“Quản trị tri thức cũng giống như bảo hiểm du lịch vậy – bạn chỉ ước rằng mình có nó khi đã quá muộn?”
- O’Neil A.
“Nhà thám hiểm đã không còn ôm đồm và làm mọi thứ một mình. Ông đã biết cách nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, nên có nhiều thời gian hơn để gặp những người mới và học thêm nhiều điều mới. Ông học được rất nhiều điều mới và cũng ghi chép rất nhiều, hết tới vài ba cuốn sổ mỗi ngày. Ông đặt tên cho từng cuốn sổ và sắp xếp chúng theo thứ tự bảng chữ cái. Sau đó, ông còn dùng những cuốn sổ có màu sắc khác nhau để ghi chép những chủ đề khác nhau, như sổ màu xanh dương cho Hóa học, màu xanh lá cho Sinh học, và màu đỏ cho Toán học. Một ngày nọ, ông phát hiện ra một loại cây thần kì, quả có khả năng chữa bách bệnh cho người, lá có thể cứu sống muôn loài vật nuôi, và cành cây có thể chế tác thành những dụng cụ tuyệt hảo. Ông bèn ghi vào cả ba cuốn sổ xanh lá, xanh dương và đỏ. Đến khi tra cứu lại, ông quên mất rằng mình phải tìm ở cả ba cuốn sổ. Tệ hại hơn, khi phát hiện ra một lỗi cần cải chính, ông quên mất rằng mình phải chỉnh sửa cả ba cuốn sổ…”
5.1 Tri thức hiện và Tri thức ẩn
Cũng giống như nhà thám hiểm trong câu chuyện, chúng ta tiếp xúc, đón nhận, loại trừ, và lưu trữ rất nhiều tri thức mỗi ngày. Vấn đề mà nhà thám hiểm gặp phải ở trên, ngày nay có thể được giải quyết rất đơn giản bởi các siêu dữ liệu (metadata) – hay nói đơn giản hơn, là dữ liệu về dữ liệu (data about data). Thay vì một cách phân mục đơn thuần như trong thư viện truyền thống, ta có thể phân dữ liệu theo một số metadata điển hình như: Tiêu đề, mô tả ngắn, thẻ, danh mục, người tạo, thời gian tạo, những người sửa đổi, thời gian của những lần sửa đổi, quyền truy cập, vị trí địa lý của dữ liệu gốc… Ngày nay, máy tính có thể giúp chúng ta làm tất cả những việc này một cách khá dễ dàng.
Tuy nhiên, từ trước khi có những tiến bộ hiện đại của công nghệ thông tin, người ta đã không chỉ lưu trữ tri thức trong sách vở, thư viện, mà còn trong cả những kho tàng dân gian, những kinh nghiệm truyền miệng.
• Tri thức hiện (Explicit knowledge): Các tri thức được hệ thống hóa trong văn bản, tài liệu, có thể lưu trữ, chuyển giao, diễn đạt và chia sẻ một cách dễ dàng. Ví dụ: các tài liệu, quy trình, chính sách, báo cáo, cơ sở dữ liệu…
• Tri thức ẩn (Tacit knowledge): Các tri thức mang tính cá nhân, gắn liền với bối cảnh và công việc cụ thể, khó hệ thống hóa, tiếp nhận và chia sẻ. Ví dụ: kinh nghiệm, cảm nhận cá nhân, sự thấu hiểu, sự kế thừa mang tính lịch sử…
Học giả người Nhật Nonaka Ikujiro(1) đã khởi xướng mô hình SECI nhằm mô tả quá trình vận động của tri thức. Trong đó, tri thức ẩn và tri thức hiện chuyển hóa qua bốn giai đoạn: Xã hội hóa (socialization), ngoại hóa (externalization), kết hợp (combination), và nội hóa (internalization).
Chú thích:
(1) Nonaka, Ikujiro. “A dynamic theory of organizational knowledge creation.” Organization science 5, no. 1 (1994): 14-37.
Mô hình SECI về sự luân chuyển tri thức (Nonaka và Takeuchi, 1994).
• Xã hội hóa (socialization): Tri thức ẩn của mỗi cá nhân được chia sẻ thông qua các trải nghiệm, hoạt động nhóm, cộng đồng.
• Ngoại hóa (externalization): Qua quá trình tư duy, tri thức ẩn thu được từ giai đoạn xã hội hóa sẽ biến đổi thành tri thức hiện. Các tri thức ẩn này sẽ được mã hóa dưới những hình thức khác nhau (ngôn ngữ hóa, hình ảnh, mô hình…), trở nên rõ ràng hơn và có thể được lưu lại như một dạng tri thức chung của tập thể.
• Kết hợp (combination): Tri thức hiện được hình thành trong giai đoạn ngoại hóa được sắp xếp, kết hợp để tạo thành một hệ thống tri thức hiện phức tạp hơn, có khả năng được chia sẻ rộng rãi hơn đến các nhóm khác trong và ngoài tổ chức.
• Nội hóa (internalization): Các tri thức hiện được tạo ra và chia sẻ trong toàn bộ tổ chức được chuyển hóa thành tri thức ẩn của mỗi cá nhân, tùy theo cách tiếp thu của mỗi người.
Sau quá trình Nội hóa, các tri thức ẩn này tiếp tục được chia sẻ thông qua một trình Xã hội hóa mới, khởi động cho một vòng xoáy SECI mới. Tốc độ vận động của vòng SECI biểu thị cho tốc độ tăng trưởng của tri thức trong một tập thể. Tương ứng với bốn giai đoạn luân chuyển tri thức, Nonaka và cộng sự của mình, Konno đã phân loại bốn dạng tài sản tri thức(1).
Bốn dạng Tài sản Tri thức (Nonaka và Konno, 1996)
Tài sản Tri thức kinh nghiệm Các tri thức ẩn chia sẻ được • Kỹ năng, ngón nghề cá nhân • Sự quan tâm, tình yêu, sự tin tưởng, an toàn • Sinh lực, đam mê, áp lực |
Tài sản Tri thức khái niệm Tri thức hiện được truyền qua hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ • Khái niệm • Thiết kế • Nhãn hiệu chính thức |
Tài sản Tri thức thủ tục Tri thức ẩn dùng hàng ngày trong hành động và trong thực tế • Bí quyết trong công việc • Thủ tục trong tổ chức • Văn hóa tổ chức |
Tài sản Tri thức hệ thống Tri thức hiện được lưu trữ và hệ thống hóa • Văn bản, đặc tả, tài liệu hướng dẫn • Cơ sở dữ liệu • Bằng phát minh, sở hữu trí tuệ |
Nếu bạn chỉ đơn thuần học như một cỗ máy mà không biết chia sẻ, tri thức của bạn không thể luân chuyển với cộng đồng xung quanh. Đồng thời, bạn cũng sẽ không học được những điều mới từ bạn bè, gia đình, cộng sự. Trong chương 7 – Học tập cộng tác, chúng ta sẽ tiếp cận thêm với một số phương thức để giúp cho quá trình luân chuyển tri thức của bạn được hiệu quả và đem lại nhiều giá trị hơn. Sơ đồ phân nhóm các hoạt động ở cuối cuốn sách này cũng sẽ đem lại cho bạn một góc nhìn đối sánh về các hoạt động trong sách, gợi ý các hoạt động hỗ trợ cho từng giai đoạn luân chuyển tri thức SECI.
