Khoảng năm năm trước, hai vợ chồng tôi mua một chiếc xe hơi mới, thay cho chiếc cũ. Chúng tôi đã tìm mọi cách để giảm bớt chi phí mua xe như tích lũy điểm thưởng trên thẻ tín dụng dành cho chương trình mua sắm phương tiện giao thông, chương trình giảm giá cho nhân viên công ty, chương trình đổi xe cũ lấy xe mới và một chút tiền mặt kiếm được bằng việc “lượm những hộp thiếc ở lề đường” (Ừ, có lẽ sáng kiến cuối cùng là nói thêm cho vui để thấy rằng chúng tôi đã tận dụng mọi cách).
Vốn không phải là những người chi tiêu hoang phí, nhưng lần này, chúng tôi sẵn sàng đầu tư để có được một chiếc xe như ý, chẳng hạn chúng tôi chọn loại ghế ngồi bọc da, trang bị trong xe nhiều vật dụng đặc biệt, chọn màu sơn đỏ dành cho loại xe hạng sang... Bốn năm đầu, chiếc xe chạy rất tốt khiến chúng tôi thật sự hài lòng. Mức hao phí nhiên liệu của xe không quá cao, thêm vào đó nó có sáu xi-lanh nên khi cần tăng tốc thì cực nhanh. Chiếc xe trở thành người bạn đồng hành của chúng tôi.
Tuy nhiên, đến năm thứ năm thì tình bạn ấy nảy sinh rạn nứt. Bơm nước của xe bị hư khiến cho chất giải nhiệt phun hết lên động cơ, các dây cu-roa cũng đến lúc phải thay mới. Hai bình ắc-quy chết cứng, một bình sắp nổ, và theo như lời nhân viên bảo trì thì anh ta vô cùng hồi hộp khi tháo nó ra khỏi xe. Tiếng ồn từ trục bánh xe lớn đến nỗi đôi lúc chúng tôi phải lo ngại là bánh xe sẽ văng ra lề đường bên kia khi xe đang chạy. Nói chung, hầu hết các bộ phận của xe đều rệu rã khiến chúng tôi phải kiểm tra hằng ngày. Cuối cùng, toàn bộ động cơ ngừng hoạt động do bình ắc-quy cạn nước và máy phát điện chết dí. Chiếc xe chết máy đột ngột khiến tôi như muốn nổi điên. Không thể đi tiếp, mà thả cho nó xuống dốc thì vô cùng nguy hiểm bởi giờ đây, nó chỉ còn là một đống kim loại nặng nề không thể điều khiển, không có cả bộ phận thắng an toàn.
Giờ thì chúng tôi không còn giữ chiếc xe này nữa. Khoảng hai tuần sau đó, vợ chồng tôi đã bán tống bán tháo nó đi với giá rất bèo. Lý do chính là nó khiến tôi mệt mỏi và tốn thời gian sửa chữa. Những rắc rối mà nó đem lại vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi.
Những “rắc rối” này khiến tôi liên tưởng đến trường hợp tương tự - một nhân viên nào đó có những đóng góp tích cực cho công ty, nhưng bên cạnh đó, anh ta cũng mắc phải những khuyết điểm không nhỏ. Chẳng hạn:
• Một nhân viên kinh doanh luôn chăm chút cho doanh số anh ta đạt được, nhưng lại đối xử tệ với các cộng sự của mình khiến nhiều người phải chuyển sang các bộ phận khác.
• Một nhân viên thiết kế đồ họa có khả năng tạo ra những tác phẩm sáng tạo độc đáo nhưng anh ta lại ít khi nào hoàn thành dự án đúng thời hạn.
• Một giám đốc dự án là một người đầy năng lực nhưng anh ta lại luôn tìm đến văn phòng sếp để than phiền về chuyện lương bổng và đòi được thăng chức.
• Một lập trình viên tạo ra chương trình điện toán nhanh và hiệu quả nhưng tính khí lại nóng nảy nên nhiều lúc khiến đồng nghiệp tự ái. Những ví dụ trên cho thấy nhân viên có thể tự làm giảm giá trị đóng góp của họ đối với công ty, không những thế, họ còn khiến cấp trên gặp khó khăn, rắc rối. Trong một chừng mực nào đó, cấp trên còn có thể chấp nhận được, nhưng có những trường hợp nhân viên đó sẽ phải đối diện với nguy cơ mất việc làm.
Hãy tưởng tượng trước mặt bạn lúc này có một cái cân đĩa. Một đĩa chứa những đóng góp của nhân viên và đĩa kia chứa những thất vọng và rắc rối nhân viên đó gây ra cho sếp của họ. Nếu “đĩa đóng góp” của nhân viên nặng hơn hoặc ngang bằng với “đĩa thất vọng” thì vị giám đốc vẫn có thể chấp nhận hành vi khó ưa của anh ta.
Nhưng nếu cán cân nghiêng về phía bên kia thì sẽ có lúc sếp hết kiên nhẫn và sẵn sàng kỷ luật hoặc sa thải anh ta.
Muốn biết mình có phải là một nhân viên chuyên đưa đến những rắc rối cho cấp trên hay không, bạn có thể làm thử bài tập dưới đây.
• Bạn có thường xuyên đi trễ? Nếu có thì sự chậm trễ này tác động ra sao đối với công việc của bạn? Cấp trên của bạn có biết điều này không khi họ luôn mong muốn bạn hoàn tất công việc đúng thời hạn?
• Bạn có ý thức trách nhiệm cao hay chỉ là người nói mà không bao giờ hoàn thành tốt trách nhiệm và bổn phận của mình? Nếu rơi vào trường hợp sau thì điều quan trọng không phải là khi nào bạn hoàn tất công việc mà là bạn có thể hoàn thành công việc được không? Một giám đốc sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện nhân viên cứ khất lần công việc được giao.
• Trong những tình huống căng thẳng, bạn có biết kiềm chế cảm xúc của bản thân không, hay lúc nào cũng hiếu thắng. Và có khi nào hậu quả của sự hiếu thắng ấy là cấp trên phải ra tay giải quyết thiệt hại đối với phòng ban cũng như danh tiếng của công ty không? Một trong những cách nhanh nhất để cấp trên biết được các vấn đề phát sinh trong công sở là có người nào đó lên tiếng than phiền. Trong quá trình làm việc của mình, tôi rất thích nhận những lời than phiền kiểu như: “...thay vì vậy, chúng ta có thể thực hiện bằng cách...”, hay “... ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là...”. Những lời than phiền kiểu này không chỉ giúp cấp trên biết được nguyên nhân mà còn mở ra cho họ hướng giải quyết vấn đề.
Khi muốn than phiền hoặc gặp rắc rối gì, bạn nên tìm đến thảo luận với sếp, và đừng quên kèm theo ít nhất một giải pháp cụ thể cho vấn đề đó. Nếu không, chẳng khác nào bạn đang trút mọi bực tức lên sếp rồi bỏ đi. Dần dần, sếp của bạn sẽ bắt đầu gạt bỏ và hoàn toàn thờ ơ trước những lời than phiền như vậy.