Không chỉ có âm nhạc, thơ ca cũng là người bạn thân thiết, đồng hành cùng GS.TS Trần Văn Khê trong mỗi hành trình. Với ông, thơ là nơi gửi gắm, giãi bày những nỗi niềm, để những tâm hồn tri âm, tri kỷ gặp nhau, cha con xướng họa.
Thơ xuất hiện trong những lúc ông đối diện với bệnh tật, để động viên tinh thần vượt qua sóng gió. Thơ vấn vương trên bước đường lãng du khi tâm hồn cảm cái đẹp của đất trời. Thơ vỗ về người tha phương trong niềm nhớ thương đau đáu về quê cha đất Tổ. Thơ để chuyên chở tình thương vời vợi dành cho con trẻ. Thơ để nhắn nhủ cái tình mênh mông với âm nhạc, với người, với cả cuộc đời.
GS.TS Trần Văn Khê như một lữ khách được nàng thơ tiếp đón với cả tấm lòng hiếu khách. Những câu thơ chuyên chở bao nỗi lòng không hẳn được chải chuốt kỹ lưỡng nhưng nhất định phải đảm bảo niêm luật và dùng từ chỉnh. Những câu kết bao giờ cũng diễn tả một tâm hồn thơ lạc quan, cái nhìn tin yêu hết mực vào cuộc sống. Đẹp nhất trong những vần thơ ấy luôn là cái tình tha thiết, dẫu qua bao chông gai, sóng gió. Và thơ đẹp, vốn dĩ trước hết là cái tình.
Dưới đây là những lời tâm tình của GS.TS Trần Văn Khê về thơ:
"Tôi học thơ từ nhỏ và rất thích đọc thơ, ngay cả những bài cổ văn khó nhớ tôi vẫn thuộc và nhớ đến bây giờ. 13 tuổi tôi đã làm thơ. Có lẽ đó cũng là nguồn cội mạch thơ trong tôi. Những khi buồn quá, tôi làm thơ. Như khi đợi trăng lên mà trăng chưa lên, tôi viết mấy câu thơ:
Đợi trăng khảy mấy cung đờn
Sao trăng vẫn trốn, trăng hờn ta sao?
Cũng nhờ có thơ mà lòng bớt xốn xang khi đợi trăng lên. Hay khi đợi thuốc truyền vào trong máu, tôi thảo vài câu thơ, thấy nỗi chờ đợi vơi bớt nặng nề phần nào. Nỗi buồn gửi vào thơ, buồn cũng vơi đi đôi chút.
Khi vui tôi cũng làm thơ. Lúc đang ở trong bịnh viện, được nghỉ phép, tôi đến Paris uống một tách cà phê, tôi nghe trong người phấn khởi, vui tươi, bèn lấy ngay một bưu thiếp gởi bạn bè với mấy câu thơ:
Cà phê buổi sáng một ly thôi
Uống tại Paris chẳng phải chơi!
Sung sướng hôm nay hùm tháo cũi
Sổ lồng, chim phụng sắp tung trời.
Hay lúc nhớ quê hương ngày tết, tôi viết:
Ra ngõ xuất hành toàn mặt lạ
Về nhà chuốc ẩm vắng người thân.
Với thơ, tôi không những tả được lòng mình mà còn hòa lòng mình với bạn bè hay người thân. Tôi có đọc bài thơ Độc hành ca khá buồn của Bùi Khánh Đản:
Đời gọi phiêu lưu những bước dài
Ngược dòng sông đục khách là ai?
Duyên tuy bút giáng mờ thi sử
Nợ vẫn gươm linh hẹn kiếm đài
Chưa khóc giai nhân vào cổ mộ
Đã cười tác phẩm họa hoang thai
Cứ đi đi mãi qua tầm lụy
Còn nợ muôn nghìn sắc mỉa mai.
Tôi họa vận lại như sau;
Lạc quan độc hành ca
Cuộc sống cô đơn dẫu kéo dài
Vẫn tìm tiên cảnh dưới trần ai
Gió xuân luôn đón nơi phong các
Trăng hạ thường xem chốn nguyệt đài
Vững bám hồn thơ xa thế tục
Nhẹ nương cánh nhạc đến thiên thai
Cuộc đời cô độc nhờ thơ nhạc
Vui kém chi người vẹn trúc mai.
Ở tuổi 90, tôi vẫn làm thơ. Ai gửi tặng tôi thơ, tôi cũng trả lời bằng thơ ngay. Đó là một trong những thú vui của tôi. Tôi không phải là một nhà thơ mà chỉ là một người yêu thơ. Trước kia, thỉnh thoảng tôi làm một đôi bài. Tôi làm nhiều thơ và nguồn hứng được khơi động khi tôi được hiền muội Tôn Nữ Hỷ Khương xướng họa".
Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số bài thơ của GS.TS Trần Văn Khê và một số bài thơ của các con, bạn bè dành tặng ông. Lấp lánh trong những câu thơ là một nhân cách sống, một bản lĩnh sống, một cuộc đời "cháy hết mình" cho lý tưởng giới thiệu âm nhạc truyền thống, văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới. Đó cũng là những hạt ngọc đúc kết từ một đời người sống trọn một chữ "tình".
1. CÁC BÀI THƠ XƯỚNG HỌA VỚI CON VÀ VIẾT CHO CON
Năm GS.TS Trần Văn Khê đúng lục tuần, con trai đầu lòng Trần Quang Hải và con gái út Thủy Ngọc mừng thọ cha bằng bài thơ. Khi các con mừng sinh nhật cha bằng thơ, GS.TS Trần Văn Khê luôn luôn họa vận đáp lời.
Con trai Trần Quang Hải mừng sinh nhựt ba
(Viết ngày 24-7-1981)
Sinh nhựt lục tuần kính chúc ba
Trăm năm hiếm có bậc tài hoa
Năm châu nổi tiếng đàn dân tộc
Bốn bể vang danh nhạc nước nhà
Sự nghiệp vững bền nuôi chí lớn
Gia tài hun đúc nghiệp cầm ca
Mấy lời cầu chúc mơ thành tựu
Thế cuộc xoay tròn phải cách xa.
Ba họa vận
(Viết ngày 26-7-1981)
Hôm nay con đã chúc mừng ba
Gởi thiệp nhân ngày thọ "giáp hoa"(8)
Bạc tóc vẫn còn mơ lợi nước
Mồi da chưa dám mộng vui nhà
Mai sau, ai giữ nghề âm nhạc?
Hiện tại, ai gìn nghiệp hát ca?
Trọn kiếp tơ tằm chưa dứt mối
Chữ nhàn an hưởng vẫn còn xa.
Con gái út cưng gởi cho ba
(Viết ngày 24-7-1981)
Sinh nhựt mừng ba thọ sáu mươi
Mong ba ngày tháng vẫn vui cười
Tâm hồn mỗi phút thêm thanh thản
Sức khỏe hằng ngày được tốt tươi
Sáng tác dạt dào thơ chẳng ngớt
Trình bày lưu loát nhạc không nguôi
Mong ba hạnh phúc hơn trăm tuổi
Để sống cùng con đến suốt đời.
Ba họa vận
(Viết ngày 25-7-1981)
Nhớ tuổi ba vừa được sáu mươi
Nhờ con già yếu vẫn tươi cười
Quanh năm đẹp miệng cơm ngon ngọt
Suốt tháng đầy nhà hoa thắm tươi
Thơ phú, lòng vui thơ chẳng cạn
Nhạc ca, dạ đẹp, nhạc không nguôi
Thương ba cực khổ, con nào ngại
Hiếu đạo tình con đáng để đời.