Chú thích:
(1) Nonaka, I., & Konno, N. (1998). The Concept of “Ba”: Building a Foundation for Knowledge Creation. California Management Review, 40(3), 40–54. https://doi. org/10.2307/41165942
Khác biệt giữa Tri thức hiện và Tri thức ẩn
Tiêu chí so sánh |
Tri thức hiện |
Tri thức ẩn |
Định nghĩa |
Tri thức hiện là kiến thức có thể dễ dàng diễn đạt, viết và chuyển giao từ người này sang người khác |
Tri thức thu được từ kinh nghiệm của bản thân, không thể diễn đạt dễ dàng bằng lời nói hoặc hình ảnh |
Bản chất |
Khách quan, logic và mang tính kỹ thuật |
Chủ quan, thuộc về nhận thức, mang tính kinh nghiệm |
Khả năng mã hóa |
Mã hóa được |
Không mã hóa được |
Chuyển giao |
Dễ chuyển giao |
Khó chuyển giao |
Cơ sở có được |
Suy luận logic và trải nghiệm thực tế |
Trải nghiệm thực tế, phân tích chuyên sâu, quan sát, tìm hiểu… |
Ghi chép lại và lưu trữ |
Có thể ghi lại và lưu trữ dưới dạng thức vật lý/điện tử |
Rất khó ghi lại và lưu trữ |
5.2 Ghi chép Cornell
• Bạn đã thực hiện rất nhiều ghi chép, nhưng không đem lại hiệu quả như mình mong muốn?
• Khi đọc lại, bạn không thể hiểu được những gì mình ghi chép?
• Bạn đang tìm một cách ghi chép có hệ thống hơn?
Kỹ thuật ghi chép Cornell (hay Cornell’s note taking) được đưa ra vào khoảng những năm 1950 bởi Giáo sư Walter Pauk của Đại học Cornell với mục đích giúp sinh viên tối ưu hóa hiệu quả của việc ghi chép cho việc học tập, công việc hằng ngày. Kỹ thuật này hiện đã được phổ biến và giảng dạy như một kỹ năng học tập cần thiết ở rất nhiều trường đại học trên thế giới, nhờ vào độ hiệu quả đã được chứng minh qua các nghiên cứu (Quintus và cộng sự, 2012)(1).
Chú thích:
(1) Quintus, L., Borr, M., Duffield, S., Napoleon, L., & Welch, A. (2012). The impact of the Cornell note-taking method on students’ performance in a high school family and consumer sciences class. Journal of Family & Consumer Sciences, 30(1).
Bất cứ khi nào bạn cần đón nhận những luồng thông tin mới với khối lượng lớn, kỹ thuật ghi chép Cornell đều giúp bạn đạt được hiệu quả ghi chép tốt. Kỹ thuật này không chỉ giúp bạn ghi chép dễ dàng hơn bởi sự gọn gàng, logic, mà còn khiến bạn trở nên hứng thú với việc ghi chép, bởi bạn có thể ghi nhớ được các kiến thức lâu và sâu hơn.
1. Chuẩn bị
☐ Vở, sổ ghi chép hoặc một tờ giấy;
☐ Một chiếc bút;
☐ Một chiếc thước kẻ.
2. Tiến hành
• Bước 1. Chia trang giấy của bạn thành ba phần, bao gồm:
○ Một phần nhỏ (khoảng 1/5 trang) ở trên cùng của tờ giấy. Phần này để điền tên bài học và chủ đề;
○ Một phần (khoảng 2/5 trang giấy) ở cuối tờ giấy;
○ Ở phần giữa trang giấy, bạn chia thành hai cột: một cột nhỏ phía tay trái, chiếm 1/3 bề ngang và một cột lớn phía tay phải, chiếm 2/3 còn lại.
• Bước 2. Ghi chép theo thứ tự. Bạn hãy ghi chép lần lượt vào các cột theo thứ tự sau:
○ Ở cột lớn bên phải, hãy ghi những nội dung mà bạn lắng nghe được, theo đúng luồng nghe-hiểu của bạn, chứ không phải theo một dàn ý có sẵn.
○ Bạn nên để ra những khoảng trống giữa các đoạn ghi chép để có thể bổ sung, chỉnh lý mà không phải tẩy xóa nhiều.
○ Sau đó, hãy ghi vào cột bên trái các câu hỏi, ý chính, từ khóa.
• Bước 3. Tóm tắt
○ Sau khi đã thực hiện xong hai bước trên, lúc này, bạn cần che lại các ghi chú ở trên và cố gắng viết phần tóm tắt bằng tất cả những gì đọng lại trong trí nhớ của mình xuống khoảng trống dưới cùng của trang giấy.
Chiến thắng Bạch Đằng
|
|
- Bối cảnh |
- Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán – một trong mười nước thời Ngũ đại Thập quốc nằm liền kề với Tĩnh Hải quân – giành lại quyền tự chủ cho người Việt ở Tĩnh Hải quân, tự xưng là Tiết độ sứ. |
- Tại sao lại xảy ra cuộc chiến trên sông Bạch Đằng? |
- Năm 937, Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ. Con rể và là một tướng khác của Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn để trị tội phản chủ. Kiều Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. - Năm 938, lấy cớ giúp Kiều Công Tiễn, nhà Nam Hán đem quân sang xâm lược nước ta, do Hoằng Tháo chỉ huy. |
- Ngô Quyền là ai? |
- Ngô Quyền (898-944) - Là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 939-944. - Con rể của Dương Đình Nghệ. |
- Ngô Quyền đã dùng mưu kế gì? |
- Hoằng Tháo ngược sông Bạch Đằng tiến vào nước ta. - Ngô Quyền: cho quân cắm cọc nhọn ở sông Bạch Đằng. - Lợi dụng thủy triều lên che lấp cọc, nhử giặc vào bãi cọc. |
- Kết quả của trận đánh ra sao? |
- Thủy triều xuống, cọc nhô lên, quân ta mai phục. - Hoằng Tháo tử trận, quân Nam Hán thất bại hoàn toàn. |
- Ý nghĩa? |
- Giúp chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. - Được coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. |
Tóm tắt: Năm 937, Dương Đình Nghệ, người đánh đuổi quân Nam Hán khỏi nước ta, bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại. Ngô Quyền lúc bấy giờ là con rể và là tướng tài dưới trướng Đình Nghệ quyết báo thù Công Tiễn. Nhà Hán mượn cớ hỗ trợ Công Tiễn, đem quân sang xâm lăng nước ta. Ngô Quyền cho đóng cọc nhọn ở sông Bạch Đằng, lợi dụng thủy triều lên xuống để đánh bại hoàn toàn quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy. |
Định lý Pytago
|
|
- Định lý Pytago là gì? |
