T
ức tối, bực bội đều không phải là những cảm xúc dễ chịu mà chỉ khiến chúng ta thêm ngột ngạt, khổ sở. Tất cả chúng ta đều không ai muốn tự gây đau khổ cho chính mình, song cũng chẳng ai nhận ra mình đang làm gì với cảm xúc của bản thân. Tại sao lại có chuyện này xảy ra? Có đến bảy niềm tin nguy hại mà chúng ta đã "tiêm nhiễm" và sử dụng chúng để bào chữa và nuôi dưỡng cho những cơn giận dữ của mình. Hãy nhớ rằng hiện tại, đa số niềm tin của chúng ta đều được ghi lại trong tiềm thức, vì vậy, nên dành chút thời gian kiểm tra xem bạn thật sự tin vào điều gì. Bằng cách chú ý đến suy nghĩ và lời nói của bản thân, qua mỗi giờ, mỗi ngày thì cơ sở của niềm tin trong bạn cũng sẽ dần được hé lộ. Nhưng bạn cũng nên biết rằng niềm tin chưa hẳn đã là chân lý. Chúng ta phải biết cách nhận ra và sống với sự thật từ ngay trong ý thức của mình thì một ngày nào đó nó sẽ cho ta sức mạnh để thay đổi.
Niềm tin 1
Không phải tại tôi. Do họ đấy!
Chỉ cần tự suy ngẫm về bản thân mình một chút, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng dù ở đâu, vào lúc nào, chúng ta cũng là người tạo nên ý nghĩ và cảm xúc cho chính mình. Ngược lại, chúng ta sẽ mãi sống với ảo tưởng cho rằng mọi người xung quanh phải chịu trách nhiệm cho những gì mình nghĩ và cảm nghiệm, rồi chúng ta tìm cách đổ lỗi cho người khác bằng những lời kêu ca, oán trách.
Sự thật: Chúng ta chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những suy nghĩ và cảm nhận của chính mình.
Ý tưởng giúp chuyển hóa: Hãy ngưng xem phim trên ti-vi. Hoặc nếu có xem, chúng ta nên để ý cách mà các nhân vật đã “thao túng” cảm xúc của mọi người tài tình như thế nào, và mỗi tập phim đã khiến chúng ta phải vui, buồn, oán, giận… ra sao. Việc chúng ta mang ảo tưởng rằng người khác chi phối cảm xúc của mình cũng giống như vậy, và do đó chỉ đến khi nhận ra sự thật, chúng ta mới có thể thay đổi niềm tin xưa cũ của mình.
Niềm tin 2
Tức giận - lựa chọn duy nhất của tôi
Chúng ta mang một niềm tin ngây thơ rằng chúng ta không có khả năng lựa chọn cách suy nghĩ cũng như cách cảm nhận của riêng mình. Chưa có ai dạy chúng ta làm thế nào để hiểu, kiểm soát và chọn lựa cảm xúc theo ý muốn, đặc biệt khi xảy ra điều gì đó không như mong đợi. Rồi chúng ta thét lên: "Chứ anh đã kỳ vọng điều gì? Tôi không thể bình tĩnh được khi biết anh làm chuyện đó!".
Sự thật: Niềm tin và sự hiểu biết sẽ cho ta khả năng lựa chọn. Sự chuyển hóa bản thân diễn ra khi chúng ta nhận thức rõ hơn về những niềm tin đang tồn tại và chi phối suy nghĩ cũng như cách hành xử của mình!
Ý tưởng giúp chuyển hóa: Hãy học cách hiểu rõ hơn về bản thân, thông qua thiền định hoặc những phương pháp suy ngẫm.
Niềm tin 3
Tức giận là chuyện bình thường
Khi sự tức giận đã trở thành thói quen khó bỏ, chúng ta chấp nhận chúng như một chuyện bình thường và nghĩ rằng ai cũng như thế. Chúng ta không cần bận tâm về ảnh hưởng của nó đến bản thân cũng như đến người khác. Chúng ta thường xuyên bộc lộ thẳng thừng cảm xúc của mình như sự giải tỏa cần thiết, tức thời.
Sự thật: Tức giận rất nguy hại đối với trí óc con người vì mỗi khi tức giận chúng ta như rơi vào trạng thái mất trí tạm thời.
