Từ hồi còn bé, tôi đã luôn cố vươn đến những thứ quá tầm. Đầu tiên là chuồng chim phía sau vườn nhà bác Sandra của tôi ở Bournemouth. Nó cao khoảng 6m tính từ mặt đất, được tạo ra bởi bàn tay của ông ngoại. Ông ngoại là một thợ mộc lành nghề, thường tự làm những món đồ chơi xinh xắn cho hai cô con gái. Chiếc lồng chim bằng gỗ quả là tuyệt đẹp. Dù không chứa bất cứ thứ gì trong đó, nhưng bác gái Sandra của tôi rất yêu nó, cũng như cách mà bác yêu khu vườn được chăm sóc cẩn thận của mình vậy. Còn tôi thì thích đến thăm bác và bác Harry, vì nơi này là một sự kết hợp hoàn hảo của những thứ quan trọng nhất với đời tôi: gia đình và bóng đá. Harry có một cá tính cực mạnh ngay từ thời đó. Sau này bác trở thành một trong những nhân tố quan trọng đối với cuộc đời tôi: huấn luyện viên của tôi khi tôi thi đấu chuyên nghiệp cho West Ham United.
Bố tôi - trợ lý huấn luyện viên của Harry Redknapp ở sân Upton Park, và mẹ tôi - chị em song sinh với bác Sandra, thường chở chị em chúng tôi đến nhà Redknapp ở bờ biển phía Nam.
Chị Natalie của tôi bằng tuổi anh Mark của Jamie, thậm chí giống cả về tính cách. Họ nhanh chóng kết thân với nhau. Chị Claire nhỏ hơn vài tuổi. Ba chị em tôi đứa nào cũng thích đến nhà Redknapp.
Với riêng tôi, điều thích nhất của những chuyến đi đó là được đá bóng với ông anh họ Jamie. Anh ấy lớn hơn tôi 5 tuổi, vì vậy từ nhỏ tôi luôn noi gương anh ấy, theo đúng nghĩa đen. Chúng tôi thường đá bóng sau nhà tới hàng tiếng đồng hồ mà không gặp phải sự ngăn trở nào từ người lớn hay các chị.
Jamie và tôi thường chơi cầm bóng, tôi sẽ đuổi theo anh ấy để cướp bóng. Tôi theo anh ấy khắp mặt sân, nhưng anh ấy chỉ việc che chắn bóng, hất tôi ra rồi sau đó dễ dàng đẩy bóng qua tôi. Chẳng sao cả, tôi đơn giản là chỉ muốn chơi bóng. Đôi lúc tôi cũng chạm được vào bóng, nhưng Jamie nhanh chóng lấy lại, còn tôi thì vẫn miệt mài cố gắng.
Tôi thực sự là một thằng nhỏ cứng đầu. Tôi luôn cố gắng chạy và “chém” vào gót chân anh ấy. Tôi không buông tha hoặc chịu thua. Khi chúng tôi thấm mệt, Jamie liền chuyển qua trò đặc biệt của anh ấy. Anh ấy sẽ đặt bóng ở một góc nhất định với chuồng chim rồi sau đó cố gắng sút trúng đích.
Anh ấy là người đầu tiên sút, rồi đến tôi. Tôi tỏ ra kém cỏi ở trò này vì quá nhỏ con để đưa bóng đến được vị trí mình muốn. Jamie thì ngược lại, anh ấy thật lành nghề. Dù đặt bóng ở đâu, ở bất cứ điểm nào tôi chọn, Jamie cũng đều làm cái “khung gỗ” đó rung bần bật với từng cú sút.
Cái lồng chim tội nghiệp hứng chịu tới rã rời. Bác Sandra rõ ràng không vui, nhưng chúng tôi vẫn cứ tiếp tục chơi. Tôi bị Jamie mê hoặc hoàn toàn. Anh ấy luôn cố nghĩ ra những mánh khóe với những cú phất bóng, những cú qua người và gắp bóng. Anh ấy gần như ám ảnh với chúng, lúc nào cũng luyện tập. Còn tôi thì chưa từng quan tâm tới vấn đề đó, kể cả hiện tại. Điều này đôi lúc khiến tôi cảm thấy hơi xấu hổ.
Một hôm, tôi được mời đóng quảng cáo cho Pepsi ở Barcelona, nơi đạo diễn có được những cầu thủ tốt nhất. Ông ấy là người Mỹ, tôi không chắc ông ấy có hiểu gì về bóng đá không nữa. Trước ngày thu hình phân đoạn của tôi, lần lượt những Ronaldinho hay Thierry Henry đã khiến ông ấy choáng ngợp bởi kỹ thuật điệu nghệ.
Đạo diễn rõ ràng rất ấn tượng với họ. Đến lượt mình, tôi thay quần áo, đi lên trường quay rồi đợi hướng dẫn.
“Rồi, Frank,” ông ấy nói. “Làm điều cậu cần làm đi.”
Tôi nhìn ông ấy.
“Làm gì cơ?” Tôi hỏi.
“Ờ thì, mấy ‘trò tủ’ của cậu ấy. Cậu nổi tiếng vì trò gì?”
Tôi vắt óc nghĩ vài giây.
“Tôi tắc bóng, sút bóng. Ghi bàn từ hàng tiền vệ.”
Đây không phải là câu trả lời ông ấy mong đợi, nhưng bóng đá không chỉ có mánh khóe. Ronaldinho và Henry là những cầu thủ tuyệt vời, họ có thể làm được những điều kỳ diệu chỉ với trái bóng trong chân. Tôi rất ngưỡng mộ những gì Jamie làm được từ hồi bé nhưng tôi chỉ được dạy những điều căn bản cho nhiệm vụ của mình, trong đó chẳng có một tí mánh khóe nào cả. Bố tôi có tầm nhìn bao quát về một mẫu hình cầu thủ thành công ở thời hiện đại.
Mẹ khăng khăng với tôi rằng tôi nên giữ bóng và sút bóng ngay khi có thể, còn bố thì cố uốn nắn tôi. Ông dành thời gian chơi bóng với tôi ở khu vườn sau nhà, dạy tôi cách sút bóng chuẩn xác, khuyến khích tôi trở nên tự tin hơn.
Hồi đó, tôi không biết nhiều về cuộc sống của bố bên ngoài mái nhà của chúng tôi. Chơi bóng với một hậu vệ của West Ham và Đội tuyển Anh không phải là trải nghiệm mà ai cũng có thể được trải qua ngày còn nhỏ. Nhưng với tôi, mọi thứ chỉ đơn giản là đùa vui với bố như mọi cậu bé khác mà thôi.
Tôi rất thích việc đá qua đá lại quả bóng với ông, hoặc với những người chị của tôi, hơn là ra ngoài và tụ tập cùng những đứa trẻ đồng trang lứa. Tôi là một đứa trẻ khá nhút nhát và dè dặt trước đám đông. Cũng vì lý do đó mà tôi quả quyết rằng mình sẽ đi theo con đường của bố, và với tất cả lòng can đảm mà bản thân có được, tôi đã nhận lời tham dự trận đấu đầu tiên trong đời.
Chúng tôi cùng nhau di chuyển đến Gidea Park, chỉ cách nơi gia đình tôi sống ở Romford có năm phút đi xe. Ban đầu tôi tưởng rằng sẽ chỉ là một buổi dạo chơi bình thường với trái bóng, nhưng hóa ra mọi thứ đều đã được sắp xếp. Có một đội bóng địa phương đang tập luyện ở đó, và bố tôi đã đến hỏi vị huấn luyện viên của họ xem tôi có thể tham gia được không.
Khỏi phải nói lúc đó tôi đã hồi hộp và sung sướng đến nhường nào. Những đứa trẻ ở đó lớn hơn tôi nhiều, chắc hẳn phải tầm 7 tuổi. Tôi mới chỉ 5 tuổi mà thôi. Huấn luyện viên tên là Chris Snowskill, và con trai ông, Daniel, đang tập ở đó. Tôi đã được mời đến sân và cũng đã để lại ấn tượng khá rõ nét.
Thật là ngốc nghếch, lúc đó tôi đã quá hăng hái, nhưng sự hăng hái đó chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Ai đó đã chuyền quả bóng đến chân tôi, và cứ thế, tôi qua người rồi ghi bàn. Đó là bản năng. Bản năng. Tôi khá hài lòng và ngước nhìn đồng đội, chờ một sự thừa nhận từ họ. Nhưng rồi tôi nhận ra, có cái gì đó sai sai. Phải mất tới vài giây để tôi nhận ra được sự thật. Tôi quay người nhìn theo hướng của họ, à, ra là tôi đã đá phản lưới nhà. Một đứa trẻ đứng gần đó cất tiếng hỏi: “Thằng nhóc này là ai vậy?”
Tôi thực sự xấu hổ về lỗi lầm của mình. Tôi đã rất háo hức lúc mới đến, nhưng rồi thật nhục nhã khi tự mình phá hỏng nó. Đó là ngày đầu tiên tôi thực sự chơi bóng. Kỷ niệm đầu tiên, và cũng khá đau đớn mỗi khi nhắc lại. Cho đến bây giờ, nó vẫn là một trong những dấu mốc quan trọng nhất đối với tôi.
Đội bóng mà tôi tham gia hồi nhỏ có tên là Heath Park, cũng trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Tôi đá bóng cùng họ, dù cho thực tế là tôi quá nhỏ tuổi so với mọi người. Nhưng điều đó không quan trọng, dù sau đó tôi phải ở lại thêm một năm với lứa bạn cùng tuổi. Đó đúng là một môi trường tuyệt vời và tràn ngập niềm vui. Ở Heath Park, chúng tôi luôn có được những danh hiệu. Và nếu không phải là Heath Park, thì sẽ là đối thủ lớn nhất của chúng tôi, Senrab.
