Cho tới thời điểm này, chúng ta chỉ mới bàn đến những điều đáng lưu ý trong năm đầu khởi nghiệp. Việc hoàn tất trọn vẹn năm đầu tiên của bạn là một sự kiện lớn, vì vậy, bạn nên dừng lại, dành chút thời gian để thư thái và nhìn lại chặng đường đã qua. Đây cũng là thời kỳ mà nếu nhìn lại vạch xuất phát, bạn sẽ thấy rằng mình đã tích lũy được rất nhiều kiến thức mà trước đó - khi mới bắt tay vào công việc, bạn không có được. Nếu viết nhật ký cho năm đầu tiên, bạn sẽ thấy rất rõ sự tiến bộ của bản thân, thêm vào đó, bạn còn có thể nhớ chi tiết những tình huống, thử thách mình từng trải qua. Bạn sẽ có cảm giác như mình vừa leo lên một con dốc ngoằn ngoèo với bao hiểm nguy, gian khổ. Chỉ riêng mọi việc bạn làm đã là một kinh nghiệm và do đó, bạn đang dành nhiều thời gian học hỏi hơn là thật sự làm việc.
Sau năm đầu tiên, bạn vẫn có thể quyết định thay đổi chỗ làm hoặc thay đổi công việc của mình. Lý do có thể là: bạn yêu thích công việc đó nhưng lại không phù hợp với văn hóa công ty; hay ngược lại - bạn hòa hợp với văn hóa công ty nhưng lại không thích công việc đang làm. Cũng có thể, bạn không thích cả công việc lẫn công ty này, chẳng qua bạn chỉ vô tình biết được nó qua mẩu quảng cáo trên báo và xin làm thử mà thôi... Dĩ nhiên bạn đủ sáng suốt để nhận biết đó có phải là công việc phù hợp với khả năng chuyên môn, hay đáp ứng được kỳ vọng của bạn hay không. Sau đây, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý giúp bạn xem xét sự việc nếu bạn có dự định thay đổi công việc.
Trước hết, hãy tự hỏi: “Tình hình thật sự khó khăn hay chỉ vì bản thân mình cảm thấy thất vọng?”. Thất vọng đối với công việc trong khoảng thời gian này là điều hoàn toàn bình thường. Đừng quên bạn vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ một sinh viên sang một nhân viên chuyên nghiệp. Bạn đang phải tập quen dần với rất nhiều thay đổi, từ giờ giấc, cách làm việc đến cách giao tiếp ứng xử... Bất kỳ khi nào cảm thấy thất vọng và muốn biết mình có chọn lựa đúng hay không, bạn hãy tự hỏi: “Tại sao mình lại rơi vào tình trạng này?”. Sự mệt mỏi, bệnh tật, phiền muộn, những chuyện không vui trong gia đình, trong quan hệ bạn bè... hay bất kỳ điều gì bị dồn nén đều có thể dẫn bạn đến khủng hoảng trong công việc và đẩy bạn đến bờ vực.
Nếu rơi vào tình trạng này và thấy rằng công việc hiện tại chẳng đi đến đâu, bạn cần phải thay đổi. Hãy suy nghĩ nghiêm túc công việc bạn sẽ tìm kiếm. Hãy nhìn nhận lại điều gì khiến bạn không vừa ý đối với công việc hiện tại? Sau đây là một vài nguyên nhân thường gặp:
Sếp:
Rất nhiều nhân viên bỏ việc do mâu thuẫn với cấp trên của mình, vì vậy, đây là khía cạnh cần bàn đến trước tiên. Có thể cấp trên của bạn là một giám đốc kém cỏi (không có khả năng lãnh đạo, kỹ năng truyền đạt kém), tính cách không phù hợp với bạn. Hoặc cũng có thể vị sếp đó luôn đòi hỏi nhân viên phải tận tâm, ưu tiên hàng đầu cho công việc, còn bạn thì muốn dành nhiều thời gian cho cuộc sống riêng hơn là suốt ngày giam mình trong văn phòng với một đống công việc.
Để tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra trong mối quan hệ giữa bạn và sếp, hãy tìm câu trả lời cho hai câu hỏi sau:
- Làm thế nào để mình và sếp làm việc với nhau hiệu quả hơn?
- Mình cần thay đổi ra sao để việc giao tiếp với sếp tốt hơn?