Con trai Trần Quang Hải mừng sinh nhựt ba
(Gởi từ Falls Church, Mỹ, 1985)
Nhân ngày sinh nhựt của ba thương
Tuy cách xa nhau vạn dặm trường
Vẫn nhớ vẫn yêu, yêu mãi mãi
Vẫn thương, vẫn kính khó đo lường
Thành công phổ biến nguồn dân nhạc
Rực rỡ huy hoàng như thái dương
Kính chúc ba vui trong hạnh phúc
Đượm tình dân tộc của quê hương.
Ba họa vận
(Viết ngày 9-8-1985)
Thiệp con chúc thọ đượm tình thương
Gởi tự phương xa mấy dặm trường
Cuộc thế hợp tan ôi khó đoán
Biển đời sâu cạn quả khôn lường
Anh em nghĩa nặng như sơn thạch
Phụ tử tình thâm ví đại dương
Vui sướng tuổi già, con hiếu thảo
Ơn trời, xin tạ nén trầm hương.
* Và có khi, các con của GS.TS Trần Văn Khê cũng họa vận thơ của nhau:
Bài họa của con trai Trần Quang Minh
(Viết ngày 24-10-1985)
Cuộc đời gian khổ nghĩ mà thương
Than thở cùng ba chút đoạn trường
Bởi lẽ long đong không gặp vận
Quyết gìn ngay thẳng vẫn đo lường
Trải qua nghịch cảnh cùng non nước
Dừng lại an nhàn với đại dương
Con trẻ nặng tình qua vạn lý
Tình thương nguồn cội nghĩa quê hương.
* Đến ngày sinh của các con, GS.TS Trần Văn Khê thường mừng con bằng những câu thơ:
Mừng ngày sanh của con trai Trần Quang Minh
Thương con từ nhỏ chẳng gần ba
Nhưng lại tình thương rất đậm đà
Lúc trẻ dồi mài môn kiến trúc
Nên người nghiên cứu nghiệp cầm ca
Nếu chưa lắm dịp đền ơn nước
Cũng đã nhiều phen nối nghiệp nhà
Sinh nhựt mừng con đầy sức khỏe
Cuộc đời hạnh phúc đến mồi da.
* Năm 1985, con gái Thủy Tiên mới sang Pháp sống với ba, nhưng lòng luôn luôn nhớ mẹ. Đúng sinh nhật của con, GS.TS Trần Văn Khê gửi một bài thơ cho con gái:
Mừng ngày sanh con gái Thủy Tiên cưng
(Viết ngày 19-9-1985)
Sinh nhựt đầu tiên sống cạnh ba
Và lần thứ nhứt phải xa nhà
Sum vầy già trẻ nâng chung rượu
Đoàn tụ cha con cạn chén trà
Nghĩ đến ngày vui, nguồn sống mới
Quên lần phút cực, quãng đời qua
Chúc con gian khổ không còn nữa
Hạnh phúc triền miên đến tuổi già.
* Đến ngày tết, thường cha con, bạn bè hay xướng họa:
Nhắn con trai Trần Quang Hải đầu năm Ất Sửu
(Viết ngày 27-1-1985 trên máy bay Paris Nice)
Ất Sửu đầu năm tuyết khắp nơi
Chúc xuân ba gởi nhắn đôi lời
Khiêm nhường nhắc trẻ từ bao thuở
Bền chí khuyên con đến suốt đời
Biểu diễn thành công bao chỗ đón
Trình bày kết quả lắm nơi mời
Con nhờ thiên phú tài âm nhạc
Thêm đức tài con sẽ rạng ngời.
Thơ tết của con gái Thủy Ngọc
(Rạng sáng mồng 1 tết Nhâm Tuất 1982)
Mỗi sáng con pha một tách trà
Cùng nhau chung uống tháng ngày qua
Cha con đàm đạo trong phòng khách
Già trẻ đờn ca dưới mái nhà
Cuộc sống êm đềm ca nhạc trỗi
Tâm hồn thơ thới vận thơ ra
Dạt dào thi phú không ngừng bút
Chép tặng mừng cha cái tết ta.
Ba họa vận
(Chiều mồng 2 tết Nhâm Tuất 1982)
Thanh thản cha con sáng uống trà
Tâm đồng ý hiệp mấy năm qua
Tháng ngày thưởng thức vui cầm sách
Sớm tối chăm lo đẹp cửa nhà
Đường lợi không màng, không bén mảng
Cửa quyền, chẳng thích, chẳng vào ra
Cuộc đời thanh đạm đầy thơ nhạc
Nhưng lắm nguồn vui đến với ta.
2- CÁC BÀI THƠ KHAI BÚT ĐẦU NĂM
Trong những lúc vui xuân, GS.TS Trần Văn Khê thường có lời nhắn nhủ dạy con như "Khiêm nhường nhắc trẻ từ bao thuở / Bền chí khuyên con đến suốt đời" hay "Thêm đức tài con sẽ rạng ngời". Mỗi năm, đúng ngày mùng 1 tết, GS.TS Trần Văn Khê thường khai bút bằng một bài bát cú Đường luật.
Tự thuật
(Tết Canh Ngọ, 1990)
Tết đến năm nay đúng bảy mươi
Mặc đời dâu bể vẫn tươi cười
Xưa từng dự hội, từng xông xáo
Nay được hồi hưu, được nghỉ ngơi
Hết bận thuyết trình qua các nước
Còn vui du ngoạn khắp phương trời
Bình thơ tấu nhạc khi nhàn rỗi
Thanh thản trong tâm chẳng bận đời.
* Thơ của GS.TS Trần Văn Khê thường được nhiều bạn bè họa vận lại như nhà thơ Hà Thượng Nhân đã họa vận bài trên như sau:
Chưa già
Cứ ngẫm trăm năm phỏng mấy mươi
Bể dâu tiếng khóc lẫn câu cười
Núi sông ngoảnh lại còn đang đợi
Thơ nhạc nhìn vào chẳng thể ngơi
Chân vẫn muốn đi cùng mặt đất
Lòng hằng mong trải khắp phương trời
Ta già sao được khi lòng trẻ
Vạn cuộc đời trong một cuộc đời!
* Năm 1998, sau 50 năm đón tết tại xứ người, lần đầu tiên đón xuân tại quê nhà, GS.TS Trần Văn Khê rất vui và khai bút như sau:
Xuân Kỷ Mão khai bút 1998 (Nguyên đán Kỷ Mão, giờ Ngọ)
Tự thuật
Năm nay khai bút tại quê nhà
Đất nước người thân hết thấy xa
Bè bạn mừng xuân tràn chén rượu
Cháu con chúc thọ cạn chung trà
Dạo đàn đón tết vui câu nhạc
Cất tiếng chào xuân rộn khúc ca
Năm chục năm qua xuân đất khách
Xuân này ta được tắm ao ta.
* Và thêm một bài thơ nữa khi đón xuân trên đất Việt:
Đón xuân đất Việt
(Giờ Dần, năm Kỷ Mão 1998)
Trong lòng đất Việt đón xuân sang
Nắng ấm gió xuân thoảng dịu dàng
Trước ngõ chói chang câu đối đỏ
Trong nhà rực rỡ cụm mai vàng
Nhạc Xuân dạ hứng rao vài điệu
Thơ tết lòng vui thảo mấy hàng
Cạn chén chúc nhau muôn sự đẹp
Đàn xuân trỗi giọng tính tình tang.
* Lòng vẫn còn nhiều rung động với không khí xuân, GS.TS Trần Văn Khê có thêm những bài thơ khác như.
Xuân cảm
(Năm 1998)
Mỗi độ xuân về vẫn đón xuân
Mai đào đôi cánh gửi thi nhân
Mặc dầu biết tuổi thêm chồng chất
Nhưng vẫn tươi cười với nắng xuân.
Ăn tết quê nhà 1998
Sáng sớm cành xanh gặp ánh vàng
Lòng xuân rộn rã đón xuân sang
Trong nhà hương quyện hoa đào thắm
Ngoài ngõ gió lay cụm cúc vàng
Vằng vặc nắng xuân vừa sáng tỏ
Liên hồi điện thoại đã reo vang
Quê nhà ăn tết vui chi lạ
Khai bút mau ghi vội mấy hàng.