Vùng Essex luôn được xem là cái nôi sản sinh ra những hảo thủ bóng đá, và ở thời kỳ của tôi, điều đó cũng không phải là ngoại lệ. Senrab nằm ở khu vực cực Đông của thành phố London, trải qua quá trình phát triển hết sức gian nan. Senrab là tập hợp của những con người ở tầng lớp lao động bình dân luôn mong muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Heath Park thì lại hơi khác biệt một chút. Chúng tôi đều là những người con của vùng Essex.
Heath Park và Senrab được biết đến là nơi mà nhiều danh thủ bắt đầu sự nghiệp. Những Ashley Cole, Ledley King, Lee Bowyer và J. Lloyd Samuel đều chập chững những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp ở đây. Kể cả tài năng trẻ John Terry cũng xuất phát từ Senrab. John nhỏ hơn tôi ba tuổi, và dù chúng tôi chưa bao giờ chạm mặt nhau ở cấp độ trẻ, nhưng tôi đã được nghe nhiều điều về cậu ta.
Nơi tôi lớn lên, hai từ “bóng đá” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Nó chảy trong huyết quản của mọi cá nhân, dĩ nhiên, tôi cũng vậy. Ai nấy đều bàn tán liên tục mỗi khi có một trận đấu bóng, và dành sự quan tâm đến bóng đá ở đủ mọi cấp độ. Ngày nay, bọn trẻ đều đến học viện của các câu lạc bộ chuyên nghiệp để tập. Số khác lại chọn tham gia những khóa học do FA tổ chức. Nhưng với chúng tôi, những trận bóng vào Chủ nhật mới là nơi khởi đầu tất cả.
Có một điều khá kỳ lạ là, khi chúng tôi tiếp đón Senrab trong khuôn khổ giải đấu, thì họ có thể thắng. Nhưng nếu đó là một trận đấu cúp, thì phần thắng luôn nghiêng về phía chúng tôi. May mắn thay, đội chúng tôi giành chiến thắng trong hầu hết các trận đấu, thường là nhờ vào sự ổn định hơn phần còn lại. Sức mạnh của Heath Park chính là “tinh thần đồng đội”. Đối thủ có một vài cá nhân nổi trội hơn, nhưng sự đối địch giữa chúng tôi vẫn luôn ở mức cực kỳ căng thẳng. Các cầu thủ trung thành với câu lạc bộ mà họ gắn bó và người ta vẫn thường bàn tán xem ai là cầu thủ giỏi nhất, ai có thể làm nên sự nghiệp bóng đá lẫy lừng.
Luôn có những sự bàn tán về người tiếp theo vươn lên chuyên nghiệp, và tại Heath Park, đó không phải là Frank Lampard. Một đồng đội của tôi - Michael Black - ai cũng chắc chắn rằng anh ấy sẽ nổi tiếng. Michael nhanh, mạnh, kỹ thuật và rất khó đánh bại. Anh ấy có thể coi là “Wayne Rooney vùng Essex” của thời ấy, và luôn nổi bật nhất trong cả đám. Tôi nhìn vào Michael, và đưa ra quyết định của riêng mình. Tôi phải cố gắng được như anh ấy. Thực tế, tôi chỉ muốn bản thân mình trở nên tốt hơn qua từng ngày mà thôi. Đó là những gì tôi cảm nhận được đầu tiên, và là tiền đề để tôi bước vào sự nghiệp.
Heath Park và Senrab luân phiên thống trị vùng Essex, và trong suốt nhiều năm liền, chiếc cúp cứ di chuyển qua lại giữa chúng tôi. Tôi vẫn tận hưởng niềm hạnh phúc, cho dù tôi là đứa nhỏ nhất trong nhà, đồng nghĩa với việc tôi có căn phòng nhỏ nhất. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn cản tôi lấp đầy căn phòng nhỏ đó bằng những chiếc cúp và huy chương.
Chúng tôi tập luyện suốt tuần, và ra sân thi đấu vào cuối tuần. Huấn luyện viên sẽ phát triển thể lực cho các cầu thủ, đồng thời nâng cao hiểu biết chiến thuật. Khi chúng tôi xỏ giày ra sân, thứ duy nhất mà đôi tai tôi nghe thấy được, không chỉ là giọng nói của huấn luyện viên thôi đâu…
Hầu hết phụ huynh của những đứa trẻ đều đến sân. Bọn họ sẽ đưa ra những “lời khuyên” gần như ngay lập tức cho đội bóng từ phía trên khán đài, và họ luôn hò hét ầm ĩ. Bạn nghĩ rằng bố tôi là trung tâm của mớ hỗn độn chiến thuật này, phải không?
Ngược lại, ông ấy luôn đứng sau những gia đình khác, với chiếc cổ áo dựng đứng lên và hoàn toàn yên lặng. Có vẻ như ông e ngại hậu quả mình sẽ gây ra nếu lao ra bên ngoài đường piste và la hét om sòm. Hơn thế nữa, ông ấy biết tôi sẽ như thế nào nếu ông làm vậy. Chỉ cần biết rằng ông đang đứng xem trận đấu đã đủ khiến tôi lo lắng rồi, nên bố tôi đã lựa chọn giải pháp yên lặng.
Rất nhiều lần, bố tôi lựa chọn núp sau những cái cây hay bức tường, để tôi không thể thấy được ông. Nhưng ông thường không giữ được lớp “ngụy trang” của mình lâu. Khi tôi về đến nhà, ông sẽ ngay lập tức hỏi rằng ngày hôm nay tôi chơi bóng như thế nào. Tôi trả lời: “Thường thôi bố ạ”, chỉ để nghe ông giảng đạo. Và rồi bố tôi sẽ thao thao bất tuyệt về những cơ hội mà tôi đã bỏ lỡ, những tình huống mà đáng lẽ ra tôi đã có thể làm tốt hơn. Và nhờ thế, tôi nhận ra rằng, ông đã ở đó từ đầu.
Bố luôn là bệ phóng cho tôi, huấn luyện viên của tôi, người truyền cảm hứng và hơn thế nữa. Tôi có quá nhiều thứ để cảm ơn ông, dù cho có đôi lúc tôi cực kỳ ghét ông đi chăng nữa. Tôi đã muốn trở thành một cầu thủ bóng đá từ khi còn rất nhỏ. Bố cũng biết điều đó, và có khi mong muốn của ông còn mãnh liệt hơn cả tôi.
Ông đã giới thiệu cho tôi những bài tập có thể rèn giũa thêm thể lực và tôi luyện về tinh thần, tất cả nhằm mục đích khiến tôi trở thành “phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình”. Một số bài tập rất vui, nhưng mẹ tôi lại không nghĩ như vậy. Ông đặt chướng ngại vật khắp sàn nhà và cầm bóng, ném về phía tôi. Tôi phải bắt lấy nó, ngồi dậy ngay lập tức trước khi ông lại ném thêm những đợt bóng mới. Chúng tôi tập qua tập lại như vậy cho đến khi tôi quá mệt và cần được nghỉ. Mẹ tôi sẽ hét lên qua cửa phòng, như thế này:
“Be bé lại một chút đi!” Bà nói, “và đừng có làm lộn xộn mọi thứ thêm nữa.”
Cả hai chúng tôi đều đứng yên, không phát ra một tiếng động nào, dù chỉ là một chút.
“Đúng thật là… chắc hai bố con anh nghĩ rằng căn phòng này có thể tự làm sạch đấy.”
Khi cảm thấy mình đã có thể nói được, bố tôi mới cất tiếng, “Thằng bé cần phải trở nên cứng rắn nhất có thể,” với hy vọng sẽ làm dịu đi ngọn lửa giận đang cháy dữ dội của vợ. Mẹ tôi sau đó sẽ quay đi, ra khỏi phòng và đóng sầm cửa. Rồi bố sẽ quay sang cười với tôi và hai bố con lại tiếp tục tập luyện.
Khi bố còn ở West Ham, ông có mua một đôi giày điền kinh để tập chạy tốc độ với toàn đội. Tuy là không được “thừa hưởng” lại đôi giày đó của ông, nhưng tôi cũng đã nhiễm thói quen đó. Tôi bắt đầu tập chạy lúc 10 tuổi thì phải. Tôi ra ngoài sân vườn, bắt đầu chạy qua lại liên tục, vì nghĩ điều này là rất quan trọng khi muốn bắt kịp đối thủ hoặc thoát khỏi sự đeo bám.
Tôi làm vậy hằng ngày. Mẹ thì rất không vui, vì bà đã phải tốn rất nhiều công sức để trồng nên một vườn hoa đẹp đẽ, vậy mà tôi lại phá tan cả khu vườn. Đôi lúc bố sẽ giám sát tôi, đôi lúc thì không. Nếu ông thấy tôi đang làm bài tập về nhà, hoặc đang ngồi xem ti-vi trong phòng, ông sẽ hỏi: “Hôm nay con đã tập chạy chưa?” Tôi cảm thấy tự hào mỗi khi đáp lại: “Dạ rồi ạ!” Mà nếu tôi có chưa làm đi chăng nữa, ông cũng không bao giờ quát mắng. Ông sẽ chỉ nói với tôi rằng, nếu con không chịu tập, thì có ngày những điều tồi tệ sẽ xảy đến. Không trừng phạt, hay bất cứ gì cả. À không - có sự trừng phạt - đó là tôi sẽ không thể nhanh hơn, thể lực cũng không thể tốt hơn được.
Với tôi, chừng đó đã là quá đủ. Tôi sẽ ra ngoài sân tập chạy, bất chấp thời tiết ra sao. Tôi thậm chí còn làm như vậy kể cả khi đã là một cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi vẫn tập luyện cùng mọi người tại sân tập Chadwell Heath của West Ham. Nhưng khi mọi người đã ra về, chỉ còn lại một mình, tôi bắt đầu chạy qua chạy lại trong phòng tập gym. Thỉnh thoảng tôi có gặp bố đi ngang qua, và tôi chỉ gật đầu cười với ông. Tất nhiên, ông sẽ không hỏi tôi đang làm gì - kể cả sau khi tôi đã lên đội Một của West Ham đi chăng nữa. Bố tôi là như vậy. Ông không bao giờ yêu cầu tôi phải làm gì. Ông luôn luôn để tôi được tự do làm theo sở thích của mình.
