Không ngừng nâng cao và hoàn thiện bản thân
✱ Một người muốn thành công không thể không có nền tảng là kiến thức.
✱ Thế giới rộng lớn vô cùng, có muôn vàn cách học tập khác nhau, bầu trời tri thức luôn rộng mở với người ham học.
✱ Nếu bạn muốn làm việc gặp ít trở ngại, tránh sai sót thì cách thông minh nhất là tham khảo ý kiến người khác.
HÃY DÙNG KIẾN THỨC ĐỂ TỰ VŨ TRANG CHO MÌNH
Là người lãnh đạo cần có một bộ óc đi trước thời đại, đồng thời không ngừng hoàn thiện bản thân. Điều đầu tiên cần đến để hoàn thiện bản thân là phải trau dồi kiến thức, dùng kiến thức để tự vũ trang cho mình. Nhà triết học người Anh Francis Bacon đã từng nói: “Kiến thức chính là sức mạnh.” Một người muốn có sức mạnh, mong đạt được thành công, tất phải có kiến thức.
Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức mà loài người hướng đến như hiện nay, kiến thức trở nên vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Cùng với việc chuyển hướng từ lao động chân tay sang lao động trí óc, kiến thức và kỹ năng chuyên môn cũng trở thành tâm điểm cạnh tranh tìm kiếm việc làm của mọi người, người thất nghiệp đa phần là người có kiến thức thấp. Vận may như kiểu “thằng bờm phát tài” trước đây đang dần dần mất đi. Những giai tầng giàu có nhờ tri thức đang nổi lên nhanh chóng; yêu cầu tri thức hóa đội ngũ lãnh đạo cũng ngày càng được đề cao. Xu thế này mới xuất hiện từ khoảng cuối thế kỷ 20, từ đó tới nay đã ngày càng thể hiện rõ nét.
Muốn dùng kiến thức để tự vũ trang cho mình thì cần phải học, học tập là con đường duy nhất để có được kiến thức. Học tập kiến thức, lấy kiến thức tự vũ trang cho mình là điều rất cần thiết và cũng là nhu cầu phát triển bản thân của mỗi con người. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý một số điểm sau đây:
1. Kết hợp giữa “rộng ” và “sâu”
“Rộng” chính là có kiến thức phong phú, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mở rộng tầm mắt, trải rộng hiểu biết của mình.
“Sâu” chính là nắm vững những tinh hoa của kiến thức trong phạm vi công việc chuyên môn của mình. Sự kết hợp giữa “rộng” và “sâu” chính là “Kết cấu kiến thức hình chữ T”.
Một người rất cần phải có kiến thức “sâu”, nếu không thì sẽ rất khó để có thể đảm nhiệm công việc trong một lĩnh vực nào đó mà bạn tham gia vào; nhưng chỉ có “sâu” mà không có “rộng” lại làm bản thân trở nên yếu kém, khó có thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống xã hội ngày càng phức tạp. Thứ mà xã hội hiện đại ngày nay cần là những người tài vừa có chuyên môn trong một lĩnh vực, lại vừa có kiến thức trong nhiều lĩnh vực, chính là những người có “kết cấu kiến thức hình chữ T”. Người lãnh đạo cũng nên thích ứng với yêu cầu đó, tự biến mình trở thành mẫu nhân tài như vậy.
2. Đừng chờ đợi, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ
Nhà nghiên cứu người Nhật Bản, Hideo Hosokawa, đã đưa ra quan điểm “ngày hôm nay chính là cơ hội”. Ông nói: “Chỉ cần bản thân tự cho rằng mình có nhu cầu, thì cần phải nhanh chóng nắm lấy kiến thức. Khi cảm thấy cần thiết, đó chính là cơ hội để học tập. Nếu cứ nghĩ là để ngày mai làm thì có nghĩa là đã bỏ lỡ cơ hội tốt. Học tập kiến thức chính là như vậy, cơ hội không chờ đợi ai, thời gian không quay trở lại, vì vậy, cần phải tìm cách để có được những kiến thức cũng như những thông tin hữu dụng. Hãy nhớ rằng, ngày hôm nay chính là cơ hội.”
Giả sử một công ty ưu tiên đề bạt những người có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh trở lên nắm giữ những vị trí quản lí, trong khi bạn lại có mong muốn được đề bạt, thì bạn đừng chờ đợi mà hãy nhanh chóng đi học để có được “học vị” này, bằng cách học toàn thời gian hay bán thời gian đều được. Có thể vì việc này mà bạn mất một khoản chi phí lớn, nhưng chỉ cần có triển vọng cho tương lai của bạn thì khoản chi phí đó cũng không uổng phí.
Nếu như bạn không biết nắm bắt cơ hội trong học tập, không hành động ngay lập tức, cứ kéo dài hết ngày này đến ngày khác thì thành công sẽ mãi tránh xa bạn mà thôi.
