Trong phần này cũng như những phần sau, tôi muốn nói về những tình huống mà hành vi cá nhân có thể chen vào cuộc sống của bạn bằng những cách mà bạn không thể kiểm soát được. Trước tiên, chúng ta hãy bàn đến một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến năm khởi nghiệp của bạn, đó là trách nhiệm.
Trách nhiệm được hiểu là phần việc được giao, hoặc coi như được giao, phải đảm bảo hoàn thành, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả. Việc hiểu và biết chịu trách nhiệm trong cuộc sống rất quan trọng đối với việc tự lập hướng tới tương lai.
Khi còn là một đứa trẻ, bạn được sống trong vòng tay nâng niu, chăm sóc của người thân yêu trong gia đình. Lớn hơn một chút, bạn có thể phải đi học xa, sống xa nhà, phải tự quản lý việc chi tiêu của mình. Nhưng nhìn chung, giai đoạn này hầu như bạn vẫn ít nhiều có được sự giúp đỡ từ gia đình. Khi cần tới tiền bạc hoặc cần sự trợ giúp, bạn có thể gọi điện về nhà nhờ người thân. Kết thúc khóa học, bạn được trở về nhà nghỉ ngơi, được ngủ một giấc thật sâu, ăn những thức ăn ngon do bố mẹ chuẩn bị. Tóm lại, đây là quãng thời gian bạn được đón nhận rất nhiều sự giúp đỡ và được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân.
Bước sang giai đoạn trưởng thành, bắt đầu cuộc sống tự lập, bạn cần điều chỉnh cách nghĩ, cách sống của mình sao cho phù hợp với thực tế. Lúc này, hầu như mọi thứ đều do bạn quyết định, tương lai của bạn tùy thuộc vào những quyết định ấy. Trách nhiệm của bạn là nhận biết đâu là điều cần thiết cho cuộc đời mình, biết dấn thân và chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra. Sau mỗi hành động, người nhận được niềm vui hay nỗi buồn nhiều nhất, không ai khác ngoài bạn. Bạn không thể đổ lỗi cho bất cứ ai bởi đó là những quyết định bạn đã lựa chọn.
Những người càng nắm giữ nhiều trọng trách càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm, nhưng những kinh nghiệm tích lũy được sẽ trợ giúp cho họ rất nhiều. Ngược lại, một người trẻ tuổi lần đầu tiên đi làm sẽ phải chịu sức ép từ nhiều trọng trách khác nhau; họ sẽ dễ bị sốc và quá tải.
Có thể nói, trách nhiệm len lỏi qua mọi khía cạnh cuộc sống tự lập của bạn, nhất là trong năm đầu khởi nghiệp. Bài học về trách nhiệm và việc hoàn thành trách nhiệm luôn là bài học hóc búa nhất mà ngay cả đến những nhân viên làm việc lâu năm đôi khi cũng phải vật lộn với nó.
Trong công việc, trách nhiệm được thể hiện ở chỗ bạn sẽ thực hiện đến cùng và hoàn tất công việc được giao. Bên cạnh đó, khi hoàn tất công việc đúng thời hạn, bạn sẽ có được uy tín, sự tin tưởng của đối tác, khách hàng...
Ở trường học, bạn có thể nói: “Xin lỗi, em đã không hoàn thành bài tập đúng hạn”, hoặc một ngày nào đó không muốn đến lớp, bạn vẫn có thể nghỉ ở nhà mà chẳng ảnh hưởng đến ai. Nhưng trong công việc lại khác. Khi bạn không hoàn thành trách nhiệm được giao, điều này có thể tác động không tốt đến người khác.
Chẳng hạn, bạn có nhiệm vụ lên kế hoạch cho một sự kiện tại hội nghị thường niên trong đó công ty bạn là thành phần ban tổ chức. Công ty bạn bảo trợ mọi thứ, từ những bữa điểm tâm cho đến những bữa ăn tối, rồi vấn đề diễn giả... Đại sảnh được trang hoàng bằng tên và biểu tượng của công ty bạn. Việc lập kế hoạch cho sự kiện này khiến bạn quá mệt mỏi. Bạn quyết định nhờ một nhân viên khác làm nốt phần việc còn lại, còn bạn thì về nhà nghỉ ngơi, mặc dù ngày mai hội nghị diễn ra.
Hậu quả của việc trốn tránh trách nhiệm này xảy ra ngoài dự đoán của bạn và cũng vô phương cứu chữa. Tên công ty của bạn được xướng lên trong đại hội nhưng những sự kiện mà bạn có trách nhiệm thực hiện thì thất bại hoàn toàn. Trong mắt của hàng ngàn người tham dự, ấn tượng về công ty bạn thật thảm hại. Và người “mất mặt” nhất hôm ấy không phải là bạn mà là sếp của bạn - người đã tin tưởng giao trách nhiệm cho bạn. Chẳng còn gì có thể cứu vãn được tình hình. Thất bại quá rõ ràng. Người ta sẽ không quan tâm đến những lý do như bạn quá mệt mỏi, bạn không thể làm được hay bạn không biết, hoặc bạn quên và rất lấy làm tiếc đã để chuyện đó xảy ra v.v. Điều duy nhất người ta nghĩ về bạn lúc này đó là một người thất tín.
Đừng tìm cách biện minh “Tôi không biết công việc được giao lại có liên quan đến một dự án lớn như vậy”. Thật thiếu sót khi bạn không hiểu được hậu quả của việc bỏ mặc trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ giới hạn đối với các dự án, các kế hoạch trong công việc. Trách nhiệm thể hiện qua mọi khía cạnh trong hoạt động hằng ngày của bạn. Chẳng hạn ai đó yêu cầu bạn gọi điện thoại cho khách hàng. Họ mong mỏi bạn hoàn thành công việc. Bạn phải có trách nhiệm với công việc được giao. Thất bại ngay cả trong một việc đơn giản như thế có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Khi bạn không hoàn thành trách nhiệm, người yêu cầu bạn có thể sẽ không nói gì về việc đó, nhưng đừng nghĩ là họ không quan tâm. Bạn có thể tham khảo bảng phác thảo dưới đây để biết sếp/khách hàng có thể nghĩ gì (tuy không nói ra) khi bạn thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Tất nhiên, nếu bạn gặp những chuyện rủi ro ngoài ý muốn (bệnh tật, tai nạn), không ai trách bạn cả. Nhưng khi đã được tin tưởng giao trách nhiệm, bạn cần hoàn thành đúng thời hạn. Nếu vẫn thất tín, bạn sẽ tự đánh mất sự tin tưởng của sếp cũng như đồng sự. Làm sao sếp có thể tin tưởng giao cho bạn điều khiển một dự án lớn nếu họ nghi ngờ bạn không đủ nhiệt huyết và quyết tâm theo đuổi đến cùng? Làm sao giám sát có thể giao cho bạn vị trí cao nếu họ thấy bạn có nguy cơ “chạy trốn” mỗi khi gặp chuyện căng thẳng? Làm sao giám đốc dự án muốn nhận bạn vào nhóm khi họ thấy bạn luôn tìm đủ mọi lý do biện hộ cho việc không hoàn tất nhiệm vụ đúng thời hạn? Họ không thể, không nên và sẽ không làm vậy. Liệu có công ty nào muốn giữ chân và thăng chức cho những nhân viên không hiểu được trách nhiệm của mình hay không? Chắc chắn câu trả lời sẽ là “không”.