M
ọi người đều cần sự bình an, như cần thức ăn và nhà ở. Nhưng sự bình an không dễ tìm, một số người đã đi tìm trong một thời gian dài và đã thất bại. Khổ não, trầm cảm và mệt mỏi đang tồn tại và có nguy cơ trở thành những con vi-rút lây lan khắp nơi, ngay cả các nước giàu có với những nhu cầu vật chất được thỏa mãn đầy đủ. Vì vậy, tôi muốn giải thích sự bình an đến từ đâu, làm sao có thể nắm bắt và phát triển nó.
Sự bình an là một năng lượng, được sinh ra từ bên trong của mỗi chúng ta. Ngay khi tôi nói tới sự bình an, và các bạn lắng nghe tôi với lòng bình an, thì năng lượng bình an tăng lên.
Quá nhiều loại khủng hoảng diễn ra trong cuộc sống chúng ta, những rối loạn trong cơ thể, những thay đổi trong mối quan hệ, hay những biến động trong bầu không khí của thế giới. Tôi không nghĩ rằng có những người tránh được sự khủng hoảng trong suốt cuộc đời mình – bất kể người trẻ, người già, người không được học hành, người giàu có…
Nhưng khi chúng ta đã có sức mạnh của sự bình an đó, chúng ta sẽ không để cho sự bình an nội tâm bị quấy rối. Sự ổn định trong tâm trí là cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp.
Hãy nghĩ xem, một người bị lo âu, sợ hãi hay bị đau khổ thì tình trạng anh ta như thế nào? Và điều đó ảnh hưởng đến người khác ra sao? Nếu chúng ta để cho mình cũng lo âu, sợ hãi hay đau khổ, thì chúng ta sẽ tự đưa mình rơi vào bất ổn và bất hạnh, và bầu không khí xung quanh chúng ta cũng đầy những cảm xúc tương tự. Điều này có lợi gì cho chúng ta và cho người khác?
Ngược lại, khi bản thân chúng ta không có cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ có những ý nghĩ thiện lành, những cảm xúc tích cực đối với người khác. Điều này sẽ giúp tạo ra một bầu không khí bình an và yêu thương, ngay cả khi không có sự hài hòa.
Kinh nghiệm bản thân dạy tôi rằng, khi chúng ta có thể sống mà không lo âu, không sợ hãi và đau khổ, thì ở trong chúng ta có những chân giá trị xuất hiện, có thể được sử dụng trong cuộc sống thực tiễn, cung cấp cho chúng ta nhiều sức mạnh và năng lực.
Khi có bệnh, bạn có thể đến bác sĩ và được phát một số thuốc. Nhưng khi bạn lo âu trong nội tâm thì bạn nói và làm gì bây giờ? Khi bạn có những ý nghĩ tiêu cực thì tâm trí bạn ra sao? Dù cho sự tiêu cực đó hướng vào nội tâm bạn hay vào người khác, tâm trí bạn vẫn luôn cảm thấy bất hạnh, loại suy nghĩ đó chỉ hành hạ bản thân bạn.
Cùng với lo âu là sự bất ổn và không bình an.
“Tâm trí chao đảo, hỗn loạn, tôi không biết tâm trí tôi đang làm gì nữa!” . Nhưng đó vẫn là tâm trí của bạn, tại sao bạn lại bất hạnh về nó? Và khi để mất đi sự bình an nội tâm, bạn cũng không thể cư xử bình tĩnh và dịu dàng với người khác.
Nếu không có mưa, người và súc vật đều bị khát.
Khi đã không có bình an và tình thương ở nội tâm thì cả tâm trí và trái tim đều bị khô hạn. Tâm trí trở nên bức xúc và không ổn định như tâm trí người điên. Ngay cả khi dùng thuốc ngủ, con người trong tình trạng đó ban đêm vẫn không ngủ được, và đến sáng cũng không thể thức dậy.
Tự bạn phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng do chính mình tạo ra từ sự tiêu cực của bản thân. Có quá nhiều cuộc khủng hoảng, biến động ở bên ngoài mà bạn không thể đếm xuể. Bạn không thể làm gì được với những cuộc khủng hoảng đó. Nhưng đối với cuộc khủng hoảng do chất lượng tư duy của bạn tạo ra trong tâm trí mình, thì bạn có thể chấm dứt được.