Môi trường làm việc:
Như đã thảo luận, mỗi công ty sẽ có những nét văn hóa khác nhau. Có thể bạn không cảm thấy thoải mái với văn hóa ở công ty hiện tại. Bạn cảm thấy nghẹt thở vì mức độ áp lực hoặc sự bảo thủ ở đó. Hoặc bạn thích một môi trường có tính kỷ luật cao, tổ chức hơn và không phải thay đổi thường xuyên. Để xác định điều có thể xảy ra giữa bạn và công ty, hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Điều gì đã thu hút mình đến công ty này làm việc?
- Công việc đang làm có gì khiến mình yêu thích?
- Công việc đang làm có gì khác biệt với những gì mình vẫn mong mỏi?
Công việc:
Mặc dù mỗi người đều phải làm việc kiếm sống nhưng hầu như ai cũng cố gắng tìm kiếm niềm vui và sự thỏa mãn trong công việc để có thêm động lực mỗi ngày. Sau năm đầu khởi nghiệp, bạn không còn cảm thấy bị thách thức như trước nữa, kinh nghiệm của bạn cũng tăng lên theo thời gian. Càng nhiều kinh nghiệm, bạn càng có nhiều cơ hội nhận những dự án lớn và chạm trán những tình huống khó khăn, đòi hỏi phải biết tận dụng tất cả những phương pháp từng được trau dồi và huấn luyện trên ghế nhà trường. Các sếp có thể thay đổi liên tục nhưng không có gì bảo đảm rằng sếp mới sẽ tốt hơn sếp cũ. Nếu không có những thất bại và sự kiện khiến mọi thứ chuyển biến thì văn hóa công ty hiếm khi thay đổi. Tuy nhiên, công việc của bạn thì có thể thay đổi theo thời gian, từ đơn giản cho tới phức tạp, thậm chí có những thay đổi không thể lường trước được.
Nếu tình huống của bạn hoàn toàn khác biệt với điều tôi vừa mô tả, bạn nên xem xét một vị trí khác ở một công ty khác. Mặc dù đây không phải là quyết định dễ dàng và thậm chí, bạn phải cân nhắc kỹ hơn, nhưng chuyện thay đổi công việc rất khó xác định. Để xác định điều đang xảy ra giữa bạn và công việc bạn làm, hãy tự trả lời các câu hỏi sau:
- Loại công việc nào mình thích làm trong thời gian rảnh rỗi?
- Công việc đang làm có cho mình cơ hội để làm thêm một số việc khác mà mình thích trong thời gian rảnh không?
- Điều gì trong công việc hiện tại khác hẳn với những gì mình vẫn mong mỏi?
Chẳng hạn, nếu bạn là người hướng ngoại nhưng lại làm việc trong văn phòng thì rất có thể trong bạn sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa điều mình thích và điều mình phải làm. Nhưng nếu bạn là một người thích nghiên cứu văn bản và công việc bạn đang làm là thư ký luật sư thì đó lại là điều thuận lợi để bạn thực hiện sở thích của mình.
Như những phần trước, bạn hãy ghi lại các câu trả lời của mình và nhìn vào các thông tin này ở dạng tổng quát. Mục đích của bài tập này là để bạn thấy rõ đâu là điều khiến bạn hài lòng hay không hài lòng về cấp trên, về văn hóa công ty và về công việc hiện tại. Có thể xem như bạn đã hoàn thành một bài tự phỏng vấn về mọi khía cạnh đối với hoàn cảnh hiện tại.
Tại sao điều này là cần thiết? Một khi không tìm thấy niềm vui, niềm say mê trong công việc, bạn có thể nghĩ đến chuyện không tiếp tục công việc hiện tại và tìm kiếm cơ hội mới. Khi nhìn vào các cơ hội khác, bạn cần so sánh chúng với danh sách mà bạn vừa tổng kết. Nếu có ý tưởng về công việc ở một vị trí mới mà bạn mong muốn, hãy tập trung vào đó. Nếu “vị trí lý tưởng” của bạn có sự thay đổi giữa chừng cũng không sao. Nhưng nếu có bất kỳ điều gì xảy ra, bạn nên duy trì sự tập trung của mình vào vị trí muốn đạt được, thay vì quay lại nơi xuất phát.
Hơn nữa, như đã đề cập trong phần trước, bạn cần cân nhắc các chế độ đãi ngộ. Sự thay đổi công việc có thể tác động đến những chế độ đó. Khi bắt đầu nghĩ về chuyện thay đổi việc làm, bạn nên có sự so sánh giữa mức lương hiện tại với mức lương mới. Bên cạnh đó, cũng cần tính tới giá trị của các phúc lợi được hưởng. Mặc dù không được trả ở dạng “tiền mặt” nhưng nó có thể đem lại cho bạn những lợi ích không nhỏ trong tương lai.