3. Chịu khó, chăm chỉ, kiên trì
Có thể chia thành công thành hai loại, đó là “Thành công kiểu bình dân” và “Thành công kiểu quý tộc”. Những người “thành công kiểu bình dân” chủ yếu dựa vào lao động chăm chỉ; còn những người “thành công kiểu quý tộc” lại thường dựa những yếu tố không phải tự mình làm nên như họ hàng, thừa kế hay quan hệ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tuyệt đại đa số mọi người đều đi trên con đường “thành công kiểu bình dân”. Nếu bản thân bạn hay gia đình là những người bình dân, bạn không nên oán trời trách người, cũng không nên ham muốn, đố kỵ hay ghen ghét những người “quý tộc” mà nên tự mình tìm ra con đường thành công mang đặc sắc riêng của “bình dân”.
Nhìn tổng thể “thành công” từ cổ tới kim thì chân lí chủ yếu của thành công là nắm vững kiến thức, kiên trì, nhẫn nại làm việc. Một người có thể thành công hay không không phải do hoàn cảnh xuất thân của anh ta quyết định, mà quan trọng là người đó có kiến thức, năng lực hay không. Kiến thức, năng lực đó lại do sự chăm chỉ học tập mang lại. Nếu ngại lao động khó khăn, gian khổ, chỉ mong kiến thức từ trên trời rơi xuống thì đó là điều hoang tưởng, chắc chắn sẽ không thể có được thành công.
KHAI THÁC NHIỀU CÁCH HỌC KHÁC NHAU
Ta có thể có được kiến thức bằng nhiều con đường khác nhau, vì vậy cần phải biết cách tìm những con đường học tập phù hợp. Tất cả những người lãnh đạo thành công đều hết sức coi trọng việc tận dụng các cách thức khác nhau để làm phong phú thêm kiến thức của mình. Người thông minh biết cách khai thác những con đường học tập khác nhau, nhưng những người kém thông minh có khi những con đường đó bày ra trước mắt cũng không nhìn thấy. Thế giới này rộng lớn vô cùng, có muôn vàn những cách học tập khác nhau, bầu trời tri thức luôn rộng mở với người ham học.
1. Tham gia lớp học
Tham gia các lớp học (bao gồm việc đến trường để học tập) là một trong những con đường học tập chính, trong thời đại hiện nay, tuyệt đại bộ phận những người thành công đều phải đi qua con đường này mới có thể vươn tới những đỉnh cao của tri thức. Ưu điểm của việc học trên lớp là người học có thể nắm được hầu hết kiến thức của các môn học một cách toàn diện và có hệ thống, bởi vì những thầy cô giáo dạy trên lớp đều được đào tạo chính quy, những thầy cô này đều nắm vững những kiến thức, những nguyên lí cơ bản của môn học, nắm được những bước phát triển của ngành học đó, nhờ vậy trong một thời gian ngắn có thể giúp người học nắm được những nét khái quát, những nguyên lí và những điểm quan trọng, những điểm khó của môn học, đồng thời có vai trò dẫn dắt trong một số vấn đề quan trọng. Điều này so với việc người học phải tự đi mày mò, tìm hiểu kiến thức thì đã rút ngắn đường đi rất nhiều. Vì vậy, việc học trên lớp có thể bảo đảm tính hệ thống và khoa học của kiến thức.
2. Đọc thật nhiều
Đọc cũng là một cách học quan trọng. Thông thường, nghe giảng là một phương thức học trong một giai đoạn nhất định của cuộc sống, giai đoạn đó gọi là tuổi đi học. Nhưng con đường học hành theo suốt cả một đời người thì chủ yếu là đọc. So với việc nghe giảng thì thời gian mà người học dùng phương thức đọc để khám phá tri thức sẽ cần phải lâu dài. Trong thời đại “bùng nổ tri thức” hiện nay, những kiến thức có được bằng cách nghe giảng, hay còn gọi là những kiến thức thời đi học, chỉ là cơ sở ban đầu cho công việc chuyên môn. Khi ra trường, các kiến thức này sẽ sớm bị lạc hậu, đặc biệt là những kiến thức về khoa học kỹ thuật, có khi những kiến thức này chỉ hữu ích trong vòng một vài năm, sau đó đã trở nên lỗi thời, không thể sử dụng được nữa. Phần lớn những kiến thức mới bắt buộc phải dựa vào phương thức đọc để nắm bắt được. Nếu cho rằng phương thức nghe giảng giúp chúng ta bồi dưỡng năng lực tư duy, năng lực phân tích và khả năng giải quyết vấn đề thì phương thức đọc lại bồi dưỡng cho chúng ta khả năng tự học và khả năng đưa ra những sáng kiến mới. Có thể thấy những người đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đều suốt đời cần mẫn không ngừng đọc để thu nạp kiến thức. Đọc chính là phương thức học có thể thu được nhiều kiến thức nhất.
3. Tìm thầy để học
Người xưa từng nói: “Không thầy đố mày làm nên” hay “Thầy hay mới có trò giỏi”. Tìm thầy để học chính là cách thức phù hợp nhất để đẩy nhanh tốc độ học tập.