* Nhà thơ Huy Cận họa vận bài "Tự thuật" gởi bạn Trần Văn Khê, năm 1998.
Mừng ai trở lại thú quê nhà
Vòng đất giờ đây đâu có xa
Người cũ tình nay thơm chén rượu
Nước xưa xuân mới ngát hương trà
Tết về ắt hẳn xôm thơ nhạc
Năm tới chắc rằng ngọt tiếng ca
Thấm thoát một đời làm lữ khách
Trùng phùng chưa muộn bạn cùng ta.
* Năm sau, tại xứ người, GS.TS Trần Văn Khê nhớ lại xuân quê nhà và không ngăn được giọt lệ khi ngày tết đến.
Khai bút đầu xuân 1999 (Ngày 12-2-1999)
Mơ cánh đào tươi chậu cúc vàng
Thèm về quê mẹ lúc xuân sang
Xứ người tết đến đầy sương gió
Đất Tổ xuân về rực quế lan
Tuyết sớm trời Tây trùm ảm đạm
Nắng mai đất Việt rực hào quang
Năm mươi năm chẵn xuân côi cút
Mộng đã thành sao lệ vẫn tràn.
* Bên Pháp có tục lệ mừng cha vào Ngày lễ của những người cha (chủ nhật tuần thứ ba của tháng 6). Con trai Trần Quang Hải kính gởi ba Trần Văn Khê bài thơ sau:
Kính chúc chào mừng lễ các cha
Ba vui khỏe mạnh lúc về già
Rong chơi bốn biển ngâm thi phú
Rảo bước năm châu ngắm cỏ hoa
Tô điểm dân ca muôn nẻo lối
Bảo trì quốc nhạc vạn đường xa Bao năm dâng hiến cho văn hóa Suốt cả cuộc đời nghiệp hát ca. (Limeil 19-6-1999)
* Họa vận thơ con ngày 21-6-1999
Thương gửi con trai cưng Trần Quang Hải
Thiệp mừng con gửi ấm lòng cha
Chúc được an vui lúc tuổi già
Suối nhạc vẫn tuôn vang tuyệt khúc
Vườn thơ thường rộ ngát hương hoa
Sưu tầm, sức yếu không lo mệt
Nghiên cứu đường dài chẳng ngại xa
Thơ nhạc đưa ba xa cõi tục
Vui đời cao tiếng hát hoan ca.
* GS.TS Trần Văn Khê luôn lạc quan, không ngại xuân tàn phai:
Xuân bất tận
(26-1-2000)
Tận hưởng mùa xuân đẹp
Chẳng ngại xuân tàn phai
Khi trăm hoa rụng hết
Cũng còn một nhành mai
Ta đếm giọt thời gian
Lá xanh thay lá vàng
Xuân đi xuân còn lại
Sáng rực cả không gian.
(Khi trăm hoa rụng hết / Cũng còn một nhành mai: lấy ý từ câu thơ "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" trong bài thơ Cáo tật thị chúng của thiền sư Thích Mãn Giác).
Xuân Canh Thìn
Canh Thìn rồng thẳng cánh lên trời
Tính lại tuổi mình đã tám mươi
Nhớ chuyện vừa qua đầy vị ngọt
Nhìn ngày sẽ tới lắm niềm vui
Thi đàn xướng họa thêm nhiều bạn
Nhạc thất hòa ca chẳng thiếu người
Còn sức vun bồi vườn quốc nhạc
Vội gì nghĩ chuyện hưởng nhàn thơi?
Xuân Canh Thìn 2000
Thấm thoát nay đà tuổi tám mươi
Chân tay tuy yếu mặt mày tươi
Đàn ca diễn giảng còn dư sức
Ngâm vịnh thuyết trình chửa thiếu hơi
Phổ biến dân ca qua bốn biển
Lưu truyền quốc nhạc khắp muôn nơi
Thân tâm an lạc nhờ thơ nhạc
Khỏe mạnh nhờ ơn đức Phật Trời.
Xuân Nhâm Ngọ nhớ quê khai bút
(Nguyên đán, 12-2-2002, giờ Thìn - 8 giờ 45)
Nhâm Ngọ tuổi đà ngoại tám mươi
Vẫn còn đón tết tại quê người!
Nguồn thơ ghép vận tuy không cạn
Suối nhạc hòa ca dẫu chẳng vơi
Nhưng dưới trời Tây, nghe nhớ nước
Mà trên đất Việt, thấy vui đời!
Ước gì sớm được về quê quán
Cuộc sống muôn phần thêm tốt tươi!
* Nhất định về nước lúc cuối đời, năm chót tại Pháp, GS.TS Trần Văn Khê nghĩ tới tương lai, vui khảy đờn đôi tiếng tình tang.
Quý Mùi khai bút
(Nguyên đán Quý Mùi, giờ Thìn, Vitry-Sur-Seine, tại tư thất, ngày 1-2-2003, 9 giờ 40 giờ Paris)
Quý Mùi Nguyên đán đợi xuân sang
Khai bút đầu năm thảo mấy hàng:
Chúc bạn cuộc đời luôn hạnh phúc,
Mong mình sức khỏe được an khang
Quê nhà về ở, không do dự,
Đất khách rứt đi, hết buộc ràng.
Sự nghiệp tinh thần trao đất nước,
Nâng đàn, vui khảy tính tình tang.
* Đầu năm Ất Dậu 2005, GS.TS Trần Văn Khê viết:
Sáng nay, cảm giác mình đang ở Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam, nơi mà ngày xửa ngày xưa, cách nay 61 năm, chàng trai vùng lưu vực sông Cửu Long đã đón xuân lần chót tại Hà Thành, rồi phiêu bạt giang hồ, năm châu bốn biển, lại được cái thú vui nhìn lại cảnh cũ, nhớ chuyện xưa rồi nghĩ đến ngày nay, nhắc chuyện xa để thấy rõ việc gần. Trong cái vui có một chút bàng hoàng, trong cái bàng hoàng lại ẩn một niềm vui.
Trong lúc tập trung để viết bài thơ khai bút, thì mấy lần điện thoại làm gián đoạn nguồn hứng. Thảo vừa xong 8 câu 5 vần thì gia đình bạn Hoàng Chương đến đón mình đi dạo phố, và thăm vài người bạn. Được cái vui nhìn tận mắt cảnh xuân tại Hà Thành dưới tia nắng sớm, trời hôm nay ấm áp mà không nóng, cây cỏ phơi phới tình xuân, người người quên chuyện âu lo để đón mừng năm mới, thì cuộc du Xuân sáng nay đáng cho ta hoãn lại việc đọc và sửa mấy câu thơ chưa ổn.
* Sau đây là bài thơ khai bút GS.TS Trần Văn Khê gửi đến gia đình, môn sinh bè bạn xa gần:
Khai bút đầu năm tại Hà Thành
(Khách sạn Bảo Sơn Hà Nội, Nguyên đán giờ Ngọ 12 giờ 30, ngày 8-2-2005)
Tết này gần nước lại xa nhà
Khai bút đầu năm, ta với ta
Thuở trước chàng trai đi hái lộc
Ngày nay lão trượng dạo xem hoa
Xứ người nghiên cứu thời niên thiếu
Quê mẹ an cư lúc tuổi già
Gởi bạn đôi vần từ đất Bắc
Chào xuân gà gáy khúc hoan ca.
