Có thể bạn chỉ muốn tập trung vào một vai trò nào đó, hoặc cũng có thể bạn muốn cân bằng các vai trò với nhau... Lựa chọn như thế nào là tùy thuộc ở bạn. Chỉ có điều, bạn cần hiểu được việc tập trung vào một vai trò nào đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các vai trò khác, hoặc việc cân bằng các vai trò đòi hỏi bạn phải nỗ lực ra sao, từ đó sẵn lòng chấp nhận niềm vui, nỗi buồn, và những nhọc nhằn từ quyết định của mình.
Sau đây là những ưu–khuyết điểm đối với mỗi sự chọn lựa vai trò, bạn có thể tham khảo và cân nhắc. Mục đích của tôi khi đưa ra những thông tin này là để minh họa những kết quả đối với mỗi sự lựa chọn mà bạn tiến hành, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trước khi cân nhắc những chọn lựa của mình, bạn cần hiểu cụ thể về những điều ấy.
Tập trung vào “cái tôi”:
Trong trường hợp này, nhìn chung, bạn nhận được nhiều điều tốt đẹp ở các khía cạnh tâm lý, tinh thần và thể xác, trừ phi bạn gặp những vấn đề bất ổn về cảm xúc và tinh thần, hoặc bị bệnh tật hành hạ. Mức độ tự tin hay tự nhận thức về chính bản thân bắt nguồn từ tình trạng cơ thể, tinh thần của bạn.
Từ góc độ nghề nghiệp, có phải bạn thấy thoải mái khi xem công việc của bạn chỉ là một nguồn lợi tức? Dù thích hay không, mức độ cống hiến cho nghề nghiệp vẫn được xem xét như một sự đóng góp vững chắc. Việc tập trung vào vai trò “cái tôi” liệu có cho phép bạn đủ thời gian và sinh lực để làm tốt công việc? Bạn cần lập ra một kế hoạch để duy trì công việc, phát triển nghề nghiệp nhằm nâng cao tiêu chuẩn sống của mình.
Tôi không nói rằng bạn phải dành tất cả thời gian cho công việc, tôi chỉ muốn nói về nỗ lực 100% cho công việc khi bạn ở công sở, thay vì luôn bị phân tâm bởi những chuyện riêng tư. Nếu bạn đồng ý với chuyện có việc làm chỉ để kiếm tiền nhằm phát triển vai trò “cái tôi” thì điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng nếu cùng một lúc, bạn mong rằng thu nhập của mình tăng lên, đồng thời vẫn có thể tập trung nhiều vào vai trò “cái tôi” thì e rằng hai tham vọng này sẽ xung đột nhau.
Mối quan hệ giữa bạn và những người khác như thế nào? Mặt trái của việc tập trung vào vai trò “cái tôi” là khó phát triển những mối quan hệ với những người xung quanh. Bởi khi tập trung vào vai trò “cái tôi”, bạn buộc phải chọn cho mình những quyền lợi tốt nhất. Điều này rất đúng trong quan hệ yêu đương, khi nó cần đến những nỗ lực của cả hai phía dành cho tình yêu. Nhưng khi bị buộc phải chọn lựa giữa vai trò “cái tôi” và những bổn phận trong vai trò “chúng ta”, chính bạn sẽ bảo vệ vai trò “cái tôi” thái quá bởi bạn đã tập trung tâm huyết cho vai trò ấy.
Tập trung vào “chúng tôi”:
Trong trường hợp này, sự tập trung được đặt vào nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp. Khi đặt trọng tâm vào các mối quan hệ này, có thể bạn sẽ thăng tiến nhanh hơn, công việc đạt chất lượng cao hơn và bạn cảm thấy thỏa mãn hơn. Bạn sẵn lòng có mặt bất cứ đâu khi cần thiết để tập trung cho vai trò này. Giấc mộng về sự “thành công” của bạn được đáp ứng trong công việc. Những thành quả đạt được giúp bạn có được cảm giác an toàn và ổn định về tài chính.
Trường hợp ngược lại, bạn gặp rủi ro trong công việc, hoặc phiền muộn khi thấy kết quả không đáp ứng được nguyện vọng của mình. Nói cách khác, nếu nghề nghiệp không tiến triển như mong muốn, bạn sẽ nản lòng. Khi vai trò “chúng tôi” chiếm hầu hết thời gian của bạn, các nhu cầu về tinh thần, cảm xúc và thể xác sẽ bị thiếu thốn hoặc không thỏa mãn. Việc thiếu ngủ và ăn uống qua loa có thể khiến bạn thường xuyên mệt mỏi và căng thẳng. Nếu mắc các chứng bệnh do ít vận động và thực đơn ăn uống kém (chẳng hạn như cao huyết áp) thì tình hình sẽ càng phức tạp. Bạn sẽ thất vọng vì không đủ tự tin.
Bên cạnh đó, vai trò “chúng ta” cũng có thể bị ảnh hưởng. Do vai trò “chúng tôi” liên quan tới công việc, mà công việc thường đòi hỏi sự hiện diện thường trực của bạn, nên bạn không đủ thời gian dành cho những người khác để phát triển vai trò “chúng ta”. Vai trò “chúng ta” mà bạn có được lúc này có lẽ liên quan nhiều đến công việc hơn là những mối quan hệ tình cảm thân thiết. Khi vai trò “chúng ta” càng bị thờ ơ thì sự liên hệ càng ít. Sự lấn lướt của vai trò “chúng tôi” sẽ khiến bạn không có thời gian khắc phục thiếu sót xảy ra đối với vai trò “chúng ta”.