- Định lý Pytago (hay còn gọi là định lý Pythagoras theo tiếng Anh) là một liên hệ căn bản trong hình học Euclid giữa ba cạnh của một tam giác vuông. Định lý Pytago thuận phát biểu rằng trong một tam giác vuông bình phương cạnh huyền (cạnh đối diện với góc vuông) bằng tổng bình phương của hai cạnh góc vuông. Từ đó, định lý có thể viết thành một phương trình liên hệ giữa độ dài của các cạnh là a, b và c, thường gọi là công thức Pytago. - Ngoài ra, định lý Pytago là một trong 17 phương trình thay đổi thế giới. |
- Công thức Pytago |
- Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông: c2=a2+b2 (trong đó c độ dài là cạnh huyền, a,b lần lượt là độ dài hai cạnh góc vuông). |
- Định lý Pytago đảo là gì? |
- Nếu một tam giác có bình phương của một cạnh bằng tổng các bình phương của hai cạnh còn lại thì tam giác đó là tam giác vuông. |
- Những điều cần lưu ý |
- Cạnh huyền của tam giác vuông luôn: - Cắt ngang qua góc vuông mà không đi qua góc vuông; - Là cạnh dài nhất của tam giác vuông; - Cạnh huyền được gọi là C trong định lý Pytago. - Khi tính, bạn cần phải kiểm tra lại kết quả. - Nhìn vào hình, bạn sẽ biết đâu là cạnh huyền vì đó là cạnh dài nhất đối diện góc lớn nhất. Còn cạnh ngắn nhất sẽ đối diện góc nhỏ nhất của tam giác. - Ta chỉ tính được cạnh thứ ba khi biết độ dài hai cạnh còn lại trong tam giác vuông. - Nếu tam giác không phải là tam giác vuông, ta không thể áp dụng định lý Pytago mà sẽ tính được khi biết thêm thông tin ngoài chiều dài hai cạnh. - Bạn nên vẽ tam giác để dễ dàng gán giá trị chính xác cho các cạnh a, b và c. Đặc biệt, các bài toán từ và toán logic áp dụng nhiều hơn cả. |
Tóm tắt: Định lý Pytago thuận đã đưa ra công thức, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông: c2 = a2 + b2 (trong đó c độ dài là cạnh huyền, a và b lần lượt là độ dài hai cạnh góc vuông). Định lý Pytago đảo được sử dụng để chứng minh khi một tam giác có bình phương của một cạnh bằng tổng các bình phương của hai cạnh còn lại thì tam giác đó là tam giác vuông. |
3. Lưu ý
Nên
|
• Giữa các ý ở cột to, bạn nên viết giãn ra để có thể quay lại bổ sung nếu cần thiết; • Khi kết thúc bài học, hãy sang một trang mới. Điều này giúp bạn thuận lợi hơn trong việc xem lại các kiến thức đã học; • Sau khi hoàn tất bước 2, bạn chưa nên ghi phần tóm tắt ngay mà nên dành ra một vài tiếng ngắt quãng rồi mới ghi lại các tóm tắt. • Bạn có thể tham khảo tiêu chuẩn 6R dưới đây để đảm bảo việc ghi chép của mình đạt được hiệu quả: ○ Record (Ghi chép): Các thông tin được ghi chép đầy đủ; ○ Reduce (Vắn tắt): Các thông tin đã được ghi chép tóm lược theo ý; ○ Recite (Gợi nhớ): Bản ghi chép đảm bảo có thể trình bày lại được trọn vẹn nội dung; ○ Review (Xem lại): Bản ghi chép nên được xem đi xem lại; ○ Reflect (Phản tư): Bản ghi chép có thể được sử dụng để đặt câu hỏi cho người trình bày, liên hệ và chiêm nghiệm về bản thân; ○ Recapitulate (Tóm tắt): Toàn bộ nội dung ghi chép đã được tóm tắt lại. |
Không nên
|
• Kẻ ngay phần tóm tắt từ lúc đầu, bởi có thể bài học của bạn sẽ rất dài. Phần tóm tắt chỉ nên kẻ khi ta đã kết thúc bài học; • Ghi bài theo dàn ý mà giáo viên đã cho sẵn, bạn nên ghi theo mạch nghĩ của mình để bản thân có thể ghi nhớ hiệu quả nhất; • Hoàn thành việc tóm tắt ngay khi ở trên lớp. Vì lúc này, các kiến thức chưa kịp lắng đọng. Bạn có thể hoàn thành khi về nhà, miễn sao không quá 1~2 ngày từ khi học xong, bởi đó là thời điểm não bộ của bạn vẫn còn kịp ghi nhớ những điều vừa diễn ra trong lớp học. |
Mẫu Ghi chép Cornell tiếng Anh
5.3 Sơ đồ KWLH
• Bạn lúng túng, không tự tin về một chủ đề nào đó?
• Bạn không biết cách đọc-hiểu của mình bây giờ có thực sự hiệu quả hay không?
• Bạn muốn cải thiện kiến thức của mình về một chủ đề, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu?
Mô hình KWL được Donna Ogle, giáo sư chuyên ngành Đọc và Ngôn ngữ học người Mỹ, lần đầu tiên giới thiệu năm 1986 như một hình thức tổ chức hoạt động đọc hiểu(1). Gần đây, mô hình KWL không chỉ được giới hạn ở các hoạt động đọc, mà còn được ứng dụng cho các hoạt động học tập khác.
Chú thích:
(1) Ogle, D. M. (1986). KWL: A teaching model that develops active reading of expository text. The reading teacher,39(6), 564-570.
KWL là viết tắt của ba từ:
Know (What we know - những gì ta đã biết)/ (What I know);
Want (What we want to learn - những gì ta muốn biết)/ (What I want to learn);
Learn (What we learned - những gì ta học được)/ (What I learned).
Sau này, Ogle bổ sung thêm cột H (How can I/we learn more? - Ta có thể học thêm nhiều nữa bằng cách nào?). Bởi vậy, ta có thể bắt gặp phiên bản mở rộng của KWL là KWLH.
Biểu đồ KWLH được sử dụng để:
Xác định kiến thức đã có về một chủ đề
Đặt ra mục tiêu cho hoạt động học tập;
Giúp người học tự giám sát quá trình học tập;
Giúp người học tự đánh giá quá trình học tập;
Tạo cơ hội cho người học diễn tả các ý tưởng bên ngoài khuôn khổ bài học.
1. Chuẩn bị
☐ Xác định chủ đề học tập.
☐ Xác định phương thức xây dựng bảng KWLH (theo nhóm hoặc cá nhân).
2. Tiến hành
• Bước 1. Bạn cần thực hiện hoạt động động não (brainstorming) và ghi lại tất cả những gì mình biết về chủ đề bài học, chủ đề bạn muốn học tập vào cột K.
• Bước 2. Bạn hãy lên danh sách các câu hỏi về những vấn đề mà mình muốn biết thêm và điền vào cột W.
• Bước 3. Trong hoặc sau khi hoàn tất quá trình học tập, hãy tự trả lời những câu hỏi ở cột W và ghi đáp án vào cột L.
• Bước 4. Trong trường hợp bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa các thông tin mở rộng, hãy ghi các phương pháp học tập có thể triển khai vào cột H. Bạn sẽ hỏi ai, trao đổi với ai, tìm thêm tài liệu qua kênh nào, ở đâu?
