Bất kỳ một hệ thống tổ chức nào cũng có những mức độ quyền hành và trách nhiệm khác nhau. Nhân vật càng nắm giữ địa vị cao thì càng có nhiều khả năng, quyền lực và trách nhiệm. Trong một tổ chức, luôn tồn tại những cá nhân “ra vẻ kẻ cả” với cấp dưới. Đánh giá một người nào đó dựa trên chức vụ chứ không phải năng lực là một sai lầm. Điều này vẫn hay xảy ra ở một số lãnh đạo cấp cao. Họ thờ ơ và đối xử không tốt với nhân viên cấp dưới (nhất là những nhân viên ở các vị trí như phụ tá, thư ký, lao công, bảo vệ...). Khi làm vậy, cũng có nghĩa là họ tự rơi vào những sai lầm sau:
- Đánh giá không đúng vai trò con người.
- Mất đi cơ hội và tinh thần hợp tác từ đối phương.
- Mất đi những “đồng minh” tốt.
Lấy ví dụ, trợ lý của các quản trị viên cao cấp, bản thân họ không phải là giám đốc hay tổng giám đốc, nhưng họ lại giữ nhiều trọng trách hơn. Họ là người nắm được lịch làm việc của sếp, thậm chí cả cấp trên của sếp nữa. Nhiều trợ lý cũng như thư ký của các quản trị viên cao cấp được những nhân vật cao cấp trong tổ chức tin cậy và ủy thác nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong trường hợp này, họ có thể ảnh hưởng tới nhận thức nào đó đối với bạn theo cả hai cách - tốt lẫn xấu, tùy vào tác động của họ với bạn.
Vì vậy, hãy tự nhìn nhận lại bản thân, tránh hành vi kẻ cả (cho rằng mình tốt hơn/quan trọng hơn/“cao” hơn người khác). Hãy trân trọng và mở rộng mối quan hệ với mọi người, dù vai trò và chức vụ của họ là gì đi nữa. Khi đối xử với họ tốt, bạn sẽ nhận lại kết quả tương tự. Ngược lại, nếu coi thường, thậm chí ngược đãi họ, kết quả bạn nhận được sẽ chẳng ra gì.
Xin kết thúc vấn đề này bằng một câu chuyện thực tế:
Có lần, chúng tôi dành vài ngày để phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên có bằng MBA(*)trong chương trình huấn luyện của công ty. Những nhà lãnh đạo cao cấp (trong đó có cả chủ tịch) cùng các chuyên viên Nhân sự tập trung tại phòng họp của Hội đồng quản trị để xem xét từng ứng viên và xác định ai sẽ trúng tuyển. Thật sự, những người làm công tác tuyển dụng như chúng tôi luôn cảm thấy bối rối khi đứng trước sự chọn lựa một trong hai ứng viên “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Cả hai ứng viên này đều tốt nghiệp từ các trường danh tiếng, học vấn tương đương nhau và trong quá trình phỏng vấn, họ đều có những biểu hiện rất tốt. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi vẫn không thể thống nhất được nên chọn ai, bỏ ai. Cuối cùng, vị chủ tịch lên tiếng: “Vui lòng mời Cindy tới đây”.
(*) Master of Business Administration: Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh.
Cindy là một tiếp tân. Cô chào đón khách hàng, các đối tác tới công ty tại tiền sảnh và cũng chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, đưa các ứng viên trở lại phi trường. Vị chủ tịch đưa ra hai tấm hình trong hai bộ hồ sơ: “Cô có nhớ hai ứng viên này không?”. Cindy nói rằng, cô nhớ họ và đã từng gặp riêng mỗi người trong thời gian họ ngồi đợi chuyến bay. Vị chủ tịch hỏi tiếp: “Người nào tạo thiện cảm với cô hơn?”.
Cindy nói rằng một trong hai ứng viên đó đã cư xử rất lịch sự và nhã nhặn với cô. Anh ta hỏi cô về niềm vui trong công việc cô đang làm, những khó khăn mà cô gặp phải. Ứng viên còn lại thì chỉ nhìn cô, không nói gì ngoại trừ lúc hỏi phòng vệ sinh ở đâu và bảo cô dọn dẹp tách café cho mình. “Nếu không cần đến những việc ấy, chắc anh ta đã chẳng đếm xỉa gì đến tôi rồi!” – Cindy nói.
Và tất nhiên, ứng viên trúng tuyển ở đây là ai thì bạn có thể đã đoán ra!