Bạn đọc thân mến, với 12 câu chuyện trong cuốn sách này, hẳn bạn đọc đã có những cảm nhận nhất định về quan niệm sống, những tâm huyết với sự nghiệp quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam của GS.TS Trần Văn Khê.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm hơn về những nghĩ suy về tình yêu, sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê, chúng tôi mời bạn theo dõi cuộc trò chuyện dưới đây, được thực hiện một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 90 của GS.TS Trần Văn Khê.
* Kính thưa GS.TS Trần Văn Khê, trong cuốn sách này, ở câu chuyện "Làm chủ bản thân", Giáo sư có chia sẻ về quan niệm tình yêu của mình là "chưa bao giờ tôi si và mê trong tình ái", "tôi cũng không bao giờ ghen", "chưa bao giờ tình yêu của tôi vượt ra ngoài lý trí. Tôi lập gia đình cũng vì lý trí vâng nghe đề nghị của cô tôi để có con trai nối dõi họ Trần". Giáo sư có bao giờ e ngại rằng quan niệm tình yêu ấy có thể sẽ làm một số bạn trẻ nghĩ rằng đó chưa phải là sống trọn vẹn với tình yêu?
- Đúng là có một số bạn trẻ nói với tôi rằng trong tình yêu, khi lý trí luôn làm chủ thì chưa gọi là yêu thật sự. Thật ra, tôi không bao giờ e ngại hay hối hận khi lựa chọn cách yêu đó. Quan điểm sống của tôi từ trước đến nay là luôn để lý trí kiểm soát, không chỉ trong tình yêu mà trong tất cả mọi việc. Tôi biết cách yêu như vậy là chưa trọn vẹn với tình yêu, nhưng nếu trọn vẹn với tình yêu mà mất cả lý trí, đi đến sai lầm để rồi phải hối hận thì tôi không muốn.
Tôi thấy trong cuộc đời, không ai là toàn vẹn. Khi đã si mê thì hay làm theo bản năng. Tôi không muốn để bản năng lấn át lý trí và luôn cố gắng làm chủ bản thân để không bị lạc vào mê hồn trận. Thí dụ như tôi thích uống rượu nhưng không bao giờ để mình say, hoặc sẵn sàng ngừng uống rượu nếu tôi biết điều đó có hại cho sức khỏe của tôi. Tôi thích ăn ngon nhưng không bao giờ để cho mình trúng thực. Tôi là người nóng tánh nhưng tôi học cách kiểm soát bản thân để từ đó đỡ ăn năn, hối hận.
* Như vậy chưa bao giờ trong đời Giáo sư si mê trong tình yêu?
- Cũng có một đôi lần nhưng chỉ kéo dài trong một vài tháng và tôi vẫn tìm lý lẽ để tôi có thể trọn trong tình yêu. Sau một thời gian, tôi suy nghĩ và thấy rằng cái vui trong chốc lát không thể đổi được cái buồn về sau cho mình và cho bao nhiêu người khác nên tôi quyết định chấm dứt tình cảm đó.
* Giáo sư yêu bằng lý trí, còn những người phụ nữ của Giáo sư thì yêu bằng lý trí hay trái tim?
- Tôi thấy đa số họ yêu bằng trái tim, không có lý trí. Nếu tôi không vững tâm, tôi sẽ bị tình yêu say mê ấy kéo vào chỗ mất lý trí. Nhờ vậy mà đến bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận vì một tình yêu nào hay vì chấm dứt một tình yêu nào. Tất cả mọi chuyện tôi đều có suy nghĩ kỹ, mục đích trên đời của tôi không phải là tình yêu đôi lứa. Tôi chỉ yêu một chuyện là âm nhạc.
Nhưng ngay cả yêu âm nhạc tôi cũng có lý trí. Thí dụ như khi nghe nhạc Ấn Độ, tôi thấy rất thích thú vì có rất nhiều chuyện hay, nhưng không vì thế mà tôi quên đó là nhạc của người, không bỏ âm nhạc Việt Nam để đi theo âm nhạc Ấn Độ. Vì vậy, tôi nghe bao nhiêu nhạc hay mà chỉ muốn tìm cái hay trong đó để làm giàu cho âm nhạc Việt Nam chớ không phải để thay thế cho âm nhạc Việt Nam.