Nhưng, không chỉ có tôi được ông đối xử như vậy. Hồi Rio Ferdinand và tôi còn là đồng đội ở West Ham, ông thường giữ Rio ở lại hàng giờ sau buổi tập để luyện đánh đầu. Rio thì khỏi phải nói, đó là một cầu thủ thiên tài. Cậu ta có thể dễ dàng làm những thứ mà các cầu thủ khác phải chật vật mãi vẫn không được. Nhưng khi đặt mình vào vị trí của một cầu thủ phòng ngự, có vẻ như Rio lại không giỏi chơi đầu cho lắm. Vậy nên cậu ta đã phải cùng bố tôi tập luyện, tập luyện một cách điên cuồng. Bài học quan trọng nhất mà bố tôi muốn truyền đạt, là sức mạnh tinh thần, thứ mà những cầu thủ ở đẳng cấp thế giới đều cần phải có.
Lấy ví dụ như Gianfranco Zola, anh ấy thường ở lại thêm sau mỗi giờ tập của Chelsea để luyện sút bóng. Trong khi các cầu thủ khác đều đã đi tắm hoặc thư giãn, thì Franco lại lựa chọn đứng trước khung thành và tập luyện rất lâu. Bùm. Bùm. Bùm. Anh ấy cứ như một con quái vật vậy. Kể cả là Franco, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất tôi từng có cơ hội được sát cánh, luôn tự cho rằng mình cần phải luyện tập thêm. Đây là điều thường xuyên xảy ra với các cầu thủ giỏi. Wayne Rooney cũng làm như vậy mỗi khi có đợt tập trung Đội tuyển quốc gia. Và, tôi cũng vậy.
Bố tôi đã giới thiệu, cài tư tưởng đó vào bộ nhớ của tôi, và nó trở thành một phần không thể thiếu trong chặng đường phát triển sự nghiệp của Frank Lampard. Ngày nay, tôi có gặp một vài cậu nhóc tự cho rằng mình là siêu sao chỉ vì có được hợp đồng với Chelsea. Họ sở hữu những con xế hộp đắt tiền và chỉ chờ để phóng chúng đi sau mỗi buổi tập. Nhưng cũng có những cầu thủ sẽ nán lại sân và tập luyện thêm nữa. Tôi cũng tận dụng cơ hội để chỉnh lại “thước ngắm” của mình, và sẽ có những cầu thủ trẻ muốn học hỏi. Tôi lại tập chạy, như một thói quen, và tập luyện với bóng trong nhiều giờ liền.
Kể cả trước khi tôi ký hợp đồng với West Ham, bố đã thường xuyên dẫn tôi đến sân tập Chadwell Heath của câu lạc bộ, vào những ngày các cầu thủ được nghỉ tập, để rèn luyện thêm cho tôi. Ông sẽ ném quả bóng vào tường, sau khi để tôi đứng quay lưng lại với bóng. Quả bóng sẽ nảy theo nhiều hướng khác nhau, tôi sẽ phải phản ứng với bất kỳ hướng nào mà bóng bay đến. Ông nghĩ rằng để có thể trở thành một tiền vệ giỏi, một cầu thủ cần phải biết kiểm soát và điều khiển bóng theo ý muốn. Tôi với bố vẫn tiếp tục tập luyện kể cả khi trời có mưa gió bão bùng như thế nào đi chăng nữa. Ông ấy thực sự bị ám ảnh về những điều này, và ông cũng làm cho tôi bị ám ảnh theo. Lúc đó, tôi mới chỉ 14 tuổi.
Tôi nhớ rằng Tony Cottee là một tài năng trẻ của West Ham, và tôi được bố kể lại rằng hai bố con nhà Cottee cũng thường đến sân và làm điều tương tự như nhà Lampard đang làm. Đó là cách khích tướng rất hay của bố tôi, kiểu như “nó cũng tập như con kìa, và giờ thì xem nó đang ở đâu” ấy. Trong tâm thức của tôi, Tony Cottee làm được, tôi cũng phải làm được. Điều này không hề bình thường với một thằng nhóc 14 tuổi chút nào, phải không? Tính ra thì cuộc sống của tôi cũng rất khác so với những người bạn cùng trang lứa. Bọn họ không bao giờ phải tập luyện kiểu như vậy, nhưng thật mừng là bố tôi đã nhận ra vấn đề sớm hơn cả.
Ông ấy luôn nắm quyền chủ động vì lý do đó. Ông ấy luôn biết được trận đấu sẽ diễn ra và kết thúc như thế nào. Hồi bố tôi còn thi đấu, những trận bóng thường diễn ra với tốc độ chậm hơn và bớt tính cạnh tranh hơn so với hiện tại. Hoàn toàn khác biệt. Những đội bóng bây giờ đã có ý thức chiến thuật hơn và thể lực khỏe hơn. Ông đã thấy được điều đó, nên muốn tôi phát triển thêm cả về tốc độ lẫn thể lực. Tôi thường xuyên phải thực hiện các bài tập trong tiếng hò hét, và đôi khi là cả quát mắng của bố.
Còn nhớ hồi 11 tuổi, tôi đã chơi một trận đấu không được tốt cho lắm. Bố đã rất giận dữ, còn tôi thì không hề biết mình đã sai ở đâu. Ông bắt tôi ngồi xuống, lấy giấy bút ra, và diễn giải cho tôi về tầm quan trọng của việc kèm người ở hàng tiền vệ. Trước đó, nếu có người ban bật trái bóng xung quanh tôi, thì tôi sẽ chỉ chăm chăm lao vào cướp bóng và để cho cầu thủ đối phương vượt qua dễ dàng.
Đây là một trong số những điều đã ăn vào máu tôi khi mới 11 tuổi, trong khi những cầu thủ trẻ khác thì chỉ được dạy điều này trong những giáo án luyện tập bài bản. Việc kèm người chắc chắn chẳng vui vẻ gì, và đó sẽ là điều cuối cùng mà tôi lựa chọn. Tôi, cũng giống như bao đứa trẻ khác, chỉ muốn nhận bóng và tự do chơi bóng mà không phải suy nghĩ gì. Nhưng càng lớn lên, bạn sẽ càng nhận ra tầm quan trọng của việc này.
Tôi là một đứa trẻ vô cùng hiếu thắng. Và mẹ luôn là người cổ vũ, động viên, khích lệ tôi làm tốt hơn nữa. Bố là người đã nhìn ra những điểm mạnh, điểm yếu của tôi, nhưng mẹ mới là người luôn động viên tôi tự lực và cố gắng. Tôi có một bức ảnh chụp hồi còn ở trại hè, mà cho đến bây giờ mẹ vẫn nhắc đến. Thú thật, hồi đó tôi không phải là một đứa trẻ ưa nhìn, với một khuôn mặt to và hàm răng hơi khấp khểnh. “Ai mà ngờ đứa trẻ này lại là một huyền thoại của Chelsea và Đội tuyển Anh cơ chứ?” Bà nói bằng một giọng bông đùa.
Tôi không phải người duy nhất trong gia đình có vinh dự được khoác lên mình chiếc áo Tam sư. Bố tôi, rồi ông anh Jamie cũng vậy. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, thực sự không hề bình thường khi được lớn lên trong một bầu không khí đậm chất bóng đá đến như vậy. Hồi nhỏ, tôi đã tưởng rằng gia đình nào cũng giống như nhà mình, nhưng tôi đã sai.
Bobby Moore đã từng đến nhà để gặp bố tôi. Tôi sẽ đi vào trong phòng, còn hai người họ sẽ bàn đủ loại chuyện, từ về West Ham cho đến bóng đá nói chung, trong khi mẹ tôi bận rộn chuẩn bị trà bánh. Ai mà ngờ, một huyền thoại từng vô địch World Cup cùng Đội tuyển Anh lại đang ngồi đây, trong chính ngôi nhà của tôi được cơ chứ?
Kể cả khi chúng tôi gặp mặt và tiếp xúc với bác Harry, tôi vẫn chưa hề nhận ra sự đặc biệt trong gia đình của mình. Chỉ có chúng tôi mà thôi. Chúng tôi vẫn thường xuyên đến nhà của bác Harry ở Bournemouth để nghỉ ngơi, cứ như là đang đi biển nghỉ mát vậy. Tôi còn một người anh họ nữa, tên là Mark, cũng là một cầu thủ đầy tài năng nhưng sự nghiệp bị dang dở vì một chấn thương đầu gối. Cứ mỗi lần chúng tôi ngồi với nhau là lại bàn về bóng đá. Thi thoảng cũng có trường hợp ngoại lệ, nhưng không nhiều.
Mùa hè ở nhà Redknapp thật tuyệt vời, và tôi nhớ rằng họ đã chuẩn bị một bữa tiệc thật to cho sinh nhật của Jamie. Bữa tiệc kéo dài hai ngày, và khi xuất hiện, tôi đã thực sự bị sốc. Một vài cầu thủ Liverpool cũng góp mặt, bao gồm cả Robbie Fowler. Trevor Sinclair cũng ở đó, nhưng lúc ấy anh ta vẫn chưa nổi tiếng lắm. Đây là dịp mọi người trình diễn độ “chất chơi” cũng như gu ăn mặc của mình. Jamie rất sành điệu, và luôn nắm bắt gu thời trang rất nhanh. Sau vài lần quay lại Bournemouth, tôi cũng muốn mẹ mua cho ít quần áo để trông sáng sủa hơn. Trong dịp cụ thể này, thứ được ưa chuộng nhất vẫn là quần jeans và áo phông Ralph Lauren.
