Thông thường, mọi người đều sợ sự ràng buộc của giới luật nên khi nhắc đến giới luật, thanh quy, phép tắc trong lòng sẽ thấy khó chịu và có chút nghi ngại. Thực ra, giới là quy tắc chuẩn trong cuộc sống nhằm ngăn ngừa điều ác, phát triển điều thiện. Giới có nhiều cấp bậc khác nhau, một người có thân phận, địa vị thế nào sẽ có những giới luật tương ứng cần phải giữ như thế đó. Giới hòa đồng tu trong lục hòa có thể tạo ra sức mạnh cho các công ty, xí nghiệp, cơ quan nhà nước.
Ví dụ, người mới vào cửa Phật cần giữ năm giới cấm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Tất cả những giới cấm vừa nêu đều có mục đích là tránh làm tổn hại cho người khác và cho chính mình. Để tuân thủ năm giới điều trên đây không phải là việc quá khó, hơn nữa nó còn là sự bảo hộ tốt cho một cuộc sống chính đáng, là nguyên tắc sống lành mạnh của mỗi người, là sự tu dưỡng nhân cách cơ bản nhất. Vì thế, mỗi người có nghĩa vụ phải tuân thủ đúng theo năm điều giới cấm này. Người xuất gia có nhiều giới hơn người tại gia phải lấy vợ lấy chồng, làm việc buôn bán kiếm sống, còn người xuất gia thì không được lập gia đình, không buôn bán mưu lợi. Ngoài ra, người xuất gia còn có một sự khác biệt với người tại gia về phương diện tài sản. Một người tại gia không thể không có tài sản, ngược lại người xuất gia phải dâng hiến hết tài sản của mình cho tất cả chúng sinh, không được cất giấu tài sản riêng tư.
Với những tổ chức nhà nước, như quân đội có quy tắc của quân đội, công an có quy tắc của công an, đấy chính là giới luật. Vì thế trong môi trường làm việc công sở, từ một tổng công ty lớn đến một công xưởng, nhà máy nhỏ tất cả đều phải có quy định riêng cho công nhân viên trong công ty. Nếu trong một nhà máy, xí nghiệp không lập kế hoạch phân bố thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thì có lẽ chỉ trong một thời gian rất ngắn sẽ xảy ra hàng loạt vấn đề do thiếu nguyên tắc, quy định.
Người ta thường nói “gia có gia quy, quốc có quốc pháp”, một gia đình không có gia quy nhất định sẽ loạn, đương nhiên quy tắc ở đây chỉ là công ước bất thành văn giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em với nhau sao cho có trên có dưới, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, như làm bố làm mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, định đoạt các công việc lớn nhỏ trong nhà… Mỗi thành viên trong gia đình phải làm hết nhiệm vụ của mình, đó chính là quy tắc, giới luật bất thành văn của một gia đình. Nếu không có sự ngầm hiểu về luật bất thành văn này thì các thành viên trong nhà sẽ xảy ra xung đột, mâu thuẫn, dẫn đến không thể chung sống với nhau, cuối cùng mỗi người một ngả.
Nếu mọi người đều tuân thủ quy tắc, quy định chung của đoàn thể, tổ chức thì các thành viên mới sống chung một cách hòa thuận, đây là một nhu cầu chung, đơn giản nhất của con người khi sống trong xã hội. Chúng ta có thể mở rộng phạm vi ra một nước, một khu vực, thậm chí toàn xã hội loài người, vì thế một nước phải có pháp luật, một khu vực, một khối cũng thế nên mới có luật quốc tế.
Con người bình đẳng trước pháp luật, pháp luật chính là quy tắc chung sống trên một vùng, một lãnh thổ, một quốc gia của con người hiện đại. Nếu ai đi ngược lại những quy định của pháp luật là chống lại pháp luật, là phạm pháp, mà phạm pháp tức xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác.
Nhưng giới luật không phải do một người tự đặt ra mà nó được mọi người công nhận và đưa ra thành công ước. Ví dụ, thời đức Phật còn tại thế, để thích ứng với đời sống xã hội đương thời, đức Thích Ca đã chế định ra giới luật. Giới luật cũng có thể được sửa đổi, bổ sung tùy theo môi trường hoàn cảnh, thời đại và tập quán con người. Nhưng một khi giới luật, quy định đó được phần lớn mọi người chấp thuận thì nếu ai đó vi phạm sẽ không được hưởng bất kì quyền lợi và nghĩa vụ nào của tổ chức đó nữa.
Quy định trong tăng chúng đệ tử Phật được gọi là giới luật còn trong cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội được gọi là quy định, công ước, điều lệ. Vậy làm thế nào để thực hiện Giới hòa đồng tu? Xét về mặt nhà nước thì hiến pháp do một số người đủ thẩm quyền soạn thảo sau khi đã nghiên cứu, thảo luận kĩ lưỡng rồi mới thành bản dự thảo, sau đó cần được quốc hội thông qua, bổ sung, chỉnh sửa. Các tổ chức khác cũng theo như thế, ví dụ trong nhà máy, xí nghiệp, công ty, cũng do nhóm đại diện các ban, ngành họp lại và soạn thảo, sau khi được phần lớn các thành viên chấp thuận thông qua mới trở thành quy định cho nhà máy, xí nghiệp, công ty đó. Một khi đã đưa ra thành quy định chung thì mọi thành viên cần phải tuân thủ, làm được như vậy có nghĩa là họ đã thực hiện được “giới hòa đồng tu”.
Tự tại trong công việc
Nhận thức chung chính là một nguyên tắc chung, trên tinh thần của nguyên tắc chung đó, mọi thành viên có thể thực hiện bằng những phương pháp khác nhau, nếu không, vô tình chúng ta biến nguyên tắc chung đó thành xiềng xích gông cùm ràng buộc hành động mình, như thế không những không thể đạt được mục tiêu đã định mà ngược lại, còn gây nên bất hòa xung đột.