* Có bao giờ Giáo sư nghĩ rằng khi mình dùng tình yêu lý trí để đối lại những tình yêu bằng trái tim thì những người phụ nữ của Giáo sư sẽ đau lòng?
- Tôi nghĩ rằng họ không đau lòng mà chỉ có thể là không thỏa mãn và thất vọng. Với những người yêu say mê bằng trái tim, khi tôi nói chuyện theo lý trí, chỉ cho họ thấy rằng nếu tình cảm tiếp diễn thì người đó có thể thỏa mãn nhưng gia đình có thể không bằng lòng và cả xã hội không tán đồng, thì họ giựt mình, thức tỉnh và hiểu ra đâu là điều phải. Nhiều lần họ quyết định đi theo con đường tôi vạch ra.
Nhiều người phụ nữ đến với tôi bằng tình yêu của trái tim nhưng thật ra họ vẫn có lý trí khi có người khơi ra cho họ. Tôi đã cảm hóa được nhiều người như vậy.
* Thưa Giáo sư, nhưng sự đổ vỡ nào cũng để lại vết thương lòng…
- Có đau lòng nhưng không đau lòng lắm. Vì chúng tôi chia tay rồi nhưng vẫn xem nhau như bạn bè. Nguyên tắc của tôi từ trước đến nay là không bao giờ để cho nỗi buồn xâm lấn tôi quá 5 phút. Tôi sẽ làm việc để quên buồn. Xong công việc rồi thì có thể tôi lại buồn 5 phút nữa. Mình là con người chớ không phải vật vô tri vô giác nên không thể không buồn. Nhưng không thể để cái buồn chi phối đến tê liệt, mất cả tinh thần làm việc.
Phần nhiều tôi lấy công việc để chi phối cái buồn. Một cách khác để tôi vượt qua nỗi buồn là đờn, thay vì than bằng tiếng nói, tôi than bằng tiếng đờn. Tôi cũng trút nỗi buồn vào thơ. Đờn và thơ giúp tôi vơi nhẹ nỗi lòng.
* Vậy theo Giáo sư, thế nào là một tình yêu đôi lứa đích thực?
- Tôi yêu cũng rất say mê nhưng không yêu điên, yêu dại, không yêu đến quên tất cả. Tình yêu của tôi có sự kiểm tra của lý trí, vì vậy, đó là tình yêu sáng suốt, đích thực trong suy nghĩ của tôi. Tôi biết, có thể tình yêu ấy chưa phải là tình yêu trọn vẹn, đích thực trong suy nghĩ của một số bạn trẻ.
* Thưa Giáo sư, những yếu tố nào đắp xây nên quan niệm sống "luôn để lý trí làm chủ" của Giáo sư?
- Yếu tố thứ nhứt là giáo dục của gia đình. Cô Ba của tôi luôn dặn tôi rằng có việc gì cũng cần xem xét cẩn trọng, đừng để có những phản ứng ra ngoài sự kiểm soát của lý trí. Cô cũng dặn khi thương yêu ai thì hãy chân thật nhưng không si mê. Người khác khi đã yêu thì thường xem "trái ấu cũng tròn" nhưng với tôi thì người tôi yêu mà làm sai thì tôi biết đó là sai. Tình yêu không thể làm tôi không nhìn thấy bộ mặt chân thật của con người và cuộc đời.
Yếu tố thứ nhì là tôi chịu ảnh hưởng bởi quan điểm trung dung của Đức Khổng Tử, tức không có gì quá sức hết thảy. Trong âm nhạc, Khổng Tử nói: "Ai nhi bất thương/ Lạc nhi bất dâm", tức là buồn nhưng không để bi lụy, vui không để mất cả lễ độ, và ngoài đời cũng vậy.