Đã có một bữa tiệc BBQ hoành tráng ở sân sau nhà và mọi thứ diễn ra thực sự điên rồ. Có rất nhiều cô gái xinh đẹp xuất hiện, và nhân vật chính của chúng tôi, Jamie Redknapp, trông như một ông hoàng, là tâm điểm của cuộc chơi này. Thật là không thể tin nổi. Tôi cứ đứng đó một mình mà thôi. Tôi trẻ hơn Jamie khá nhiều, và tôi cũng sẽ không đổ lỗi cho anh ấy vì đã không để ý đến mình đâu. Với tôi, anh ấy như một người anh trai ruột thịt vậy. Hiển nhiên rồi, khi bạn lớn lên cùng với một người như vậy, bạn sẽ luôn nhìn vào đó như một hình mẫu để noi theo. Tôi đã được đi cùng đến Cyprus với Jamie, Don Hutchison và một vài người bạn của Jamie ở Bournemouth. Tôi cũng không chắc nữa, nhưng may là tôi đã thuyết phục mẹ đồng ý rồi.
Mùa hè đó, tôi còn được đến Bermuda cùng với gia đình. Bố tôi có nhiệm vụ huấn luyện thêm cho cựu chân sút West Ham là Clyde Best. Tôi bôi vội một ít kem chống nắng vào mặt và chạy ngay ra ngoài đó. Tin được không? Tôi đang đi nghỉ với những hảo thủ của Liverpool và trông tôi thật tệ. Họ mới tuyệt làm sao. Jamie đáng ra không cần phải có trách nhiệm với đứa em họ như tôi, nhưng anh ấy vẫn trông chừng tôi mặc kệ bộ dạng nom thật kỳ cục của tôi. Sau đó, khi chúng tôi đi tới quảng trường chính của thị trấn, đám đông đã chờ sẵn chỉ để xin chữ ký và chụp ảnh cùng Jamie.
Anh ấy đối xử rất tốt với tất cả những ai tiếp cận mình. Sau tất cả, mọi người đến đây để thư giãn và nghỉ ngơi cơ mà. Tôi để ý thấy rằng, khi rơi vào tình huống như vậy, mỗi cầu thủ sẽ có những cách phản ứng khác nhau. Tôi đã thấy có nhiều người dễ nổi nóng và xua đuổi mọi người - đặc biệt là sau khi uống một vài cốc bia. Nhưng Jamie thì luôn tỏ ra lịch sự. Tôi rất muốn đạt đến phong độ như anh ấy, và tôi ngưỡng mộ những gì mà anh đã và đang làm. Không nghi ngờ gì nữa, một khi bạn trở nên nổi tiếng, bạn sẽ có ít thời gian dành cho mọi người hơn. Kể cả bây giờ, nếu bạn đang bế con trong tay hoặc đang rất vội vã, thì chắc hẳn bạn vẫn sẽ muốn ký tên cho người hâm mộ chứ?
Tôi thực sự ngưỡng mộ Jamie - anh ấy có thể đương đầu và chịu áp lực rất tốt - cho dù lúc đó mới chỉ 22 tuổi. Anh ấy dám đối diện với mọi thứ và có đủ can đảm để vượt qua chúng. Chúng tôi không thể có nhiều thời gian gặp nhau trực tiếp được vì khoảng cách địa lý quá xa, nhưng anh ấy vẫn thường cho tôi những lời khuyên bổ ích qua điện thoại và tôi có thể gọi cho Jamie bất cứ khi nào tôi muốn. Anh ấy luôn có thời gian dành cho tôi và luôn biết tôi muốn gì.
Thậm chí khi đã 18, tôi vẫn phải học hỏi từ anh ấy. Jamie đã đến Chadwell Heath để tập phục hồi sau một chấn thương gặp phải ở Liverpool. Chúng tôi bày ra một trò khá thú vị. Hai anh em sẽ lấy sơn vẽ lên tường một hình khung thành, và ở mỗi góc sẽ khoanh tròn một vòng tròn đúng bằng quả bóng. Mỗi một vòng tròn sẽ đánh một số khác nhau, và Jamie chờ đến khi tôi tập xong thì bắt đầu bày trò. Anh bắt đầu bước lên và hô lớn:
“Một” - quả bóng bay thẳng đến vòng tròn đầu tiên.
“Bốn” - góc khác, nhưng kết quả vẫn vậy.
“Hai” - lại một lần nữa. Và cứ thế.
Rồi sau đó đến lượt tôi. Tôi thấy may mắn vì đã đưa được bóng vào phạm vi khung thành, chứ chưa nói đến việc sút vào vòng tròn. Nhưng Jamie không hề chê cười hay tức giận gì cả. Anh ấy bước sát lại gần tôi và bắt đầu cho tôi những lời khuyên. Jamie là như thế đó. Luôn thích giúp đỡ người khác. Vì vậy, nên khi hai chúng tôi chạm mặt nhau trên sân cỏ, cảm giác sẽ hơi kì lạ một chút.
Tôi, cùng với West Ham, đã gặp Liverpool của Jamie, và chúng tôi chạm trán nhau ở hàng tiền vệ. Trong một tình huống tranh chấp bóng, chân của Jamie đã vào cao hơn quả bóng một chút, và đập vào đầu gối tôi. Ngay sau đó, anh ấy hoảng loạn vì nghĩ rằng mình đã làm tôi đau. Jamie là một người sống rất tình cảm, và trong một khoảnh khắc, anh ấy đã lo lắng cho tôi, với tư cách đối thủ trên sân cỏ.
Cán cân đã đổi chiều khi chúng tôi lại đối đầu nhau thêm lần nữa, lần này thì Jamie đã chuyển đến Tottenham. Tôi đã quyết liệt hơi quá mức và suýt chút nữa khắc lên khuôn mặt ưa nhìn của Jamie một vết sẹo. Tôi đã trải qua đúng cái cảm giác mà anh ấy đã chịu đựng nhiều năm trước đây. Kết quả là anh ấy phải phẫu thuật, khâu 30 mũi quanh miệng. Bây giờ, Jamie vẫn mang câu chuyện đó ra kể lại cho tôi nghe. Thú thật là vào lúc đó tôi đã rất hoảng sợ.
Tôi rất tôn trọng Jamie - mối quan hệ giữa chúng tôi đã trở nên khăng khít hơn trong nhiều năm qua. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, và cho dù bản thân gặp nhiều khó khăn và kém may mắn bởi những chấn thương nghiêm trọng, nhưng trong cái nhìn của anh với tôi chưa bao giờ có sự ghen tị. Jamie luôn mang lại sức ảnh hưởng tích cực và là động lực để tôi tiến lên.
Jamie luôn hiểu được người khác muốn gì, đang suy nghĩ gì cũng như cách mà mọi người nhìn cuộc sống này. Anh ấy luôn khiến cho người đối diện cảm thấy thoải mái, và đấy là lý do anh ấy vẫn sẽ thành công, nếu có chọn nghiệp huấn luyện viên đi chăng nữa.
Tôi vẫn luôn ước rằng mình có được tinh thần như Jamie, và tinh thần đó đã ăn vào máu thịt, vào từng tế bào của tôi, vào tất cả những môn thể thao mà tôi chơi. Tôi cũng đã từng chơi cricket, và cũng đủ tốt để được chơi cho Essex ở lứa U12 đến U15.
Thời điểm đó, cả một tuần của tôi được trải dài với toàn những môn thể thao. Vào tối thứ Hai, tôi đến Chelmsford để tập trung cùng đội cricket của Essex. Thứ Ba là West Ham và thứ Tư sẽ là lịch tập của đội bóng trường. Thứ Năm là Arsenal, thứ Sáu là Tottenham, thứ Bảy là trận đấu bóng ở trường, và Chủ nhật quay về Heath Park.
Đã từng có thời điểm tôi thích chơi cricket ngang ngửa bóng đá, đó là hồi tôi mới 11 hay 12 tuổi gì đó. Bố đã từng chơi cho đội cricket trẻ của Anh, và chơi rất cừ. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được theo học ở một ngôi trường mà cricket cũng được chú trọng như bóng đá. Tôi thích vị trí đánh bóng nhất, và đó là lý do vì sao tôi lại yêu thích môn này đến vậy.
Năm 14 tuổi, tôi đã được góp mặt trong đội hình thi đấu cricket lần đầu tiên. Điều này những tưởng đã khiến tôi trở nên giỏi cricket hơn bóng đá, nhưng không. Có thể vì đội cricket lúc đó không thực sự tốt cho lắm. Với vóc dáng nhỏ bé, tôi không đủ mạnh khỏe để đón được tất cả các đường bóng. Tôi sẽ đỡ những đường bóng nhẹ và cố gắng ở trong sân lâu nhất có thể. Bạn biết đấy, loại “Geoffrey Boycott” ấy.
Khi lớn lên, tôi bị chuyển sang vị trí khác, và đó cũng là lúc mà tôi mất dần hứng thú. Thiếu kiên nhẫn cũng là một trong những điểm yếu của tôi. Bố tôi bắt đầu nói rằng làm một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có thể kiếm được nhiều tiền hơn là một cầu thủ cricket. Ban đầu thì nghe hơi kỳ lạ, nhưng khi bạn lớn lên, tiền bạc trở thành một thứ thiết yếu, thì điều đó đúng là có ảnh hưởng không hề nhỏ. Không chỉ tiền, cả sự nổi tiếng nữa. Bóng đá, suy cho cùng, là môn thể thao vua và là môn thể thao số 1 mà.
Nếu tôi quyết định bám trụ với cricket, liệu tôi sẽ đi được bao xa? Có thể tôi sẽ trở thành một Freddie Flintoff chăng? Bố mẹ tôi đã nhiều lần phải đón tôi từ trường ở Brentford và di chuyển 15 phút để đến Chelmsford. Tôi phải thay đồ ở đằng sau xe, và điều này thực sự là một thảm họa, đến nỗi tôi bắt đầu viện cớ để không phải đi nữa.
Nhưng, trong quãng thời gian đó, tôi đã phần nào thoát khỏi nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo. Có rất nhiều người giỏi hơn tôi trong môn cricket và việc không tài nào đuổi kịp họ từng khiến tôi phát điên. Và, đó chính là lý do vì sao cricket dần dần biến mất khỏi tâm trí tôi. Tôi chấp nhận những giới hạn của mình - mặc dù tôi hoàn toàn không hề muốn nhắc lại điều đó mỗi khi động đến cây vợt.