Nhà khoa học nổi tiếng James Clerk Maxwell khi 15 tuổi thường không học tập một cách có hệ thống, học không tuân thủ theo tuần tự trước sau. Nhà giáo dục kiệt xuất John Hopkins phát hiện ra điểm yếu đó của Maxwell, ôn tồn nói: “Nếu như không có tuần tự trước sau thì anh mãi mãi không thể trở thành một nhà vật lí hay nhà toán học giỏi được”. Nghe lời dạy của Hopkins, Maxwell liền thay đổi cách học của mình. Và quả nhiên chưa đầy 3 năm sau, ông đã trở thành một nhà toán học trẻ tài ba.
Tìm thầy để học, học từ kiến thức trường lớp hay tự học đều không thể hoàn toàn thay thế cho nhau. Những học giả lớn đều có học thuật cao cấp riêng, mỗi người có phương thức học tập nghiêm túc riêng, những điều này đều không đọc trong sách được, cũng không thể nghe được trên giảng đường, mà chỉ có đến học và tiếp xúc trực tiếp với thầy thì bản thân mới tự tiếp thu được.
4. Học qua trò chuyện
“Trong ba người cùng đi, tất phải có một người là thầy của ta”. Bạn muốn tận dụng cơ hội trò chuyện để học hỏi thì phải không ngại ngùng, giấu dốt, mà nên coi việc hỏi han là niềm vui. Tuân Thục thời Hậu Hán là một học giả nổi tiếng. Một lần trên đường đi chơi, Tuân Thục gặp Hoàng Hiến. Khi đó Hoàng Hiến mới có 14 tuổi, chưa có địa vị, danh vọng gì, nhưng Tuân Thục nghe cách nói chuyện của Hoàng Hiến cảm thấy người này rất có học vấn, vậy nên rất cung kính thỉnh giáo Hoàng Hiến, nói chuyện cả ngày vẫn chưa muốn chia tay. Tuân Thục kính cẩn nói với Hoàng Hiến: “Ngài chính là thầy của ta.”
5. Áp dụng công nghệ cao vào việc học
Trong thời đại Internet như hiện nay, việc công nghệ hóa dạy và học là một cách để nâng cao hiệu quả của giáo dục. áp dụng công nghệ cao giúp làm phong phú thêm nội dung kiến thức, mở rộng tầm mắt của người học, giúp người học có hứng thú với việc học tập, nghiên cứu khoa học, khám phá những điều thần bí của tự nhiên, nâng cao khả năng tư duy, trí tưởng tượng và tính sáng tạo.
6. Thực hành
Có một người thanh niên thích làm văn hỏi Lỗ Tấn về “bí quyết thành công”. Lỗ Tấn dẫn người thanh niên đó đến bờ biển, bảo anh ta xuống bơi. Người thanh niên ngơ người ra một hồi, rồi vội vã lôi từ trong túi ra cuốn sách Hướng dẫn bơi, ngồi lên một tảng đá đọc sách, chỉ thả hai chân xuống nước quẫy đi quẫy lại. Lỗ Tấn lo lắng hỏi: “Cậu đã đọc cuốn sách này chưa vậy?” Chàng thanh niên trả lời: “Cháu đã đọc năm, sáu lần rồi, nhưng không nhớ hết được…” Lỗ Tấn nói: “Để ta giúp cậu!” Nói xong, ông liền đẩy cậu thanh niên xuống nước, khiến cậu ta phải cố mà bơi lên!
CỐ GẮNG ĐỌC THẬT NHIỀU SÁCH
Đọc sách vốn là một hoạt động tinh thần, từ cổ chí kim đọc sách luôn được coi là thanh cao. “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, ý nói là mọi việc trên thế gian đều thấp hèn, chỉ có việc đọc sách là cao quý. Vì vậy, đọc sách xưa nay vẫn được cho là việc cao đẹp, thanh nhã.
Mỗi người chúng ta đều nhất thiết phải đọc thật nhiều sách, vì đó là nguồn tri thức vô cùng dồi dào, không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Người lãnh đạo hoàn toàn có thể học được những kiến thức sâu rộng, vượt trội mà không cần kỹ thuật gì đặc biệt, chỉ cần đáp ứng được hai, ba điều kiện tiền đề đơn giản là được.
1. Đọc sách cần có quy luật
Có nghĩa là tự tạo thành thói quen đọc sách. Mỗi ngày dù thế nào bạn cũng nên dành ra một khoảng thời gian nhất định để đọc sách, kể cả chỉ có nửa tiếng thôi cũng được. Đối với bất kì ai thì việc bỏ ra nửa tiếng đều không phải là quá khó đúng không? Nếu bạn có thể làm như vậy 20 năm liền không ngừng nghỉ, chắc chắn bạn sẽ trở thành một người có kiến thức uyên thâm. Một khi bạn đã rèn luyện được thói quen này, bạn sẽ tìm ra những điểm thú vị khi đọc sách mà thú vui của những người bình thường khác không bao giờ có được.
2. Không đọc những cuốn sách vô bổ
Điều này thậm chí có thể coi là mấu chốt của việc đọc sách. Bởi vì chúng ta từ lâu đã quen đọc những cuốn sách vô bổ đang được bán tràn lan trên thị trường.