* Đón xuân đầu tiên tại căn nhà sẽ là tổ ấm đến cuối đời tại Việt Nam, GS.TS Trần Văn Khê viết:
Bính Tuất đầu năm xướng họa
(Bính Tuất Nguyên đán giờ Ngọ, Trần gia trang, Q. Bình Thạnh, TP. HCM, 13 giờ 20 ngày 29-1-2006)
Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận. Mặc dầu xuân đi rồi xuân lại nhưng mỗi mùa xuân lại khác nhau. Tôi thường sống ở hải ngoại nên suốt hơn 50 năm tôi không được ăn tết ở quê nhà. Từ năm 1999 đến nay, tôi đã ba lần về đón xuân tại Việt Nam.
Lần đầu, tôi rất vui nhưng chưa trọn vẹn vì đêm giao thừa phải ở tại khách sạn Majestic chớ không phải ở trong gia đình.
Năm vừa qua, đêm giao thừa tôi lại được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) mời ra Hà Nội để tham dự chương trình đặc biệt đón tết, trong đó tôi trả lời trực tiếp những câu hỏi của biên tập viên Quang Minh. Đài truyền hình Việt Nam sắp đặt cho tôi ở tại khách sạn Bảo Sơn đầy đủ tiện nghi. Nhưng sáng mồng 1, khi thức dậy khai bút chỉ có một mình tôi trong gian phòng lạnh lẽo!
Năm nay là lần đầu tiên tôi đón giao thừa và khai bút đầu xuân tại đất nước Việt Nam, trong căn nhà mà tôi luôn nghĩ rằng sẽ là tổ ấm của tôi đến cuối đời.
Tôi không thể nói hết cảm xúc của tôi tại đây nhưng trong bài thơ khai bút gởi cho bạn bè, các bạn sẽ thấy tôi được hạnh phúc gần như trọn vẹn:
Khai bút đầu năm Bính Tuất 2006
Bính Tuất đầu năm hạnh phúc đầy!
Quê nhà, tổ ấm hẳn là đây
Gió xuân nhẹ thoảng qua phòng ốc
Nắng tết nồng soi khắp cỏ cây
Bè bạn xa gần chờ họp mặt
Cháu con lớn nhỏ đã sum vầy
Cuối đời ước mộng nay thành thực
Rực rỡ trong ngoài hoa mãn khai.
* Năm thứ hai đón tết tại tổ ấm ở Việt Nam, GS.TS Trần Văn Khê viết:
Cảm nghĩ đầu năm Đinh Hợi 2007
Sáng thức dậy, dạo vườn hoa với cháu Tươi. Ngoài cây huỳnh mai đầy hoa nở rộ, bông trang hồng vàng khoe sắc dưới tàng cau xanh ngắt, hướng dương đỏ lợt, bông lài trắng mượt, bông chuối kiểng đỏ vàng mỗi cành năm sáu nụ rực rỡ khoe tươi, hoa lá như mỉm cười đón xuân.
Hai bác cháu xuất hành rảo bước trên con đường vắng teo, rồi ung dung trở về tự "xông nhà".
Bình hoa lys mà CLB Ca Huế tặng tôi hôm trước, toàn hoa búp mà đến sáng nay, hoa mở cánh hồng nhạt khoe nhụy vàng tươi, mang những nụ màu nâu như tươi cười chào tôi, mừng xuân mới tại nhà.
Đốt nén hương trên bàn thờ cô Ba, cậu Năm, ba, má, tôi trầm ngâm nhớ lại người xưa đã khuất mà đêm giao thừa tôi đã kính khấn mời về, những người đã sanh thành dưỡng dục, dạy dỗ, nuôi tôi nên người.
Tôi nhớ lời cô Ba tôi dặn dò tôi trước khi rời gia đình ra Hà thành vào đại học, tiếng cậu Năm tôi dạy tôi từ chữ đàn cò, biết "vuốt ve nên lời dịu ngọt", từ roi trống khai tràng đến bài trống lạy, nhớ ba tôi cười khi anh em chúng tôi chào ba như trong hát bội: "Quờn Nhứt điện, Nhị điện, Công nương bái tạ phụ vương, chúc thánh thượng tuế tăng vạn tuế, vạn vạn tuế!". Nhớ tiếng đờn kìm của cha gân guốc, chữ nhấn sâu sắc đậm đà, câu chuyền mặn mà duyên dáng, nhớ đôi mắt mẹ hiền nhìn tôi như cưng thương mà năn nỉ tôi ở lại nhà khi mẹ con chia tay, mẹ tôi đi biểu tình chống thuế vụ do chánh quyền thuộc địa áp đặt. Sau chuyến đi đó, mẹ tôi bịnh nặng rồi vĩnh viễn ra đi.
Đợi gia đình xa lộ đến. Chào mừng và lì xì cho các con cháu sau khi chúng nó mừng tuổi . Đến 11 giờ hơn, tôi thấy hứng và ngồi làm nốt bài thơ khai bút đã nghĩ từ sáng, và đến 11 giờ 15 chép xong. 11 giờ 40 đánh máy trên vi tính bài thơ khai bút tựa là "Cảm nghĩ đầu năm Đinh Hợi".
Đinh Hợi ngày xuân đẹp cửa nhà
Gia đình đất nước chẳng còn xa
Cháu con xúm xít dâng lời chúc
Bè bạn quây quần, tặng lẵng hoa
Điền dã, sưu tầm thu xếp lại
Học đường diễn giảng rộng lan ra
Tre già vui thấy măng non mọc
Đón tết dạo đàn cất tiếng ca.
* Mỗi năm, đúng ngày mùng 1, GS.TS Trần Văn Khê lại có bài khai bút.
Tự thuật xuân Mậu Tý
(Trường Ca trang, miền Nam Nước Việt, Nguyên đán
Mậu Tý 2008, giờ Thìn, 8 giờ 45, ngày 07-02-2008)
Luôn tắm ao nhà thỏa ước mong,
Ba năm cuộc sống được tươi hồng.
Thuyết trình người hiểu, không hao sức,
Giảng dạy trò nên, chẳng uổng công.
Đào đỏ, mai vàng, khoe sắc thắm,
Trà thơm, rượu ngọt, tỏa hương nồng.
Đầu năm Mậu Tý tâm thanh thản,
Ta dạo hơi xuân rộn cả lòng.
Khai bút đầu năm Kỷ Sửu
(Nguyên đán Kỷ Sửu 25-1-2009, giờ Thìn, 9 giờ 50)
Tiết xuân Kỷ Sửu mới vừa sang
Khai bút đầu năm thảo mấy hàng
Tai kém, mắt mờ, tâm vẫn sáng
Chân run, tay khớp, tiếng còn vang
Luôn ưa chuốc rượu trong nhà ấm
Thường thích xem hoa dưới nắng vàng
Tiếp tục vun bồi nền cổ nhạc
Ơn trời ban tuổi thọ, an khang.
Canh Dần khai bút
(8 giờ 45, cuối giờ Thìn, ngày mồng 1 tết Canh Dần)
Tiễn đưa Kỷ Sửu đón Canh Dần
Khai bút đầu năm thảo mấy vần
Sức khỏe ngoại hình tuy có kém
Tinh thần nội lực hãy còn gân
Truyền hình, hội thảo luôn tham dự
Thuyết giảng, liên hoan vẫn góp phần
Tiếp tục việc làm theo lý tưởng
Sống nhờ Trời Phật thưởng hồng ân.
3. MỘT SỐ BÀI THƠ KHÁC
Trong nhiều trường hợp, GS.TS Trần Văn Khê thường ghi vội vàng cảm xúc của mình bằng mấy câu thơ.
Vào tháng 5-1953, trên xe lửa, khi thấy một đôi vợ chồng chia tay, GS.TS Trần Văn Khê đứng vào địa vị người vợ, viết mấy câu:
Em nhìn chàng biến lần trong đêm tối
Em ôm con, gạt lệ nuốt cơn sầu
Nuốt sầu dầu phải xa nhau
Hỡi chàng có biết em đau? Hỡi chàng!
