Tiền bạc làm thế giới như quay cuồng, đảo điên. Đó là lý do khiến chúng ta đi học (để sau này kiếm một công việc có thu nhập cao), đó cũng là lý do khiến người đi làm muốn làm thêm nhiều hơn nữa. Nói tóm lại, tiền là một trong những vấn đề lớn khiến con người luôn phải lo lắng. Tiền đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống cho dù chúng ta muốn hay không. Sau cùng, nếu chúng ta không cần một khoản tiền nhỏ (còn gọi là “lương”) thì có lẽ nhiều người trong số chúng ta đã chọn một công việc khác thay vì thức khuya, dậy sớm, thay vì cố gắng ngồi trong những buổi họp chán ngấy. Chúng ta cần tiền để tồn tại. Còn biết bao thứ chúng ta phải thanh toán, nào là hóa đơn mua hàng, nào là tiền thuế, tiền đóng cho các loại hình dịch vụ khác...
Có thể bạn đã có kinh nghiệm trong việc xoay xở tiền nong từ những ngày còn đi học. Số tiền ấy có được từ một nguồn thu tổng hợp: cha mẹ, ông bà, những người thân cho bạn, hoặc cũng có thể do bạn kiếm được từ công việc bán thời gian. Nhìn chung, đây là thời kỳ chúng ta chủ yếu sống dựa dẫm vào người khác.
Khi đi làm, mọi việc thay đổi. Bạn sẽ phải tự chi trả nhiều loại phí tổn trong cuộc sống, sẽ phải tự quán xuyến tiền bạc của mình. Và thực tế, điều này phát sinh nhiều khó khăn hơn bạn tưởng. Nói chung, đây là giai đoạn bạn cần tạo dựng cho mình một cuộc sống tự lập thật sự.
Vậy làm thế nào để quản lý tiền bạc cho thật hiệu quả? Dù muốn hay không thì tài chính và nhu cầu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thỏa mãn cuộc sống và công việc của bạn. Việc hưởng thụ không liên quan trực tiếp đến tình trạng tài chính của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải biết quản lý tiền bạc như thế nào trong giai đoạn khởi nghiệp để nó không ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của bạn sau này.
Để có được sự cân bằng trong chi tiêu, bạn cần biết điều phối mức thu nhập với các nhu cầu và sinh hoạt thiết yếu trong cuộc sống sao cho phù hợp. Không nên để bản thân rơi vào tình trạng thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Tôi sẽ dẫn ra cho các bạn một ví dụ cụ thể sau đây.
Một người độc thân mới tốt nghiệp sống ở khu xe điện ngầm với lương khởi điểm là 38.000 USD/năm sẽ có lợi tức và phí tổn như sau:
Hãy xem một người đang sống bằng số tiền mà chúng ta vừa lấy làm ví dụ. Anh ta quyết định sau khi bắt đầu đi làm sẽ mua chiếc xe thể thao mới thay cho chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu mà anh đã chạy được hai năm. Và anh đã mua được chiếc xe hơi mới như ý với mức thanh toán hàng tháng là 200 USD. Cho đến lúc ấy, mọi việc vẫn ổn thỏa.
Có chiếc xe mới rồi, anh lại cần thêm một vài bộ đồ nghề bổ sung nữa, đồng thời, thêm một chuyến du lịch tới bờ biển để phô trương chiếc xe mới tậu được. Tất nhiên, đây chỉ là cuộc du ngoạn cuối tuần bởi anh chưa có ngày nghỉ phép vì vừa mới đi làm. Anh ta trả bằng tiền mặt phải không? Ồ, không. Chúng ta đang tính tất cả khoản này – khoảng 600 USD - bằng thẻ tín dụng của anh ta. Vấn đề tiếp tục nảy sinh, anh ta không có đủ tiền mặt trong túi để chi tiêu trong sáu tháng tới. Anh buộc phải tính toán sao cho vừa đủ để trả hết khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng bằng thẻ tín dụng của mình.
Sáu tháng sau đó, anh vẫn sống thoải mái, công việc của anh cũng tiến triển tốt. Nhưng, vào một tối nọ, khi vừa về tới nhà, anh nhận được “thư báo nợ” của công ty tín dụng sinh viên với một cuốn sổ thanh toán kèm theo. Anh chợt giật mình. Trong vòng 25 năm tới, anh sẽ phải thanh toán 193 USD/tháng với lãi suất là 6% khoản vay dành cho sinh viên (30.000 USD) mà anh đã vay khi còn học đại học. Và thông báo trả nợ mới nhất cho biết, anh nợ gần 3.000 USD trên thẻ tín dụng và giờ đây, anh chỉ còn khoản thanh toán tối thiểu mỗi tháng là 75 USD. Trong sáu tháng, từ việc có một khoản chi tiêu thêm là 242 USD/tháng, anh phải gánh thêm số nợ trong nhiều năm là 226 USD/tháng.
Làm thế nào để có thêm được số tiền lấp vào khoản thiếu hụt đó? Có thể anh sẽ được tăng lương sau một năm làm việc, nhưng khoản lương tăng thường niên chỉ khoảng 5%. Vì vậy, dù có thêm 110 USD/tháng thì anh cũng vẫn còn thiếu một khoản nợ 116 USD/tháng. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh khác.
