Một khi đã nói “Tôi không biết nhưng tôi sẽ tìm ra câu trả lời”, bạn cần phải giữ liên lạc với người đặt ra câu hỏi, ngay cả khi không kiếm được lời giải đáp. Không bao giờ bạn được phớt lờ và biến mất luôn. Việc hồi đáp này không chỉ giúp đối phương có được câu trả lời, mà còn cho thấy bạn là người có chữ “tín”, và luôn coi trọng khách hàng.
Việc giữ liên lạc và thực hiện lời hứa là một trong những bài học đầu tiên mà tôi học được khi bắt đầu làm việc. Một chuyên viên điều hành với hơn 40 năm kinh nghiệm đã dạy tôi điều này. Ông biết nhân viên cấp dưới của mình rất thích “cách quản lý thoải mái” và các nhân viên văn phòng thường không quan tâm nhiều đến nhu cầu của công nhân sản xuất. Ông không muốn tôi trở thành một trong những “nhân viên văn phòng” không được công nhân sản xuất quý trọng. Ông thường nhắc tôi về trách nhiệm đối với nhu cầu và thắc mắc của bất kỳ ai. Tôi cần phải giữ liên lạc với họ. Và ông đã đúng.
Theo hướng dẫn của ông, tôi giữ danh sách các nhân viên đã yêu cầu hoặc gửi thắc mắc đến cho tôi. Tôi không bỏ tên họ ra khỏi danh sách đó cho tới khi thắc mắc của họ được giải đáp. Nếu không hiểu rõ yêu cầu của họ, tôi sẽ gọi họ đến và hỏi xem điều gì khiến họ chưa thật sự thỏa mãn. Dần dần, số câu hỏi và yêu cầu chuyển tới chúng tôi ngày một nhiều. Tôi nhận ra rằng, một khi người ta tin tưởng bạn luôn cố gắng giúp họ, họ sẽ sẵn sàng giải bày những nhu cầu của mình, nếu không, họ sẽ chẳng bao giờ tìm đến sự trợ giúp của bạn.
Giả sử bạn cần sự trợ giúp của một người nào đó, nhưng người đó lại không thực hiện hoặc không thể giúp bạn. Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Trái lại, một người luôn sẵn sàng trợ giúp người khác khi có thể, họ sẽ ngày càng được mọi người tin yêu. Đó chính là điều bạn nên làm trong cuộc sống cũng như trong môi trường công sở. Có thể, để làm những điều này, bạn sẽ trở nên bận rộn hơn, nhưng sự bận rộn ấy sẽ mang lại cho bạn các mối quan hệ bền vững và một chỗ đứng quan trọng trong công ty.