Tôi không bao giờ vui đến mức thái quá, mặc kết quả ra sao thì ra, cũng không bao giờ để cái buồn xâm nhập sâu vào tim đến mức làm mình tê liệt. Đó là quan điểm sống mà tôi đã chọn nên không bao giờ tôi phân vân, tiếc nuối.
* Thưa Giáo sư, người tình lý tưởng của Giáo sư là người như thế nào?
- Đó là người biết thương tôi vì tôi chứ không thương tôi vì người đó. Tức là biết trong lúc tôi say mê nghiên cứu thì để tôi bình yên và giúp đỡ công việc của tôi. Thứ nhì là người không ghen. Bởi tôi là người không ghen nên tôi không thích ai ghen.
Phần nhiều những phụ nữ yêu tôi đều có tánh ghen. Thí dụ như khi khán giả bày tỏ tình cảm với tôi, ôm tôi, tôi đáp lại bằng cái ôm, đó là một phép lịch sự, là tình đáp lại tình. Ghen vì điều đó thì tôi cho rằng quá hẹp hòi. Có người ghen mà nói ra thì tôi nể người đó và khi có khán giả nào vồn vã quá thì tôi làm cho bớt nồng nàn để cho người đó thấy tôi có sự cố gắng. Nhưng thật sự trong bụng tôi vẫn không được vui. Không phải vì ôm ai đó, hôn ai đó là tôi không thương người của tôi.
Người tình lý tưởng của tôi còn là người thông cảm với những cái tôi ưa. Tôi làm thơ thì người đó phải biết xướng họa thơ với tôi. Tôi biết đờn thì người đó phải biết ca và biết thưởng thức tiếng đờn của tôi. Nếu người đó có thể hòa đờn cùng tôi thì quá tuyệt vời. Ngoài ra, người đó phải nấu ăn ngon, may vá khéo.
Tôi không đặt cái đẹp lên hết thảy, nhưng ít nhất phải dễ coi. Tôi thích cái duyên hơn cái đẹp, cái duyên làm cho mình mến, mình muốn gần. Đó là cái quý của người phụ nữ.
Tôi có một chút lệch lạc là gương mặt người tình của tôi không đẹp cũng không sao, nhưng bàn tay, bàn chân mà xấu quá thì không được. Tự nhiên từ nhỏ đến giờ, tôi thích nhìn bàn tay, bàn chân đẹp. Thí dụ khi nhớ về bạn bè của mình, tôi nhớ người đó và nhớ bàn tay, bàn chân của người đó. Hễ người nào mà có bàn tay, bàn chân đẹp thì tự nhiên tôi thấy thương, thấy thích, thấy muốn nói chuyện với người đó.
Bàn tay đờn, nấu ăn, âu yếm, vuốt ve, may vá... bàn tay rất quan trọng trong suy nghĩ của tôi. Còn bàn chân thì gắn với những bước đi uyển chuyển.
Nếu người tôi thương quá mà có bàn chân méo mó thì vì tình thương tôi có thể bỏ qua, nhưng sẽ năn nỉ người đó mang đôi tất để giấu bàn chân xấu đó.
* Thưa Giáo sư, ghen là một phần của tình yêu, một biểu hiện quen thuộc của phụ nữ khi yêu, Giáo sư không thông cảm sao?
- Tôi thông cảm nên khi người phụ nữ nào đến với tôi, tôi cũng nói trước là tôi không ghen và tôi không thích người ghen. Những người tôi thương thường rất đẹp và giỏi, thiên hạ cũng thường bày tỏ tình cảm với người ấy. Điều này không làm tôi ghen mà tôi còn hãnh diện, còn vui vì thiên hạ muốn được một chút tình thương của người đó còn tôi có trọn vẹn tình thương của người đó.
* Vậy Giáo sư đã tìm được người tình lý tưởng của mình trong đời thực chưa?
