T
ại vòng 3 Giải Quần vợt Wimbledon danh tiếng, Greg Rusedski đang dẫn trước đối thủ một ván đấu và sắp đi đến chiến thắng. Tuy nhiên, trong ván tiếp theo, vào khoảnh khắc quyết định, một cổ động viên hét lên cho rằng Rusedski đã đánh bóng ra ngoài sân. Trọng tài lúc này cũng bối rối, và ông quyết định cho Rusedski bị mất điểm. Tay vợt người Anh này bắt đầu nổi nóng, anh mất tập trung trong suốt thời gian còn lại và kết quả thật đáng buồn, anh thua liền hai ván cuối. Mọi hy vọng đã tiêu tan, anh đập gãy vợt của mình khi thua trận. Trận đấu “hạ màn”. Trong buổi phỏng vấn sau trận đấu, anh thẳng thắn phát biểu rằng sự tức giận của anh khi thua trận còn lớn hơn nhiều so với niềm vui chiến thắng của đối thủ. Tuy nhiên, cùng trong giải đấu đó, những tình huống tương tự cũng đã diễn ra với Federer và Agassi, nhưng cách phản ứng của họ hoàn toàn khác, họ vẫn giữ được sự bình tĩnh và tiếp tục cuộc chơi.
Thật ra có thể xem quần vợt tương tự như cuộc sống, bản thân chúng luôn ẩn chứa nhiều tình huống mà chúng ta không thể dự đoán được để chọn cách phản ứng hợp lý tức thời.
Khi giận dữ, những người trong cuộc rất nhạy cảm với vấn đề họ đang chịu đựng, họ nhanh chóng liên tưởng những việc mình gặp phải sang những chuyện khác lớn hơn như đề cập đến sự bất công, sự ghen ghét, thói phi đạo đức của xã hội, thậm chí của cả thế giới… Có những người luôn tỏ ra điềm tĩnh với những sự kiện lớn đang gây xôn xao dư luận ở một nơi nào đó, nhưng lại không thể nhẫn nhịn được trước những vấn đề cỏn con tương tự phát sinh trong các mối quan hệ gần gũi hay ngay trong gia đình. Vì họ nghĩ đơn giản là những vấn đề của thế giới bên ngoài vượt quá tầm kiểm soát của họ, có tức giận cũng chẳng làm được gì, vậy là họ giữ im lặng và chú tâm vào giải quyết những chuyện liên quan đến cá nhân mình. Một số nhà hoạt động xã hội với “cái đầu nóng” lại góp thêm ý tưởng “kỳ lạ” khi cho rằng thế giới này sẽ chẳng thể tốt hơn khi không có những con người chán nản, tuyệt vọng buồn bã trước thực tế cuộc sống để thúc đẩy những cái cần được thay đổi. Vậy thì, ai đúng, ai sai? Giận dữ có là động lực khơi dậy khả năng sáng tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn không? Đây có phải là một cảm xúc lành mạnh? Có lý do nào biện hộ cho sự tồn tại chính đáng của tức giận? Nhưng tức giận là gì? Tại sao nó lại xảy ra?
Trong một Hội nghị gần đây về chủ đề Tha thứ và Hòa bình ở Hoa Kỳ, một báo cáo đã nêu: Việc cho qua đi sự tức giận đã bị chôn vùi dưới lòng hận thù sẽ mang lại tác dụng xoa dịu cho chứng đau lưng kinh niên. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng khám phá ra rằng bằng cách thực hành tha thứ, những phụ nữ đang chiến đấu với tình trạng lạm dụng thuốc có thể kéo dài thời gian cơn nghiện tái phát trở lại. “Dự án Tha thứ” do trường Đại học Standford thực hiện đã khẳng định thêm một lần nữa rằng: chúng ta không thể sống hạnh phúc và khỏe mạnh nếu cứ mãi mang theo nỗi cay đắng, uất hận và tức giận.
Sự thật đang ở đằng sau tấm màn nhung là mỗi lần chúng ta tức giận, dường như chúng ta đã tập nhiễm cho bản thân một “phản xạ có điều kiện” tồi tệ khi rơi vào những tình huống căng thẳng. Điều đó tạo thành một thói quen thất thường trong các mối quan hệ với bạn bè hay đồng nghiệp và vô tình kích hoạt các tác nhân gây bệnh.
Khi tâm trạng khủng hoảng kéo theo sự căng thẳng do giận dữ thì cơ thể sản sinh và giải phóng các kích thích tố (hoóc-môn) adrenaline và cortisol. Những kích thích tố này khiến tim đập nhanh hơn, hơi thở dồn dập và tâm trí xáo trộn, đồng thời lượng đường có trong cơ thể cũng được tiết ra nhiều hơn để làm căng các cơ và máu lưu thông mang theo nhiều hơn các yếu tố làm đông máu. Thời gian giận dữ càng lâu thì các tác nhân kích thích càng hoạt động mạnh.
Sự việc có vẻ được cải thiện hơn khi những căng thẳng và hoảng sợ này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng nếu cứ giữ cảm xúc này thường xuyên mà không dần loại trừ chúng đi thì chúng cũng sẽ nhanh chóng trở thành những “cảm xúc triền miên” khó cắt đứt, và khi đó các hoóc-môn ấy bắt đầu chuyển thành chất độc. Cortisol làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến nhiều căn bệnh và chứng rối loạn nghiêm trọng. Theo Giáo sư Stafford Lightman của trường Đại học Bristol thì“Cortisol gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ. Nó cũng kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm cứng động mạch, gây ra bệnh tim mạch”. Chúng trở thành những “cơn bệnh” cả về tinh thần và thể chất làm cuộc sống của chúng ta không thể hạnh phúc và khỏe mạnh.
Ba bài học từ McEnroe
John McEnroe là một trong những vận động viên quần vợt vĩ đại, nhưng ông lại là một người rất nóng tính. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt đã đưa ông đến với thành công là ông có thể chuyển hóa cơn tức giận của mình thành những màn trình diễn tuyệt vời. Thành công của ông được rút thành 3 bài học quan trọng sau. Một là, ông có thể xua tan cơn bão giận dữ trong người một cách nhanh chóng để không bị mất tập trung khi thi đấu. Hai là, với tinh thần kiên định và mạnh mẽ, ông có thể kiểm soát được cảm xúc của mình trong hầu hết các trường hợp. Ba là, sự nghiệp của ông sẽ còn tiến xa bao nhiêu nữa nếu như ông hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi “ngọn lửa tức giận”?