là nguyên tắc về Nghiệp ở mức độ đơn giản nhất - gieo và gặt, hành động và phản ứng, điều gì cho đi rồi cũng sẽ nhận về.
Có lẽ chúng ta chưa hoàn toàn đồng ý rằng nguyên tắc nhân quả chi phối toàn bộ thế giới, ở mọi cấp độ, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; nhưng cũng không ngạc nhiên khi nguyên tắc này không được hiểu biết một cách sâu rộng. Có lẽ chúng ta chưa sẵn sàng nhận ra và chịu trách nhiệm cho những cảm xúc và hành động của mình. Hoặc ý tưởng này quá lạ lẫm, chúng ta khó chấp nhận rằng mỗi một sự kiện đều có nguyên nhân và kết quả dây chuyền như hiệu ứng đôminô - con đôminô này ngã xuống làm những con kế tiếp ngã theo. Nếu nhận ra và chấp nhận tính xác thực của quy luật này, khi gặp bất cứ bất trắc nào trong cuộc sống, bạn đều cho đó là kết quả phải nhận do những việc làm trong quá khứ của chính mình gây nên, và bạn sẽ không còn đổ lỗi cho ai về những gì bản thân đang gánh chịu.
Nếu không muốn đi quá sâu vào việc tìm bằng chứng về Nhân quả, hãy đơn giản theo dõi những tin tức hàng ngày và bạn sẽ thấy luật Nhân quả đang diễn ra như thế nào. Mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc, quốc gia, công ty, tôn giáo… đều là những dạng đồng hóa sai lầm. Nghiệp bắt đầu ngay từ lúc hành động được thực hiện và từ sự gắn kết – một hình thức đồng hóa sai lầm khác. Những khác biệt nhìn thấy được chẳng qua chỉ là những “nhãn mác” bên ngoài. Nhưng từ lâu, con người đã quen với việc nhận dạng bản thân như thế, họ xem những “nhãn mác” khác như là mối đe dọa đối với mình và hành động với sự sợ hãi, cuối cùng dẫn đến bạo lực, xung đột. Đôi khi, Nghiệp tưởng chừng như đã biến mất đi, nhưng nó sẽ lại bùng phát và lớn lên theo thời gian, cho đến khi một bên thức tỉnh trước sự thật “Tôi là ai”, và bắt đầu xem người khác không phải là mối đe dọa, mà đơn giản chỉ là những người đang giữ một niềm tin khác. Mà niềm tin thì chưa hẳn đã là chân lý.
Đó là bài học cơ bản về Nghiệp, còn đây mới là bài học nâng cao. Nghiệp giống như là một chiếc đĩa ghi lại tất cả mọi hành động mà chúng ta đã thực hiện, cùng những niềm tin, và được lưu giữ trong tiềm thức của ta. Nếu chúng ta tin rằng lời nói và hành động của người khác có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của mình, thì niềm tin này cũng được ghi vào chiếc đĩa mang tên Nghiệp đời. Sau đó, mỗi khi nhìn thấy người mà chúng ta nghĩ là họ gây tổn thương cho ta, chúng ta sẽ mở lại “chiếc đĩa tức giận và đau khổ”, qua đó làm mạnh thêm ảo tưởng rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho sự bất hạnh của mình. Nếu cứ nuôi dưỡng cách phản ứng như thế này, Nghiệp của ta không chỉ lớn lên thêm, mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ, nó sẽ triệt tiêu khả năng giữ bình tĩnh, bình an, thông suốt và tích cực mỗi khi giao tiếp với người đó. Qua thời gian, điều này sẽ mở rộng ra và ảnh hưởng xấu đến mối giao tiếp của bạn với bất kỳ ai nhắc đến con người mà bạn cho là khó ưa ấy. Cuối cùng, nó sẽ phá hỏng khả năng giao tiếp của ta với mọi người. Trừ phi chúng ta giải quyết xong món nợ này, trừ phi chúng ta xua tan đi ảo tưởng sai lầm dẫn đến hành động của mình, nếu không chúng ta sẽ là người hủy hoại cuộc đời của chính mình.