- Tôi biết là tìm được một người phụ nữ lý tưởng như vậy rất khó. Trong đời, có thể tôi đã tìm được, nếu được sống với nhau thì thật tuyệt vời, nhưng hoặc vì bệnh tật làm người đó sớm từ giã cõi đời hoặc người đó có nhiều việc phải làm cho gia đình, xã hội nên không đến với tôi được. Tôi không thể vì muốn có người đẹp ở bên mình mà làm cho người ấy không làm được những việc lớn hơn, cho nhiều người. Tôi phải bấm môi chia tay, nhường người đó cho gia đình, xã hội. Chia tay rồi nhưng tôi vẫn còn thương người đó rất nhiều. Sau đó, tình thương chuyển thành tình bạn, sâu sắc, đậm đà, vững chắc hơn.
* Sắp bước sang tuổi 90, nhưng Giáo sư không có một bàn tay phụ nữ chăm sóc. Giáo sư có bao giờ nghĩ về điều này?
- Khi đi dự đám cưới, người ta đi có đôi, tôi đi một mình và thấy hơi cô đơn. Có những người bạn hiểu cảm giác này của tôi. Có một anh bạn mời tôi dự đám cưới vàng. Sau khi hai vợ chồng nhận lời chúc mừng của khách, anh bạn bảo người vợ của mình đến ngồi bên cạnh tôi, trò chuyện và săn sóc tôi. Điều đó làm tôi cảm động vô cùng.
Bây giờ, tôi không còn mơ ước có một bàn tay phụ nữ săn sóc vì tôi biết có nhiều nguyên nhân làm điều ấy không thể thực hiện, dầu thực tế có những người muốn đến với tôi. Tôi hiểu rằng bây giờ có một người đến với mình mà không gây xáo trộn trong gia đình là điều không dễ.
Bù lại, tôi có những người giúp việc tử tế, có những học trò chăm lo cho tôi, giúp đỡ tôi trong mọi chuyện. Tôi thấy trời đất không cho tôi một người mà cho tôi nhiều người. Như vậy là đủ để đổi lấy cái tình đôi lứa.
* Có bao giờ Giáo sư thấy mình vì sự nghiệp và quên mất hạnh phúc cá nhân?
- Với tôi, sự nghiệp và hạnh phúc cá nhân đi đôi, vì thành công trong sự nghiệp đã là hạnh phúc. Và hạnh phúc ấy rất đậm đà, không thua gì hạnh phúc có người yêu ở bên.
Âm nhạc là một người tình không bao giờ phản bội tôi, lúc nào cũng có thể ở bên tôi, chia sớt buồn vui với tôi, để từ đó tôi thương đất nước, con người Việt Nam. Khi thành công trong âm nhạc thì tôi đã thấy mình hạnh phúc trong đời.
Có người phụ nữ đã hỏi tôi rằng: "Mổ trái tim anh ra thì thấy gì trong đó?".
Tôi không nói dối rằng: "Mổ trái tim anh ra thì có hình ảnh em" mà trả lời chân thật rằng: "Mổ trái tim anh ra thì có hai chữ âm nhạc và hai chữ Việt Nam". Người đó nghe vậy nhưng không buồn vì người đó biết tôi thích làm gì, lý tưởng của tôi là gì.
Tôi không nói dối vì khi người nghe nhận thức được đó là lời nói dối thì sẽ không còn tôn trọng tôi nữa.
Một người đã viết cho tôi bài thơ về tôi:
Một phút yêu nhau có thể lưu sầu vạn kiếp Bao hồng nhan tri kỷ thoáng mây bay Nhạc trà thơ là tình yêu thắm thiết
Riêng quê hương chiếm trọn trái tim này.
Tôi họa vận:
Thật không ngờ đã lưu sầu vạn kiếp
Cánh chim bằng chưa mỏi vẫn còn bay
Vì quê hương quên tình yêu thắm thiết
Cảm ơn người thấy rõ trái tim này.
