T
ại sao chúng ta lại tức giận?
Nếu dành thời gian để tự suy ngẫm, nhận thức về bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra cơn giận của mình bắt nguồn từ đâu và chúng ta đang tức giận điều gì. Tức giận luôn luôn bắt đầu từ sự rối loạn trong ý thức, do thế giới xung quanh tồn tại khách quan và không “tuân theo mệnh lệnh” của chúng ta. Chúng ta tức giận là vì chúng ta đã hình dung trong tâm trí mình về những điều nên diễn ra, người khác nên cư xử như thế nào, sự việc nên diễn biến ra sao, nhưng hiện thực bên ngoài lại không trùng khớp với hình ảnh trong tâm trí. Do đó, tức giận chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang cố gắng và đang thất bại trong việc kiểm soát con người và sự kiện bên ngoài - những đối tượng mà chúng ta không thể và cũng không nên kiểm soát. Đây là lý do tại sao tức giận lại thường được liên tưởng với trạng thái mất trí.
Khi tức giận, chúng ta phạm phải ít nhất là ba điều tồi tệ. Thứ nhất, chúng ta đã mất khả năng kiểm soát bản thân - vì đã để cho cảm xúc chi phối lấy mình. Thứ hai, chúng ta hoàn toàn mất lý trí khi để cho cảm xúc giết chết khả năng suy nghĩ hợp lý, tích cực. Thứ ba, chúng ta đang cố gắng để làm cái điều mà nắm chắc sẽ thất bại, nghĩa là thay đổi điều không thể thay đổi - đó là quá khứ và người khác.
"Khi cuộc chiến bắt đầu từ tâm trí con người…" là lời thừa nhận sáng suốt được trích dẫn từ bản Hiến chương của UNESCO. Khẩu súng không thể giết người, mà chính cảm xúc - sự giận dữ - mới là kẻ bóp cò. Mỗi khi chúng ta cảm thấy muốn phát cáu lên, thất vọng hay sắp tức giận, hãy tỉnh táo và chúng ta sẽ thấy rằng mình đang bắt đầu đối mặt với cuộc chiến trên cả ba mặt trận: với quá khứ, với người khác và với bản thân.
Chúng ta chiến đấu với quá khứ bởi vì cơn tức giận của chúng ta luôn hướng về những chuyện đã qua và chúng ta vẫn tìm cách cố gắng thay đổi nó. Thật là ngớ ngẩn, bởi đó là chuyện không thể. Nhưng chúng ta lại thường khắc sâu niềm tin này trong tiềm thức, cứ đinh ninh rằng ở nơi đâu hay vào thời điểm nào đó trong quá khứ, nếu mọi vật mọi việc diễn ra như ta mong muốn thì hiện tại chắc chắn đã thay đổi theo chiều hướng khác, sẽ thỏa mãn được điều mình đang mong mỏi. Cứ như thế, chúng ta dành cho quá khứ những sự dằn vặt và hờn trách không nguôi.
Chúng ta chiến đấu với người khác bởi họ đã làm điều mà chúng ta nhận định là sai, và cơn giận mà chúng ta thể hiện ra là nhằm cố gắng thay đổi lại những điều đó hoặc để trả thù. Nhưng đã mấy ai thành công khi thực hiện điều này? Chúng ta có thể kiểm soát được thân thể người khác nhưng tinh thần của họ thì không - nó nằm ngoài mọi phạm vi ảnh hưởng. Chúng ta hãy lấy hai mươi bảy năm sống lưu đày của nhà lãnh đạo Nelson Mandela làm ví dụ. Dù người ta cố kiểm soát, giam hãm thân thể ông, nhưng họ không thể làm gì với tinh thần của ông. Qua chừng ấy năm trong tù, cả trái tim và ánh mắt của ông cũng không hề hiện diện ngọn lửa của sự thù hằn. Đó là do ông nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng sự tha thứ, và cũng có lẽ vì vậy mà ông được tôn vinh như một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế giới. Chúng ta biết rằng, khi một cá nhân tự giải thoát mình khỏi cơn giận dữ và làm tan biến mọi suy nghĩ trả thù, người ấy sẽ nhận được sự tôn trọng và lòng cảm phục từ mọi người.
Chúng ta chiến đấu với bản thân vì chúng ta đang thất bại trong việc bắt thế giới phải vận hành theo ý muốn của mình, hoặc trong ta xuất hiện niềm tin nông nổi rằng mình đang tự hạ thấp giá trị bản thân. Hãy lấy một ví dụ gần gũi trong cuộc sống: bạn vào một quán ăn mà phải đợi chờ quá lâu. Bạn sẽ cảm thấy thật bực tức vì không có người phục vụ nào để ý đến bạn? Có lẽ nhân viên phục vụ bàn là người chịu trận đầu tiên, rồi sau đó, chúng ta sẽ tự đay nghiến bản thân mình. Mặc dù có thể không thừa nhận bằng lời rằng mình đã thất bại, nhưng từ bên trong, chúng ta biết được điều đó. Và vì vậy, chúng ta bắt đầu trách cứ bản thân. Tuy nhiên, mọi sự đều xuất phát từ lối suy nghĩ, cảm nhận cũ: thất bại nghĩa là mất mát, mất mát khiến ta buồn, buồn là điềm báo trước cho cơn tức giận sắp bùng phát. Trong trường hợp này, nạn nhân đầu tiên là người phục vụ bàn nhằm chứng tỏ cho người khác thấy cơn tức giận của ta là "chính đáng". Nhưng cuối cùng chỉ có một mình bản thân ta chịu hậu quả, ta tự gánh chịu những cảm xúc buồn phiền của mình. Thật ngớ ngẩn làm sao!
Lần sau, khi nhận ra mình sắp nổi giận. Hãy làm gián đoạn dòng cảm xúc tiêu cực này bằng cách tự hỏi mình 2 câu hỏi đơn giản sau: “Tôi đang làm gì đây?” - Trả lời:“Tôi đang cố gắng kiểm soát điều tôi không thể kiểm soát (quá khứ và con người)”. Và: “Vậy thì, ai là người bị gánh chịu đầu tiên?” - Trả lời: “Chính tôi!”. Nếu như chúng ta sắp tự trút giận lên bản thân vì những thất bại, hãy tiếp tục nhắc nhở mình: "Không có điều gì là thất bại cả, chỉ là do kết quả có khác so với điều tôi đã kỳ vọng thôi". Và nếu vẫn còn chưa nguôi ngoai, hãy hỏi thêm một lần nữa: "Cơn tức giận này sẽ còn kéo dài trong bao lâu đây?". Rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cơn giận biến mất nhanh như thế nào.
Cho những người thích phàn nàn
Nếu muốn phàn nàn, trước hết chúng ta phải có ý tưởng về điều mình ưng ý, và phải chắc chắn rằng điều ấy tốt hơn cái đang có. Nếu chưa thể hình dung ra điều gì tốt hơn, chúng ta đừng nên phàn nàn nữa. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: Nếu chúng ta sử dụng sự tức giận để thúc đẩy người khác trong tiến trình này, chúng ta sẽ phải nhận lại sự tức giận, đồng thời sẽ bị kiệt sức và cảm thấy bị người khác đề phòng, xa lánh.