Tuổi thơ tôi gắn liền với cây thích đường cao lớn bên ngoài cửa sổ phòng ngủ. Đối với một cậu bé, cây cối có thể được biến thành dụng cụ thể dục tự nhiên và tiện lợi, là một đồn canh gác bí mật, hay một chướng ngại vật đối với chiếc tàu lượn bằng gỗ được phóng ra từ cửa sổ phòng ngủ. Mỗi mùa thu đến, tôi thường trèo lên cây. Đó cũng là khi tôi cảm nhận được sự đổi thay trên từng cành lá. Những tán lá xanh dần chuyển sang màu vàng sáng, rồi màu cam, cuối cùng là màu đỏ huỳnh quang trước khi tàn úa và rơi rụng. Lũ trẻ chúng tôi thường tha thẩn dưới gốc cây, thi nhau nhặt những chiếc lá rụng và sáng tạo đủ mọi trò chơi cho mình.
Những người hàng xóm của tôi mỗi sáng tập thể dục thường dừng lại và bình phẩm về màu lá đẹp lạ lùng, tương phản với nền trời xanh sâu thẳm của mùa thu Tennessee. Cũng có khi, họ bình phẩm về tất cả những cây cối quanh nhà tôi. Nhưng, khi mùa thu qua đi, ngoại trừ tôi ra thì hiếm ai còn chú ý đến cái cây đó nữa. Những ngày hè oi ả, chẳng một ai dừng lại bên đường để trầm trồ về bóng mát tỏa xuống từ những tán lá dày, xanh mướt. Cũng chẳng ai để ý rằng, trên những tán cây đó, mỗi độ xuân về, từng bầy chim cổ đỏ vẫn kéo đến trú ngụ với khúc hát líu lo. Cây thích đường của tôi quả là mang lại nhiều điều thú vị ngoài việc khoác trên mình một màu áo đẹp lạ lùng mỗi độ thu sang. Song, dường như ngoài tôi ra, chẳng ai chú ý đến những điều ấy.
Từ câu chuyện trên, tôi muốn nói với bạn rằng, giống như cây thích đường, mỗi người chúng ta đều có rất nhiều vai trò khác nhau bên cạnh vai trò là một nhân viên công sở. Hiện tại, có thể công việc là điều bạn quan tâm nhất và dành trọn thời gian cho nó, tuy nhiên, đừng quên đây chỉ là một phần con người bạn. Mới đây thôi, có thể bạn không có thời gian để nghĩ về những vai trò khác và không biết chúng đang tồn tại như thế nào bởi ở giai đoạn khởi nghiệp, bạn đã bị tiêu hao quá nhiều năng lượng tinh thần, cảm xúc cũng như thể chất. Nhưng tôi tin rằng, có ba vai trò khác biệt trong cuộc đời, cho dù bạn có để ý đến hay không. Ba vai trò ấy đều cần thiết đối với mỗi cá nhân và chúng ta nên dành sự ưu tiên cho nó. Cụ thể là:
1. Vai trò “cái tôi”.
2. Vai trò “chúng tôi”.
3. Vai trò “chúng ta”.
Chúng ta cùng đi vào tìm hiểu từng vai trò cụ thể.
Vai trò “cái tôi”:
Đây là vai trò mà trong đó, bạn tập trung chăm sóc các nhu cầu cá nhân. Như chúng ta đã thảo luận trước đây, chính bạn chứ không phải ai khác sẽ chăm sóc cho bạn. Và để chăm sóc bản thân, bạn cần có trách nhiệm với các loại nhu cầu: Tìm kiếm môi trường sống an toàn, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng; thanh toán các hóa đơn để được cung cấp đầy đủ các dịch vụ sinh hoạt hàng ngày... Có nhiều khía cạnh liên quan đến vai trò của “cái tôi” nhưng tất cả đều xoay quanh việc chăm sóc bản thân bạn. Hãy lấy ví dụ về vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Chẳng hạn, bạn đang ở lứa tuổi mà mỗi tối trong tuần có thể ăn một bữa thật thịnh soạn với thịt băm có pho-mát và uống sô-đa, sau đó nằm nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, đọc sách, xem ti-vi... cho tới giờ đi ngủ. Giai đoạn này chắc chắn bạn chẳng sợ bị béo phì, cũng chẳng hề nghĩ gì đến việc tập thể dục. Nhưng rồi một ngày kia, bạn thấy mọi thứ thay đổi. Trọng lượng của bạn bỗng dưng tăng vùn vụt. Thay vì ăn uống thoải mái như trước, bạn bắt đầu nghĩ đến chuyện ăn kiêng và tập thể dục mỗi tối. Bên cạnh đó, duy trì lối sống năng động cũng là cách đốt cháy calorie, giúp bạn kiểm soát trọng lượng bản thân.