* Hạnh phúc cá nhân trong suy nghĩ của nhiều người có hình ảnh của gia đình, vợ con…
- Đến bây giờ, tôi vẫn thấy rằng tôi không hoàn toàn hạnh phúc trong đời sống gia đình nhưng so với một số người, tôi thấy mình vẫn hạnh phúc. Thí dụ như tôi và mẹ mấy đứa con tôi dầu chia tay rồi vẫn xem nhau như hai người bạn thân, mỗi lần gặp nhau là vui. Tôi có con trai Trần Quang Hải đi theo con đường nghiên cứu âm nhạc. Như vậy là quý quá rồi! Các con trai, con gái đều thương tôi theo cách của các con. Con mình mà thương mình là hạnh phúc. Các dâu, rể của tôi đều hiền hậu và thương yêu tôi. Tôi chỉ tiếc là tôi không thể ở bên cạnh các con nhiều để nhìn thấy sự trưởng thành của con. Thí dụ như tôi gặp con gái Thủy Ngọc lần đầu là khi con đã 19 tuổi. Lâu lâu nhớ lại điều này, tôi buồn và cố gắng thương yêu con nhiều hơn để bù đắp lại.
* Giáo sư xem âm nhạc là người tình lớn nhất, có bao giờ Giáo sư hối hận vì điều đó?
- Không bao giờ tôi hối hận vì chưa bao giờ âm nhạc làm tôi khổ. Nếu nói vì sự nghiệp âm nhạc mà tôi không chu toàn vai trò làm chồng làm cha, thì tôi thấy rằng, có biết bao nhiêu người vì lý tưởng mà bỏ nhà đi làm chánh trị, đem lại độc lập cho dân tộc, vợ ở nhà phải hiểu và lo cho con. Nếu vợ không làm được điều đó thì chưa làm tròn vai trò làm mẹ, làm vợ.
Nếu tôi xa gia đình để vui chơi thì tôi ân hận, nhưng tôi xa gia đình vì sự nghiệp thì tôi không ân hận, tôi nghĩ rằng đó là cái giá mình phải trả. Nhưng tôi đã cố gắng thực hiện phận sự với gia đình trong điều kiện, khả năng của mình. Trong thời gian ở Pháp, dầu tôi không có tiền nhiều nhưng tôi vẫn cố gắng gởi tiền về cho gia đình, mua các món đồ chơi cho các con, thu âm vào dĩa để nói chuyện với con, hát cho con nghe hai ba bài… Đó là tối đa những gì tôi có thể làm. Nếu tôi vì phận sự làm cha mà bỏ mất nhiệm vụ với xã hội thì chừng đó, cái tiếc vì không thể giúp cho xã hội còn hơn cái tiếc đã không làm tròn phận sự làm cha.
* Giáo sư đã nói về sự đánh đổi, về cái giá phải trả khi toàn tâm toàn ý với sự nghiệp âm nhạc, Giáo sư có thấy đó là cái giá đắt?
- Tôi không thấy đó là giá đắt vì tôi xây dựng được sự nghiệp âm nhạc và khi trở về gia đình thì các con tôi đều ngoan, đều thương yêu, kính trọng tôi. Ngược lại, nếu con hư thì chắc tôi sẽ ân hận lắm. Tôi thấy sự đánh đổi đó chỉ làm tôi thiệt thòi một phần ít nhưng tôi đã làm được nhiều điều. Tôi cho rằng như vậy thì đáng đánh đổi.
* Liệu có một sai lầm nào trong đời làm Giáo sư day dứt đến tận bây giờ?
- Đó là khi cô Ba tôi bị bịnh lao, muốn gặp con trai của tôi là Trần Quang Hải một lần trước khi ra đi mãi mãi nhưng tôi đành phải trì hoãn vì tôi quyết định không thể vì tôi muốn làm tròn chữ hiếu mà làm ảnh hưởng đến tương lai của vợ và con tôi. Cô Ba ra đi mà chưa một lần được gặp cháu Hải. Tôi thất hiếu với cô chỗ đó nhưng đổi lại, tôi đã dựng nên hai cuộc đời rất tốt. Các bạn có thể đọc được câu chuyện này ở chuyện Cố gắng ứng đối trọn vẹn với người trong cuốn sách này.
* Ở tuổi 90, Giáo sư luyến tiếc nhất điều gì chưa làm được?