Cơ thể của bạn, tài sản của bạn, các mối quan hệ của bạn và thế giới của bạn tạo ra hàng loạt các tình huống trước mắt bạn. Chúng không chờ bạn cho phép. Chúng có thể thay đổi bất cứ lúc nào, bạn không thể ngăn cản được. Cuộc khủng hoảng này chưa kết thúc thì cuộc khủng hoảng khác đã bắt đầu.
Thiên tai, động đất, lụt lội, tất cả đều tự đến. Chúng đến một cách tự nhiên, không có ai kêu gọi cả, và cũng không ra đi theo lệnh bạn. Vậy trước khi tình huống xảy ra, trạng thái của tâm trí chúng ta như thế nào? Khi tâm trí chúng ta mạnh mẽ thì những khó khăn của ngoại cảnh vẫn thuộc ngoại cảnh –
chúng không lay chuyển được nội tâm của chúng ta, không làm cho chúng ta mất ổn định ; tâm trí chúng ta vẫn bình tĩnh, không bị lo âu và đau khổ. Khi chúng ta có sức mạnh đó, những tình huống đầy khổ não có thể đến, nhưng trong tinh thần, chúng ta không cảm thấy đau khổ. Nếu ai đấy ném đá thì không đụng vào người chúng ta. Nếu ai đấy chửi mắng chúng ta – cũng không có vấn đề gì.
Nếu tâm trí bạn giữ được bình tĩnh thì trước những tình huống khó khăn, bạn sẽ không có những phản ứng bốc đồng hay dấu hiệu chối bỏ. Phương châm của tôi là: Hãy chấp nhận tình huống xảy ra.
Sự chấp nhận đó giúp chúng ta có được sự bình an nội tâm. Cảm giác bình an đó sẽ giúp chúng ta giải quyết tình huống và giúp chúng ta có quyết định đúng đắn nên làm gì và không nên làm gì.
Trải nghiệm đau khổ là một điều vô nghĩa. Khi bạn cảm thấy đau khổ thì nên hiểu rằng mình đang thiếu một sự hiểu biết nào đó. Vì vậy, hãy tự hỏi: Vì đâu mà mình cảm thấy đau khổ? Đau khổ có giúp gì cho mình và cho người khác không?
Từ bên trong, chúng ta thường tạo ra cho mình nhiều tình huống khó khăn. Thí dụ, thái độ ngạo nghễ khiến bạn thiếu sự tôn trọng và khiến bạn đau khổ. Ngạo nghễ tạo ra ý muốn được tôn trọng và chú ý. Và khi bạn không được như vậy thì bạn cảm thấy như bị coi thường và bị xúc phạm. “Hãy xem này!
Tôi đã giúp đỡ họ nhiều, nhưng họ trả ơn tôi như thế đấy!”. Nếu hành động giúp người khác xuất phát từ trái tim, từ tình cảm chân thành và không có thái độ ngạo nghễ, chúng ta sẽ không có những cảm xúc như vậy. Một đức hạnh tốt và những hành vi thiện lành sẽ đem đến cho chúng ta nhiều may mắn.
Ngược lại, khi tâm trí bị chao đảo và bất hạnh, thái độ buồn phiền thì chẳng khác nào chúng ta tự nhỏ một giọt thuốc độc vào bình mật ngọt. Nó cướp đi sự bình an và đem lại đau khổ. Đó không phải là cách sống của chúng ta.
Sẽ là điều tốt nếu chúng ta có thể nhanh chóng biến bầu không khí xung quanh thành một bầu không khí vui tươi và hạnh phúc.
Hãy quên đi mọi khổ đau
Nếu nói cho mình, thì tôi không biết kể chuyện vui như thế nào. Nhưng nếu gặp một người nào đang khóc, đang đau khổ, tôi sẽ không bỏ rơi người đó cho đến khi thấy anh ta hay cô ta mỉm cười. Tôi không cần làm gì hết, chỉ cần đem lại sự bình an và lòng thương yêu cho con người đó. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi có thể cảm nhận được về những gì họ đã trải qua và những gì họ đã đón nhận; sự đau khổ hiện hữu trong họ chỉ vì họ có thói quen tập trung vào những chuyện nhỏ nhoi, khiến họ luôn sống với bộ mặt sầu não. Trạng thái đó của họ cũng khiến cho những người xung quanh lo âu và sợ hãi, không biết điều gì đã xảy ra trong tâm trí họ.