Ví dụ KWLH giúp bạn học tập môn Văn
Ví dụ KWLH giúp bạn học tập môn Sinh
3. Lưu ý
Nên
|
• Trong trường hợp xây dựng biểu đồ theo nhóm, mỗi khi có một ý tưởng mới được đưa ra, người chủ trì cần hỏi các thành viên khác xem họ có cùng chia sẻ ý tưởng đó không. Nếu có nhiều người cùng tán thành thì nên thảo luận để lựa chọn câu từ phù hợp nhất rồi mới ghi lại; • Sơ đồ cần phải được lưu trữ cẩn thận sau khi hoàn thành hai bước K và W, vì bước L có thể sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể tiếp tục thực hiện. • Hãy dành thời gian cho quá trình động não ban đầu. Một cách đơn giản, bạn chỉ cần tự mình nói ra: “Tôi đã biết…” Nếu cảm thấy khó khăn, bạn có thể hỏi những người bạn của mình xem họ đã biết những gì, từ đó xây dựng một danh sách những thứ mà mình đã/chưa biết. • Nếu bạn được hỏi: “Em/bạn muốn biết thêm điều gì về chủ đề này?” và câu trả lời của bạn. |
Không nên
|
• Trong quá trình liệt kê các chủ đề và câu hỏi, chúng ta thường tập trung vào những gì mà bản thân mình hứng thú nên sẽ khó tránh khỏi sai sót. Bởi vậy, bạn không nên can thiệp vào quá trình người khác điền thông tin vào cột K. Nếu phát hiện ai đó điền một thông tin chưa chính xác ở cột K, hãy trao đổi với họ về những câu hỏi ở cột W tương ứng, để họ tự tìm ra câu trả lời của riêng mình. |
5.4 Sơ đồ Tư duy - Mindmap
• Bạn chưa biết cách để hệ thống các kiến thức?
• Bạn muốn tìm ra một cách học giúp mình ghi nhớ, liên kết các kiến thức dễ dàng hơn?
Sơ đồ Tư duy (Mindmap) là một phương pháp ghi chép được phát triển vào cuối thập niên 1960 bởi Tony Buzan, một nhà tâm lý học, cố vấn giáo dục người Anh. Ban đầu, Buzan sử dụng nó để giúp học sinh của mình ghi lại bài giảng bằng các từ khóa và hình ảnh. Đến giữa thập niên 1970, Peter Russell, một chuyên gia về tâm lý và thiền đã kết hợp cùng với Tony Buzan và phổ biến nó rộng rãi tới nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả các tập đoàn kinh doanh lớn và các đơn vị giáo dục.
Sơ đồ Tư duy thực chất là một cách để ghi chép dàn ý bằng từ khóa và giản đồ. Thay vì dùng chữ viết để mô tả cấu trúc nội dung theo trình tự từ trên xuống dưới, Sơ đồ Tư duy cho phép người học có thể sử dụng kiến thức của mình để biểu thị mối liên kết giữa các đối tượng, khái niệm trên mặt phẳng hai chiều.
• Sự mở rộng hiển thị các liên kết giúp người học có được hình dung tốt hơn, bao quát hơn về tổng thể của vấn đề, từ đó, giúp bạn có thể củng cố hiệu quả các kiến thức;
• Ngoài ra, sự kết hợp hình ảnh với các từ khóa cũng giúp người học có thể nhìn nhận và ghi nhớ đơn giản, nhanh chóng hơn.
Với phương thức ghi dàn ý bằng chữ viết thông thường, ta hay gặp khó khăn khi muốn bổ sung thêm một ý vào giữa văn bản, hay tạo một liên kết giữa hai khái niệm ở đầu và cuối văn bản. Thay vì ghi chép theo từng dòng, Sơ đồ Tư duy cho phép bạn ghi chép từ giữa, từ ý tưởng trung tâm ra, cho phép ta có thể liệt kê gần như không giới hạn các ý tưởng cùng lúc, sắp xếp các ý đó thành những nhóm gần nhau và có thể quay lại bổ sung bất cứ lúc nào. Bởi vậy, đây là một công cụ rất hữu ích khi bạn cần:
• Ghi chép chi tiết về cấu trúc của một chủ đề, sự kiện, bài giảng…;
• Tổng kết dữ liệu về vấn đề đang triển khai;
• Động não để tìm ra ý tưởng;
• Trình bày, thuyết trình một khối lượng thông tin lớn, có mối quan hệ phức tạp;
• Giản lược việc miêu tả các đối tượng, khái niệm để ghi nhớ tốt hơn.
1. Chuẩn bị
☐ Các loại bút khác nhau
☐ Một hộp bút màu
☐ Một tờ giấy lớn/ Sổ ghi chép/ Vở
2. Tiến hành
• Bước 1. Bạn hãy chọn một từ khóa/ biểu tượng về đề tài cần ghi chép. Bạn hãy viết hoặc vẽ từ khóa/ biểu tượng này vào giữa trang giấy và bao lại bằng một đường tròn;
• Bước 2. Bạn hãy liệt kê các ý chính, đối tượng quan trọng xung quanh đường tròn ban đầu và kết nối chúng với đường tròn trung tâm bằng các đường nối, hoặc mũi tên (chỉ quan hệ nhân-quả).
• Bước 3. Từ mỗi ý chính bạn đã liệt kê ở bước 2, hãy tiếp tục vẽ các phân nhánh với các ý phụ bổ sung cho ý đó.
• Bước 4. Tiếp tục vẽ các phân nhánh mới cho các ý phụ, cho đến khi đạt được sự mô tả chi tiết mà bạn mong muốn;
• Bước 5. Tìm và kết nối các ý có liên quan tới nhau bằng các đường nối hoặc mũi tên, bất kể đó là ý chính hay phụ.
Một số website miễn phí: Canva.com, Miro.com, Mural.com Mindtools.com
Ví dụ: Sơ đồ Tư duy trong môn Khoa học
3. Lưu ý
Nên
|
• Quá trình thiết lập Sơ đồ Tư duy có thể tiến hành theo cá nhân hoặc theo nhóm đều được; • Trên Sơ đồ Tư duy hãy chỉ viết các từ khóa, hoặc nội dung ngắn nhất có thể; • Sử dụng các nhóm màu sắc khác nhau cho các từ khóa ở những nội dung gần nhau; • Sử dụng các đường viền bao quanh giống nhau cho các từ khóa có mối liên hệ gần nhau; • Có thể sử dụng các kiểu viết linh hoạt khi thiết lập Sơ đồ Tư duy như: gạch chân, viết nghiêng, viết đậm, in hoa,... |
Không nên
|
• Trong quá trình thiết lập Sơ đồ Tư duy, bạn không nên viết quá nhiều, thay vào đó hãy sử dụng các hình mô tả nhiều nhất có thể; • Nếu Sơ đồ Tư duy được sử dụng để phục vụ cho quá trình Động não, dù là thực hiện cá nhân hay theo nhóm, thì không nên phán xét trong quá trình liệt kê các ý tưởng, từ khóa. |
Sơ đồ Tư duy (mindmap) sẽ thực sự hữu ích trước đó bạn đã tiến hành ghi chép theo kỹ thuật Cornell. Nếu không, quá trình xây dựng Sơ đồ Tư duy của bạn rất dễ lan man, khiến cho sản phẩm trông có vẻ bắt mắt nhưng thực chất lại giúp ích rất ít cho quá trình học.