- Tôi không luyến tiếc nhưng buồn vì đã đem hết sức, tìm đủ cách nhưng vẫn chưa đưa được âm nhạc dân tộc vào học đường. Thứ nhì là tôi có phương pháp dạy âm nhạc dân tộc cho trẻ em được rất nhiều người hoan nghinh nhưng chưa thể phổ biến rộng rãi vì điều đó vượt quá tầm tay của tôi.
Cũng vì vậy mà tâm nguyện lớn nhất của tôi là đem âm nhạc dân tộc vào học đường, âm nhạc dân tộc có vị trí xứng đáng trong trường nhạc, người làm âm nhạc có thể sống với âm nhạc, được xã hội tôn trọng nhiều hơn nữa. Tôi cũng cố gắng làm cho nhiều người, nhứt là những người có thẩm quyền hiểu được sự ích lợi của phương pháp sư phạm tôi đề nghị để dạy âm nhạc dân tộc cho trẻ em.
* Với những bạn trẻ chưa yêu âm nhạc truyền thống, Giáo sư muốn nói gì với họ?
- Vì hoàn cảnh mà thanh niên quay lưng với âm nhạc truyền thống, hào hứng chào đón nhạc của người. Lỗi không tại thanh niên mà là lỗi tại xã hội, cụ thể là chánh sách về âm nhạc truyền thống chưa được chặt chẽ để có thể giữ con người không vọng ngoại âm nhạc.
Không đưa âm nhạc vào học đường thì con trẻ không thể tiếp cận được. Chính nhiều bậc cha mẹ cũng vì bận rộn mưu sinh mà quên giáo dục con âm nhạc dân tộc. Nhiều người say mê với hình thức bên ngoài mà quên mất nội dung bên trong, vì vậy mà sẵn sàng bỏ tiền đi xem các ca sĩ nước ngoài hát dầu không hiểu tiếng của họ mà chỉ vì ca sĩ đẹp trai. Trong khi đó, có người có giấy đi xem âm nhạc dân tộc miễn phí cũng không đi.
Trong các cuộc nói chuyện về âm nhạc, tôi luôn nhấn mạnh rằng: Nước Việt Nam là nước độc lập, âm nhạc Việt Nam là âm nhạc độc lập, là chủ nhà. Chúng ta có thể mở cửa đón âm nhạc nước ngoài nhưng đó chỉ là những vị khách, khách thì phải ở phòng khách, khách tới nhà chơi vài bữa rồi về chớ không phải ở nhà mình luôn và ngồi vào cả bàn thờ của ông bà tổ tiên để thanh niên quỳ lạy. Đó là điều không thể được. Mình phải rạch ròi vị trí chủ và khách. Khi mình tôn trọng âm nhạc của người, coi thường âm nhạc của mình cũng giống như đẩy bàn thờ ông bà ra ngoài rồi quỳ lạy người đem nhạc nước ngoài vào nước ta.
Các bạn cứ chơi âm nhạc của người nhưng đừng quên âm nhạc Việt Nam. Tôi là người có thể biểu diễn âm nhạc nước ngoài rất hay nhưng tôi luôn nhớ rằng đó chỉ là trò chơi và không mang lại ích lợi gì cho âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam mới là nghệ thuật mà tôi phụng sự.
Bạn hãy nghĩ rằng âm nhạc Việt Nam như cơm chúng ta ăn, không cơm chúng ta đói; như nước chúng ta uống, thiếu nước chúng ta khát. Thỉnh thoảng chúng ta thích ăn bún, bánh mì, ớt cho ngon miệng, uống rượu cho vui, nhưng có ai có thể lấy ớt thay cơm, lấy rượu thay nước?
Nếu bạn xem âm nhạc dân tộc cần thiết như cơm ăn, nước uống thì bạn sẽ có thái độ trân trọng hơn với âm nhạc Việt Nam. Từ trân trọng bạn sẽ đi đến chỗ tìm hiểu, hiểu rồi thì sẽ thương, sẽ yêu, sẽ quý âm nhạc Việt Nam.
