Để người nợ kiểu gì cũng phải trả
KHÉO LÉO CHUYỂN MŨI NHỌN SANG “KẺ THẾ TỘI”
Lãnh đạo một doanh nghiệp vừa và nhỏ đến gặp khách hàng của mình. Do việc điều động vốn gặp khó khăn nên người phụ trách ở đó yêu cầu được kéo dài thời gian thanh toán. Với người lãnh đạo, nếu đối phương không thể thanh toán đúng thời hạn, thì bản thân doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi trả lương cho nhân viên. Bởi vậy ông ta kiên quyết từ chối yêu cầu của đối phương: “Nếu tập đoàn lớn như quý công ty đây còn gặp khó khăn trong việc điều động vốn, thì ngân hàng quả thật quá đáng. Các ngân hàng gần đây có vẻ hoàn toàn không muốn nuôi các doanh nghiệp…” Có lẽ đối phương đang hết sức bất mãn với ngân hàng, sau khi nghe xong câu nói này giống như “được lời như cởi tấm lòng”, ông ta cũng bắt đầu lên án ngân hàng kịch liệt. “Đúng như những gì ông nói, ngân hàng thật là quá đáng. Thực sự bây giờ rất khó để vay tiền, vì vậy mong ông và công ty có thể thanh toán đúng thời hạn cho chúng tôi!”, sau đó vỗ vai đối phương.
Muốn nói “không” giống như vị lãnh đạo trên, thì trước tiên bạn hãy nêu ra kẻ thù chung của bạn và đối phương. Đây không chỉ là việc chuyển hết trách nhiệm cho bên thứ ba, mà còn là bôi xấu hơn nữa kẻ thù chung của cả hai bên. Đến lúc này, nền tảng tâm lí chung giữa hai bên đã khá vững chắc và bạn có thể đề cập lại vấn đề của mình.
Phương pháp xác định kẻ thù chung có thể giúp cho quan hệ hai bên ngày càng vững chắc.
NẮM BẮT ĐIỂM YẾU, ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH
Lão Tỉnh đến một đơn vị còn thiếu nợ. Đầu tiên, ông đến gõ cửa phòng giám đốc và nói rõ mục đích của mình. Giám đốc mời ông ta đến tìm giám đốc kinh doanh. Nhưng giám đốc kinh doanh lại mời ông ta đến gặp trưởng phòng tiêu thụ. Trưởng phòng tiêu thụ lại đẩy Lão Tỉnh sang phòng tài vụ. Cuối cùng, trưởng phòng tài vụ chỉ nói một câu: “Tình hình cụ thể tôi không được rõ lắm, mời ông đến tìm giám đốc nghiệp vụ đi!” Vậy là cả chuyến đi của Lão Tỉnh chẳng thu được kết quả.
Lão Tỉnh đem hết những chuyện mình gặp phải kể lại cho ông giám đốc.
“Anh hãy đi tìm giám đốc kinh doanh và nói với anh ta là tôi đã nói như vậy”, giám đốc nói đầy uy lực.
Lúc này, giám đốc kinh doanh vẫn vô cùng khách sáo, nhưng nói qua nói lại thì kết quả cuối cùng là chưa có tiền.
Lão Tỉnh lại đến tìm trưởng phòng tiêu thụ, kết quả cũng giống y hệt: chưa có tiền.
Lần này Lão Tỉnh không hề tức giận. Ông ta đã phát hiện ra một điều là các cấp lãnh đạo của công ty có một chút mâu thuẫn.
“Sao anh lại đến tìm tôi?” Khi nhìn thấy Lão Tỉnh, vẻ mặt của ông giám đốc rất không hài lòng.
“Tôi đã nói với họ nói rằng, anh bảo tôi đến đó, nhưng bọn họ chẳng thèm quan tâm và vẫn theo kiểu cũ, xoay tôi sang hết người này đến người khác”, Lão Tỉnh nói.
Ông giám đốc nghe xong câu chuyện, lập tức gọi ngay giám đốc kinh doanh lên văn phòng. Ông ta rất tức giận vì mệnh lệnh của mình không được coi trọng và chấp hành.
“Chẳng phải tôi đã giải thích rất rõ với anh rồi sao? Trước mắt thì vốn của đơn vị đang rất căng và eo hẹp”, giám đốc kinh doanh nói.
“Anh đâu có nói với tôi những lời như vậy, anh chỉ bảo tôi hãy đến tìm trưởng phòng tiêu thụ thôi”, Lão Tỉnh nói.
“Nếu không tin, anh có thể hỏi lại”, Lão Tỉnh nói tiếp.
Trưởng phòng tiêu thụ trả lời là Lão Tỉnh có đến tìm anh ta.
“Các anh hãy tự bàn bạc trước đi”, vị giám đốc không đợi cho giám đốc kinh doanh kịp mở miệng giải thích đã ra lệnh tiễn khách.
“Tại sao anh có thể ăn nói xằng xiên như vậy?” Giám đốc kinh doanh hỏi.
“Chính giám đốc của các anh đã mời tôi đến đó và hỏi tôi tình hình thế nào”, Lão Tỉnh đáp.
“Không phải tôi đã nói rõ ràng với anh rồi hay sao?”
“Nhưng anh vẫn chưa giải quyết cho tôi.”
