Trong lục hòa kính, ý hòa đồng duyệt là nguyên tắc gắn kết quan hệ giữa người với người một cách vui vẻ nhất. “Ý” ở đây không phải ngầm chỉ ý kiến mà là tâm tình, tình cảm thuộc về ý niệm, cảm tính.
Sự gắn kết giữa người với người không nhất thiết phải thông qua lời nói, cũng không phải thông qua vật chất để diễn đạt mà nhiều lúc đó là sự giao lưu thông suốt giữa hai tâm hồn. Chúng ta thường nghe người ta nói “của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn vàng”, đấy chính là ý nghĩa đích thực của chữ “ý” trong cụm từ “ý hòa đồng duyệt”. Ví dụ, tôi tặng bạn một đóa hoa thì giá trị không phải ở giá của bông hoa đó mà nằm ở sự quan tâm của tôi đối với bạn. Tôi tặng bạn một món quà, ý nghĩa của nó không phải ở món quà đó có tầm quan trọng thế nào với bạn mà ở chỗ nó chứa đựng tình cảm, sự quan tâm của tôi đối với bạn. Qua món quà đó, bạn nhận được sự chúc phúc từ tôi, tâm ý của bạn cảm nhận được tấm lòng tôi, đây chính là tình cảm gắn kết giữa hai người.
Có lúc tấm lòng chân tình thể hiện ra bên ngoài, có lúc sự thể hiện chân tình không diễn tả bằng lời kia chính là “ý”. Ý này chúng ta không thể dùng lời nói, không thể dùng bất kì điều gì để diễn tả nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn cảm nhận được sự chân thành của nhau. Tình cảm của con người là một điều gì đó thiêng liêng, vi diệu, có lúc chỉ là một cái nhìn, một ánh mắt; có lúc chỉ là cái bắt tay đơn giản đã có thể giúp bạn biết đối phương có thực sự quan tâm, yêu thương bạn hay không.
Ví dụ, trong một buổi họp, nếu bạn thấy không khí ngột ngạt, cả bạn và người khác đều cảm thấy khó chịu, nhưng nếu cuộc họp có một không khí tươi vui, hòa nhã, thân mật thì cả bạn và người khác đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Sự thoải mái đó không dùng lời nói để diễn đạt cũng không thể dùng lời nói để kích thích. Sự cảm nhận bằng tấm lòng đó chính là ý hòa, một khi ý đã hòa nhã thông thuận thì tất nhiên niềm vui cũng ập đến, mọi người dùng tâm để hiểu nhau mà không diễn tả thành lời quả là một điều tốt đẹp.
Giả sử, trong chúng ta có hai, ba người, hay chỉ có một người phiền muộn, u uất, đau khổ trong lòng thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng và cảm thấy không vui. Điều kì lạ là dù người đó có cố giấu kín trong lòng, không hề có biểu hiện gì bên ngoài, chúng ta vẫn cảm nhận được, khi đó ta cảm thấy hình như có điều gì bất ổn sắp xảy ra, trong lòng thấy cảm giác lạ, như thế tức là ý không vui.
Chữ “duyệt” trong cụm từ “ý hòa đồng duyệt” có nghĩa là luôn luôn giữ cho lòng mình có cảm giác vui tươi.
Điều này vô cùng quan trọng, bất luận gặp người nào cũng vẫn giữ tâm thái vui tươi hòa nhã, chân thành để tiếp nhận, chào đón đối phương như thế thì đôi bên có thể tạo không khí hài hòa, dễ chịu mà mọi người đều mong muốn. Có người có khả năng tạo không khí tươi vui, hòa thuận giúp mọi người vừa mới gặp đã cảm thấy dễ mến. Trong lòng luôn có niềm vui ngự trị, luôn có lòng thành tín như nguồn năng lượng có thể tỏa ra xung quanh, giúp mọi người đều cảm nhận được. Nếu bạn làm được như thế thì người xung quanh cũng sẽ đối đãi lại với bạn như vậy, đây chính là ý nghĩa đích thực của “ý hòa”.
Trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái, anh chị em thường không cần phải dùng ngôn ngữ, lời nói để bày tỏ tình cảm mà chỉ cần tạo dựng không khí “ý hòa đồng duyệt” thì mỗi thành viên trong gia đình đều sẽ tươi vui, hạnh phúc.