3. Tuyệt đối không đọc sách có nội dung xấu
Một khi bạn “nghiền ngẫm” những cuốn sách xấu thì những tư tưởng, tinh thần tốt đẹp của con người bạn sẽ dần dần bị tan biến hết. Sứ mệnh của chúng là là nuôi dưỡng những tư tưởng, tinh thần tốt đẹp. Chỉ cần bạn có những sự lựa chọn rõ ràng thì bạn hoàn toàn sẽ không bị lung lay, phân vân giữa cái thiện và cái ác.
Đọc sách một cách đúng đắn là một điều không dễ dàng, nhưng lại có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đọc sách một cách đúng đắn, chính là đọc đi đọc lại những điều bạn thực sự mong muốn nắm được rõ hàm ý nội dung của nó, còn nếu chỉ muốn biết về nội dung cuốn sách thì bạn thật sự không cần đọc đi đọc lại!
Thực tế thì đọc một cuốn sách đến lần thứ hai mới có thể coi là bắt đầu đọc cuốn sách đó. Lần thứ nhất có thể đọc khái quát toàn bộ cuốn sách, đến lần đọc thứ hai lại cần phải đọc kĩ lưỡng từng phần của cuốn sách đó.
4. Đọc sách cũng cần điều độ
Nếu khi đọc sách bạn cảm thấy chán nản hay mệt mỏi thì tốt nhất bạn nên dừng lại. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu thì tuyệt nhiên không nên dừng, bởi vì đọc sách cũng như những công việc bình thường khác, lúc mới bắt tay vào làm thì thường không thấy bất kì sự hứng thú nào cả. Nếu cứ cố đợi đến khi có hứng thú mới đọc sách thì e rằng, vô số người sẽ không thể đọc sách được. Vì vậy việc hạn chế được tính lười biếng là rất quan trọng, lười biếng chính là trở ngại lớn nhất của sự nghiệp.
Từ những điểm đã nói ở trên, có thể thấy quan trọng nhất là khi mới bắt đầu. Vì thực tế, có quá nhiều các loại ấn phẩm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, khiến cho người đọc không biết nên bắt đầu đọc từ đâu.
Tuy nói như vậy nhưng bạn cũng đừng mất đi dũng khí. Để không mất đi dũng khí, ít nhất là để không bỏ cuộc giữa chừng, hoặc để lấy lại dũng khí, bạn nên bắt đầu đọc từ những chỗ quan trọng nhất.
Cựu phó tổng thống Mỹ Henry Wilson sinh ra trong một gia đình nghèo khổ. Ngay từ khi còn còn nằm nôi, ông đã phải đối mặt với sự khủng khiếp của cái nghèo. Ông đã từng nếm trải cái cảm giác thèm một mẩu bánh mì mà trong tay cha mẹ không có một xu.
Năm 10 tuổi, Henry Wilson bỏ nhà ra đi, năm 11 tuổi ông bắt đầu đi học nghề, mỗi năm được vào trường học một tháng. Cuối cùng, sau 11 năm làm việc cực nhọc, gian khổ, ông nhận được thù lao là 1 con bò và 6 con cừu. Ông liền bán bò và cừu, được 84 đôla Mỹ. Từ khi sinh ra cho đến khi đó đã 21 tuổi, ông chưa từng tiêu tốn một đồng nào cho những việc vui chơi, giải trí, dù cho là chi ra một đồng ông cũng luôn tính toán rất kĩ lưỡng.
Một tháng sau ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 21, Wilson dẫn theo một nhóm người vào tận sâu trong rừng rậm, nơi chưa ai từng đến để chặt những cây gỗ thật lớn. Ngày nào ông cũng thức dậy từ khi những ánh nắng đầu tiên mới bắt đầu ló ra từ đường chân trời, làm việc hết sức chăm chỉ, siêng năng cho đến tận khi trăng sao hiện rõ mới nghỉ ngơi. Suốt một tháng ròng làm việc chăm chỉ, bất kể ngày đêm như vậy, ông nhận được thù lao là 6 đôla Mỹ, khi đó đối với Wilson thì số tiền này là một con số lớn. Trong mắt ông, mỗi đồng đôla Mỹ đó đều như ánh trăng đêm rằm vừa to vừa tròn, ánh sáng tỏa khắp bốn phương.
Trong hoàn cảnh nghèo túng, khó khăn như vậy, Wilson hạ quyết tâm không để tuột mất bất cứ cơ hội phát triển, nâng cao bản thân nào. Không có nhiều người có thể hiểu sâu sắc giá trị của những phút giây nhàn rỗi như Wilson. Ông tranh thủ từng khoảng thời gian quý giá đó như thể chúng là vàng bạc vậy, ông không để một giây một phút nào trôi qua một cách uổng phí.
