Được đặt chân vào “Học viện Bóng đá” không như những gì tôi đã tưởng tượng. West Ham United từng là niềm tự hào trong việc sản sinh ra những cầu thủ chất lượng và thành công nhất của bóng đá Anh. Trong “kho thành tích” đồ sộ của họ có thể kể đến John Bond, Martin Peters, Geoff Hurst và dĩ nhiên không thể thiếu Bobby Moore. Ngày nay, họ vẫn tiếp nối truyền thống ấy.
Ba trong số những cầu thủ kể trên đã từng là linh hồn của tuyển Anh vô địch World Cup năm 1966 và những gì họ đạt được đã giúp cho chiếc áo màu vang đỏ pha xanh lam trở thành một biểu tượng của tất cả những gì vĩ đại nhất trong bóng đá. Bố tôi và bác Harry đã từng thi đấu tại đây cùng với Bobby Moore dưới thời huấn luyện viên Ron Greenwood và từ bé, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về thời kỳ huy hoàng đó.
Bà tôi sống cách Upton Park khoảng một dặm. Hồi đó, khi tôi chưa ra đời, bà từng tới sân xem bố tôi thi đấu. Lúc ấy, bà khá nổi tiếng trong số các cổ động viên của câu lạc bộ. Có những người hồi bé từng được bà cho kẹo và đến bây giờ vẫn rất tôn trọng bà. Tôi và các chị cũng có mặt trong đám trẻ ngày ấy. Khi lớn hơn một chút, thỉnh thoảng tôi vẫn hay mang cho bà ít bánh và khoai nghiền khi thi đấu. Một số dịp khác, bà thường làm cho tôi bánh kẹp với dưa muối và phô mai mỗi khi tôi ghé thăm. Chúng tôi cũng hay bàn luận về bóng đá và kể những câu chuyện trong gia đình. Bà tôi là hàng xóm của West Ham và bà cũng lớn lên cùng câu lạc bộ. Mẹ và bác tôi cũng thế, rồi đến khi lấy chồng, đó không chỉ là hôn nhân bình thường: họ đã “cưới” cả West Ham về nhà.
Không có điều gì lạ ở đây cả. Khi bạn lớn lên trong một cộng đồng có tình yêu sâu đậm với câu lạc bộ địa phương như West Ham, bạn sẽ thấy gia đình và bóng đá gắn liền với nhau như vợ chồng vậy. Tôi và các chị đều sở hữu sự trung thành ấy, và chúng tôi luôn ủng hộ câu lạc bộ hết mình.
Xung quanh nhà của chúng tôi chứa đầy những kỷ vật nhỏ, giúp cho một đứa trẻ sinh vào khoảng giữa hai chức vô địch FA Cup 1975 và 1980 như tôi có thể hình dung những thước phim xưa cũ một cách dễ dàng hơn. Tôi đã xem đi xem lại những bức ảnh đó cả nghìn lần và vẫn hỏi đi hỏi lại bố tôi rằng cảm giác được chơi cho West Ham như thế nào. Ban ngày, tôi cố gắng cải thiện kỹ năng chơi bóng của mình để cống hiến cho đội và khi đêm xuống, tôi mơ về ngày mà sẽ được theo bước chân của bố và khoác chiếc áo West Ham lên người. Giấc mơ hoàn hảo là thế, nhưng thực tế thì không được như vậy.
Jamie được khoác lên mình bộ đồng phục của câu lạc bộ trước tôi. Bác Harry muốn vậy vì đây là nơi bác ấy đã trau dồi kỹ năng của mình, và với truyền thống gia đình như thế, việc anh ấy gia nhập West Ham cũng không có gì quá lạ lùng. Dù sao thì, “một giọt máu đào vẫn hơn ao nước lã” mà.
Dù vậy, Jamie lại không tỏ ra ấn tượng lắm với những gì phát hiện được ở West Ham. Eddie Bailey lúc đó là trưởng bộ phận đào tạo trẻ ở câu lạc bộ và trớ trêu ở chỗ là họ lại thích tìm những người cổ hủ làm công tác phát triển tài năng trẻ. Công tác huấn luyện thấp hơn kỳ vọng và không hề hướng vào việc phát triển hay nuôi dưỡng tài năng. Những người dẫn dắt đội thì còn già hơn thế và có vẻ như họ vẫn dùng đi dùng lại một phương pháp huấn luyện đã sản sinh ra những cầu thủ như bố tôi, Trevor Brooking và Paul Allen. Cũng ổn thôi nhưng vấn đề là ở chỗ bóng đá đã và đang có những thay đổi chóng mặt trong khía cạnh thể lực, phát triển cơ bắp và huấn luyện kỹ thuật. Thời điểm đó là năm 1994.
Những khía cạnh trên đều rất quan trọng, và với đội ngũ huấn luyện viên kém cỏi như thế, câu lạc bộ khó lòng tồn tại nếu không nhờ vào tình yêu sâu đậm của các cầu thủ cũng như hàng nghìn cổ động viên trung thành đến sân xem họ thi đấu hằng tuần. Mọi người luôn xem West Ham như một câu lạc bộ gia đình vậy. Triết lý ở đây cho rằng bạn phải tự lo cho chính mình. Tuy nhiên, điều đó đã không còn phù hợp với các cầu thủ trẻ.
Jamie có óc quan sát khá tốt và đã nhanh chóng đi đến kết luận rằng mình không thể học được những thứ bản thân cần ở nơi này. Anh ấy là một cầu thủ tài năng, không ngại khó ngại khổ để phát triển bản thân, nhưng cuối cùng thì anh vẫn rời khỏi đây để gia nhập học viện của Tottenham và ký vào bản kế hoạch đào tạo trẻ ở đó. Lúc đó tôi khá bất ngờ về quyết định này. Tôi không rõ bác Harry có sốc hay không, nhưng bác tôn trọng quyết định của con trai. Sau này tôi có hỏi Jamie, anh trả lời là do không thích thái độ của câu lạc bộ. Chính tôi cũng đã lờ mờ phát hiện ra điều đó từ khi mới gia nhập. Mỗi khi hỏi họ vì sao tôi nên cống hiến cho họ thay vì câu lạc bộ khác, câu trả lời có thể khác nhau nhưng vẫn cùng một ý chính: Chúng tôi có truyền thống sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”; chúng tôi trao cơ hội cho cầu thủ trẻ nhiều hơn, sớm hơn. West Ham là Học viện của Bóng đá.
Tuy vậy, ngay lúc ấy tôi cảm thấy lời Jamie không thuyết phục cho lắm. Tất nhiên, anh ấy đã rẽ sang hướng khác. Còn tôi thì ở lại thi đấu cho đội trẻ West Ham trong vài năm và đã trải qua chế độ luyện tập khá khắc nghiệt. Tôi cũng từng tới xem Tottenham và Arsenal, nơi mà việc luyện tập chủ yếu để phát triển kỹ thuật, và cho rằng tôi cũng đang phát triển kỹ năng của mình rồi. Ngoài ra, còn có nhiều lý do quan trọng khác. Phần lớn những đứa trẻ 16 tuổi đều cảm thấy bất an về việc liệu mình có thành công hay không. Bạn cần phải được chỉ bảo, động viên, nuôi dưỡng tinh thần. Ở Arsenal, tôi thu hút được khá nhiều sự chú ý từ nhiều người, trong đó có thể kể đến Steve Rowley, một người đầy kinh nghiệm đang làm trưởng bộ phận tìm kiếm tài năng trẻ. Lúc ấy, ông thường tới đón tôi đến xem các trận đấu ở sân tập của Arsenal tại London Colney và tôi vẫn nhớ rằng mình thích đến Arsenal chỉ vì cảm thấy mình được chăm sóc quá kỹ lưỡng ở đây. Họ cực kỳ chuyên nghiệp nhưng hơn hết, điều làm nên sự khác biệt nơi họ chính là cách họ đối xử với từng cá nhân, khiến tôi luôn cảm thấy mình được coi trọng.
Họ thể hiện sự quan tâm bằng những điều nhỏ nhặt. Steve đưa tôi đi ăn tối sau mỗi trận đấu - thường là xúc xích và khoai tây chiên - và nói về những gì đã xảy ra trên sân hôm nay, tôi đã làm tốt điều gì, tôi cần cải thiện chỗ nào. Sau đó, ông ấy tới nhà và kể cho bố mẹ rằng hôm nay tôi đã tiến bộ ra sao. Cách nói chuyện của ông ấy chứa đựng sự quan tâm, khiến tôi cảm thấy rằng Arsenal là nơi khiến cầu thủ trẻ phát triển tốt nhất. Ông tìm ra tôi và đã dành rất nhiều thời gian cho tôi. Nhưng tôi biết mình không phải duy nhất. Ông ấy cũng làm điều tương tự với nhiều đứa trẻ khác và đó là lý do vì sao ông thành công tại Arsenal.
Tất cả những điều này trái ngược hoàn toàn với trải nghiệm của tôi tại West Ham và tôi đã bắt đầu tự hỏi, liệu mình có đang nhận được sự ủng hộ mà mình cần ở đó hay không. Nói một cách nào đó thì, tôi chả phải tốn quá nhiều chất xám để có thể nhận thấy những cầu thủ giỏi như Tony Adams và Ray Parlour đều chọn đến Arsenal. Cả hai đều là những cầu thủ đến từ Essex. Ray cũng sống ở khu Romford như tôi. Cả hai đều là cổ động viên của West Ham cũng như gia đình họ và cả hai đều đã từng thi đấu ở cấp độ trẻ cho câu lạc bộ. Nhưng đều không ký hợp đồng với câu lạc bộ.
John Terry nhỏ hơn tôi vài tuổi, cũng đã ăn ngủ cùng West Ham như gia đình và bạn bè của cậu ta. Bố tôi vẫn nhớ hồi đó cậu ta tập luyện và thi đấu cho câu lạc bộ tới năm 14 tuổi rồi chuyển đến Chelsea. Nhiều người khác cũng vậy. Có người đến, có người đi và có người ở lại. Cuộc sống mà. Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ khác nếu câu lạc bộ bớt kiêu ngạo đi.
Thời điểm đó, Billy Bonds là quản lý của đội, bác Harry là một huấn luyện viên còn bố tôi làm tuyển trạch viên bán thời gian. Không ai dính dáng trực tiếp vào đội trẻ. Đến lúc phải quyết định ký hợp đồng với câu lạc bộ nào, tôi đã thực sự khó xử.
Tôi đã có suy nghĩ cực kỳ nghiêm túc về việc gia nhập Tottenham. Công tác huấn luyện ở đó tốt hơn hẳn, họ là đội đầu tiên để mắt đến tôi và tôi cũng có người quen trong đó – Jamie, mặc dù sau đó anh ấy quay lại Bournemouth để thử việc vì nhớ nhà. Tôi cũng từng thấy nhiều cầu thủ giỏi trong khu mình sống chuyển sang Spurs thi đấu. Không những thế, họ còn vừa có một khu huấn luyện mới. Phải thú thực là tôi đã bị nơi đó cuốn hút rất nhiều. Họ thậm chí còn trả nhiều tiền hơn. Thực tế thì Arsenal cũng đưa ra một bản hợp đồng tốt hơn West Ham, tuy vậy, khả năng tài chính của họ và West Ham lại không khác biệt nhiều lắm.
Tóm lại, tiền bạc với tôi không bao giờ là nhân tố quyết định. Tôi đã là một cổ động viên West Ham ngay từ khi còn bé. Bố cảm thấy được sự đắn đo trong tôi và đã nhờ Jimmy Neighbour tới nói chuyện với tôi. Jimmy lúc đó phụ trách đội trẻ của West Ham và cũng đã từng là một cầu thủ chạy cánh giàu kỹ thuật. Ông tới nhà và ngồi nói chuyện với tôi. Lúc ấy, tôi hoàn toàn không biết rằng ông ấy tới theo yêu cầu của bố. Ông bảo rằng câu lạc bộ biết tôi đang được săn đón và ông không cảm thấy bất ngờ về chuyện đó, rằng tôi là một cầu thủ trẻ có tiềm năng trở thành một cầu thủ giỏi trong tương lai.
Thực sự tôi rất vui khi nghe những lời đó. Mặc dù phải đợi mãi mới được để mắt đến, nhưng thà muộn còn hơn không, và may mắn trong trường hợp của tôi là vừa đúng lúc, không sớm không muộn. Phải đến bây giờ tôi mới thực sự nhận ra rằng quyết định gia nhập West Ham hoàn toàn là do cảm xúc chi phối chứ không phải là lý trí hay thậm chí là lý trí về bóng đá. Bố tôi nhúng tay khá sâu vào việc này. Ông đặt áp lực lên vai tôi mặc dù ông để cho tôi tự quyết định nhiều nhất có thể. Ông hài hước ở điểm đó. Ông luôn nói đó là cuộc đời tôi, sự nghiệp của tôi, và tôi nên làm những gì mà tôi cảm thấy đúng đắn. Rồi sau đó, nếu ông cảm thấy tôi đang đi xa khỏi những gì mà ông cho là đúng thì ông sẽ can thiệp, chẳng hạn như nhờ Jimmy Neighbour đến nói chuyện với tôi. Thực sự là như thế. Ông có lý khi bảo tôi sẽ được vào đội chính nhanh hơn nếu gia nhập West Ham vì tiêu chuẩn ở đó không quá cao và vô vàn những lý do mà tôi nên đá cho West Ham - toàn những lý do đầy sức thuyết phục cả.
Bản hợp đồng đào tạo trẻ đầu tiên mà tôi ký đã đưa về cho tôi 30 Bảng mỗi tuần và 50 Bảng cho mẹ tôi để chi trả chi phí chỗ ở của tôi. Thời điểm đó, tôi đã bắt đầu biết ra ngoài chơi và số tiền đó thường sẽ “bốc hơi” trong một buổi tối. May mắn là mẹ tôi thường dúi thêm cho tôi một ít để tiêu, dù số tiền không quá nhiều. Bà vẫn luôn tuyệt vời như thế. Bản hợp đồng mà tôi đã ký lúc đó có kèm theo điều khoản là nếu làm tốt, tôi sẽ được lên chuyên nghiệp ở tuổi 17. Khác biệt quá lớn. Hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của tôi với West Ham mang về cho tôi mức lương 500 Bảng/tuần, tăng lên 550 Bảng vào năm sau và 600 Bảng vào năm sau nữa. Nhưng tiền không phải là vấn đề quá lớn. Một vài người bạn tôi đã từng chơi chung hồi còn ở đội trẻ cũng đã được ký hợp đồng: Lee Hodges, Danny Ship, và cả những người khác. Tôi được ở cùng bạn bè và cảm thấy như mình đang ở nhà.
