Luôn là nhân viên cần thiết - đó là tiêu chí đầu tiên giúp bạn xây dựng nền tảng nghề nghiệp cho bản thân. Là nhân viên cần thiết, không có nghĩa là bạn phải biết nói những lời hoa mỹ khiến sếp vui lòng mà vấn đề là những việc bạn thực hiện có ý nghĩa gì cho sự nghiệp chung của công ty. Để trở thành nhân viên cần thiết, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây.
Trước tiên, hãy khéo léo đề cập đến những vấn đề sếp cần bạn thực hiện. Mặc dù có thể suy đoán, nhưng tốt nhất bạn nên để sếp nói ra. Nếu sếp không nói, bạn hãy chủ động đề cập tới chúng. Hãy thể hiện thiện chí rằng bạn luôn sẵn sàng đảm nhiệm những việc sếp giao. Thường thì những người lãnh đạo luôn bận rộn với hàng đống công việc, vì vậy, bạn nên phác thảo sẵn danh sách công việc mình cần thực hiện, sau đó hỏi sếp xem những yêu cầu này có chính xác không. Chắc chắn ông ấy sẽ nhanh chóng chú thích lên đó hơn là thảo ra một danh sách hoàn toàn mới. Ngoài ra, bạn có thể nhờ sếp chỉnh sửa hoặc bổ sung thêm. Việc này một mặt thể hiện sự nhiệt tình và trách nhiệm của bạn, mặt khác còn cho thấy bạn đang nỗ lực hết mình vì lợi ích chung của công ty.
Để trở thành nhân viên cần thiết, bạn đừng bao giờ chỉ trích sếp trước mặt người khác. Sếp luôn mong rằng, nếu có trục trặc gì xảy ra thì người đầu tiên bạn cần tìm đến là ông ấy. Một trong những điều các nhà lãnh đạo cũng như những người quản lý kỵ nhất là bị thuộc cấp rêu rao lỗi lầm và thất bại của họ. Hãy nhớ rằng, dù ở bất kỳ tổ chức nào, những tin vịt và những lời chỉ trích của bạn đều có thể đến tai sếp. Khi đó, bạn sẽ phải ứng xử thế nào?
Để trở thành nhân viên cần thiết, bạn cần phải hoàn thành công việc đúng thời hạn, trở thành một thành viên tích cực trong nhóm, được đồng nghiệp tin yêu, tuân thủ các nguyên tắc trong công việc... Tất cả những vấn đề này sẽ được đề cập kỹ hơn ở các phần sau.
Tại sao việc trở thành nhân viên cần thiết lại quan trọng như vậy? Đơn giản là vì trước mắt, bạn cần ổn định công việc. Chẳng có người lãnh đạo nào lại không muốn giữ chân những nhân viên giàu nhiệt huyết và năng lực. Những nhân viên này sẽ giúp công việc đạt hiệu quả cao hơn, khiến người lãnh đạo bớt căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, nếu nhìn xa hơn, bạn sẽ thấy việc trở thành nhân viên cần thiết còn có tác động tích cực đến tương lai của bạn.
Đôi khi, sếp chẳng thể nhớ hết những đóng góp của bạn, nhưng ông ấy lại nhớ rất rõ những lần điêu đứng vì bạn. Do đó, tốt nhất bạn nên để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng sếp. Có thể một ngày nào đó, sếp bạn nắm giữ vị trí cao, và rồi khi nghĩ đến bạn - một nhân viên tốt, đầy tiềm năng, đáng tin cậy, biết đâu ông ấy sẽ đề bạt bạn lên một vị trí xứng đáng. Vì vậy, hãy cố gắng trở thành một nhân viên cần thiết ngay khi bạn bước chân vào môi trường làm việc mới.