* Nhiều lúc nhớ bạn đời, chỉ gặp được trong mơ, GS.TS Trần Văn Khê viết:
Nằm mơ
(Hè năm 1953)
Đã mấy năm qua vẫn đợi chờ
Nhớ nàng chỉ gặp được trong mơ
Mơ tàn nàng biến ra mây khói
Để lại phòng không dạ thẫn thờ.
* GS.TS Trần Văn Khê thường thông cảm với những người đau khổ, và đôi khi thay lời người khác để nói lên lòng mình.
Lòng anh lòng em
(Hè năm 1957, tặng những đôi uyên ương xa cách)
Lòng anh như cây héo
Lòng em như mưa xuân
Gặp mưa lá trổ đầy cành
Bao nhiêu sức sống
Cây để dành chờ mưa.
Lòng anh như suối cạn
Lòng em như nước nguồn
Gặp nguồn thoăn thoắt suối tuôn
Thêm tươi cho cây cỏ
Gột buồn cho non sông.
Lòng anh như đàn cầm
Lòng em khách tri âm Thỏa lòng
Đàn trỗi thâm trầm
Để bù những phút âm thầm chờ ai?
Thỏa lòng
Đàn trỗi thâm trầm
Để bù những phút âm thầm chờ nhau.
* Trong mười năm, gia đình người em họ Mộng Trung cho GS.TS Trần Văn Khê nương nhờ để có nơi ăn chốn ở yên tĩnh và đặt trọng tâm vào việc soạn luận án tiến sĩ. Mỗi năm, đến ngày sinh nhật của em, GS.TS Trần Văn Khê hay làm thơ tặng em.
Mừng sinh nhựt em họ Mộng Trung
(Tháng 11-1962)
Thương mến mừng ngày sinh nhựt em
Chúc em vui khỏe, trẻ, giàu thêm
Giàu tư tưởng mới, lời thơ đẹp
Giàu áng văn hay, tiếng nhạc êm.
Mừng sinh nhựt em Mộng Trung (Tháng 11-1963)
Chỉ một thân em gánh bảy con
Dưỡng nuôi giáo dục vẫn lo tròn
Bao la em đã cho tình mẹ
Sâu đậm trẻ vừa đáp nghĩa con
Sức yếu bền gan, toan lấp biển
Thân côi trì chí quyết dời non
Trên đời em thắng bao gian khổ
Sinh nhựt mừng em chí chẳng mòn.
* Khi GS.TS Trần Văn Khê đi nghỉ hè tại La Baule (miền Tây Nam nước Pháp), ai đến đây cũng moi cua, bắt ốc, riêng GS.TS Trần Văn Khê nằm dài trên gò đá mà vẫn tìm được thức ăn. Bạn bè đùa nói rằng GS.TS Trần Văn Khê là "ngọa triều bắt ốc", như một ông vua làm biếng, lâm triều không ngồi lên ngôi mà nằm dài. Em họ Mộng Trung viết bài thơ trêu ông.
Ngọa triều bắt ốc (La Baule) (Ngày 1-9-1964)
Ngọa triều giữa bãi nước mây xa
Hái lộc trời ban ngón ngọc ngà
Đỉnh giáp, ốc trần xuyên nắng lửa
Hang thần cua tục gặp phong ba
Tay quanh bốn mặt rêu xanh đá
Chân dọc mười phương cát rám da
Ngự tại triều thiên muôn sóng dạt
Quân thần chỉ có bạn cùng ta.
(Mộng Trung)
GS.TS Trần Văn Khê họa lại trong một bài thơ tự trào:
Thân chinh lội nước chẳng long xa
Móc, giỏ, cù neo thế ấn ngà
Bắt ốc chẳng lo mòn trí dũng
Moi cua còn ngại kém tài ba
Lửa trời hực hực say say mắt
Gió biển hây hây mát mát da
Trăm họ đang còm lưng cúp cổ
Ngọa triều sao chỉ một mình ta?
* Tháng 9-1969, em họ Mộng Trung vĩnh viễn ra đi sau hai năm bệnh nặng. Mất đi người em, người bạn tri kỷ tri âm, GS.TS Trần Văn Khê khóc người quá vãng bằng mấy câu:
Khóc em Sáu
(Viết ngày 3-9-1969)
Dây đàn sớm đứt tắt âm thanh
Hoa héo lá rơi vội tách cành
Mất bạn nguồn thơ nay đã cạn
Đau lòng tử biệt thấu trời xanh.
Bài thơ thứ hai khóc em Sáu:
Nghẹn ngào vĩnh biệt bạn tri âm
Chia khổ chung vui được mấy năm
Cảnh khó vượt qua nhờ nhất trí
Đường dài đi suốt bởi đồng tâm
Nhạc thơ có bạn thêm phong phú
Chánh trị nhờ em đỡ lạc lầm
Trần thế từ nay em vắng bóng
Bao giờ đáp được nghĩa tình thâm.
* Khi em họ Mộng Trung mất tròn năm, GS.TS Trần Văn Khê đang dự hội nghị tại thành phố Shiraz của Ba Tư, ông viết:
Nhớ người quá vãng
Em đi tính lại đã tròn năm
Tưởng niệm dâng em mấy khúc cầm
Cầu nguyện hồn em vào cõi thọ
Một mình xứ lạ khóc tri âm.
Ngày 3-9-1970
* Những lúc đi đường, GS.TS Trần Văn Khê thích ghi lại những điều nghe thấy (vài nét đơn sơ) bằng thơ. Khi đi trên xe lửa, tiếng xe chạy thình thình thình, GS.TS Trần Văn Khê theo nhịp xe làm những câu thơ 3 chữ, phác họa vài nét đơn sơ những hành khách trong toa xe.
Trên xe lửa
(Ngày 4-9-1964)
Xe chạy mau
Xe chạy mau
Hành khách nói
Chuyện thì thào
Ông ngủ gật
Lắc lia đầu
Giựt mình thức
Ông càu nhàu
Xe chạy mau
Xe chạy mau.
Cô đầm đẹp
Đôi má đào
Mái tóc óng
Xinh làm sao!
Xe chạy mau
Xe chạy mau.
Người tựa gối
Kẻ cúi đầu
Đôi mắt nhắm
Đôi mày chau
Xe chạy mau
Xe chạy mau.
Còi xe hú
Tiếng người la
Xe vào ga
Xe vào ga
Ông lão thức
Cô đầm thức
Hành khách thức
Người đi lại
Kẻ đi qua
Đầy cu loa (couloir)
Xe vào ga
Xe vào ga.
Và một bài thơ khác:
Đôi nét đơn sơ
Trên xe lửa
Cô đầm ngồi trong góc
Trẻ đẹp người có học
Mắt sáng mái tóc vàng
Im lìm cầm sách đọc.
Cô ngồi gần kế bên
Mân mê tà áo len
Ngây thơ và bẽn lẽn
Áo hồng mái tóc đen.
Bà lão ngồi bên cạnh
Chán nhìn xem phong cảnh
Mở gói nhoẻn miệng cười
Mời các cô xơi bánh.
Ông cụ bạn đồng hành
Mái tóc đã hoa râm
Ngồi yên chơi ô chữ
Mặc xe chạy rầm rầm.
Có chàng trai đất Việt
Suốt buổi vẫn làm thinh
Cắm đầu tay cứ viết
Thơ tả bạn đồng hành.
3. NHỮNG BÀI THƠ VIẾT TRONG BỆNH VIỆN
Khi vào Viện dưỡng lao, mỗi sáng, GS.TS Trần Văn Khê phải nằm yên trong ba tiếng đồng hồ để truyền thuốc PAS trị bệnh lao. Nhìn từng giọt, từng giọt thuốc theo kim tiêm vào gân, nhiều khi ông rất bực. Thay vì lộ vẻ bực dọc bằng chau mày hay đập bàn, đập ghế, ông viết những câu thơ:
Nằm yên
Đếm giọt
Thuốc tiên
Cứ rót
Từng giọt
Vào người
Từng giọt
Vào người
Giọt dài
Giọt ngắn
Khi mau
Khi chậm
Đợi thấm
Vào người
Bực lắm
Ai ơi!