May mắn cho West Ham, khi bố tôi và bác Harry lên nắm đội thay cho Billy Bonds, họ cũng đã nắm được điểm yếu trong công tác đào tạo trẻ và đã xử lý được vấn đề. Mọi thứ được sắp xếp ổn thỏa và toàn bộ đội ngũ vận hành cần phải quan tâm đến từng cá nhân, thứ vẫn còn thiếu trước đây. Cả hai người họ đều giỏi trong việc này - chăm sóc người khác là điều đã ăn vào máu của họ rồi.
Gần như ngay lập tức, họ tới nhà Joe Cole để bàn bạc về tương lai của cậu ấy. Joe được nhiều người công nhận là cậu bé tiềm năng nhất trong đám trẻ cùng trang lứa và được gần như tất cả các câu lạc bộ trong nước biết tới. Không như tôi, Joe không sống ở West Ham mà tới từ Camden, nên cậu ta không thực sự có mối liên kết nào với câu lạc bộ. Bố tôi cùng bác Harry nhận ra rằng họ không thể dùng những sợi dây liên kết nào để lôi kéo cậu ta cả. Về điểm này họ khá nhạy cảm, và cũng khá biết cách thuyết phục người khác. West Ham có lẽ là nơi ít thu hút sự chú ý của Joe nhất, nhưng bù lại, họ biết cách tỏ ra quan tâm khi nói chuyện với cậu ta và gia đình về quyết định nên đầu quân cho nơi nào. Họ đều đã trải qua cảm giác có con trai từng phải đối mặt với sự lựa chọn và các ông bố, bà mẹ phải giúp con mình khi thời điểm quyết định đến. Lần này, những thứ nhỏ nhặt lại đóng vai trò quan trọng. Joe được mời đến một trận sân khách và ngồi trên băng ghế của đội Một. Cậu ta được trở thành một phần của đội trong một ngày, điều mà mọi đứa trẻ đều ao ước - mặc dù với câu lạc bộ thì chẳng đáng là bao. Nhưng không quan trọng. Các dấu hiệu đều chỉ đúng hướng và đó là điều quan trọng nhất.
Họ đã thuyết phục được West Ham và đưa Tony Carr lên làm huấn luyện viên đội trẻ. Vài năm sau khi tôi ký hợp đồng, tôi và Rio đã có cơ hội “gõ cửa” đội Một. Cuối cùng thì, họ cũng đã thực hiện lời hứa rằng câu lạc bộ này có quan tâm tới thế hệ sau. Rằng họ trao cho các cầu thủ trẻ cơ hội. Họ đưa West Ham trở về cái gốc ban đầu và một lần nữa biến nó thành một câu lạc bộ gia đình. Điều này đã từng bị lãng quên ở đâu đó. Nhiều người có thể lấy làm lạ vì một nơi chuyên sản sinh ra các tài năng bóng đá như Upton Park lại không có tài năng nào xuất hiện trong một khoảng thời gian dài. Dưới thời của bố tôi và bác Harry, mọi thứ đã thay đổi. Ngoài tôi ra, còn Rio, Joe Cole, Michael Carrick, Jermain Defoe, rồi sau đó là Glen Johnson, tất cả đều bước chân vào và biến West Ham trở thành một đội bóng hoàn hảo.
Trong số đó, Rio và Joe là hai cầu thủ sở hữu tài năng nổi trội nhất. Rio nhỉnh hơn vì cậu ta có đủ thể lực để thành công nhanh hơn. Joe phải cố gắng hơn nhiều về khoản đó và thậm chí đến bây giờ vẫn còn phải cố gắng. Carrick có lẽ là cầu thủ có kỹ thuật thiên bẩm tốt nhất nhóm, còn Defoe thì không khác gì một cỗ máy săn bàn chính hiệu. Rio và tôi từng bàn luận về điều đó trên tuyển Anh và nó khiến tôi thắc mắc không biết mình nằm vào nhóm nào. Tôi đoán có lẽ đâu đó ở khoảng giữa. Tôi có một ít tài lẻ, chút kỹ thuật và cũng có thể ghi được vài bàn. Rio đồng tình và tôi cho rằng những gì mình ước tính là đúng, khi so sánh khả năng hiện tại của tôi với hồi đó. Còn với West Ham, họ đã có một khoảng thời gian tuyệt vời với lứa cầu thủ trẻ cực kỳ tài năng. Mặc dù sau đó các cầu thủ lần lượt rời đi nhưng câu lạc bộ cũng thu lời kha khá trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác.
Ngày ký hợp đồng, tôi không giấu nổi niềm hạnh phúc. Cuối cùng thì tôi đã được thỏa mãn ước mơ từ thuở bé. Sau nhiều năm ăn, uống, ngủ, nghỉ cùng bóng đá, giờ đây tôi đã được trả tiền để tiếp tục làm những điều đó. Đó là một cảm giác không thể tuyệt vời hơn. Năm đầu tiên trong đội trẻ hội tụ đủ những thứ hay ho nhất trong bóng đá. Bạn có một cộng đồng nhỏ gồm toàn những đồng đội, vẫn còn cách rất xa thế giới đầy cạnh tranh của đội Một và con đường thi đấu chuyên nghiệp. Đây là khoảng thời gian mà trường học cũng là nơi bạn làm việc, khi mà các yếu tố của cả hai môi trường cùng hiện diện trong một chỗ. Chúng tôi luyện tập với suy nghĩ rằng đây vừa là một phần công việc và cũng là bài tập của mình nữa. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải làm những việc vặt khác nhưng tôi không bận tâm đến chuyện đó cho lắm. Giờ tôi là cầu thủ rồi, một cầu thủ West Ham. Tuy vậy, cảm giác phấn khích ấy nhanh chóng bị đánh bay sau loạt trận giao hữu trước mùa giải đầu tiên của tôi.
Billy Bonds vẫn luôn “mát tay” với các cầu thủ trẻ. Ông ấy biết tên của bạn, cách bạn hòa nhập với đội, đôi khi ông ấy còn đùa vui với bạn nữa. Xui xẻo thay, ông ấy cũng là một gã chạy đường dài rất giỏi. Thực tế thì ông ấy chạy tốt hơn bất cứ ai trong đội. Chạy ư? Ông ấy là người giỏi nhất và luôn thích khoe điều đó ra.
Mọi cầu thủ đều đồng ý rằng chạy đi chạy lại không ngừng hết dặm này đến dặm khác là một cực hình chán ngắt trong đợt chuẩn bị trước mùa giải, và nó cũng là việc mà phần lớn chúng tôi đều ghét. Tôi từng là người chạy khá ở trường và không quá quan tâm về vấn đề này, nhưng thực tế tôi biết một vài cầu thủ thà đi dọn nhà vệ sinh trong sân vận động sau trận đấu còn hơn tham gia chạy với Billy. Chúng tôi từng phải chạy xuyên rừng Hainault, lên đồi, xuống đồi, rồi vượt suối. Sau đó chúng tôi phải tiếp tục với khu rừng Epping và trong những lần như thế, Billy thường sẽ vượt lên dẫn đầu, sau đó lại chạy về phía sau để “động viên” nhóm cuối. Ông ấy quá đỉnh - như Steve Ovett trong đôi giày đá bóng vậy.
Thường thì tôi sẽ cố hoàn thành bài chạy đó nhưng lần này tôi đã kiệt sức. Chân tôi tê cứng như bê tông. Ở trường, tôi chưa bao giờ như thế cả. Thường thì bạn có thể dừng, báo với giáo viên rằng bạn không thể tiếp tục nữa, và họ sẽ lắng nghe. Nhưng ở đây thì không. Ở đây không khác gì trại lính và bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục. Mọi thứ cứ tiếp diễn như thế khoảng hai đến ba tuần liền. Các bài tập quá khắc nghiệt và tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình đang bước vào một thế giới khác, nơi không có cậu bé nào tồn tại cả, chỉ có đàn ông thôi. Thường thì bạn sẽ thích nghi với nó nhưng tôi không thể ngừng nghĩ rằng nó quá cổ hủ.
Claudio Ranieri cũng là một “fan cứng” của bộ môn chạy nhưng ông không khó khăn đến thế. Chỉ tới khi Jose Mourinho trở thành huấn luyện viên của Chelsea thì tôi mới nhận ra rằng cắm đầu cắm cổ chạy trong các buổi tập huấn mùa hè không phải là điều kiện tiên quyết cho một mùa giải thành công. Huấn luyện viên thể lực của chúng tôi là Rui Faria đã nói thế này: “Nếu tôi làm việc với một nghệ sĩ chơi đàn, tại sao tôi lại phải bắt cậu ta đàn liên tục tới khi kiệt sức? Liệu điều đó có biến cậu ta thành một nghệ sĩ giỏi hơn không?” Tôi không biết những bài chạy xuyên quốc gia đó sau này có giúp tôi đá bóng giỏi hơn hay không, nhưng lúc đó tôi chỉ biết cắn răng mà tiếp tục. Dù vậy, nó vẫn giúp tôi phát triển thể lực và tạo nên một ngưỡng mới cho chính bản thân mình, và đó là những lợi ích vô giá.
Chúng tôi chuyển sang chạy nước rút và khi quả bóng được đưa vào các buổi tập, lại càng có nhiều bài tập hơn nữa. Chúng tôi phải tập đánh đầu và vô-lê liên tục, chạy với bóng, và chuyền, và sút. Phải thế chứ. Đây mới đúng là thứ mà tôi đã chờ đợi. Tony Carr là huấn luyện viên của chúng tôi và ông khá tốt với tôi. Giọng ông khi nói chuyện luôn ở mức vừa phải. Ông không bao giờ tỏ ra ưu ái tôi và khi cần phải lên giọng với tôi, ông luôn sẵn sàng. Tôi trân trọng điều đó. Tôi đã tưởng là mình sẽ rơi vào tình huống khó xử khi là “con ông cháu cha” trong đội nhưng may mắn là ông ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Tony khá cứng nhắc về sinh hoạt của các cầu thủ trẻ và luôn yêu cầu bọn tôi bắt đầu buổi tập một tiếng trước khi các cầu thủ đội Một đến sân. Vào các ngày thứ Hai và thứ Tư, chúng tôi đều phải chạy hơn một dặm, tức là tương đương với khoảng năm vòng quanh sân. Chúng tôi đến lúc tám rưỡi sáng và tới chín giờ là đã yên vị trên sân tập rồi. Đó là một công việc khá khó khăn. Thường thì chúng tôi sẽ có trận đấu vào thứ Bảy và được nghỉ ngày Chủ nhật nên việc phải bắt đầu tuần mới bằng những bài chạy với cự ly như thế thực sự không có tí gì gọi là thú vị cả. Hoàn toàn không có một chút xả hơi thư giãn nào.
Sau đó, chúng tôi sẽ lại quay về phòng thay đồ để chuẩn bị đồ tập cho các cầu thủ đội Một và làm sạch những đôi giày. Rồi sau đó lại phải ra sân sắp xếp chướng ngại trong khi các “đàn anh” thay đồ bên trong. Đó đều là phần nhỏ trong những công việc hằng ngày, mặc dù tôi phải thú nhận, công việc tồi tệ nhất vẫn là đi nhặt bóng sau khi bọn họ tập xong. Chủ yếu do Julian Dicks có sở thích kỳ lạ là sút bóng càng xa càng tốt. Ai từng xem sẽ thấy rằng Dicksy có những cú sút như một đoàn tàu tốc hành vậy. Anh ấy cũng không hề có dấu hiệu chậm lại khi liên tục “bắn” những quả bóng tới các góc sân tập. Anh ấy còn có khiếu hài hước cực dị nữa. Khi chúng tôi đã thu lượm lại gần hết số bóng, anh ấy bắt đầu quay lại và sút chúng đi khắp nơi thêm lần nữa. Nếu có quả bóng nào thất lạc, chúng tôi phải cử hẳn một đội ngũ sục sạo khắp khu vực hàng rào quanh sân tập để tìm chúng.
Tôi thích làm các công việc quanh sân tập. Theo truyền thống thì mỗi cầu thủ tập sự đều được “giao phó” cho một vài đôi giày của cầu thủ chuyên nghiệp, với nhiệm vụ là không để chúng còn bám bẩn. Tôi được giao cho giày của Dicksy và Lee Chapman. Dicksy đặc biệt khắt khe và nếu anh ấy phát hiện một vết bẩn nhỏ trên giày của mình, anh ấy sẽ gọi bạn vào, ném chúng vào bạn. Với chúng tôi, điều quan trọng nhất của công việc đó chính là khoản thưởng Giáng sinh, khi mà các cầu thủ chuyên nghiệp - với một khoản lương khổng lồ - sẽ cho chúng tôi thêm vài Bảng sau cả năm làm việc chăm chỉ. Tôi đã được hứa hẹn như thế. Dicksy đã gặp tôi trước thềm mùa giải mới và bảo rằng nếu tôi làm việc tốt, anh ấy sẽ có thưởng xứng đáng vào cuối năm. Tôi hứa với anh ấy và anh ấy cũng giữ đúng lời hứa của mình. Ngay trước lễ Giáng sinh, anh ấy gọi tôi lại và đưa cho tôi khoảng 100 Bảng. Tôi đã khá sốc. Số tiền quá lớn với tôi nhưng Dicksy là một cầu thủ hào phóng và tỏ ra tôn trọng với những người mà anh ấy cho là đã làm tốt công việc của mình.