Người ta đau khổ vì người ta thường bám vào các tình huống, mà không biết rằng những tình huống đó xảy ra ở bên ngoài, không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Việc quan tâm đến nó càng khiến họ thêm bức bách. Chỉ cần để cho tình huống ấy qua đi, họ sẽ lại trở nên vui tươi và bình tĩnh, bắt đầu mỉm cười với cuộc sống đang có. Đến một lúc nào đó, khi đã bình tĩnh trở lại, chính họ sẽ ngạc nhiên trước những lo lắng không đáng có đã qua.
Nghệ thuật sống hướng từ nội tâm ra bên ngoài giúp chúng ta bỏ qua những chuyện xung quanh, giúp tạo ra sức mạnh nội tâm và giải thoát chúng ta khỏi những vướng mắc của cuộc sống.
Với bạn cũng vậy, khi bỏ qua những chuyện xảy ra ở bên ngoài, các bạn sẽ cảm thấy tự do, ổn định và tràn đầy hạnh phúc. Trong niềm hạnh phúc có cả sức mạnh của sự bình an và tình yêu thương. Nơi nào có sự bình an và tình thương, nơi đó bạn cảm nhận mình như là một đế vương, bạn có lòng tự trọng, và cảm thấy mình rất mạnh mẽ, không như đứa trẻ con dễ dàng bị chao đảo và sợ hãi.
Cũng cần chú ý tới chất lượng của những suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí mình, vì đó là tâm trí của bạn. Có được những suy nghĩ trong sáng, cao thượng và kiên quyết, bạn sẽ trải nghiệm được sự bình an tâm trí, mà không cần có nghi lễ, thế ngồi và tụng niệm.
Hãy tự hỏi trái tim mình: “Tôi có được những cảm xúc trong sáng, tích cực đối với mọi người và đối với bản thân hay không? Tôi có chú ý tới điều này và xem đó là ưu tiên trong cuộc sống của tôi hay không?”. Những cảm xúc trong sáng, tốt đẹp đó tạo ra năng lượng, tuôn chảy một cách tự nhiên ra bên ngoài, bảo vệ bạn khỏi mọi ảnh hưởng tiêu cực.
Nếu chú ý một chút, bạn sẽ không phạm lỗi lầm, không cảm thấy buồn khổ và cũng không khiến người khác phải nghĩ ngợi về tâm trạng đau khổ của bạn. Nếu không, người khác sẽ chú ý tới bạn, chú ý tới con người khốn khổ đang gặp khó khăn, và bạn cảm thấy mình thấp kém. Điều này tạo thêm áp lực cho bạn và làm ảnh hưởng đến người khác.
Trong cuộc sống của mình, chúng ta thường nghĩ: không nên có cảm giác buồn khổ hay lo âu về bất cứ ai hay về bất cứ chuyện gì. Chúng ta cũng không để một người nào khác có cảm giác đó với mình. Chúng ta không sợ hãi một người nào khác, và cũng không làm ai sợ hãi. Chúng ta hợp tác với mọi người trong tình thương và giúp đỡ họ khi cần thiết.
Ngay khi một người nào đó không yêu thương bạn, bạn cũng không cần chịu thiệt thòi gì để không yêu thương họ. Người khác có thể không tôn trọng tôi, nhưng sao tôi lại phải bỏ đức hạnh của mình là tôn trọng người khác? Sẽ là điều không tốt nếu tôi có ý nghĩ không tôn trọng một người đã không tôn trọng tôi, hay đã là gây trở ngại cho tôi. Chúng ta đang ở trong một cuộc hành trình hoàn thiện bản thân, bổn phận của chúng ta là tiến bước đi trên con đường của mình, và không làm trở ngại những người khác.
Ví dụ, khi máy bay gặp phải đám mây, viên phi công không thể hỏi tại sao, anh ta chỉ biết tìm cách vượt qua đám mây. Tổ lái thông báo hành khách phải xiết chặt dây an toàn vì máy bay bị chao đảo.