Tính đến trước khi 21 tuổi, ông đã đọc, nghiên cứu được 1.000 cuốn sách. Sau khi rời khỏi nông trường, ông đi bộ liền hơn 100 dặm để đến thành phố Natick của bang Massachusetts học đóng giày. Ông cũng đi qua Boston, nơi ông được thấy tấm bia kỷ niệm trận đánh Bunker Hill và những di tích lịch sử khác. Toàn bộ chuyến đi của ông chỉ tiêu tốn mất 1 đôla và 6 xu. Một năm sau, ông tham gia vào một câu lạc bộ hùng biện ở Natick và trở thành một thành viên rất nổi trội ở đây. Sau đó, ông có một bài phát biểu rất nổi tiếng về việc phản đối chế độ nô lệ trước nghị viện bang Massachusetts, khi đó ông mới đến bang này chưa được 8 năm. Và 12 năm sau, ông được vào Quốc hội, ngồi ngang hàng với Charles Summer1 nổi tiếng.
1 Charles Summer (1811-1874): Chính trị gia và thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts.
Đối với Wilson, mỗi cuốn sách đều mang lại cho ông trí tuệ, ông luôn coi đó là những nấc thang dẫn ông đi trên con đường thành công.
HỌC HỎI TỪ KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Có một sự kiện trong đó 100 nhà lãnh đạo rất thành công của các công ty Mỹ cùng chia sẻ về quá trình học tập của bản thân mình để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Những kinh nghiệm đó có thể tập trung lại ở những ý sau:
1. Học từ những công ty khác. Nếu có cơ hội làm việc ở những công ty khác, nên chú ý quan sát những sở trường, điểm mạnh trong công việc kinh doanh của người lãnh đạo công ty đó.
2. Tuyển dụng những nhân viên thông minh, nhanh nhẹn, năng động. Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, việc tuyển dụng những nhân viên thông minh, nhanh nhẹn, năng động không những có lợi cho sự phát triển của công ty mà các nhà lãnh đạo cũng có thể tự học hỏi từ chính những người nhân viên đó.
3. Nên thường xuyên đi ăn uống với những người thành đạt. Chỉ cần người đó có những kinh nghiệm thực tế mà bạn còn thiếu thì bạn đừng ngại ngần, hãy tích cực mời họ cùng đi ăn. Nói chuyện cùng những người từng trải như thế, bạn có thể học hỏi từ họ rất nhiều kiến thức và phương pháp.
4. Sử dụng những công cụ nghe nhìn để làm phong phú thêm kiến thức về quản lí của mình. Ví dụ như các chương trình nói về quản lí trong doanh nghiệp được chiếu trên truyền hình, bạn nên dành thời gian theo dõi hoặc có thể thu lại để đến khi nào rảnh rỗi thì xem lại, lâu ngày nhất định sẽ có tác dụng.
5. Kết bạn với những cán bộ trong các cơ quan nhà nước có liên quan đến công việc của mình. Những người này có thể là nguồn kiến thức tuyệt vời. Nếu bạn thường xuyên quan hệ qua lại với họ, có thể bạn sẽ có được rất nhiều thông tin và cơ hội.
6. Dũng cảm học tập theo phương pháp “thử - sai - sửa”. Mò mẫm, tìm tòi để có được kinh nghiệm có lẽ không phải là phương pháp có hiệu quả nhất, nhưng những thủ thuật, kinh nghiệm kinh doanh mà bạn tự thấy được chính là những điều thực sự quý giá và thực tế.
7. Tham gia Hội Doanh nhân, tham gia các hoạt động như những buổi diễn thuyết, hội thảo hay gặp mặt nói chuyện. Bạn có thể thu được rất nhiều lợi ích từ những cơ hội không chính thức như thế này.
8. Ăn trưa với nhân viên. Bạn hãy ăn trưa hàng ngày với một số nhân viên chủ chốt, từ đó có thể học tập lẫn nhau, trao đổi ý tưởng, sáng kiến, có thể coi là một công được nhiều việc.
9. Lắng nghe ý kiến của người nhà. Có thể vợ hay chồng của bạn có rất nhiều sáng kiến, có thể cha mẹ bạn có rất nhiều kinh nghiệm đáng học hỏi trong các lĩnh vực như tiếp thị hay pháp luật… Tóm lại, bạn hãy lắng nghe ý kiến của người nhà, lợi ích thu được sẽ không hề nhỏ.
10. Đọc nhiều sách vở, báo, tạp chí, thông tin mua bán… Đó đều là những nguồn thông tin rất hữu ích.
11. Thuê cố vấn riêng. Việc thuê cố vấn không chỉ giúp bạn giải quyết công việc mà bạn còn có thể học hỏi nhiều từ chính người cố vấn của bạn, đặc biệt là khi việc kinh doanh của công ty bạn đang trên đà phát triển nhanh, người cố vấn quản lí có thể dạy bạn về nghệ thuật sử dụng quyền lực hay bí quyết để quản lí nhân viên, đồng thời cũng có thể giúp công ty của bạn phát triển vững mạnh.
12. Mua một chiếc máy tính cá nhân. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chương trình phần mềm rất hữu dụng có thể giúp bạn làm tốt hơn công việc của mình.
13. Lắng nghe ý kiến của nhân viên. Tại sao bạn lại tuyển dụng một nhân viên? Đó là vì họ có kiến thức và những sở trường riêng. Vì vậy, bạn nên chú ý lắng nghe những ý kiến tâm huyết từ phía họ.