“Bây giờ tôi không thể giải quyết được”, giám đốc kinh doanh nói. Lão Tỉnh chẳng buồn nói thêm một câu nào nữa, liền chào giám đốc kinh doanh rồi bước ra cửa.
“Anh còn đến đây làm gì vậy?”, khuôn mặt của vị giám đốc rất nặng nề.
“Giám đốc kinh doanh đã nói, chuyện gì anh ta cũng không thể giải quyết được, nên bây giờ tôi không tìm ông cũng không được”, Lão Tỉnh nói.
“Cái chức quản lý này không hiểu anh ta còn muốn làm nữa không đây!”, giám đốc tức giận đến mức phải đứng bật dậy.
“Không thể giải quyết là như thế nào? Không có cái gì gọi là không giải quyết được hết”, giám đốc nổi nóng quát tháo giám đốc kinh doanh trong điện thoại.
“Bây giờ anh hãy đến tìm anh ta,” giám đốc xoay người nói với Lão Tỉnh.
“Rút cuộc anh có ý gì?”, giám đốc kinh doanh nhìn chằm chằm vào Lão Tỉnh đang ngồi bên cạnh.
“Tôi không có ý gì cả, chỉ là giám đốc của các anh có ý, vậy mà đến giờ này anh vẫn chưa hiểu điều đó hay sao”, Lão Tỉnh nói.
“Ông ta đã nói những gì?”, giám đốc kinh doanh hỏi.
“Cũng chẳng có gì, chỉ là khi nghe tôi nói, anh vẫn chưa giải quyết xong vấn đề tiền bạc cho tôi, ông ta vô cùng tức giận”, Lão Tỉnh đáp.
“Nói như vậy là giám đốc đã đồng ý trả tiền cho anh?”, giám đốc kinh doanh lại hỏi tiếp.
“Ông ấy còn muốn đặt thêm một lô hàng mới từ công ty của chúng tôi nữa”, Lão Tỉnh trả lời khác với nội dung câu hỏi.
“Thực ra chúng tôi vẫn còn một khoản tiền, nhưng khoản tiền đó là để chuẩn bị phát lương cho nhân viên, nếu giám đốc đã gật đầu thì xin đưa anh trước vậy”. Giám đốc kinh doanh nói xong liền dẫn Lão Tỉnh đến phòng tài vụ. Lúc Lão Tỉnh cầm trên tay phiếu chuyển tiền của ngân hàng trở về, không biết anh giám đốc kinh doanh kia đã nhận ra sự thực chưa nữa.
MỘT TAY GIAO HÀNG, MỘT TAY GIAO TIỀN
Trong buôn bán thương mại có một câu rất hay là “chưa thấy thỏ chưa thả chim ưng”. Những kẻ đi đòi nợ, để đạt được mục đích của mình, đã không ngại thả “con thỏ” ra để khiến đối phương cũng phải thả “chim ưng”, sau đó bắt con thỏ lại và nhốt vào lồng.
Lão Hoàng phải chuyển đến bộ phận đòi nợ, và trở thành một giám đốc đòi nợ.
Lão Hoàng đến một đơn vị vẫn còn thiếu tiền để đòi nợ. Đón tiếp ông ta là chủ nhiệm bộ phận nghiệp vụ - ông Bùi.
Nói chuyện cả nửa ngày trời, chủ nhiệm Bùi vẫn cố vòng vo không đi vào chủ đề chính. Lão Hoàng vừa nhắc đến vấn đề tiền bạc là chủ nhiệm Bùi lại dùng những chuyện khác để chặn lại. Lão Hoàng đã hiểu, chủ nhiệm Bùi không chỉ là một người giỏi kinh doanh, mà trình độ cũng không hề thua kém mình. Người này từ trước tới giờ không bao giờ giải quyết vấn đề mà không có lợi cho mình, nhưng một khi nhìn thấy chuyện có lợi cho bản thân thì sẽ dùng mọi cách để nắm bắt cơ hội.
Lão Hoàng bắt đầu thực hiện chiến thuật “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Anh ta đến gần rồi nói với chủ nhiệm Bùi một cách rất bí mật: “Đơn vị chúng tôi kỳ này bán hạ giá các mặt hàng tồn kho, đây là một cơ hội tốt cho các ông đấy!”
“Thật sao? Giảm giá bao nhiêu vậy?”, chủ nhiệm Bùi vừa nghe Lão Hoàng nói đã vội lấy lại tinh thần.
“Tất cả các sản phẩm đều giảm từ 15 phần trăm đến 25 phần trăm”, Lão Hoàng nói.
“Chúng ta có thể kí ngay hợp đồng, đơn vị chúng tôi sẽ tiêu thụ sản phẩm của công ty các anh”, chủ nhiệm Bùi cao giọng nói.
“Không được rồi, vì đây là bán hàng giảm giá, nên nhất định phải trả tiền ngay mới giao hàng. Huống hồ, các anh vẫn còn thiếu nợ bên chúng tôi”, Lão Hoàng nói.
“Thế thì thôi vậy, chúng tôi thật sự cũng không còn vốn”, chủ nhiệm Bùi quả không hổ là con cáo già, không dễ gì mắc mưu.
