Lục hòa kính là nguyên tắc sống của tăng đoàn Phật giáo, đồng thời cũng là quy chuẩn để các bên có thể sống trong hòa thuận, tôn kính lẫn nhau, bao gồm sáu nguyên tắc cơ bản: thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân và giới hòa đồng tu.
Thân hòa đồng trú, tức ở cùng mọi người với một thân thể và tinh thần khỏe mạnh, hòa thuận, không nảy sinh những cư xử xung đột với mọi người xung quanh.
Khẩu hòa vô tránh, tức mọi người đều hiểu biết lẫn nhau, cư xử một cách hòa thuận, giúp đỡ, khuyên nhủ lẫn nhau, không xung đột, tranh cãi. Mọi người không dùng lời nói làm vũ khí để tấn công, châm chọc nhau, vì miệng lưỡi tranh đấu của thế gian là điều rất đáng sợ. Nói năng thô lỗ, thiếu kiểm soát thường gây tổn thương lớn đến tinh thần người khác, có khi vết thương của dao cắt còn có ngày lành kín nhưng một lời nói ác có thể làm tổn thương suốt cả cuộc đời.
Ý hòa đồng duyệt, do mọi người có cùng chung một chí hướng, một mục đích, nên mọi người cùng vui vì mục đích chung. “Duyệt” có nghĩa là sự vui mừng trầm lặng, lan tỏa; bất luận người khác nhìn thấy hay nghe thấy, bản thân mình nhìn người khác hay nghe lời nói của người khác, trong lòng luôn có cảm giác hoan hỉ, ví dụ như khi chúng ta cùng ngắm một đóa hoa, người khác nhìn thấy có cảm giác hoan hỉ, ta nhìn thấy cũng cảm giác hoan hỉ, bất luận ai cũng đều có cảm giác hạnh phúc, hoan hỉ.
Kiến hòa đồng giải, “giải” ở đây có nghĩa là sự hiểu rõ, cởi bỏ, cách nhìn, quan điểm, cách nghĩ. Cách nhìn có cùng một quan điểm chung chiếm ưu thế, trong đó chỉ có phần nhỏ khác nhau, nhưng bản thân phần nhỏ khác nhau đó cũng có phần lớn là quan điểm tương đồng. Tương tự, trong phần chung lớn đó cũng có những sự khác biệt nhỏ nữa. Mọi người đều có thể trình bày quan điểm của bản thân và cuối cùng ý kiến chung của mọi người đều phù hợp với ý kiến của mỗi người, tức ai cũng có điểm đúng của riêng mình và điểm đúng đó đều được người khác công nhận. Vì mọi người có điểm chung nên không cần phải tranh luận. Mọi người đều có kiến giải giống nhau gọi là kiến hòa đồng giải.
Lợi hòa đồng quân, tức mọi người ai ai cũng không còn tâm lí cầu lợi cho riêng mình, ai cũng nghĩ đến lợi ích của mình chính là lợi ích chung của mọi người, lợi ích chung của mọi người chính là lợi ích của riêng mình, như thế lợi ích cá nhân gắn liền với lợi ích tập thể. Như vậy, những gì có lợi cho người khác cũng chính là một phần lợi ích của mình và ngược lại, khi đó giữa mình và người khác, giữa cá thể và tập thể không có sự xung đột về lợi ích riêng tư. Nếu ai ai cũng bình đẳng trước lợi ích đó, cùng chia đều cho nhau thì mọi người tự nhiên sẽ hòa thuận với nhau.
Giới hòa đồng tu, “giới” tức là giới luật, quy tắc, ngăn cấm. Giới luật là quy phạm mẫu mực chung cho nguyên tắc ứng xử trong cuộc sống, là công ước và nguyên tắc tự nhiên. Mọi người đã sống trong một đoàn thể thì cần phải tuân thủ những quy định chung do mọi người đặt ra, mọi người đều cư xử hài hòa với nhau. Thông thường, trong giao tiếp xã hội hoặc giao tiếp trong một cơ quan đoàn thể nào đó, bao gồm trong một gia đình, một trường học, một tổ chức đồng tu, có từ ba người trở lên cùng sống chung trong một môi trường đều gọi là đoàn thể, đã là đoàn thể thì nhất định phải có quy tắc, chuẩn mực chung mà mọi người cần phải tuân thủ.
Sáu nguyên tắc ứng xử trên đây gọi là lục hòa kính, là chuẩn tắc sống chung của tăng đoàn do Phật Thích Ca quy định.
Dựa vào lục hòa kính, người đệ tử xuất gia của Phật có thể thực hiện được mục tiêu chung trong nếp sống tu hành của tăng đoàn. Những nguyên tắc ứng xử đó nếu vận dụng vào trong cuộc sống đoàn thể thì chắc chắn mọi người sẽ gặt hái được những thành quả như ý muốn.
Bất luận tổ chức nhà nước, chính phủ hay công ty, doanh nghiệp đều có thể vận dụng nguyên tắc lục hòa này vào đời sống thực tế của mình. Tuy mỗi người đều có những nguyên tắc của riêng mình nhưng về mặt cơ bản, những nguyên tắc đó đều có điểm chung, hơn nữa điểm chung đó chiếm ưu thế. Nói như thế cũng có nghĩa là khi chúng ta biết mở rộng và áp dụng nguyên tắc lục hòa vào những phạm vi lớn hơn, áp dụng vào mọi lĩnh vực trong ứng xử xã hội thì chúng ta sẽ có không khí hòa thuận, vui tươi.