5.5 Kỹ thuật đọc sách SQ3R
“Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc.”
– Mark Twain
• Bạn cảm thấy cách đọc sách của mình chưa được hiệu quả?
• Bạn đang muốn hệ thống những kiến thức mình đã đọc?
Không những là công cụ để mài giũa tư duy, mở rộng tri thức, sách còn là người bạn tuyệt vời giúp ta khám phá và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, với khối lượng sách vở, tài liệu khổng lồ cần nghiên cứu, việc đọc như nào cho hiệu quả trở thành một bài toán nan giải. Chúng ta có thể quên béng mất nội dung của tài liệu, cuốn sách chỉ vài giờ đồng hồ sau khi đọc. Chính do quá trình quên nhanh chóng các nội dung quan trọng này, chúng ta thường không thể kết nối kiến thức, không thể thành công trong các kỳ thi và không thể hoàn thành tốt công việc của chính bản thân mình. Điều này xảy ra là do trong quá trình đọc tài liệu, chúng ta đã đọc một cách “thụ động”. Cặp mắt của chúng ta vẫn lướt trên tài liệu, nhưng bộ não của chúng ta lại đang nhảy múa với những ý tưởng khác hoặc hờ hững với nội dung của tài liệu.
Để giải quyết vấn đề trên, phương pháp SQ3R đã được đề xướng trong tác phẩm Các phương thức chẩn đoán và khắc phục để có thể học tập hiệu quả vào năm 1970 của Robinson Francis Pleasant(1). Đây là một kỹ thuật đọc hữu hiệu, giúp chúng ta nắm hết toàn bộ nội dung của một tài liệu, một cuốn sách,… thông qua việc chú tâm đọc tài liệu một cách tích cực. Phương pháp này đã được nhiều trường đại học trên thế giới khuyến khích sinh viên sử dụng để nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu.
Chú thích:
(1) Robinson, F. P. (1941). Diagnostic and remedial techniques for effective study.
Các chữ cái SQ3R là từ viết tắt của các kỹ thuật mà chúng ta sẽ sử dụng liên tiếp để đạt đến mục đích cuối cùng là nắm toàn bộ nội dung của tài liệu một cách ít tốn thời gian nhất, cùng với khả năng nhớ cũng như vận dụng kiến thức của bạn cũng tốt hơn.
• S – Survey (Khảo sát);
• Q – Question (Đặt câu hỏi);
• R – Read (Đọc);
• R – Recite (Gợi nhớ);
• R – Review (Xem lại).
1. Chuẩn bị
☐ Cuốn sách bạn muốn đọc;
☐ Bút viết;
☐ Giấy ghi chú;
☐ Tờ giấy, cuốn sổ để viết lại các thông tin quan trọng.
2. Tiến hành
• Bước 1: Survey - Khảo sát
Trong quá trình này, bạn hãy chỉ tập trung vào những thông tin chung, những ý lớn của văn bản thay vì những thông tin quá chi tiết. Bằng cách tìm hiểu kết cấu nội dung chính này, bạn sẽ có thể dễ dàng hình dung được những thông tin mình sắp đọc. Điều này giúp bạn chủ động chọn đọc những phần trọng tâm, cũng như có cách tiếp cận nội dung hiệu quả hơn. Hãy xác định:
○ Tựa đề và các đề mục.
○ Các khái niệm và từ khóa.
○ Phần giới thiệu của từng chương.
○ Phần tóm tắt hoặc/và kết của mỗi chương.
○ Các từ khóa trong câu đầu tiên và câu cuối cùng của mỗi đoạn.
Đồng thời, bạn cũng có thể dành thời gian để xem lướt qua:
○ Tranh ảnh, bảng, biểu.
○ Các câu hỏi được tác giả liệt kê.
○ Các từ được bôi đậm và in nghiêng.
• Bước 2: Question - Đặt câu hỏi
Khi bạn thực hiện quá trình khảo sát, hãy đồng thời chuyển các tựa đề, đề mục chính, phụ thành các câu hỏi và trả lời các câu hỏi này trong lúc đọc. Việc liên tục đặt câu hỏi sẽ gợi cho bạn sự tò mò tìm hiểu câu trả lời, cũng như giúp bạn tăng khả năng tập trung và sáng tạo.
Trước khi đọc, bạn hãy chuyển tất cả những tiêu đề thành các câu hỏi, nhiều nhất có thể.
Đừng quên bổ sung những câu hỏi mới trong quá trình đọc.
Bạn có thể tham khảo Ma trận Câu hỏi của Wiederhold (1993) (trong chương 8).
• Bước 3: Read - Đọc
Sau khi khảo sát và phát triển một số câu hỏi, hãy bắt đầu đọc một cách có định hướng và luôn bám sát các câu hỏi của bạn. Điều này giúp bạn luôn theo sát mục tiêu của mình, tránh tình trạng đọc lan man và “quá tải” thông tin.
○ Đọc từng phần một.
○ Không chuyển sang phần kế tiếp nếu bạn chưa đặt ra được câu hỏi nào cho phần hiện tại.
○ Luôn luôn nhắc nhở bản thân về việc khởi tạo những câu hỏi mới.
Bên cạnh đó, bạn có thể ghi nhớ thông tin bằng một số cách sau:
○ Vẽ Sơ đồ tư duy;
○ Viết lại những ý chính, từ khóa vào giấy nhớ bạn đã chuẩn bị. Bạn có thể ghi chú ngay trong lúc đọc hoặc sau khi đọc hết một phần/chương, tùy vào sở thích cá nhân của bạn;
○ Dùng bút dạ quang để tô những ý quan trọng.
• Bước 4: Recite - Gợi nhớ
Gợi nhớ là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình đọc-hiểu và lưu giữ thông tin. Việc gợi nhớ sẽ đảm bảo rằng bạn đã hiểu những gì vừa đọc và giúp bạn vận dụng kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là bước khó khăn nhất và có thể mất nhiều thời gian hơn cả đọc sách. Vì thế, việc gợi nhớ này thường chỉ được áp dụng khi các bạn cần ghi nhớ thông tin, thuyết trình, hay ôn tập thi cử,…
Bạn có thể áp dụng một số cách sau để việc gợi nhớ dễ dàng và hiệu quả hơn:
○ Cố gắng nhớ lại thật nhiều thông tin mà không nhìn sách;
○ Sau đó mở sách ra kiểm tra lại, đọc thêm một lần nữa rồi lại cố gắng nhớ nhiều nhất có thể. Lần đọc thứ hai bạn sẽ nhớ nhiều hơn lần đầu, và lần đọc thứ ba bạn sẽ nhớ nhiều hơn lần thứ hai;
○ Sau một hồi đọc, hãy tạm dừng và gợi lại những câu hỏi bạn đã đặt ra lúc đầu, xem liệu bạn có thể trả lời chúng với trí nhớ vừa được cập nhật không.
