Bất kỳ lúc nào bạn xếp mọi người vào trong một nhóm, bạn sẽ thấy các “nhóm nhỏ hơn” ngay trong bản thân nhóm đó bắt đầu hình thành. Nhóm càng lớn, hiện tượng này xảy ra càng nhiều. Và ngay cả với những “nhóm nhỏ hơn” ấy, lại có sự chia tách thành nhiều “nhóm con” khác. Những “nhóm con” này có thể hình thành theo nhiều cách: tuổi tác, chủng tộc, giới tính, mối quan hệ, quan điểm... Nói chung, bất kỳ yếu tố nào khiến họ có cảm giác hợp nhau, tự khắc họ sẽ gắn bó với nhau.
Bước vào môi trường làm việc mới, mọi thứ đối với bạn đều bỡ ngỡ. Bạn băn khoăn, lo lắng, không biết nên tin ai. Trong khi đó, lại có rất nhiều gương mặt mỉm cười, sẵn sàng chào đón bạn vào nhóm của họ. Hãy cẩn thận bởi trong nhiều trường hợp, những nhóm như thế không hỗ trợ được gì cho nghề nghiệp của bạn mà chỉ khiến bạn thêm nhức đầu mà thôi. Thường thì những nhóm này sẽ hướng mũi nhọn của họ đến một trong ba mục tiêu sau.
Sếp:
Một phe nhóm có thể nhắm vào sếp với bất kỳ lý do gì: vẻ bề ngoài, tuổi tác, cung cách làm việc, hay đơn giản chỉ vì người đó là sếp. Một số nhân viên bị sếp khiển trách quá nhiều đã tìm mọi cách trả đũa lại, biến sếp thành đích ngắm của những người trong cùng phe nhóm. Thường thì những nhân viên này cố tình né tránh giáp mặt với sếp, nếu có tiếp xúc thì thái độ của họ cũng không vui vẻ gì. Khi có rắc rối xảy ra, họ khôn khéo dùng nó làm cơ hội công khai chỉ trích sếp thiếu năng lực, rồi đổ trách nhiệm lên đầu sếp.
Công ty:
Cho dù được đối xử tốt thế nào chăng nữa, một số người vẫn thích than phiền về công ty mình. Họ tụ tập thành một nhóm và cố gắng tìm kiếm, lôi kéo cho được những người có quan điểm tiêu cực tương tự về công ty vào nhóm của họ. Những lúc rảnh rỗi, họ uống cà- phê, ăn bánh và bắt đầu phàn nàn về công ty. Tất nhiên, việc làm này chẳng có lợi gì cho công ty cả.
Đồng nghiệp:
Không ít nhân viên giàu năng lực bị biến thành mục tiêu công kích của một phe nhóm nào đó. Điều này có thể là do tài năng của họ làm lu mờ những nhân viên trong phe nhóm kia. Hoặc cũng có thể do hậu quả của sự cạnh tranh giữa các phe nhóm với nhau. Đôi khi, sự trả đũa diễn ra công khai, nhưng thường thì không dễ phát hiện, như việc tung tin đồn để làm một nhân viên mất uy tín, có những hành động cản trở khiến nhân viên này không thể thực hiện tốt công việc, tìm cách làm mất mặt nhân viên ấy... Mục đích cuối cùng vẫn là làm lu mờ những người họ không ưa.
Những phe nhóm này hành động theo cảm tính, không quan tâm đến tác hại của hành động đó trong môi trường làm việc. Là một nhân viên mới, bạn nên phòng bị trước để không bị biến thành mục tiêu công kích của một phe nhóm nào đó. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng nghĩ rằng, tham gia vào một phe nhóm nào đó sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt với các cộng sự. Ngược lại, điều đó chẳng khác nào bạn đang chuốc thêm rắc rối vào mình. Thậm chí, có thể vì những rắc rối ấy mà sếp của bạn phải can thiệp vào. Hãy nhớ rằng, bạn là người mới và đừng tự làm hạn chế tiềm năng phát triển của bản thân. Nếu một lúc nào đó, bạn không có được sự tin tưởng của sếp thì người thiệt thòi không ai khác chính là bạn. Tốt nhất bạn hãy khôn khéo giữ quan hệ với những người muốn lôi kéo bạn về phe họ. Nếu họ vẫn tạo sức ép, buộc bạn phải ủng hộ một vấn đề gì đó hoặc cư xử theo cách mà bạn không thích thì bạn nên mạnh dạn rút lui. Đó là chuyện cần phải làm và bạn không nên day dứt vì những quyết định hợp lý như vậy.
Tóm lại, bạn cần nhìn nhận kỹ một sự việc nào đó trước khi quyết định và đôi khi, phải biết chấp nhận hành động một cách đơn độc. Chính điều này sẽ cho thấy cá tính mạnh mẽ của bạn, đồng thời, biến bạn thành tấm gương sáng cho người khác noi theo. Biết sống theo hành vi chuẩn mực thay vì bị lôi kéo bởi những cảm xúc sai lệch của người khác sẽ giúp bạn có được nền tảng vững chắc trên bước đường vươn đến sự chuyên nghiệp trong công việc. Rất nhiều quyết định khó khăn đang chờ đợi bạn trong tương lai, vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy quyết tâm hành động đúng để mọi việc ngày mai được dễ dàng hơn.