14. Học tập từ những người giỏi. Nếu bạn ở gần những người giàu có hay những người tài hoa, ngày qua ngày, một cách từ từ, bạn sẽ phát hiện ra mình thu được rất nhiều thứ. Bí quyết để có được điều này là hãy thường xuyên đi ra ngoài, gặp mặt nói chuyện nhiều với khách hàng, với nhân viên hay với các chuyên gia.
15. Tận dụng trí tuệ của những nhà cung cấp. Những nhà cung cấp thường không chỉ thành thạo nghiệp vụ kinh doanh mà còn có thể đưa ra cho bạn rất nhiều lời tư vấn đặc biệt có ích.
16. Mỗi tuần mời chuyên gia đến diễn thuyết một lần, giúp nhân viên cập nhật được những kiến thức kinh doanh mới nhất.
17. Lắng nghe những ý kiến phản hồi từ khách hàng. Từ những ý kiến phản hồi của khách hàng, bạn có thể thấy được những điểm thiếu sót của mình để có thể sửa chữa ngay. Nếu như phương pháp của bạn là đúng, bạn nên tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa.
18. Làm theo người khác. Giả sử bạn biết được một người A nào đó gây dựng sự nghiệp kinh doanh rất thành công tại một thành phố A, còn bạn cũng đang gây dựng sự nghiệp tại một thành phố B. Vậy thì bạn nên gặp trực tiếp hỏi han người A đó, nhờ anh ta chia sẻ kinh nghiệm cho mình.
19. Học một khóa học về quản lí. Hiện nay các công ty tư vấn quản lí thường tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, đồng thời cũng có rất nhiều trường đại học mở các lớp về nghiên cứu quản lí, bạn nên tranh thủ thời gian buổi tối hay những ngày cuối tuần để tham gia học tập, nghiên cứu trong những chương trình này.
20. Giúp đỡ nhân viên phát triển. Bạn nên hỗ trợ tài chính cho nhân viên tham gia các khóa học về quản lí hay tham gia những buổi hội thảo, như vậy có thể cùng với nhân viên duy trì một tiêu chuẩn nào đó về chuyên môn nghiệp vụ.
21. Tích cực tìm kiếm các vấn đề thảo luận. Một khi bạn đưa ra vấn đề nào đó, đa số mọi người đều có thể sôi nổi đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề đó, chứng tỏ vấn đề của bạn thu hút sự chú ý của mọi người, dần dần nó sẽ biến thành thú vui của mỗi người. Cũng như vậy, giả sử một người hỏi bạn về một vấn đề, hãy giúp người đó giải đáp vấn đề đó. Nói cách khác, nếu như bạn muốn biết được nhiều điều, trước tiên bạn phải cho đi nhiều.
HÃY THAM KHẢO Ý KIẾN CỦA NGƯỜI KHÁC
Trong số các tổng thống của nước Mỹ, người khiêm tốn nhất, luôn sẵn sàng học hỏi người khác nhất, không ai khác chính là Franklin D. Roosevelt. Đối với những người ông tin tưởng, ông luôn trao cho họ một niềm tin tuyệt đối. Mỗi khi gặp phải một vấn đề gì đó, ông thường họp bàn với những người có liên quan, nghiên cứu cẩn thận vấn đề. Có lần vì muốn tham khảo thêm ý kiến của một người khác, Roosevelt thậm chí đã phát điện báo đi hàng nghìn cây số để mời bằng được người mà ông cần tham khảo ý kiến đó đến gặp mặt bàn bạc.
Một nhân vật rất nổi tiếng trong giới chính khách của nước Mỹ thời kỳ đầu là Lewis George, ông nổi tiếng về sự khôn ngoan và cẩn thận trong xử lí các công việc hành chính. Mỗi lần ông làm xong một bản dự toán ngân sách, trước khi gửi cho Ủy ban kiểm toán Quốc hội vài ngày, ông luôn cùng một số chuyên gia bàn thảo lại về dự toán đó, kể cả những điểm dù là nhỏ nhất ông cũng không bỏ lỡ cơ hội tham khảo thêm ý kiến mọi người. Bí quyết thành công của Lewis George có thể tóm lại thành một câu nói, đó là: “Học tập người khác thật nhiều”.
Có người nói, Tổng Giám đốc công ty gang thép Hoa Kỳ Jared rất thích lắng nghe mọi người trình bày ý kiến của mình với ông, đặc biệt là những ý kiến chỉ ra lỗi sai của ông. Ông luôn cố gắng lấy ý kiến của những nhân viên trong công ty, bất kì người nào nói với ông, ông đều hết sức lắng nghe.
Từ cổ chí kim, những người thành công vĩ đại, biết sử dụng bí quyết “Học hỏi người khác” để thành công, quả thực nhiều không kể xiết. Những nhà lãnh đạo đều có thói quen lắng nghe ý kiến của người khác.
