Một trong những điểm yếu của sinh viên mới ra trường là thiếu kinh nghiệm thực tế. Điều này một phần cũng là do chương trình đào tạo trong nhà trường. Ở đó, những sinh viên này được truyền đạt rất nhiều nguyên tắc và lý thuyết căn bản, nhưng nhìn chung, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ thì hầu như không có. Muốn có được những điều ấy, họ phải học từ trường đời.
Nhằm đơn giản hóa nội dung giảng dạy, nhà trường thường bỏ qua những tình huống bất ngờ, ngoài dự kiến. Bạn sẽ gặp những “bài toán” đại loại như “Giả sử kết quả là...”, “Giả sử bệnh nhân đó có nhịp tim thất thường và nói chuyện khó khăn...”, “Giả sử lớp của bạn bao gồm 50% học viên nắm vững lý thuyết và 50% học viên có kinh nghiệm thực tế...”, v.v. Việc sử dụng những giả định như trên nhằm đơn giản hóa kết quả cuối cùng là điều thường thấy trong nghiên cứu, học thuật. Thực tế lại khác, mọi giả thuyết, thậm chí cả những điều không có trong giả thuyết đều có thể xảy ra. Bởi vậy, trong mỗi quyết định, bạn đều phải đối diện với một yếu tố vô hình nào đó.
Nói như vậy, không có nghĩa là bạn nên xem nhẹ kiến thức tiếp thu từ trường học, trái lại, những kiến thức ấy chính là tiền đề cần thiết để bạn bước vào cuộc sống. Tùy tình huống mà bạn vận dụng những kiến thức đó một cách thích hợp để phục vụ công việc của mình. Nếu chưa biết cách, bạn cũng đừng vì thế mà mất tinh thần. Hãy tham khảo kinh nghiệm thực tế từ những người đi trước. Với sự từng trải, họ sẽ đưa ra lời khuyên để bạn lấp khoảng trống giữa lý thuyết và thực hành.
Muốn có được sự trợ giúp đáng tin cậy, bạn nên tìm cho mình những nhà tư vấn nhiệt tình, từng trải. Hãy thu thập danh sách địa chỉ liên lạc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể để khi gặp vấn đề khó khăn, bạn có thể tìm đến và tham khảo ý kiến của họ. Việc làm này vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp bạn giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Ngoài ra, nắm vững nguồn tư liệu có liên quan đến chuyên môn của mình cũng là điều hết sức cần thiết. Chẳng hạn, nếu làm việc trong lĩnh vực liên quan đến luật pháp, bạn có thể dùng một trong nhiều cơ sở dữ liệu tham khảo trực tuyến cho án lệ gần nhất. Nếu làm trong lĩnh vực y khoa, bạn nên truy cập vào nguồn tư liệu hướng dẫn về dược liệu để có thông tin rõ ràng về tác dụng của từng loại thuốc. Nếu là một chuyên viên kế toán, bạn nên truy cập vào những tư liệu hướng dẫn các tiêu chuẩn kế toán... Tóm lại, việc chuẩn bị các nguồn trợ giúp cần thiết là một trong những cách tốt nhất để bạn đối phó với rủi ro bất ngờ. Ngoài ra, việc phát huy trực giác cũng là một kỹ năng cần phát huy để có thể nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề xảy ra ngoài dự tính. Sách giáo khoa có thể cho bạn kiến thức nền tảng; giáo viên có thể đặt câu hỏi và chờ đợi ở bạn câu trả lời tuyệt đối. Cuộc đời và công việc thì khác. Ở đó sẽ chẳng có bất cứ một đáp án chính xác tuyệt đối nào.
Để có được trực giác nhạy bén, bạn cần phải trau dồi thông qua kinh nghiệm thực tiễn, và điều này phải mất một thời gian. Càng có vị trí cao trong công việc, trực giác càng đóng vai trò quan trọng bởi nó giúp bạn không mất quá nhiều thời gian khi quyết định một vấn đề gì đó. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy sớm rèn luyện trực giác nghề nghiệp của mình và phát huy lúc cần thiết.
Khi mới bước vào nghề, có thể bạn không hình dung hết những tình huống phát sinh, nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Trực giác sẽ được phát huy khi bạn giàu kinh nghiệm, và để có kinh nghiệm bạn cần phải hành động. Biết rút ra bài học từ thất bại, bạn sẽ dần tiến bộ. Ngược lại, luôn tìm cách biện minh cho sai lầm của bản thân, không chịu nhìn nhận thực chất vấn đề, bạn sẽ đánh mất cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Mỗi lần vấp ngã sẽ là một bài học kinh nghiệm, nhưng nếu sai phạm cứ lặp đi lặp lại thì đó là lúc bạn cần nhìn nhận lại năng lực của mình và xem con đường bạn chọn có thật sự thích hợp hay không.
Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn sẽ xác định được đâu là điều cần làm và dùng trực giác của mình để nhận ra những vấn đề nên ưu tiên.
Có thể gọi đó là “nhãn quan công việc”. Việc phát triển “nhãn quan công việc” có tính quyết định đối với hiệu quả công việc, vì trong một thời điểm nhất định, bạn không thể chú tâm vào mọi thứ. Do đó, bạn cần xác định đâu là vấn đề cần ưu tiên hoàn thành trước.
Môi trường làm việc khác với môi trường học tập trong nhà trường. Làm thế nào để bạn có thể bắt đầu xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự nghiệp và hạn chế những lúng túng trong giai đoạn khởi nghiệp? Điều này sẽ được gợi mở ở phần tới, khi đi vào thảo luận những trải nghiệm thực tế.