Trong cuộc sống, công việc chúng ta khó tránh xảy ra những tranh chấp. Nhưng nếu hiểu rõ nguyên tắc “khẩu hòa vô tránh” trong lục hòa, chúng ta có thể tránh được những cuộc tranh cãi, bất hòa, xung đột.
Bất luận một cơ quan đoàn thể nào muốn thực hiện được “khẩu hòa vô tránh” thì mọi người đều phải cẩn thận, cân nhắc lời ăn tiếng nói của mình. Mọi người phải biết khiêm nhường, dùng những từ ngữ thể hiện sự kính trọng, yêu thương, những lời động viên khích lệ, đồng tình của mình đối với người khác vào trong cách nói năng hàng ngày để tránh va vấp và lời qua tiếng lại, vì khi bạn tôn trọng người khác thì đồng thời bạn cũng nhận được sự tôn trọng của người khác đối với mình.
Muốn thực hiện triệt để nguyên tắc chung sống “khẩu hòa vô tránh” là điều vô cùng khó. Bởi ngay bản thân ta có lúc còn “răng cắn nhầm môi” huống gì là giữa người với người làm sao tránh được những lúc va vấp? Điều quan trọng là sau mỗi lần cãi vã, bất hòa thì mọi người biết nhìn nhận, kiểm điểm đánh giá sai lầm và xin lỗi đối phương, có thể chỉ là câu nói đơn giản như “Cho tôi xin lỗi nhé! Vừa rồi là do tôi hiểu nhầm, nói hơi nặng lời với bạn…” hoặc “Xin lỗi, tôi vừa nói sai, mong bạn đừng để bụng, tôi chỉ nhất thời nóng giận nên buột miệng nói ra những lời không nên nói…” Làm được như thế thì ít nhất cũng gìn giữ được mối quan hệ hòa thuận với mọi người.
Nhưng trong cuộc sống, chúng ta thường có thói quen không cần phải quá lễ phép đối với những người đã thân quen nên khi sống chung với những người đã trở thành quen thuộc, chúng ta quên mất sự tôn trọng đối với họ, do vậy mà thường xảy ra cãi vã, lời qua tiếng lại. Bất luận là vợ chồng, bè bạn hay đồng nghiệp, người quen, dù đã rất quen biết thân thuộc nhau rồi chúng ta cũng cần phải dùng những từ ngữ thể hiện sự kính trọng, đồng tình, hoặc dùng lời nói khiêm nhường để thể hiện sự kính trọng của mình đối với người khác. Khi làm được thế sẽ khiến người ta thấy lời nói mình dễ nghe, dễ chấp nhận, thoải mái và khi đó mình cũng được tôn trọng, mọi người dễ dàng hiểu biết thông cảm nhau qua lời nói.
Khi du học ở Nhật, tôi thấy người Nhật ít khi cãi nhau trên đường, sở dĩ như thế là vì họ có thói quen dùng từ ngữ thể hiện sự tôn trọng đối phương trong giao tiếp. Trong gia đình, các bậc phụ huynh thường chú ý đến việc dạy dỗ con cái từ rất sớm. Nếu có người dùng những lời nói thô lỗ, thiếu lễ độ thì sẽ bị người khác chê cười.
Trong thói quen giao tiếp, người Nhật thường dùng các từ xưng hô thể hiện vai vế, tuổi tác, sự sang trọng. Ví dụ, thầy giáo tôi, cho dù lớn tuổi hơn tôi nhưng ông ấy vẫn thường nói với tôi bằng thái độ hết sức tôn trọng, ông không bao giờ nói “này, cậu nhóc” hay “cái thằng này”, “cậu học sinh này” mà ông ấy thường nói “vị này” “vị ấy”.
Trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta biết sử dụng những lời nói thể hiện sự kính trọng thì giữa ta và mọi người sẽ không bao giờ có chuyện xung đột về lời nói, không bao giờ cãi vã, xích mích. Người Trung Quốc thường nhắc nhở một câu trong quan hệ xã giao đó là “kính như sơ” – tôn kính lẫn nhau như khi mới quen nhau lần đầu.
Thông thường, những người nói lời khiếm nhã là do họ không biết lựa chọn từ ngữ khi nói, họ không tôn trọng người nghe. Muốn thực hiện được nguyên tắc “khẩu hòa vô tránh”, chúng ta cần chú ý đến câu chữ, thái độ và cả giọng nói của mình. Như vậy, muốn thực hiện được “khẩu hòa” phải bắt đầu từ tâm kính trọng, thái độ và lời nói của mình đối với người nghe.
Lòng luôn luôn tôn trọng người khác, miệng luôn nói lời hòa nhã, yêu thương, khích lệ cổ vũ, đồng tình chia sẻ thì nhất định bạn sẽ làm được “khẩu hòa vô tránh”.