Các bạn thanh niên khi vừa mới đi làm, do tuổi đời còn non trẻ, chưa từng trải, thiếu kinh nghiệm, thiếu cả nghị lực và sự kiên trì nên khi gặp thất bại, khó khăn trong công việc liền muốn trốn tránh, thoái thác. Thực ra, đây cũng là tâm lí chung, phổ biến của con người. Con người ngày nay khác xa ngày trước, họ khó định tâm, sự bồng bột nông nổi đã trở thành một trong những đặc tính của người hiện đại, chính vì thế mà sự thay đổi trong công việc cũng gia tăng theo, song đấy là hiện tượng phổ biến có thể lí giải được.
Khi mọi người không biết nên làm việc gì đó chính là lúc phản ánh sự thiếu hiểu biết, nhận thức về chính bản thân họ, vì đặc tính con người vốn không có một hướng nhất định, cụ thể nên cứ thấy làm thế này không tốt, làm thế kia cũng chẳng xong, làm việc gì chán việc đó, cuối cùng chẳng có lấy được một nghề nào vừa lòng như ý cả. Tôi có quen một thanh niên, cậu ấy thường cứ ba tháng thay đổi công việc, mỗi lần như thế, cậu ấy đều đến kể với tôi. Cậu ấy bảo là trên đời này chẳng có công việc nào khiến cậu theo đuổi suốt đời cả. Tôi nói: “Chắc vì cậu không phải là một người tốt nên không có công việc tốt tương xứng với cậu đấy thôi”. Cậu phản bác lại: “Sao lại không phải là người tốt, tôi là người sống thật lòng, biết cố gắng, nỗ lực, một mình tôi có thể làm công việc của hai người nên bất kì làm việc ở đâu cũng được cấp trên coi trọng và khen là người có năng lực, vì thế họ thường giao công việc đáng lí phải do hai người phụ trách cho một mình tôi, nên tôi đến làm ở đâu thì ở đó có người đi”. Tôi nói: “Thế tại sao người khác thì chỉ làm một công việc mà cậu lại làm cả hai, hơn nữa, cậu xuất hiện ở đâu là ở đó có người nghỉ việc? Như thế, cậu vừa không hiểu mình lại thiếu nghị lực, đương nhiên là không thể an thân lập phận được”. Người ta thường nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không những nhà nào cảnh đó mà cảnh đó mỗi ngày mỗi thay đổi nữa. Nếu thường ngày bạn gặp khó khăn không biết giải quyết thế nào, càng để lâu càng không muốn tìm cách giải quyết, thì dần dần sẽ tự đưa mình đến chỗ mắc kẹt! Trong trường hợp này nếu có người khác đứng ra giải quyết thì họ vẫn lại kẹt vào vấn đề khác vì chính họ không thể tự mình vượt qua khó khăn.
Ở Nhật, để kiểm tra nghị lực của công nhân, một công ty nọ đã buộc mọi công nhân phải ngồi thiền. Tập ngồi thiền là việc rất khó đối với công nhân, vì khi mới tập rất đau mỏi chân, mỏi lưng, khó chịu; nhưng nếu ai không qua được đợt thử thách này sẽ bị đào thải khỏi công ty vì họ không thể vượt qua đợt thử thách kia là do tâm lí “thấy khó liền thoái thác”. Tập luyện là để thử nghị lực của công nhân chứ không phải để kiểm tra thể lực và trí tuệ. Rất nhiều công ty tuyển dụng nhân viên bằng cách đánh mã số công nhân, kiểm tra kinh nghiệm, xem công việc đầu tiên họ làm là gì, làm trong bao lâu, tình hình công việc tiếp theo thế nào, nếu cá nhân hay thay đổi công việc trong thời gian ngắn thì rất có thể người đó sẽ không trúng tuyển. Giả sử trúng tuyển thì người đó vẫn không được giữ những chức vụ quan trọng trong công ty, vì họ đoán người đó rất có thể từ chức, thôi việc. Nếu ông chủ không tín nhiệm, trọng dụng bạn, bạn sẽ cảm thấy tiền đồ công việc của mình không sáng sủa. Vì thế, tôi khuyên những người trẻ tuổi khi mới đi làm, bất luận đó là công việc gì bạn cũng cần phải chịu khó, cần cù chăm chỉ để rèn luyện bản thân, chứ không nên chỉ biết nghĩ cách kiếm nhiều tiền. Được như thế thì dù cấp trên của bạn không trọng dụng, không hướng dẫn đường đi nước bước thì ít nhất bạn cũng rèn luyện được nghị lực cho mình, cứ làm thế một thời gian cho đến khi nào bạn thấy công việc phù hợp với mình, có cơ hội cho mình phát triển sở trường mới thôi.
Tự tại trong công việc
Trên con đường tìm kiếm việc làm, chúng ta cần trang bị đầy đủ cho bản thân mình những đức tính cần thiết như nghị lực, sự kiên trì, tầm nhìn, chiến lược… Chỉ cần bạn có sự chuẩn bị tâm lí đó thì bất kì cấp trên nào cũng sẽ trọng dụng, công việc của bạn nhất định sẽ tốt dần lên.