Lão Hoàng không để lộ ra biểu cảm gì. Ông ta biết rằng, chỉ cần là một con cáo già thì tuyệt đối sẽ không dễ dàng từ bỏ miếng mồi ngon sắp đến tay mình, xem ra vẫn phải bỏ ra thêm chút công sức.
Hôm sau, Lão Hoàng thông báo cho chủ nhiệm Bùi rằng ông đang bị gọi về gấp vì công việc đang rất bận rộn.
Chủ nhiệm Bùi không nói câu nào cả, đợi khi Lão Hoàng bước ra đến cửa, anh ta mới vội vàng đuổi theo và nói: “Anh hãy liên hệ với đơn vị của anh giúp tôi, món nợ lần trước tôi xin trả trước 1/3, sau đó phần tiền hiện tại sẽ mua một lô hàng đang giảm giá của các anh, vậy có được không?” Lão Hoàng đặt tay lên vai chủ nhiệm Bùi nói:
“Chỉ cần anh trả trước phần nào đó số nợ trước để tôi giữ chút thể diện, thì việc này cứ để tôi lo”.
Lão Hoàng trở về đơn vị và báo cáo lại dự định cũng như tính toán của mình cho lãnh đạo. Mấy ngày sau, chủ nhiệm Bùi cũng vội vã tìm đến.
Chủ nhiệm Bùi đưa tấm séc thanh toán cho Lão Hoàng xem rồi thu ngay lại. Lão Hoàng hiểu ngay ra là chủ nhiệm Bùi muốn một tay giao hàng, một tay giao tiền. Lúc sau, Lão Hoàng bận rộn giúp chủ nhiệm Bùi xử lí thủ tục, sau đó lại trực tiếp đốc thúc bộ phận vận chuyển điều động xe để giao hàng. Chủ nhiệm Bùi kiểm tra lại số lượng hàng hóa. Tất cả đều đã chuẩn bị sẵn sàng, hàng cũng được đưa lên xe đầy đủ, chỉ còn đợi xuất phát. Lúc này, chủ nhiệm Bùi mới đưa tấm séc thanh toán cho Lão Hoàng.
“Dỡ hàng xuống xe!”, Lão Hoàng hô to.
Chủ nhiệm Bùi vô cùng kinh ngạc, toàn thân đổ đầy mồ hôi, nhưng biết làm sao vì tấm séc đã nằm trong tay người ta rồi.
“Chủ nhiệm Bùi, rất xin lỗi anh!”, Lão Hoàng đem tiền giao cho phòng tài vụ, trừ vào khoản nợ còn chưa trả lần trước, còn lại bao nhiêu giao hàng theo giá hiện tại.
DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Trong quá trình đi đòi nợ nên áp dụng chiến thuật trong mềm có cứng, trong cứng có mềm để buộc đối phương phải chấp nhận yêu cầu của mình. Phương pháp này chủ yếu được vận dụng khi đối phương biết rõ là mình sai mà vẫn một mực chối cãi, cố chấp bảo vệ ý kiến, không thấu tình đạt lí.
Xí nghiệp cử một nữ nhân viên đòi nợ đến chỗ đối tác để đòi nợ. Vừa mới gặp mặt, giám đốc nhà máy đã nêu ra rất nhiều khó khăn: “Không phải chúng tôi không muốn trả nợ, nhưng thật sự là nhà máy chúng tôi rất nghèo, đến tiền công cho công nhân tôi còn chưa có để phát, lấy đâu ra tiền mà trả nợ!”
Nữ nhân viên này cười nói: “Sự thực đâu phải như vậy. Trước khi đến trước cửa nhà máy, tôi đã nói chuyện với công nhân ở đây, không khó khăn như ông vừa nói đâu”.
Giám đốc hơi lúng túng nhưng vẫn cố chống chế: “Hôm nay dù cô có nói gì đi nữa, tôi vẫn không có tiền để trả cho cô.”
Nữ nhân viên thu nợ không hề hoảng sợ: “Có nợ thì phải trả, đó là lẽ đương nhiên ở đời. Nếu anh thật sự không trả, vậy thì chúng ta sẽ cùng nhau ra toà. Nhà máy của anh mà tuyên bố phá sản, đến lúc đó nhà máy và tất cả tài sản cố định sẽ bị niêm phong và phát mại lấy tiền trả nợ. Người còn, sổ sách còn, cho dù anh đến bất kì đâu thì món nợ này anh vẫn phải trả! Vị giám đốc giỏi giang như anh, có tiền đồ như anh, chỉ vì một khoản tiền nhỏ chúng tôi mà phải ra tòa sao?”
Giám đốc thấy nữ nhân viên thu nợ không phải tay vừa, lập luận lại có lý nên lại vội vàng mềm mỏng, cười và nói: “Vậy thì thế này, tôi sẽ đưa cho cô tên của nhà máy đang nợ tiền, cô hãy thu về và trừ vào nợ, như vậy được chứ?”
Cô nhân viên thấy ông giám đốc đang cố đẩy cái khó sang cho mình, liền nghĩ ra một cách, cô bèn nói: “Anh không cần phải nói với tôi điều này, tôi là người chỉ thích làm việc của mình. Các anh nợ tiền chúng tôi chứ không phải người khác, tại sao tôi phải đến đòi người ta chứ? Hoặc tôi có thể xin bày cho anh một cách. Hai năm trước chẳng phải các anh đã mua rất nhiều công trái chính phủ sao? Các anh có thể chuyển lại cho chúng tôi cũng được, lãi bao nhiêu thì tính bấy nhiêu, tôi đảm bảo sẽ không để các anh phải chịu thiệt, công ty chúng tôi sẽ hiểu được ý tốt của anh và cảm kích không ngớt!”