Dù vậy, tôi chưa bao giờ dám nghĩ là anh ấy sẽ trả cho tôi hậu hĩnh như thế. Kỳ vọng và tiêu chuẩn của tôi bắt đầu tăng lên. Lee Chapman là một trong những cầu thủ hưởng lương cao nhất câu lạc bộ và tôi đã lau chùi, kỳ cọ đôi giày của anh ấy cho tới khi da ngón tay của mình bị bong tróc. Kết quả là anh ấy cho tôi 20 Bảng. Đúng là xui xẻo, nhưng tôi không than phiền được. Sao tôi dám chứ? Đó là những cầu thủ tôi luôn lấy làm hình mẫu và họ chỉ cần gọi tên tôi một lần thôi là tôi đã cảm thấy sung sướng cả ngày rồi. Vậy nên bây giờ, khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn cố làm điều đó với các cầu thủ trẻ - tôi cố nhớ tên họ và dành một chút thời gian cho họ. Tôi từng là một cầu thủ trẻ như họ và tôi vẫn chưa quên cảm giác lúc đó như thế nào.
Dicksy đôi lúc có thể khiến tôi khó chịu nhưng anh ấy thực sự không cố ý như thế. Tôi cũng không để bụng vì ít ra là anh ấy còn chú ý đến tôi. Dù sao, Dicksy cũng là một huyền thoại. Nói anh ấy có một cái chân trái tuyệt đẹp thì chẳng khác nào bảo Paolo Maldini chỉ là một hậu vệ tạm ổn cả. Trước mỗi buổi tập, mọi người thường sẽ khởi động làm nóng người. Chủ yếu là giãn gân cốt và thả lỏng trước khi bài tập thực sự bắt đầu. Dicksy thì không. Anh ấy sẽ vác một bao đựng đầy bóng trên vai và đặt chúng trước khung thành. Trong khi chúng tôi đang khởi động thì anh ấy tung những cú sút và vô-lê cực hiểm về phía cầu môn.
Trên sân đấu, anh ấy là một cầu thủ cực kỳ khó đối phó, mặc dù những cú sút của anh ấy chắc sẽ có nhiều uy lực hơn những pha phòng ngự. Tuy vậy, anh ấy vẫn là một cầu thủ tuyệt vời. Anh ấy có khả năng đón bóng tốt và đánh bại nhiều cầu thủ đối phương. Với các cổ động viên, anh ấy là một thần tượng hoàn hảo - một đội trưởng đích thực. Có thể đôi khi anh ấy đi hơi quá giới hạn, trước nay anh ấy vẫn thường tỏ ra khó khăn với người khác. Nhưng khi lớn hơn một chút, tôi nhận ra anh ấy là người khá nhạy cảm. Anh ấy có những nét riêng của mình. Anh ấy độc lập, tự chủ và tôi thích điều đó.
Một vài cầu thủ đội Một đối xử tốt với tôi vì nể bố tôi và bác Harry. Tôi không bao giờ biết họ có thực sự tốt như thế không. Nhưng Dicksy thì khác, nếu không thích, anh ấy vẫn bảo tôi “Cút đi” như với những người khác. Anh ấy cũng chẳng quan tâm kể cả nếu bố tôi có là chủ sở hữu câu lạc bộ đi chăng nữa. Tôi tôn trọng anh ấy vì điều đó.
Lau chùi giày của anh ấy hay bất kỳ ai đều không phải là công việc tệ nhất chúng tôi từng làm. Chúng tôi từng phải dọn phòng ăn, hành lang, phòng thay đồ và lau chùi phòng tập thể hình khi mọi người rời khỏi. Sau đó, vào cuối ngày, chúng tôi phải ngồi trong phòng ăn chờ Tony Carr đi kiểm tra một lượt để xem mọi thứ có được dọn dẹp sạch sẽ hay không. Đây là thời điểm căng thẳng nhất mỗi ngày. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi vì chỉ cần một vết bẩn nhỏ thôi là chúng tôi sẽ phải ở lại sửa sai. Thực sự là đau khổ nếu có một ai đó không hoàn thành nhiệm vụ nhưng tôi hiểu điều đó. Đây là công việc đòi hỏi sự hợp tác và không được phép khiến đồng đội thất vọng.
Thường thì chúng tôi ít khi bị bắt ở lại, nhưng nếu có thì thường là do lỗi của Rio. Vài năm sau, Sven-Goran Eriksson có lần gọi Rio là một người “hơi lười biếng”, nhưng ông ấy đã sai. Rio không phải là “hơi lười biếng”, mà là một kẻ “lười chảy thây” - tất nhiên là chỉ ở phạm vi ngoài sân bóng. Còn trong các buổi tập hay trong trận đấu, và cả trong lúc rảnh rỗi, tôi ít khi nào gặp được ai cống hiến hết mình như Rio. Ngày đó hay bây giờ, cậu ấy vẫn luôn như vậy. Chú tâm hoàn toàn vào bóng đá nhưng lại ghét làm việc vặt và vẫn thường tìm cách lẩn trốn khỏi các buổi dọn dẹp phòng tập. Đôi lúc cậu ấy trốn, đôi lúc lại nổi giận vì đôi giày của ai đó hay đống bừa bộn trong phòng tắm. Tôi thấy khá buồn cười.
Lười việc vặt là thế nhưng lúc nào cậu ấy cũng được khen “ké” mỗi lần chúng tôi làm việc tốt. Nhiều lúc tôi cảm thấy buồn cười, còn Rio thì quá đáng yêu đến mức bạn thường làm luôn phần việc của cậu ấy trong khi cậu ấy pha trò cho bạn cười. Lúc đó chúng tôi đều vô tư và tôi thích thế. Giữa chúng tôi như có một sợi dây liên kết vô hình độc nhất vô nhị mà lúc đó tôi không hề nhận biết được. Sợi dây đó thiết lập trên sự phấn khích của những ngày đầu trong chuyến hành trình dài của đời cầu thủ, và cả việc chúng tôi đang cùng nhau thực hiện ước mơ của bao nhiêu cậu nhóc ngày đó.
Chúng tôi vẫn thường nghịch ngợm và đùa giỡn với nhau trong lúc tập luyện, và cả lúc làm những công việc hằng ngày nữa. Rio và tôi trở thành bạn tốt ngay khi cậu ấy mới gia nhập West Ham. Cậu ấy được đưa vào đội của tôi gần như ngay lập tức và mặc dù còn ít tuổi, cậu ấy vẫn thể hiện tốt và đã được đền đáp xứng đáng.
Chúng tôi từng chơi một trò chơi tên là “D’s”, theo hình thức hai đấu hai, và đấu trong sảnh phòng tập của đội. Tôi, Rio, Hodgey và Joe Keith thân nhau như anh em vậy. Luật chơi khá đơn giản: bạn chỉ được chạm bóng đúng một lần để điều khiển nó, và người còn lại phải đá quả bóng đó về phía đối thủ đứng bên trong một chữ D được vẽ trên sàn. Trò chơi thì vui nhưng chúng tôi thì ganh đua từng tí một. Một người có thể dễ dàng “phá game” để rồi bị trêu chọc không ngừng suốt nhiều ngày sau đó. Chúng tôi thân nhau đến mức không ai muốn đứng ở vị trí nhận bóng cả.
Hodgey vẫn luôn là người khỏe nhất trong chúng tôi ở năm đầu tiên đó. Cậu ấy có thể đá ở bất cứ vị trí nào trong hàng tiền vệ hoặc ngay phía sau tiền đạo. Cậu ấy khá khỏe và luôn là chủ đề bàn luận của mọi người thời điểm đó. Cậu ấy từng đá cho đội học sinh của Anh và là cầu thủ nổi trội hơn hẳn đám bọn tôi. Cậu ấy cũng là một cây săn bàn nhạy bén. Mà không chỉ là những bàn thắng bình thường. Cậu ấy như là Midas của đội vậy. Tất cả những cú sút của cậu ấy đều bay thẳng vào góc trên khung thành, từ khoảng cách gần 30 yard1, và thường là những quả vô-lê. Lúc cậu ấy phải giải nghệ sớm vì chấn thương đầu gối, tôi đã rất buồn, nhưng tôi vui vì chúng tôi vẫn là bạn tốt sau đó.
[1] 1 yard = 0,9 mét.
Đó là khoảng thời gian tuyệt vời, cả trong bóng đá lẫn đời sống xã hội mà một cậu nhóc tuổi 16, 17 như tôi đang háo hức khám phá. Chúng tôi thường đấu một trận vào sáng thứ Bảy rồi sau đó đi ăn trưa ở McDonald’s. Không hẳn là thực đơn giàu dinh dưỡng: chúng tôi thích ăn khoai chiên và bánh burger. Stan, tài xế xe bus, thường chở chúng tôi tới đó và đợi chúng tôi lấy đồ ăn, rồi chúng tôi sẽ ăn ngay trên xe trong khi tới sân vận động Upton Park. Đó là những ngày tuyệt vời nhất, khi West Ham thi đấu trên sân nhà và chúng tôi thường sẽ tới sân trước giờ bóng lăn vài tiếng.
Vẫn trong giai đoạn thử việc nên chúng tôi được đi lòng vòng trong khu vực của các đội. Tôi rất thích không khí hào hứng trong phòng thay đồ và đường hầm trước giờ bóng lăn. Lúc đó sẽ có nhiều việc để làm: Người phụ trách trang phục của đội có thể cần trợ giúp hay một lời nói, thông điệp nào đó sẽ cần người chuyển lời hộ. Các khán đài bắt đầu đông dần và tiếng ồn có thể nghe từ khắp mọi nơi. Chúng như tiếp thêm năng lượng cho tôi. Nhìn các cầu thủ mặc áo đấu vào và bước ra sân trong khi đám đông hò hét và đồng thanh hát bài “I’m forever blowing bubbles”, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái mơ mộng, tưởng tượng mình là một trong 11 con người chuẩn bị bước vào trận đấu sắp tới. Chỉ nghĩ thôi tôi đã nổi gai ốc và cảm thấy bồn chồn.
Tôi nhanh chóng trở về mặt đất. Nếu đội đang thua vào giữa giờ hay tệ hơn là thua trận đấu đó, bạn phải cực kỳ cẩn trọng trước lời nói của mình. Bác Harry sẽ bước vào với một cái đầu bốc hỏa và nếu bắt gặp ai đó trong số chúng tôi lảng vảng xung quanh và cười cợt, đùa giỡn, bác sẽ quát: “Chúng mày cười cái quái gì thế?” Chúng tôi sẽ lập tức im bặt. Có thể bác thực sự khó chịu, nhưng dù sao chúng tôi cũng chỉ là những cậu nhóc thôi mà.
Bác Harry không chỉ yêu bóng đá - bác thực sự sống cùng nó. Bác rất nghiêm túc khi đội thua cuộc và không bao giờ có thái độ khác dù bạn có ở đội Một hay đội trẻ. Đó như bản năng của bác vậy, trước nay vẫn thế. Tôi nhớ bác từng vào phòng tập thể hình khi chúng tôi đang chơi trò “D’s” và cười cợt với nhau. Hình như lúc đó bác đang khó chịu về một việc gì, nên đã cấm luôn chúng tôi chơi trò đó, đồng thời bắt đầu “lên lớp” chúng tôi: “Bọn mày lẽ ra phải đang ở ngoài tập luyện những thứ như đánh đầu chứ không phải chơi đùa ở trong này.” Theo bản năng, chúng tôi đều nhìn xuống chân. Đôi khi bác ấy tỏ ra lo lắng thái quá, nhưng lần này chúng tôi biết bác đã đúng. “D’s” đã trở thành một trò ngớ ngẩn quá mức của chúng tôi. Có thể nó tốt trong việc phát triển kỹ thuật chơi bóng nhưng chúng tôi lại bỏ quên những kỹ năng khác quan trọng không kém và cũng nhàm chán không kém.
Harry rất giỏi trong những tình huống quyết định như thế. Bác luôn có giác quan thứ 6 với một số việc xảy ra xung quanh câu lạc bộ của mình, và giác quan ấy có được nhờ sự quan tâm chu đáo tới vấn đề vận hành ở tất cả các cấp độ. Quan trọng hơn, bác quen biết tất cả mọi người liên quan tới từng việc một, kể cả đội trẻ. Không cần biết bạn là cầu thủ đội Một, đội dự bị, ban huấn luyện hay phụ trách giặt giũ quần áo của đội, Harry vẫn đối xử tốt với bạn và luôn đảm bảo để bạn biết rằng mình quan trọng thế nào trong sự thành công của cả câu lạc bộ.
Khi bác nặng lời như thế, chúng tôi nhận ra rằng đó là vì bác muốn điều tốt nhất cho chúng tôi, vì quan tâm chúng tôi. Bác khá giỏi trong việc cười đùa như một người bạn. Là những cầu thủ trẻ, chúng tôi lúc nào cũng muốn được bác chú ý tới, dù cho có phải đối mặt với cơn thịnh nộ, thì ít nhất cũng được đưa vào “tầm ngắm”.
Khi ấy chúng tôi không hề biết việc quản lý và thi đấu cho đội Một áp lực như thế nào. Sau bài giáo huấn và Harry đã bỏ đi, chúng tôi sẽ về nhà và “lên đồ” để chuẩn bị ra ngoài chơi tối. Một trong những thứ hay ho ở đội trẻ đó là chúng tôi thường ra ngoài cùng nhau. Không có nhóm riêng, không có đánh lẻ. Chúng tôi khi ấy như có chung một tinh thần, một sợi dây kết nối độc nhất vô nhị. Chỉ tới bây giờ tôi mới nhận ra rằng đó là một trong những giai đoạn đẹp đẽ nhất sự nghiệp, cuộc sống không có những áp lực liên tục đè nặng lên vai như những gì tôi phải trải nghiệm sau này.
Rio nhỏ hơn tôi một tuổi nên cậu ấy bắt đầu luyện tập cho đội trẻ muộn hơn tôi một năm. Vì thế, khi luyện tập, cậu ta luôn tỏ thái độ bất mãn với những bộ đồ và dụng cụ tập mà mình phải nhận. Cũng đáng thôi. Chưa kể cậu ấy luôn là người cuối cùng xuất hiện trong các buổi tối thứ Bảy vì cậu ấy phải đi đi về về xuyên thành phố từ Peckham.