○ Không chuyển sang phần kế tiếp nếu bạn chưa khơi ra được một số ý để trả lời các câu hỏi của bạn, dựa trên nội dung của phần hiện tại. Đôi lúc, câu trả lời cho câu hỏi lại có thể xuất hiện từ những chương trước đó.
○ Tập giảng giải lại nội dung đó cho bạn bè hoặc cho em của bạn. Nếu có thể dùng cách nói của riêng mình để khiến người khác hiểu được vấn đề, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang vận dụng hiệu quả kiến thức của mình.
• Bước 5: Review - Xem lại
Gọt giũa lại những mảnh ghép mới xây và đặt chúng vào bức tranh lớn hơn. Lúc này, bạn hãy trở lại với những câu hỏi mình đã đặt ra ở Bước 2 và tự trả lời chúng mà không cần dựa vào sách. Bạn có thể trả lời bằng cách viết ra những hiểu biết của mình hoặc phác thảo hình vẽ, sơ đồ tư duy để tóm tắt, sắp xếp và tổ chức lại các thông tin.
○ Nhìn lại những câu hỏi mà bạn đã đặt ra cho từng phần.
○ Giờ, liệu bạn (vẫn còn) có thể trả lời tất cả những câu hỏi đó?
○ Nếu như có một (vài) câu hỏi mà bạn không trả lời được vào thời điểm này, hãy đọc lại phần sách tương ứng để làm tươi mới lại bộ nhớ của mình trước khi chuyển sang hoạt động khác.
3. Lưu ý
Nên
|
• Ở bước đặt câu hỏi, bạn nên đặt câu hỏi cho cả cuốn sách, cho từng phần và từng chương. Tuy nhiên, với mỗi nội dung, bạn chỉ nên đặt khoảng ba câu hỏi, vì quá nhiều câu hỏi sẽ dễ khiến bạn bị rối; • Khi viết lại những từ khóa hoặc ý chính ở bước đọc, bạn hãy cố gắng khái quát lại thông tin, viết vắn tắt nhất có thể, và chỉ sử dụng khoảng một, hai tờ giấy nhớ để đảm bảo việc ghi chú có tác dụng; • Nếu có quá nhiều nội dung cần học, bạn hãy chia nhỏ ra thành nhiều phần và mỗi ngày ôn từ 1-2 phần; • Cá nhân hóa hành trình đọc của bạn bằng cách kết nối các từ khóa, thông tin, khái niệm, câu hỏi với những dữ liệu, câu chuyện của riêng bạn.. |
Không nên
|
• Trong quá trình đọc, khi sử dụng bút dạ quang để tô các thông tin quan trọng, bạn cần chú ý không tô nhiều hơn 20% thông tin trong văn bản. Nếu tô nhiều hơn, tức là bạn đang tô quá nhiều và không hiệu quả; • Trong toàn bộ quá trình thực hiện phương pháp SQ3R, bạn không nên đọc thầm trong đầu, bởi đọc thành tiếng và viết lại mới là cách ghi nhớ hiệu quả. |
5.6 Chiến lược tìm kiếm thông tin
• Bạn bị chóang ngợp trong bể thông tin mỗi khi phải tìm kiếm về một chủ đề?
• Bạn muốn cải thiện chất lượng và hệ thống hóa các thông tin mà mình đang tìm kiếm?
• Bạn muốn học được những điều mới trong chính quá trình tìm kiếm thông tin?
Xác định những loại hình dữ liệu khác nhau
Mỗi khi cần tìm kiếm thông tin, bạn thường vào Google, gõ một vài từ khóa và sau đó lướt dần qua các trang kết quả? Chúng tôi gọi đó là một thói quen tìm kiếm ‘lạc trôi’ – bạn đã tự tạo ra một dòng chảy hỗn độn, một dòng chảy có khả năng nhấn chìm chính bản thân bạn. Để tránh tạo ra một con nước xoáy có khả năng tự cuốn trôi mình, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định được các loại hình thông tin, tài liệu khác nhau. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số loại hình thông tin và tài liệu khoa học cơ bản, tham khảo từ phân mục của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan)(1):
Chú thích:
(1) Xem thêm tại https://www.elsevier.com/authors
• Bài báo (articles):
○ Bài báo trên tạp chí khoa học (Journal article): Được viết bởi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong những chuyên ngành hẹp cụ thể, được bình duyệt (peer-review – phản biện bởi những người trong cùng chuyên ngành) trước khi xuất bản.
○ Bài viết trên tạp chí phổ thông (Magazine): Được viết bởi các nhà báo, hướng tới đối tượng độc giả đại chúng cùng có sự quan tâm với một chủ đề hẹp.
○ Bài viết trên báo phổ thông (Newspaper): Được viết bởi các nhà báo để cập nhật các tin tức, vấn đề hàng ngày.
○ Bài viết dạng quan điểm, góc nhìn (Op-ed): Được viết bởi các chuyên gia trong một lĩnh vực, thể hiện một quan điểm, góc nhìn về một chủ đề nào đó, thường được đăng tải trên báo phổ thông.
• Sách:
○ Sách chuyên khảo (Monograph): Sách về một chủ đề chuyên ngành cụ thể.
○ Từ điển: Các loại sách mang tính tra cứu, như từ điển bách khoa (Encyclopedia), từ điển (dictionary).
• Dữ liệu:
○ Các công thức (Toán, Lý)
○ Bảng và biểu
○ Phản ứng hóa học
○ Bộ dữ liệu
○ Bản đồ, dữ liệu địa lý
• “Các tài liệu vùng xám”:(1)
○ Bài kỷ yếu hội thảo: Bài viết, bài thuyết trình, poster tham dự các hội thảo khoa học.
○ Sách trắng (white paper): Tài liệu mang tính lập pháp, phác thảo những xu hướng trong tương lai, hoặc kêu gọi hành động về một nội dung nào đó.
○ Bằng sáng chế (Patent): Quyền sở hữu sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trao cho những ý tưởng, phát minh.
○ Khóa luận đại học, Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ.
○ Báo cáo kỹ thuật (Technical report): Được thực hiện bởi cá nhân hoặc tổ chức có chuyên môn về một chủ đề cụ thể, theo một dự án cụ thể.
Chú thích:
(1) Vùng xám (Grey area) chỉ các tài liệu mà trong quá trình công bố có sự tham gia của các hoạt động phản biện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hoạt động phản biện này không bắt buộc phải đạt tới mức độ khắt khe và nhất quán về chất lượng như quy trình phản biện của các tạp chí khoa học.
Phát triển Chiến lược tìm kiếm thông tin
Việc hiểu rõ các loại tài liệu khác nhau mới chỉ là bước chuẩn bị vô cùng cơ bản cho việc tìm kiếm thông tin của bạn. Nó giống như trước khi bắt đầu nấu ăn, bạn cần phải biết chiếc chảo nào dùng để chiên, rán và chảo nào dùng để xào. Tất nhiên, nếu bạn không quan tâm mấy đến sự thất thóat nhiệt lượng và sự khác biệt về cấu trúc của đồ ăn do cơ chế phân bổ nhiệt, bạn cũng có thể dùng chảo xào cho việc chiên, rán và ngược lại. Sau khi đã phân biệt được các loại dụng cụ, bạn vẫn phải đối mặt với vấn đề triết học lớn nhất của mọi thời đại: "Hôm nay ăn gì?" Đối với các nghiên cứu thực nghiệm, câu hỏi “Nghiên cứu cái gì bây giờ?” cũng không dễ dàng tìm được câu trả lời. Ma trận Watson là một gợi ý để bạn có thể tư duy sâu hơn trong quá trình này, trước khi thực sự bắt tay vào tìm kiếm thông tin cho nghiên cứu của mình.