Nhưng bạn không được tạo ra chao đảo trong tâm trí mình, bạn phải gửi niềm tin ở tổ lái và người lái, bạn phải tỏ ra bình tĩnh và hợp tác. Phi hành đoàn sẽ cảm ơn bạn, vì bạn không tạo ra một bầu không khí sợ hãi, có thể lây lan đến các hành khách khác. Với sự bình an và lòng tin, hãy tạo ra một bầu không khí yêu thương, quên đi những gì xảy ra. Đó là sự thông thái của những nhà kể chuyện cổ tích, khi họ viết:
“Thế rồi, mọi việc trôi qua…”.
Cái gì tạo ra sự ổn định đó? Chắc là bạn đã từng thấy một cái tháp. Để có thể có một chiều cao như vậy, để trụ vững giữa trời đất như vậy, cái tháp phải có nền móng chôn sâu dưới đất. Con người chúng ta cũng như thế, để có được trạng thái luôn bình an, ổn định và yêu thương, chúng ta cần sống hướng nội, đi sâu vào nội tâm, cho dù cả thế giới này rung chuyển, bạn vẫn đứng vững. Khi các động cơ của bạn đều trong sáng và tích cực, dựa trên lòng thương yêu và chân lý, bạn sẽ có được sức mạnh của sự bình an.
Chân lý có phạm vi rộng hơn những thông tin mà bạn có thể tư duy, nói, đọc hay viết về nó. Ở trong trạng thái chân lý nghĩa là có sức mạnh tĩnh lặng và bình an, thậm chí cũng không suy nghĩ nhiều, không phải lắng nghe nhiều, mà chỉ giữ lấy bản chất thật sự, những phẩm chất thánh thiện của bản thân trong trí tuệ và trong nhận thức. Hãy “hòa tan” tất cả mọi chuyện xảy ra, dù xảy ra ở bên trong hay bên ngoài, như đại dương tiếp nhận các con sông, mà vẫn bình lặng.
Trạng thái chân lý là một trạng thái mà trong đó luôn hiện hữu bất cứ sức mạnh nào bạn cần để cho bản thân mình và những người khác giữ được bình tĩnh. Khi tôi đang nói, trong nội tâm tôi vẫn bình an.
Hơi thở của tôi, ý nghĩ của tôi và thời gian đều thẩm thấu sự bình an và ổn định, đến mức nếu ai đó đến gặp tôi, họ đều nhận được sự bình tĩnh lan tỏa từ tâm trí tôi.
Cũng không cần phải nhớ lại và kể về những chuyện buồn đã xảy ra trong quá khứ. Việc phát tán tin tức về những sự cố đang xảy ra trên thế giới chỉ khiến mọi người sợ hãi, bức xúc, và không có ích gì.
Nếu bản thân chúng ta sợ hãi, chúng ta sẽ không làm được việc gì có ích cả.
Hướng vào nội tâm
Một vài người nghĩ rằng, chỉ có từ giã gia đình, đi vào một nơi thanh tịnh, hoang vắng như vùng rừng núi chẳng hạn, thì họ mới có thể giải thoát khỏi mọi lo âu và đau khổ. Nhưng sự giải thoát hoàn toàn không phải thực hiện theo kiểu ấy. Điều phải làm là sống hướng nội, và cần thiết phải có sự nỗ lực về tinh thần theo hướng ấy. Một người sống hướng nội sẽ có thể tích lũy năng lượng tinh thần, để có thể sống giữa đời mà không phải sợ hãi.
Trong cuộc sống, chúng ta không nên để cho bản thân phải sợ hãi, và do đó, trước khó khăn của người khác chúng ta mới có thể giúp đỡ bằng sức mạnh bình an của mình. Dù có nhiều tình huống đến với chúng ta, do ốm đau hay thiếu tài chính, nhưng chúng ta sẽ không để cho mình bị lúng túng, sợ hãi hay lo âu.
Có thể tôi không được học nhiều, (thực tế, tôi chỉ đến trường có ba năm) nhưng tôi giữ được bình an và đem lại sự bình an cho người khác. Ít nhất, tôi cũng có thể ôm một người bằng tình thương yêu.
Khi chúng ta sợ hãi thì chúng ta không thể ôm ai được, không thể truyền sức mạnh cho ai được. Một khi chúng ta còn lo lắng về chuyện sẽ xảy ra cho mình và con cái mình, chúng ta còn có thể giúp ai được? Một người không tự mình giúp được cho mình thì làm sao giúp được người khác?