Thực đơn ăn kiêng và tập thể dục là cách để giảm áp lực mà bạn phải chịu đựng từ công việc hoặc từ những nỗ lực khác. Bằng cách ăn uống thích hợp và giữ cho cơ thể năng động, bạn không chỉ nhận được các lợi ích ngắn hạn như giảm căng thẳng và điều khiển được trọng lượng mà còn được hưởng những lợi ích lâu dài trong tương lai như giảm các rủi ro về cao huyết áp và đột quỵ.
Năm đầu khởi nghiệp, nhu cầu khó điều chỉnh nhất đối với tôi là nhu cầu ngủ. Tôi vốn quen với thời gian biểu của những ngày còn đi học. Đó là giai đoạn tôi có những thói quen như một cái máy: mùa thu - đi học, mùa hè – nghỉ ngơi... Trong quãng thời gian này, tôi chưa bao giờ phải giám sát chương trình làm việc của mình để bảo đảm rằng phải ngủ đúng mức cơ thể cần. Tôi có thể lao vào nghiên cứu, học tập trong suốt học kỳ và đến kỳ nghỉ ngơi, tôi sẽ để đầu óc thật thoải mái, tái tạo một sức lực mới, sẵn sàng “chiến đấu” trong học kỳ tiếp. Tuy nhiên, năm đầu khởi nghiệp thì khác, tôi không có kỳ nghỉ. Nhìn thấy mùa hè đến và đi, tôi biết rằng mình không có được kỳ nghỉ dài, thoải mái như trước kia. Tôi hiểu rằng, với một công việc toàn thời gian, tôi sẽ chỉ có được hai tuần lễ nghỉ phép và một số ngày nghỉ nhân dịp đặc biệt nào đó để thay đổi không khí. Thật kinh khủng!
Trong quãng thời gian khởi nghiệp này, tôi không chỉ bị nhồi nhét đầy nghẹt những ngày làm việc mà công việc mỗi ngày của tôi đều trong tình trạng quá tải! Trước khi đi làm, tôi từng nghe nói về những tuần lễ 40 giờ làm việc, đi làm rồi tôi còn biết thêm rằng, nếu không làm việc hiệu quả thì tuần lễ ấy sẽ là trên 50 giờ. Quãng đường từ nhà tôi đến sở làm khá xa, vì vậy, tôi phải thức dậy sớm hơn nhiều so với trước để chuẩn bị cho việc vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Đây là một thay đổi đột ngột, thay cho kiểu ngủ triền miên đến tám giờ sáng, ăn uống qua loa, chui vào lớp một vài tiếng và lang thang cho hết ngày của đời sống sinh viên.
Trước đây, tôi có thể thức khuya mà sáng hôm sau vẫn cảm thấy khỏe khoắn bởi vì tôi có thể dậy muộn hơn một chút. Nhưng với công việc toàn thời gian thì không. Tôi phải đến công sở đúng giờ, làm việc nguyên ngày. Giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm việc của tôi vào ngày kế đó. Nếu đêm hôm trước tôi ngủ ngon thì ngày hôm sau, đầu óc sẽ minh mẫn, tinh thần phấn chấn, tràn đầy sinh lực, và suy nghĩ sáng suốt về công việc. Ngược lại, nếu thức quá khuya, không ngủ đủ giấc, tôi sẽ cảm nhận được ngay: mệt mỏi, không tập trung và dòng suy nghĩ không trôi chảy, ngay cả thính giác cũng không nhạy bén.
Một trong những yếu tố bị ảnh hưởng trực tiếp do thiếu ngủ là khả năng nhận thức khi lắng nghe. Những lúc ấy, thường thì tôi phải nỗ lực lắm mới có thể tập trung và hiểu được ý của cộng sự, cấp trên, khách hàng. Nếu không, tất cả chỉ là một sự chắp ghép rời rạc và đôi khi là vô nghĩa.