Để minh họa cho điều này, chúng ta hãy xem xét ví dụ về thói quen lo lắng. Mỗi khi lo lắng, chúng ta đang ghi lại thói quen này trong tiềm thức, rồi mang niềm tin rằng“biết lo lắng là tốt, thể hiện tính cẩn thận, chu đáo”! Tuy nhiên, lo lắng là hình thức biểu hiện khác của sợ hãi, cũng như quan tâm là biểu hiện của yêu thương. Hai điều này hoàn toàn trái ngược nhau. Bất cứ điều gì trong cuộc sống mà khơi dậy ký ức tiêu cực từ quá khứ cũng có thể kích hoạt “chiếc đĩa lo lắng” này. Lo lắng là sự nhìn nhận quá khứ một cách tiêu cực và phóng chiếu những hình ảnh đó vào tương lai. Mọi chuyện sẽ không kết thúc cho đến khi chúng ta thay đổi thói quen xấu này. Trước tiên, hãy xua bỏ ảo tưởng rằng lo lắng là cần thiết bằng những hiểu biết chân thật: lo lắng chỉ đơn giản là “mơ mộng viển vông gây nên thảm họa”, làm phí thời gian và năng lượng. Nghĩa là, hãy thay thế viễn cảnh về một tương lai mơ hồ bằng những phản ứng tích cực trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống vào lúc này. Nếu không, cái “Nghiệp lo lắng” sẽ mãi đeo đuổi và gây đau đớn cho ta.
Đến đây thì bạn có thể an tâm rằng Nghiệp có hay không thì cũng đều do chính chúng ta tạo ra chứ không phải của người khác mang đến, do đó chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Lời nhắn dành cho người hay hoài nghi
Nếu bạn không tin vào quy luật vay trả này, bạn có thể tự tìm lấy bằng chứng thực tế trong cuộc đời của mình. Khi ai đó ủng hộ bạn, thể hiện thiện ý với bạn, tức là bạn đang được tạo cảm hứng làm điều tương tự đáp lại người đó và cho những người khác. Nếu bạn bước vào quán cà phê và mỉm cười với mọi người, hãy để ý xem họ sẽ mỉm cười lại với bạn, mặc dù có thể đó chỉ là nụ cười xã giao bình thường. Tuy nhiên, chẳng ai lại thờ ơ, lạnh nhạt với hành động thân thiện này của bạn cả. Tất cả mọi điều trong cuộc sống đều nằm trong dòng lưu chuyển “cho đi - nhận lại” và chúng ta đang là người thực hiện những điều ấy.
Phản ứng 7
Khai sáng
Bạn muốn am hiểu và sống với chân lý tuyệt đối về tổn thương và tha thứ
Bây giờ bạn hãy thư giãn cho thật thoải mái, dành một chút thời gian để bình an nội tâm. Sau đó, bạn cần nhận thức rõ bạn đang làm gì trong ý thức của mình, thật sự biết mình là ai và là gì - một tâm hồn tự do, không bị ràng buộc. Qua đó, mọi tổn thương về thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc sẽ được làm sáng tỏ khi tâm hồn ta được khai sáng.
Tổn thương thể chất
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe nói về ngưỡng chịu đau. Các vận động viên thể thao là ví dụ điển hình về những người đã chinh phục được cơn đau trong quá trình luyện tập và tham gia những cuộc tranh tài đòi hỏi khả năng chịu đựng cao. Thật ra, tất cả mọi người đều biết cách thực hiện điều này. Một số người phải trải qua ca phẫu thuật nghiêm trọng mà không có thuốc gây mê nhưng họ không cảm thấy đau đớn. Những chuyên gia về châm cứu có thể làm xao lãng đi cảm nhận đau đớn khỏi não bộ của chúng ta. Thậm chí, đôi khi việc mải mê cuốn vào chương trình ti-vi cũng giúp ta quên đi cơn đau răng... Tất cả những điều này cho thấy năm giác quan giữ vai trò đưa tín hiệu lên não bộ, còn ta mới là ông chủ thật sự của việc điều khiển bộ não. Vì vậy, nếu luyện tập, chúng ta có thể vượt qua cảm giác đau đớn, khó chịu về mặt thể chất.
Vậy thì, nếu ai đó giáng một hòn gạch lên đầu bạn, bạn sẽ xử lý chuyện này như thế nào? Cách thứ nhất, bạn có thể Tha thứ như cách nhiều người thường làm, chữa lành những vết thương thể chất theo phương pháp điều trị đúng, nhanh chóng bỏ qua quá khứ, và tiếp tục sống. Tuy nhiên, không phải tổn thương nào chúng ta cũng có thể áp dụng phương cách này, với những thương tật chúng ta phải mang suốt đời trên cơ thể thì thật khó mà quên được.