Từ đó, tôi toàn tâm toàn ý tập trung vào bóng đá, và năm 14 tuổi, tôi đến Lilleshall để tham dự đợt tuyển quân thường niên của họ. Thời điểm này, Lilleshall là một trong những trường đào tạo bóng đá chuyên nghiệp của FA. Họ cung cấp những khóa học kéo dài 2 năm, kết hợp giữa việc học văn hóa và đào tạo bóng đá chuyên nghiệp. Thật là thú vị, nhưng cũng đầy thách thức. Thậm chí tôi còn bị gãy tay trước đó mấy tháng. Có 32 đứa trẻ đến ghi danh, và chỉ có 16 chỗ mà thôi. Chúng tôi có 2 ngày để nghỉ ngơi, tập nhẹ, và chơi game.
Tôi có mặt trong 24 người cuối cùng, mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng. Chúng tôi sau đó có một bài kiểm tra, người tham gia sẽ phải chạy qua lại quanh hai chướng ngại vật cho đến khi kiệt sức. Mức cao nhất có thể đạt được là 14 và tôi chỉ có thể lên được 11. Không biết bọn họ sẽ nghĩ về tôi ra sao nhỉ? Tôi hoàn toàn không còn chút sức lực nào cả.
Tôi quay trở về nhà, hồi hộp đợi giấy báo từ phía Lilleshall. Hai tuần sau, một chiếc phong bì nhỏ được đưa vào qua khe cửa nhà tôi. Thực sự rất lo lắng. Tôi tự nói với bản thân rằng cánh tay bị gãy của tôi đã hạn chế cơ hội của chính mình. Tận sâu trong đáy lòng, tôi mong đấy không phải sự thật.
Nhưng, nó lại là sự thật. Tôi đã trượt. Thực sự quá khó khăn để chấp nhận. Tôi là một cầu thủ được coi là “tốt nhất” ở vùng Essex, và tôi muốn trở nên thật giỏi. Nhưng sự thật rằng tôi thậm chí còn không nằm trong top 16 thành phố khiến tôi đau lòng. Lee Hodges, người mà sau này tôi có dịp được đồng hành ở đội trẻ West Ham, tiết lộ rằng chính ông là người đã từ chối tôi.
Không biết bố tôi sẽ nghĩ gì nhỉ? Trái với dự đoán, ông ấy không hề bận tâm. Lilleshall được biết đến như một môi trường chuyên nghiệp, nhưng cách giáo dục của họ không phải là thứ ông cần cho tôi. Những cầu thủ tốt nghiệp từ đó có quyền được tự hào, trong đó những tài năng như Joe Cole hay Michael Owen là ví dụ tiêu biểu. Nhưng, ở một góc độ nào đó, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trượt.
Tôi đã từng trải qua vô số những cách thức và giáo án huấn luyện khác nhau. Sau khi lên 10 tuổi, tôi bắt đầu tham gia học viện của West Ham, Tottenham và Arsenal. Tất cả đều có điểm mạnh, và tất nhiên, cả điểm yếu của riêng họ.
West Ham là một câu lạc bộ hơi có chút lỗi thời trong thái độ. Họ không hoàn toàn muốn bạn trở thành một phần của câu lạc bộ. Có một chút gì đó hơi kỳ lạ khi bạn là một cổ động viên của họ, thì bạn tự động muốn đầu quân cho chính họ. Trên thực tế, theo tôi, học viện của Spurs là tốt nhất. Tôi đã được mở rộng tầm mắt khi chứng kiến những đứa trẻ giỏi hơn mình theo nhiều cách. Người ta cho bạn một quả bóng, và bạn có quyền làm bất cứ những gì có thể. Tôi đã tiến đến chỗ những người bạn ở đằng xa và bảo: “Tớ cũng muốn làm được như vậy!” Sau buổi tập, sẽ có một bữa ăn tập thể, nơi mà mọi người rất gắn kết và vui vẻ.
Arsenal là một cái gì đó nằm giữa ranh giới của West Ham và Spurs. Tôi cũng rất thích phong cách huấn luyện ở đây, cho dù nó có hơi thiên hướng thể lực hơn. Mọi người đều được huấn luyện rất bài bản, và họ đều hiểu được rằng mình đang làm gì. Trong vài năm, tôi đã tham gia cả ba học viện đó, cho dù bố tôi đã quyết định con trai mình sẽ đầu quân ở đâu.
West Ham luôn ở trong trái tim tôi, và của cả bố tôi nữa. Tôi đã chơi cho đội trẻ West Ham song song với Heath Park. Hơi kỳ một chút, nhưng tôi đang làm những gì mà mình thích. Tôi chưa bao giờ phải dừng lại và nghĩ về một cái gì đó khác, cho dù tôi có rất nhiều thời gian để làm vậy.
Tôi nhận ra rằng, sau khi tham gia vào một hệ thống mới, quen biết những người mới, tôi có thể cảm nhận được thái độ của một số người hướng về phía mình. Thường thì không mất quá lâu để nhận ra được. Nó không liên quan gì đến việc tôi nhanh như thế nào, tôi có giỏi bóng đá hay cricket không. Đơn giản là vì, tôi là con trai của Frank Lampard Sr.
Phần lớn mọi người đều rất tốt, và tôi đã có thêm những người bạn mới. Nhưng cũng có những đứa trẻ dễ nổi nóng và ghen tị khi biết tôi là con trai của một cầu thủ nổi tiếng. Tôi chưa bao giờ giấu giếm sự thật rằng bố mình là ai. Hãy cứ đối mặt với nó thôi. Với hai cái tên giống hệt nhau, thật khó để chối bỏ sự thật. Và một số kẻ quyết định gây sự và hạ nhục tôi chỉ vì cái mác “con trai của Frank Lampard Sr.”
Không chỉ có những đứa trẻ thôi đâu. Ở Heath Park, có một cầu thủ tên là Danny, thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm. Cậu ta cũng gia nhập lò West Ham, ghi kha khá bàn thắng, cho dù sau này cậu ta bốc hơi đi đâu không rõ. Bố của cậu ta lúc nào cũng đến xem bóng và quát nạt tất cả các cầu thủ khác, trừ con trai mình, tất nhiên rồi. Ông ta luôn chĩa vào tôi vì tôi là “Lampard”. Tôi thực sự rất cáu vì điều này. Có một trận đấu, mặc dù Danny đã ghi tầm 6 hay 7 bàn gì đó, thì ông bố khả kính của cậu ta vẫn gào lên: “Chuyền bóng nhanh lên, Lampard!”
Tôi và Michael Black ban đầu chọn giải pháp im lặng. Nhưng rồi đến một ngày Black không chịu nổi nữa và quát lên: “Câm miệng!” Cậu ta mới chỉ 13 tuổi, và đó là lần đầu tiên gã kia im bặt. Tôi thì luôn chọn yên lặng và tập trung với trái bóng. Thú thật là tôi không quan tâm lắm đến việc người ta nghĩ sao về mình. Khi tôi có mặt ở một trận đấu bóng đá, mọi thứ đều ổn, vậy là được rồi. Nhưng có một số người lại thích chọn thái độ thù địch ra mặt.
Tôi đã có đôi chút xấu hổ, nhưng không quá mức. Tôi luôn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể. Không phải để chứng minh mọi người đã sai, mà là để khẳng định rằng tôi tốt hơn họ - tốt hơn những lời gièm pha và chế giễu.
Tôi đã khá tốt trong môn bóng đá rồi, nhưng với tôi như thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn xuất sắc ở tất cả mọi mặt. Có một dịp, tôi đã thực hiện một bài tập chạy xung quanh thành phố, và ám ảnh về nó đến nỗi lăn đùng ra ốm. Cơn đau cứ thế tăng lên mỗi khi tôi thay quần áo chuẩn bị đi chạy. Giáo viên đã bảo tôi rằng hãy từ bỏ đi. Nhưng không, tôi vẫn quyết tâm tiếp tục. Cuối cùng tôi cũng làm được, dù chẳng còn tí sức lực nào cả.
Tôi cũng đã thử rất nhiều môn thể thao khác nhau, như bao đứa trẻ khác. Tôi thích tận hưởng thú vui khi được thử sức với nhiều thứ khác nhau, và thích phát triển những mối quan hệ mới. Nhưng tôi vẫn không thể từ bỏ ngọn lửa chiến thắng luôn cháy hừng hực trong người. Như cái lần ghi bàn phản lưới nhà ấy, tôi cho rằng những điều như vậy là cần thiết cho việc phát triển tinh thần và chất thép nơi con người tôi.
Quay ngược lại hồi còn 7 tuổi, tôi có tham gia một cuộc chạy đua 200m. Tranh tài cùng tôi lúc đó có một cậu bé to hơn nhiều, và cũng rất khỏe nữa. Người ta kỳ vọng cậu bé đó sẽ vượt qua chặng đường đua này rất dễ dàng. Tôi nhìn cậu ta. Tôi muốn đánh bại cậu ta. Cuộc đua bắt đầu, và tai họa đã ập đến khi tôi “rớt đài” ngay ở giữa quãng đường. Tôi đã quá kiệt sức và không còn đủ lực để tiếp tục nữa.
Điều này thực sự rất khó để vượt qua. Tôi về nhà, lòng đầy nuối tiếc. Tôi ngồi trong phòng cả ngày, với vẻ mặt u sầu và buồn bã. Không ai có thể bắt chuyện với tôi vào thời điểm đó. Đúng là tôi đã rất xấu hổ, nhưng sâu bên trong, tôi hiểu cảm giác của một kẻ thất bại.
Thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Nhưng, tôi bắt đầu hình thành ý nghĩ rằng, mình cần nhiều hơn là thể thao để có thể sinh sống được. Những người nuôi hy vọng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp cần phải trải qua rất nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng, với tôi thì có hơi khác biệt một chút.