Nhu cầu về tâm linh cũng là một phần nằm trong vai trò của “cái tôi”. Đây là nhu cầu thuộc về lĩnh vực cá nhân và tùy từng người, nhu cầu ấy có thể cao - thấp khác nhau. Dù bạn có đặt niềm tin vào bất kỳ đấng tối cao nào chăng nữa thì các nhu cầu vẫn là một quyết định mang tính cá nhân cao độ. Bạn có thể hoạt động tích cực trong một tổ chức tôn giáo nào đó ngay từ thuở nhỏ và nhờ vậy, nhu cầu tâm linh của bạn được thỏa mãn. Cho dù trưởng thành và sinh sống ở một thị trấn, thành phố hoặc tiểu bang khác, nhu cầu tâm linh ấy vẫn tồn tại. Đây là một nhu cầu không dễ bị các hoạt động khác chi phối hay thay thế. Bạn tìm được ở đây chỗ dựa về mặt tinh thần, hoặc cũng có thể nhờ đó mà bạn hiểu hơn về vai trò của mình trong thế giới rộng lớn.
Một khía cạnh khác của vai trò “cái tôi” là nhu cầu hiểu biết và phát triển bản thân. Khi bắt đầu đi làm, tôi quan tâm nhiều hơn về lịch sử Ai Cập và nghệ thuật nhiếp ảnh. Tôi từng biết đến xứ sở này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và vào dịp nghỉ hè với gia đình. Tôi thích chụp hình bằng chiếc máy không lấy gì làm hiện đại lắm của mình, thích làm một điều gì đó khác biệt với mọi người. Nhưng ngày ấy, sở thích của tôi không tiến xa được bởi tôi còn phải lo hoàn tất một đống bài vở và chương trình học tập trên lớp. Đi làm rồi, tôi có dịp biết nhiều hơn về Ai Cập và lịch sử phát triển lâu dài của nền văn minh này. Tôi tìm được nguồn cảm hứng vô tận trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Vận dụng kỹ thuật của nhiều góc nhìn khác nhau, tôi đã chụp được những tấm hình tuyệt vời và cảm thấy rất vừa lòng. Nói như vậy để thấy rằng, khi bạn thật sự đam mê một điều gì đó, bạn sẽ có cơ hội biết về nó nhiều hơn, dù tình cờ hay hữu ý.
Còn nhiều khía cạnh khác đối với vai trò “cái tôi” cá nhân nhưng hy vọng bạn cảm nhận được ý nghĩa của những khía cạnh tôi vừa nói trên đây. Về cơ bản, cơ thể, linh hồn và tâm trí của bạn đều có những nhu cầu cần được đáp ứng, nó giúp bạn sống đúng với ý nghĩa là một con người thật sự. Khi quá thờ ơ vai trò “cái tôi”, có thể bạn sẽ bị trượt trong thất bại. Với mỗi người, nhu cầu cá nhân có thể sẽ có những điểm khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả đều cần được quan tâm, theo một cách thức riêng nào đó.
Vai trò “chúng tôi”:
Trong vai trò này, bạn có trách nhiệm đáp ứng và duy trì các nhu cầu liên quan tới công việc và cộng sự của bạn. Mỗi một công việc đều có sự thay đổi khác nhau ứng với mỗi người. Khó có một quy định chung cho vai trò đó, nhưng thường thì lúc nào nó cũng liên quan đến sức lực và sự nỗ lực đối với công việc bạn làm. Tôi gọi đây là vai trò “chúng tôi” bởi ngoài bạn ra, mọi công việc đều cần đến sự hỗ trợ của một/nhiều người khác. Ngay cả một tiểu thương - không thuê người làm - cũng cần hợp tác với khách hàng thì mới có thể bán được hàng hóa.
Tôi cũng xem vai trò này là “vai trò có thể thay thế” vì rằng, trong mỗi việc bạn làm, dù muốn hay không, người khác vẫn có thể thay thế vào vị trí của bạn. Thậm chí người đến sau – thay thế cho bạn - còn có thể làm tốt hơn bạn. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, dù bạn ở vị trí nào chăng nữa, từ tổng giám đốc cho đến nhân viên bình thường. Nếu tổng giám đốc từ chức, qua đời hay bị tù tội... một người mới sẽ làm thay công việc đó. Người này sẽ giúp công ty tiếp tục hoạt động. Đó cũng chính là vai trò “chúng tôi” – “vai trò có thể thay thế” mà tôi muốn nói ở đây.