Cách thứ hai có phần sâu sắc hơn, chúng ta hiểu rằng bất cứ chuyện gì xảy ra đều có lý do của nó, hy hữu mới có những tai nạn hay sự kiện vô tình xảy ra trong cuộc sống. Cách hiểu này cũng giống như quan niệm về Nghiệp chúng ta vừa khảo sát ở phần trên, giúp chúng ta chịu trách nhiệm cho trải nghiệm của mình, từ đó cho phép ta làm chủ mọi tình huống, không tạo ra giận dữ và oán hận, không xem mình là nạn nhân, và tiếp tục vui sống.
Tổn thương về tinh thần và cảm xúc
Bạn gọi tôi là đồ ngốc, bạn xúc phạm công việc của tôi, bạn chỉ trích hành động của tôi, bạn nghi ngờ về động cơ của tôi, bạn gọi tôi là kẻ nói dối, bạn đổ lỗi cho tôi về điều mà tôi đã không thực hiện… Sau khi trút những lời lẽ không mấy thiện cảm ấy vào tôi, bạn sẽ nghĩ rằng điều ấy khiến tôi tổn thương, đau khổ? Cũng có thể lắm chứ, vì theo nhiều người thì đó là điều tự nhiên và cũng có khi là hẳn nhiên sẽ xảy ra. Nhưng tôi lại có một lựa chọn khác. Tôi có thể chọn cách không bị tổn thương trước lời nói, thái độ của bạn. Tôi có thể chọn cách không phản ứng hoặc cũng có thể thêm vài lời: “Bạn có thể gọi tôi là người nói dối hay nghi ngờ về động cơ của tôi, nhưng tôi biết tôi không phải là kẻ nói dối, tôi muốn giúp bạn”. Để có được cách phản ứng khác, chúng ta cần có sức mạnh và một tâm trí luôn được nuôi dưỡng bằng những ý nghĩ tích cực. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hành thường xuyên để tạo thói quen không phản ứng gay gắt hay chống đối lại những ý kiến chỉ trích, nhận xét của người khác. Một lần nữa, điều này cũng chứng minh rằng người khác không bao giờ có thể gây tổn thương ta, mà luôn luôn là do ta tự làm đau mình. Nói rộng ra, không ai làm tổn thương ai, do đó, không cần đến sự tha thứ.
Đến đây, chúng ta hãy thử làm một trắc nghiệm nho nhỏ, tôi sẽ nói một câu khó nghe về bạn. Tôi gọi bạn là đồ ngốc và bạn cảm thấy tổn thương. Tại sao? Bởi vì bạn đang mang theo hình ảnh bản thân giống như “kẻ ngốc nghếch” trong tâm trí mình – một dạng gắn kết. Bạn đưa lời phán xét ấy vào ý thức mình và phân tích. Vì nó trái với hình ảnh bạn biết về bản thân nên bạn cảm thấy bối rối. Bạn bắt đầu tìm cách bảo vệ mình, chống lại mối đe dọa mà bạn nhận thấy được qua lời nói của tôi bằng nỗi tức giận. Tất cả mọi chuyện cũng đều do cái tôi mà ra. Bạn đau đớn không phải vì lời tôi nói, mà do những suy diễn trong tâm trí bạn. Nếu bạn không gắn kết với hình ảnh mình là một người thông minh và sáng suốt, thì việc bị gọi là đồ ngốc cũng không làm phiền lòng bạn được. Trước những tình huống như thế, bạn có thể phản ứng lại với sự hiểu biết rõ ràng về bản thân, giả dụ như: “Vâng, đôi khi tôi làm điều gì đó không được khôn khéo lắm, nhưng tôi không phải là người ngu ngốc”. Kết quả là gì? Không có rối loạn tinh thần, không đau đớn, không tổn thương.
Một trong những bí mật ở đây là tự nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không phải là tính cách, hành động, lời nói hay thậm chí là ý nghĩ của mình. Chúng là sự sáng tạo của chúng ta. Vì vậy, khi ai đó phán xét và chê bai bất kỳ điều gì về mình, chúng ta không cần phải nhận lấy. Nếu rước chúng vào mình, nghĩa là ta làm tổn thương bản thân vì sự gắn kết và sự đồng hóa mình với ý nghĩ, cảm xúc hoặc tính cách đó. Đây chính là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ về tinh thần và cảm xúc.