Ma trận Watson (Watson, 1994)(1)
CÁI GÌ? |
TẠI SAO? |
• Điều gì, câu hỏi nào khiến tôi tò mò? • Tôi muốn biết thêm/ hiểu rõ hơn về điều gì? • Các câu hỏi nghiên cứu chính của tôi là gì? • Nếu đó là một dự án được khởi xướng bởi một tổ chức, thì ai là người liên hệ chính? |
• Tại sao vấn đề này sẽ được người khác quan tâm? • Ai sẽ quan tâm đến các kiến thức được tạo ra? • Nghiên cứu này có thể coi là có “đóng góp cho kho tàng kiến thức của nhân loại” không? • Tại sao tôi lại là người thích hợp để thực hiện dự án này? |
THẾ NÀO? (Lý thuyết) |
THẾ NÀO? (Thực hành) |
• Tôi có thể rút ra được những mô hình, khái niệm, và lý thuyết nào? • Làm thế nào để tập hợp những nhận định mới đó lại, tạo thành một khung khái niệm cơ bản để định hướng quá trình nghiên cứu của tôi? |
• Tôi sẽ sử dụng những phong cách và kỹ thuật nghiên cứu nào để thu thập dữ liệu, phân tích khung lý thuyết và áp dụng nó vào thực tế? • Làm thế nào để tôi có được và duy trì quyền truy cập vào các nguồn thông tin? |
Sau khi đã “động não” về chủ đề nghiên cứu của mình với Ma trận Watson, bạn có thể bắt tay vào tìm kiếm các tài liệu hỗ trợ:
Chú thích:
(1) Tổng hợp từ Watson, T.J. (1994) ‘Managing, crafting and researching: words, skill and imagination in shaping management research’, British Journal of Management, 5, 77-87.
• Viết ra câu hỏi nghiên cứu của bạn.
• Xác định những khái niệm chính:
○ Liệt kê các từ khóa chính;
○ Bổ sung các từ đồng nghĩa;
○ Kiểm tra các tiền tố, hậu tố hay đi cùng với các từ khóa này;
○ Kiểm tra chính tả (nhất là giữa tiếng Anh-Anh và tiếng Anh-Mỹ, nếu bạn tìm kiếm tài liệu tiếng Anh).
• Xác định khung thời gian cho quá trình tìm kiếm.
• Lựa chọn thư viện, cơ sở dữ liệu phù hợp:
○ Thư viện truyền thống của trường đại học, thành phố, địa phương…
○ Các cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến: Google Scholar, Clarivate Analytics, Scopus, Research Gate, Semantic Scholar, PubMed, OSTI.gov…
○ Các cơ sở dữ liệu trực tuyến của các nhà xuất bản: Science Direct (NXB Elsevier), Springer, Emerald, Taylor and Francis, Wiley…
• Tìm kiếm thông tin:
○ Kết hợp các từ khóa khác nhau;
○ Tìm kiếm những chủ đề lân cận.
• Rà soát và làm mịn các kết quả tìm kiếm:
○ Đánh giá kết quả tìm được, lưu lại những kết quả quan trọng và từ đó tiếp tục tìm kiếm những từ khóa, câu hỏi quan trọng;
○ Xác định những nguồn dữ liệu phù hợp nhất (ví dụ như một tác giả, thư viện, cuốn sách, hoặc tạp chí cụ thể);
○ Nếu dùng Google Scholar, bạn cũng có thể tạo những thông báo tự động nhận những kết quả tương tự mỗi khi có những dữ liệu mới.
Đối với việc tìm kiếm thông tin trên không gian số, một số lưu ý dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều:
• Khi tìm kiếm trên Google, bạn có thể giới hạn kết quả tìm kiếm ở một số website bằng cách thêm vào trước từ khóa một số kí tự về tên miền:
○ .gov (tên miền của các tổ chức chính phủ);
○ .org (tên miền của các tổ chức phi lợi nhuận);
○ .edu (tên miền của các tổ chức giáo dục).
• Sử dụng các cú pháp tìm kiếm Boolean khi tìm kiếm trong thư viện, hay trong các cơ sở dữ liệu khoa học như Clarivate Web of Science hay Scopus:
Các biểu thức Boolean được sử dụng trong các ngôn ngữ lập trình. Các giá trị Boolean thường có giá trị đúng (true) hoặc sai (false). Một biểu thức Boolean có thể bao gồm các hằng số Boolean, các biến Boolean, các toán tử Boolean và các hàm có giá trị Boolean. Ngày nay, việc sử dụng các biểu thức Boolean trong việc tìm kiếm dữ liệu trở nên khá phổ biến đối với hầu hết các cơ sở dữ liệu khoa học(1).
Chú thích:
(1) Xem thêm Gries, D., & Schneider, F. B. (2013). A logical approach to discrete math. Springer Science & Business Media.
○ Sử dụng cấu trúc AND khi bạn muốn kiếm tìm các kết quả có sự giao thoa, liên hệ giữa hai từ khóa. Ví dụ:“Education” AND “Vietnam”. Lưu ý, hàm này sẽ giới hạn kết quả tìm kiếm so với việc chỉ sử dụng từ khóa thông thường.
○ Sử dụng cấu trúc OR khi bạn muốn hiển thị các kết quả chứa một từ khóa bất kì trong hai từ khóa. Ví dụ: “Education” OR “Vietnam”. Lưu ý, hàm này sẽ mở rộng kết quả tìm kiếm, bạn có thể nhận ra một số ý tưởng mới, nhưng cũng có thể bị chóang ngợp trong các kết quả.
○ Sử dụng cấu trúc NOT khi bạn muốn loại trừ các kết quả liên quan tới một từ khóa nhất định. Ví dụ, “Education” NOT “Vietnam”.
○ Sử dụng ngoặc đơn để thiết lập thứ tự ưu tiên. Ví dụ, (“Education” OR “Training”) AND “Vietnam” sẽ khác với“Education” OR (“Training” AND “Vietnam”.
○ Sử dụng dấu hoa thị (*) như một kí tự đại diện (wildcard), thay thế cho nhiều kí tự khác. Ví dụ, Organi*ation sẽ thay thế cho cả Organization và Organisation, điều này rất tiện lợi, giúp bạn không bỏ lỡ những từ khóa có sự khác biệt trong cách đánh vần Anh-Anh và Anh-Mỹ.