Tập trung vào “chúng ta”:
Khi tập trung vào vai trò “chúng ta”, bạn sẽ thấy mình có nhiều mối quan hệ cá nhân hơn. Để làm tốt vai trò này, bạn cần có sự chăm lo nhiều hơn về mặt cảm xúc bởi mối quan hệ cá nhân chỉ có thể phát triển dựa trên sự sẻ chia những suy nghĩ, tình cảm, ước mơ chân tình hai bên dành cho nhau. Nếu bạn có nhu cầu cao trong việc giao thiệp với người khác thì đây là lĩnh vực nên tập trung. Bạn sẽ có được sự thỏa mãn về cảm xúc từ các mối quan hệ này.
Trong trường hợp vai trò “chúng ta” bị tan vỡ, có thể bạn sẽ rơi vào lo lắng, suy sụp. Sự bất đồng với một người mà bạn từng đặt tất cả niềm tin, hy vọng và hoài bão vào họ không dễ gì vượt qua được. Khi vai trò “chúng ta” là mối quan tâm hàng đầu của bạn và bạn luôn xem nó là điểm tựa vững chắc, ổn định trong cuộc sống thì sự đổ vỡ của vai trò đó sẽ khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, chới với. Cảm giác bất ổn này sẽ tiếp tục cho tới khi một mối quan hệ khác xuất hiện, đem lại cho bạn cảm giác tin tưởng và mong muốn tập trung vào vai trò “chúng ta” một lần nữa.
Khi bạn tập trung vào vai trò “chúng ta”, vai trò “cái tôi” có thể nhận được sự ủng hộ hoặc bị tổn thương. Chẳng hạn, nếu trong mối quan hệ “chúng ta”, bạn đề cao lối sống vui vẻ, năng động thì điều này cũng sẽ phát triển ở vai trò “cái tôi”. Hoặc nếu những hoạt động của nhóm có tính chất tiêu cực như nhậu nhẹt, buồn chán thì vai trò “cái tôi” cũng bị tác động xấu.
Vai trò “chúng tôi” - tham vọng nghề nghiệp – cũng sẽ không được đáp ứng hoàn toàn một khi bạn dành quá nhiều thời gian cho vai trò “chúng ta”. Điều này cũng có nghĩa bạn chỉ xem công việc là nguồn lợi tức cho phép bạn tìm kiếm niềm vui ngoài công việc. Bạn chỉ cần thấy thoải mái với công việc hiện tại vì bạn chưa thăng tiến đến vị trí cao hơn.
Cân bằng các vai trò:
Trong trường hợp này, bạn dành thời gian bằng nhau cho các vai trò. Việc có đáp ứng được mục tiêu này hay không khó có thể đánh giá được hằng ngày mà phải cần đến một quá trình: một tháng, sáu tháng hay một năm. Bạn có thể tập trung vào một vai trò nào đó trong một thời gian ngắn, và do vậy, bạn bị mất cân bằng. Tuy nhiên, sau đó bạn lại tìm cách cân bằng được và tập trung vào những vai trò khác. Khi có được sự cân bằng này, bạn sẽ có được một cuộc sống dồi dào, phong phú. Mỗi vai trò thu hút một khoảng thời gian nhất định của bạn và đổi lại, bạn cảm thấy vui vì những kết quả mà vai trò ấy mang lại cho mình. Nhìn chung, bạn sẽ có được cảm giác hài hòa, mãn nguyện từ việc hoàn thành tốt mọi việc.
Mặt khác, theo thời gian, sự tập trung cân bằng có thể gây nên thất vọng, bởi sự tập trung của bạn bao phủ tất cả các vai trò mà không đi sâu vào một vai trò cụ thể nào. Bạn sẽ có cảm giác như mình chưa làm hết sức trong một lĩnh vực hay một mối quan hệ cụ thể nào đó, rằng mình chỉ là một người “trung bình” ở mọi khía cạnh.
Có thể bạn muốn thử nghiệm từng trường hợp trên, hoặc cũng có thể bạn đang băn khoăn nên chọn lựa vai trò nào để tập trung nhiều hơn cả, hoặc làm thế nào để kết hợp cả ba vai trò đó... Mỗi người chúng ta đều có những nhu cầu, ước muốn, sự khao khát khác nhau và kết quả lựa chọn cho trường hợp này không thể áp dụng được cho trường hợp khác. Chỉ cần hiểu khái niệm về ba vai trò và hiểu rằng chúng có thể bị giới hạn bởi thời gian, bạn sẽ tự rút ra được đâu là điều phù hợp và cần thiết cho cuộc sống của mình.
Có thể nói, việc phân chia các vai trò chỉ là một trong nhiều quyết định mà bạn phải đối diện khi trưởng thành. Không phải lúc nào cuộc sống cũng dành cho bạn nhiều cơ hội lựa chọn và những quyết định đúng – sai rõ ràng. Bạn sẽ gặp những trường hợp không có sự lựa chọn tuyệt đối. Cách bạn phân chia cuộc đời như thế nào phụ thuộc vào một trong những quyết định đó.
Trong mỗi quyết định đều có phần ưu lẫn khuyết điểm. Nhiều người cần thời gian để nhìn nhận, đánh giá tất cả những gì được – mất sau mỗi quyết định. Cũng có những người không cần nhiều thời gian, họ chỉ cần xem xét hoàn cảnh cụ thể, nhìn vào các nhân tố chính và chọn lựa một quyết định.