Nhờ vậy mà suốt bốn tháng trời, ông có đủ bình tĩnh mà chống với cái bực đó và luôn hy vọng bệnh sẽ hết.
Hy vọng
Tiêm thuốc hôm nay đã bắt đầu
Cầu mong cho bịnh sớm lành mau
Cho người hiếu học dồi kinh sử
Gian khổ lúc đầu hạnh phúc sau.
Tiêm thuốc
Mỗi sáng trên cành chim hót vang
Đồng xanh vừa tắm nắng hanh vàng
Bình minh! Trên cỏ sương còn đọng
Tiêm thuốc người ta đã sẵn sàng.
Chau mày nhìn máu rỉ qua kim
Theo máu thuốc vào thấm phổi tim
Nhìn thuốc vào gân từng giọt nhỏ
Ba giờ đăng đẵng phải nằm im.
Một đêm hè nóng bức, ông viết vài câu thơ:
Hôm nay trời nóng bức
Canh khuya còn thao thức
Lăn trở ngủ không yên
Nực!...
Hay có những đêm hè thao thức trong bệnh viện, ông viết:
Đi ngủ nhà thương họ tắt đèn
Khuya rồi! Thao thức ngủ không yên
Bên tai thỏ thẻ vài con muỗi
Ngoài phố tò le mấy giọng kèn.
Một chiều thu năm 1952, trong vườn hoa của bệnh viện, GS.TS Trần Văn Khê chụp ảnh xong, tự rửa ra và gởi cho em gái Trần Ngọc Sương, kèm mấy câu thơ:
Đây là cảnh sân trong của bệnh viện
Anh Hai ngồi mơ mộng giữa trăm hoa
Hoa đua nhau khoe sắc buổi chiều tà
Hoa dẫu đẹp lòng người không lưu luyến
Vì…
Lòng người đã băng rừng vượt biển
Để bay về quê yêu dấu: Việt Nam.
Bị bệnh tật hành hạ, ông không tránh khỏi những ngày xuống tinh thần. Trong một ngày như thế vào đầu năm 1953, ông viết:
Chắc nặng nợ tiền khiên với bịnh viện
Từ Cochin lại tới Hotel-Dieu
Rồi Cite, rồi Pessac đến bây giờ
Phải đi nghỉ tận vùng Landes hẻo lánh
Có những lúc giữa đêm thâu gió lạnh
Thao thức nằm không ngủ suốt đêm trường
Nhớ bạn hiền, nhớ công việc, nhớ quê hương
Rồi tiếc mãi phút thời xưa oanh liệt.
Một đêm thu năm 1953, GS.TS Trần Văn Khê viết bài thơ Nửa đêm:
Nửa đêm thức giấc dạ bàng hoàng
Réo rắt bên ngoài dế khóc than
Bịnh viện lặng im mình với bóng
Ngoài sân vằng vặc ánh trăng vàng.
Một người bạn gái từ Việt Nam khi đọc được bài thơ này đã gửi bốn câu sau:
Ngoài sân vằng vặc ánh trăng vàng
Gẫm đến tình ta lệ chứa chan
Hỡi khách phương xa ai có biết
Tơ lòng rộn mối khóc duyên tàn.
Người bạn gái đó đã thầm yêu trộm nhớ ông, lúc nào cũng muốn gắn bó cuộc đời với ông mà duyên không thành. Ông động lòng, họa vận bài thơ đó và gửi lại:
Tơ rối mang theo đến suối vàng
Thôi đừng đau đớn lệ dầm chan
Khách xa biết rõ ai đau khổ
Vương vấn làm chi mộng đã tàn!
Một sáng mùa thu năm 1953, ngắm mưa rơi, ông viết những dòng thơ chan chứa nỗi niềm:
Sáng mưa tuôn xối xả
Gió lạnh lòng buồn bã
Mưa chẳng dứt mưa luôn
Buồn quá!
Một chiều thu năm 1953, ông viết bài Thông reo gửi gắm nỗi lòng:
Ngàn thông reo
Ngàn thông reo
Gió càng mạnh
Reo càng nhiều
Cành phất phơ
Lá phất phơ
Khi gió thoảng
Qua sương mờ
Cảnh tiêu điều
Cảnh đìu hiu
Trời xám ngắt
Lúc về chiều.
Mùa xuân năm 1953, ông viết:
Xuân đã về chưa?
Trời vẫn lạnh
Ngoài hiên rỉ rả giọt mưa sầu
Ánh dương e lệ sau mây mỏng
Trời đất u buồn đượm sắc nâu
Năm mới năm me trong bịnh viện
Tết nhất gì?
Vẫn uống thuốc, vẫn làm cure(9).
Khi bên ngoài người tiệc rượu lại chơi khuya
Rồi hội họp đàn ca và hát xướng!
Sáng hôm sau, GS.TS Trần Văn Khê viết tiếp:
Đàn chim cao tiếng hát Lơ lửng áng mây hồng Vòm trời xanh xanh dịu Ánh sáng vờn gió đông.
Một đêm khó ngủ:
Đêm khuya sương lạnh dế ngâm nga
Văng vẳng làng xa chó sủa ma
Trăng khuất gió gào mưa nặng hột
Mơ màng trằn trọc suốt canh ba.
Đêm thu năm 1953, GS.TS Trần Văn Khê viết bài Trăng mờ:
Trăng mờ trăng núp sau mây
Muôn sao lấp lánh ngàn cây chập chờn
Đợi trăng dạo mấy cung đờn
Sao trăng vẫn trốn?
Trăng hờn ta sao?
Trăng hờn?
Dám hỏi vì đâu?
Trăng lặn ta sầu, trăng mọc ta vui
Trăng ơi! Hãy nhoẻn miệng cười
Cho lòng bớt trống, cho đời bớt đen
Trăng ơi! Trăng ơi!
Nhiều bạn viết thơ hỏi tôi: "Sao lâu quá thấy vắng bóng ở Paris? Đi đâu vậy? Hay là đi tu rồi?". Sau đây là tôi trả lời cho bạn:
Tu hú!
Đang lánh trần gian ở chốn này
Thơ ai vừa nhận sáng hôm nay
Trong khi đạo hữu nghe đàn trỗi
Chính lúc bần tăng ngắm bướm bay
Trên ấy tín đồ thơ với thẩn
Dưới này sư cụ nhậu rồi say
Tu thơ, tu nhạc, tu đàn hát
Chánh quả mong chi được đến ngày
Hi hi hi…
* Tính lạc quan của GS.TS Trần Văn Khê không mất, dù là trong tai nạn. Năm 1953, trước khi phải mổ quả thận bên phải, GS.TS Trần Văn Khê xin bác sĩ đi chơi một vòng miền Nam nước Pháp, không ngờ tai nạn xảy đến. GS.TS Trần Văn Khê viết:
"Mùa hè năm 1953, sau một cuộc xét nghiệm thấy rằng bệnh lao đã bắt đầu đi tới thận, trái thận bên mặt bị một lỗ lủng sâu ngay chính giữa (vùng calice moyen), bác sĩ định giải phẫu cắt bớt trái thận đó kẻo nó lây sang trái thận bên trái. Mình là bệnh nhân rất ngoan tuân thủ theo quyết định của bác sĩ nhưng xin phép được ra ngoài đi chơi một tuần trước khi được chở lên Paris để chịu mổ. Khi được phép của bác sĩ, mình được bạn là Đào Tiến Hỷ cho mượn một chiếc xe Lambretta. Em Điệp bằng lòng đi theo với anh Khê để thay phiên lái xe. Vĩnh và Xuân cũng đề nghị được đi theo".