Giám đốc biết cô nhân viên này quyết không cho khất nợ, liền nêu ra một chủ ý mới: “Chủ ý này kể cũng hay, nhưng đáng tiếc là cô đến muộn mất rồi, hôm qua có mấy người đến đòi nợ đã lấy hết công trái của chúng tôi. Vậy thì thế này đi, nhà máy chúng tôi hiện có một số máy ảnh, cô mang về để trừ nợ nhé!”
Nữ nhân viên thu nợ tỏ ra rất khó xử: “Chúng tôi cần nhiều máy ảnh để làm gì cơ chứ? Hơn nữa, tôi cũng chỉ là một nhân viên quèn, không dám quyết định chuyện này. Vậy anh xem thế này có được không, anh hãy mang số máy ảnh đó bán hết đi, sau đó đổi thành tiền mặt rồi trả cho chúng tôi, vấn đề chẳng phải đã được giải quyết rồi sao?”
Giám đốc nhận thấy từng biện pháp đối phó của mình đều bị nữ nhân viên thu nợ kia chặn đứng, cuối cùng anh ta nói một cách bất lực: “Cô thật lợi hại, thật hết cách với cô. Thôi được, tôi sẽ lập tức nói với kế toán trưởng, ngày mai sẽ gửi phiếu chuyển tiền đến cho công ty cô. Như vậy cô hài lòng rồi chứ?”
Nữ nhân viên thu nợ đã dùng chính ý chí kiên định, tài hùng biện tuyệt vời và sự linh hoạt hơn người của mình để khiến một ông giám đốc chỉ muốn quỵt nợ phải khuất phục và ngoan ngoãn trả tiền. Phương thức mà cô nhân viên này sử dụng chính là “lạt mềm buộc chặt”, “trong nhu có cương”. Đầu tiên cô đã vạch trần những lời nói dối than nghèo kể khổ của ông giám đốc, đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình bằng lí lẽ xác đáng, loại bỏ những ý đồ bắt nạt hay chơi xấu của ông giám đốc, sau đó dùng phương pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến, tuyệt mọi đường lui” để bác bỏ tất cả những “biện pháp” mà ông giám đốc này liên tiếp đưa ra, cũng không bỏ lỡ cơ hội để đề xuất những biện pháp có lợi cho bản thân. Điều này đã khiến tất cả đường lui mà vị giám đốc chuẩn bị lần lượt bị ngăn chặn, phải nhận thua và trả tiền.
MƯA DẦM THẤM LÂU, NHẪN NẠI CHỜ THỜI
Khi bạn muốn nhờ người khác làm giúp một việc gì đó thì nhất định phải có lòng nhẫn nại, vì có rất nhiều việc không dễ làm như chúng ta vẫn tưởng tượng. Ví dụ, bạn nhờ ai đó làm một việc gì đó, đối phương hoàn toàn có khả năng để làm giúp bạn, nhưng anh ta lại không đồng ý ngay lập tức bởi vì anh ta có những lí do hoặc nỗi khổ tâm riêng. Nếu bản thân bạn gặp phải chyện đó và ngay lập tức từ bỏ, vậy thì sẽ là vô vọng rồi. Nhưng nếu bạn có thể kiên trì, nhẫn nại thì vẫn gặt hái được thành công.
Một công trường xây dựng cần gấp 60 tấn nhựa đường, nhân viên cung ứng liền tìm đến văn phòng vật tư để nhờ giúp đỡ, nhưng người quản lí phụ trách lại nói, vì công việc rất bận nên phải đợi thêm hai tháng nữa mới có thể giao hàng. Nhân viên cung ứng vô cùng lo lắng và sốt ruột, làm sao có thể đợi được hai tháng nữa đây? Qua tìm hiểu tình hình anh được biết, trong kho vẫn còn rất nhiều hàng, chỉ là do anh ta không “cống nạp” nên người ta mới không giúp đỡ.
Tuy nhiên, nhân viên cung ứng vẫn kiềm chế cảm xúc và suy nghĩ biện pháp để giải quyết vấn đề. Trong tay anh lúc này không có tiền, không có quà cáp, việc “cống nạp” cho người ta càng là chuyện không thể, nên anh quyết tâm sử dụng chiêu “mưa dầm thấm lâu” với người quản lý đó.
Từ hôm sau trở đi, ngày nào anh ta cũng đến văn phòng của người quản lý, kiên nhẫn trình bày với ông ta. Dù cảm thấy rất phiền nhưng ông ta cũng không thể làm gì được. Cứ có cơ hội là anh nhân viên lại đến trình bày vui vẻ với thái độ nhã nhặn, lịch sự, khiến ông ta tức không được mà giận cũng chẳng xong. Đến ngày thứ năm, cuối cùng người quản lý đành phải nói: “Trời ơi! Coi như tôi thua anh rồi, giúp đỡ anh lần này vậy, tôi sẽ giao hàng cho anh trước!”