Vai trò “chúng ta”:
Vai trò này sẽ giải quyết việc đáp ứng và duy trì những nhu cầu liên quan đến những mối quan hệ cá nhân của bạn. Trong công việc cũng như các mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn có thể bị thay thế, nhưng trong vai trò này thì ngược lại – “không thể thay thế”. Chẳng hạn, đối với cha mẹ của bạn thì bạn luôn là một người con và mãi mãi là như thế, hay trong quan hệ vợ chồng, chỉ có bạn mới có thể là chồng hoặc vợ mà không ai khác có thể thay thế được. Bạn là duy nhất đối với họ và chỉ là bạn mà thôi.
Tôi gọi vai trò này là vai trò “chúng ta” bởi vì cụm từ này ám chỉ mức độ thân tình mà vai trò “chúng tôi” không có được. Nếu như vai trò “chúng tôi” đơn thuần chỉ là một cái bắt tay, một nụ cười thân thiện, và bạn chỉ biết được vẻ bề ngoài của một người nào đó, thì vai trò “chúng ta” lại gắn liền với tình cảm yêu thương, chăm sóc, thấu hiểu bạn dành cho người ấy.
Mỗi vai trò có vị trí riêng trong cuộc sống. Đời người hữu hạn, mỗi người chỉ có một khoảng thời gian nhất định nào đó để hoàn thành trọn vẹn các vai trò của mình. Vì vậy, bạn phải biết dành thời gian cho từng vai trò cụ thể và đừng bao giờ lãng phí nó. Mỗi người chỉ có 24 giờ trong ngày, bảy ngày trong tuần và 365 ngày trong năm để sống cho cuộc đời mình. Không ai có thể tạo thêm nhiều thời gian hơn nữa cho các vai trò của mình. Bởi vậy, bạn cần biết rút ngắn thời gian ở những vai trò không cần thiết để tập trung cho những vai trò thiết yếu.
Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý cho bạn về cách phân chia thời gian cho ba vai trò trên.
Trước hết, bạn có ba vai trò riêng biệt, chúng kết hợp với nhau như một bộ ba ở các mức độ khác nhau và cùng bị ràng buộc về thời gian. Cả ba vai trò này cần được kết hợp với nhau để đem lại hiệu quả cao nhất. Vậy bạn sẽ phân chia thời gian cho từng vai trò như thế nào? Tất cả đều như nhau hay ưu tiên cho một vai trò nào đó?
Trong năm đầu tiên, có thể bạn vẫn giữ được sự cân bằng giữa các vai trò trong cuộc sống. Dù đi làm nhưng bạn vẫn có thời gian dành cho những người quan trọng cũng như chăm sóc bản thân, tập thể dục và nghỉ ngơi thoải mái. Đơn giản vì đây là năm đầu tiên nên yêu cầu và trách nhiệm trong công việc còn tương đối nhẹ nhàng. Tuy nhiên, theo thời gian, các vai trò có thể bị mất cân đối lúc nào bạn không hay. Tình trạng mất cân đối này âm thầm tác động lên bạn từng chút một cho đến khi nó trở thành nếp sống của bạn. Tại sao điều này lại xảy ra?
Lý do có thể là do trách nhiệm bạn phải gánh vác ngày càng nhiều hơn. Bạn không để ý đến điều này bởi sự tăng tiến của nó không đáng kể, cho tới một ngày nhìn lại, bạn giật mình và nhận thấy “Ồ, mình quá bận rộn, quá nhiều việc phải làm!”. Điều này có thể xảy ra với mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Nó có thể xảy ra với vai trò “chúng tôi”, bởi càng có nhiều kinh nghiệm, bạn càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong nghề nghiệp, chuyên môn hơn. Cũng có thể là trong vai trò “cái tôi”, khi những nhu cầu cá nhân và các mối quan hệ phát triển chầm chậm từ các thói quen cho tới sự bắt buộc. Hoặc cũng có thể xảy ra đối với vai trò “chúng ta”, khi chúng phát triển từ những mối quan hệ tốt đẹp cho tới sự gánh vác trách nhiệm chia sẻ với người khác.
Vì vậy, bạn cần nhận thức được sự mất cân đối này để tránh bị biến thành nạn nhân của cái mà tôi gọi là “sự quá tải vai trò”. Việc tránh rơi vào “quá tải vai trò” hết sức quan trọng, nhất là với những người trong giai đoạn khởi nghiệp, bởi đây là giai đoạn bạn cần xây dựng các thói quen cho tương lai và cần có sự uyển chuyển để bổ sung các thói quen khi cần.