Điệp, Vĩnh, Xuân đều là những bệnh nhân lao đang điều trị tại bệnh viện Aire sur l’Adour. GS.TS Trần Văn khê đã viết một bài thơ tự trào về tai nạn này.
Tự trào
(Hè 1953, khi bị tai nạn xe rất nặng)
Lúc trở về Bayonne
Đêm khuya trời tối om
Đường quanh co hiểm trở
Xuống ải lại trèo non.
Embrayage bị kẹt
Máy tắt lại không đèn
Điệp sửa xe cầm lái
Xe này Điệp đã quen.
Nhưng phía sau hơn tạ
Phía trước nhẹ ít cân
Xe đảo gần sa hố
Làm mình cũng điếng hồn.
Mình liền ra phía trước
Cầm lái dạ phập phồng
Chạy số hai số một
Chậm thế mà yên lòng.
Bỗng Vĩnh Xuân phía trước
Chẳng thấy bóng xe sau
Trở lại lòng lo ngại
Coi mình có thế nào.
Khi biết mình cẩn thận
Chẳng dám chạy xe mau
Vĩnh Xuân liền chạy trước
Mình thủng thẳng theo sau.
Còn hai cây số nữa
Là về đến Bayonne
Mình bị đèn chói mắt
Như thấy lửa xoay tròn.
Hoảng hồn mình đạp thắng
Xe trợt bánh nhào đầu
Điệp và mình sảy cẳng
"Tay với thử trời cao".
Cả hai đều chết giấc
Nằm sóng sượt vệ đường
Đến lúc có người gặp
Chở cả về nhà thương.
Lúc mình bừng mặt tỉnh
Mới biết mình té xe
Máu từ môi, mũi, mắt
Nhỏ giọt thấy mà ghê
Chú Điệp tay bịt mắt
Mệt thở chẳng ra hơi
Vừa đi vừa than vãn
J’ai perdu un oeil
(Tôi mất một con mắt).
Mắt mờ lại mất kiếng
Mình chẳng khác người mù
Xem mắt Điệp rồi nói
Tu n’as rien perdu
(Em không mất gì hết).
Trong nhà thương rộn rịp
Điều dưỡng hai ba cô
Điệp mệt la rối rít
"J’ai besoin du repos"
(Tôi cần được yên tĩnh).
Bác sĩ vừa chạy đến
Họ bồng Điệp lên giường
Đem Điệp qua phòng mổ
Vá lại mấy vết thương.
Lúc ấy mình mệt đuối
Thêm chóng mặt quay cuồng
Luýnh quýnh cô điều dưỡng
Cố ẵm mình lên giường.
Nhưng rủi mình hơi nặng
Hai cô lại mảnh mai
Khiêng mình lên chẳng nổi
Dưới đất chịu nằm dài.
Bên kia trên bàn mổ
Điệp cự bác sĩ kinh
"Oui on me dissèque"
(Người ta xẻ thịt tôi)
Bác sĩ vẫn làm thinh.
Mình bị tróc da trán
Môi mình đứt làm hai
Bác sĩ lo vá lại
Nhìn mình mà thở dài.
Về Aire nhập bịnh viện
Bác sĩ Guex lắc đầu
"Anh sắp phải mổ thận
Tai nạn vậy, làm sao?".
Thôi đành hoãn mổ thận
Cho ăn uống nghỉ ngơi
Tịnh dưỡng thêm vài tháng
Nằm nghỉ chẳng đi chơi.
Hai tháng sau rọi kiếng
Xem từng tí từng ly
Lỗ hang trong thận biến
Thì cắt thận làm gì?
Thử máu thử nước tiểu
Kết quả tốt hơn thường
Hết bịnh nhờ tai nạn
Sắp được ra nhà thương.
Thật Tái ông thất mã
Tưởng rủi hóa ra may!
Sau này ai bịnh thận
Đụng xe hết bịnh ngay.
* Những lúc thấy khó chịu vì ở trong bệnh viện quá lâu, GS.TS Trần Văn Khê ghi lại vài câu:
Bao giờ trời lại sáng?
Suối đã phiêu lưu khắp đó đây
Nay dòng ngưng lại ở nơi này
Suối tìm chưa gặp lòng sông rộng
Để suối làm tươi mát cỏ cây.
Suối chảy nhiều nơi suối chẳng dừng
Suối reo róc rách hát vang lừng
Suối mang vui trẻ cho cầm thú
Suối gột sầu cho cả núi rừng.
Những bỗng hôm nay suối lặng thinh
Lắng nghe chim hót lúc bình minh
Ngưng dòng suối chẳng tung hoành nữa
Suối biết cùng ai ngỏ sự tình?
Đau hoài sao?
Bịnh hành hạ!
Đến chừng nào?
Hỏi trời cao!
4- VÀI BÀI THƠ ĐƯỢC TẶNG VÀ XƯỚNG HỌA VỚI BẠN BÈ
Thơ xướng họa của GS.TS Trần Văn Khê với bạn bè và thơ ông được tặng rất nhiều. Trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ ghi lại vài bài, trong đó có những bài thơ của những nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Huy Cận… gửi riêng cho GS.TS Trần Văn Khê mà trong tuyển tập của các nhà thơ này cũng không in lại.
* Bài thơ do bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết năm 1996:
Thăm nhà chú Khê
Nhà chú chòi tranh suốt chín tầng
Trên đầu chỉ có gió và trăng
Rào tre rào sắt nào đâu thấy
Đờn gáo đờn dây khắp chốn giăng
Đi đứng tuổi già chưa lụm khụm
Nấu nung chí trẻ vẫn say nồng
Nắng chiều rực sáng bên thềm kiếng
Nhà chú chòi tranh suốt chín tầng.
GS.TS Trần Văn Khê họa:
Cháu đến thảo lư tận chín tầng
Là nơi chú đón gió chờ trăng
Băng từ đầy thảm như hoa rụng
Đàn sách chật tường thể nhện giăng
Ca hát vịnh ngâm còn thích thú
Sưu tầm nghiên cứu vẫn say nồng
Cám ơn cháu đến tìm thăm chú
Chẳng ngại trèo cao tận chín tầng.
* GS.TS Trần Văn Khê kể về bài thơ của Xuân Diệu gửi tặng ông vào năm 1976:
Năm 1940, Xuân Diệu và Huy Cận tìm về làng Vĩnh Kim quê tôi vì nghe nói có một gia đình đờn ca tài tử. Đêm đó, chúng tôi hòa đờn trên sông, dưới ánh trăng, cùng ăn thịt gà xé phay và tráng miệng bằng tào thưng. Anh Mỹ Ca đờn violon, tôi đờn kìm, Trần Văn Trạch - em trai tôi thì ca, anh Mỹ Ca còn có hai em gái là Sáu Hường đờn tranh, Bảy Trang đờn violon rất hay.
Nước ròng, thuyền chúng tôi thả theo con nước, đi dài từ Vĩnh Kim tới Kim Sơn. Đến chỗ nào muốn hòa đờn, chúng tôi neo thuyền lại. Nghe tiếng đờn, bà con hai bên bờ sông đốt đèn, mở cửa nghe đờn. Khi đi, chúng tôi nói: "Chào bà con đi nha!".
Mọi người đều đóng cửa tắt đèn, bên bờ có một cô gái đẹp, tóc dài ngóng theo tiếng đờn. Anh chàng lái đò bèn hò: "Hò ơi, gió đưa con buồn ngủ lên bờ. Ơ… chớ mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm". Cô gái mắc cỡ, đóng cửa cái rầm. Xuân Diệu mới bảo: "Úi giời, văn nghệ dân gian đẹp quá!".