Trong câu chuyện trên, nhân viên vật tư biết rõ nguyên nhân là mình không “cống nạp” gì nên người ta mới không giúp. Anh ta bèn áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, cho đến khi đối phương đồng ý với yêu cầu của mình mới thôi.
KHÉO LÉO TUNG HỎA MÙ
Xí nghiệp may cùng với công ty thời trang kí kết một hợp đồng về gia công. Theo quy định của hợp đồng, xí nghiệp may sẽ gia công 2.500 chiếc áo lụa cho công ty thời trang, chất liệu, mẫu mã và kích thước sẽ do bên đặt hàng cung cấp. Đúng hạn, xí nghiệp may đã hoàn thành công việc như trong hợp đồng đã kí kết, nhưng bên đặt hàng vẫn chưa đến làm thủ tục nhận hàng và thanh toán các khoản chi phí.
Công ty thời trang vốn là một cửa hàng thời trang nhỏ. Với sự lao tâm khổ tứ của giám đốc Dương, mấy năm gần đây, công việc làm ăn phát triển rất nhanh, và đã trở thành một công ty thời trang sở hữu 15 cửa hàng thời trang lớn nhỏ. Nhưng cũng vì tốc độ phát triển quá nhanh, nên công ty cũng nợ nần rất nhiều. Hàng ngày, những người đến đòi nợ ngồi đầy ở văn phòng công ty, giám đốc Dương đành phải viện đủ lí do để từ chối qua loa cho xong chuyện.
Xí nghiệp may sau khi biết được tình hình này, tuy rất tức giận, nhưng vẫn quyết định sử dụng chiến thuật mềm mỏng, phái anh Hoàng của phòng quan hệ công chúng đi giải quyết vấn đề.
Anh Hoàng quyết định vào thẳng “hang hùm” để giải quyết. Anh ta hẹn với giám đốc Dương sẽ đến nhà gặp mặt vào một tối nào đó. Tối hôm đó, anh Hoàng đến nhà giám đốc Dương như đã hẹn. Giám đốc Dương cảm thấy xấu hổ và áy náy, tỏ vẻ rất lúng túng và bối rối. Để kéo gần khoảng cách của hai người, anh Hoàng luôn cố gắng nở nụ cười, câu nào cũng xoay quanh chủ đề nghề nghiệp, bàn luận đến vấn đề thời trang. Anh Dương sau một hồi nói chuyện đã phát hiện ra, sở thích và quan niệm về thiết kế thời trang của cả hai người đều rất giống nhau, nên đã mang tác phẩm mà mình yêu quý nhất, hài lòng nhất đưa cho anh Hoàng đánh giá.
Anh Hoàng dù mới lần đầu tiên gặp mặt nhưng đã hết sức tán thưởng, còn chỉ ra cụ thể những ưu điểm trong đó. Cùng với sự cổ vũ bằng cách nói chuyện khéo léo của anh Hoàng, giám đốc Dương có cảm giác rất thân thiết với người đang trao đổi cùng mình.
Anh Hoàng nhận thấy thời cơ đã đến. Anh bắt đầu đề cập đến những khó khăn của xưởng sản xuất và hi vọng giám đốc Dương thông cảm. Giám đốc Dương không suy nghĩ gì nữa bèn kí séc và chuyển luôn cho anh Hoàng.
LẤY CHỮ NHẪN LÀM ĐẦU, ĐỐI ĐÃI THEO LỄ NGHĨA
Nhân viên đi đòi nợ phải gặp gỡ và làm quen với rất nhiều kiểu người: có người thì thấu tình đạt lí, rộng lượng, thoải mái, nhưng cũng có những người lại có lòng dạ hẹp hòi, dửng dưng, lạnh nhạt có người ăn nói thẳng thắn, đối đãi thật lòng với mọi người, nhưng cũng có những người thì luôn miệng nói dối, giả nhân giả nghĩa, thậm chí có ý lừa gạt… Nhưng cho dù gặp phải loại người nào, đối phương có làm bạn cảm thấy khó xử đến mức nào thì làm một người đi đòi nợ, bạn vẫn phải cố gắng nhẫn nại hết mức có thể, và học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân. Đặc biệt, khi bạn tiếp xúc với người đang thiếu nợ, bạn gặp tình cảnh bối rối hay khó xử đến đâu thì vẫn phải biết đặt chữ nhẫn lên đầu.