Có thể nói rằng, qua việc một người có được sự giúp đỡ của người khác nhiều hay ít, ta có thể nói được người đó vĩ đại đến mức nào. Một người thông minh, có được nhiều thành công, đó là người biết cách để những người khác tự động đóng góp ý kiến cho anh ta, biết cách xem xét, cân nhắc những ý kiến đó, biết tận dụng những điều thu được để làm tăng lợi ích cho mình. Ngược lại, những người không đủ năng lực thường không biết làm thế nào để lấy được ý kiến của người khác, thậm chí ngay cả khi có được ý kiến của người khác rồi họ cũng không biết làm sao tận dụng những ý kiến đó để đưa ra những quyết định, lựa chọn chính xác, phù hợp cho mình.
Nếu bạn là một người chuyên quyền độc đoán, thường làm những việc kiêu ngạo, coi những ý kiến của người khác đóng góp cho bạn là một điều xúc phạm, sỉ nhục, thì đó quả là một sai lầm lớn. Một khi mọi người đóng góp cho bạn thật nhiều ý kiến để tham khảo, đó quả thật là cơ hội tốt mà bạn phải tận dụng để làm hoàn thành công việc tốt đẹp hơn, bớt sai sót hơn. Nếu như bạn bỏ lỡ cơ hội như thế này, sau này người cảm thấy tiếc nuối, đau khổ nhất không phải bất kì ai khác mà chính là bạn.
Trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đại tá Robinson đang chỉ huy ngoài tiền tuyến thì cấp dưới có hai người lính đảo ngũ, bỏ đi theo quân Đức. Robinson lập tức lệnh cho một người đội trưởng dẫn theo một đội quân đuổi theo bắt hai người đó lại. Tuy nhiên, người đội trưởng này là một người liều lĩnh, không biết lên kế hoạch trước cho hành động, cũng không biết tham khảo ý kiến người khác, chỉ biết liều lĩnh xông lên đánh, kết quả bị thua đau một trận, cả đội đều bị đánh tơi bời.
Nghe tin đội quân mình cử đi bị đánh bại, Đại tá Robinson lại lệnh cho một đội trưởng khác dẫn một đội quân đi. Vị đội trưởng này đã thấu hiểu bí quyết của thành công, trước tiên ông đi gặp một sĩ quan Pháp, nói với sĩ quan đó kế hoạch dự định của ông trong trận chiến này, và hỏi xem ý kiến của sĩ quan ra sao. Vị sĩ quan Pháp đương nhiên rất nhiệt tình chỉ bảo, dùng kinh nghiệm của bản thân mình để chỉ cho đội trưởng cách đánh an toàn, chắc chắn nhất. Vị đội trưởng làm theo cách này, quả nhiên đi bắt được người về một cách an toàn.
Cùng là hai người dũng cảm, nhưng người đi trước chỉ biết hành động một cách độc đoán, kiêu ngạo, không những không hoàn thành được nhiệm vụ mà còn gây hại cho bản thân và quân sĩ. Người đi sau lại khác, anh ta khiêm tốn học hỏi người khác, không chỉ bảo đảm an toàn cho bản thân cùng quân sĩ mà còn có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vì thế chúng ta có thể nói: Việc học tập, tham khảo ý kiến của người khác không phải là điều gì đáng xấu hổ, ngược lại, điều đó còn thể hiện bạn là một người có tư tưởng, có chí tiến thủ, có trí tuệ.
HỌC VÌ KIẾN THỨC CHỨ ĐỪNG HỌC VÌ ĐIỂM SỐ
Tỷ phú người Trung Quốc Lý Gia Thành từ khi còn niên thiếu đã mồ côi cha, mất đi cơ hội được học tập đầy đủ. Từ năm mới 14 tuổi, dựa vào mức lương ít ỏi từ quán trà, ông đã phải một tay lo liệu hết các công việc gia đình. Khi đó, Hồng Kông vẫn trong tình trạng chiến tranh, tuy vậy sức mạnh của khoa học kỹ thuật có thể thấy ở bất kì đâu.
Trung Quốc khi đó bị Nhật Bản xâm chiếm, nhưng Nhật Bản cuối cùng cũng bị đánh bại dưới tay Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương, những kết quả này đều phản ánh trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của mỗi nước. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra khi thế giới bước vào kỉ nguyên hòa bình, sức mạnh của khoa học kỹ thuật sẽ càng hiện rõ.
Lý Gia Thành luôn chú ý đến tình hình lúc bấy giờ, ông sớm nhận ra rằng nếu không có khoa học kỹ thuật thì không thể làm nên việc lớn được. Ông tự xây dựng cho mình một kế hoạch: tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc tự học để hoàn thành chương trình trung học.
Lý Gia Thành thời gian đó ngày nào cũng như ngày vậy, buổi sáng tinh mơ đã đi làm, làm cho đến tối mịt, mỗi ngày tới hơn 15 tiếng đồng hồ. Sau khi về nhà, ông thắp đèn dầu miệt mài học tập cho đến tận đêm khuya, nhiều khi học đến quên cả thời gian, đến mức khi nghĩ đến chuyện đi ngủ thì tới đến giờ phải đi làm rồi.
Cuộc sống khổ cực đã tôi rèn cho Lý Gia Thành một ý chí ngày càng cứng rắn, kiên cường, đặc biệt là trong chuyện học tập, ông lại có một nghị lực phi thường. Ông cố gắng, kiên trì vừa học vừa làm.