Hồi tưởng về những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời mình bao giờ cũng dễ dàng. Mọi người đều có những kỷ niệm có thể gợi lên cảm xúc giúp các hình ảnh trong ký ức hiện lên rõ ràng hơn. Với tôi, các ngày thứ Bảy đều rất đặc biệt. Đến giờ vẫn vậy. Hãy thử tưởng tượng cảm giác của tôi, khi mỗi sáng thức dậy và biết mình được thi đấu cho câu lạc bộ mà mình yêu thích, sau đó đi xem câu lạc bộ đó thi đấu, và kết thúc một ngày bằng buổi tối bên những người bạn thân, trong vòng tay của những cô gái xinh đẹp… Bạn sẽ thấy nó tuyệt thế nào. Sống trong giấc mơ, tôi đã sống trong giấc mơ của mình như thế.
Thủ môn đội tôi lúc ấy là Neil Finn (Finny). Cậu ấy cùng với tôi và Hodgey, là những “thủ lĩnh” của nhóm. Finny và tôi vẫn rất thân nhau. Cậu ấy không thể chen chân vào đội Một, nhưng vẫn được bắt chính một trận. Lúc đó cậu ấy mới chỉ 17 tuổi và chưa sẵn sàng cho bóng đá cấp độ cao như thế. Cậu ấy từng được đến sân của Manchester City để dự bị cho Ludo Miklosko. Ludo bị rút khỏi danh sách vào đêm trước trận đấu, và Finny được tung vào sân. Đó là một thành tựu “khủng” đối với cậu ấy, khi trở thành thủ môn trẻ nhất được bắt chính tại Ngoại hạng Anh thời điểm đó. Tôi đã nói chuyện với bố mẹ cậu ấy trước trận đấu và họ tỏ ra rất tự hào về cậu con trai của mình. Tôi hiểu cảm giác của họ, và tôi cũng thắc mắc, không rõ cậu ta căng thẳng đến mức nào trước giờ bóng lăn.
Đó là khoảnh khắc khó quên của Finny và thú thực lúc đó tôi rất ghen tị với cậu ta. Tôi vẫn thường hay nhạo cậu ta (và đến giờ vẫn thế) vì trận đó họ thua 2-1 và Niall Quinn lập cú đúp. Lúc ấy Finny khom người định bắt bóng nhưng Niall đã lốp bóng qua người cậu ta. Tôi cho rằng đó là bàn thắng đẳng cấp nhất mà Niall từng ghi được và tôi không thể để Finny quên nó được. Giờ thì cậu ta chuyển sang đá giải không chuyên cho Romford, nhưng khuôn mặt cậu ta vẫn tròn trĩnh như ngày nào. Và mỗi khi tôi bắt đầu cà khịa về màn trình diễn này, cậu ta sẽ nhắc lại rằng ít ra mình từng được đứng trong đội ngũ đó, với tư cách là một thành viên của đội Một hôm ấy.
Câu chuyện sắp tới đây có thể hơi khó nghe, nhưng thực sự hồi ấy tôi từng phải nhận khá nhiều lời chỉ trích, chủ yếu là nói xấu sau lưng. Tôi biết điều đó là khó tránh khỏi khi mà bố tôi và bác Harry đều ngồi ở những vị trí có tầm ảnh hưởng. Không thể nói là tôi hoàn toàn nhận thức được điều đó, đúng hơn là tôi có thể cảm nhận được chúng quanh mình, dù chỉ là những tranh cãi nhỏ nhặt với vài người trong đội. Tôi chưa bao giờ để chúng làm ảnh hưởng tới mình hay phải trói buộc những suy nghĩ rằng mình phải phản ứng thế nào.
Phản ứng thế nào ư? Tôi chỉ cố lấy sự tôn trọng của họ bằng cách thi đấu với tất cả khả năng của mình. Trong khi đó, phản ứng của bố tôi lại khác. Thường thì ông sẽ chỉ trích tôi một chút nếu kết quả không tốt, nhằm giúp tôi tránh khỏi sự “chăm sóc đặc biệt” kia. Tôi hiểu điều đó. Và tôi cũng quen rồi.
Điều tôi quan tâm là học hỏi nhiều nhất có thể và trở thành một cầu thủ tốt hơn. Đội trẻ của chúng tôi khi ấy khá tốt. Rất tốt là đằng khác. Chúng tôi vô địch giải năm ấy còn tôi thì ghi 25 bàn thắng ở vị trí tiền vệ trong mùa đầu tiên. Tôi cảm thấy thoải mái. Tôi vẫn luôn đá ở vị trí đó, dù ở đội trẻ này, mọi cầu thủ đều cố thử sức với các vị trí khác nhau. Tôi là ngoại lệ với quy luật đó. Tôi luôn đá tiền vệ trung tâm. Luôn luôn. Tôi nhớ có lúc Rio đá hậu vệ, có khi đá tiền đạo, còn tôi luôn luôn bám chặt vào những gì tôi đã biết. Giờ đây tôi có thể cảm nhận được ích lợi của trải nghiệm sớm đó. Tuy vậy, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi.
Tôi bắt đầu để ý đến bóng đá nhiều hơn ở cả khía cạnh tâm lý lẫn thể chất. Tôi đã nhận ra một điều cực kỳ quan trọng vào thời điểm đó, rằng tôi không muốn mãi chỉ là một cầu thủ nhỏ bé chỉ biết giữ bóng rồi chuyền cho đồng đội làm việc tiếp theo. Không, tôi muốn áp đảo ở vị trí của mình, luôn luôn tiến lên phía trước và ghi bàn.
Khi còn thử việc, tôi cảm thấy hầu như mọi thứ đều khó khăn hơn những gì tôi đã trải nghiệm trước đây. Yêu cầu thể lực cũng khắt khe hơn và tôi cần phải tới phòng tập nâng cao thể hình và sức bền để có thể cạnh tranh với các đối thủ của mình. Bố tôi cứ lặp đi lặp lại rằng tôi cần phải biến những thứ cơ bản của một tiền vệ thành bản năng thứ hai của mình. Học tốt những phần cơ bản, rồi sau đó mới tới phần còn lại, ông hay nói như thế. Những điều tốt đẹp sẽ đến sau đó. Ông nói đúng. Đó là một phần chính trong những lý do vì sao tôi luôn cảm thấy thoải mái khi có bóng. Những mặt xấu xí của vị trí tiền vệ như phải theo kèm cầu thủ chạy chỗ, ngăn chặn các đường tấn công hay tắc bóng, tôi đều phải học trong thời gian đó và cũng mất khá nhiều thời gian trước khi được toàn tâm toàn ý tập trung vào tập sút và ghi bàn. Điều kinh khủng trong việc chỉ huy tuyến giữa chính là nền tảng để xây nên bất cứ thứ nào khác. Cơ thể tôi cần phải mạnh mẽ và tâm của tôi cần phải vững.
Tập với đội trẻ thì chậm hơn đội Một nhiều. Phải bổ sung thêm là tập một mình cũng thế. Tôi thường tự tập với chính mình. Tôi thường dành khá nhiều thời gian sút bóng vào tường rồi khống chế quả bóng, cứ tập đi tập lại cho tới khi cải thiện được khả năng phản ứng của mình. Các bài tập của tôi khá đa dạng, ví dụ như đá quả bóng rồi chạy theo nó. Rồi tôi sẽ làm lại bài tập đó và tự gây áp lực lên chính mình. Những đứa trẻ khác thường sẽ lang thang trong phòng tập và làm trò gì đó vui vẻ, như chúng tôi chơi trò “D’s” hồi trước vậy. Có những thứ mà tất cả chúng ta đều có thể làm một cách dễ dàng và sáng tạo mà không tốn quá nhiều công sức, nhưng việc bắt chúng ta phải tập những bài tập nhàm chán và khó nhằn quả thực là chẳng dễ dàng gì.
West Ham có khả năng thu hút những cầu thủ trẻ giỏi nhất. Tôi biết điều đó. Tôi từng chơi với vài người như vậy. Một người từng gia nhập năm 17 tuổi nhưng không lớn lên trong hoàn cảnh như tôi hay Hodgey. Tên cậu ta là Martin Mullins. Cậu ta là một học sinh ở Scotland và West Ham đã giật được cậu ta ngay trước mũi của các câu lạc bộ Old Firm2 cũng như một vài câu lạc bộ khác ở Anh. Cậu ta to con và gia nhập câu lạc bộ với một sự tự tin cao độ, luôn cho rằng mình là một cầu thủ giỏi thực sự. Tôi đã nghe nói về điều đó và trong luyện tập thì có vẻ thế thật. Một hôm, khi mọi người đã xong hết công việc trong ngày, đó là lúc đôi giày đinh của tôi hoạt động. Đất khá ướt và tôi bắt đầu ra ngoài chạy. Cỏ ướt thật thích hợp cho những pha bứt tốc ngắn từ điểm này sang điểm khác. Trời mưa giúp tôi có thể trượt để luyện tập chuồi bóng, ngay sau đó tôi lại đứng dậy và cứ tiếp tục như thế - những thứ này bạn không tìm được trong giáo án huấn luyện nào đâu, nhưng bố bắt tôi làm thế và tôi biết là tôi phải làm thế. Mullins đi tới với bộ quần áo mưa và nhìn thấy tôi đang trượt đi trượt lại giữa đống bùn. “Mày làm cái quái gì thế?” Cậu ta ngạc nhiên hỏi. Tôi im lặng không đáp, chỉ ngừng một lúc rồi tiếp tục. Tôi khá tự ái và tôi hơi ngại khi phải giải thích, mặc dù tôi vẫn tin tưởng vào việc mình đang làm. Mullins là một gã khá tự cao và nghĩ mình có mọi thứ cần thiết để thành công. Cậu ta sau đó chỉ nhìn tôi rồi lắc đầu bước đi. Tôi bối rối trong thoáng chốc rồi lại tiếp tục - vì tôi biết đích đến của mình là gì.
[2] Chỉ Celtic và Rangers.
Bố tôi thường chịu trách nhiệm chính trong rất nhiều việc, nhưng nghĩ ra những thử thách mới hoàn toàn là ý của tôi. Thường thì tôi sẽ chạy 8 vòng liên tục từ vòng 16m50 bên này sang vòng 16m50 bên kia sân và khi gần đạt mục tiêu, tôi sẽ tự nâng con số đó lên 10 vòng. Rồi sau đó tôi sẽ làm điều tương tự nhưng với quả bóng vì nó khó hơn. Sau này, khi vào đội Một, có lần tôi đến sân vào ngày nghỉ và tiếp tục những bài tập đó. Lúc ấy tôi khá ngượng. Tôi đang ở sân và Tony Carr đang tập cho đội trẻ, đột nhiên, tôi thấy mọi con mắt đang đổ dồn về phía mình. Dù vậy, những ánh nhìn đó không giống như ánh nhìn mà Mullins đã ném cho tôi. Tony chỉ đơn giản nói rằng đây là ngày nghỉ và tại sao tôi vẫn luyện tập. Có thể họ nghĩ tôi bị hâm. Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết rằng mình muốn trở thành một cầu thủ tốt hơn và để làm được điều đó, tôi phải luyện tập chăm chỉ hơn nữa. Việc cho rằng bạn đã có mọi thứ để thành công dễ hơn nhiều so với việc phải ra ngoài và làm theo yêu cầu. Nó đòi hỏi rất nhiều công sức.
Bố luôn bảo tôi rằng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là một việc rất khó khăn nên khi lớn lên, tôi không dám kỳ vọng ít hơn thế. Từ lúc bắt đầu chuyển tới West Ham, tôi cần phải bắt kịp mọi người. Tôi biết thế. Bài tập chạy mà chúng tôi thường phải tập tuần hai lần là một cực hình khi tôi mới bắt đầu. Tôi từng bị ốm khi cố chạy nhanh nhất có thể. Tony Carr và Frank Burrows - các huấn luyện viên đội trẻ - đã giúp tôi tăng sức bền. Tôi khổ sở với các bài tập đó vì tôi chưa hoàn toàn phát triển thể chất như một số người khác và chân tôi không thể chạy nhanh được như thế trong các buổi tập. Trong khi đó, Hodgey đã thành đàn ông rồi - tôi biết điều đó vì mỗi lần đi tắm cậu ta đều khoe là mình đã… mọc lông.
Tôi đá ở đội trẻ từ năm 16 tuổi và năm đầu trong chương trình đào tạo trẻ, tôi đã thi đấu cho cả đội trẻ lẫn đội dự bị vài lần. Đó là bước tiến lớn với tôi ở thời điểm đó - tôi thực sự có thể cảm nhận được điều ấy. Trong năm đầu chúng tôi đã vô địch cúp Liên đoàn sau trận chung kết hai lượt đi về, và nó để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi vì hai lý do.
Lý do thứ nhất, trận này chúng tôi đụng độ Chelsea. Lý do thứ hai, là Rio. Trong trận lượt đi, chúng tôi, cụ thể là tôi, ghi được một bàn, nhưng bị thua tới 4-1. Trước thời điểm diễn ra trận lượt về, cả đội Một đều đi Úc. Lúc đó là cuối mùa giải và họ đang đi du đấu. Câu lạc bộ coi như đã buông luôn trận lượt về sau kết quả thất vọng ở lượt đi, và họ có lý khi làm như thế. Kết quả là một vài cầu thủ lớn tuổi được đẩy xuống đội dự bị và một số cầu thủ trẻ được đẩy lên để đá trận lượt về tại Stamford Bridge. Mọi người, kể cả Chelsea, đều cho rằng đây chỉ là trận thủ tục.
Chúng tôi cũng chẳng mong cứu vớt được gì, vì thế nên không hề thấy áp lực khi thi đấu. Đội chẳng còn gì để mất, huấn luyện viên tung một cậu nhóc cao kều vào đứng ngay phía dưới hai tiền đạo: Rio. Những gì đã xảy ra sau đó quả thực là kỳ tích. Rio tỏa sáng rực rỡ. Cậu ta đá như thể mình là Ronaldinho vậy. Có những lúc tôi còn không đá mà chỉ đứng đó nhìn cậu ta đầy hứng thú. Cả đội hôm đó đều đá tốt nhưng Rio thì đã có một trận đấu để đời. Chúng tôi ghi hai bàn, rồi ba bàn trước khi họ kịp gỡ lại một bàn. Không quan trọng. Chúng tôi đang đà hưng phấn và không ai cản được.