Một hình thức khác mà ta làm đau chính mình là khi cố gây tổn thương cho người khác. Ta sẽ bị tổn thương đến hai lần, vì trong khi thực hiện điều đó, ở tận sâu trong trái tim ý thức, tiềm thức nói rằng ta đang hành động ngược lại bản chất. Đó là lý do tại sao, sau khi trút hết cảm xúc lên người khác, khi điềm tĩnh trở lại, thường sẽ có một giọng nói hối tiếc vang lên. Đây là tiếng nói của lương tâm, nó đang cố mách bảo rằng ta đã đi ngược lại sự thật, ngược lại với bản chất yêu thương vốn có. Rồi ta cảm thấy đau đớn vì đã gây ra lỗi lầm. Do đó, ngay khi nhận ra mình đã phạm sai lầm, quan trọng hơn hết là hãy tha thứ cho bản thân trước và thôi không tiếp tục tự đổ lỗi, giày vò mình nữa. Chẳng qua cũng chỉ là do ta quên đi mình là ai trong phút chốc, rồi hành động dựa theo sự u mê đó mà thôi.
Ảo tưởng lớn nhất
Thật sự, không có ai bị làm cho tổn thương, chỉ là do cái tôi đã bị phá rối. “Con người nội tâm” không bị tổn thương, mà cái tôi mới là nguyên nhân cho sự thiếu thoải mái đó. Cái tôi xuất hiện khi ta tạo ra hình ảnh trong tâm trí mình và rồi TA gắn kết vào hình ảnh đó, đến mức chúng ta đánh mất đi hiểu biết thật sự về bản thân, biến nó thành đặc điểm nhân dạng của ta. Khi ai đó tấn công vào hình ảnh này, ta cảm thấy dường như là họ đang tấn công ta, thậm chí người khác cũng nghĩ rằng họ đang tấn công ta. Nhưng không phải vậy, họ đang tấn công vào ảo tưởng. Ta là suối nguồn bình an, yêu thương và vui vẻ, là một tâm hồn thanh khiết không thể nào bị làm cho vẩn đục, ảo tưởng chỉ che phủ bên ngoài nội tâm trong sáng chứ không thể hủy hoại ta. Nhưng khi quên đi sự thật này, bình an, yêu thương và hạnh phúc biến mất ngay lập tức và thay vào đó là một sự xáo trộn trong tâm trí, được gọi là cảm xúc.
Khi đã hiểu rõ về bản thân, chúng ta dễ dàng nhận ra và cảm thông cho những sai lầm của người khác. Quả thật, người đang công kích, chỉ trích ta cũng đang hành động từ nỗi đau của mình. Trong tâm trí, họ có hình ảnh chúng ta nên/phải là gì và làm gì. Khi ta không hành động hay không trở nên giống như hình ảnh ấy, họ đau khổ và tổn thương. Nhưng họ lại tin rằng chúng ta đã khiến họ cảm thấy như thế. Vì vậy mà họ tấn công ta như một sự trả thù. Rốt cuộc, họ tấn công vào ảo tưởng đến hai lần.
Vì vậy, cuối cùng, không ai có thể gây đau khổ cho ai và chỉ có ta tự làm khổ mình. Nếu bạn mới tiếp cận với ý tưởng này lần đầu, xin đừng căng thẳng, hãy thoải mái đọc qua, suy ngẫm và nghiền ngẫm chúng. Hãy đặt câu hỏi dựa theo tình huống có trong thực tế cuộc sống và sử dụng những hiểu biết trên để tự trả lời.
Lời xin lỗi
Nếu chúng ta không gây tổn thương và làm đau khổ người khác, có phải là chúng ta sẽ không cần nói lời tạ lỗi hay xin tha thứ không? Vâng! Một số người đã làm như thế. Nhưng thường đó là do họ hoàn toàn vô tình trước những cảm xúc của người khác, chưa thật sự biết cách quan tâm đến người khác hoặc họ quá sợ hãi đến mức không thể thừa nhận mình đã sai.
Khi ai đó đau khổ vì lời nói hay hành động của ta, không phải là chuyện mình sẽ xin lỗi hay không, mà điều cần quan tâm hơn hết là nắm bắt rõ “những mức độ khai sáng” trong họ. Nếu thấy người khác vẫn còn tin rằng tổn thương của họ là do người nào đó gây ra chứ không phải do bản thân họ, và nếu ta vô tình nói hay làm điều gì khiến họ phiền lòng, thì việc nói lời xin lỗi là hoàn toàn cần thiết để giữ cho mối quan hệ không bị rạn nứt. Tuy nhiên, hãy lưu ý hai điều.