Những người đến kì vẫn chưa thanh toán, cho dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì khi gặp người đến đòi nợ, đều có tâm trạng lo âu, khó chịu. Do đó, trong quá trình giao tiếp, thương lượng và bàn bạc, để bảo vệ thể diện của mình, những người thiếu nợ thường ăn nói không chút khách sáo, tranh cãi vô lí, thậm chí còn xúc phạm cả bản thân người đến đòi nợ. Có những người mắc nợ sẵn sàng gây rối, làm loạn; cố tình gây thật nhiều khó khăn cho người đến đòi nợ bằng cách đưa ra những điều kiện hà khắc, không thể chấp nhận được. Có nhiều con nợ còn cố ý chơi xấu, năm lần bảy lượt từ chối gặp mặt người đòi nợ, kể cả có gặp mặt thì cũng cố tình không nói đến khoản nợ, hoặc kiếm đủ lí do để kéo dài thời gian trả nợ…
Tất cả những hành vi này của người mắc nợ có thể khiến người khác tức giận. Trong những tình huống thông thường, người đòi nợ hoàn toàn có đủ lí do cãi nhau một trận ra trò với người mắc nợ, để trút bỏ mọi nỗi bực dọc trong lòng. Tuy nhiên, người đòi nợ cần phải nhớ kĩ bổn phận, nhiệm vụ và mục đích của mình. Khi hiểu được điều này thì người đòi nợ nên xem mọi chuyện đều bình thường, cư xử một cách đúng đắn, đặt chữ nhẫn làm ưu tiên hàng đầu… đối với tất cả những lập luận vô lí hay hành vi lừa dối của người mắc nợ. Nếu người đòi nợ không thể nhẫn nại chịu đựng những lời nói và hành vi vô lí này của người mắc nợ thì quan hệ của hai bên sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng căng thẳng, thậm chí có thể công khai đối lập. Một khi xuất hiện những tình huống như thế này, người đòi nợ về sau không thể tiếp tục tiến hành đàm phán, thương thuyết hay nói chuyện với người mắc nợ nữa, mặt khác tất cả những nỗ lực trước kia sẽ biến thành con số 0. Bởi vì, người đòi nợ đã phải trả cái giá rất cao để nắm được thông tin của người mắc nợ, hoặc là để thúc ép con nợ mau chóng trả nợ, người thu nợ đã phải làm việc và đạt được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp trên, hoặc từ ngân hàng hay chủ quản bộ phận kinh doanh… hoặc là, để có được một chuyến đi có kết quả, người đòi nợ đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để thu thập thông tin trước khi đi… Tất cả những điều nói trên sẽ tan thành mây khói chỉ vì không nhẫn nhịn được trong buổi đàm phán nói chuyện với con nợ.
Do đó, người đi thu nợ để đạt được mục đích và hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải biết chịu đựng tất cả những lời nói và hành vi khó có thể chịu đựng được nhất, phải biết “lấy nhu thắng cương” và “lấy tĩnh trị động”. Đối với những con nợ không nói lí lẽ, tính tình nóng nảy thì nói chuyện khéo léo là cách tốt nhất. Ví dụ, khi người khác đang mất bình tĩnh và nổi cáu, bạn có thể nói với anh ta: “Xin anh đừng tức giận, tôi đến đây không phải để cãi nhau với anh” hay “Câu nói vừa rồi của tôi có thể đã làm anh tức giận, nhưng mong anh hãy hiểu cho tâm trạng của tôi lúc này”, “Mong anh hiểu cho chỗ khó xử của phía chúng tôi, hãy coi như anh đang giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn nhất” hoặc những câu gần giống như vậy… Tôi tin chắc rằng, những lời nói ôn hòa và nhẹ nhàng này nhất định có thể khiến đối phương bình tĩnh lại và suy nghĩ vấn đề một cách lí trí hơn.
Người mắc nợ càng tức tối, ngang ngược thì người đòi nợ càng phải bình tĩnh và đối đáp lại bằng lí lẽ xác đáng. Đặc biệt là lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng, người đòi nợ càng phải bình tĩnh, hòa nhã, “lấy tĩnh chế động”, phải nắm bắt được tất cả những yếu điểm và sơ hở của người mắc nợ, sau đó dùng chiến thuật “trong nhu có cương” để buộc con nợ phải thực hiện việc trả tiền.
CHIẾN THUẬT ĐÁNH TỪ BÊN NGOÀI VÀO
Trong quá trình đòi nợ, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của nhân vật thứ ba có mối quan hệ tình cảm với đối phương để đạt được mục đích đòi nợ. Sau đây là một số biện pháp.
1. Qua quan hệ riêng của người mắc nợ
Đối với những người chịu ảnh hưởng của gia đình thì vợ (hoặc chồng) chính là những người bạn đồng hành có quan hệ thân thiết nhất trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, họ cũng là người mà bạn có thể nhờ làm “trận địa vòng ngoài” để “tiến đánh”. Cách làm này có thể thông suốt hay không là do hai nhân tố quyết định: thứ nhất là sức mạnh của những “cơn gió nhỏ” (ý chỉ những lời nói thì thầm vợ chồng hay nói với nhau). Thứ hai, vợ hoặc chồng của đối phương có điểm yếu nào có thể khai thác không, ví dụ như: thích ăn lãi nhỏ, có sở thích đặc biệt, hẹp hòi, ích kỉ, dễ mềm lòng, thích hư vinh… Bạn cần phải chú ý cả hai điều kiện cần thiết này, không thể thiếu một trong hai.
2. Qua quan hệ bên thông gia của người mắc nợ
Ai cũng có người thân. Trong cuộc sống, mọi người đều có xu hướng kính trọng, cư xử tốt đẹp hơn với những người thân của mình, đặc biệt là các anh con rể.
Cho dù là ông chủ của một công ty lớn, nhưng chỉ cần nhìn thấy bố vợ là lại phải ngoan ngoãn quy củ, chào hỏi lễ phép...
3. Qua quan hệ bạn bè của người mắc nợ
Nhu cầu có những người tri kỉ hay bạn thân là một hiện tượng rất bình thường trong đời sống xã hội của con người. Nhờ đến sự giúp đỡ từ tri kỉ hay bạn thân của người mắc nợ để đạt được mục đích đòi tiền, cũng là một vũ khí tốt mà người đòi nợ có thể tận dụng được. Phương pháp này có hiệu quả với điều kiện người chúng ta chọn phải có sức ảnh hưởng để tác động đến đối phương.