Năm 1976, Xuân Diệu khi gặp tôi về nước lần đầu đã gởi tặng tôi bài thơ này. Cuối bài thơ Xuân Diệu đề là ngày 23 - 4 -1972, tôi không biết là Xuân Diệu đề lầm hay bài thơ này đã được làm từ trước:
Tặng nhạc sĩ Trần Văn Khê
Hỡi lòng ta nhớ Vĩnh Kim
Vầng trăng Chợ
Giữa cái đêm buông thuyền
Rầm rì dừa nước hai bên
Bờ sông vắng lặng mát hiền lòng sông
Chúng ta trẻ lắm hồn chung
Say thơ, mê nhạc đắm cùng thiên nhiên
Ấy đêm nhạc nổi trong thuyền
Giọng ca nghệ sĩ tiếng huyền tài năng
Dưới trăng mới chén tào thưng
Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua
Bạn ơi! Tổ quốc chúng ta
Hồn chung ta đó mãi xa cách gì
Bắt tay thật chặt Văn Khê
Hẹn nhau Chợ Giữa ta về ngày mai
"Rằng nghe nức tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".
Xuân Diệu, 23-4-1972
* Nhà báo, nhà thơ Chu Hà - tên thật là Lã Xuân Choát, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba (mất vào tháng 4-2010), đã gửi tặng GS.TS Trần Văn Khê bài hát nói:
Mừng ông Trần Văn Khê
Mưỡu
Trần ai bay bổng Sơn Khê
Hồn say nghệ thuật vì quê hương mình
Cùng trong thanh khí ân tình
Đón nhau dưới nắng Ba Đình reo vui.
Hát nói
Mấy chục năm Á Âu Phi Mỹ
Rộn tiếng bầu tiếng đáy tiếng nhị tiếng tranh
Khúc dân ca truyền thống Việt Nam mình
Vang dội nhịp trống đồng Ngọc Lũ
Ai khơi nhạc cổ rung hoàn vũ
Ai đấm chuông ngân sóng diệu kỳ
Ai nâng niu nghiên cứu?
Ai thừa kế phát huy?
Ai say sưa cảm thụ?
Ai tán thưởng tinh vi?
Ba dây tơ một cổ phách
Năm mươi điệu hát mê ly
Ôi sảng khoái niềm tự hào dân tộc!
Kỷ nguyên mới tươi trời hồng Tổ quốc
Cánh chim bằng bay xốc đỉnh tương lai
Non cao, biển rộng, sông dài.
Hà Nội tháng 3 -1978
Chu Hà
* Bài thơ của Vũ Quốc Thành (Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam) mừng GS.TS Trần Văn Khê 60 tuổi.
Gương mặt thân thương
Đã sáu mươi xuân vẫn nhiệt tình
Vẫn thường nhạy cảm vẫn thông minh
Hai luồng văn hóa Đông Tây ấy
Tiếp thụ mà nguyên bản sắc mình.
Nhạc âm truyền thống của quê hương
Của khắp gần xa của bốn phương
Chung sức hồi sinh không vị kỷ
Mà thành gương mặt rất thân thương.
Ai đâu vọng ngoại tự khinh mình
Sẵn quyền uy, lẫn lộn nhục vinh
Nghệ thuật nghìn xưa toan xóa bỏ
Thì lời phê phán vẫn quang minh.
Bao nhiêu năm mượn giải sông Seine
Trận địa âm thanh mở khắp miền
Góp sức đẩy lùi văn hóa độc
Cho đời, đời tưởng thưởng ghi tên.
Sáu mươi hoa đẹp một cành hoa
Bền gốc hương xuân tỏa đậm đà
Sáu chục thanh âm thành nhạc khúc
Hào hùng giai điệu hóa trường ca.
TP.HCM tháng 10-1981
* Đến tháng 7-1989, GS.TS Trần Văn Khê họa vận bài thơ trên như sau:
Cảm lời khen tặng đậm chân tình
Nhận xét việc làm thật chí minh
Súc tích nội dung hình thức đẹp
Vui ngâm thơ bạn gởi cho mình.
Vườn nhạc dân gian tỏa ngát hương
Hoa xinh cỏ đẹp khắp mười phương
Lắm người nông cạn không vun tưới
Đào gốc vùi hoa chẳng tiếc thương.
Tự ti mình vẫn tự chê mình
Vọng ngoại đua đòi lại hiển vinh
Giải thích cho người mau giác ngộ
Trùng tu quốc nhạc thoát u minh.
Chẳng phải việc người tôi muốn xen
Nhưng văn hóa độc ngập trăm miền
Như loài ác thú ngầm gây hại
Thú độc tiêu trừ ta xả tên.
Bạn thương mến tặng mấy lời hoa
Tình cảm tri âm rất đậm đà
Tri ngộ so dây rao mấy khúc
Thắm tình nhân loại trỗi tình ca.
Tháng 7-1989
* Năm lên 10 tuổi, cháu gái Đào Tiên (con của con gái Thủy Tiên của GS.TS Trần Văn Khê) làm bài thơ tặng ông ngoại:
Tặng ông ngoại
Ông ngoại em tên Khê
Là giáo sư Nhạc sĩ
Đã đi khắp thế giới
Để nói chuyện âm nhạc
Âm nhạc nước Việt Nam
Em mê nhứt khi mà
Ông em đàn tranh đó
Người nổi tiếng thế giới
Chính là ông ngoại em
Đàn tranh là đàn chính
Lại còn thêm đàn kìm
Lại còn thêm đàn cò
Dương cầm một đàn nữa
Ông em đánh nhiều đàn
Mà đàn nào cũng hay
Đàn tranh càng hay nữa
Em cũng như mọi người
Đều kính trọng ông ngoại
Ông ngoại của chúng em.
30-10-1981
* Lá thư Huy Cận
Hà Nội 26-5-2002
Anh Trần Văn Khê thân,
Tôi đã nhận được "Hồi ký tập 4" của anh và đã đọc rất lý thú. Xin gửi mấy câu anh đọc cho vui:
Một gánh nhạc, một cuộc đời
Nặng lưng truyền thống mách người năm châu
Sầm giang Chợ Giữa nguồn sâu
Mạch Khê như chảy một màu quê hương
Chân đi tám hướng mười phương
Lòng dân tộc chỉ một đường trước sau.
Chúc anh vui khỏe
Huy Cận
Một ngày sau tôi lại được bức thư khác của Huy Cận. Trong đó bạn tóm lại đại ý của bài thơ trên, nhưng bạn gạch dưới những con số như sau:
Tôi đã nhận được quyển "Hồi ký bôn ba bốn biển năm châu", nên tôi gửi cho anh hai câu thơ sau đây:
Chân đi tám hướng mười phương
Tinh thần dân tộc một đường trước sau.
Ngoài ba con số bôn 3, 4 biển, 5 châu của tôi, bạn Huy Cận đã thêm 1 đường, 2 câu thơ, 8 hướng, 10 phương.
Trên đây là những câu thơ của bạn bè gửi cho nhau mà không có trong tuyển tập thơ của thi sĩ Huy Cận. Tôi cho đó là những món quà vô giá mà Huy Cận đã tặng tôi.
Bạn đọc thân mến! Những câu thơ trên của GS.TS Trần Văn Khê hẳn đã phần nào giúp bạn đọc hình dung về một tâm hồn thơ rộng mở của một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống của dân tộc. Sâu lắng trong những vần thơ GS.TS Trần Văn Khê dành cho con là những lời khuyên nhẹ nhàng về cách sống ở đời. Hiển hiện trong những vần thơ xướng họa với bạn bè là một chân dung với lối sống thanh đạm, không vì danh, vì lợi mà vì tình người. Tỏa sáng trong những bài thơ tự trào là một tâm hồn lạc quan, an vui trước cuộc sống vốn không ít sóng gió. Mỗi bài thơ như một cung đàn mà bạn có thể dễ dàng đón nhận và đồng cảm!