Lợi hòa đồng quân trong Lục hòa kính muốn nhấn mạnh ở điểm “chia đều” và công bằng. Điều này giúp các thành viên trong đoàn thể giải quyết vấn đề xung đột quyền lợi, giúp mọi người có nguyên tắc để thực hiện việc “có phúc cùng hưởng”.
Tại sao thông thường người ta không thể thực hiện được sự phân chia công bằng khi gặt hái lợi ích? Để hiểu rõ điều này, trước tiên chúng ta cần phải nói rõ về quan niệm bình đẳng trong lòng mọi người. Sự bình đẳng trong việc phân chia lợi ích không có nghĩa là chia đều theo công thức toán học cho các thành viên. Ví dụ, có sáu người không thể chia đều thành sáu phần của lợi ích đó. Trong xã hội dân chủ, cơ hội được giáo dục, huấn luyện cho mọi người đều như nhau, chỉ cần bản thân người đó có năng lực, có trí tuệ thì có thể vào học trường danh tiếng, tìm được công việc tốt cho mình, có môi trường sống tốt. Có lúc, rõ ràng chỉ số IQ của hai người chênh lệch nhau rất lớn, nhưng một trong hai người đó do phúc báo chưa đủ hoặc do thiếu kĩ năng giao tiếp, thiếu mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người nên kết quả phát triển cũng không tương xứng. Vì thế, có thể cơ hội và năng lực ngang nhau, nhưng khi phát triển trong thực tế lại xảy ra sự chênh lệch, thiếu cần bằng. Nhân cách bình đẳng nhưng địa vị không thể bình đẳng được, sở dĩ như thế là vì mỗi người có năng lực, nhân duyên, phúc báo và trí tuệ không giống nhau, chỉ cần có một nhân tố chênh nhau thì rất có thể sẽ dẫn đến vô vàn sự khác biệt khác.
Đức Phật có nêu ra bảy ví dụ: Mưa rơi xuống mặt đất đều như nhau nhưng mức độ nhận được dưỡng chất của cây cỏ lại khác nhau. Ví dụ, cây cỏ nhỏ thì không thể tiếp thu được quá nhiều lượng mưa, ngược lại cây đại thụ có thể chịu được lượng mưa rất lớn. Vì thế chúng ta không nên trách móc ông trời bất công, không nên trách móc ông trời cho cây đại thụ quá nhiều lượng nước mưa còn cho cỏ thì quá ít được. Giới tự nhiên hoàn toàn bình đẳng trước mọi vật, chẳng qua do nhu cầu của các loại động thực vật trên hành tinh này không giống nhau nên sự dung nạp lượng nước mưa cũng khác nhau.
Cũng với ý nghĩa đó, bàn về vấn đề con người, về cơ bản, mọi người đều bình đẳng lợi ích, nhưng tùy theo khí lượng lớn nhỏ khác nhau của mỗi người, mức độ tiếp thu cũng có ít nhiều khác nhau. Ví dụ như có người dùng xe đạp làm phương tiện giao thông đã hài lòng nhưng có người cho rằng, đi xe đạp chậm quá cần phải đi xe hơi, có người không những phải dùng xe hơi mà còn phải là xe hơi sang trọng, đắt tiền, nếu không sẽ không phù hợp với danh phận, địa vị của họ, Như thế bạn có thể nói là bất công, phân chia lợi ích không đồng đều được không? Điều này không phải là vấn đề hưởng thụ mà là năng lực của bạn có bao nhiêu.
Thế nên trong môi trường công sở, những người có địa vị rất có thể nhìn thấy được điểm này. Khi một người nào đó có năng lực vượt trội cần phải tăng lương. Nhưng những đồng nghiệp của người đó lại không cho như thế, họ bảo “tại sao lại chỉ tăng lương cho người đó mà không tăng lương cho tôi? Tại sao lại bất công đến thế?” Xét từ góc độ bản thân, đây không phải là lợi hòa đồng quân, sự xung đột về lợi ích cũng nảy sinh từ đó. Sở dĩ, như thế là do mối quan hệ khác nhau giữa lập trường của họ tạo nên, nếu chúng ta biết suy nghĩ dựa trên ba phương diện, thứ nhất: hãy thử đặt mình vào địa vị của người đứng đầu công ty, đặt mình vào đối tượng được tăng lương để suy nghĩ, sau đó mới nghĩ cho bản thân. Khi tổng hợp được ba phương diện đó bạn sẽ có quan điểm khách quan hơn.
Nhưng cũng có trường hợp thăng quan tiến chức, tăng lương bổng là do người đó biết nịnh hót, biết bợ đỡ cấp trên, biết cách huênh hoang khoác lác trước cấp trên, nhưng nếu được thăng chức tăng lương như thế chắc không phải là điều bạn và mọi người mong muốn! Là một người trung thực sẽ không bao giờ ngưỡng mộ những người như thế. Nếu bạn gặp những người cấp trên thích cấp dưới ton hót nịnh bợ, thích dùng những kẻ tiểu nhân thì bạn sẽ có hai con đường để lựa chọn hoặc là thay đổi công việc hoặc chấp nhận. Có lẽ do phúc phận của mình chưa đủ nên dù mặt nào mình cũng khá tốt hơn người nhưng không được thăng quan tiến chức. Chấp nhận số phận không phải là thái độ tiêu cực, vì chỉ cần có cơ hội thay đổi công việc thì mình có thể làm lại từ đầu, tìm hướng mưu sinh khác.
Tự tại trong công việc
Cơ hội và vốn cơ bản của mỗi người sinh ra trong đời vốn như nhau nhưng trong quá trình phát triển sẽ có sự chênh lệch; nhân cách con người bình đẳng nhưng địa vị xã hội sẽ không bao giờ có sự bình đẳng. Sở dĩ như thế là vì mỗi người có một năng lực, nhân duyên, phúc báo và trí tuệ khác nhau, chỉ cần một nhân tố khác nhau đó sẽ hình thành vô số sự chênh lệch sai khác kèm theo.