Bố tôi có một mức lương khá ổn khi ông còn là một cầu thủ, và mẹ thì muốn tôi có một xuất phát điểm tốt hơn nữa. Tôi được gửi đến một ngôi trường tư thục để có được một nền giáo dục tốt và giúp tôi có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình. Được đặt chân đến Brentwood là một điều gì đó rất tự hào đối với cá nhân tôi.
Đây là một ngôi trường lớn, với danh tiếng đã sản sinh ra những con người ưu tú trong xã hội. Nhà thiết kế nổi tiếng Robin Day, danh hài kiêm diễn viên Griff Rhys Jones từng học tập ở đó, và cả nhà sản xuất Noel Edmonds cũng vậy. Thật khó khăn để bước vào một ngôi trường với phương châm “Học tập hiệu quả”, nhất là khi bạn là con trai của một cựu cầu thủ bóng đá.
Nhưng sự thật là tôi có những bước tiến khá nhanh. Tôi, một đứa trẻ lớn lên với tình yêu bóng đá mãnh liệt, đã nhận ra xung quanh có những đứa trẻ khác hẳn mình, không hề có ý định chơi bóng đá. Tôi đã hiểu rằng có rất nhiều loại người khác nhau. Có những đứa trẻ bố mẹ đi làm trong thành phố, có những đứa bố mẹ làm quan chức và rất giàu có. Còn tôi, là một đứa trẻ xuất phát từ tầng lớp lao động ở vùng Essex, không có gì hơn ngoài bóng đá.
Đây quả đúng là một môi trường mới mẻ và sáng tạo. Không hề có đứa trẻ nào đến từ Essex như tôi cả, cho nên về mặt trang phục sẽ khác nhau đôi chút. Ban đầu thì có hơi kỳ lạ đấy, nhưng về sau thì cũng bình thường. À, gần như thôi.
Gia đình tôi cảm thấy không hề thoải mái chút nào với một số thành phần, và cho rằng tôi không nên dính dáng gì đến chúng. Điều này không khiến tôi bận tâm, ngoại trừ một khoảnh khắc mà tôi cho rằng họ đã có thể chú ý hơn.
Mẹ đưa tôi lên xe, lái đến trường, nhưng ngay khi vừa đi qua cổng, tôi đã thấy có gì đó rất sai lầm. Mọi người đều mặc đồng phục, áo quần đen bóng. Chỉ có tôi là ăn mặc kiểu khác hẳn. Tôi thấy ngại ngùng quá đỗi, cúi gằm xuống xe và bảo mẹ tiếp tục lái. Đồng phục đã có thay đổi sau kỳ nghỉ xuân, nhưng gia đình tôi chẳng hề nhận được thông tin gì cả. Và cuối cùng, mẹ đành phải ra ngoài để mua một bộ quần áo mới cho tôi.
Mẹ tôi đã cười vì vụ đó - nhưng đúng thật - mọi người bắt đầu chú ý đến tôi chỉ vì nơi mà tôi xuất thân. Đúng vậy. Trong khi các bạn ở Heath Park được ra ngoài đá bóng một cách vui vẻ thì tôi phải ngồi trong phòng học, vật lộn với đống tiếng Pháp và tích phân.
Điều này khá là khó chịu. Như bao đứa trẻ khác, ban đầu tôi cũng chẳng mấy ưa thích trường học. Nhưng được cái ở đó tôi đã có thêm nhiều bạn mới, và cách nhìn về thế giới của tôi cũng phần nào thay đổi. Brentwood đóng một vai trò quan trọng trong việc đó.
Xét về mặt tổng thể, tôi là một học sinh khá chăm ngoan. Vẫn tồn tại những vấn đề nho nhỏ mà mọi học sinh đều có, và vấn đề đầu tiên tới từ việc tôi có thể góp mặt vào đội tuyển bóng đá của trường. Một vài anh lớn hơn tỏ vẻ khinh thường tôi về vấn đề đó. Tôi còn nhỏ thật, nhưng tôi có thể chơi bóng được. Nhưng dường như họ muốn tôi thất bại để có dịp cười vào mặt tôi.
Nhưng tôi đã không cho họ cơ hội ấy. Cuối cùng thì họ cũng để lộ suy nghĩ của mình về tôi, sau khi một số người đứng lên và hỏi tôi làm gì ở đây. Tôi coi đó giống một lời đe dọa hơn là một lời giải thích, nên đã phớt lờ đi. Tôi không hề làm gì sai cả, ngoại trừ việc đã cố gắng hết sức mình, và điều đó có vẻ như đã khiến họ không hài lòng một chút nào.
Người thầy trực tiếp hướng dẫn đội bóng của chúng tôi là một người đàn ông tốt bụng đến từ Oldham, tên là Chris Boukley. Ông luôn bảo vệ tôi, cho tôi một chỗ dựa, kể cả khi những người khác có gièm pha tôi. Một số đứa trẻ khác gây sự với tôi về xuất thân của mình, nhưng cũng có những người rất tốt bụng. Có nhiều người như vậy ở Brentwood, và chúng tôi đã tập hợp lại với nhau để chơi bóng, đấu với những đội bóng mạnh, chẳng hạn như trường Eton. Đó là một thế giới hoàn toàn khác đối với tôi. Có rất nhiều gia đình giàu có và gia giáo ở trường chúng tôi, nhưng chưa là gì so với họ.
Tôi đã tìm ra cách để có được niềm vui của riêng mình, vì thế, tôi cảm thấy không cần thiết phải tham gia vào đám đông kia. Chúng tôi nói chuyện về chính trị, cuộc sống, và chơi bóng đá vào sau giờ ăn trưa. Tôi học hành khá chăm chỉ nhưng bóng đá vẫn là niềm đam mê số một của tôi. Phải đến trường vào ngày thứ Bảy cũng là một khó khăn với tôi, khi tôi vừa đá cho đội bóng của trường, vừa tham gia đội trẻ West Ham. Không sớm thì muộn, hai thế giới cũng phải chạm trán nhau. Và khi đó, mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ hỗn loạn.
Bố đã cho tôi nghỉ học một hôm ở trường để có thể chơi cho West Ham trong trận đấu tại FA Youth Cup. Ban đầu tôi đã rất hoảng loạn, nhưng vẫn tỏ ra là mình có thể chịu đựng được. Dù sao thì, bố đã đưa tôi đi. Chúng tôi đã chơi rất tốt và đã thắng trận đấu. Hoàn hảo, tôi nghĩ vậy. Nhưng không. Cho đến ngày hôm sau, tôi đến trường, và nhận được một thông tin động trời. Đội bóng của trường cũng đã có một trận đấu vào đúng ngày hôm đó - một trận tứ kết. Họ đã thua, và sự vắng mặt của tôi biến thành một thảm họa.
Tôi ngồi trong lớp, cứ như một tên tử tù chờ đợi tuyên án vậy. Tôi đúng là đã phạm sai lầm, và khi họ muốn chất vấn, họ chỉ cần nhìn vào mặt tôi thôi là đủ. Tôi vẫn hy vọng vào một cái gì đó tốt đẹp, cho đến khi thầy chủ nhiệm bước vào và nói: “Lampard! Đi theo tôi!”
Tôi lên văn phòng, ngồi lặng yên và đầy xấu hổ. Rồi thầy chủ nhiệm ném xuống bàn một tập giấy. Tôi càng cảm thấy xấu hổ hơn. Đó là những bức ghi lại hình ảnh tôi đã chơi bóng cho West Ham từ trước đến nay. Mọi thứ trở nên thật tồi tệ. Ông bảo rằng tôi đã “phụ lòng tin của đồng đội, huấn luyện viên và mọi người”. Tôi đã biết điều đó rồi. Và, ông ta đã đưa tôi đến chỗ ông Boukley để xin lỗi.
Tôi thực sự rất yêu quý Boukley. Ông đã rất quan tâm đến tôi, và cho tôi niềm tin rằng tôi có thể thành công, ngay cả khi tôi tự nghi ngờ chính bản thân mình. Trong tất cả mọi người mà tôi phụ lòng tin, ông ấy là người mà tôi sợ phải đối mặt nhất. Tôi cảm thấy bản thân mình thật tồi tệ sau khi gặp Boukley.
Tôi cũng cảm thấy cáu giận khi bị cấm túc 2 giờ đồng hồ vào chiều thứ Bảy. Điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Họ bắt tôi phải viết một bài luận về việc “Lòng trung thành quan trọng hơn lợi ích cá nhân”. Tôi đã dành thời gian để ngẫm nghĩ về điều đó, rồi đưa ra một quyết định khá táo bạo: “Đúng, lòng trung thành rất quan trọng, nhưng đôi lúc bạn cũng nên theo đuổi những thú vui cá nhân của mình, vì sẽ không có ai làm điều đó cho bạn đâu.” Tôi đã dùng câu đó để kết luận bài viết. Tuy nhiên, thầy giáo không hề thấy nó thú vị, mà còn nổi cáu với tôi.
Sau đó, tôi đã chịu khó học hành hơn. Tôi không hề phạm thêm lỗi gì nữa, và cũng tập trung chú ý nghe giảng hơn. Tôi đã làm 10 bài kiểm tra GCSE: điểm A+ môn tiếng Latin, ba điểm A, năm điểm B và một điểm C. Với số điểm này, tôi cần phải học hành chăm chỉ hơn để theo được mức A. Ngôi trường đã thuyết phục tôi ở lại, và muốn tôi là đội trưởng đội bóng trẻ của trường. Ông Boukley cho rằng điều này sẽ tốt cho tôi, và tôi có thể học hành bài bản hơn. Tôi vẫn có thể học lên đến mức A+ mà vẫn được chơi bóng đá.
Tôi đã suy nghĩ rất lâu về vấn đề này. Tôi có được thành tích tốt ở trường, thích học tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Tôi về nhà và nói chuyện với bố. Sâu thẳm bên trong, tôi vẫn muốn trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng khi được cân nhắc để tiếp tục học hành, tôi lại bắt đầu có chút dao động.
