H
ồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ hay xấu hổ, gặp người lạ là đỏ mặt, cũng không có ai chơi với tôi. Nhà có khách, bà nội thường chỉ vào mấy anh chị em họ của tôi và giới thiệu rằng: “Đây là Mai, hiểu chuyện, như người lớn. Đây là Huy, đầu óc thông minh...” - Cuối cùng chỉ vào tôi, nói:
“Đây là Kiện, ngoan nhất nhà!” Thực ra tôi biết, tôi không có ưu điểm nào khác, nên bà nội đành phải nói “ngoan nhất nhà” để an ủi tôi, cho tôi đỡ buồn.
Tính cách cô độc, lầm lì cứ theo tôi đến tận khi tôi vào trung học. Năm chuyển cấp, tôi may mắn thi đỗ vào trường huyện. Trong môi trường mà ai ai cũng xuất sắc, ai ai cũng tự cho mình là siêu phàm, thì tôi lại càng cảm thấy tự ti.
Thầy chủ nhiệm lớp tôi họ Củng, dạy môn toán. Thầy dạy rất giỏi, nghe nói, thầy là giáo viên dạy toán giỏi nhất huyện. Thầy hơn 40 tuổi, đậm người, nét mặt lúc nào cũng nghiêm túc, nên tôi rất sợ, luôn tìm cách né tránh. Có một lần kiểm tra toán, bài giải cuối cùng của tôi bị thầy gạch chéo một dấu lớn. Sau đó, thầy bắt đầu đánh giá bài thi. Tôi cầm bài thi trên tay, suy nghĩ mãi, tôi thấy cách giải của mình tuy khác của thầy, nhưng đúng, hơn nữa còn đơn giản hơn cách giải của thầy.
Tan học, tôi cầm bài thi đến văn phòng tìm gặp thầy. Thầy Củng đang miệt mài chấm bài. “Thầy Củng, em thấy đề bài này em làm cũng đúng ạ.” - Tôi rụt rè nói, giọng nhỏ đến mức chính bản thân tôi cũng không nghe thấy mình nói gì. - “Em nói gì?” - Thầy Củng ngẩng đầu nhìn chằm chằm vào tôi qua cặp kính dày cộp. Tôi lặp lại lời vừa nói một lần nữa, âm thanh vẫn nhỏ như muỗi kêu. “Vậy à?” - Thầy Củng ngờ vực cầm lấy bài kiểm tra của tôi. Chốc lát, thầy vứt bài kiểm tra của tôi lên bàn làm việc, nghiêm mặt hỏi: “Em có chắc chắn rằng cách làm của em đúng không?” Tôi do dự mãi, cuối cùng cũng gật đầu. Trên khuôn mặt thầy phút chốc có nụ cười lướt qua, giọng nói càng nghiêm khắc. - “Nếu em tin rằng cách làm của em là đúng, tôi có thể nghe em nói lý do, nếu em không chắc chắn, thì đừng lãng phí thời gian của tôi.” Nghe thầy nói vậy, tôi bỗng chột dạ, nhỡ tôi làm sai, chắc chắn sẽ làm cho thầy tức giận, thôi vậy, dù sao cách giải của thầy tôi cũng nắm chắc rồi, cần gì phải tìm cách khác nữa. Tôi ấm ức cầm lấy bài của mình, đi ra khỏi văn phòng, trong lòng buồn bã.
“Quay lại!”. Đi chưa được bao xa, tôi nghe thấy tiếng thầy gọi sau lưng. Tôi ngờ vực quay lại, thầy Củng nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp, dịu dàng hiếm có. Thầy nói: “Thực ra cách giải của em hay hơn của thầy! Nhưng sao em biết bản thân mình đúng, mà lại không giữ vững lập trường? Em đáng ra phải tự tin về bản thân mới phải chứ!”
Lời của thầy như những đợt sóng khích lệ cứ lớn dần trong tôi. Cũng từ hôm đó, tôi bắt đầu ngẩng cao đầu nhìn tất cả mọi người. Trên lớp, tôi chăm chỉ ghi chép bài, thành tích ngày càng tốt hơn. Tôi còn tích cực tham gia các hoạt động mà trường tổ chức, thậm chí còn giành được nhiều giải thưởng như: ca hát, làm triển lãm trưng bày cá nhân, và tôi còn trở thành biên tập viên của Câu lạc bộ Văn học trường, vào Hội Học sinh... Ấn tượng của thầy cô giáo và bạn bè về tôi đã hoàn toàn thay đổi: đó là một học sinh tự tin, cởi mở với khuôn mặt tươi tắn và cử chỉ nhanh nhẹn, hoạt bát! Hóa ra, chỉ một lời động viên mà có giá trị to lớn đến vậy, thậm chí nó có thể đem lại cuộc sống mới cho một con người!
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Tự ti là khuyết điểm mà nhiều người mắc phải, nếu không sửa sớm, sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Khi bạn cảm thấy mình không bằng người khác, rất dễ cảm thấy tự ti, lúc này bạn cần sự hỗ trợ của người thân, bạn bè, thầy cô… để giúp bạn phá bỏ tự ti, xây dựng niềm tin. Đôi khi, cuộc đời bạn sẽ thay đổi chỉ với một sự khích lệ nhỏ. Vì vậy, bạn cũng đừng quên khích lệ những người xung quanh khi thấy họ kém tự tin nhé.