Nói đến vấn đề này, tôi chợt nhớ đến một cộng sự của mình. Anh là người thường xuyên phàn nàn về chuyện lương bổng. Ngày nọ, anh tuyên bố sẽ từ chức vì có một công ty khác mời anh qua làm với mức lương cao hơn. Đó quả là mức lương hấp dẫn và theo anh thì anh còn có thể được nhận những khoản tiền thưởng béo bở.
Chúng tôi tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn từ biệt anh ta. Vài tháng sau, anh ấy bỏ công việc mới và quay trở lại công ty chúng tôi, giữ một vị trí thấp hơn vị trí mà anh từng từ bỏ. Lý do vì ở công ty mới của anh, các khoản phúc lợi hết sức nghèo nàn, chế độ lương hưu hầu như không có, bảo hiểm y tế thì rất hạn chế, trong khi các khoản khấu trừ lại rất cao và tiền thưởng thì hiếm khi có.
Đó là lý do bạn phải nhìn vào cả lương và các khoản phúc lợi khi cân nhắc chế độ đãi ngộ.
Nguy cơ cần tránh là bạn trốn chạy khỏi công việc hiện tại của mình. Đương nhiên, bạn sẽ tìm được một công việc nào đó trong thế giới rộng lớn này, nhưng nếu đơn giản chỉ vì muốn có một công việc khác để thoát khỏi mớ công việc phức tạp ở công ty cũ thì bạn có thể rơi vào tình trạng thê thảm hơn. Thay vì vậy, bạn hãy tìm đến một cơ hội tốt hơn, cơ hội mà bạn biết rõ nó phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Việc chạy tới một cơ hội như vậy sẽ hạn chế khả năng bạn có thể mất việc trong một năm hoặc lâu hơn nữa.
Tôi thường đọc nhiều bản tóm tắt quá trình làm việc và kỹ năng nghề nghiệp (gọi tắt là C.V) của những nhân viên đã làm việc ở một vị trí nào đó được một năm, sau đó chuyển qua vị trí tương tự ở công ty khác. Một thời gian sau, họ lại thay đổi công việc và cứ liên tục thay đổi như vậy. Tôi cho rằng, đối với những nhân viên như thế, hoặc họ không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc họ không nhận thức được điều mình muốn. Vì vậy, tôi không đánh giá cao những người này và với vai trò là nhà tuyển dụng, tôi sẽ không dành vị trí ưu tiên cho họ bởi họ khó lòng trụ lại công ty một cách lâu dài.
Cho dù năm đầu khởi nghiệp của bạn là tốt đẹp hoặc chỉ tàm tạm thì bạn vẫn nên thường xuyên cập nhật C.V của mình. C.V là bản tóm tắt quá trình làm việc của bạn tương tự như học bạ ở trường. Cập nhật C.V cũng chính là bạn đang chuẩn bị một hồ sơ tốt nhất về kinh nghiệm cho mình và có thể sử dụng bất cứ khi nào bạn cần. Nếu không, sau này bạn sẽ rất khó nhớ lại quá trình làm việc ở một khoảng thời gian nhất định nào đó trong quá khứ. Trí nhớ của chúng ta không phải lúc nào cũng lưu giữ toàn bộ và chính xác những gì đã xảy ra, vì vậy, bạn có thể sẽ bị mất những dữ liệu quan trọng nếu không cập nhật C.V đều đặn.
Quyết định thay đổi việc làm không bao giờ dễ dàng, nhất là với những người mới khởi nghiệp. Có thể bạn đã đặt nhiều hy vọng và tâm huyết vào công việc nhưng lại cảm thấy thất vọng và cho rằng như thế là thất bại. Đừng quên rằng môi trường công sở chỉ là một phần nhỏ để mỗi chúng ta có thể thể hiện bản thân. Vì vậy, bạn đừng vội bi quan. Việc nhận ra tiềm năng ẩn giấu trong mỗi người đòi hỏi không chỉ cần sống và làm việc hết mình mà còn phải biết nhìn thẳng vào thực tế, dù cho thực tế ấy không như mong muốn.
Ngoài ra, bạn cũng cần biết sử dụng “chiến thuật rút lui” khi thấy cố gắng của mình không thể đưa đến thành công. Việc thừa nhận bản thân đang ở tình thế bất lợi và sẵn lòng thay đổi là điều cần thiết để tương lai trở nên tốt đẹp hơn.