Ông khuyên tôi nên nắm bắt lời đề nghị của West Ham. Bản thân tôi thì chẳng cần nhiều sự thuyết phục đến như vậy. Tôi muốn chơi bóng đá nhiều, nhiều hơn nữa. Tôi sẽ ở lại trường, trong trường hợp tôi không thể phấn đấu thành một cầu thủ chuyên nghiệp được. Bố tôi luôn nhấn mạnh về những khó khăn khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng đó là điều mà tôi muốn. Đúng là phía trường học đã đưa ra sự lựa chọn khiến tôi dao động đôi chút, nhưng vẫn chưa đủ. Quan điểm của bố tôi rất rõ ràng: “Nếu tôi không nắm lấy cơ hội này, tôi sẽ không thể có được những điều cơ bản nhất của bóng đá.” Bạn nên biết được những điều cơ bản nhất trong bóng đá, bao gồm cả việc dọn phòng thay đồ. Điều này thực sự rất cần thiết.
Tôi không có một chút hối hận nào cả. Không hề. Rất nhiều đồng đội của tôi đã gia nhập những trường đối địch, đạt nhiều thành tích cao và lên đến đại học. Về phần mình, tôi đã có những trải nghiệm mới hơn, tầm nhìn xa hơn so với những quy chuẩn máy móc thông thường. Tôi không muốn nói xấu đâu, nhưng thực sự khi gặp những người bạn ở đại học, tôi không hề thích cách sống của họ. Họ luôn dành thời gian để làm những điều khá vô bổ, và dựa trên cơ sở đó, tôi thấy rằng không hoàn toàn cần thiết phải yêu cầu con mình vào đại học.
Họ phần lớn không biết mình phải làm gì, và họ dễ dàng thay đổi ý định của mình (một vài lần gì đó). Tôi nghĩ rằng việc giáo dục ở bậc đại học cũng tốt, nhưng sẽ tốn kha khá thời gian của bạn, trừ khi tự bạn muốn điều đó. Nó cũng có thể sản sinh ra những thói quen xấu cho bạn. Tôi đã từng có một cuộc tranh cãi như vậy, cho đến tận bây giờ, với người bạn Billy Jenkins ở Đại học Durham. Chúng tôi đã biết nhau khá lâu rồi, cậu ta là con trai của nhà vật lý trị liệu của West Ham, Robert “Rob” Jenkins, và hai chúng tôi khá thân nhau.
Dù sao thì trường học vẫn là một cái gì đó rất tích cực. Nó hình thành nên con người tôi, và cho tôi cái nhìn khác hơn về cuộc sống. Giờ đây, mỗi khi cầm trên tay một tờ báo, tôi sẽ thường để ý đến những trang về tin tức và chính trị hơn, trong khi trước đây tôi chỉ chăm chăm lật đến mục thể thao mà thôi.
Khi còn là một cầu thủ trẻ, tôi vẫn luôn nhìn vào những cầu thủ biết phấn đấu hơn là những người chỉ ngồi yên mà vẫn có nhiều tiền. Tôi nhận ra rằng mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn, nếu bạn có một cái gì đó đặc biệt hơn là một cầu thủ bóng đá bình thường. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến những vấn đề khác, vì cuộc sống của cầu thủ chuyên nghiệp rất dễ bị sụp đổ, hãy cẩn thận và chuẩn bị tâm lý cho điều đó.
Bạn sẽ gặp phải những người không giải quyết được vấn đề nên sẽ nói khác đi và phản ứng một cách tiêu cực. Tôi thích nói chuyện về chính trị, và có thể thức đến sáng để tranh cãi với một người bạn về quan điểm chính trị của Tony Blair trong cuộc chiến ở Iraq. Tôi vô cùng quan tâm đến những vấn đề như vậy, và cũng có hứng thú với những gì nằm ngoài khuôn khổ những buổi tập và 90 phút trên sân cỏ. Khi nói trước đám đông, tôi khá tự tin và luôn biết mình phải nói gì. Với một cầu thủ bóng đá, điều này thật bất bình thường. Có những hình ảnh hơi tồi tệ đối với một vài cầu thủ bóng đá, khi họ không thể nói được gì lúc phải diễn thuyết hoặc họp báo. Điều này có vẻ vẫn ổn trong phòng thay đồ, nhưng dù sao các cầu thủ cũng là một phần của xã hội, các câu lạc bộ và FA nên chú ý hơn tới hình ảnh của các cầu thủ trước công chúng.
Việc được học hành đối với tôi là một điều may mắn. Gia đình của tôi thì không được như vậy. Hình mẫu bóng đá của tôi, là cha, không có được may mắn như tôi. Cụ của tôi, người từng chơi bóng trong quân đội, và cả ông George cũng vậy. Bố tôi đã lớn lên cùng bóng đá, và đã sẵn sàng tham gia những trận đấu gồm những kẻ lớn hơn rất nhiều. Đó là một phần của cuộc sống. Ở nơi bố tôi được sinh ra, một thanh niên sẽ có ba lựa chọn nghề nghiệp. Một, làm việc ở nhà máy đường Tate & Lyle ở ngoại ô Silvertown. Hai, có thể vất vưởng ở bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì để kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Ba, trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Chỉ có từng đó lựa chọn, và bố tôi đã quyết định gắn bó với trái bóng. Ông ấy, cũng giống như tôi, từng lo sợ rằng mình không làm được. Năm 15 tuổi, ông ký hợp đồng với West Ham trong khi những bạn bè cùng trang lứa đều đi làm công nhân. Ông nhẹ nhàng đút túi 5 Bảng một tuần, thay vì làm những việc nặng nhọc như chúng bạn.
Tất cả những đức tính tốt của tôi đều được thừa hưởng từ ông ấy, rõ ràng rồi. Ngay khi còn trẻ, ông ấy đã có thể tự mình tránh xa khỏi những cám dỗ trong cuộc sống. Vì ông ấy hiểu, bóng đá là điều quan trọng nhất.
Tôi, tuy được nuôi nấng dưới điều kiện tốt hơn, nhưng chúng tôi có chung một điểm: đưa ra quyết định từ rất sớm và niềm đam mê với bóng đá. Bố luôn khiến tôi ấn tượng về tầm quan trọng của việc làm mọi thứ đúng cách, và sự cống hiến để vươn đến thành công.
Tôi luôn đáp lại những yêu cầu của ông, tuy không phải lúc nào cũng đúng như mong muốn. Ở chiều ngược lại, bố luôn biết cách khai thác điểm mạnh của tôi. Ông ấy chưa bao giờ ngại ngần chỉ ra những điều chưa đúng, và đôi lúc tôi nghĩ rằng mọi thứ đã đi quá xa. Có những lần, sau trận đấu, ông ấy phải thả tôi về nhà rồi đánh xe đi dạo trong công viên trước khi hai bố con cãi nhau ngay trong xe.
Lần tồi tệ nhất là một trận đấu thất bại hồi tôi 14 tuổi. Hai bố con cãi nhau to về việc tôi đã chơi bóng như thế nào, và về trận đấu. Tôi không nhớ rõ nội dung, chỉ nhớ là tôi đã khóc. Sau đó, ông cố gắng dỗ dành tôi, và cả hai dừng ở công viên Gidea, đi bộ trong hai mươi phút. Bố biết rằng tôi đang rất buồn và mẹ tôi sẽ không để yên nếu thấy tôi trong tình trạng này. Tôi đã hít thở sâu và cố hết mức có thể để không khóc nữa khi về đến nhà.
Tuy nhiên, tôi không thể che giấu cảm xúc của mình quá lâu. Mẹ đã cảm nhận được có gì đó không ổn nơi tôi, nhưng trước khi bà kịp nói gì, tôi đã chạy vào phòng tắm, khóa trái cửa và bắt đầu ngâm mình trong bồn. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa và khóc to lên. Tôi vẫn còn sụt sịt sau đó nửa tiếng đồng hồ. Mẹ tôi luôn biết cách tốt nhất để an ủi tôi trong những tình huống như thế này. Bà biết rằng đã có một cuộc tranh cãi, nên bà đã để yên cho tôi quên đi trước khi tiếp cận tôi. Cuối cùng thì tôi cũng bình tĩnh lại được. Những gì xảy ra trong trận đấu đó khiến tôi cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ thất bại.
Bị chê là thi đấu dở tệ đã quá đủ rồi. Nhưng bị chỉ điểm từng lỗi một trong từng hành động mà bạn đã làm, bởi một người quan sát và phân tích tất cả, thì còn đau đớn hơn gấp bội. Mẹ đã giúp tôi vượt qua tình cảnh đó, nhưng suy cho cùng thì tôi vẫn nợ bố rất nhiều. Với mẹ cũng vậy. Bà luôn biết nên nói gì, và khi nào. Tôi hiểu lý do vì sao bà lại để tôi một mình, khi mà mọi thứ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng tôi không hề đổ lỗi cho bố vì những gì ông đã làm. Tôi biết tất cả những điều đó là vì tôi: nhằm giúp tôi chạm được đến đích và khai phá được tiềm năng của mình.
Và, một trong số những lý do mà ông phải làm vậy với tôi, là vì ông đã không hề có bố ở bên cạnh suốt thời niên thiếu. Bố của ông (tức là ông nội của tôi), đã qua đời khi ông mới chỉ 2 tuổi. Chiếc xe tải mà ông nội lái va chạm với một chiếc xe bus đi ngược chiều. Cụ nội đã thế chỗ làm người nuôi dạy, chăm sóc cho bố tôi. Mối lo ngại “không làm được” của ông đến từ việc thiếu vắng bóng dáng người cha. Nhưng, trớ trêu thay, một số mối lo ngại của tôi lại đến từ việc bố luôn ở bên cạnh.
Mẹ tôi là một người phụ nữ phi thường. Bà luôn biết cách đối chọi với mọi thứ. Bà từng nhìn thấy tôi bị xúc phạm, cũng như đã chứng kiến những thành công của tôi, nhưng lúc nào bà cũng tỏ ra bình tĩnh và không biểu lộ quá nhiều cảm xúc. Cứ mỗi khi tôi bị bố quát nạt vì thể hiện không tốt, bà sẽ lại phân tích cho tôi nghe đúng sai và an ủi tôi. Khi biết mọi thứ trở nên xấu đi ở West Ham, bà đã đứng ra bảo vệ tôi trước sóng gió.