Thứ nhất, bằng cách xin lỗi, chúng ta không khuyến khích họ phản ứng lại trước bất kỳ điều nhỏ nhặt nào mà mình nói hay làm. Nếu họ nghĩ rằng lời xin lỗi của ta thốt ra là do bị ảnh hưởng bởi phản ứng của họ, thì họ có thể bắt đầu thiết lập lại sự xung đột như hình thức thu hút ngược trở lại nhã ý của ta. Ngay cả những người chín chắn, có trách nhiệm và hiểu biết nhất cũng có thể rơi vào kiểu cư xử cũ này.
Thứ hai, nếu chúng ta nói lời xin lỗi, nó phải xuất phát từ sự chân thành, tự tin và không làm giảm đi giá trị, sức mạnh nội tâm của ta.
Tuy nhiên, có nhiều người nhận thức được trách nhiệm của bản thân nhưng đôi khi họ vẫn phản ứng và đổ lỗi cho người khác vì những ưu phiền của họ. Trong trường hợp này thì việc xin lỗi trở thành điều lố bịch đối với cả hai bên. Tốt hơn nên nói điều gì đó đại loại như: “Bạn có nhận ra rằng bạn đang đóng vai nạn nhân và phóng chiếu nỗi đau do mình tạo ra không?”.
Còn nếu bạn nghĩ rằng: “Tại sao tôi phải xin lỗi chứ, tôi biết hết những điều này rồi” thì đó là sự cao ngạo của cái tôi, nghĩa là ta vẫn còn đang nằm trong một ảo tưởng rất lớn. Nhưng khi nói lời xin lỗi mà ta lại ở trong tâm trạng không thoải mái, ta như cố ép mình làm điều đó thì thật sự đó là một tổn thương ta tự gây cho mình. Nếu cứ tiếp tục làm như thế, nó sẽ chuyển thành nỗi tức giận về bản thân, rồi cảm thấy tội lỗi, và chúng ta bắt đầu phán xét và chỉ trích người khác, phóng chiếu cơn giận của mình lên họ. Cứ như thế, vòng lẩn quẩn nội tâm này tiếp tục luân chuyển không ngừng.
Trao lời xin lỗi người khác khi mắc lỗi lầm là chúng ta đang tiến đến mối quan hệ thân thiện và hữu nghị, nhưng lời xin lỗi sáng suốt nhất lại nằm ở câu nói với bản thân. Nó thể hiện sự yêu thương với chính mình, quan tâm và sẵn sàng tha thứ cho những sai phạm mình mắc phải. Theo thời gian, thói quen tự làm tổn thương cảm xúc của chính mình cũng phai mờ dần, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận bản chất bình an, yêu thương thật sự của mình từ trái tim nội tâm đang được xoa dịu và chữa lành.
Bên cạnh đó cũng có những người có tư tưởng khá lạ lùng là họ chỉ cảm nhận được tình yêu thương khi được người khác chú ý, chấp nhận và tán đồng. Họ làm mọi cách - cả ý thức lẫn vô thức - để gợi lên sự chú ý. Họ thường lôi kéo những ai mà họ biết là người dễ bị dao động trong cảm xúc. Câu cửa miệng trong cuộc sống của họ là: “Xin lỗi!”, nhưng với hàm ý là: “Tôi đây, làm ơn hãy hiểu tôi, chăm sóc tôi và chấp nhận tôi”, hay rõ ràng hơn là: “Làm ơn cho tôi tình yêu thương”. Căn bệnh “luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm” này chỉ có thể được chữa trị khi họ nhận thức đúng đắn về một sự thật là điều mà họ mong tìm kiếm ở người khác thì đã có sẵn trong họ rồi.
Tóm lại, hãy thức tỉnh bản thân và thức tỉnh người khác trước sự thật về việc tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Không cần tìm kiếm sự tha thứ từ người khác nếu nhận ra rằng họ cũng đang làm tổn thương bản thân họ. Bạn chỉ có thể tha thứ cho chính mình. Cấp độ tha thứ sâu sắc nhất là nhận ra sự thật BẠN không bị làm cho tổn thương. Sự thật/Chân lý thì không bao giờ thay đổi. Bản chất của bạn là bình an và yêu thương, bạn chỉ đánh mất nhận thức về điều này, vì không gì có thể hủy hoại đi sự thật ấy.