• Đối với một số cơ sở dữ liệu, khi bạn kết thúc từ khóa bằng dấu hoa thị, nghĩa là bạn gán dấu hoa thị cho mọi hậu tố khác. Đây gọi là kỹ thuật tìm kiếm truncation. Ví dụ, Organi* sẽ tương với tất cả những từ như Organization, Organisation, Organise, Organize, Organizational, Organisational…
• Đối với một số cơ sở dữ liệu, để có thể tiến hành kỹ thuật tìm kiếm truncation, bạn phải thay dấu hoa thị bằng dấu thăng: Organi#
• Khi sử dụng Boolean search với công cụ tìm kiếm Google:
○ Bạn có thể thay thế AND bằng dấu cộng (+), NOT bằng dấu trừ (-), viết liền trước từ khóa cần thêm/bớt, không có khoảng cách. Ví dụ, cú pháp Vietnamese Education -university sẽ đưa ra các kết quả về giáo dục Việt Nam, nhưng không bao gồm các kết quả có chứa từ university.
○ Cú pháp OR có thể được thay thế đơn thuần bằng cách đặt hai từ khóa trong ngoặc kép bên cạnh nhau, ví dụ“Education” “Vietnam”.
• Một số kỹ thuật tìm kiếm khác trên Google:
○ Giới hạn định dạng tài liệu mà bạn tìm kiếm bằng cú pháp filetype:pdf, hoặc *pdf. Bằng cách này, bạn có thể tùy chọn, giới hạn kết quả ở các dạng file hình ảnh (png, jpeg, gif), tài liệu (doc, docx, pdf), trang tính (xls, xlsx) hay trình chiếu (ppt, pptx).
○ Đôi lúc, bạn tìm thấy một website của một đơn vị nào đó rất thú vị và muốn tìm kiếm tài liệu trong chính website đó. Tuy nhiên, bản thân website đó lại không có một công cụ tìm kiếm đủ mạnh để trả cho bạn những kết quả từ nhiều nhiều năm trước. Khi ấy, bạn có thể sử dụng cấu trúc như sau: “site:vnies.edu.vn giáo dục giới tính”.
○ Khi tìm kiếm trên Google, nếu liên kết bị hỏng không vào được, bạn có thể nhấn vào hình tam giác nhỏ ở phía cuối dòng đầu tiên của mỗi kết quả, sau đó nhấn xem cache (bản lưu). Hệ thống sẽ chuyển bạn tới bản lưu gần nhất mà Google lưu trữ.
• Tìm kiếm dữ liệu từ “Cỗ máy thời gian”:
○ Đôi lúc, bạn muốn tìm kiếm thông tin từ những website không còn tồn tại? Bạn có thể truy cập vào “Cỗ máy thời gian” (Wayback Machine) tại địa chỉ https://archive.org/. Tại đây, bạn chỉ cần gõ tên website mình cần tìm kiếm, hệ thống sẽ trả cho bạn những “bản chụp” website đó tại các mốc thời điểm khác nhau. Mặc dù đó chỉ là những “bản chụp”, nhưng bạn cũng sẽ tìm kiếm được khá nhiều các “kho báu cổ xưa”, khi Internet còn đang trong thời kì mới phát triển.
Đánh giá các tài liệu
Sau một hồi tìm kiếm, bạn đã thu về cả núi tài liệu. Thế nhưng, không phải tài liệu nào trong số chúng cũng có thể tiếp tục được đưa vào sử dụng. Thế giới càng ngày càng có nhiều thông tin, nhưng trong đó cũng bao gồm cả những “thông tin rác” mà ta không nên tiêu tốn thời gian. Hai nhà nghiên cứu Miller Lee và John Brewer đã giới thiệu phương pháp 4R để đánh giá các tài nguyên mà chúng ta tìm kiếm được, trước khi thực sự sử dụng chúng(1). 4R bao gồm: Reason (Về mặt lý trí), Readability (Mức độ dễ đọc), Reliability (Độ tin cậy); và References (Các nguồn trích dẫn).
Chú thích:
(1) Xem thêm Miller, R. L., & Brewer, J. D. (Eds.). (2003). The AZ of social research: A dictionary of key social science research concepts. Sage.
• Reason (Về mặt lý trí):
○ Ai sẽ là độc giả chính của tài liệu mà bạn đang đọc?
○ Phạm vi, mục đích của tài liệu có được nêu cụ thể không? Các nội dung trong tài liệu có phù hợp với phạm vi, mục đích đã nêu không?
○ Tài liệu có chỉ ra một quan điểm cụ thể nào không?
○ Tài liệu có thúc đẩy một chương trình hành động nào không?
○ Tài liệu có được xuất bản bởi một đơn vị uy tín không? Nếu có, thì đơn vị đó có uy tín về khía cạnh nào?
○ Đối với các website, đâu là động lực để họ vận hành website đó?
- Quảng cáo để kiếm lời;
- Như một phần sứ mệnh của tổ chức;
- Vì mục đích giáo dục
- Công bố những nghiên cứu được thực hiện bởi chính tổ chức ấy;
- Phản biện, chỉ trích một chương trình, hoạt động cụ thể.
- Readability (Mức độ dễ đọc):
○ Cách trình bày có tốt không? Nó được viết bằng văn phong chuyên ngành hay dành cho khán giả đại chúng?
○ Tài liệu có bao gồm các biểu đồ, các hình minh hoạ hoặc liên kết hữu ích không?
○ Thông tin cần thiết để trích dẫn tài liệu có thể dễ dàng tìm thấy không?
○ Tài liệu cung cấp nhiều thông tin, hay chỉ cung cấp một số lượng thông tin hạn chế?
○ Đối với các website, các đường dẫn đến các tài nguyên khác có được trình bày rõ ràng không?
• Reliablility (Độ tin cậy):
○ Tài liệu này mang tính khách quan hay trình bày một quan điểm chủ quan?
○ Ai là tác giả?
○ Tác giả có cung cấp thông tin xác thực về chuyên môn và kiến thức của họ đối với chủ đề này không?
○ Nhà xuất bản có uy tín không?
○ Tài liệu này có những lỗi ngữ pháp, chính tả, lỗi đánh máy không?
○ Có bất kì thông tin liên hệ nào được liệt kê trong tài liệu hay không?
○ Các dữ kiện, số liệu có chính xác, cập nhật và có thể kiểm chứng được không?
○ Tác giả đã sử dụng những nguồn tin, hoặc phương pháp nào để thu thập thông tin?
○ Phương pháp thu thập dữ liệu đó có chính xác và đáng tin cậy không?
○ Tài liệu này được thẩm định, bình duyệt (peer-review), hay chỉ được xem xét bởi các biên tập viên?
○ Tài liệu này có thường xuyên được cập nhật không?
○ Đối với các website, đó là website hoàn thiện hay vẫn đang được xây dựng? Các liên kết đến tài nguyên khác có được cập nhật không?
• References (Các nguồn trích dẫn):
○ Tác giả có liệt kê nguồn gốc của những thông tin mà họ trích dẫn (chú thích cuối trang – footnote, chú thích cuối tài liệu – endnote) hay không?
○ Có nhiều nguồn tài liệu được liệt kê không?
○ Nguồn tài liệu mà tác giả liệt kê có đáng tin cậy không?
○ Bạn có thể lần theo các nguồn tài liệu này để tìm ra các thông tin gốc hay không?