Sức mạnh để duy trì sự bình an được tích lũy qua những việc làm trung thực, với một trí tuệ hướng thượng và một sự hiểu biết nhất định. Lệ thuộc vào người khác hay làm cho người khác lệ thuộc vào mình đều là hành xử của một người yếu kém.
Bổn phận của chúng ta là duy trì được lối sống vị tha với thái độ trung thực, giữ được mối quan hệ hài hòa với những người khác và có một trái tim bao dung rộng mở. Có một vài người xem bổn phận hay trách nhiệm như là một gánh nặng. Còn với tôi, đó là niềm vui. Nói cho cùng, trách nhiệm của chúng ta là gì? Chỉ là mỉm cười, giữ thái độ bình tĩnh, tỏa ra những rung động như vậy từ trái tim, thái độ và tầm nhìn của mình. Bất cứ người nào cũng có trách nhiệm như vậy.
Chúng ta hãy nói với mọi người rằng, đừng mang vẻ mặt mệt mỏi hay tỏ ra mệt mỏi, hãy sống vui vẻ. Người nào có thể làm được như vậy? Đó là người có sức mạnh nội tâm, xem những chuyện xảy ra đối với bản thân không phải là chuyện lớn.
Nếu bạn giữ được trạng thái bình an sau khi bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng vị tha và lòng bao dung. Trên thực tế khi đọc cuốn sách này, bạn không cần phải tư duy. Tôi muốn trình bày sao cho thật dễ hiểu đối với bạn, chia sẻ với bạn những điều bạn có thể tiếp thu, và bạn cũng không cần phải ưu tư vì những điều được nói đến ở đây. Hãy chấp nhận chúng và để chúng thẩm thấu vào trái tim bạn.
Ngày nay, mọi người có cái tật tư duy quá nhiều. Đối với những việc có ích, họ nói: “Tốt, tôi sẽ suy nghĩ về chúng”, điều này có thể xem như không có vấn đề gì. Nhưng đối với một chuyện vô ích, một chuyện mà trên thực tế họ không được làm hoặc không nên làm, sao họ vẫn không ngừng suy tư về nó!
Tự để cho mình phải sống với bất hạnh là việc làm không có ích. Sau khi đọc xong cuốn sách này, đừng bao giờ cho rằng mình là người bất hạnh. Nên nhớ, đau khổ là vì thiếu hiểu biết. Những người nuôi dưỡng những ý nghĩ tiêu cực thường phải lo âu, sợ hãi và đau khổ. Vì vậy, chỉ hãy suy nghĩ điều lành và làm điều lành. Bạn suy nghĩ thế nào thì bộ mặt bạn sẽ hiện ra như thế ấy. Làm sao bạn có thể che giấu được ý nghĩ?
Vì sao bạn lo âu? Hãy làm điều lành, mọi việc sẽ trở nên tốt lành. Nếu bạn nghĩ đến những chuyện tốt đẹp, thì những chuyện tốt đẹp sẽ xuất hiện. Và nếu bạn không có niềm tin thì làm sao bạn có thể chờ đợi một kết quả tốt được?
Tại sao người ta không thể làm việc tốt? Họ đã phạm sai lầm là luôn nhớ về những chuyện quá khứ và luôn nhìn người khác để xem người ta nghĩ về mình như thế nào. Những việc quá khứ và việc của người khác sẽ ngăn cản bạn làm chuyện tốt lành.
Những suy nghĩ theo kiểu “chuyện này như thế kia, và chuyện kia như thế nọ” chỉ làm mất thì giờ và hao phí năng lượng, chỉ có sự bình an và niềm hạnh phúc thật sự mới tạo ra nguồn năng lượng bên trong mỗi chúng ta.
Tư tưởng phê phán và sợ hãi người khác đều bắt nguồn từ sự thiếu tự tin. Những người sợ hãi người khác đều sợ hãi chính bản thân mình và trở nên dễ bồn chồn, hoảng sợ. Họ thiếu sức mạnh nội tâm.
Tại sao bạn lại phải bồn chồn, lo lắng? Hãy trở nên mạnh mẽ tới mức không có gì thành vấn đề đối với bạn. Rồi ngay cả những người đến quấy nhiễu bạn – vì bản thân họ cũng đang thiếu sức mạnh nội tâm – cũng sẽ trở nên mạnh mẽ.