Lý Gia Thành có một ham muốn mạnh mẽ với việc tìm tòi tri thức, ông luôn băn khoăn lo lắng làm sao kiếm được tiền để mua sách về học. Từ nhỏ Lý Gia Thành đã có tính kiêu ngạo, không muốn ai bố thí cho mình cái gì, càng không muốn chịu ân huệ của ai. Vì vậy, không bao giờ ông nghĩ đến chuyện đi mượn sách.
Tuy nhiên, tiền lương của ông rất thấp, không đủ để chăm lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, chưa kể còn phải chi trả cho tiền học của em trai và em gái ông. Ông không muốn hai em vì cuộc sống khổ cực mà phải sớm bỏ học đi kiếm sống như mình, phải được học đến nơi đến chốn.
Vậy thì tiền mua sách lấy đâu ra đây? Lý Gia Thành đã nghĩ ra một cách tuyệt vời.
Qua quá trình để ý quan sát, ông phát hiện đại đa số học sinh sau khi học xong đều vứt sách vở đi như rác vậy, một số khác biết tính toán hơn thì bán đi lấy tiền.
Ông dự đoán: Nếu đã có người thu mua sách cũ, chắc hẳn phải có một cửa hiệu chuyên buôn bán sách cũ. Sau đó ông bắt đầu chú ý xem xét cẩn thận, quả nhiên thực tế chứng minh dự đoán của ông là hoàn toàn chính xác.
Vì vậy, Lý Gia Thành tìm đến những nhà sách chuyên bán sách cũ với giá chiết khấu rất nhiều đó để mua sách, mỗi lần mua một, hai cuốn. Sau khi học xong, ông lại mang bán lại cho nhà sách đó, sau đó lại lấy tiền bán sách cũ để mua những quyển sách cũ “mới”. Bằng cách này, Lý Gia Thành không chỉ có sách để học mà còn có thể tiết kiệm rất nhiều tiền, quả đúng là một mũi tên trúng hai đích.
Về sau, khi nói lại về chuyện này, Lý Gia Thành vẫn cảm thấy rất đắc chí, dường như việc tiết kiệm được vài đồng vào thời đó làm ông hưng phấn hệt như việc ngày nay ông kiếm được hàng triệu đồng vậy. Ông nói:
“Khi cha tôi mất, tôi mới chưa đầy 15 tuổi. Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt như vậy, tôi buộc lòng phải gác chuyện học lại để đi làm kiếm sống. Lúc đó thật sự tôi rất thích đọc sách, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, tôi chỉ có thể mua sách cũ về tự học. Trí tuệ nhỏ bé của tôi khi đó bị hoàn cảnh ép cho nảy ra cái khôn. Tôi chỉ tiêu một chút tiền là có thể mua được những cuốn sách ‘nửa mới’ rồi, đọc xong tôi lại mang bán lại cho nhà sách, rồi lại mua sách cũ tiếp. Bằng cách đó tôi vừa học được kiến thức, vừa tiết kiệm được rất nhiều tiền.”
Từ một việc nhỏ này chúng ta có thể thấy ngay từ khi còn niên thiếu, Lý Gia Thành đã có một bộ óc kinh doanh. Có thể nói, suy nghĩ đầu tiên trên đời về kinh doanh đã nảy sinh trong Lý Gia Thành khi ông mới chỉ có 14 tuổi.
Nhìn chung, để trở thành một người thành công, thông minh tất nhiên là một yếu tố không thể thiếu, nhưng quan trọng nhất vẫn phải là tính cần cù, siêng năng. Trong một hoàn cảnh khó khăn, khổ cực, Lý Gia Thành vẫn cố gắng tích cực học tập, trau dồi nâng cao trình độ hiểu biết của mình, quả là một điều đáng quý vô cùng. So với những người có điều kiện thuận lợi cả về thời gian, tiền bạc và các yếu tố khác, nhưng lại không có chí tiến thủ, không chăm chỉ học hành, thì Lý Gia Thành quả thật thể hiện rõ sự khác biệt.
Vì vậy, dù thành tích học tập của Lý Gia Thành không cao, nhưng kiến thức ông có được lại rất lớn, điều này hoàn toàn có thể lí giải được.
Học tập là công việc của cả một đời người. Dù là bất kì ai, một khi đã muốn làm được việc lớn, có thể không cần có một bảng điểm ấn tượng nhưng nhất thiết phải có kiến thức tốt. Một số người từ những tấm gương của Lý Gia Thành, Vương Vĩnh Khánh (nhà kinh doanh người Đài Loan), Konosuke Matsushita (nhà sáng lập công ty điện tử Panasonic), hay thậm chí là tấm gương của Bill Gates (nhà sáng lập tập đoàn Microsoft) mà kết luận rằng “việc học là vô dụng”, đó là một sai lầm lớn. Những tấm gương đó, họ chỉ không có một bảng thành tích học tập sáng chói, nhưng học vấn, kiến thức của họ vô cùng phong phú, có thể vượt qua không ít người có thành tích học tập ấn tượng.