Kiến hòa đồng giải trong sáu nguyên tắc chung sống hòa thuận chính là muốn cho các thành viên trong một đoàn thể có điểm chung nhất về mặt kiến giải, đây chính là cơ sở nền tảng cho sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. “Kiến” ở đây chỉ ý kiến, cũng có thể hiểu là kiến giải, tri kiến. “Kiến hòa” chỉ kiến giải trên cùng một lập trường giữa các thành viên trong một đoàn thể, mọi thành viên đều có nguyên tắc và phương hướng mục tiêu chung. Ví dụ, mục tiêu chung của một đôi vợ chồng là duy trì, gìn giữ sự hài hòa, hạnh phúc trong gia đình, cùng nhau tạo dựng cuộc sống gia đình êm ấm, hòa thuận.
Mỗi người đều cần có lập trường và mục tiêu riêng, trong suốt cuộc đời tất cả hành động, việc làm đều phải xoay quanh lập trường và phấn đấu vì mục tiêu đã chọn. Ví dụ, bạn là một công nhân viên chức, nếu lập trường của bạn và hướng đi của công ty xảy ra xung đột, mâu thuẫn nhau thì nhất định bạn sẽ bị loại khỏi cơ quan đoàn thể, công ty ấy. Hoặc một người chồng nếu mâu thuẫn với các thành viên còn lại trong gia đình từ lời nói đến hành động, từ sự hiểu biết đến mục tiêu, làm tan vỡ hạnh phúc trong gia đình thì bất luận là bố mẹ, con cái hay anh em đều không được chấp nhận.
Nhưng nếu có cùng một điểm chung thì mỗi người có thể tự do phát huy sở trường của riêng mình. Chúng ta cầu thống nhất chứ không cầu đồng nhất, vì khi rơi vào sự đồng nhất thì chúng ta sẽ trở thành người “cùng một ruột”, tất nhiên đây không phải là điều tốt. “Kiến hòa đồng giải” không đồng nghĩa với việc thiếu dân chủ, mất tự do cá nhân, mà ở đây mọi người ai cũng có thể trình bày ý kiến, quan điểm của mình, có thể lúc đầu chỉ là “ông nói gà bà nói vịt”, chẳng ăn nhập gì với nhau hoặc dẫn đến hiểu nhầm nhau, tranh luận sôi nổi nhưng chân lí càng luận bàn càng sáng tỏ nhờ thế những hiểu lầm có cơ hội giãi bày và cuối cùng có thể tìm ra được điểm chung. Chỉ cần có chung mục đích, chung hướng đi, thì dù có tranh luận cũng chẳng có vấn đề gì, đây chính là ý nghĩa của kiến hòa đồng giải.
Như thế cung có nghĩa là ý kiến tranh luận kia bất quá chỉ là vì mang lại lợi ích cho số đông, thay mặt cho lợi ích của đại chúng để tranh luận, đứng trên quan điểm chung của đại chúng để phán đoán, tranh luận chứ không phải dựa vào ý kiến chủ quan để tranh luận. Đức Phật Thích Ca nói “y pháp bất y nhân” – nương tựa vào pháp của người đó nói ra chứ không nương tựa vào bản thân người đó: không nên vì đó là lời nói của Phật hay do một người nào khác nhân danh đức Phật nói mà mình đặt niềm tin tuyệt đối vào đó; một câu nói chỉ cần phù hợp với tiêu chuẩn Phật pháp thì đó là Phật pháp, tuyệt đối đừng vì bản thân người nói hoặc là hậu thuẫn của bản thân người nói mà mình hoặc tin hoàn toàn hoặc phỉ báng hoàn toàn. Nếu vì sùng bái một người nào đó mà tôn sùng những lời nói của họ, xem lời nói của người đó là khuôn vàng thước ngọc, thế là sự sùng bái mang tính cá nhân, là một kiểu hình thức mê tín. Ngược lại vì một người nào đó mà không tin vào lời nói của họ, như thế mình chỉ tự làm tổn thất những lợi ích đáng lí cần phải có của mình mà thôi. Cho nên, vấn đề “y pháp bất y nhân” còn là một quy chuẩn cho các bạn nữa.
Ngoài ra, trong một đoàn thể, việc bất đồng ý kiến là chuyện bình thường. Ai cũng cho rằng ý kiến của mình đưa ra mới chính xác, mới đúng, có lẽ đây cũng là biểu hiện tâm lí chung của mọi người, vì cách nghĩ của mỗi người thường xuất phát từ ý kiến chủ quan của mình. Vì thế khi đưa ra một ý kiến, nhận xét, chúng ta cần tham khảo ý kiến của người khác càng nhiều càng tốt để có sự gắn kết nhất định giữa các thành viên. Khi mọi người đều nêu ra ý kiến của riêng mình và sau khi tìm ra điểm chung nhất thì điểm chung nhất đó sẽ trở thành ý kiến chung của mọi người. Mục đích của các cuộc hội họp là gắn kết hài hòa ý kiến của mọi người, giảm, tránh xung đột để đi đến nhận thức chung; nếu ai ai cũng chấp chặt vào ý kiến của riêng mình thì cuộc họp đó thất bại, không còn ý nghĩa và tác dụng của “hội họp” nữa.
Trên thực tế, kiến hòa đồng giải là tìm kiếm ý kiến riêng nhằm đưa đến một nhận thức chung. Dưới sự chỉ đạo của nhận thức chung được mọi người đồng thuận kia, mọi người cùng tiến về mục tiêu, trong quá trình tìm đến mục đích có lúc xảy ra sự lệch lạc quan điểm, ý kiến, những lúc như thế lại cần phải họp lại để điều chỉnh, sửa đổi hướng đi sao cho phù hợp với mục tiêu đã định ban đầu. Đây là điều kiện cần phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt dành cho những người sống chung, làm việc chung trong một môi trường, nếu thiếu đi mặt này nhất định giữa các thành viên sẽ xảy ra tranh chấp không cần thiết.
Tự tại trong công việc
Nếu vì sùng bái một người nào đó mà tôn sùng những lời nói của họ, xem lời nói của họ là khuôn vàng thước ngọc, thì đó là sự sùng bái mang tính cá nhân, là một kiểu hình thức mê tín, ngược lại vì một người nào đó mà không tin vào lời nói của họ, như thế mình chỉ tự làm tổn thất những lợi ích đáng lí cần phải có của mình mà thôi. Cho nên, vấn đề “y pháp bất y nhân” còn là một quy chuẩn cho các bạn nữa.