Ý tưởng giúp chuyển hóa: Hãy thử tỏ ra tức giận khi bạn nhận được tin tức tốt lành, rồi bạn sẽ phá lên cười và nhận ra rằng tức giận là việc làm thật ngốc nghếch.
Niềm tin 4
Tức giận sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tôi
Khi tức giận, chúng ta cảm thấy như đang dâng trào năng lượng và nghĩ rằng đây là dòng năng lượng tích cực, mạnh mẽ. Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận vì thực chất nó là một sự bùng phát cảm xúc từ ý thức, tuôn chảy khắp cơ thể và bộc lộ ra ngoài qua hành vi. Luồng năng lượng này tạm thời làm khả năng chú ý và kích hoạt ý chí của chúng ta tăng cao hơn. Nhưng đến một lúc nào đó, năng lượng dâng cao đến mức quá độ và… bùng nổ như cuộc khủng hoảng làm chúng ta suy kiệt cả về tinh thần và thể chất. Giận dữ đã rút cạn đi năng lượng của chúng ta, và chúng ta chỉ nhận ra điều này khi tâm trạng cân bằng trở lại.
Sự thật: Giận dữ rút cạn đi năng lượng của chúng ta và theo thời gian, chúng ta sẽ bị "cháy sạch"(*).
(*) Hội chứng “cháy sạch” – tạm dịch từ “burnout” – là cháy sạch năng lượng dự trữ, khiến cho cơ thể bỗng nhiên trở nên mệt mỏi dù chưa làm việc bao nhiêu; chợt trở nên chán chường mà không rõ lý do, thậm chí không thể tập trung tư tưởng như người mất hồn. (ND)
Ý tưởng cho sự chuyển hóa: Mỗi khi tức giận, hãy tưởng tượng ra hình ảnh về một cánh buồm trắng đang lướt nhẹ trên mặt biển lặng sóng, cảm nhận làn gió mát thổi nhẹ qua trên mặt bạn.
Niềm tin 5
Tức giận là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên!
Ngưng tức giận đồng nghĩa với việc chúng ta phải thay đổi hoàn toàn những thói quen và lối sống trước đây để chữa lành cho những tổn thương cảm xúc và thể chất của mình. Nghe có vẻ như là một công việc khá vất vả, vì chúng ta đã tin rằng tức giận là một phản ứng hết sức tự nhiên và là một phản ứng lành mạnh trước cách cư xử của người khác. Tuy nhiên, chúng ta không nhận ra được mối nguy hiểm của nó đối với sức khỏe thể chất và trạng thái tinh thần của mình. Vô hình trung, chúng ta đã “thông đồng” với nhau để duy trì ảo tưởng “Giận dữ là chính đáng”, đây cũng là một cách lảng tránh việc thay đổi thói quen tiêu cực vốn đã ăn quá sâu từ bên trong, như một sự lười biếng về cảm xúc.
Sự thật: Tức giận là một dấu hiệu nói lên rằng chúng ta đang đi ngược lại với bản chất thật của mình, đó là bình an và yêu thương.
Ý tưởng cho sự chuyển hóa: Tự nhủ mình hãy giữ bình tĩnh mỗi khi chứng kiến điều gì có thể gây cảm giác phẫn nộ trong bạn. Gửi đi những cảm xúc tốt lành và mong ước nó sẽ tốt đẹp hơn.
Niềm tin 6
Tôi cần tức giận để thôi thúc người khác
Đây là cửa miệng của nhiều nhà quản lý ngày nay khi họ cố gắng thúc đẩy cho mọi việc diễn ra nhanh chóng theo ý muốn của mình. Họ thể hiện sự không hài lòng của mình bằng những cơn tức giận, với ý nghĩ rằng làm như thế sẽ khiến mọi người chú tâm đến công việc. Thật sự, đây không phải là một ý tưởng hay. Vì cách làm ấy sẽ nhanh chóng khiến người khác bực bội, phẫn uất, rồi đến một lúc nào đó, họ sẽ tránh tiếp xúc, gặp gỡ ta - nếu không nói rằng sẽ có mầm mống chống đối nảy sinh. Tin cậy và tôn trọng lẫn nhau là nền tảng quan trọng, bền vững cho mọi mối quan hệ tốt đẹp, đặt biệt là trong công việc. Một mối quan hệ không thể nào được tạo nên từ sự tức giận. Về lâu dài, tức giận chỉ là biểu hiện của sự mất kiểm soát bản thân, thiếu tự trọng và bất cẩn, tất cả những điều này ngấm ngầm hủy hoại đi phẩm chất cần có ở một người lãnh đạo.