* Với những bạn trẻ lựa chọn âm nhạc truyền thống làm sự nghiệp, Giáo sư có điều gì muốn nhắn nhủ với họ?
- Đã chọn con đường này thì phải sống như người đi tu. Tức là phải hy sinh tất cả, sống vừa đủ, không sung sướng, không cần nhứt định phải ăn ngon, mặc đẹp. Thật không dễ để có được những người như thế. Chọn lựa âm nhạc truyền thống làm sự nghiệp là một chọn lựa khó khăn. Khi thấy cuộc sống của mình không bằng người ta thì cũng đừng so sánh mà buồn mà tủi. Nếu còn đủ ăn, đủ mặc thì hãy cho là đầy đủ và sống cho âm nhạc. Các bạn đừng ngã lòng, đừng bị lôi kéo bởi những cái hào nhoáng bên ngoài. Chặng đường các bạn đã chọn sẽ có nhiều bão tố, các bạn hãy cố gắng lèo lái để đi tới thành công.
* Giáo sư từng tâm sự rằng một trong những lo lắng của Giáo sư là về thế hệ tiếp nối Giáo sư truyền lửa yêu âm nhạc cho bạn trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, Giáo sư có lạc quan hơn về điều này không?
- Tôi biết rằng không thể có một người truyền lửa như tôi, vì trời sanh tôi ra trong gia đình âm nhạc, được thai giáo bằng âm nhạc, tôi say mê với âm nhạc, trong lúc khó khăn âm nhạc giúp tôi mưu sinh, âm nhạc mang lại cho tôi vinh dự, đi khắp năm châu bốn biển để biểu diễn.
Những người tiếp tục hành trình quảng bá âm nhạc dân tộc của tôi là nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan ở miền Nam và em Phạm Thị Huệ ở miền Bắc, bên cạnh đó còn có nhiều học trò khác. Tôi rất lạc quan khi nhìn vào thế hệ này nhưng cũng lo vì đội ngũ này chưa hơn một chục người. Nhưng tôi nghĩ lại, khi thế hệ này vững chắc thì sẽ thu hút thêm nhiều người nữa để tiếp tục hành trình này.
Quỹ thời gian của tôi còn rất ít, tôi tiết kiệm từng phút để có thể làm được những việc có ích cho âm nhạc, văn hóa Việt Nam. Tuổi già sức yếu tôi vẫn ráng tham dự những buổi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Một mặt tôi bảo trọng sức khỏe, một mặt đem hết sức mình để cống hiến cho âm nhạc, văn hóa Việt Nam đến phút cuối cùng.
* Giáo sư nghĩ rằng trong 50 năm hay 100 năm nữa, khi nhắc đến cái tên Trần Văn Khê thì người ta sẽ nghĩ về điều gì?
- Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ nghĩ tôi là một người lạ lùng! Vì ít có ai từ sống đến yêu đến ăn uống mà không hề nghĩ cho bản thân mà chỉ nghĩ cho âm nhạc Việt Nam, và dành cả cuộc đời để giới thiệu âm nhạc "sâu trong dân và rộng khắp năm châu".
Mọi người cũng có thể nghĩ rằng tôi là một người rất may mắn vì sanh trong gia đình âm nhạc, trời phú cho nhiều khả năng đờn được, hát được, nói thuyết phục, hình dáng bên ngoài phù hợp cho việc đứng nói chuyện trước mọi người.
Hay mọi người cũng có thể nghĩ rằng tôi là cây đại thụ với sức phi thường, che chắn cho âm nhạc Việt Nam để âm nhạc Việt Nam không bị gió cuốn, không bị nước biển kéo đi.
Thật ra tôi chỉ là người bình thường với tình yêu vô biên dành cho âm nhạc dân tộc Việt Nam.
* Trân trọng cảm ơn GS.TS Trần Văn Khê vì cuộc trò chuyện này! Kính chúc Giáo sư nhiều sức khỏe!
Nhà báo Đào Trung Uyên thực hiện