Có hai mẫu người lãnh đạo: một là người lãnh đạo quyền uy, dưới sự lãnh đạo của họ, cấp dưới dám giận nhưng không dám nói, không dám phản kháng cấp trên vì nếu không phục tùng rất có thể người đó sẽ bị thôi việc. Cho nên, bên ngoài có vẻ họ rất phục tùng cấp trên nhưng đó chỉ là hình thức, làm theo kiểu “bằng mặt không bằng lòng, khẩu phục tâm không phục”.
Mẫu người lãnh đạo còn lại là mẫu người lãnh đạo tự nhiên, đây là mẫu người được người khác kính nể, tôn trọng, ủng hộ không phải vì họ có uy quyền mà vì họ biết quan tâm giúp đỡ người khác, đồng thời biết đồng tình, tôn trọng cấp dưới. Có thể xem người lãnh đạo này là chất keo dính kết những hòn đá sỏi để tạo thành núi cao. Những mẫu người lãnh đạo này rất biết điều chỉnh các mối quan hệ trong công ty, có sức cảm hóa mạnh nên họ có thể thu phục, dẫn dắt đoàn thể, họ là người biết điều phục những con ngựa hoang cùng hướng về một phía tạo thành sức mạnh đi đến mục tiêu, đồng thời họ còn là mẫu người lãnh đạo tôn trọng tự do dân chủ của các thành viên trong công ty.
Đức Phật Thích Ca là mẫu người lãnh đạo theo hình thức dân chủ. Ngài không dùng uy quyền, thần quyền để đe dọa, khủng bố người khác, ngài cũng không dùng quân quyền hay bất kì thứ quyền lực nào để thu hút người khác mà ngài dùng từ bi và trí tuệ mang lại bình an thanh thản và trí tuệ cho người khác, vì thế, mọi người đều tề tựu dưới chỗ ngồi của ngài, coi ngài là người lãnh đạo của mình. Thế nhưng trước sau ngài vẫn không tự cho rằng mình là người lãnh đạo quần chúng, ngài làm thế để gửi gắm cho chúng ta một thông điệp: Tôi không phải là người lãnh đạo, tôi chỉ là một trong những thành viên của đại chúng, chấp nhận sự lãnh đạo của đại chúng, chẳng qua ngài muốn có một nguyên tắc, một quy củ cho nếp sống đoàn thể mà ngài mới nêu ra những kiến nghị, và vì đại chúng đồng tình chấp thuận những quy tắc, quy củ đó mới đến với nhau. Mọi người có thể đến sống chung với đoàn thể đó bất kì lúc nào, sau khi đến không phải bị ép buộc một cách miễn cưỡng với một luật lệ, quy ước nào cả, chỉ cần mọi người thấy mình có thể chấp nhận được những quy ước ban đầu thì đến, nếu không chấp nhận được có thể ra đi bất kì lúc nào.
Trước điều kiện tự do đến, tự do ra đi ấy, đệ tử đến với Đức Thích Ca ngày càng đông, trở thành sức mạnh không thể khống chế. Ngài lấy phương pháp tu tập làm thầy, dùng Phật pháp để lãnh đạo đại chúng chứ tuyệt đối không vì tham muốn được tôn sùng, kính ngưỡng mình mà bắt ép mọi người phải tôn ngài thành lãnh tụ.
Vì thế, tôi thường khuyến khích cổ vũ mọi người, muốn trở thành một nhà lãnh đạo tốt thì không nên tự cho mình là người lãnh đạo. Một người lãnh đạo tốt phải là người chấp nhận, tiếp thu sự lãnh đạo của đông đảo quần chúng, có khả năng chỉ ra con đường đi chính xác nhất cho đại chúng, nhưng không bắt buộc mọi người phải tuân theo, chấp nhận. Người lãnh đạo cần phải tranh thủ ý kiến đồng thuận của mọi người, phải không ngừng sửa đổi, bổ sung để tìm ra hướng đi chính xác nhất giúp mọi người có phương hướng, mục tiêu chung để phấn đấu.
Nếu bạn không muốn trở thành người lãnh đạo hình thức thì hãy lấy phương thức sống, quan niệm chung của đại chúng để lãnh đạo, vì người làm cho các thành viên trong đoàn thể tôn trọng nhau mới là người lãnh đạo tốt nhất và lâu dài nhất. Nếu làm được như vậy, thì dù bạn không còn tại vị hoặc bạn có qua đời thì bạn vẫn là người lãnh đạo tinh thần của đại chúng, bạn mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Tự tại trong công việc
Người lãnh đạo tốt nhất là người chấp nhận, tiếp thu sự lãnh đạo của đông đảo quần chúng, có khả năng chỉ ra con đường đi chính xác nhất cho đại chúng.