Chúng tôi thắng 5-2 trong 90 phút, rồi trận đấu bước vào hiệp phụ, rồi sút luân lưu. Chúng tôi vững tinh thần và ghi bàn. Chúng tôi đã chiến thắng, với một đội hình toàn các cầu thủ trẻ khát khao cống hiến cho câu lạc bộ sau khi họ rút hết các cầu thủ thường xuyên đá chính ra. Đó là lần đầu tôi có danh hiệu và khoảnh khắc đó quả thật rất đặc biệt. Chiến thắng ấy lại còn ở ngay trên sân nhà của Chelsea nữa. Rio cực kỳ phấn khích. Tôi cũng vậy. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, thứ mà chỉ có thể xảy ra trong bóng đá, và chúng tôi đã làm được điều đó.
Bố tôi hơi sốc, nhưng ông không tỏ ra ngạc nhiên. Ông là người đã đóng vai trò quyết định trong việc đưa Rio về West Ham. Rio từng kể rằng, hồi đó bố tôi đột nhiên xuất hiện trong căn nhà nhỏ của cậu ta ở Peckham, nơi cậu ta sống với mẹ và cậu em trai Anton. Rio bị thu hút ngay lập tức. Bố tôi có một chiếc Mercedes đen và những đứa trẻ sống ở khu đó chưa bao giờ thấy chiếc xe nào như thế. Vẻ mặt cậu ta nhìn cũng thật tức cười khi tới thăm nhà chúng tôi. Với cậu ta, nhà tôi là một căn biệt thự hoành tráng. Khi đó gia đình tôi khá giàu và tôi biết điều đó, nhưng vẻ mặt Rio lúc bước vào và tròn mắt nhìn xung quanh, trông chẳng khác gì được đưa lên Sao Hỏa vậy.
Ký hợp đồng với Rio là một quyết định lớn với West Ham. Cậu ta thực sự là một nhân tố tiềm năng. Cậu ta cũng vật lộn với cơ thể mình như những cậu nhóc khác đang ở tuổi lớn. Tôi đã từng trải qua điều đó. Tôi nhớ mình từng khá ngạc nhiên về đôi chân dài ngoằng của cậu ấy. Cậu ấy vừa nhanh vừa cao, nhưng chưa được như hiện tại. Cậu ấy rõ ràng là một cầu thủ tốt, điều đó miễn bàn luận rồi. Nhưng cậu ấy không tự tin vào thể hình của mình cho lắm khi đá tiền vệ. Tôi hiểu điều đó, vì tôi cũng từng phải chịu đựng cái giai đoạn lớn vọt lên, nó có thể khiến mình cảm thấy mất phương hướng đến mức nào.
Lúc đấy Rio thường nói: “Tôi sẽ không làm nổi mất. Tôi không làm nổi mất.” Trông cậu ấy khá vụng về và tôi lo lắng rằng có thể cậu ấy nói đúng. Thế rồi, cậu ấy vượt qua mặc cảm và nhanh chóng trở lại trên đôi chân của mình khi gia nhập đội trẻ. Và tôi không cần biết lý do vì sao cậu ấy được đá vị trí tiền vệ công trong trận chung kết lượt về cúp Liên đoàn. Điều đó không quan trọng. Chiến thuật ấy quá tuyệt vời.
Từ sau đó, Rio phát triển cực nhanh. Khả năng giữ bóng của cậu ấy khá tốt, và khả năng nhận bóng một chạm thì như trở thành bản năng vậy. Cậu ấy tiếp tục phát triển xa hơn và bác Harry đã muốn Rio quay về vị trí ở hàng phòng ngự. Rio lo lắng. Chúng tôi bắt đầu ném cho nhau những cái nhìn khó hiểu, nhưng chúng tôi đã quen với việc bảo gì làm nấy rồi. Bác Harry tin rằng với khả năng và thể hình của Rio, cậu ta hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trung vệ xuất sắc. West Ham có truyền thống đào tạo những trung vệ như thế, và khi Rio được đem ra so sánh với Bobby Moore vĩ đại, tôi thường nhớ về chính khoảnh khắc mà quyết định ấy được đưa ra.
Mọi người có thể bàn ra tán vào về bác Harry, nhưng rõ ràng là bác ấy đã nhìn ra được điều đặc biệt nào đó ở Rio, điều sẽ giúp ích cho cả cấp độ câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Và tầm nhìn của bác Harry đã đúng. Rio vẫn luôn như vậy, kể cả khi cậu đầu quân cho Manchester United và Đội tuyển Anh. Cậu ta luôn có thể kiểm soát bóng và phát động tấn công từ hàng phòng ngự, thành thật mà nói thì tôi không thể nhớ được lần cuối Rio thất bại là bao giờ nữa. Vẫn có một vài lần cậu ta để mất bóng, và tất nhiên, là tâm điểm của sự chỉ trích. Người Anh là vậy đấy. Luôn chỉ trích, chẳng bao giờ động viên hay khích lệ ai cả. Nhưng Rio của chúng ta là một người đàn ông vô cùng cứng rắn. Cậu luôn biết mình phải làm gì, và với Rio, bóng đá không chỉ là mỗi khâu phòng ngự. Chắc chắn cậu ta đã phát triển thêm kỹ năng phòng ngự của mình sau khi đến Leeds United. David O’Leary - một thiên tài phòng ngự - là một người thầy tốt cho Rio. Thứ mà cậu ta cần cải thiện hơn nữa, có chăng là sự tập trung.
Vào khoảng thời gian trước khi rời khỏi Upton Park, Rio tự đánh giá bản thân là một cầu thủ khá “toàn diện”. Nhưng cầu thủ nào cũng cần phải luyện tập và phát triển, tôi cũng thế, và Rio cũng vậy. Chúng tôi có mất một chút sự gắn kết sau khi cậu ta chuyển đi, nhưng khi cả hai cùng lên đội tuyển, cảm giác cứ như ngày hôm qua, như hồi còn khoác lên mình màu áo West Ham vậy.
Quay lại thời điểm đó, mọi người đều nghĩ rằng Rio sẽ trở thành một cầu thủ giỏi. Thành thật mà nói, tôi có chút ghen tị. Tôi cũng muốn là tâm điểm, là người được mọi người chú ý. Rio lúc đó đã là một cầu thủ tuyệt vời - kể cả khi được đôn lên hàng tiền vệ. Tôi thực sự rất khác cậu ta. Trong khi Rio có tài năng thiên phú, thì tôi phải làm việc, luyện tập cực khổ để trở nên giỏi hơn. Về ngoại hình, hai chúng tôi cũng khác nhau. Tôi có đôi chút xấu hổ khi sở hữu thân hình không được đẹp cho lắm. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi tôi đến West Ham. Tôi đã khá chật vật. Và tôi cũng nhận ra rằng việc ghi bàn đã trở nên khó hơn. Mỗi khi một mùa giải kết thúc, thì một mùa giải mới sẽ bắt đầu ngay lập tức. Không hề có quãng nghỉ nào cả.
May mắn thay, tôi đã nhận ra được nhiều điều, và dần trưởng thành hơn. Tôi có phát triển muộn hơn mọi người một chút, phải đến tuổi 16 mới có bước đột phá. Tôi bắt đầu cao lên, và cũng giảm được cân nặng. Về mặt thể trạng, tôi thấy khá hơn, nhưng mùa giải đó giúp tôi nhận ra rằng mình vẫn còn rất nhiều điều phải cố gắng. Mùa giải ở Swansea, chính xác hơn là như vậy.
Tôi nhớ bác Harry có nói gì đó với tôi về việc tôi sẽ được đem đi cho mượn. Lúc đó, tôi đang nằm trên giường thư giãn thì bỗng nhiên có một cuộc điện thoại gọi đến. Mẹ tôi là người trả lời, rồi đem điện thoại đến cho tôi.
“Nghe này Frank,” bác ấy nói, “cơ hội đã đến với cháu, cháu sẽ được đem cho mượn.”
“Đến đâu ạ?” Tôi hỏi trong sự lo lắng.
“Swansea. Ta biết đấy chỉ là một đội bóng ở giải hạng thấp, nhưng sẽ tốt cho cháu đó. Hãy ra ngoài và trưởng thành hơn đi nào.”
Tôi không chắc chắn lắm về vụ này. Có cảm giác như tôi vừa bị từ chối vậy. Tôi dành mọi thứ, dành tình yêu của mình cho West Ham, và rồi phải rời đi trong một thời gian ngắn như vậy. Tôi thực sự không muốn rời khỏi nhà, kể cả chỉ trong vài tuần lễ. Ngộ nhỡ tôi phải ở đó lâu dài thì sao? Nhà và gia đình là hai thứ cực kỳ quan trọng đối với tôi, và tôi muốn nói với bác Harry điều đó. Bác ấy sẽ hiểu thôi, suy cho cùng, Harry là bác tôi cơ mà!
“Cháu không chắc đâu bác Harry ạ,” tôi đáp. “Có thể sẽ tốt hơn nếu cháu ở lại câu lạc bộ và tiếp tục luyện tập chăm chỉ hơn, tập gym nhiều hơn… Những thứ đó sẽ giúp cháu trưởng thành.”
Tôi không biết là bác ấy có nghe những gì tôi nói hay không. Nhưng điều này thực sự làm tôi thấy bối rối vô cùng.
“Cháu phải có mặt ở đó vào ngày mai,” một lời khẳng định chắc nịch từ đầu dây bên kia. “Cháu sẽ ổn, mọi thứ sẽ thuận lợi thôi mà.”
Tôi thậm chí còn không biết Swansea ở đâu. Tôi cũng mới chỉ đậu kỳ thi lái xe cách đây vài ngày, và khoảng cách từ sân Upton Park đến xứ Wales xem chừng khá là xa đấy.
Bố tôi - dù tin rằng tôi xứng đáng chơi bóng ở cấp độ cao hơn so với ông - cũng đã từng trải nghiệm điều tương tự. Huấn luyện viên lúc đó là Ron Greenwood đã yêu cầu bố tôi chuyển đến Torquay theo dạng cho mượn. Vào lúc đó, động thái bị cho mượn không giống như bây giờ - điều đó gần giống như việc bị tống đi vậy. Ông đã phản ứng lại, mặc dù hơi có chút bứt rứt khi làm việc đó. Bố tôi tôn trọng Ron Greenwood, như một huấn luyện viên, và như một người đàn ông. Để từ chối yêu cầu của ông ấy thì phải có gan lắm đấy. West Ham là một câu lạc bộ thành công vào thời điểm đó, và dường như ở đây đang có một dây chuyền rằng những cầu thủ giỏi chắc chắn sẽ có suất đá chính. Bố tôi biết ông muốn gì, và ông phải làm gì. Ông lao vào tập luyện, để có thể giữ được vị trí ở đây - ở West Ham chứ không đâu khác.
Có một điều mà bố tôi rất thích nhắc lại, là những gì mà Greenwood đã truyền đạt lại cho ông và bác Harry khi hai người còn là cầu thủ trẻ của câu lạc bộ. Huấn luyện viên thỉnh thoảng đến xem đột xuất buổi tập của cả đội. Câu “Tối giản là nghệ thuật” luôn được phát ra từ miệng người đàn ông này. Greenwood được xem là một người đàn ông có tư duy chiến thuật đi trước thời đại, và ông có một người học trò rất có ý chí - là bố tôi. Năm 17 tuổi, bố tôi và bác Harry quay trở lại trường cũ của họ, để huấn luyện những cậu nhóc 14 tuổi - điều mà tôi cũng làm vào đúng độ tuổi đó. Hướng dẫn những đứa trẻ giúp tôi nhận thức được những gì mình được chỉ dạy, và cách để áp dụng nó tốt hơn. Mặc dù bố cảm nhận được tài năng của tôi, nhưng ông vẫn muốn có chút thử thách để tôi có thể trưởng thành hơn. Về quyết định cho mượn này, ông cũng hoàn toàn ủng hộ, rằng tôi nên đi.
Tôi hoàn toàn bối rối. Tôi thậm chí còn vừa mới sở hữu con Ford Fiesta Si, vậy là đã phải đem nó ra đường ngay rồi. Tôi cũng rất lo lắng về khía cạnh chuyên môn nữa. Lúc đó tôi mới 17 tuổi, là một tiền vệ kiến thiết lối chơi. Nhưng tôi sẽ làm điều đó như thế nào ở đó? Tôi thậm chí còn không biết họ sẽ trình diễn lối chơi ra sao, trên mặt sân như thế nào nữa cơ. Không phải là tôi không tôn trọng họ. Chỉ là tôi đang có chút mất định hướng. Sau cùng thì tôi lại rất tự hào về trải nghiệm đó. Quãng thời gian ở Swansea đã giúp tôi “lớn” hơn cả về ngoại hình lẫn tư duy chơi bóng. Tôi tin rằng, lúc mới đến đó, tôi là một cậu bé, và khi quay trở lại, tôi đã là một người đàn ông.
Thời gian trôi qua, tôi buộc phải trưởng thành lên theo nhiều cách. Ngày đầu tiên, tôi được đưa vào một căn phòng khách sạn khá chật hẹp. Tôi đã quen với ngôi nhà của mình, với gia đình của mình và sự ủng hộ tuyệt đối từ họ. Được ngồi ăn tối cùng với gia đình, được chơi đùa với Claire và Natalie cũng đủ để tôi trút bỏ phần nào những áp lực. Và lại còn phải rời xa những người đồng đội chí cốt của mình nữa.
Sân tập của Swansea phải nói là hơi tệ. Tôi khá là sốc vì sự thiếu hụt cơ sở vật chất của họ, chứ chưa để ý đến sự khác biệt trong cách chơi bóng. Tôi thấy có một người được cho mượn từ Wolves - tên là Robbie Dennison. Anh ta là một cầu thủ chuyên nghiệp đã bước sang phía bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Tôi cũng không rõ anh ta nghĩ gì về tôi lúc mới đến, nhưng cuối cùng cả hai đã trở thành những người bạn thân của nhau. Chúng tôi ở chung một phòng, và thường cùng nhau uống bia.
