Nhiều đêm tôi phải lết vào giường trong tình trạng sức lực hầu như cạn kiệt sau một ngày rong ruổi khắp thành phố. Những lúc ấy, tôi cố gắng vỗ về giấc ngủ bằng cách tìm một chương trình nhẹ nhàng nào đó trên truyền hình, tránh xem những chương trình khiến tinh thần bị kích động. Một lần, tình cờ tôi xem được một bộ phim rất thú vị. Hai nhân vật chính gặp gỡ, yêu nhau và cuối cùng là tổ chức hôn lễ tại nơi làm việc. Tầng làm việc chính là nơi diễn ra nghi lễ, phòng cà-phê là nơi tiếp tân và giám đốc là chủ hôn. Hôn lễ của họ diễn ra khá trọng thể trong ánh mắt rưng rưng xúc động và yêu mến của các đồng nghiệp. Tất cả tràn ngập trong một bầu không khí vui vẻ, hạnh phúc.
Bộ phim kết thúc. Khoảng mười phút sau, tôi chìm vào giấc ngủ.
Tại sao tôi lại đề cập vấn đề này? Tôi rất ủng hộ những người đang yêu, nhưng tôi cũng cần lưu ý bạn một số rắc rối tiềm ẩn nơi công sở xoay quanh chuyện hẹn hò với đồng nghiệp. Khi đi học, bạn có cuộc sống giao tiếp khá thoải mái. Trong xã hội, bạn có một vài mối quan hệ tình cảm. Bạn cũng có thể từng trải qua những chuyện không vui với người bạn yêu... Khi đi làm, tình cảm của bạn có thể sẽ bị hạn chế do những quy định của công ty hoặc do những khó khăn về việc hẹn hò trong công sở.
Tình cảm thường nảy sinh khi người ta có điều kiện tiếp xúc nhiều với nhau và hiểu nhau. Chẳng hạn, thời sinh viên, bạn có thể có mối quan hệ với một sinh viên nào đó trong lớp, trong ký túc xá, hay trong nhóm tham gia các hoạt động xã hội. Với công ty mới, bạn sẽ có những cơ hội gặp gỡ mới. Ít nhất tám giờ mỗi ngày và năm ngày mỗi tuần, bạn phải giam mình trong cao ốc cùng với các đồng nghiệp.
Cũng từ đó, bạn bắt đầu quen thân với vài người. Những người này có thể cũng hứng thú trong công việc giống bạn, cũng có thể, họ có những sở thích, thú vui tương tự bạn. Dần dần, bạn nhận ra trong số đó có “một nửa” mà bấy lâu bạn vẫn kiếm tìm. Vậy, có gì rắc rối nếu bạn muốn đẩy mối quan hệ ấy tiến xa hơn?
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi sẽ đưa ra hai hạn chế mà bạn có thể gặp phải khi xây dựng quan hệ tình cảm với đồng nghiệp, đó là các quy định của công ty và các khó khăn cá nhân của bạn.
Trước hết, về quy định của công ty. Tùy thuộc vào từng tổ chức và tính chất công việc của tổ chức ấy mà quy định về chuyện có quan hệ tình cảm với đồng nghiệp sẽ có sự khác biệt. Nếu công ty của bạn không ngăn cản gì về chuyện hẹn hò thì bạn cứ tự do vun đắp cho mối quan hệ ấy. Nhưng nếu trong nội quy ngăn cấm việc nhân viên có quan hệ tình cảm với nhau thì bạn phải tuân theo.
Tại sao một số công ty lại ngăn cấm chuyện tình cảm giữa các nhân viên? Câu trả lời thường là vì các công ty này cho rằng, những mối quan hệ tình cảm đó có thể ảnh hưởng không tốt đến nhóm làm việc. Khi quan hệ tình cảm giữa hai người tiến triển tốt đẹp, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và toại nguyện. Nhưng nếu quan hệ giữa họ xấu đi, họ sẽ luôn trong tâm trạng ủ dột và không tập trung làm việc, từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến các cộng sự khác.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn gặp được “một nửa còn lại” của mình nhưng công ty lại ngăn cấm chuyện tình cảm giữa hai người? Nếu để mối quan hệ giữa hai bên tiến triển, bạn có thể bị kỷ luật hoặc bị yêu cầu rời khỏi công ty do vi phạm vào quy định chung.
Làm sao biết được công ty có cấm chuyện hẹn hò hay không?
Năm đầu tiên đi làm, tôi khuyên bạn không nên đến thẳng văn phòng cấp trên chỉ để hỏi bạn có được phép hẹn hò với đồng nghiệp hay không. Chắc chắn điều đó sẽ để lại ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp trong lòng sếp của bạn. Thay vì vậy, bạn nên đọc kỹ nội quy của công ty hoặc tham khảo các chính sách được công bố. Ngoài ra, cách đơn giản nhất là hỏi nhân viên phòng Nhân sự để biết công ty có hạn chế chuyện đồng nghiệp hẹn hò, yêu đương nhau hay không.
Trong trường hợp công ty không ngăn cấm chuyện đó. Về lý thuyết, bạn được tự do, nhưng bạn cũng cần phải biết tự chủ, không để rắc rối nảy sinh nếu quan hệ giữa hai người chấm dứt. Nếu công việc của bạn và người ấy liên quan trực tiếp đến nhau và bạn cần có sự hợp tác của họ để hoàn thành công việc, bạn sẽ giải quyết chuyện chia tay như thế nào? Trước hết, bạn vẫn phải hoàn thành công việc, bạn phải tìm cách nào đó để người ấy chấp nhận chuyện chia tay.
Trong phần trước, tôi có nói đến cách tạo mối quan hệ làm việc hữu hiệu với những cộng sự mà bạn không mấy thiện cảm. Nhưng chuyện đó không mang tính cá nhân. Bạn biết lý do bạn không hòa nhập được bởi người ta có ác cảm với bạn. Giải pháp không dễ dàng như việc tìm ra cách thức để phối hợp làm việc tốt với nhau. Bạn cần phân tích tâm lý toàn bộ mối quan hệ cá nhân và tìm ra nguyên nhân của vấn đề trước khi bạn có thể bắt đầu giải quyết mối quan hệ công việc.
Ngay cả nếu mối quan hệ tình cảm đang tiến triển tốt thì chuyện tranh cãi cũng có thể xảy ra giữa bạn và người ấy. Khi đó, các cộng sự sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt nào? Có phải họ cho rằng bạn quan tâm đến chuyện yêu đương hơn nhiệm vụ được giao? Rằng bạn bực mình khi phải đánh một văn bản liên quan tới công việc giữa lúc đang bận nhắn tin cho người ấy? Rồi họ sẽ thắc mắc, sẽ lắc đầu trước những biểu hiện của bạn và nói lại những điều ấy cho cấp trên biết.
Những điều tôi vừa nói trên xoay quanh vấn đề tình yêu và giới hạn của chuyện yêu đương nơi công sở. Mong rằng bạn sẽ luôn có những lựa chọn và quyết định đúng đắn cho mình.
(*) 401K là một loại phúc lợi về hưu cho nhân viên tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác như Canada, Úc, Anh quốc. Bản thân thuật ngữ “401K” không có ý nghĩa, nó xuất phát từ việc tham khảo điều khoản phần 401 của Bộ luật Lợi tức Nội địa Hoa Kỳ. (Người dịch chú thích)