Nhân tố cốt lõi của quản lý là con người. Cho dù thời đại có thay đổi, thì việc quản lý vẫn bắt đầu từ “quản lý con người” và hướng tới quản lý tổng thể một cách toàn diện, trong đó quản lý con người, dùng người, phát huy trí tuệ của người khác luôn đóng vai trò quan trọng giúp nhà lãnh đạo có được thành công. Lãnh đạo luôn phải đối diện với một tập thể bao gồm những người quản lý cấp trung và nhân viên cấp dưới. Mục tiêu của quản lý là duy trì sự thống nhất nội bộ và tiếp tục phát triển. Để thực hiện được mục tiêu chung, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải nhận biết và khai thác được năng lực tiềm ẩn của nhân viên, phát huy mặt mạnh của mỗi người, phân công công việc hợp lý, biết tuyển dụng và giữ được nhân tài. Tuy nhiên, để có thể rèn luyện được năng lực quản lý hiệu quả, cần dựa vào tư tưởng quản lý trong “Thuật quản trị” kết hợp với kinh nghiệm của bản thân, tiến dần từng bước, tích tiểu thành đại, thì nhất định sẽ thành công.
Công việc quản lý của người lãnh đạo có nhiều tầng bậc khác nhau, bậc đầu tiên là xây dựng chế độ quản lý để mọi người đều phải tuân theo; bậc tiếp theo là khiến cho ai nấy cũng đều phải chăm chỉ cần cù; bậc cao hơn nữa là tạo dựng uy quyền, mệnh lệnh đưa ra phải được chấp hành; tiếp nữa là làm gương cho cấp dưới khiến mọi người đồng tâm nhất trí; cuối cùng là quản lý theo hình thức quản mà như không quản. Cũng giống như một nước đi đúng đắn cứu cả ván cờ, một câu nói ấm áp đổi lại sự trung thành, một đôi mắt tinh tường thu hút nhân tài, triết lý này tưởng chừng như vô hình nhưng thực ra lại chính là con đường để đi đến thành công trong quản lý.
Bồi dưỡng năng lực quản lý cho nhà lãnh đạo chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn nhân tài, bao gồm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, đề bạt và “giữ chân được” nhân tài. Trong quá trình đào tạo, cần nhớ căn cứ vào vị trí công việc để đào tạo nhằm phát huy hết tài năng của họ. Người lãnh đạo có con mắt tinh tường thường rất giỏi nhìn người, nhìn mầm biết cây, không câu nệ, biết phát huy thế mạnh của từng người.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tự thân, bao gồm bồi dưỡng cho nhà lãnh đạo về sự tín nhiệm, quan tâm yêu mến, thái độ khoan dung và uy quyền đối với cấp dưới. Không có ai sinh ra đã có thể làm lãnh đạo, nhưng có người không có khí chất làm lãnh đạo, đó là bởi sự khác biệt về tính cách và khí chất cá nhân biểu hiện trên phương diện “năng lực lãnh đạo”. Nhà lãnh đạo thành công là người mang trong mình sức hút nhân cách rất đặc biệt, họ khiến chúng ta cảm thấy rằng họ sinh ra để làm lãnh đạo. Đó chính là mục tiêu cao nhất của giai đoạn rèn luyện thứ hai.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn song song, tức là rèn luyện hành vi cư xử tương tác lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân viên trong tổ chức, bao gồm khuyến khích, phê bình, kiểm tra, thưởng phạt, điều chỉnh và hợp tác. Tổ chức có thể tràn trề sức sống hay không, có thể vượt qua khủng hoảng hay không, có thể phát triển hay không, đều nhờ vào sự thành bại của giai đoạn đào tạo này. Một môi trường làm việc tốt chưa hẳn đã giúp bạn phát triển, nhưng có thêm một người lãnh đạo giỏi sử dụng nhân tài sẽ giúp bạn đến được đỉnh cao của sự nghiệp.