Tôi đã học được rất nhiều, từ cách tập luyện đến thi đấu với những cầu thủ chỉ xem bóng đá như là một nghề để kiếm sống. Ưu tiên hàng đầu của họ là kiếm được đủ tiền để có thể trang trải cho cuộc sống bên ngoài sân cỏ. Tôi tôn trọng tất cả mọi người ở đây - cho dù tài năng của họ có đến đâu đi chăng nữa.
Mọi thứ thực sự quá khác biệt so với West Ham, và thành thật mà nói, tôi khá ngạc nhiên về điều này. Mỗi buổi sáng trước giờ tập, các cầu thủ sẽ được tự do lấy áo tập cho mình, vậy nên nếu bạn đến muộn thì sẽ chẳng còn gì để mặc đâu. Chúng tôi chiến đấu vì mọi thứ. Cả đội lúc nào cũng đi bộ vài trăm mét đến sân tập, trên một đoạn đường thường xuyên gặp mưa và rất lạnh. Ban đầu tôi có hơi e dè, nhưng những đồng đội của tôi đều là những con người tài năng. Ở West Ham, quần áo thi đấu của bạn luôn được chuẩn bị sẵn, gọn gàng và ngăn nắp. Còn ở đây, mỗi cầu thủ phải có trách nhiệm tự vệ sinh quần áo đấu của chính mình. Tôi may mắn trốn được công việc đó, vì tôi ở khách sạn và cũng không ở lại đủ lâu để bị phát hiện ra.
Tóm lại, tôi đã ở đó được hai tháng và đã được ra sân vài trận đấu. Tôi thậm chí còn ghi bàn trước Brighton, và chúng tôi đã thắng, nhưng mọi chuyện diễn ra vội vã đến nỗi không hề có thời gian để ăn mừng nữa. Tôi lúc đó đang ngồi trên con Fiesta của mình, phóng về Romford và nghĩ về những điều mà Rio và Hodgey đang nhắm đến. Hội anh em ở Swansea cũng là những con người rất tốt, chúng tôi thỉnh thoảng cùng nhau đi ra ngoài vào những buổi tối sau trận đấu. Có lần, tôi cùng với Robbie đi vào một quán bar, và một gã bặm trợn người bản địa chắn trước mặt tôi. Dường như hắn biết tôi là ai. “Tại sao mày không cuốn xéo về London đi, thằng khốn nạn?” Hắn nói. Nếu đem ra so sánh về thể lực thì tôi không bằng một góc của hắn, nên tôi đành phải đáp: “Được rồi, tôi sẽ đi.” Và tôi rời đi thật.
Vào trận đấu áp chót khi tôi còn ở đó, câu lạc bộ đã để tôi trên ghế dự bị vì họ biết rằng tôi không muốn gia hạn hợp đồng cho mượn. Giáng sinh cũng đã cận kề và tôi muốn về nhà. Đây quả là khoảng thời gian thích hợp để quay lại. Chúng tôi chỉ thắng được có hai trận nhưng vẫn có những người hâm mộ đến xem đội bóng chật vật suất trụ hạng. Rio cũng đã đến Bournemouth và đã biến thành một con người khác, và tôi cũng thế. Giờ đây, tôi nhìn lũ trẻ 17 tuổi ở Chelsea, chắc chúng sẽ không chịu nổi ở tình cảnh như tôi đâu. Thậm chí West Ham thời đó cũng quá sức chịu đựng của lũ trẻ. Nhưng tôi đã đến Swansea, và đã quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Chân của tôi vẫn còn hơi gầy gò, và tôi biết mình phải luyện tập thêm. Bố tôi cũng biết điều đó và ông đã phải kèm cặp tôi thêm sau những giờ tập. Một bài tập của những tiền vệ thực thụ. Tôi đã có thể tự lực chen chân vào đội Một của West Ham sau đó, và ghi được 10 bàn thắng nhờ những bài luyện tập chăm chỉ. Cứ như tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác vậy.
Điều đó đến từ những ngày luyện tập điên cuồng không biết mệt mỏi để tăng cường thể trạng, với sự giúp đỡ của Paul Hilton, huấn luyện viên của đội dự bị. Ông ấy yêu cầu bạn phải chạy hết sân trong vòng 1 phút và cứ thế những người sau đó sẽ nối tiếp. Ban đầu chúng tôi ghét ông ra mặt, nhưng rồi phải thừa nhận Hilton là người tốt. Dĩ nhiên không được tốt cho lắm khi ông ấy la hét liên tục trong khi chúng tôi sắp xổ hết tất cả những gì có trong bụng ra ngoài. Khi tôi có thể làm điều đó một cách tương đối dễ dàng, tôi mới nhận ra rằng mình đã tiến xa đến đâu trong sự nghiệp. Mới cách đây không lâu, tôi còn không nghĩ là mình có thể chen chân được vào đội hình chính thức cơ.
Đó là điều mà bố tôi đã dự đoán được từ trước qua nhiều năm luyện tập, luyện tập và luyện tập. Đó cũng là những gì bác Harry đã biết khi quyết định đưa tôi đến Swansea theo dạng cho mượn. Lúc đó tôi vẫn chưa sẵn sàng cho những trải nghiệm ở West Ham - cả về mặt thể chất và tinh thần, và họ đã nhận ra điều đó. Là một cầu thủ trẻ, bạn luôn có một sự tự tin nhất định, rằng bạn là nhất, là bất khả chiến bại. Tôi không chắc chắn 100% rằng tôi có đủ thực lực để xuất hiện trong đội hình chính của họ hay không, nhưng tôi vẫn tin là mình có thể.
Cuối cùng, ngày tôi được ra sân cho đội Một cũng đã đến, cho dù có hơi bất ngờ một chút. Trong trận đấu với Coventry City tại Upton Park, tôi và Gordon Strachan được tung vào sân cùng một lúc. Gordon đã 38 tuổi và đứng cạnh anh ấy là tôi, một gã đôi mươi đang chờ đợi trận đấu chính thức đầu tiên cho đội Một. Harry đã nhận ra tôi có chút lo lắng. Bác ấy quàng nhẹ tay lên vai tôi, và quay sang nói với Strachan như thể là đang đùa với khoảng cách tuổi tác của chúng tôi vậy: “Nhẹ nhàng với thằng bé nhé!” Là vì chúng tôi cùng chơi ở vị trí tiền vệ, và có sự tranh chấp với nhau, hiển nhiên rồi. Dù Gordon đã sắp giải nghệ, nhưng điều này vẫn không khiến cho tôi thôi ngưỡng mộ vì những gì anh ấy đã đạt được. Còn tôi thì đang chập chững những bước đi đầu tiên tại sân chơi chuyên nghiệp. Tôi đã xem bố tôi chơi bóng tại West Ham, và bác Harry cũng vậy. Và giờ hai người đều đang ở ngoài, cổ vũ tôi trên con đường của mình. Tôi đã mơ về điều này rất nhiều - từ khi còn là một cậu bé. Tôi đã nghe được tiếng gào thét của đám đông khắp sân đấu khi đặt những bước chân đầu tiên trên mặt cỏ.
Đó quả thật là một sự chào đón rất nồng hậu từ những người hâm mộ, một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời tôi. Kể cả bây giờ, khi nhìn lại sự nghiệp của mình với những đội bóng khác nhau - West Ham, Chelsea, Đội tuyển Anh - tôi vẫn thấy thật tuyệt vời. Nhưng tôi không làm được nhiều điều trong trận đấu đó. Chạy được vài phút và chạm bóng được vài lần. Điều tốt nhất mà tôi được tận hưởng là cảm giác chào đón từ mọi người khi con trai của Frank Lampard vào sân.
Và như dự đoán, tôi lại phải ngồi ghế dự bị ở trận đấu sau. Dù sao, có được trận ra mắt ở đội Một cũng đã là một bước tiến dài với cá nhân tôi. Có một số cầu thủ đã để lại dấu ấn khó tin ngay trong trận đấu đầu tiên của họ. Wayne Rooney đã làm vậy trong trận ra mắt gặp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi không phải là cậu ấy. Hành trình của tôi đến với đội Một giống như trên một chiếc tàu cũ kỹ. Tôi phải cố gắng hơn nữa để có được chỗ đứng ở đội hình chính.
Lần tiếp theo tôi được ra sân là trong trận đấu lượt đi với Stockport tại cúp Liên đoàn. Có ai đó đã gặp chấn thương trước trận đấu - hình như là John Moncur bị ốm nặng - và tôi đã nhận được cuộc gọi khẩn từ bố mình.
“Frank, xuống đây nào,” ông nói. “Con sẽ được ra sân ngày hôm nay.”
Khi ấy tôi đang ở gần đó, vẫn tiếp tục luyện tập với những bài tập thể lực quen thuộc của mình. Tôi đã nghĩ rằng liệu mình luyện tập quá nhiều như vậy có ảnh hưởng đến phong độ khi thi đấu hay không. Bản thân tôi đã chơi khá tốt nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chỉ như một cậu bé so với họ. Trận đấu đó hòa 1-1. Tôi đã có một cơ hội để ghi bàn nhưng đã bỏ lỡ. Điều này đã gây ra cho tôi không ít lo lắng và khó chịu.
Bị cầm hòa ở lượt đi và thua trận ở lượt về, vấn đề ở chỗ đội bóng gặp khó khăn trong khâu ghi bàn. Các cầu thủ cũng cảm thấy áp lực và không khí nặng nề bao trùm toàn bộ phòng thay đồ. Tôi chỉ như một đứa trẻ nếu so với tất cả bọn họ. Mùa giải đó tôi cũng không được ra sân nhiều. Tôi chỉ góp mặt 7 lần và trận đấu với Stockport là lần duy nhất tôi được ra sân ngay từ đầu.
Mùa giải tiếp theo đến nhanh hơn tôi dự kiến, nhưng tôi cũng đã sẵn sàng sau đợt thi đấu giao hữu tại Scotland. Rio và tôi là hai cầu thủ trẻ duy nhất được chọn - và bạn biết điều đó tuyệt vời như thế nào khi được ở gần những Ian Bishop và Iain Dowie. Tôi đã tận hưởng quãng thời gian này một cách thoải mái nhất có thể.
Chúng tôi đã có một trận đấu khó khăn với Arsenal. Tôi cũng được tin tưởng trao cơ hội ngay từ đầu nhưng đã bị thay ra sau 70 phút. Chúng tôi đã thất thủ 2-0 trước một đội bóng mạnh hơn hẳn. Tôi và các đồng đội tại West Ham rất muốn tạo ấn tượng nhưng đây là Highbury, và Arsenal đang đạt phong độ cao dưới tài cầm quân của Arsène Wenger, người mới tiếp quản họ vào mùa trước.
Tôi luôn luôn đặt bản thân dưới sự áp lực để có thể cố gắng nhiều hơn nữa, nhưng lần này có vẻ lớn hơn đôi chút, vì tôi đang đứng trước cơ hội sẽ được gia hạn hợp đồng. Tôi biết mình cần phải thể hiện giá trị của bản thân, nhưng sự thật là tôi đã không được ra sân bất cứ một lần nào trong 7 trận đấu tiếp theo. Và, tôi bắt đầu nhận được sự chỉ trích của những người hâm mộ. Tôi đã ý thức được về điều này vì sau trận đấu với Coventry, tôi loáng thoáng nghe được những lời xúc phạm. Tôi không thể hiểu nổi, tại sao lại như vậy cơ chứ?
Là con trai của Frank Lampard, bạn sẽ có những bộ quy tắc khác biệt so với những cầu thủ khác. Nếu một cầu thủ khác ngồi dự bị, người ta sẽ đơn giản hiểu là anh ta đang hồi phục thể lực, hay đang bị dính chấn thương. Cũng nơi đó, nếu là tôi thì sẽ bị chỉ trích là không đủ khả năng để ra sân thi đấu. Và họ cho tôi biết tất cả những điều đó mỗi khi tôi ra sân khởi động.
Rõ ràng, ở mùa giải 1996-97, sau trận đấu với Arsenal, tôi đã được tin dùng thêm hai lần nữa nhưng đều không để lại nhiều ấn tượng. Tôi đã cố gắng bằng tất cả những gì mình có, nhưng mỗi khi năm mới đến, tôi lại nghĩ về những trận giao hữu đầu mùa giải sau. Tôi đã luyện tập nhiều hơn hết thảy, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho trận đấu đầu tiên của mùa giải 1997-98 - trận đấu mà chúng tôi tiếp đón Barnsley. Tôi biết rằng mình sẽ lại ngồi dự bị. Cảm giác lúc bấy giờ của tôi là hài lòng xen lẫn thất vọng. Tôi hiểu rất rõ kịch bản, chừng nào bạn có cơ hội thì sẽ được vào sân, còn không, bạn vẫn mãi bị gán cái mác “kẻ học việc” mà thôi.
Tôi cũng không rõ liệu đó có phải là một lý do hợp lý để có thể “phá luật” hay không. Tôi không phải là người đầu tiên làm việc này, cũng không phải là người cuối cùng, nhưng đây là lần duy nhất tôi thử làm nó. Bố tôi luôn dặn rằng tuyệt đối không được đi uống vào ngày thứ Năm, trước trận đấu ngày thứ Bảy. Và tất nhiên, tôi không bao giờ làm vậy. Finny - thủ môn số 3 của đội, gọi điện cho tôi và hỏi rằng liệu tôi có muốn ra ngoài ăn tối với anh ta không. Đó là một buổi tối thứ Năm. Chúng tôi đã ra ngoài ăn tối, và uống một ít bia. Tôi đến sân tập vào sáng ngày thứ Sáu với một cảm giác tội lỗi. Tôi tự nhủ với bản thân rằng chắc chắn mình sẽ dự bị mà thôi. Cơ thể tôi vẫn rất bình thường nhưng bên trong tôi loáng thoáng một giọng nói yêu cầu tôi không được lặp lại điều đó nữa. Đó là giọng nói của bố, và của chính tôi nữa.
