K
hi nghĩ về những cơn giận dữ gần đây nhất, có lẽ bạn sẽ cho rằng bản thân mình không phải là nguyên nhân gây ra mọi chuyện mà chính những người xung quanh phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình. Nhưng thật ra, khi xem xét kỹ vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng phản ứng của chúng ta mới là nguyên nhân chủ yếu. Mỗi phản ứng cá nhân là kết quả của một sự lựa chọn có ý thức. Đơn giản là khi đó, bạn đã quên rằng mình có quyền được lựa chọn cách phản ứng với tình thế: giận dữ hoặc bình tĩnh. Khi cơn giận bùng lên một cách tự nhiên thì bạn càng dễ đánh mất đi khả năng kiểm soát thực tế cũng như cảm xúc của mình. Nhưng ít người nhận ra điều đó mà thậm chí họ còn nghĩ rằng phản ứng ấy là thuộc về bản năng, nó diễn ra tự nhiên như một điều tất yếu và chúng ta không cần phải quan tâm đến chúng. Đây cũng là cơ sở cho những lý lẽ mà nhiều người dùng để biện minh cho phản ứng nóng giận vô căn cứ của mình, và họ rất dễ phát cáu khi có ai đó bất đồng quan điểm!
Khi giận dữ nghĩa là bạn đang chọn “chế độ lái tự động” cho cảm xúc cũng như hành vi của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang để cho những thói quen được lưu giữ trong tiềm thức - những thói quen xuất phát từ niềm tin và nhận thức - chi phối mọi hoạt động của mình. Bạn để mặc cho cơ chế tự hoạt động điều khiển suy nghĩ, phản ứng của mình mà bạn lại tham gia cải thiện nó theo chiều hướng tích cực hơn. Đó là biểu hiện của sự chây lười về tinh thần và cảm xúc, bạn để thói quen ấy biến mình trở thành một cỗ máy không có khả năng kiểm soát mọi việc liên quan đến bản thân. Dù cho ý nghĩ tức giận chỉ mới hình thành trong tâm trí thôi nhưng nó cũng sẽ sớm trở thành thói quen.
Để giải thoát mình khỏi thói quen tiêu cực này, bạn sẽ cần đến 3 bước quan trọng sau:
• Hiểu rõ tính không tích cực của sự tức giận.
• Chịu trách nhiệm đối với cơn giận của mình, dù nó ở bất kỳ hình thái nào, trong mọi lúc mọi nơi.
• Sẵn sàng đối mặt, chấp nhận thử thách và dám thay đổi niềm tin cũng như nhận thức của mình để vượt qua cảm xúc nóng giận tức thời.
Chúng ta nên hiểu rằng tức giận không phải là một điều gì đó xấu xa hay sai trái mà thực chất nó chỉ đơn thuần xuất phát từ những niềm tin sai lầm được nảy sinh thông qua những lối cư xử đã học được và đã trở thành thói quen. Vì vậy, bạn không cần phải kìm nén hay cố gắng lẩn tránh cơn giận của mình. Nếu làm vậy, bạn chỉ có thể khiến cho cảm xúc của mình bị dồn nén thêm, và đây là nguy cơ tiềm tàng của cơn bộc phát về sau.
Để giải quyết điều này, trước tiên bạn cần phải nâng cao khả năng nhận thức về bản thân, về cảm xúc nóng giận của mình, vì hơn ai hết bạn mới là người hiểu rõ mình nhất. Khi đã hiểu rõ hơn về bản thân, bạn sẽ nhận ra cơn giận của mình bắt đầu hình thành và tiến triển như thế nào. Nếu bạn còn để cho cảm xúc ấy ám ảnh mãi trong tâm trí mình, thì sự cáu gắt sẽ lớn lên thành nỗi bực dọc. Và nếu bạn vẫn tiếp tục nuôi dưỡng nỗi bực dọc này, nó sẽ lớn lên thành sự giận dữ, cứ như thế, cuối cùng sự giận dữ sẽ trở thành cơn thịnh nộ.
Điều này cho ta hiểu rằng nếu sự giận dữ được hình thành từ những thói quen thì chúng ta cũng có thể tập luyện để không rơi vào trạng thái tức giận, nghĩa là chúng ta không kìm nén cảm xúc của mình nhưng cũng không biểu lộ nó ra ngoài. Để làm được việc này, bạn cần phải hiểu rõ nguồn gốc hình thành nên cảm xúc ấy. Từ đó, bạn sẽ chủ động lựa chọn: không tức giận nữa hoặc tiếp tục tạo điều kiện để những cơn giận nối tiếp hình thành và phát triển. Thật đáng tiếc là dù đã có nhiều người nhận rõ được sự thật này nhưng họ vẫn không chịu từ bỏ tính nông nổi ấy, thậm chí còn tìm cách để bào chữa cho sự tức giận của mình. Họ như những “con nghiện” cảm xúc giận dữ và không thể bỏ được nó!
Còn về phía bạn, bạn đã tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa cho cơn nóng giận của mình và đã sẵn sàng từ bỏ “cơn nghiện” cảm xúc này chưa?
Sự lựa chọn sẽ tạo ra cơ hội để thay đổi
Ở đâu cũng vậy, mọi nền giáo dục đều hướng con người theo một định hướng chung, đó là trở thành công dân trong một xã hội tiêu thụ sản phẩm. Dù là mua hàng ở siêu thị hay chọn lựa qua thông tin trên những tờ quảng cáo, con người lúc nào cũng tỏ ra cân nhắc và sáng suốt trong việc lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ tốt nhất cho mình. Nhưng họ lại không biết rằng bản thân họ cũng phải lựa chọn và đôi khi cần phải thay đổi niềm tin, cảm xúc của chính mình. Ít ai chỉ cho chúng ta biết rằng suy nghĩ và cảm xúc có mối liên hệ chặt chẽ ra sao với niềm tin hay có những sự lựa chọn có thể chuyển hóa cuộc đời, thậm chí cả số phận của chúng ta như thế nào. Nhận thức đưa đến cách nhìn, cách nhìn mở ra sự hiểu biết, và sự hiểu biết mở đường cho những lựa chọn để cuối cùng, chính sự lựa chọn sẽ mang đến cho ta cơ hội để thay đổi.