Đó là chuyện rất đơn giản. Hãy trở nên mạnh mẽ tới mức bất cứ cái gì ném vào bạn cũng không làm bạn ngã. Sức mạnh tinh thần còn mạnh hơn rất nhiều so với sức mạnh vật chất. Chúng ta có đủ “nguyên liệu” tốt để tạo ra sức mạnh tinh thần. Chỉ cần 100.000 người ở trong trạng thái tinh thần mạnh mẽ, họ sẽ tạo ra những làn sóng rung động tốt đẹp khiến mọi người quên đi nỗi lo âu và sợ hãi.
Bạn lo âu vì con cái mình ư? Bạn lo âu về người già ư? Đừng lo lắng nữa, mà hãy hành xử giống như đội cứu hỏa. Hãy dập tắt đúng lúc ngọn lửa của “đám cháy lo lắng và sợ hãi” bằng sức mạnh tinh thần, đừng để mất thời gian vì lo âu.
Hãy chủ động trong việc này, rồi bạn sẽ làm được. Đừng chờ đợi, đừng nhìn vào người khác, tốt hơn bạn nên tập trung vào việc bạn cần làm! Hãy có thái độ: “Tôi phải làm việc này. Tôi phải làm nó ngay. Tôi biết rõ mình cần phải làm gì rồi. Tôi tập trung toàn bộ vào công việc này. Hãy để cho tôi làm, để tôi đem lại lợi ích cho mình, cho mọi người và cho cuộc đời. Nếu không, tôi sống để làm gì?”.
Ngay cả khi chẳng có ai bên cạnh mình, chúng ta cũng mạnh mẽ nhờ vào Nguồn Năng lượng Cao cả. Không có ai có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Đó là sự bình an đích thực, không phải là sự bình an tạm thời nhờ tránh được những tình huống khó khăn, hay là nhờ kiềm nén cảm xúc.
Sự bao dung, lòng trung thực, tình yêu thương và sự bình an sẽ đem lại sức sống cho con người.
Những đức tính này không có giới hạn, chúng tác động đến chúng ta và đến những người khác. Với sức mạnh của sự trải nghiệm, hãy quan tâm đến người khác và chia sẻ với mọi người vào thời điểm thích hợp. Bạn sẽ tạo cảm hứng cho những người khác qua lối sống của bạn. Đó cũng là sự bao dung đích thực, cho người khác và cho chính mình.
Muốn được như vậy, chúng ta không thể để cho mình có những tư tưởng lãng phí, vô ích và tiêu cực.
Nếu những tư tưởng ấy nảy sinh, chúng ta cần nhanh chóng xua đi. Tâm trí không bình an do còn có những điều yếu kém ở bên trong. Khi ta có bình an nội tâm thật sự, chúng ta sẽ trở nên hết sức mạnh mẽ.
Hãy tự trò chuyện với chính mình một cách nghiêm túc. Trong cuộc sống, nếu một người quen biết nào đó có những hành động vô ích và lãng phí, chúng ta hãy gửi đến họ những lời chúc tốt lành, nhưng chúng ta vẫn sẽ tự bảo mình rằng: “OK. Tôi phải tiếp tục gửi những lời chúc đến cho họ và không xem xét việc làm của họ”. Chúng ta không thể nói với họ: “Đừng làm thế này, hãy làm thế kia”, hay thậm chí, cũng không nên nghĩ như vậy. Chúng ta cần hiểu rằng: “Rồi mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp”. Giữ một thái độ bao dung, bình an và thương yêu theo cách như vậy thì sẽ có ích hơn là để cho bản thân mình chao đảo theo những tình huống bên ngoài.
Đôi khi, chúng ta chỉ nghĩ đến những công việc mà chúng ta phải làm. Có một số hoạt động diễn ra rất tự nhiên, chỉ cần làm mà không đòi hỏi phải suy nghĩ. Chúng ta có thể tích lũy sự bình an và hạnh phúc qua những hoạt động như vậy, cho nên chúng ta không cần tư duy gì về chúng. Và chúng mang lại sự bình an, sức mạnh và hạnh phúc. Đó là công việc đích thực và là thành công thực sự.