4. Qua quan hệ anh em họ hàng thân thuộc của người mắc nợ
Những người có thể tác động và ảnh hưởng tới đối phương, ngoài chồng, vợ (người yêu), còn có bố mẹ, anh chị em, con trai, con gái và những người anh em họ hàng có quan hệ thân thuộc. Cơ sở để thực hiện phương pháp này là mối quan hệ huyết thống, quan hệ dòng họ truyền thống mà người mắc nợ là thành viên trong đó…
5. Qua quan hệ khách hàng với người mắc nợ
Người mắc nợ và khách hàng của họ (đặc biệt là các vị khách quen lâu năm) không nhất định phải có mối quan hệ huyết thống, hay quan hệ bạn bè thân thiết, nhưng giữa họ tồn tại mối quan hệ phụ thuộc và dựa vào nhau vì lợi ích. Do đó, việc nhờ đến sự giúp đỡ của những khách hàng quan trọng của đối phương trong hoạt động kinh doanh sản xuất để gia tăng ảnh hưởng, thông thường cũng có thể thu được hiệu quả rất lớn.
6. Qua quan hệ cấp trên, cấp dưới của người mắc nợ
Nếu người nợ tiền bạn phụ trách một tổ chức kinh tế, vậy thì thông thường, “trận địa vòng ngoài” của bạn sẽ bao gồm cả cơ quan quản lý cấp trên và những người trong cơ quan của người mắc nợ. Những người này chúng ta có thể gọi là cấp trên và cấp dưới. Giữa người mắc nợ và cấp trên cũng như cấp dưới của người đó luôn tồn tại quan hệ lợi ích. Bất cứ người phụ trách nào cũng cần nhờ sự trợ giúp của cấp trên và cấp dưới thì mọi chuyện mới được thực thi. Do đó, nếu bạn biết tận dụng thỏa đáng mối quan hệ này thì sẽ có tác dụng trong việc đòi nợ.
HƯ TRƯƠNG THANH THẾ, LẤY GIẢ LÀM THẬT
Giám đốc Tôn là một phụ nữ độc thân đã ngoài 40 tuổi, vì tính cách khá mạnh mẽ nên mọi người thường gọi là Tôn Nhị Nương.
Giám đốc Tôn vừa mới đi họp về đã nghe nói nhân viên nghiệp vụ là Tiểu Quan bị người khác lừa, nên vội gọi Tiểu Quan lên hỏi đầu đuôi câu chuyện.
Tiểu Quan nói, mấy hôm trước, có một công ty đến đơn vị để đặt hàng, trong lúc kí tên, đối phương cố ý viết số “0” ở cuối số tiền thành số “9”, khi đến ngân hàng nhận tiền thì họ từ chối vì lý do này.
“Trong hợp đồng cũng có số tài khoản. Tại sao không thẩm tra đối chiếu lại?”, giám đốc Tôn nổi nóng. “Vấn đề chính là ở chỗ đấy, nói ra ngoài không sợ người khác cười vào mặt cho sao!”
“Trong lúc đối phương kí hợp đồng, họ đã cố ý để mực bị vấy ra quá nhiều nên nhìn cũng không rõ”, Tiểu Quan nói.
“Đến đây là hết sao?”, giám đốc Tôn hỏi.
“Tôi có gọi điện thoại liên hệ, ngân hàng nói chưa nhận được phiếu ủy nhiệm chi của họ, bây giờ số tiền đó đã được dùng vào việc làm ăn khác rồi”, Tiểu Quan nói.
Có phê bình hay trách móc gì nữa thì cũng không thay đổi được, xem ra mình phải đích thân ra tay rồi, giám đốc Tôn nghĩ. Tiểu Quan đưa giám đốc Tôn tới một con phố nhỏ yên tĩnh và đến công ty kia. Sau khi bước vào cửa, giám đốc Tôn rất bình thản ngồi vào ghế. Tiểu Quan sắp xếp xong xuôi, thì đối phương là một người tuổi trung niên đến giới thiệu: “Đây là giám đốc điều hành của chúng tôi Lão Mễ.”
Giám đốc Mễ gật đầu nhẹ một cách rất có thành ý, ra ý có việc gì có thể nói chuyện với ông ta. Giám đốc Tôn nghĩ, người này nhiều nhất cũng không đến 30 tuổi, vậy mà cũng dám gọi là “lão” sao.
“Được thôi, người anh em của anh đã dám lừa bà già này”, giám đốc Tôn buông lời chanh chua. Bà này chuyên về quan hệ công chúng, lại còn ngồi ở vị trí lãnh đạo, chắc chắn là có mặt đặc biệt riêng của bà ta, giám đốc Mễ nghĩ thầm.
“Đây chỉ là công việc bình thường, sao có thể gọi là lừa bịp được chứ? Tại bên ấy không kịp làm thủ tục, tiền bạc không đợi ai bao giờ?”, giám đốc Mễ nói.
“Tốt nhất là anh nên rút lại lời vừa rồi đi, đừng có giở trò này ra với tôi, coi chừng tôi đập vỡ cái cửa tiệm của anh đấy!”, giám đốc Tôn tỏ ra rất đanh đá, vì cơ bản bà cũng chẳng coi vị giám đốc kia ra gì.