Tôi không quan tâm rằng liệu đó có phải là một trận đấu chính thức hay không. Tất cả những gì tôi làm là cố gắng để trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Không phải là đôi lúc đâu. Lúc nào cũng vậy. Tôi tham gia khởi động mỗi khi được yêu cầu với suy nghĩ không biết mình có được ra sân hay không. Ở trên sân, chúng tôi cũng thể hiện tương đối ổn thỏa. Tỷ số trận đấu đó là 1-1, và tôi cũng đã tự thuyết phục được bản thân rằng mọi thứ rồi sẽ ổn.
Và đúng là mọi thứ đã dần dần tiến triển hơn. Tôi bắt đầu chiến thắng một vài pha cản phá, và khi có cơ hội để sút, tôi tận dụng ngay lập tức, và bóng sẽ bay thẳng vào lưới. Tôi đã ghi bàn, nhưng lại không biết mình nên làm gì tiếp theo. Dường như tôi đã lo lắng quá nhiều đến nỗi chẳng biết làm gì trong trận đấu nữa. Tôi đảo mắt đi tìm Rio. Cậu ta đang trên đường lùi về phần sân nhà của mình, vì chúng tôi vừa kết thúc một đợt tấn công. Điều tự nhiên nhất tôi có thể làm được lúc đó là chạy tới chỗ Rio. Chúng tôi là những người bạn mà, phải chia sẻ cùng nhau những khoảnh khắc như thế này chứ! Những điều xảy ra tiếp theo thực sự ngẫu nhiên và tùy hứng.
Rio đã chờ tôi từ trước - tôi cũng không nghĩ đến việc này từ đầu - và chúng tôi bắt đầu nhảy. Điều này thú vị đến nỗi mọi người tưởng chúng tôi đã cùng nhau tập động tác ăn mừng từ lâu rồi cơ. Không đâu. Chúng tôi đã đến Cyprus vào mùa hè đó và Rio có vẻ rất thích dáng nhảy co chân lên, giống như một con hồng hạc vậy. Tôi đứng ngay trước mặt cậu ta và cố gắng nhái lại. Thậm chí đến bây giờ cậu ta vẫn ngẫu hứng thực hiện điệu nhảy đó. Điều duy nhất tôi quan tâm là tôi đã có được bàn thắng đầu tiên cho câu lạc bộ.
Khi trái bóng được đưa về vòng tròn giữa sân, tôi đánh mắt nhìn về khu vực băng ghế dự bị, và điều mà tôi thấy được là nụ cười của bố. Tôi thấy tự hào nhiều hơn là vui sướng, mặc dù cảm giác vui sướng đó vẫn còn đang khiến tôi lâng lâng. Đó là một đỉnh cao không thể tin được.
Những trận tiếp theo, tôi tiếp tục bị đặt trên ghế dự bị, cho đến khi một cầu thủ ở hàng tiền vệ gặp chấn thương dài hạn - điều này có nghĩa là tôi sẽ được ra sân nhiều hơn. Tôi vẫn chỉ là một cậu nhóc khao khát được ra sân để chứng tỏ mình, khao khát được hòa nhập với đội bóng. Vẫn có những lần hỏng ăn nhưng tôi rõ ràng đang thể hiện những gì tốt nhất của mình. Harry bắt đầu đưa tôi vào và tôi bắt đầu nổ súng thường xuyên hơn. Tôi đã có một cú hat-trick trước Walsall tại cúp Liên đoàn. Ở tuổi 19, tôi vui sướng như một đứa trẻ. Kết thúc mùa giải, tôi ghi được 10 bàn thắng, và chính thức có một vị trí trong đội Một. Thành thật mà nói, tôi đã nghĩ đây là đỉnh cao trong sự nghiệp của mình rồi. Nhưng tôi đã sai.
Bố tôi đã đến gặp ngài Chủ tịch - Terence Brown - để bàn về một bản hợp đồng mới. Quý ngài chủ tịch luôn thích lắng nghe quan điểm của những người hâm mộ - một số điều trong số đó đã kích thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ phải giữ sự bình tĩnh và tiếp tục thi đấu cho câu lạc bộ. Có một giả thuyết cho rằng huấn luyện viên đã tung tôi vào sân để có được một khoản “phí ra mắt”, vì tôi là cháu của ông ấy. Cánh nhà báo đã lan truyền tin này đi, và tôi cho rằng đây là cái cớ mà một nhóm người đã đưa ra. Mọi người nghĩ rằng tôi có được chỗ đứng trong đội hình chính thức quá dễ dàng. Điều này lan truyền đi nhanh như căn bệnh ung thư vậy, và tôi cũng không thể ngờ rằng vị chủ tịch đáng kính của câu lạc bộ lại là một trong số họ.
Và một lần nữa, tôi lại sai. Brown đã đưa ra trước mặt chúng tôi hàng loạt cái cớ, lý do cho rằng đã có sự thiên vị trong trường hợp của tôi. Ông ta yêu cầu bác Harry giải thích.
“Ông đang nói cái chết tiệt gì thế hả?” Bác Harry đáp lại một cách đầy tức giận. “Ông nghĩ tôi đưa một cầu thủ vào sân chỉ để thu về mấy đồng bạc thôi sao? Frank là một cầu thủ tốt, người xứng đáng một bản hợp đồng mới.”
Khi nghe kể về điều này, tôi đã rất bực, và có chút bất ngờ nữa. Tôi đã cố gắng cống hiến những gì tốt nhất cho câu lạc bộ. Tôi thuộc về West Ham, đúng vậy, không có gì phải bàn cãi cả. Tôi đến đây để giúp đỡ đội bóng tôi ủng hộ từ thời còn thơ ấu. Và đó là lý do mà tôi được ký hợp đồng.
Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy nghi ngờ những người cầm quyền, và tôi quyết định sẽ không tin họ nữa. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi rằng ở góc nhìn của họ thì tôi như thế nào? Cả bố tôi và bác Harry nữa? Tôi đã nghĩ rằng Brown là một người tốt, nhưng không - chúng tôi đều gọi ông ta với cái tên Mr. Dead3. Brown luôn vận trên mình bộ vest nặng nề và luôn giữ thái độ cực kỳ nghiêm túc mỗi khi bước vào phòng thay đồ.
[3] Một nhân vật trong chương trình của Harry Enfield.
Sau chuyện đó, tôi đã trở nên nhạy cảm hơn với những gì đang diễn ra. Đôi lúc tôi nghe được những tiếng bàn ra tán vào của một vài nhóm người mỗi khi tôi bước ra sân khởi động. Điều này ngày càng tệ hơn - tệ hơn hẳn lúc tôi đánh dấu lần ra sân đầu tiên của mình cho đội Một. Tôi đã nghe được tiếng la ó đến từ một nơi nào đó trên khán đài khi tôi chuẩn bị vào sân. Nhưng đây vẫn chưa phải là điều tệ nhất tại sân Upton Park.
Không, tôi không hoang tưởng đâu. Điều này đã trở thành một thử thách đối với cá nhân tôi. Tôi vẫn giữ quyết tâm cống hiến cho câu lạc bộ, nhưng tôi không thể nói cho bác Harry cảm giác của mình. Khi bạn chơi bóng ở sân khách và bị nhận những lời chỉ trích - được thôi, không có gì cả. Nhưng tại chính sân nhà thì không thể. Tôi thực sự quan ngại về những gì đã diễn ra ở đây. Những câu như “Ngồi xuống đi!” hay “Quay ra mà bám lấy bố mày đi!” thường xuyên xuất hiện.
Đôi lúc những thứ đó trở nên tồi tệ hơn tôi nghĩ. Đến mức độ tôi chỉ muốn ngồi trên khán đài mà thôi. Hodgey đã ngồi dự bị với tôi trong một trận đấu. Khi bác Harry bảo tôi khởi động để chuẩn bị vào sân, những tiếng la ó tiếp tục vang lên. Ngay lập tức, Hodgey nắm lấy tay tôi và bảo: “Cậu cần phải thoát khỏi tình cảnh này càng sớm càng tốt, chàng trai ạ. Cậu không đáng phải chịu đựng như thế! Cậu xứng đáng nhiều thứ tốt hơn.”
Tôi không nói gì cả. Anh ấy nói đúng. Nhưng tôi không thể dễ dàng rũ bỏ tình yêu với câu lạc bộ mà mình đã đem lòng ủng hộ suốt bao năm được. Tôi là một kẻ chung tình, tôi muốn cống hiến, muốn làm tốt hơn cho West Ham, cho bố tôi và cả bác Harry nữa. Tôi cảm thấy mắc nợ những con người này. Họ đã cố gắng hết sức để đem lại thành công, và giờ họ vẫn đang tiếp tục làm điều đó. Tôi cũng vậy. Tôi sẽ luôn luôn cống hiến những gì tốt nhất của bản thân cho câu lạc bộ này, các bạn biết đấy.
Tôi biết là họ đang ở trong một tình thế hết sức khó khăn, nhưng phải thừa nhận rằng họ là những con người thực sự mạnh mẽ. Khi còn nhỏ, tôi có chút gì đó đề phòng và e sợ bác Harry. Trong độ tuổi từ 8 đến 14 tuổi, vẫn chưa có mối quan hệ mật thiết về bóng đá giữa hai bác cháu. Như bao đứa trẻ lúc đó, tôi vẫn luôn hạn chế những cuộc đối thoại với người lớn, vì không muốn mọi chuyện trở nên nghiêm túc. Bác Harry là một người đàn ông và là một con người đáng được tôn trọng. Mặc dù tôi đã tìm hiểu không ít về bóng đá, nhưng tôi vẫn không bao giờ dám nói gì đó trước mặt bác, vì sợ rằng sẽ tự làm bản thân xấu hổ (cho dù bác ấy rất hiền lành). Và điều đó vô tình làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Tôi vẫn không thể hết sợ, kể cả khi bác ấy làm huấn luyện viên của tôi tại West Ham. Trong tâm hồn, tôi vẫn là cậu bé Frank Lampard, và vẫn là bác Harry của lúc đó. Có những tình huống mà chúng tôi tiếp cận với nhau trong mối quan hệ thầy - trò bình thường. Nhưng mọi thứ thực sự phức tạp hơn rất nhiều.
Có một lần, tôi muốn có một lời giải thích rõ ràng cho việc tại sao tôi không được ra sân. Thay vì gõ cửa văn phòng và đối mặt với bác như bao người khác, tôi cứ luẩn quẩn trước cửa. Tôi sợ phải đi vào trong, và một phần nào đó, tôi sợ phải đối mặt với bác ấy.
Bác Harry và bố tôi đôi lúc cũng có bất đồng quan điểm. Có những lần khi tôi bị loại ra khỏi đội hình xuất phát, bố sẽ cố gắng sắp xếp cho tôi một vị trí để tôi được ra sân. Có thể ông đang đứng về phía tôi với tư cách là một người cha, trong khi bác Harry thì cứ khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.
Tôi hiểu được điều đó. Tôi cảm nhận được những lần mà bác Harry cảm thấy không thoải mái về mình. Mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn khi người hâm mộ quyết định tham gia vào câu chuyện này. Bây giờ khi nhìn lại vấn đề, tôi thực sự thông cảm rất nhiều cho bác Harry lúc đó. Bác đã bảo vệ tôi vào những lúc bác nghĩ tôi cần sự bảo vệ. Bác Harry cũng sẵn sàng đứng lên đòi lại công bằng cho tôi, như vụ Terence Brown ấy. Đó là một phần của cái gọi là “gia đình”. Để tôi kể cho các bạn nghe, một nét đặc trưng văn hóa của khu vực phía Tây London là: “Hãy theo đuổi những gì thuộc về mình.” Nhưng khi bước chân vào bóng đá - một môi trường hết sức khó lường và khắc nghiệt - mọi thứ đã thay đổi. Bạn sẽ phải suy nghĩ và hành động khác đi.
Mọi người chỉ nhìn vào thực tế rằng bố tôi và bác Harry đang cầm quyền, và họ ngay lập tức nghĩ đến viễn cảnh tệ nhất của việc này. Đó chính là nơi sự bực bội và lo âu được khơi mào. Họ không thích những tình huống như vậy xuất hiện tại đây, tại West Ham. Jamie sẽ nói chuyện với tôi sau trận đấu về vấn đề này, và không khó để nhận ra rằng anh ấy đang nói theo góc nhìn của tôi. Đó là quan điểm của nhà Lampard, cũng như nhà Redknapp.
Đây là một tình huống không thể tránh khỏi và điều đó càng trở nên phức tạp hơn. Giờ đây tôi đã có thể nói chuyện với bác Harry một cách ngang bằng và cho đến khi tôi rời khỏi đó, tôi nghĩ rằng mình đã có được cái nhìn khác của bác ấy. Khi tôi nhận được giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm (do Hiệp hội Nhà báo Anh bình chọn) năm 2005, bác Harry đã bước lên và khen tôi làm tốt, hoàn toàn phá bỏ rào cản trong mối quan hệ giữa hai người. Điều này như đã trút đi được một gánh nặng nào đó bên trong con người tôi vậy.
Bác Harry và Sandra ngồi cùng bàn ăn với tôi, và bác Sandra có vẻ rất cảm động khi tôi kể lại những đóng góp của hai người đối với sự nghiệp của mình. Theo một cách nào đó, Sandra rất giống mẹ của tôi. Bác đã dành sự khích lệ và cổ vũ cho Mark, Jamie và cả tôi nữa. Sandra thực sự dễ thương và hiền lành - kể cả khi tôi và Jamie cùng nhau “xóa sổ” chiếc lồng chim yêu quý của bác. Tôi chợt nhận ra, mình có thể coi mối quan hệ giữa tôi và bác Sandra như là với mẹ vậy. Tôi cảm thấy hối hận vì chúng tôi đã không thể có những khoảnh khắc bình thường trong khoảng thời gian này. Tôi đã đi rất xa, so với “tôi” hồi còn là một cậu bé. Chúng tôi đã trút bỏ được áp lực và đã có thể cùng nhau trò chuyện một cách thoải mái. Đáng buồn thay, những khoảng thời gian mà chúng tôi cảm thấy áp lực nhất, đều là ở West Ham.
