Qua kinh nghiệm của bản thân cũng như nghe nhiều người kể lại, tôi có thể đoán được cảm xúc của bạn trong năm đầu tiên đi làm (tất nhiên giữa người này và người kia vẫn có những điểm khác biệt, nhưng nhìn chung thì tương tự nhau). Vài tháng đầu tiên, bạn có thể thấy mọi việc diễn ra hết sức suôn sẻ, tốt đẹp. Đồng nghiệp thân thiện, kỳ vọng của công ty vào bạn không quá cao, trách nhiệm cũng nhẹ nhàng.
Nhưng sau đó một thời gian, tình hình thay đổi. Danh sách các việc phải làm trong tuần của bạn dường như ngày càng dài ra, áp lực công việc ngày càng nhiều hơn. Bạn bắt đầu phạm lỗi. Lúc đầu là những sơ suất nhỏ, dần dần là những sai phạm đáng tiếc mà ai cũng nhận thấy. Thêm vào đó, bạn còn phải chạm trán với những vấn đề phức tạp sớm hơn bạn nghĩ. Căng thẳng, áp lực trong công việc khiến bạn rơi vào stress, bạn chỉ muốn bỏ tất cả để chạy trốn. Bạn bắt đầu nảy sinh mối nghi ngờ: “Vào làm việc trong công ty này liệu có phải là lựa chọn đúng đắn không? Nên dừng lại hay đi tiếp?”. Cảm giác của bạn lúc này là muốn về nhà, khóa cửa lại và ở một mình trong phòng, hoặc bạn cảm thấy cần gọi điện cho một người thân nào đó để chia sẻ. Phải chăng, đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đang trong tình trạng suy sụp?
Tất nhiên là “không”. Trên thực tế, đây lại là dấu hiệu tốt. Nó cho thấy bạn đang được nhìn nhận với tư cách là một nhân viên có nhiều đóng góp và năng lực thay vì chỉ là một nhân viên mới bước ra từ trường đại học. Gánh vác nhiều trách nhiệm hơn đồng nghĩa với việc bạn đang đi vào nề nếp và bắt đầu nhìn thấy được thực tế công việc. Đảm đương tốt trách nhiệm mới và hoàn thành chúng, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, hứng thú hơn trong việc tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của công ty. Những chuyện làm bạn quá tải trong giai đoạn đầu của bước đường khởi nghiệp dường như không thể khuất phục bạn được, dù bạn ở trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Kết thúc một năm khởi nghiệp, bạn sẽ thấy mình tiến bộ hơn rất nhiều. Có thể bạn từng mắc phải một số sai phạm nhưng khi biết nhìn nhận những sai phạm ấy và rút kinh nghiệm cho bản thân, bạn sẽ tiến bộ hơn rất nhiều. Bạn nên viết nhật ký ghi lại những thăng trầm trong suốt năm đầu khởi nghiệp. Cuốn nhật ký này không chỉ là một kỷ niệm đáng quý mà còn cho phép bạn nhìn lại và thấy được sự trưởng thành trong công việc của mình. Bên cạnh đó, sau này bạn sẽ biết cách giải quyết những khó khăn từng vượt qua. Thậm chí, có vài vấn đề mà khi nhìn lại, bạn phải bật cười vì cách giải quyết vô cùng ngớ ngẩn (do thiếu kinh nghiệm) của mình.
Tất cả chúng ta đều cần thể hiện sự tiến bộ của mình, nhất là trong năm đầu khởi nghiệp.