“Hiện tại tôi cũng chẳng có tiền, có giỏi bà hãy kiện đi!”, giám đốc Mễ nói một cách rất lạnh lùng.
“Ồ! Bà già này làm việc từ xưa đến nay chưa bao giờ phải đi kiện cáo ai đâu nhé!”
Giám đốc Mễ không nói lời nào, không khí trở nên yên lặng.
“Đi, đến ngân hàng để kiểm tra lại số khoản của anh ta”, giám đốc Tôn nói với Tiểu Quan.
“Chúng ta hãy cùng ăn bữa trưa trước, có việc gì để ăn xong về rồi từ từ thương lượng”.
Tửu lượng của giám đốc Tôn rất tốt. Giám đốc Mễ tưởng rằng chuốc cho bà say xong có thể giải quyết mọi chuyện, không ngờ chỉ sau vài lần cạn chén, tự mình lại nói ra sự thật trước.
Hóa ra, công ty của giám đốc Mễ chỉ có hai người. Lúc tuyển dụng nhân viên nghiệp vụ, ông ta đã nói rõ, sẽ trích 10 phần trăm tiền lãi mỗi lô hàng cho họ, sau đó sẽ không mời nhân viên này làm việc nữa, tự họ phải chịu trách nhiệm và xử lý mối quan hệ nợ nần. Sau đó ông ta sẽ dùng khoản tiền kiếm được để tái đầu tư vào một vụ làm ăn khác.
“Dù sao cũng đều là việc chung, hà tất chị phải cố gắng chăm chỉ như vậy chứ. Tôi sẽ cho riêng chị 10 phần trăm tổng số tiền hàng, coi như một chút thành ý của anh em phía bên tôi”, giám đốc Mễ nói.
“Con người tôi thiếu đức, cũng chẳng có chồng, nhưng không thiếu tiền. Chính là vì công việc chung, cho nên anh nhất định phải trả tiền cho chúng tôi ngay lập tức, không được thiếu dù chỉ một xu. Số tiền này còn chẳng bằng một năm tiền lãi của tôi”, giám đốc nói.
“Chị kiếm đâu ra mà nhiều tiền như vậy chứ?”, giám đốc Mễ buột miệng nói.
“Kiếm về chứ còn sao. Tôi có hai nhà máy, một khách sạn, 1/3 lợi nhuận mỗi năm đổ vào ngân hàng, Bộ Công thương và Cục Thuế vụ”, giám đốc Tôn nói với một vẻ rất thờ ơ.
“Cậu em, hãy nhanh chóng trả tiền cho tôi”, sau khi uống rượu, giám đốc Tôn lại nói.
“Đều phải đưa hết sao?”, giám đốc Mễ vẫn còn chút lưu luyến.
“Lẽ nào còn muốn tôi cho anh tiền thưởng nữa sao? Chỉ sợ anh chẳng dám nhận thôi!”, giám đốc Tôn nói.
Người phụ nữ này quả là không thể đùa được, giám đốc Mễ thầm nghĩ.
“Mấy hôm nữa anh hãy qua chỗ tôi một chuyến, tôi sẽ cho anh cơ hội để phát tài, chứ đừng đi kiếm loại tiền này nữa”, giám đốc Tôn uống một ngụm trà rồi nói.
Vừa nghe xong câu này, giám đốc Mễ vội chạy đến ngân hàng.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỪ CHỐI CHO VAY TIỀN MỘT CÁCH KHÉO LÉO?
Khi người khác muốn vay tiền của bạn, nếu không thể cho vay được thì hãy từ chối họ một cách khéo léo.
Bạn có thể nói như sau:
“Nếu có thể, tôi sẽ giúp đỡ anh nhưng hiện giờ tôi hoàn toàn không có tiền. Anh đến hỏi mà tôi lại không thể giúp đỡ, trong lòng cảm thất rất buồn! Tôi mong anh có thể bỏ qua”.
Hoặc:
“Anh là bạn tốt của tôi, nếu là số tiền ít một chút, đương nhiên tôi có thể cho anh vay. Tuy nhiên số tiền quá lớn, về cơ bản tôi rất muốn giúp nhưng lại không giúp được. Xin anh bỏ qua cho”.
Những cách nói như vậy, không những rất hợp lý, mà còn thể hiện tình cảm thấu hiểu với bạn bè, đối phương cũng không đến mức có thành kiến với bạn.
Ngoài ra, lời từ chối hài hước cũng là một phương pháp rất tốt. Nó có thể làm dịu đi những tình huống ngượng ngùng khó xử trong không khí thân tình.
Ví dụ, Tom chào hỏi Hans một cách rất thân thiện.
“Anh sao vậy? Có vẻ tinh thần không được tốt!”
“Đúng vậy. Gần đây vì nợ nần nên tôi phải hỏi vay tiền khắp nơi, đến mức mệt mỏi rã rời, buổi tối phiền não tới mức ngủ không yên. Anh có thể giúp tôi không?”
“Đương nhiên là có! Ngày mai tôi mang đến cho anh. Nhà tôi có thuốc đặc hiệu giúp ngủ ngon.”
Lời từ chối như vậy thực sự rất thông minh.