Trải nghiệm của tôi có đôi chút khác biệt với bố và bác Harry. Trong suốt thời gian hình thành và phát triển của mình, tôi luôn cảm thấy khó khăn khi có một người bố là cầu thủ nổi tiếng. Bố tôi là một cầu thủ thành công trong lịch sử của West Ham. Tôi cũng có một người bác, một người anh họ, mà bản thân tôi thường bị đem ra so sánh. Nhưng Jamie là một người tốt, anh ấy cho tôi cơ hội để cố gắng và tiến lên. Có được một người anh em họ tốt như Jamie là động lực để tôi phát triển bản thân hơn nữa. Nhưng mặt trái của vấn đề, là sự so sánh, tất nhiên rồi. Ngay cả khi tôi còn đang phải chật vật kiếm một chỗ đứng trong đội hình chính, cũng đã bị so sánh, ví von với Jamie Redknapp. Vấn đề càng lớn hơn khi Jamie là một cầu thủ tài năng, còn tôi thì đang phải cố gắng từng ngày.
Tôi muốn đạt được đẳng cấp của anh ấy, tôi muốn vô địch, nhưng đằng sau đó là cả một áp lực vô cùng lớn. Điều này đã khiến tôi mất tương đối nhiều thời gian để vượt qua. Mọi người vẫn nói rằng Jamie là một cầu thủ có tài năng thiên phú, còn tôi thì chăm chỉ hơn. Tôi biết lý do vì sao họ lại nghĩ như vậy, nhưng nói thật, tôi cho đó là một lời khẳng định hơi “thiếu suy nghĩ”. Những cầu thủ có tài năng - như Ronaldinho chẳng hạn - cũng chẳng ưa gì kiểu so sánh đó.
Bên cạnh đó, liệu có công bằng không khi nói những người như Roy Keane hay John Terry hoàn toàn không có chút tài năng nào, chỉ vì họ không trình diễn nó? “Tài năng” không chỉ là khi bạn phô diễn những chiêu trò lừa bóng qua người thôi đâu. Đúng, đó là một khả năng tuyệt vời, một số người được sinh ra với nó, số khác thì không. Nhưng cũng vẫn có những “tài năng” khác, tùy thuộc vào cách bạn rèn luyện bản thân như thế nào. Tài năng của tôi ư? Là tôi bây giờ đây. Đó là sự kết hợp của những gì tôi đã bỏ công, những gì tôi học hỏi được, những bàn thắng tôi ghi được và những trận đấu tôi được ra sân.
Đó là một nhận định sai lầm. Thực ra, Roy Keane có tài năng và kỹ thuật ngang ngửa Ronaldinho đó chứ! Nhưng thứ làm cho anh có được những thành công nổi bật là do anh luôn thúc đẩy bản thân rèn luyện, thực hành và khát khao hướng đến thành công.
Tôi biết, vẫn có những người đã bùng nổ ở độ tuổi rất trẻ. Như Wayne Rooney với tuổi 16 chẳng hạn. Điều này có thể chứng tỏ rằng cậu ấy sở hữu tài năng của Chúa. Ở tuổi 17, tôi vẫn chưa đủ khả năng để chơi bóng trong màu áo Tam sư, nhưng không ai nói rằng bạn nhất định phải đạt đến đỉnh cao từ sớm cả. Rất ít người làm được như vậy. Tài năng là cả một quá trình rèn luyện chăm chỉ và sự nhiệt huyết.
Tôi phải cải thiện cơ thể mình hơn để có thể trở nên chuyên nghiệp. Tôi nhận ra được điều đó, nhưng vẫn có những người quá ỷ lại vào tài năng của mình mà bỏ qua việc này. Tôi đã từng chơi bóng ở nhiều đội trẻ, giáp mặt với những cầu thủ tài năng, nhưng họ không thể có được cầu nối giữa “những gì họ đã có” và “những gì họ cần làm để trở nên tài năng hơn”.
Tôi thì lại có thể làm việc đó. Tôi đã từng chạy qua mọi người chỉ để mua vui, và tôi có thể ghi bàn một cách tương đối dễ dàng. Nhưng tôi nhận ra rằng mình vẫn còn thiếu một thứ để có thể tiếp tục tiến lên: tôi không thể sử dụng sức vào những pha tranh chấp hay cản phá. Là một thiếu niên với thân hình không được chuẩn, tôi đã phải làm việc liên tục để có thể phát triển hơn. Chúng tôi (tôi và bố) thường xuyên có mặt tại công viên để thực hiện những bài tập nhằm tăng cường kỹ năng và thể lực. Việc này trở nên rất hữu ích, dù không phải mùa giải nào cũng diễn ra như mong muốn của tôi.
Quay lại khi tôi 14 tuổi, bố tôi thường thực hiện những đường căng ngang nhẹ để tôi có thể tập đánh đầu vào gôn trống. Và điều tồi tệ nhất đã xảy ra khi tôi thậm chí còn không chạm được vào bóng. Tôi không rõ vấn đề ở đây là gì, nhưng lắm lúc tôi có cảm giác tất cả mọi thứ tôi cố gắng đều không trở thành hiện thực, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi, rằng mình không đủ tốt để trở thành một cầu thủ bóng đá. Tôi bắt đầu nghĩ về tương lai của mình, liệu có nơi nào nhận mình về hay không. Và hệ quả là tôi đã bỏ về nhà. Bố tôi đã hỏi vì sao, có phải tôi đang có một nỗi sợ thường trực, nỗi sợ không được thừa nhận. Ngày hôm sau tôi quay trở lại, và lần này mọi thứ đã tốt hơn.
Tôi nhận ra rằng mình phải tiếp tục cải thiện hơn nữa để có thể cạnh tranh với những cầu thủ khác. Tôi là mẫu người luôn cố gắng hết sức để đạt được những điều mà mình mong muốn. Nếu không thành công thì tôi sẽ tiếp tục thử lại. Đó là một điều cơ bản trong cuộc sống, và tôi nghĩ bất cứ ai cũng sẽ hiểu. Mục tiêu của tôi là được khoác lên mình màu áo West Ham, được ký hợp đồng, chen chân vào đội hình chính. Tôi phải cố gắng hơn nữa vì tất cả những thứ đó.
Có những lúc tôi không thể chắc chắn về khả năng của mình, và vì thế, cách duy nhất là phải tích cực tập luyện hơn nữa. Có thể những người như Rooney sẽ có được điều đó ngay lập tức, còn tôi thì không. Nhưng chính vì thế, tôi càng cảm thấy trân trọng hơn những nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống.
Tôi có thể ra sân và ghi bàn, nhưng mỗi khi ngừng tập luyện thì tôi sẽ không còn là tôi bây giờ nữa. Nếu tôi xao nhãng luyện tập, thì tôi sẽ đi chệch hướng trên con đường thành công.
Khi không thể hiện tốt trong một trận đấu, tôi sẽ đặt cho bản thân rất nhiều câu hỏi. Liệu tôi đã tập luyện đúng cách chưa? Tôi đã thực hiện đúng như những gì đã đề ra hay chưa? Liệu tôi có chạy đúng tốc độ không? Tôi sẽ mất ngủ với đống câu hỏi đó cho đến khi tìm ra được câu trả lời. Những lần khác, nếu cảm thấy không theo kịp tốc độ trận đấu, bản thân tôi sẽ cố gắng tăng cường độ hơn nữa để chắc chắn rằng mình có thể theo kịp. Sẽ có những lần tôi ghi bàn và đoạt được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Nhưng tôi biết, khi tôi không đạt được cường độ mà mình mong muốn, tôi sẽ phải dừng lại và bắt đầu lại từ đầu.
Tiếp tục luyện tập là điều tự nhiên đối với tôi. Năm đầu tiên tôi ở đội Một West Ham, bố tôi đã cử Manny Omoyinmi theo kèm tôi. Manny là một người sở hữu tốc độ cực nhanh và sức bền cực tốt. Anh ta theo kèm tôi, xoay vòng vòng và làm cho tôi không thể động được vào bóng trong mười lần đầu tiên. Ở những lần sau đó, tôi đã có thể động được một chút vào bóng, và dần dà, anh ấy không thể đánh bại được tôi. Điều này khiến tôi cảm thấy khá hài lòng về bản thân, và nhắc nhở tôi rằng sẽ luôn có những giải pháp để giải quyết tình huống. Một số người cho rằng tôi là một cầu thủ có khởi đầu chậm chạp. Tôi hiểu điều đó. Tôi sẽ làm mọi thứ để có thể tiến lên và vượt mặt đối thủ của mình. Tôi vẫn luôn cố gắng phát triển bản thân.
Bạn được học những gì bạn cần, bạn biết bạn cần gì, và điều tuyệt vời nhất khi được làm việc với một huấn luyện viên như Jose Mourinho là ông ấy biết cách tôn trọng các cầu thủ và biết họ cần gì. Claudio Ranieri thì luôn yêu cầu tôi làm cái này cái kia, cho dù tôi đang cần một thứ gì đó khác. Claudio, trong những buổi tập sút bóng, thường bảo tôi rằng thay vì cố gắng sút 100 quả, hãy hình dung ra hình ảnh quả bóng bay vào lưới trước khi sút, như vậy mới thành công được.
Tôi hiểu, đây là một bài tập thông thường với những cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng sự thật thì những cầu thủ khác nhau sẽ cần những thứ khác nhau. Tôi thà lựa chọn sút một quả bóng 100 lần vào cùng một vị trí, còn hơn là đứng đó mà nghĩ về nó. Với Jose Mourinho, ông ấy có thể rất nghiêm khắc với những cầu thủ trẻ, vì họ cần phải rèn luyện thêm, nhưng lại rất biết cách chiều lòng các cầu thủ chuyên nghiệp. Ông hiểu rất rõ họ cần gì. Tôi chưa bao giờ được trải nghiệm điều đó trước khi làm việc cùng ông ấy.
Làm việc với bố và bác Harry thì phức tạp hơn. Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, không có gì là dễ dàng. Việc có một người bố và một người bác cùng huấn luyện một đội bóng là một điều hiếm thấy trong bóng đá Anh. Có những lợi ích và cả những bất lợi, và trong quãng thời gian ở West Ham, tôi đã trải nghiệm tất cả, nhiều hơn những gì tôi có thể nhớ được. Về mặt tích cực, tôi sẽ có nhiều thời gian để tập luyện hơn, và được giám sát kỹ hơn. Suy cho cùng, tôi không bao giờ thiếu những người khuyên bảo tôi cần làm gì và nên làm gì.
Tôi vẫn còn rất trẻ và cần phải đối mặt với rất nhiều điều trong cuộc sống. Nhưng không may, tôi vẫn chưa đủ can đảm giải quyết mọi việc trực tiếp, mà còn phải phụ thuộc vào người khác. Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất là khi tôi đến một diễn đàn người hâm mộ. Tôi ngồi trên bục cùng với Iain Dowie, Marc Rieper, Peter Storey và cả bác Harry nữa. Không ai quan tâm và muốn biết gì về tôi. Tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ và điều này rất bình thường. Những câu hỏi được đặt ra chủ yếu hướng đến những cầu thủ chuyên nghiệp, về những vấn đề trong và ngoài sân cỏ. Tôi thậm chí còn không chắc chắn về lý do mình ngồi đây nữa. Mọi chuyện cứ thế diễn ra cho đến khi có một người đứng lên và đặt câu hỏi hướng tới bác Harry của tôi:
“Frank Lampard không đủ tài năng để chơi cho West Ham!” Anh ta nói.
“Lại nữa rồi!” Tôi thầm nghĩ.
“Tại sao ông lại cho cậu ta ra sân? Có phải vì cậu ta là cháu của ông?”
Tôi cứ ngồi đó và nghĩ: “Quái quỷ gì thế này?” Gã đó vẫn cố đưa ra ý kiến của mình, và không hề có một người nào đứng lên phản đối cả. Tôi đã cảm thấy hoài nghi những gì người ta nghĩ về mình, nhưng sâu thẳm bên trong, tôi vẫn là một cầu thủ trẻ của West Ham, và trước mặt tôi đây là những người hâm mộ. Tôi vẫn đang trong quá trình cố gắng mỗi ngày. Đáng nực cười thay, gã đàn ông đặt câu hỏi đó lại là chú của một cầu thủ khác đã bị mất vị trí trong đội trẻ của West Ham. Điều này không phải là lỗi của tôi, nhưng một lần nữa, nó khiến tôi thấy mặc cảm. Đây giống như là một phát bắn tiêu diệt sự tự tin của tôi, thứ mà vốn dĩ đã mong manh rồi. Tôi không định phản đối, nhưng bác Harry đã lên tiếng thay tôi.
“Frank là một trong bốn cầu thủ trẻ được gọi vào Đội tuyển Anh dưới trướng của Terry Venables ở Euro 1996,” bác Harry nói. “Terry nói rằng Frank là một cầu thủ của tương lai và là đội trưởng tài năng của đất nước. Chúng tôi thấy may mắn khi có sức trẻ của Frank trong đội bóng, và chúng tôi không quan tâm cậu ta đến từ đâu. Cậu ta là một cầu thủ giỏi và sẽ trở nên tốt hơn qua từng ngày. Mọi người cứ đợi mà xem.”
Tôi đánh giá cao sự ủng hộ của bác Harry. Suy cho cùng, chỉ có hai người họ nghĩ rằng tôi có thể phát triển được tài năng của mình. Sau đó, họ quyết định cấm người đàn ông kia đến sân, và tôi cũng không bao giờ thấy gã đó nữa.
Bây giờ, tôi rất muốn gặp lại hắn. Một kẻ hèn nhát, đứng lên trực tiếp tấn công một đứa trẻ trước sự chứng kiến của 300 người. Nhưng đó cũng là lúc mọi thứ bắt đầu chống lại tôi ở West Ham. Tôi nhận ra rằng những gì Hodgey nói là đúng. Tôi phải thoát khỏi đây thôi.