Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên phải đi công tác. Cũng vì vậy, tôi có quan hệ khá thân thiết với nhân viên công ty cho thuê xe hơi, nhân viên hãng hàng không cũng như nhân viên tiếp tân trong khách sạn... Họ luôn cố gắng giải quyết mọi vấn đề để chuyến đi của tôi thuận lợi và thoải mái. Lúc đầu, tôi nghĩ họ làm như vậy vì cho rằng tôi là một khách hàng quan trọng. Nhưng ngẫm lại, tôi mới thấy tất cả những cố gắng của họ chính là để xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng. Chính những mối quan hệ thân thiết, những chuyến khứ hồi của tôi cũng như của nhiều khách hàng khác sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận trực tiếp cho họ.
Như đã nói ở phần trước, mỗi người đều có những “thân chủ” của riêng mình. Họ là những người cần bạn trợ giúp. Bạn sẽ được hưởng lợi gì khi xây dựng những mối quan hệ thân thiết với “thân chủ”? Và làm thế nào bạn có thể mở rộng những mối quan hệ ấy?
Kinh nghiệm của tôi cho thấy bạn sẽ được hưởng hai lợi ích chính sau:
Họ vui vì bạn đã mang lại cái họ cần, từ niềm vui này, họ có thể phản hồi lại với cấp trên của bạn rằng bạn đã hoàn thành rất tốt công việc. Ngay cả khi công ty của bạn có một hệ thống đánh giá, nhận xét chặt chẽ chất lượng công việc, cung cách phục vụ đi chăng nữa thì một ý kiến phản hồi tốt và khách quan từ khách hàng cũng sẽ khiến cấp trên thêm tin tưởng vào nỗ lực của bạn cho sự nghiệp chung.
Bạn nhận lại được sự giúp đỡ nhiệt tình. Có một câu châm ngôn rằng: “Bạn chăm sóc tôi, tôi sẽ chăm sóc lại bạn”. Quả vậy, nỗ lực của chúng ta giống như một sự đầu tư, đến một lúc nào đó, nó sẽ quay trở lại giúp ích cho ta. Trên thực tế không phải ai cũng hiểu được mối quan hệ giữa cho và nhận. Tôi từng làm việc với một nhân viên có tiếng về chuyện “hồi âm trễ”. Hiếm khi nào cô ấy trả lời điện thoại hoặc e-mail đúng lúc, thậm chí còn thường xuyên trễ hẹn nữa, nhưng cô lại luôn than phiền rằng đồng nghiệp và khách hàng không nhiệt tình với cô. Theo tôi, chẳng có gì là bất công trong chuyện này cả, cô ấy đã trao cho người khác sự hờ hững thì cái cô ấy nhận lại cũng tương tự mà thôi. Đó là quy luật tất yếu trong cuộc sống.
Phần trước, tôi đã nhấn mạnh hai nhân tố chính ảnh hưởng đến công việc của bạn, đó là sếp của bạn và những người bạn trợ giúp. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến một nhân tố quan trọng khác: các cộng sự của bạn. Giữa bạn và những cộng sự này cần có quan hệ tác động qua lại chứ không đơn thuần là quan hệ một chiều – bạn đáp ứng nhu cầu của họ.
Cộng sự không phải là người chịu trách nhiệm về các mục tiêu và mong muốn của bạn, nhưng họ có thể cho bạn biết trong số hành vi của bạn, đâu là cái có thể hoặc không thể chấp nhận được. Sự trung thực, đáng tin cậy, hay khả năng hoàn thành tốt công việc của bạn có lẽ không phải là vấn đề các cộng sự nhắm tới, điều họ mong muốn chính là thái độ và tinh thần làm việc nhóm của bạn. Hiểu được điều này và có sự điều chỉnh thích hợp, bạn có thể chuyển trạng thái từ “người mới tới” sang “thành viên thân thiết của nhóm” dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, thông qua những cuộc đàm luận với các cộng sự, bạn sẽ nhận ra rằng không nhất thiết người khác phải có cùng suy nghĩ với bạn. Sự khác biệt trong quan điểm đôi khi là sự bổ sung thú vị cho những thiếu sót của nhau.
Hiểu và chấp nhận hành vi cũng như những nhu cầu khác với bạn chính là bước đầu tiên trong việc xây dựng các mối quan hệ cộng sự tốt đẹp. Hãy xem bản thân và các cộng sự như những miếng ghép trong trò chơi ráp hình. Có lúc góc cạnh của các miếng ghép khớp với nhau, nhưng cũng có lúc lệch nhau. Không có miếng ghép nào tốt hơn hay kém hơn miếng ghép nào. Chúng chỉ khác biệt nhau mà thôi. Cố gắng đặt một miếng ghép vào khoảng trống không khớp với hình dạng của nó chỉ là một nỗ lực vô ích. Thay vì ép nó cho vừa vặn, bạn hãy tìm ra đâu là sự khác biệt giữa khoảng trống và mảnh ghép đó. Tương tự, hãy tìm hiểu tại sao đồng sự của bạn cần cái khác chứ không phải cái mà bạn đưa ra, hay tại sao họ cư xử trái với những gì bạn mong đợi.
Hiểu được căn nguyên vấn đề sẽ giúp bạn có được những giải pháp khả thi để công việc chung tốt hơn, đồng thời, vẫn có thể tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp ngay cả khi sự khác biệt luôn tồn tại.
Đôi khi, để có những mối quan hệ tốt đẹp, bạn phải “hy sinh” một chút, có như vậy, người kia mới cảm thấy thoải mái và thỏa hiệp với bạn. Một khi tạo dựng được những mối quan hệ như mong muốn, bạn sẽ có được vốn quý để “sử dụng” trong mọi tình huống nghề nghiệp của mình. Thành công trong sự nghiệp đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người. Đó cũng là nội dung chúng ta sẽ thảo luận trong phần kế tiếp.