Bà là một người mẹ mà ắt hẳn bất cứ ai cũng tự hào vô cùng khi có được. Và tôi cũng tưởng tượng ra được bà đã phải chịu đựng những gì, khi phải nghe những lời gièm pha của người ngoài hướng về tôi. Tôi vô cùng trân trọng điều đó, bên cạnh việc có một người bố luôn sẵn sàng dạy tôi những cái mới.
Bố tôi là một người “mặt dày”, nhưng nói thật, bạn cần phải có đức tính đó nếu muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi cũng được thừa hưởng một chút, mặc dù đôi lúc có hơi nhạy cảm với một vài vấn đề, giống như mẹ. Chúng tôi đã cùng nhau học cách phát triển tính cách của chính mình, và sau tất cả những gì xảy ra ở West Ham, mối quan hệ giữa hai mẹ con càng thêm gắn kết hơn.
Việc hai chị gái cũng nhận được tình yêu và sự ủng hộ y như tôi khiến nhiều lúc tôi phải đặt câu hỏi rằng sao mẹ có thể làm được như vậy. Natalie, Claire và tôi luôn rất gần gũi với nhau. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, đôi khi cũng cãi vã như mọi gia đình khác, nhưng hai chị lớn hơn tôi và luôn sẵn sàng bảo vệ tôi bất cứ lúc nào. Mặc dù họ hay trêu đùa và gọi tôi là Wurzel Gummidge khi tôi lần đầu tiên chải chuốt, nhưng họ luôn là những người đầu tiên giúp đỡ khi tôi cần.
Chỉ sau 4 năm xa cách, tôi cảm thấy đã có một khoảng cách lớn giữa tôi và họ. Khi đó tôi khoảng 12 tuổi và cực kỳ “ghét” phụ nữ. Tất cả những gì tôi muốn làm là đá qua đá lại với trái bóng, điều khiến hai người phụ nữ trẻ cảm thấy tương đối khó chịu.
Chúng tôi đã từng sống cùng nhau trong một khoảng thời gian dài, và đó là kí ức tuổi thơ tuyệt đẹp của tôi. Chúng tôi làm mọi thứ cùng với nhau. Giáng sinh là một dịp rất đặc biệt khi chúng tôi, cùng với ông bà sẽ ngồi xuống với nhau, thật là ấm cúng. Thực ra, tôi luôn có cảm giác đó vào mỗi tối Chủ nhật, khi cả nhà ngồi ăn tối với nhau.
Đó chính là bí quyết của mẹ. Không quan trọng những cuộc tranh cãi to đến thế nào, không quan trọng là ai đang vướng vào, bà luôn biết cách đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Cứ mỗi tối, cả nhà Lampard sẽ lại ngồi xuống và ăn tối cùng nhau. Tuy là cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, nhưng không có lý do gì hết. Và điều này thực sự có hiệu quả.
Khi tôi lớn lên, tôi lại càng ngưỡng mộ Natalie và Claire, bởi họ luôn thấu hiểu và thông cảm cho tôi kể cả khi tôi có là một cậu nhóc ồn ào đi chăng nữa. Là vì bóng đá, hoặc, vì tôi là con trai duy nhất trong nhà? Bố luôn dành sự chú ý cho tôi hơn cũng vì lý do đó, và đôi lúc hai người chị của tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Những lúc như thế, mẹ sẽ lại là người đóng vai trò cầu nối, đưa tất cả mọi người lại gần nhau hơn.
Khi tôi lớn lên, cảm giác mà tôi dành cho hai người chị gái của mình bắt đầu thay đổi. Tôi vẫn ngưỡng mộ họ, tất nhiên rồi. Nhưng dường như tôi đã “cảm nắng” họ. Và kể từ đó trở đi, không lúc nào là tôi không cảm nhận được lòng nhiệt huyết và sự cổ vũ của họ cả.
Tôi luôn cảm thấy tự hào vì có họ, và luôn coi họ như hình mẫu để noi gương và học tập theo. Natalie cực kỳ nóng nảy, chị ấy thậm chí còn suýt tẩn nhau với mấy tên đã xúc phạm tôi ở West Ham. Chị ấy cũng rất yêu bóng đá, và thường gọi cho tôi sau những trận đấu của Đội tuyển Anh, để nói những điều đại loại như: “Tại sao lão già Eriksson lại rút em ra khỏi sân trong cái tình cảnh đang cực kỳ tối tăm như vậy?”
Thật mừng là chúng tôi duy trì được sự thân thiết cho đến tận bây giờ, khi đều đã có gia đình riêng của mình. Mẹ tôi luôn là trung tâm của cả nhà, và bây giờ vẫn vậy, với những đứa cháu ngày một đông.
Cuộc sống đôi lúc trở nên cực kỳ khó khăn, đúng vậy, nhưng mẹ tôi luôn là người đứng ra hòa giải tất cả. Nếu tôi có một trận đấu tồi tệ, tôi sẽ chọn giải pháp than thở với mẹ hơn là với bố. Vì tôi biết chắc, bố sẽ tiếp tục nói rằng tôi đã không làm tốt, và tôi sẽ lại càng dằn vặt về điều đó. Nhưng mẹ thì không như thế. Bà hầu như không nói về bóng đá với tôi, nhưng chính những cuộc đối thoại như vậy giúp tôi lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Tôi biết, điều đó không có nghĩa là bà hoàn toàn không hề để tâm đến bóng đá. Bà từng cãi nhau to với anh rể của mình - Harry Redknapp - vì đã không cho tôi ra sân. Tất nhiên là không phải những câu đại loại như: “Tại sao con trai tôi lại không được ra sân?” Ngược lại, bà sẽ chỉ ra rằng hàng tiền vệ của đội bóng hiện tại đang không được tốt, và Harry sẽ nhanh chóng hiểu ra vấn đề. Vào một ngày, ông ngoại tôi - người mà tôi hay gọi là Pop - đã đến nhà của Harry để ăn tối. Trong khi ăn, ông bắt đầu nói chuyện về bóng đá, cốt là để hỏi vì sao tôi lại không được thi đấu. Cuối cùng, ông đã mất kiên nhẫn và hỏi thẳng bác Harry rằng:
“Tại sao Frank bé nhỏ của ta lại không được thi đấu chứ, Harry?”
“Con đã nói rồi, thưa bố. Cháu trai bố không phải là Maradona.” Harry trả lời.
Tôi rất thích câu trả lời đó. Nghe những câu chuyện như vậy phần nào khiến tôi hiểu được tình cảm của gia đình dành cho mình. Tôi vô cùng tự hào khi được xuất thân từ một gia đình yêu bóng đá như vậy, và không ngần ngại thể hiện điều đó.
Chúng tôi đang ngồi ở khách sạn Royal Lancaster vào cái đêm mà tôi được bầu chọn làm Cầu thủ của năm do Hiệp hội Nhà báo Anh bầu chọn vào năm 2005, cùng với một nhà báo. Tay đó cứ thao thao bất tuyệt về những thành tựu của tôi. Mẹ tôi ngồi nghe, gật đầu, và chờ đến khi anh ta kết thúc bài diễn thuyết của mình, bà mới nói: “Không phải lúc nào anh cũng nói về con trai tôi như thế đúng không?”
Cả mẹ và tôi đều không thích tranh luận. Nhưng khi những đứa con của bà cần được bảo vệ thì mẹ tôi sẽ làm mọi thứ mà bà cho là đúng. Tôi chỉ có duy nhất một lần to tiếng với mẹ mình. Quay ngược lại thời gian, hồi đó tôi chỉ là một thằng nhóc ương ngạnh thích làm những thứ mà mẹ cấm đoán. Chúng tôi lời qua tiếng lại trong suốt 20 phút, nhưng kết quả cuối cùng là tôi phải hứa rằng sẽ không bao giờ to tiếng với mẹ nữa. Và quả là không bao giờ thật, kể cả những lúc tồi tệ nhất. Khi báo chí đưa một bài viết nói về việc tôi và một vài cầu thủ khác đi nghỉ ở Ayia Napa, mẹ đã không hề trách mắng tôi. Còn bố tôi thì có đấy. Tôi sẽ không tiết lộ cho các bạn biết ông đã nói gì đâu. Nhưng tôi nhớ cực kỳ rõ những gì đã xảy đến với mẹ.
Tôi ngồi yên trong nhà tắm, và cảm thấy hối hận với chính mình. Sau đó, mẹ tôi đã gọi điện bảo rằng những cầu thủ đã vướng vào những chuyện như thế này sẽ đi xuống rất nhanh. Bà không hề biểu lộ ra bên ngoài, nhưng qua giọng nói, tôi biết bà đã buồn như thế nào. Tôi phải khẳng định rằng những phản ứng của mẹ tôi có ảnh hưởng đến tôi lớn hơn bất cứ điều gì khác trên đời này.
Tôi thấy vô cùng tự hào vì những gì đã có được từ bố mẹ. Quan điểm, tính cách và sự nhạy cảm đã hình thành nên một “tôi” của bây giờ. Tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp nếu không nhờ vào công lao của bố. Bạn sẽ thấy tôi ở giữa những thứ đó.
Tôi luôn lo ngại rằng mình sẽ không làm được, và bây giờ, khi nhìn vào những thành tựu mà tôi có được, tôi lại đâm lo lắng. Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi cái mác “con trai của ai đó, cháu của ai đó” từ hồi tôi còn ở Upton Park. Thật khó để thoát ra khỏi cái bóng của người khác.
Tôi đã từng luôn nghi ngờ chính bản thân mình, nhưng giờ đây thì đã hoàn toàn khác. Tôi biết gia đình đã và đang tự hào về tôi như thế nào. Và, ở chiều ngược lại, tôi cũng tự hào về họ, y như vậy.