M
ỗi tình huống và sự kiện trong cuộc sống đều có thể được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Mỗi người sẽ có cách nhìn riêng của mình đối với cùng một sự kiện và hoàn cảnh, vì nhận thức luôn mang tính cá nhân. Chúng phụ thuộc vào những niềm tin đã tiếp thu được, những trải nghiệm từ quá khứ và những điều mà chúng ta đã đồng hóa với mình. Tương tự như vậy, khi xem xét những điều thuộc về nội tâm, một số người tìm cách giải thích mẫu hình của suy nghĩ, các loại cảm giác và cảm xúc dựa theo quan điểm tâm lý học, trong khi tâm lý chỉ nghiên cứu về những thay đổi hóa học trong não bộ - một trong những chức năng của cơ thể.
Riêng cá nhân tôi, tôi muốn vượt qua giới hạn của tâm thần học cũng như tâm lý học để hiểu và nhận biết tường tận hơn những điều thuộc về nội tâm như niềm tin, suy nghĩ, cảm xúc qua góc nhìn tâm linh. Nghĩa là tôi nhìn qua “lăng kính”: Tôi, bạn và chúng ta là những tâm hồn trong sáng, hướng thiện, bình an và chất chứa tình yêu thương. Chúng ta không phải là cơ thể mình đang trú ngụ và càng không phải là bộ não điều khiển mọi hoạt động, mà đơn giản chúng ta là những tâm hồn, năng lượng phi vật chất - có ý thức, không bị hủy hoại và không nhìn thấy được. Tâm hồn/ tinh thần/ ý thức đồng nghĩa với “tôi”, với “bạn”! Khi nói “TÔI LÀ...”, chính là do TÔI -TÂM HỒN nói. Cơ thể có thể ngã bệnh, tổn thương nhưng tâm hồn thì không.
Mặc dù những điều này khó có thể chứng minh được bằng khoa học, nhưng khi đã nhận biết về con người đích thực của mình, sẽ có những thay đổi sâu sắc trong cách hiểu về bản thân. Khi bắt đầu “chuyến hành trình khám phá sự giận dữ” của mình, chúng ta cần lưu ý hai “hành trang” quan trọng nhất. Thứ nhất, chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những gì mình nghĩ, cảm nhận và hành động. Thứ hai, chúng ta là những tâm hồn, năng lượng sống phi vật chất nên không bao giờ bị tổn thương, bị hủy hoại. Đây là những hiểu biết sáng suốt, cơ bản để chúng ta sống hòa hợp, lành mạnh trong thế giới này, là sức mạnh để thay đổi cuộc đời khi chúng ta nhận biết được và áp dụng chúng vào cuộc sống.
Trong cuộc hành trình này, chúng ta không chỉ cần biết mình là ai mà còn phải học cách để là chính mình, nhìn ra con người thật và nhận ra đâu là chân lý đối với bạn. Nếu bạn không có ý niệm nào về những điều tâm linh, hãy chuẩn bị để “con mắt tâm linh” của bạn mở ra. Còn nếu bạn nghĩ rằng mình đã “rất tâm linh” rồi, hãy chuẩn bị để điều chỉnh lại “tiêu cự”!
Sở dĩ tôi nói như thế là vì có nhiều người tin rằng họ không chỉ quá tâm linh mà còn thánh thiện nữa. Nếu vậy, ta sẽ không còn u mê về bất kỳ điều gì, không bao giờ nài xin hay căm ghét ai, và từ đó, tức giận sẽ trở thành điều nực cười.
Ý nghĩ cho rằng “Trời cũng có khi nổi cơn thịnh nộ” cũng là một cách bào chữa khôn khéo cho cơn tức giận của mình. Chính cách nghĩ này cản trở tính khiêm tốn để ta bắt đầu chiêm nghiệm lại bản thân, tìm lại sự thật, và nó trì hoãn việc đánh thức nhận thức thật sự rằng chúng ta là những thực thể sống độc đáo và riêng biệt.
Do đó, tôi sẽ dựa trên quan điểm tâm linh này xuyên suốt quyển sách để lý giải về nỗi tức giận, sự bình an và tha thứ. Tôi hy vọng điều này có thể làm sáng tỏ những băn khoăn trong bạn.
- Mike George