Không còn cách nào khác, anh bắt đầu phải tính đến việc chi tiêu cho các khoản phí tổn thiết yếu của cuộc sống. Anh sẽ không dùng truyền hình cáp nữa, sẽ sắm sửa quần áo ít lại, hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho chiếc xe hơi của mình để tiết kiệm tiền xăng. Cũng có thể anh phải đem cơm trưa tới sở làm thay vì ăn ngoài tiệm với bạn bè... Có nhiều cách chọn lựa, nhưng tất cả đòi hỏi anh phải thay đổi thói quen trong tiêu dùng thiết yếu. Hậu quả là, anh không còn xem công việc là nguồn trang trải cho cả cuộc sống thiết yếu và hưởng thụ. Từ đó, anh phải lệ thuộc vào đồng lương của mình.
Do tình hình tài chính eo hẹp, anh phải hết sức hạn chế các hoạt động của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh đi học tiếp? Anh sẽ bù đắp các khoản phí tổn của mình như thế nào? Mượn thêm tiền? Anh hoàn toàn có thể, nhưng sẽ phải mượn tiền để phục vụ cho việc cân bằng thẻ tín dụng và trả cho khoản thanh toán xe hơi. Đó không phải là sự lựa chọn khôn ngoan bởi anh đang dùng nợ để trả nợ.
Nếu như trước đó, anh từng cảm thấy thoải mái khi có một công việc ưa thích và một cuộc sống thư thả thì giờ đây, công việc chỉ là chỗ anh miễn cưỡng bám víu. Tất cả là do anh đã chi tiêu vượt quá khả năng kiếm được trong những tháng đầu khởi nghiệp và hoàn toàn không lường trước được rắc rối nảy sinh.
Nhiều người bạn của tôi cũng từng trải qua tình cảnh tương tự, không sao thoát ra được. Chẳng hạn, một người bạn của tôi đã mua chiếc xe hơi thể thao với giá cao ngất ngay sau khi ra trường. Cũng vì vậy mà anh chẳng sắm sửa được gì trong căn hộ của mình, ngoại trừ tấm nệm, ti-vi và một cái bàn để chơi bài. Sau khi thấy các hóa đơn thẻ tín dụng, các khoản nợ vay thời sinh viên chồng chất, anh ấy mới ngỡ ngàng và buộc phải bán lỗ chiếc xe.
Qua những ví dụ, điều tôi muốn nhắn gửi đến các bạn là nên cẩn trọng với việc chi tiêu của mình vào năm đầu khởi nghiệp. Chẳng có gì là đáng xấu hổ khi bạn lái một chiếc xe kiểu dáng cũ, không còn hợp thời, hay dè dặt, thậm chí chờ cơ hội giảm giá mới mua quần áo mới đi làm. Chính những điều này sẽ giúp bạn biết quý trọng đồng tiền mình làm ra. Sự đắn đo, cân nhắc về giá trị hàng hóa mình cần mua không bao giờ là thừa thãi cả.
Một vài yếu tố khác bạn cần nhớ khi quản lý tài sản mới của mình.
Hiểu được bạn phải thường xuyên thanh toán như thế nào và số tiền đó kéo dài bao lâu:
Mỗi công ty có thể trả lương vào những khoảng thời gian khác nhau và theo những cách khác nhau. Chẳng hạn một số công ty trả lương hai tuần một lần, số khác lại thanh toán hàng tháng... Khi tiền lương được thanh toán một lần trong tháng thì tổng số tiền vào tài khoản của bạn tất nhiên sẽ lớn hơn thanh toán nhiều lần. Nhưng, nếu thấy số tiền trong tài khoản có vẻ dư dả so với các khoản phí tổn phải trả, bạn cũng đừng lấy thế làm vui mừng và ăn tiêu hoang phí. Hãy cẩn thận. Bạn cần giữ số tiền đó cho tới khi có khoản lương mới vào cuối tháng sau.
Theo dõi dòng chảy chi phí và các thói quen chi tiêu:
Ngay cả khi bạn cẩn thận không dùng thẻ tín dụng lãi suất cao để thanh toán cho sinh hoạt hàng ngày của mình thì bạn cũng cần theo dõi các chi tiêu nhỏ rải rác khác. Ra ngoài dùng bữa, đi uống nước sau khi tan sở, xem phim, kịch và hòa nhạc có thể là những khoản chi không quá lớn, nhưng khi gộp tất cả lại trong một tuần hoặc một tháng, chúng có thể trở thành một khoản đáng kể.
Tận dụng phúc lợi của công ty:
Công việc bạn làm có khả năng đem lại những phúc lợi và nếu vậy, bạn nên tận dụng các phúc lợi đó. Tùy vào quy mô của công ty, bạn có thể nhận những sản phẩm bảo hiểm và những khoản tài chính khác nhau. Những loại bảo hiểm phổ biến được các công ty mua nhiều là: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm xã hội...
Các phúc lợi có thể khó hiểu vì nó mang tính chuyên môn, nhất là nếu đây là lần đầu tiên bạn tiếp xúc với chúng, nhưng chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bạn. Các phúc lợi này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền khi về hưu và đỡ phải thanh toán những phí tổn mà bạn có thể gánh chịu. Nếu bạn quyết định rời công ty cũ đến với một công việc mới thì việc lờ đi những phúc lợi ấy là một sự thiệt thòi. Có rất nhiều điều chúng ta cần cân nhắc trước khi thay đổi công việc, và các chính sách “đãi ngộ” là một yếu tố quan trọng trong số đó. Chúng ta hãy đi vào phần tiếp theo để nắm rõ hơn về điều này.