Lợi hòa đồng quân trong lục hòa kính có thể xem xét từ hai góc độ; một là ở mặt chế độ, hai là ở mặt luân lí. Xét từ phương diện chế độ thì tất cả những gì thuộc về nhân viên, đoàn thể như một công ty kinh doanh thành công nên để cho công nhân viên trong công ty nắm giữ cổ phiếu, tức là để các thành viên trong công ty trở thành cổ đông, các thành viên được chia lãi suất theo lượng cổ phiếu của mình tính theo tháng, quý hoặc năm… Như thế, công ty làm ăn càng tốt, càng có lãi thì thu nhập của nhân viên trong công ty càng nhiều, như thế không khí làm ăn và nghị lực vượt khó, năng lực sáng tạo của toàn công ty được nâng cao. Nhưng theo chức vị, năng lực và khả năng đóng góp của mỗi thành viên vào công ty có sự chênh lệch sai khác mà quyền lợi, số lượng cổ phiếu của mỗi người cũng khác nhau, đương nhiên dẫn đến lợi tức cũng có sự chênh lệch, tuy nhiên, đó vẫn đúng với tinh thần lợi hòa đồng quân.
Thêm một ví dụ nữa, ngày xưa trong cùng một nhà có đến năm đời, sáu đời thậm chí bảy đời chung sống. Trong một gia tộc lớn, về mặt cơ bản, tài sản trong nhà thuộc quyền sở hữu của tất cả các thành viên, từ con dâu, con rể, cháu nội cháu ngoại ai cũng có phòng riêng, ai cũng có quyền và nghĩa vụ của mình. Nhưng trong đó có một chút khác biệt: quyền của bố và con trai trưởng lớn nhất, con dâu, con rể nhỏ hơn. Hiện tượng chênh lệch về địa vị giữa nam và nữ trong xã hội đã có từ thời xưa, có lẽ vì đàn ông ngày xưa phải giao tiếp xã hội bên ngoài nên cần dùng đến nhiều tiền còn phụ nữ ở nhà nội trợ nên ít hơn.
Hiện nay trên thế giới được chia thành hai khối chính là khối tư bản và khối xã hội chủ nghĩa. Trong các nước tư bản chủ nghĩa, người có càng nhiều vốn thì hưởng thụ càng nhiều. Dưới chế độ chủ nghĩa cộng sản, toàn bộ tài sản thuộc về công hữu nên về mặt cơ bản là hoàn toàn bình đẳng. Hơn 50 năm trở lại đây, hai phái tư bản và xã hội có đường hướng trái ngược nhau, có thể nói như nước với lửa, nhưng trong xã hội đương đại, những quan niệm và cả sự thực về điều đó đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tài sản của các nhà tư bản tuy thuộc về quyền sở hữu cá nhân nhưng trên thực tế lại được toàn xã hội quản lí. Trong chủ nghĩa xã hội cũng đang dần dần xuất hiện những hiện tượng đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Như vậy, hai thế lực lớn nhất thế giới đã và đang xích gần lại nhau và dường như đã tìm ra được điểm chung. Điều này phù hợp với giá trị chung của toàn thể nhân loại như ý nghĩa lợi hòa đồng quân trong giáo lí Phật giáo. Lợi hòa đồng quân cũng không có nghĩa là sự bình đẳng tính theo đầu người. Trong xã hội hiện đại, những doanh nhân có hoài bão, có tầm nhìn không phải kiếm tiền cho sự giàu có của riêng mình, cũng không phải chỉ vì kiếm tiền để làm vốn cho con cháu mai sau. Các doanh nhân lớn cần có quan niệm về lợi hòa đồng quân mới có thể mở rộng sự nghiệp kinh doanh buôn bán của mình.
Thêm một ý nghĩa khác của lợi hòa đồng quân đó là về phương diện luân lí, đạo đức. Có một số người có năng lực vượt trội sẽ làm được nhiều, hưởng thụ lợi ích nhiều hơn người khác, có người có khả năng kiếm tiền lớn đến cả một gia tộc cũng không thể tiêu hết. Trong trường hợp đó, họ cần phải biết sử dụng tài sản một cách hợp lí, kiếm tiền từ xã hội ắt phải phân chia bớt cho xã hội, nên cho các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức từ thiện xã hội. Ý nghĩa của việc làm này cũng là ý nghĩa tầng sâu hơn của lợi hòa đồng quân trong Phật giáo. Nhờ mặt ý nghĩa ở tầng sâu luân lí của lợi hòa đồng quân này mà xã hội có thể phát triển hài hòa.