Tại sao giữa các tôn giáo thường tranh chấp hết đời này sang đời khác, hết thế hệ này sang thế hệ khác, thậm chí còn xảy ra chiến tranh tôn giáo? Điều đó là vì mỗi tôn giáo có một lập trường riêng, khi họ chỉ biết nghĩ về tôn giáo mình mà thiếu sự tôn trọng các nhu cầu cần thiết của các tôn giáo khác thì xung đột là chuyện không thể tránh khỏi. Khi lập trường cơ bản bất đồng thì khó có thể có sự hiểu biết nhất trí giữa các bên.
Cũng thế, ý kiến của các tín đồ Phật giáo và người không phải tín đồ Phật giáo cũng thường sai khác, thậm chí dù cùng là tín đồ Phật giáo thì cách nghĩ của họ cũng chưa hẳn đã thống nhất. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, bàn bạc và gắn kết các ý kiến đó lại thì nhất định sẽ tìm ra được ý kiến chung. Vì trong quá trình tranh luận, bàn bạc đôi bên dần dần sẽ phát hiện có những lợi ích chung, từ đó các nguyên tắc và phương hướng chung sẽ nhanh chóng xuất hiện. Như thế, dần dần sẽ hình thành nên nội dung của “kiến hòa đồng giải”.
Điều cần chú ý là thái độ của mọi người trong quá trình tiếp cận, gắn kết các thành viên. Mọi người cần giữ thái độ rộng mở, đồng ý chấp nhận những ý kiến bất đồng của người khác chứ không nên cố chấp theo ý kiến chủ quan của riêng mình. Muốn được hòa thuận thì cần phải chủ động, nhưng không được yêu cầu người khác phải có ý kiến phù hợp với mình, nếu bản thân bạn không có thành ý “tôi đồng ý theo bạn” thì đối phương làm thế nào có thể tiếp cận, gắn kết được với bạn, khi đó làm sao đôi bên có được sự hòa thuận? Một khi bạn có thành ý còn cần phải biết bày tỏ quan điểm lập trường của mình, hơn nữa việc tìm hiểu quan điểm lập trường của đối phương cũng là vấn đề then chốt nhằm giúp bạn tìm ra điểm chung. Khi đã tìm ra được điểm chung, chúng ta mới bắt tay cùng hợp tác nhằm gặt hái được lợi ích.
Cũng giống như trong môi trường công sở, do các ban ngành thường không có điểm chung nên lợi ích và sự hiểu biết của mỗi người cũng khác nhau. Ví dụ trong cơ quan, ban tài vụ thường xung đột với ban thông tin thời sự vì ban này lãng phí tiền bạc… Phòng thông tin thời sự lại phản bác là “nếu không có kinh phí thì chúng tôi làm sao làm tốt thông tin thời sự?” Trong trường hợp như thế, nếu muốn đi đến quan điểm chung thì cả hai phải biết phối hợp với nhau. Khi đó, yêu cầu cả hai phía không nên làm khó dễ cho đối phương, nếu không sẽ không có kết quả như ý muốn. Phòng thông tin thời sự cần suy nghĩ đến những dự toán của phòng tài vụ, ngược lại phòng tài vụ cũng phải thông cảm cho tính đặc thù của phòng thời sự. Càng nghĩ kĩ, nghĩ nhiều thì tiềm lực càng được kích thích, sau khi bàn tính kĩ càng, vận dụng các mối quan hệ và sự khéo léo của mình mới mong mang lại kết quả tốt đẹp, như thế chính là các bạn đang hợp tác giúp đôi bên cùng có lợi.
Hòa bình và chiến tranh cũng đều là những phương pháp cầu hòa, nhưng mục đích của việc cầu hòa ở chỗ sao cho đôi bên cùng bắt tay hợp tác, đàm phán hòa bình chứ không dùng vũ lực quân sự để áp đảo đối phương, bắt đối phương phải nghe theo sự sắp đặt của mình.
Việc dùng vũ lực khống chế đối phương có thể khiến đối phương phải nghe theo trong thời gian ngắn khi họ chưa đủ lực để chống lại, nhưng khi có cơ hội họ sẽ phản kích, từ đó xung đột sẽ xảy ra. Vì thế, trong khi hợp tác chúng ta cần nghĩ đến lợi ích của đối phương, đặt sự hợp tác trên cơ sở “vì lợi ích cho đôi bên” thì mục đích chúng ta mới mong thực hiện được, nếu chỉ biết nghĩ điều lợi cho mình thì mãi mãi không bao giờ có được sự hòa thuận.
Tự tại trong công việc
Khi bạn đã có thành ý, bạn còn cần phải biết bày tỏ quan điểm lập trường của mình. Ngoài ra, việc tìm hiểu quan điểm lập trường của đối phương cũng là vấn đề then chốt nhằm tìm ra điểm chung. Khi đã tìm ra được điểm chung, chúng ta mới bắt tay cùng hợp tác, khi đã bắt tay hợp tác thì mọi người nhất định sẽ gặt hái được những lợi ích.