Một số người có quan niệm rằng tu hành chỉ giới hạn trong việc ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, nhập thất… Thực ra quan niệm như thế chỉ đúng được một nửa. Tu tập theo quan điểm của Phật giáo không giới hạn ở những việc như thế mà còn cần phải biết điều chỉnh, tu tập hành vi của chúng ta qua ba hình thức là tu thân, tu khẩu và tu ý. Tức là sửa đổi, chỉnh đốn hành vi, động tác của tất cả việc làm của mình thể hiện trên ba nghiệp gồm thân nghiệp – hành động của thân thể; khẩu nghiệp – lời ăn tiếng nói của miệng và ý nghiệp – suy nghĩ, tư duy của ý thức.
Then chốt của việc tu hành chính là giữ gìn cho tâm ý trong sạch mọi lúc mọi nơi, không để lòng mình còn những ý niệm xấu, thân không làm việc xấu, miệng không nói lời xấu. Có thể tổng kết tất cả công hạnh tu hành thành hai công dụng là tu phúc và tu tuệ, trong đó, công hạnh tu tập nhằm giảm thiểu hoặc hóa giải phiền não của bản thân được gọi là tu tuệ. Tu tuệ như tụng kinh, lễ Phật, sám hối, ngồi thiền đều là những phương pháp tự thức tỉnh, thay đổi, cải thiện các quan niệm, tập khí cũng như phiền não trong tâm mình, giúp trí tuệ tăng trưởng, hóa giải phiền não. Song song với việc tu tuệ, chúng ta cần phải tu phúc, tức là phải giúp đỡ mọi loài chúng sinh, nói là mọi loài chúng sinh nhưng ở đây quan trọng nhất là những người chung sống, đồng nghiệp, bạn bè xung quanh mình. Thế nhưng, làm thế nào để giúp đỡ người khác? Chúng ta có thể giúp người khác về các phương diện như giúp về trí tuệ, thời gian, tài sản, thể lực… Giúp đỡ người khác là một phương pháp tu tập để tạo phúc báo, gieo trồng nhân lành, tích góp công đức, công đức đó có thể giúp cho nhiều người thoát khỏi nghèo nàn, khổ nạn, vượt qua gian khó đến bờ bình yên, hạnh phúc, vui vẻ.
Nếu hiểu công hạnh tu tập theo định nghĩa như trên thì chúng ta có thể tu tập được ngay trong quá trình lao động, làm việc. Người ta có câu “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tại sao tu ở nhà và ở chợ là nơi tu tập khó nhất nhưng lại hiệu quả nhất? Tu chợ ở đây nên hiểu là tu trong công việc đời thường, tu trong cương vị lãnh đạo của mình vì ở đó mới là nơi có cơ hội tốt nhất cho sự tu tập các việc thiện, tích tập công đức của mình. Một vị lãnh đạo, một người cấp trên cứ nỗ lực đưa ra những chính sách, biện pháp đúng đắn, có lợi thiết thực cho số đông, hợp tình hợp lí thì mọi người cấp dưới sẽ hưởng ứng theo, tạo không khí, môi trường tốt cho việc tu tập các công hạnh thiện. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”.
Đối với những người bình thường, khi họ chăm chỉ làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc làm việc, không oán giận, căm thù vì công việc được giao phó, không càu nhàu hoặc không chửi đổng để thể hiện sự bất mãn của mình thì đó đã là một sự tôn trọng đối với công việc, là sự tu tập trong công việc. Ngược lại, nếu lười biếng, làm việc qua loa, sơ sài, uể oải, chán chường thì đó nhất định không phải là sự tu hành trong công việc. Tinh thần tu tập trong công việc đó của Phật giáo hoàn toàn phù hợp với truyền thống chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó, biết thương yêu giúp đỡ, tạo niềm vui cho nhau trong công việc.
Vì thế chúng ta phải xây dựng quan niệm chính xác, cơ bản trong việc tu tập là: toàn tâm toàn ý với công việc của bản thân.
Có lần khi tôi đến Nhật, một tín đồ làm thức ăn dâng tôi và nói: “Con đã nấu món thức ăn này bằng tâm tu hành để dâng cho thầy”. Tôi rất hài lòng và hoan hỉ nạp thụ đồng thời nói với vị Phật tử ấy: “Trong món ăn này đã đầy đủ tín tâm, Bồ đề tâm, kính ngưỡng tâm, cúng dường tâm, quả thực đây chính là sự tu tập”.
Khi chúng ta làm bất kì việc gì đều làm với tất cả sự tập trung và chân thành của mình thì bản thân việc làm đó là sự tu tập vì tu tập và công việc vốn không phải là hai việc trái ngược nhau. Đương nhiên, chúng ta có thể tận dụng thêm những giờ rảnh rỗi trong công việc để tu tập những pháp môn yêu cầu cao hơn để tiếp nối công hạnh tu hành của mình, thực ra tu tập trong công việc và tu tập ngoài công việc có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau.
Tự tại trong công việc
Khi chúng ta làm bất kì việc gì đều làm với tất cả sự tập trung và chân thành của mình thì bản thân việc làm đó là sự tu tập vì tu tập và công việc vốn không phải là hai việc trái ngược nhau.