Sự thật: Giận dữ làm giảm động lực làm việc của chính chúng ta và ảnh hưởng đến động lực của người khác.
Ý tưởng cho sự chuyển hóa: Thực hành kiểm soát cảm xúc bản thân và tôn trọng năng lực, phẩm chất của người khác để giữ mối quan hệ hài hòa.
Niềm tin 7
Tôi cần phải "gây hấn" với ai đó để thể hiện mình
Đây là một niềm tin nguy hại mà nhiều người vẫn lầm tưởng là cách để thể hiện tính quyết đoán, mạnh mẽ của bản thân. Nhưng thực ra khi bộc lộ trạng thái cảm xúc này, chúng ta càng cho thấy sự hoang mang, nóng nảy và thiếu suy nghĩ của mình. Nó là nguyên nhân chính của các cuộc chiến tranh, xung đột kéo dài, gây hậu quả và ảnh hưởng đến những người vô tội. Còn riêng đối với cá nhân, sự giận dữ “gây hấn” thể hiện mối hoang mang cực độ về tinh thần và có thể dẫn tới sự cô lập, xa lánh của mọi người. Chúng ta có thể xem đây như một căn bệnh khó chữa khỏi của tâm hồn.
Sự thật: Tức giận mang lại cảm xúc trái ngược hoàn toàn với tính quyết đoán. Do đó, chúng ta cần thoát khỏi cơn giận dữ để cùng nhau tạo dựng mối quan hệ hòa bình và hữu nghị.
Trên đây là 7 niềm tin mà đa phần mọi người đang lưu giữ. Những niềm tin này đang từng ngày từng giờ xâm chiếm và ăn mòn tinh thần cũng như thể chất của chúng ta. Cuộc sống với muôn hình vạn trạng, hàng ngày chúng ta phải tiếp xúc, xây dựng bao nhiêu mối quan hệ và ai cũng muốn có một kết quả tốt đẹp, do đó nếu cứ mãi lưu giữ những niềm tin như thế, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ tự làm tổn hại mình. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng cảm xúc bình an, vui vẻ và xua đi những cơn giận dữ thất thường để có một cuộc sống vui tươi và khỏe mạnh hơn.
Căn phòng trút giận!
Hơn một thập kỷ trước tại Nhật, một khảo sát đã cho thấy rằng có khoảng 10.000 nhà quản lý chết mỗi năm do làm việc quá sức (hội chứng Karoshi) và nguyên nhân là do “tức giận cực độ nhưng bị dồn nén” gây ra. Vì vậy sau đó, người ta đã nghĩ ra "căn phòng trút giận" - các bức tường đều được lót đệm và đặt trong đó một cây gậy bóng chày - ngay tại tầng hầm bên dưới mỗi tòa nhà văn phòng và yêu cầu các nhà quản lý mỗi khi cảm thấy cơn nóng giận sắp đến, họ nên đến căn phòng này và dùng gậy đập thật mạnh vào tường, càng mạnh càng tốt, để cho cảm xúc tức giận được giải phóng khỏi cơ thể. Hai năm sau, các chuyên gia kiểm tra lại kết quả và ngạc nhiên khi thấy mức độ tức giận của từng người khi đến đây đã không giảm mà còn tăng thêm. Tại sao? Sau nhiều cuộc điều tra, cuối cùng, họ cũng nhận ra rằng càng bước vào “căn phòng trút giận” này thường xuyên, người ta càng có “cơ hội” thực hành tức giận và càng củng cố thêm thói quen ấy. Thông điệp ở đây là: Bạn không nên kìm nén, ngăn chặn cảm xúc của mình, nhưng cũng đừng bộc lộ ra ngoài qua lời nói và hành động, mà hãy chuyển hóa chúng.